Hoàng Hà Quỷ Quan

Chương 8: Tiến vào thôn quỷ




Dịch giả: Trấn Hà Ấn.
Điểm chính yếu nhất bây giờ đó là trên người tôi vốn không còn nhiều tiền, năm ngàn đồng kia là của người nhà Vương Toàn Thắng, tôi không thể xài, nếu như mang hắn đi theo vậy thì chi tiêu trên đường sẽ phải dè sẻn rồi.
Tôi suy đi tính lại hồi lâu cũng gật đầu đồng ý, Thiếu Gia mừng không kể xiết, lập tức gọi nhà bếp làm liền mấy món ngon chiêu đãi tôi.
Để cho kịp thời gian, việc đặt vé cũng giao luôn cho hắn, định giờ khởi hành xong hắn liền lập tức gõ bàn phím đặt vé online.
Không ai có thể ngờ, thứ chờ đợi chúng tôi phía trước lại là một cơn ác mộng.
Ngày hôm sau, chúng tôi ăn vận đơn giản, ngồi xe lửa lúc 4 giờ chiều tới Lâm Hà, huyện lị Lâm Hà có thể coi là khá phát triển, có nhà lầu, điện thoại, nhà nhà sáng đèn, có điều nếu mang ra so sánh với Thái Nguyên cảm giác đầu tiên sẽ là một trời một vực. Nguyên nhân chính là bởi vì ở đây không phát triển công nghiệp, canh tác nông nghiệp cũng vô cùng thô sơ, lạc hậu.
Lần này Thiếu Gia về đây cùng tôi có hai mục đích, một là muốn tôi giúp hắn thu mua ít đồ, thêm nữa là muốn học nghề của tôi, đồng thời muốn tôi nhượng lại chút ít bảo bối của Vương Toàn Thắng, tạo điều kiện cho hắn lần đầu làm ăn đã thắng quả. Dọc đường đi hắn cứ huyên thuyên luôn mồm, tôi vô cùng khó chịu liền nói với hắn đừng có hỏi bây giờ, đến lúc thu mua đồ tôi tự khắc sẽ dạy anh.
Sau khi đến huyện Lâm Hà, Thiếu Gia hỏi tôi có đi tìm mua đồ ở huyện lị không, tôi nói với hắn không cần lãng phí thời gian, tâm trí như vậy, mặc dù huyện ven sông này xưa kia có mộ cổ, hàng năm lũ Hoàng Hà ngập tràn có thể nhấn chìm một hai ngôi, có điều người dân huyện lị cũng như thôn dân ở ngoại ô đều khá sành sỏi trong việc mua bán đồ cổ, cho nên giá đồ cổ ở đây không mềm chút nào, trừ khi gặp được món đồ đặc biệt tốt, không thì cũng chẳng ai muốn thu mua. Chúng ta tới đây rồi, thu mua thì không cần có điều có thể đi dạo một chút, để cho anh tích lũy dần nghiệp vụ.
Vì vậy chúng tôi ở lại huyện lị một ngày, tôi đưa Thiếu Gia đi ngoại ô một chuyến, đông ngó một chút tây gõ gõ một tẹo, cùng hắn tán nhảm truyện lịch sử đồ cổ trên dưới năm nghìn năm, cũng coi như là bù lại chi tiêu dọc đường hắn bỏ ra.
Có điều kỳ lạ là, số điện thoại Vương Toàn Thắng viết ở phía sau vé xe lửa, tôi gọi rất nhiều lần nhưng đều không có ai nghe máy, để tiết kiệm thời gian tôi liền đến bưu cục địa phương, hỏi thử xem số điện thoại kia rốt cuộc có vấn đề gì, hi sinh một cái phong bì đỏ, lão già phát thư nói với chúng tôi, 6 số mở đầu không phải mã vùng của huyện lị này, mà là của một trấn nhỏ giáp với huyện lị bên bờ sông Hoàng Hà, nơi ấy gọi trấn Đông Hoa.
Trong lòng tôi thầm nhủ, thì ra là ở Núi Đông Hoa, vậy thì không nghe điện thoại, có thể là vì còn có nguyên nhân khác. Liền nói với Thiếu Gia chúng ta chuẩn bị chính thức khởi động thương vụ.
Đến trấn Đông Hoa không có xe lửa chỉ có xe đò loại nhỏ, xe đò người đông thành phần lại hỗn tạp, đồng thau trên người tôi giá trị không rẻ, mang theo lên xe có vẻ không ổn, tôi bèn trước tiên mang đồ ký gửi tại bưu cục, chỉ còn mảnh đồng thau không có giá trị kia, tôi sợ rằng có mang ký gửi người ta cũng không nhận, nên đành chui vào nhà cầu nhét nó vào bụng rồi mới lên xe.
Xe hơi chạy gấp trên đường núi, sóc long sòng sọc, không gian bên trong xe vốn đã chật hẹp, bây giờ tính cả tài xế tổng cộng lên tới mười bảy người, thêm một đống hành lý lớn nữa khiến cho không khí trong xe vô cùng ngột ngạt.
Đường đi còn dài, tôi tựa đầu vào cửa sổ, nhìn sườn núi bên ngoài, định ngắm phong cảnh một chút, có điều khu vực này hàng năm đều bị lũ Hoàng Hà rửa trôi, phần lớn đều bị phong hóa, nhiều chỗ đá núi bị sạt lở nghiêm trọng, sau khi lũ Hoàng Hà rút đi, cây cối cơ bản cũng không thể sinh trưởng nổi, ác tính tuần hoàn (sự việc biến chuyển liên tục ngày càng xấu), một năm lại một năm, cuối cùng cây cỏ chỉ còn lưa thưa, đất đai khắp nơi loang lổ khe rãnh, cảnh sắc mười phần nhàm chán.
Thiếu Gia ngược lại trên đường đi vô cùng hưng phấn, ngó đông ngó tây, buôn chuyện với người xung quanh, hỏi han chuyện Núi Đông Hoa.
Đồng hành trên xe có hai thương nhân cùng đi Núi Đông Hoa gom hàng, một mập một gầy, hai người đều rất thích tám chuyện. Bọn họ nói với chúng tôi, miền đồi núi Đông Hoa mặc dù hẻo lánh nhưng lại có đặc sản là một loại thảo dược, là bài thuốc nổi tiếng của người dân tộc thiểu số, có tác dụng rất tốt trong việc ức chế bệnh động kinh, có điều loại thảo dược này hàng năm chỉ mọc có một mùa nên vô cùng trân quý, hàng năm bọn họ cũng chỉ đến đây thu mua có một lần
Còn có ba người một giáo sư cùng hai sinh viên nghe nói là học ngành dân tục (phong tục tập quán dân tộc), để làm bài luận cho đại học, bọn họ phải đi tới các vùng thu thập tài liệu thực tế. Thiếu Gia cho rằng như vậy chẳng khác nào nhà nước cho đi du lịch, thật dễ khiến cho người ta ghen tị mà. Tôi nói với hắn làm khóa luận rất cực khổ, hơn nữa kinh phí để đi thực tế cấp cho bọn họ chẳng đáng là bao, có lúc còn phải bỏ tiền túi ra để mà làm, ghen tị cái nỗi gì, nếu không phải cực chẳng đã thì ai muốn đến cái vùng đất quê mùa, hoang hóa nghèo xơ xác này.
Mấy người nghe nói chúng tôi là thương nhân đồ cổ cũng rất tò mò, Thiếu Gia rất biết làm màu, chém gió khiến cho cả đám há hốc mồm miệng, sau lại rủ bọn họ đi cùng xem quy trình chúng tôi thu mua đồ cổ. Ban đầu tôi không đồng ý, song nghĩ lại đi cùng những người này có khi lại dễ dàng hoạt động hơn, hơn nữa trong số đó có một nữ sinh viên tên Vương Nhược vô cùng xinh đẹp, nháy mắt với tôi một cái, quả thực là rất khó từ chối mà.
Ngoài đám đó ra thì cơ bản đều là học sinh tiểu học, đi học trên huyện một tháng mới về nhà một lần, thời gian còn lại đều ở nội trú, điều này thì giống với với tôi hồi còn đi học, cho nên nhìn bọn nhỏ trong lòng tôi cũng trào lên cảm giác hoài niệm.
Sau khi xe bánh mỳ (một loại xe khách nhỏ của Trung Quốc) lắc lư trên đường núi được sáu giờ, cuối cùng chúng tôi cũng vào đến phạm vi trấn Đông Hoa (trấn là cấp đơn vị hành chính địa phương nhỏ nhất ở Trung Quốc, dưới trấn có thôn), dọc đường đi trên các sườn núi chúng tôi có thể lấy thấp thoáng mấy căn nhà lụp xụp, tôi biết ở những vùng núi xa xôi thế này, có khi chỉ cần vài hộ dân cũng hình thành một thôn.
Qua mấy biển hiệu cửa hàng xơ xác, phía sau xuất hiện rất nhiều nhà treo trân (là loại nhà lầu làm trên các cột gỗ chống vào sườn núi gần giống với nhà sàn của Việt Nam), bên cạnh đó phía xa xa là một góc Hoàng Hà. Mấy sinh viên đại học dường như chưa từng thấy loại phong cảnh này, ra sức chụp hình khiến cho những học sinh tiểu học kia cũng vô cùng tò mò.
Tôi nhủ thầm trong lòng, tình hình này quả thực rất tốt, chứng tỏ chỗ có điện thoại ở đây cơ bản không nhiều, chẳng mấy sẽ hỏi thăm ra được.
Thời gian đó ở vùng núi, điện thoại vốn là thứ đồ xa xỉ, căn bản ngoài bưu điện ra chỉ có ở cơ quan nhà nước, nhà trọ hay nhà máy lớn mới có. Tôi nghĩ nam ba tử kia cũng không có khả năng có bà con làm ở cơ quan nhà nước, nơi này vốn không có nhà xưởng lớn, số điện thoại kia chắc chắn chỉ có thể là số của nhà trọ hoặc bưu điện.
Xe đến cổng trấn thì không đi vào nữa vì nếu vào tiếp sẽ không có chỗ để quay đầu, chúng tôi chuyển hành lý xuống xe, hai thương nhân buôn thảo dược kia thấy chúng tôi còn chưa thuộc đường liền bảo chúng tôi đi theo họ, dù sao bọn cũng cần tìm chỗ nghỉ. Tôi vội nói cám ơn rồi theo bọn họ vào trấn. Thiếu Gia còn ra vẻ nêu gương người tốt việc tốt giúp giáo sư già kia mang đồ.
Đại đa số người dân ở trấn này đều sống nhờ vào bùn cát Hoàng Hà, so với thời kỳ trước giải phóng dường như không có gì khác biệt, bình thường ở trấn rất yên tĩnh, bình lặng, ít có người lạ đến thăm, việc chúng tôi đồng loạt đổ bộ khiến cho người dân nơi này đều cảm thấy kinh ngạc, rất nhiều người đứng ở trên đường nhìn chúng tôi bằng ánh mắt kỳ quái, thậm chí còn có đám trẻ nít lẽo đẽo đi theo sau chúng tôi, giống như đám người chúng tôi ở Bắc Kinh bám theo người Tây vậy.
Trong trấn không có quán rượu cũng không có khách sạn, đi một đoạn thì thấy một nhà khách chính quyền, chỗ này cũng bằng với nhà khách tôi ở tại Nam Cung bên cạnh đại tửu điếm Hi Nhĩ Đốn.
Thương nhân buôn thảo dược nói, nhà này trước kia vốn là của một địa chủ họ Mộc ở địa phương xây dựng theo lối tiểu Đồng Tử Lâu (dạng nhà ngang nhỏ), là nơi duy nhất ở đây sử dụng vật liệu bằng gạch để xây dựng. Thời kỳ đại cách mạng văn hóa vô sản địa chủ bị sát hại, chỗ này cũng bỏ không.
Đồng Tử Lâu cho người dân trong trấn sử dụng làm kho chứa đồ lặt vặt, ba năm trước có người ở vùng khác về bỏ tiền ra mua lại, xin cấp phép chuyển đổi thành nhà khách, mặc dù xập sệ nhưng nhưng làm ăn cũng tạm được, vì toàn trấn chỉ có một nhà, anh không ngủ ở đây thì chỉ còn cách ngủ ngoài đường.
Thiếu gia vừa nghe thấy liền rất hào hứng, nhỏ giọng nói với tôi: “Hóa ra chỗ này lại là nhà cổ, lão Hứa, anh xem thử xem ở đây có đồ cổ không chúng ta hốt luôn đi”
Tôi vỗ vỗ hắn một chút cho hắn ngừng mồm năm miệng mười đi, thời đó đi thu mua đồ cổ ở bên ngoài không được nói là mua đồ cổ mà phải nói là thu mua đồ phế thải vì nếu nói là mua đồ cổ thì không thể ép giá xuống được. Hơn nữa cái này cũng có chút liên quan tới “Bốn cũ” *, mặc dù bây giờ đã không sao rồi nhưng nếu người khác nghe thấy vẫn cảm thấy khó chịu trong lòng.
*(Trong Cách mạng Văn hóa những người lãnh đạo CMVH đã chỉ đạo cho Hồng vệ binh lập chiến dịch để tấn công tiêu diệt Bốn cái cũ của xã hội Trung Quốc (phong tục, văn hóa, tập quán và tư tưởng). Trong chiến dịch này nhiều công trình tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, tu viện Hồi giáo và các nghĩa trang bị đóng cửa, cướp phá hoặc bị đập bỏ)
Trong nhà khách có phòng ăn phục vụ ăn uống cho khách nghỉ, tôi nhìn qua thực đơn đơn giản, giá cả cũng phải chăng, liền lấy một phòng.
Nhà khách chỉ có hai nhân viên phục vụ, một người trung niên gọi là lão Thái, có vẻ đã quen biết mấy lái buôn dược thảo kia, vừa thấy mặt đã liền chào hỏi còn nhiệt tình chuyển đồ giúp chúng tôi, hỏi chúng tôi từ đâu tới, tới đây có việc gì.
Tôi nói với lão chúng tôi là dân buôn đồ phế thải, không biết hắn có hiểu tiếng lóng kia không, thu xếp cho chúng tôi ổn thỏa xong, mời chúng tôi qua phòng ăn ăn cơm. Cơm tối ăn với Hoàng Hoa Thái (một loại thực vật thảo dược của Trung Quốc) cùng một đĩa trứng gà, mùi vị cũng không tệ. Tôi thấy lão Thái có vẻ như cũng thuộc tuýp người thích buôn chuyện nên liền hỏi lão ở đây có bao nhiêu thôn? Lại lấy tấm vé xe lửa ra, hỏi thử lão có biết số điện thoại kia là ở đâu không?
Lão Thái cầm tấm vé xe lửa nhìn qua một chút, nhíu mày nói: “Mã vùng này là của công trường hoàng sa ở đầu bến sông đó, các cậu tìm người sao? Công trường hoàng sa ở đầu núi kia, cách trấn này rất xa, bây giờ Hoàng Hà đang cạn nước, công trường còn chưa mở đâu, công nhân hiện đang nghỉ ở nhà, họ đều là người trong các thôn, trải dài mười tám dặm, muốn tìm người cũng không dễ”.
Tôi ừ một tiếng nói: “Ở công trường có người trrực không? Tôi tìm người trực hỏi thăm một chút, bọn họ làm việc cùng nhau hẳn là cũng biết qua đồng nghiệp ở đó”. Mỗi thôn ở trấn này cũng không lớn lắm, thật ra thì chỉ cần biết ở thôn nào, bảo đảm có thể tìm được.
Lão Thái nói: “Không có, trên công trường không có người trực, cũng không có gì có giá trị lớn. Ở đó ngoài mấy cái thuyền hỏng ra còn lại toàn là cát, chẳng lẽ còn sợ người ta trộm cát sao? Làm gì có ai rảnh rỗi việc chính không lo làm mà phơi mặt ở bờ Hoàng Hà cho gió tây bắc thổi đâu. Hơn nữa khi Hoàng Hà cạn nước thường có rất nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra nên buổi tối không ai dám đứng ở đó, có truyền thuyết kể rằng người chết chìm ở Hoàng Hà trước kia biến thành ma buổi tối đều đi dạo mát, chỗ này ma quỷ đùa nghịch vô cùng huyên náo, người dân ở đây rất mê tín, buổi tối tuyệt đối sẽ không có ai ra bờ sông Hoàng Hà”.
Tôi ồ một tiếng, kêu khổ trong lòng, nếu như không gọi được số điện thoại này, dân cư ở đây mặc dù không đông nhưng các thôn cách nhau rất xa lại không có đường xe chạy, chỉ có thể đi bộ, không mất mười ngày, nửa tháng cũng không đi hết được.
Thầy giáo già kia đối với những chuyện lão Thái kia kể vô cùng tò mò hỏi: “Còn có chuyện đó nữa sao, trong Hoàng Hà cũng có ma quỷ lộng hành nữa sao. Nhưng mà ở đó không có người, ma quỷ có lộng hành cũng làm sao biết được?”
Lão Thái ngồi sát lại chúng tôi, hạ thấp giọng nói: “Tôi cũng chỉ nghe các cụ nói lại, nghe nói, chỉ là nghe nói thôi – hàng năm thời điểm Hoàng Hà ngừng chảy, buổi tối rất nhiều người có thể nghe được một loại tiếng động quỷ dị giống như tiếng va đập của xích sắt từ đoạn công trường hoàng sa kia truyền lại, tiếng động đó giống như là tiếng của rất nhiều người mang xích sắt ở chân đi bộ ở đó. Sáng hôm sau, lúc mọi người đi qua xem thử liền phát hiện trên cát lưu lại dấu chân lún xuống sâu ba tấc, các cụ nói đó là dấu chân của quỷ nước, Hoàng Hà cạn nước, hà bá mở nước cho quỷ lên hóng mát’.
“Không thể nào, lão thấy tận mắt chứ?”Thiếu gia cũng tò mò.
Lão Thái gật đầu: “Dĩ nhiên, tôi đã thấy rất nhiều lần, vết lún xuống đó, nhỏ như dấu chân khỉ vậy, ai nhìn thấy cũng lạnh người.”
Lái buôn thảo dược cũng thập phần hứng thú, nhỏ giọng nói: “Đúng là chuyện tà môn, có ai gan lớn thử đi xem chút?”
Hai sinh viên đại học kia liền hỏi giáo sư già: “Chúng ta có đi xem chút không thầy?”
Giáo sư già liền răn bọn họ: “Đây là mê tín, mê tín với dân tục là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, nếu không cẩn thận rất dễ nhầm lẫn sẽ ảnh hưởng tới quá trình nghiên cứu. Có điều vẫn có thể xem qua một chút.”
Lão Thái nhìn thấy chúng tôi bị mấy lời của lão làm cho sởn tóc gáy, có chút đắc ý, nói tiếp: “Lần đó có ba người ở thượng du đến, tôi hỏi bọn họ có chuyện gì, bọn họ cũng không nói, có điều sau đó tôi liền nghe thấy bọn họ cãi cọ nhau, tranh cãi rất dữ dội, đáng tiếc là họ nói tôi nghe không hiểu, chỉ đến lúc hình như họ quá kích động tôi liền nghe được một người trong đó nói một câu bằng khẩu âm Sơn Tây, các ông đoán xem là cái gì?”
Lão Thái Già rất biết kể chuyện, bí bí hiểm hiểm gợi trí tò mò, chúng tôi liền xích lại gần lão, Thiếu Gia nói: “Ông nội ngươi đang điên tiết đây, đừng có làm cho bọn này thèm nữa”.
Lão Thái cười ha hả nói: “Một người trong đó nói chính xác là: Dưới đáy sông kia chắc chắn có đồ, chúng mày không tin cũng được!”
Tôi ngạc nhiên nói: “Câu này là ý gì?”
Lão Thái chỉ lắc đầu, tỏ ý không biết, có điều trên mạn công trường hoàng sa kia đúng là có cái hồ rất lớn, có thể nói là lớn nhất Hoàng Hà, người ở công trường hoàng sa cũng thường bơi lội ở đó mà chưa từng nghe thấy họ nói dưới đáy có vật gì.
“Cho nên tôi liền bực bội”. Lão thái tỏ vẻ rất nghiêm túc “Không phải ở phía dưới, họ thấy quỷ nước ló đầu chứ”.
Câu chuyện của lão rất hay, tôi cũng muốn qua bờ Hoàng Hà xem thử một chút, lão Thái liền nói, nếu thực sự muốn đi xem thì nên đi ban ngày, ngày mai lão có thể dẫn chúng tôi đi, mỗi người chỉ cần bỏ ra mười đồng lão liền có thể khiến cho chúng tôi thỏa mãn trí tò mò.
Tôi cười thầm trong bụng, lão này không đi làm dẫn tour du lịch mạo hiểm thật là phí một nhân tài, hai lái buôn thuốc nói bọn họ không đi, bọn họ phải qua những thôn phía dưới thu mua cây thuốc. Tôi suy nghĩ một chút, bây giờ nếu không có manh mối thì cứ đi đại một chuyến qua công trường hoàng sa xem thử một chút, nếu may mắn gặp được người hỏi thăm thì cũng mát mặt, nếu không thì cũng biết chút đường đi lối lại, đồng thời cũng xem thử chỗ làm việc của bọn họ xem có manh mối gì không
Vì vậy chúng tôi cùng với giáo sư già và mấy sinh viên đại học hẹn nhau sáng mai lên đường
****************************************************************************
Cơm nước xong, lúc chúng tôi về lại phòng của mình, ánh sáng trong nhà đã rất kém, trong phòng ăn có đèn nhưng trong phòng nghỉ thì không có, mỗi người chúng tôi xách theo một ngọn đèn dầu leo cầu thang gỗ lên lầu hai. Khung cảnh trên lầu hai đích thực là phiên bản của nhà quỷ trong phim kinh dị, cột gỗ, hành lang gỗ bám đầy mạng nhện, khung cảnh này gợi lên một loại cảm giác kỳ lạ, cảm giác chết chóc, chúng tôi có thể ở lâu dài được ở một nơi như thế này hay không, thật đúng là vấn đề nan giải.
Lúc này hãy còn sớm, Thiếu Gia ưa sạch sẽ, đi ngay xuống phía dưới giếng múc nước lên lau dọn một chút, tôi ngược lại cảm thấy không vấn đề gì, hồi xưa lúc còn ở công trường chỉ cần lót bừa mấy cây cỏ là có thể ngủ ngon lành, ném hành lý lên giường, nằm lên, qua ánh sáng đèn dầu ngắm nhìn mảnh đồng thau, vật này nghe nói là móc lên từ đáy sông, hoa văn phía trên vô cùng đặc biệt, trước giờ tôi vẫn chưa có thời gian xem kỹ, bây giờ đang rảnh rỗi, tiện thể nghiên cứu một chút.
Nhìn qua mấy lần tôi liền ngồi vục dậy, có chút cảm giác mất tự chủ. Hiểu biết của tôi về đồ đồng thau vẫn chưa được kỹ như đồ sứ, cho nên thời điểm này đi thu mua đồng thau đối với tôi mà nói cũng là hành động liều lĩnh. Lúc này nhìn mặt sau mảnh đồng thau tôi phát hiện điểm kỳ quái.
Hoa văn phía trên vật này vô cùng cổ xưa, nó giống như hoa văn của đồ vật từ thời Tây Chu, khác hẳn với mấy món đồng thau nhỏ kia, không thể nghi ngờ gì nữa, món đồ này xuất xứ phải là từ thời Tây Hán, cách xa hơn một ngàn năm.
Không đúng, nếu như dưới đáy Hoàng Hà có mộ cổ thì đồ vật chôn theo người chết vì sao lại có niên đại cách xa nhau như vậy? Chẳng lẽ cùng một chỗ đó lại tồn lại hai ngôi mộ cổ của hai triều đại cách xa nhau?
Khả năng này quá thấp, tôi nhíu mày, vậy chẳng lẽ là Vương Toàn Thắng đã lừa gạt tôi? Hai thứ này vốn là không phải lấy lên ở cùng một chỗ? Nhưng nhìn dáng vẻ của Vương Toàn Thắng thì cũng không giống như vậy.
Tôi ngẫm nghĩ, suy đoán một người có phải là kẻ lừa đảo hay không quan trọng nhất là phải xem phương thức làm việc của hắn. Nếu như Vương Toàn Thắng là một tay lão luyện thì chắc chắn hắn sẽ không mang hai loại đồ có triều đại khác xa nhau tới, lại phải mất công giải thích, rồi cũng không cần thiết phải đưa mảnh đồng thau này cho tôi. Tôi tin rằng gã nói thật, như vậy vật ở dưới Hoàng Hà rốt cuộc là cái gì, có phải cổ mộ hay không, tôi nghĩ nát óc cũng không ra.
Tôi nghĩ tới vị giáo sư già kia, giáo sư già họ lý, nghe nói cũng có thời gian từng làm khảo cổ, liền nghĩ, có cơ hội có thể để cho lão xem qua một chút, xem miếng đồng thau này có bí ẩn gì, có điều không biết lão có tình nguyện cho tôi ý kiến hay không, bởi vì hình như lão không coi trọng dân làm ăn chúng tôi cho lắm.
Thiếu Gia nhìn thấy dáng vẻ ngây người của tôi, nghĩ rằng tôi đã mê đồ cổ đến phát điền rồi, liền chế giễu tôi: “Xem kìa, xem kìa, có cần nôn nóng đi kiếm ăn luôn không”.
“Đi!” Tôi nói: “Cái này gọi là mài đao không đốn củi cũng phí công, quyền không rời thủ, khúc không rời môi, biết không? (quyền là nắm tay, thủ là cánh tay, khúc ý chỉ là bài hát, khúc nhạc) Chúng ta đi thu mua đồ phế thải cũng phải tranh thủ nghiên cứu nghiệp vụ, nếu không nhãn lực sẽ ngày một đi xuống. Anh nhìn đồ thật nhiều mắt anh sẽ không thể phân biệt được đồ giả nữa.”
Thiếu Gia nói tôi đừng xem nữa, chuyện phát triển đến mức này, tôi có tính toán gì hay không.
Tôi biết hắn sợ tôi không tìm được nhà Vương Toàn Thắng, định bỏ về liền nói lần này chúng ta đi xuống đây cũng tốn không ít thời gian, bỏ về tay không tôi đương nhiên là không cam lòng, tôi khẳng định với hắn là muốn chúng tôi xuống nhà đi loanh quanh một chút, xem qua một chút có khi lại thu được không ít đồ có giá trị.
Thiếu Gia gật đầu hiểu ra, chúng tôi lại trò chuyện một hồi, tôi dạy hắn một ít kiến thức cơ bản về thu mua đồ cổ.
Tôi nghĩ sau chuyến đi này tôi vẫn phải đi lánh nạn, chắc không dưới hai, ba năm không thể gặp Thiếu Gia, nếu như hắn thật sự muốn mở tiệm buôn bán đồ cổ, một chút tài nghệ cũng không có thì làm sao sống, nên liền mang toàn bộ những hiểu biết trước nay của tôi nói cho hắn một lượt.
Thật ra kinh nghiệm thu mua đồ ở địa phương của tôi cũng không nhiều lắm, tính luôn cả lần đầu tiên xuất đạo mấy năm trước đi cùng với cha vợ, tới lần này cũng mới là lần thứ ba, chỉ có điều là Thiếu Gia không biết điều đó mà thôi.
Thu đồ cổ thực ra cũng chính là thu mua đồ phế thải vậy, anh không thể mua khi nó là đồ cổ, phải biến hóa nó ra thành đồ nát, nói về kỹ xảo, thật ra cũng chỉ có một hai cách mà thôi, hiện giờ đều đã bị lộ diện. Nói cách khác chính là người thu mua đồ cổ còn có một thói quen, thói quen “dựng” trước khi mua đồ. Tức là đầu tiên khi nhắm muốn mua một thứ đáng giá, ta cần ôn nghèo kể khổ nói mình không có nhiều tiền rồi tìm cách dẫn dắt câu chuyện đến nhu cầu của bản thân với thứ đồ nào đó cần dựng, chủ nhà sẽ nói thật xin lỗi, tôi sẽ… tìm cho anh một cái đồ trong nhà không dùng mà anh cần.
Cách dựng đồ cơ bản có thể là dựng một cái bát vỡ cho chó ăn, hoặc một cái hộp gỗ cũ, hay một cái vại để làm dưa cải. Thật ra thì thứ chúng ta muốn chính là vật này, nhưng thẳng thắn đặt vấn đề giao dịch chủ đồ chắc chắn sẽ hoài nghi rồi phá giá đồ, có người chịu bỏ nhiều tiền như vậy để mua thì chắc chắn là đồ quý.
Nông dân thật thà, nhưng vốn họ không ngu ngốc, đến lúc đó có khi họ lại ôm khư khư không chịu bán, nói thế nào cũng không thông. Có một lần tôi gặp phải một đại cô nương, nhìn trúng nhà cô ta có một cái bàn bát tiên, nói hồi lâu cuối cùng lỡ mồm lộ ra một câu, cô ta liền ôm lấy không bán, tôi nói là coi như tôi đã sai rồi, bao nhiêu cô mới chịu bán đây, cô ta liền nói một triệu, thiếu một đồng cũng không bán, tôi suýt chút nữa đã xỉu vì tức, cười ha hả một tràng, một triệu, cô mang bán cho người ngoài hành tinh đi.
Sau đó khi tôi quay lại, cái bàn kia vẫn còn ở đó, phía trên có một cái nhãn giá, một triệu. Đồ này sau đó vẫn cứ nằm ở đó không chịu rời đi.
Còn cách thứ hai chính là “đại bao viên”, khi nhắm được đồ trong nhà đó, bất kể là dùng cớ gì cũng phải thu mua hết đồ rách nát trong nhà, trong đó sẽ có đồ chúng ta cần. Một lần tôi đã chứng kiến một gã dở thủ đoạn vô cùng cay độc, gã nhìn trúng một cái bát Hồng Vũ (niên hiệu vua Thái tổ thời Minh ở Trung Quốc, 1368-1398) men trong đỏ, mua một cái người ta chắc chắn sẽ biết có vấn đề, mua toàn bộ bát trong nhà người ta cũng thấy kỳ quái, mua bát người ta đã dùng rồi làm gì, vì vậy liền mang tới cửa nhà kia mười mấy cái bát con mới để rao bán, một phân tiền một cái. Nữ chủ nhân nhìn qua một phân tiền một cái, chẳng phải là tặng không sao, lập tức mua hết, đổi toàn bát mới trong nhà. Người nọ liền nói, bát cũ bà không cần đến nữa đưa tôi mang ra ngoài tiện đường ném giúp cho. Chủ nhà đâu có biết gã kia mẹ kiếp đang chém bão, đâu có biết mình đã mang đổi mất một bảo bối “hải để lao nguyệt” (đáy biển mò trăng- thành ngữ chỉ thứ quý hiếm không dễ gì có được).
Cho nên bao nhiêu lý luận trong đó cũng chỉ là phản ánh tâm địa của bản thân, theo như lời cha vợ tôi nói chính là ý đồ xấu có đủ nhiều hay không mà thôi. Phương diện này, Thiếu Gia mà theo tôi học cũng đủ cho gã phát khóc rồi.
Chúng tôi trò chuyện một hồi, đã quá nửa đêm, hôm nay đi đường xa cả hai cũng đều mệt mỏi liền ai về chỗ người nấy nghỉ ngơi.
Rạng sáng ngày hôm sau, Lão Thái đã gọi chúng tôi khởi hành, hành lý chúng tôi mang theo vốn không nhiều nên mọi người đều đeo trên lưng theo lão lên đường.
Công trường Hoàng Sa không giáp với trấn mà ở tận vùng núi, ở khu vực gọi là Long Than, đó là một cái thôn nhỏ, Lão Thái nói đi đường núi hơi xa một chút, phải ngồi máy cày sau đó chuyển sang đi bộ.
Đối với người thành phố chúng tôi mà nói, kinh nghiệm đi đường núi vốn là con số không, cho nên khi thấy ngồi máy cày đã bốn giờ liền mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, tôi liền hỏi lão Thái công trường hoàng sa núi Đông Hoa này xa vậy sao. Lão liền nói cho tôi biết, thực tế thì đường chim bay cũng không xa có điều giữa đường toàn là núi chắn, đoạn đường núi này lớn ngồi được máy cày còn tốt, vào sâu trong núi rồi phải tự mình đi bộ.
Lần này tôi mới thực sự hiểu, cái gọi là vào núi cũng không hề giống như ung dung tản bộ trên sân vắng.
“Loại truyền thuyết về ma quỷ lộng hành này, đại đa số phát sinh ở những địa phương không có dấu chân người, bởi vì người nghe được chuyện cũng khó lòng đi xác nhận, rất nhiều khe núi và sơn động cũng thịnh hành truyền thuyết về ma quỷ lộng hành, cái này cũng thể hiện bản năng ứng phó của con người đối với loại sự vật, hiện tượng mà con người chưa giải thích được”. Giáo sư già tựa hồ đã từng nghiên cứu qua, trịnh trọng giải thích với chúng tôi.
Dọc đường đi, cây cối cũng chẳng có bao nhiêu, toàn là gò đất mấp mô, lại chạy thêm hơn một giờ nữa thì hết đường, máy cày không chạy tiếp được nữa, chúng tôi tới một thôn xóm nhỏ, xuống máy cày chúng tôi tới một nhà dân mua bữa cơm, ăn qua loa rồi đi bộ vào núi.
Nếu như là lúc bình thường, đi dài như vậy hai mí mắt của tôi chắc chắc sẽ đánh nhau rồi, có điều trên đường bây giờ gió thổi rất mạnh, vị giáo sư già kia cũng rất thú vị, kể nhiều chuyện hay ho, tôi cũng không cảm thấy mệt chút nào, ngược lại tinh thần sảng khoái, vô cùng hưng phấn.
Qua nói chuyện tôi biết được giáo sư già kia họ Lý, lai lịch không nhỏ, nghe nói là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh gì đó, hai sinh viên lão mang đi cùng là hai người lão ưng ý nhất. Cô gái kia còn có chút quan hệ họ hàng với lão, chắc là cháu gái gì đó.
Mục đích bọn họ xuống đây chủ yếu là vì muốn thu thập một số truyền thuyết dân gian cùng với lịch sử kỳ văn của Sơn Tây, sau đó biên soạn lại thành sách. Giáo sư già tác phong nghiêm cẩn, quan điểm của lão đó là chỉ những gì tai nghe mắt thấy lão mới tính là thật, lão cho rằng những thứ đồ cổ có rất nhiều giá trị vô hình hơn là chút giá trị tiền bạc.
Về phương diện này tôi thấy mình và giáo sư già nói chuyện rất hợp ý, hai người hận vì gặp nhau quá muộn.
Sau khi vào núi, vì địa thế rất cao nên cây cối dần dầy đặc, bắt đầu có chút giống với rừng già nguyên sinh phương bắc, lão Thái cùng với cháu ngoại lão đi trước dẫn đường, cháu ngoại lão làm ở công trường hoàng sa nên tương đối thuộc đường, hai người bọn họ lầm lũi mà đi, thỉnh thoảng quay lại nhắc nhở chúng tôi chú ý đá lở và cây có gai.
Chúng tôi lần mò theo đường mòn trên các khe núi tiến về phía trước, cây dại, gai góc um tùm, bốn phía thường vọng lại tiếng bước chân, lão Thái nói đó là tiếng dã thú, khiến cho chúng tôi vô cùng sợ hãi, tôi không khỏi bắt đầu nhớ vùng đất bằng phẳng, sạch sẽ nơi thành phố.
Ước chừng lại đi thêm hai giờ nữa, không được nghỉ ngơi một phút nào, đã sắp qua một ngày, trời sẩm tối cuối cùng cũng tới được công trường hoàng sa trong truyền thuyết, tôi thấy một dãy nhà ngói cũ nát, thời điểm công trường hoàng sa hoạt động đây sẽ là nhà nghỉ dành cho công nhân.
Bên cạnh dãy nhà ngói chính là Hoàng Hà, cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể ngờ Hoàng Hà lại giống với tưởng tượng của tôi đến vậy, trong ấn tượng tuổi thơ của tôi Hoàng Hà cho dù vào kỳ cạn nước vẫn mười phần khả ái, chúng ta có thể ở giữa lòng sông rạch cát, bắt cá. Có điều ở công trường hoàng sa trước mắt tôi nhìn thấy, phải đến mấy cây số vuông bề rộng của lòng sông đã bị đã bị phơi nắng thành ra khô nứt, lộ rõ màu vàng của phù sa, nhìn qua vô cùng đáng sợ.
Để thanh ứ lòng sông thuyền đào những rãnh không đều giữa dòng sông, lão Thái đi trước dẫn chúng tôi leo lên một triền núi bên bờ Hoàng Hà, xuyên thấu qua ánh nắng chiều những rãnh nước đó chỉ có thể nhìn thấy là những đường ranh màu đen mơ hồ, “Ngay ở chỗ này!”
Tôi nhìn về phía xa, ở đó có một cái hồ lớn, ước chừng cách chúng tôi khoảng bốn trăm thước, hình dáng quái dị.
Hồ lớn như vậy hẳn không phải dùng để thanh ứ cục bộ Hoàng Hà mà giống như do một thứ gì từ trên trời rớt trúng tạo ra, nói đơn giản một chút nó giống như một cái hố thiên thạch. Nhìn qua hết sức quái dị.
Tôi thấy giáo sư già leo lên sườn núi phía sau, nhìn một vòng bốn phía dãy núi, sắc mặt hơi biến đổi một chút, đột nhiên hỏi lão Thái: “Tiểu lão đệ, chỗ này của các người có liên quan gì tới – truyền thuyết long vương Hoàng Hà không?”
Lão Thái a lên môt tiếng, hiển nhiên là không thể ngờ giáo sư lại đột nhiên hỏi tới chuyện này, suy nghĩ một chút nói: “Truyền thuyết cũng có không ít, có điều nhất thời tôi cũng nghĩ không ra, tôi cũng chỉ nghe các cụ già trong thôn kể lại, chúng tôi thời còn trẻ – thời kỳ đại cách mạng văn hóa- được đích thân Mao chủ tịch chọn tới đây.”
Giáo sư già ồ một tiếng, cũng không hỏi lại nữa, nhưng trong ánh mắt nhìn dòng sông Hoàng Hà có một tia đông cứng không dễ phát hiện.
Hai sinh viên và Thiếu Gia cũng muốn tới hồ nước kia xem thử liền bây giờ, lão Thái nói không cần, ở trong đó rất nhiều bãi bùn, chẳng may thụt xuống, cũng tìm không nổi các người, hơn nữa sắc trời đã tối, dân bản xứ có quy định buổi tới không cho phép vào Hoàng Hà, sợ bị quỷ nước kéo đi, để ngày mai hãy đi.
Chúng tôi vốn định đi xuống dãy phòng nghỉ của công nhân phía dưới, có điều chạy đi xem thử một chút, cũng toàn cửa đóng then cài chắc chắn, còn dán cả giấy niêm phong, thời đó niêm phong còn lớn hơn trời, chúng tôi không dám xem, vì thế liền quay lại triền núi, đốt một đống lửa chuẩn bị nghỉ qua một đêm ở đây.
Vì trên triền núi đá nhiều, cây cối ít, gió lớn thổi từng cơn, chúng tôi cũng phải đắp thêm chăn, quây xung quanh đống lửa, ăn lương khô và uống rượu trắng. Bởi vì đã tới gần Hoàng Hà, lão Thái và cháu ngoại lão cũng không nói nhiều nữa, tôi cùng với giáo sư già và cả Thiếu Gia ba người không ngừng tán gẫu để xua bớt cái lạnh đến rùng mình.
Thiếu Gia uống nhiều, không biết có chuyện gì lại vỗ mông rồi nhìn chung quanh như đang tìm kiếm thứ gì. Tôi hỏi hắn định làm gì.
Hắn nói: “Lão Thái, xem giúp ta có chỗ nào tháo cơm gạo không, mẹ kiếp thật mất mặt, lão tử ăn phải cái gì mà bụng vô cùng khó chịu, phải kiếm chỗ giải quyết”.
Tôi nói: “Anh thật phiền toái, bốn phía khắp nơi đều là dã thú, tối lửa tắt đèn, nếu anh làm mồi cho chúng rồi, chúng tôi biết đi đâu tìm anh. Giải quyết luôn ở đây đi”.
Thiếu Gia nói: “Tôi thì không sao, có điều mùi này các người chịu được không?”
Lão Thái nói với tôi: “Không sao đâu, ở đây là đỉnh núi, lại bên cạnh Hoàng Hà, dã thú không có tới đây, chỉ cần đừng có vào rừng là được. Anh cầm theo đèn pin, có động tĩnh gì liền gọi chúng tôi. Hiện trong núi cũng không có dã thú lớn, chỉ cần đề phòng rắn”.
Thiếu Gia ừm một tiếng, kéo quần lên chạy tới một bụi cỏ, chốc lát sau liền nghe được tiếng dời non lấp biển của gã, tối vốn đã không ăn được gì, bây giờ nghe được lại càng ăn không vô nữa, quyết định không ăn, giáo sư già liền pha trò: “Tiếng động lớn thế này, cọp cũng bị hù chạy rồi, chúng ta tuyệt đối an tâm”.
Tôi vươn vai, mới cười được hai tiếng thì bỗng nghe thấy tiếng Thiếu Gia ở đó khẽ gọi: “Lão Hứa! Mau tới xem thử một chút”.
Mọi người đều giật mình, mới nói không có dã thú, làm sao đã lại kêu rồi, mấy người tiện tay nhặt cục gạch chạy vọt tới.
Thiếu Gia cách chúng tôi không xa, chạy mấy bước là tới, nhìn một cái, chỉ thấy Thiếu Gia núp sau một bụi cây, kéo quần lên, nhìn thấy chúng tôi tới liền ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống, chỉ chỉ Hoàng Hà trước mặt.​

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.