- Hơn 140 km, nhưng tình hình giao thông không tốt, ba tiếng chưa chắc đã về đến nơi.
Giang Băng Lăng mệt mỏi lắc đầu:
- Vốn dĩ mới về không bao lâu, nhưng trong nhà lại bảo về bàn bạc một chuyện. Tôi đã nói có gì cần bàn đâu, việc đều do nội bộ nhà máy cùng cấp trên quyết định, anh là một công nhân bình thường, thì cứ thuận theo là được, cần gì để tâm nhiều như vậy làm gì?
- Ồ, cha mẹ chị Giang có vấn đề gì sao?
Dù sao cũng không có việc gì làm, Lục Vi Dân liền cùng Giang Băng Lăng nói chuyện phiếm. Cùng một người vừa xinh đẹp vừa dịu dàng quyến rũ nói chuyện phiếm, quả thực là một kiểu hưởng thụ.
- Nội bộ nhà máy hiện tại đang xôn xao, nói cấp trên có chính sách, xí nghiệp sẽ chuyển từ núi ra, không chừng sang năm sẽ xác định. Tôi nói chuyện này đâu có vài ngày là có thể quyết định chắc chắn? Dưới một năm rưỡi thì đừng nghĩ đến, chuyển đi đâu? Làm thế nào để chuyển? Là chuyển toàn bộ hay là chuyển bộ phận? Nếu chỉ là chuyển bộ phận, thì ai nên ở, ai nên đi?
Giang Băng Lăng cũng thấy rất phiền lòng. Mọi người trong nhà ngoài mình ra, cha mẹ, em trai đều làm việc tại nhà máy cơ khí Trường Phong, đều là chuyển đến xí nghiệp công nghiệp quân sự ở vùng núi Tam Tuyến. Hiện giờ có cơ hội chuyển ra, hơn nữa có khả năng được chuyển đến thành phố, tất cả mọi người đều rất phấn chấn, ai ai cũng chờ mong.
- Ồ? Nhà máy cơ khí Trường Phong sắp chuyển ra?
Lục Vi Dân chợt hiểu ra. Gia đình Giang Băng Lăng hình như là ở nhà máy cơ khí Trường Phong, mà xí nghiệp công nghiệp quân sự ở vùng núi Ứng Lăng này và địa phương cũng không có nhiều liên hệ.
Trong trí nhớ, nhà máy cơ khí Trường Phong thực sự là được chuyển ra vào năm 1992. Các nhà máy công nghiệp quân sự được xây dựng ở vùng núi đều là được di dời từ vùng duyên hải hoặc xây dựng từ những năm sáu mươi và bảy mươi, khi chuẩn bị cho chiến tranh. Nó có quy mô không nhỏ, nhà máy có quy mô hàng ngàn người xây dựng ở sâu trong núi, tương đương với một cơ sở sản xuất then chốt. Xung quanh các xí nghiệp này còn có một số cơ sở hỗ trợ đời sống, bệnh viện, trường học, và chợ. Nó cũng bao gồm vấn đề việc làm trong tương lai cho con cái của những nhân viên này.
Theo tiến trình cải cách và mở cửa bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, bất kể là xí nghiệp quốc doanh hay là xí nghiệp công nghiệp quân sự, thì việc cần thiết nhất phải làm là từng bước thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường. Việc quân sự chuyển thành dân sự cùng hình thức sản xuất phối hợp quân sự và dân sự đã dần trở thành một đề tài không thể lảng tránh. Mà tình hình thực tế bị hạn chế trong vùng núi, những xí nghiệp ở vùng núi này không những bị hạn chế về thông tin, còn cả giao thông và điều kiện cuộc sống của công nhân viên chức, trong việc phát triển này cũng phải chịu rất nhiều hạn chế… Mà trong điều kiện khi các nhân tố đe dọa bên ngoài đã càng ngày càng xa, chính quyền trung ương đã ra chính sách cho phép các xí nghiệp đủ điều kiện chuyển ra sẽ trở thành một sự lựa chọn.
- Ừ, cũng đồn đại được một hai năm rồi. Nhưng mà lần này nghe nói bên trên cuối cùng đã có chính sách đồng ý cho nhà máy Trường Phong chúng tôi chuyển đi.
Giang Băng Lăng vừa vì nghe nhà máy Trường Phong có thể chuyển ra mà cảm thấy vui mừng, cũng vì những chuyện mà nếu mọi người chuyển ra sẽ phải đối mặt mà cảm thấy phiền lòng.
- Chuyển đi đâu?
Lục Vi Dân hơi động lòng.
- Hiện tại còn chưa biết. Trong nhà máy hình như cũng chưa xác định rõ. Nghe đâu sẽ chuyển đến thị trấn Ứng Lăng . . . Cũng có người nói sẽ chuyển đến Lê Dương, còn có tin là sẽ chuyển đến Côn Hồ. Nghe nói nhà máy cơ khí Phương Bắc ở Bác Bắc cũng sẽ chuyển đi giống như nhà máy Trường Phong chúng tôi.
Giang Băng Lăng thấy Lục Vi Dân dường như rất hứng thú với đề tài này.
- Sao thế, tiểu Lục, anh cũng có người thân ở nhà máy Trường Phong sao?
- Không, không có. Chẳng qua gia đình tôi là ở nhà máy 195 của Xương Châu. . . Cho nên tôi rất có cảm tình đối với những xí nghiệp công nghiệp quân sự. Thế hệ con người này vì yêu cầu của đất nước, làm việc, sinh sống ở vùng núi trong mấy chục năm. . . Không ít người làm việc cho đến khi nghỉ hưu, chẳng phải nói là, họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, hiến cả con cái, nên cho bọn họ chuyển ra ở trong thành phố sống sung sướng hưởng phúc.
Lục Vi Dân rất xúc động nói:
- Cha mẹ chị Giang đều ở nhà máy Trường Phong, bọn họ chắc cũng rất hy vọng nhà máy được chuyển ra?
- Thế không phải là tốt sao? Cả gia đình tôi đều ở trong nhà máy, hiện tại lại bế tắc, giao thông cũng bất tiện, trong núi chỉ có một con đường duy nhất thông đến thị trấn Ứng Lăng, điều kiện chữa bệnh và giáo dục trong nhà máy cũng không tốt. . . Tôi học ở trường dành cho con em công nhân, vào được trường dạy nghề đã là khá lắm, nhưng muốn đến trường trung học ở thị trấn Ứng Lăng theo học, huyện còn tài trợ cho nhà máy một khoản tiền mới được. Hàng năm trong nhà máy cũng thật sự không thoải mái với thị trấn Ứng Lăng.
Giang Băng Lăng có chút xúc động nói:
- Cha mẹ tôi tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu. . . điều kiện chữa bệnh ở địa phương cũng tốt hơn xưa một chút, nhưng nếu có thể chuyển ra đương nhiên là một chuyện tốt. Cũng không biết chuyện này cuối cùng có thể thành hay không?
Nhà máy Trường Phong vốn là thuộc Bộ công nghiệp Cơ khí số 2, mà nhà máy cơ khí Phương Bắc ở Bác Bắc hình như cũng thuộc loại đó, hiện tại đều thuộc về tổng công ty binh khí công nghiệp Trung Quốc trong Bộ công nghiệp điện tử cơ khí. Tình hình hai nhà máy này đa phần là giống nhau, về cơ bản đều chuyển đến Lê Dương này và xây dựng lên trong cùng một thời kỳ.
Trong ấn tượng của Lục Vi Dân, những xí nghiệp này có rất ít liên hệ với địa phương, thậm chí là có kiểu cả đời không qua lại với nhau. Hơn nữa một số chính quyền địa phương cũng xử lý quan hệ với các nhà máy này không tốt, chẳng hạn như thị trấn Ứng Lăng và nhà máy Trường Phong chính là một kiểu mẫu khá điển hình.
- Tôi nghĩ không đến mức không có căn cứ mà đồn, chẳng qua điều này chắc chắn phải có một quá trình, nhất là lựa chọn dời đến địa phương nào xem ra cũng cần suy xét thận trọng. Có điều cá nhân tôi cho rằng chuyển đến huyện có lẽ không thật thích hợp, ít nhất cũng nên phải đến những nơi như Lê Dương hay Phong Châu?
Lục Vi Dân vừa suy tư vừa thuận miệng nói:
- Chí ít đến cấp địa khu, sau này địa khu đổi thành thành phố cấp ba, coi như là ở giữa thành phố, mọi loại điều kiện tài nguyên xã hội cũng nhất định phải theo kịp, không thể so sánh với thị trấn.
- Ừ, nghe nói sẽ chuyển đến thị trấn Ứng Lăng. Mọi người trong nhà máy đều phản đối, cảm thấy từ vùng núi hẻo lánh đến thị trấn chỉ hơn mười dặm, ý nghĩa không lớn, muốn chuyển phải chuyển đến thành phố Lê Dương hoặc là Lạc Môn, Côn Hồ. Đây cũng là việc có lợi cho sự phát triển của nhà máy.
Giang Băng Lăng cũng đồng ý với quan điểm Lục Vi Dân. Thành phố và thị trấn là hai khái niệm khác nhau, nhất là về triển vọng phát triển càng có sự chênh lệch vô cùng lớn.
Trong nhà máy không ít người đều hy vọng được chuyển đến Lê Dương. Ở Côn Hồ điều kiện tuy rằng tốt hơn, nhưng chi phí di chuyển nhất định cũng sẽ lớn hơn rất nhiều so với đến Lê Dương. Mà suy xét cho triển vọng phát triển của nhà máy Trường Phong sau này, nghe nói nhà máy Trường Phong cũng hy vọng được chuyển đến một nơi có điều kiện giao thông tốt hơn, Lê Dương chắc chắn là một lựa chọn khá tốt. Nhất là còn nghe nói đường sắt Kinh Cửu sẽ đi qua Lê Dương.
Lục Vi Dân biết rằng trong kiếp trước, nhà máy Trường Phong cuối cùng lại lựa chọn tới Lạc Môn. Nghe nói lúc ấy Bí thư Địa ủy Lạc Môn và Bí thư Đảng ủy nhà máy Trường Phong là chiến hữu có quan hệ rất thân thiết. Trong tình huống Lạc Môn nhiệt tình mời, cuối cùng nhà máy Trường Phong quyết định ở lại Lạc Môn.
Sau khi thành công trong việc thực thi chiến lược quân sự chuyển thành dân sự, nhà máy Trường Phong ở thời kỳ đầu thế kỷ hai mươi mốt nhanh chóng thực hiện doanh nghiệp lên thị trường, trở thành thiết bị vệ tinh đứng nhất nhì cả nước. Xí nghiệp sản xuất cáp điện sợi quang học cùng với thiết bị mạng cũng trở thành xí nghiệp mang tính trụ cột của thành phố Lạc Môn.
Mà Bí thư Thành ủy Lạc Môn sau đó thậm chí vài vị Phó chủ tịch tỉnh Xương Giang đều là các cán bộ trưởng thành từ nhà máy Trường Phong, cùng nhà máy Xương Châu 195 trở thành hai nhà máy điển hình có lãnh đạo xí nghiệp trở thành lãnh đạo địa phương. Còn nhà máy cơ khí Phương Bắc cuối cùng lại chuyển đến một huyện ngoại ô Xương Châu.
Lúc đó cho rằng hai xí nghiệp này vốn ở Lê Dương, nếu đã từ vùng núi chuyển đến thành phố, Lê Dương bất kể thế nào cũng sẽ có một xí nghiệp ngụ lại, nhưng thật không ngờ cả hai xí nghiệp đều không ngụ lại Lê Dương.
Nghe nói lúc ấy ở Lê Dương có không ít xí nghiệp quốc doanh kinh doanh gặp khó khăn, Ủy ban nhân dân vì giải quyết những vấn đề khó khăn của các xí nghiệp này mà gánh vác không ít gánh nặng. Nhà nước lại từng bước thực thi quyết sách chiến lược phân tách chính trị và xí nghiệp, bắt đầu buông tay đối với xí nghiệp, khuyến khích xí nghiệp đi theo hướng thị trường. Còn Địa ủy Lê Dương lo lắng sau khi nhà máy Trường Phong và nhà máy Phương Bắc đến, một khi nhà máy kinh doanh hiệu quả không tốt, sẽ mang đến cho địa khu Lê Dương gánh nặng lớn hơn nữa. Nỗi lo lắng này cũng chính là vấn đề mà Địa ủy Lê Dương do dự, cuối cùng làm cho hai nhà máy này không thể ở lại nơi vốn là lựa chọn hàng đầu là Lê Dương.
Hai người lại chuyện trò thêm vài câu, Lục Vi Dân cũng hỏi tình hình hiệu quả và lợi ích hiện tại của nhà máy Trường Phong. Giang Băng Lăng cũng không thật hiểu rõ về tình hình của nhà máy, nhưng từ tình hình thu thập, phải nói nhà máy Trường Phong bây giờ không tồi, so với những cơ quan hành chính của địa phương cũng lớn mạnh hơn nhiều. Mà ở địa phương thì doanh thu của các xí nghiệp nhà nước lại càng không thể so sánh với với nhà máy công nghiệp quân sự quốc doanh.
Nếu nói nhà máy Trường phong thật sự chuyển ra khỏi ngọn núi Ứng Lăng, như vậy Phong Châu có thể nói là một lựa chọn hay không?
Lục Vi Dân bị tin tức bất ngờ này khuấy động, nảy ra một số ý tưởng khác biệt. Phong Châu hiện tại phải đối mặt với thách thức cực lớn của quá trình chuyển đổi đô thị hóa và công nghiệp hoá. Nếu nói đô thị hóa thì còn có quy tắc, có thể theo thứ tự từ từ tiến hành, nhưng công nghiệp hoá thì là một vấn đề nan giải nhất bày ra trước mắt.
Ở một huyện nông nghiệp không hề có nền tảng công nghiệp huyện phải thực hiện chuyển đổi từ huyện nông nghiệp lên thành phố công nghiệp, trước khi cải cách mở cửa, về cơ bản đều là do tài chính nhà nước đầu tư để xúc tiến xây dựng hệ thống công nghiệp của một địa phương.
Hiện nay chính sách quốc gia đã có thay đổi, rõ ràng đã đề cập không khuyến khích chính quyền địa phương các cấp trực tiếp tham gia đầu tư xí nghiệp loại công nghiệp như chế tạo, mà chủ yếu là thông qua chính sách để hướng dẫn và khuyến khích công thương nghiệp phát triển.
Hơn nữa ở địa khu Phong Châu mới xây dựng còn vô cùng nghèo khó này, nếu muốn thực hiện một bước nhảy vọt từ huyện nông nghiệp thành thành phố công nghiệp, làm thế nào để thu hút đầu tư nhắm phát triển công thương nghiệp, cần phải có một chiến lược quy hoạch mang tính tổng hợp. Hơn nữa chiến lược quy hoạch này còn cần có biện pháp cùng sách lược cụ thể để thúc đẩy triển khai.
Ngoại trừ lợi dụng chính sách nhẹ tay để khuyến khích phát triển công thương nghiệp trong nhân dân và thu hút đầu tư ra, Lục Vi Dân cho rằng việc lợi dụng chính sách nhà nước để điều chỉnh, nhà máy công nghiệp quân sự quốc doanh cỡ trung và lớn chuyển ra có thể là một cơ hội hiếm có. Nó chắc chắn là sự trợ giúp vô cùng đắc lực đối với một thành phố đang ở trong thời kỳ đặc thù chuyển nhanh từ thị trấn nông thôn thành các thành phố công nghiệp như Phong Châu. Để xem có thể nắm bắt được cơ hội này hay không.
Lục Vi Dân đương nhiên cũng biết muốn để những nhà máy công nghiệp quân sự như nhà máy Trường Phong và nhà máy Phương Bắc ngụ lại Phong Châu, những vấn đề sẽ gặp phải chắc chắn rất nhiều, độ khó khăn cũng chắc chắn sẽ vượt cả tưởng tượng, nhưng đây thực sự là một cơ hội.
Vẫn là câu nói đó, anh không thử, làm sao biết có thể làm được hay không?
Hơn nữa, hiện tại với vị trí đặc biệt là thư ký cho Hạ Lực Hành, Lục Vi Dân cũng thấy mình hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội, phát huy hiệu quả khác biệt, thậm chí thay đổi cả lịch sử.