Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 11:




Khoảng gần mười giờ đêm Vairother mang kế hoạch đến họp hội đồng quân sự ở hành dinh của Kutuzov. Tất cả các tướng tư lệnh quân đoàn đều được mời đến họp với tổng tư lệnh và mọi người đều đến đúng giờ, chỉ riêng công tước Bagration từ chối không đến.
Là người được giao toàn quyền xếp đặt kế hoạch tác chiến ngày mai, Vairother rất hăng hái, sôi nổi, trái hẳn với Kutuzov đang bực mình, buồn ngủ và miễn cưỡng đóng vai trò chủ toạ và chỉ đạo cuộc họp. Vairother thấy rõ ràng là mình đang cầm đầu một cuộc vận động đã trở thành không thể cưỡng lại được nữa. Ông ta như một con ngựa đã thắng vào càng một chiếc xe đang hăng xuống dốc. Chính mình đưa xe hay bị xe đẩy đi, ông ta cũng không rõ nữa; nhưng trong khi cắm đầu chạy hết tốc lực, ông không còn thì giờ nghĩ xem chạy như thế này rồi sẽ đến đâu. Tối hôm ấy, hai lần ông ta thân hành đi xem xét trận địa các đồn tiền tiêu của địch và hai lần về báo cáo và trình bày tình hình với hai vị hoàng đế Nga hoàng và Áo hoàng rồi lại trình bày với bộ chỉ huy của mình, đọc cho họ ghi lệnh bố trí quân đội bằng tiếng Đức. Khi đến nhà Kutuzov họp thì ông ta đã mệt phờ.
Rõ ràng ông ta rất bận rộn, đến nỗi quên cả lễ phép đối với vị tổng tư lệnh; ông ta ngắt lời Kutuzov, nói năng hấp tấp, lúng túng, không nhìn con người đang tiếp chuyện mình, có người hỏi cũng không đáp lại; người ông ta thì lấm bùn be bét, trông phờ phạc, thảng thốt đến thảm hại, nhưng đồng thời lại hết sức tự tin và tự hào.
Kutuzov ở trong một toà lâu đài nhỏ gần Oxtralex. Trong phòng khách lớn dùng làm văn phòng của tổng tư lệnh, đã đủ mặt Kutuzov, Vairother và các uỷ viên của hội đồng quân sự. Họ đang uống trà. Chỉ chờ công tước Bagration đến nữa là bắt đầu cuộc họp.
Khoảng tám giờ(1), một sĩ quan tuỳ tùng của công tước đến báo là ông ta không đến được. Công tước Andrey vào báo với tổng tư lệnh. Và đã được Kutuzov cho phép từ trước, chàng ở lại trong phòng dự cuộc họp.
- Công tước Bagration không đến, vậy chúng ta có thể bắt đầu.
Vairother vừa nói vừa hấp tấp đứng dậy, đi đến cạnh cái bàn có trải một bản đồ rộng tướng về những vùng xung quanh Bruyn.
Kutuzov ngồi trong một chiếc ghế bành kiểu Volter(2) đang lơ mơ ngủ, cái cổ mập mạp thò ra khỏi bộ quân phục cởi khuy như vừa thoát cũi sổ lồng, hai bàn tay múp mít đặt rất cân đối trên hai tay ghế. Nghe tiếng Vairother, ông ta cố gắng mở con mắt độc nhất nói:
- Vâng, vâng, xin mời ngài bắt đầu không muộn mất - Nói xong lại gục đầu xuống và nhắm mắt lại.
Lúc đầu thì các uỷ viên hội đồng có thể tưởng là Kutuzov vờ ngủ, nhưng về sau trong khi Vairother đọc thì những tiếng phì phò từ mũi ông ta phát ra chứng tỏ rằng đối với vị tổng tư lệnh giờ phút này có một việc quan trọng cần phải làm hơn là tỏ ý việc thoả mãn một nhu cầu cấp thiết của con người: nhu cầu ngủ. Và Kutuzov ngủ thật. Vairother liếc nhìn ông ta, vẻ như một người bận rộn quá không còn có một phút thừa nào để mất vào việc gì nữa, và khi đã chắc chắn rằng ông ta đã ngủ yên, liền cầm giấy cất giọng sang sảng và đều đều đọc kế hoạch bố quân trong trận đánh sắp tới, không quên đọc cả đề mục của bản văn kiện:
"Kế hoạch bố quân tấn công vị trí địch ở phía sau Kobelnitx và Kokolnitx ngày hai mươi tháng mười một 1805"(3)
Bản kế hoạch khá phức tạp và khó hiểu. Nguyên văn như sau:
"Vì địch đưa tả quân vào các đồi có cây cối rậm rạp và rải hữi quân dọc Kobelnitx và Kololnitx sau những ao đầm ở vùng ấy, còn trái lại tả quân ta vượt quá cánh hữu địch, lợi thế của ta là tấn công cánh quân ấy, nhất là nếu chúng ta chiếm các làng Xokalnitx và Kobelnitx thì có thể đánh bổ vào sườn địch và đuổi địch đến dải đất bằng ở khoảng giữa Slapanilx và rừng Thyraxa, tránh các hẻm núi Slapanitx và Bellovitx là những nơi bảo vệ cho mặt trận của địch.
Muốn đạt mục đích ấy, cần phải… Đạo quân thứ nhất tiến… Đạo quân thứ hai tiến… Đạo quân thứ ba tiến…
Các tướng hình như đều nghe đọc bản kế hoạch khó hiểu này một cách miễn cưỡng. Bulxhevzen một viên tướng cao lớn tóc hung, đứng dựa vào tường, mắt chăm chú nhìn một cây nến đang cháy, tựa hồ không nghe mà thậm chí cũng không muốn người ta tưởng là mình nghe nữa. Ngồi ngay trước mặt Vairother là Miloradovich sắc mặt hồng hào hiên ngang, đôi vai cũng nhô lên cao. Miloradovich cố làm thinh và chằm chằm nhìn Vairother mãi cho đến khi viên tổng tham mưu quân đội Áo ngừng đọc mới thôi nhìn. Bấy giờ Miloradovich quay lại nhìn các tướng kia một cách đầy ý nghĩa. Nhưng cứ theo ý nghĩa của cái nhìn đầy ý nghĩa ấy thì khó mà đoán được là ông ta đồng ý hay không, có tán thành bản kế hoạch hay không. Người ngồi gần Vairother nhất là bá tước Langeron. Trên khuôn mặt kiểu người Pháp miền Nam của ông ta, suốt thời gian Vairother đọc không lúc nào là không có một nụ cười mỉm rất tinh, đôi mắt thì mải ngắm mấy ngón tay dài, thon thon đang cầm lấy góc một cái hộp thuốc lá bằng vàng trên nắp có chạm một bức chân dung, búng cho nó quay tít. Giữa một câu văn tràng giang đại hải nhất, ông ta ngừng quay hộp thuốc lá, ngẩng đầu lên với một thứ lễ độ khó chịu cất một giọng hát nghe như phát ra từ đầu đôi môi thanh tú, ngắt lời Vairother, định nói một điều gì nhưng viên tướng Áo không ngừng đọc, cau mày tức giận, hất hất hai khuỷu tay như muốn ra hiệu: "chốc nữa, chốc nữa hãy nói, bây giờ hẵng theo dõi trên bản đồ và chú ý nghe". Langeron đôi mắt lưỡng lự ngước nhìn về phía Miloradovich như để nhờ giải thích thái độ của Vairother nhưng gặp phải cái nhìn có vẻ dầy ý nghĩa mà thực ra không có ý nghĩa gì hết, liền buồn rầu cúi nhìn xuống, và lại tiếp tục búng cái hộp thuốc lá.
- Một bài địa lý! - Ông ta nói, như thể mình tự nhủ mình nhưng đủ rõ để mọi người đều nghe.
Prjebysevxki, vẻ kính cẩn nhưng đường hoàng xòe bàn tay cạnh tai làm cái loa hướng về phía Vairother vẻ đang nghe rất chăm chú và mải mê. Trước mặt Vairother, tướng Dolgorukov người thấp bé, vẻ cần cù và khiêm tốn, cúi xuống bản đồ nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, địa vật mà ông ta chưa biết. Nhiều lần ông ta nhờ Vairother nhắc lại những đoạn nghe không rõ và những tên làng khó đọc, Vairother nhắc lại, và Dolgorukov ghi lấy.
Hơn một giờ sau, khi Vairother đọc xong, Langeron lại ngừng quay hộp thuốc lá và không nhìn Vairother cũng chẳng nhìn ai hết, ông trình bày những khó khăn trong việc thực hiện một kế hoạch như thế, vì kế hoạch ấy giả thiết rằng tình hình của địch đã được biết chính xác, nhưng thực ra thì tình hình ấy có lẽ không ai biết được vì địch đang chuyển quân. Lời phản đối của Langeron có căn cứ, nhưng rõ ràng là chỉ có mục đích làm cho Vairother hiểu rằng ông ta đã đọc bản kế hoạch của mình với một thái độ quá tự tin như đọc cho một đám học trò nghe, và trong những người ngồi nghe ở đây không phải chỉ có những kẻ ngu ngốc mà còn có những người có thể dạy ông ta về thuật cầm quân.
Khi cái giọng đơn điệu của Vairother ngừng lại. Kutuzov mở mắt ra, như một người giữ cối xay bột tỉnh giấc khi tiếng quay đều đều của cái bánh xe cối xay ngừng lại. Ông lắng nghe Langeron, vẻ như muốn nói: "Ra các ông vẫn còn bàn đến những chuyện ngu xuẩn ấy à!" rồi vội vàng nhắm mắt lại và càng gục đầu xuống thấp hơn trước nữa.
Cố ý làm cho lòng tự ái của các nhà tác giả quân sư Vairother tổn thương đau đớn nhất, Langeron chứng minh rằng Buônapáctê có thể tấn công rất dễ dàng chứ không phải là bị tấn công, và như vậy thì bản kế hoạch bố quân sẽ hoàn toàn vô dụng. Đáp lại tất cả mọi lời phê bình, Vairother chỉ dùng một nụ cười mỉm đã được chuẩn bị từ trước để đối phó với sự phản đối thế nào. Ông ta nói:
- Nếu có thể tấn công ta thì hắn đã tấn công hôm nay rồi.
- Vậy ra ngài cho là hắn bất lực ư? - Langeron lại bẻ.
- Hắn có tất cả bốn vạn quân là cùng. - Vairother đáp lại với cái mỉm cười của một vị danh y khi nghe một mụ lang vườn mách một phương thuốc.
- Nếu vậy mà hắn lại đợi cho chúng ta tấn công thì hắn đi đến chỗ tự sát rồi.
Langeron kết luận, môi nở một nụ cười mỉa mai tế nhị, nhìn người ngồi gần nhất là Miloradovich mong được ông ta tán thành.
Nhưng lúc bấy giờ Miloradovich hẳn không hề quan tâm chút nào đến cái vấn đề đang được các tướng lĩnh tranh luận, ông ta nói:
- Tình thật mà nói thì mọi việc sẽ quyết định trên chiến trường.
Vairother lại mỉm cười, để cho người ta thấy rõ ràng ông ta buồn cười và lấy làm lạ rằng các tướng Nga đã bắt bẻ ông ta, khiến cho ông ta phải chứng minh những điều không những ông ta hoàn toàn tin là đích xác mà lại đã từng làm cho cả hai hoàng đế đều phải tin theo nữa. Ông ta lại nói:
- Địch đã tắt hết lửa, và bên trại chúng có tiếng ồn ào không ngớt. Như vậy nghĩa là thế nào? Hoặc có thể chúng đang rút đi và đó là điều duy nhất có thể làm cho ta ngại, hoặc là chúng đang thay đổi trận địa. (ông ta cười khẩy) - Dù cho chúng có đổi trận địa, sang đóng ở Thuyraxa, chúng cũng chỉ làm cho ta đỡ những mối phiền lớn mà thôi; dù thế nào thì cả những việc đã dự định, cho đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, cũng đều sẽ giữ nguyên.
- Sao thế nhỉ? - Công tước Andrey, từ lâu vẫn chờ cơ hội bày tỏ những nôi lo ngại của mình, hỏi ngay.
Vừa lúc ấy Kutuzov thức giấc, ho một tiếng nặng nề rồi nhìn quanh các tướng một lượt, nói:
- Thưa các ngài, kế hoạch bố trận ngày mai, hay nói cho đúng hơn là ngày hôm nay, vì bây giờ đã quá nửa đêm rồi, không thể nào thay đổi được. Các ngài đã nghe đọc bản kế hoạch và tất cả chúng ta sẽ làm tròn bổn phận. Nhưng trước một trận đánh, không có gì quan trọng bằng… - Ông ta ngừng một lát, rồi kết luận… - bằng ngủ một giấc cho đẫy.
Ông làm ra bộ sắp đứng dậy. Các tướng cúi chào, rồi lui ra.
Công tước Andrey cũng ra theo họ. Bấy giờ đã gần một giờ sáng.
Ở hội đồng quân sự, công tước Andrey đã không bày tỏ được ý kiến của mình như chàng vẫn mong đợi, điều đó để lại cho chàng một ấn tượng bối rối và lo ngại. Ai có lý? Dolgorukov và Vairother những người đã đề ra kế hoạch tấn công, hay trái lại, là những người không tán thành kế hoạch ấy: Kutuzov, Langeron và những người khác? Chàng cũng không hiểu nữa. "Nhưng sao Kutuzov lại không thể trực tiếp đệ trình ý kiến của mình lên hoàng thượng? Phải chăng không có cách gì làm khác đi được? - chàng tự nghĩ - Chẳng lẽ vì ý riêng của vài kẻ triều thần mà hàng vạn sinh mệnh và cả tính mệnh của mình nữa lâm vào cảnh hiểm nghèo sao? Ừ cả tính mệnh của mình nữa, vì rất có thể ngày mai mình bị giết". Và đột nhiên, chàng vừa nghĩ đến cái chết thì những kỷ niệm xa xưa nhất, sâu kín nhất, đã tràn ngập trí tưởng tượng của chàng. Chàng nhớ lại phút từ biệt cha và vợ lần cuối cùng. Chàng nghĩ đến Liza đang có thai, nhớ lại những ngày đầu của cuộc tình duyên giữa hai người và thấy thương hại cả vợ lẫn mình. Cảm thấy mủi lòng và xúc động mạnh quá chàng ra khỏi, ngôi nhà chàng ở chung với Nexvitxki và bắt đầu đi bách bộ ở trước cửa.
Đêm hôm ấy có sương mù, và qua màn sương vầng trăng chiếu xuống cảnh vật một ánh sáng huyền ảo. "Phải ngày mai, ngày mai! - Chàng tự nhủ. - Ngày mai có lẽ mọi sự sẽ chấm dứt đối với ta, tất cả những kỷ niệm ấy sẽ không còn nữa, tất cả những kỷ niệm ấy đối với ta sẽ không còn ý nghĩa gì hết. Ngay ngày mai, có lẽ, và chắc chắn nữa là khác ta linh cảm thấy như vậy, lần đầu tiên ta có dịp tỏ hết khả năng". Rồi chàng tưởng tượng ra trận đánh, giờ phút nguy cấp trong đó cả chiến trường dồn hết vào một điểm duy nhất, tất cả các tướng lĩnh đều hoang mang. Và đây, cái phút may mắn đã đến với chàng, cái trận Toulon bấy lâu mong đợi. Giọng nói rõ ràng rắn rỏi chàng sẽ trình bày ý kiến với Kutuzov, với Vairother, với hai vị hoàng đế. Mọi người đều thấy những ý kiến đó đúng quá, nhưng không một ai dám một mình gánh lấy trách nhiệm đem thực hành…
Bấy giờ sau khi đã ra điều kiện thoả thuận là không ai được can thiệp vào cách điều quân của mình, chàng sẽ lấy một trung đoàn, một sư đoàn đưa đến nơi nguy cấp và một mình chàng chuyển bại thành thắng. Một tiếng nói khác cãi lại: "Thế còn chết chóc, thế còn đau thương?" Nhưng không thèm đáp lại, công tước Andrey tiếp tục những chiến thắng của mình. Một mình chàng lập kế hoạch bố quân cho trận đánh sau. Tuy không có chức vị nào khác ngoài chức phụ tá của Kutuzov, chính chàng đã làm tất cả. Rồi lại chính chàng, chỉ mình chàng thắng trận ấy. Lần này thì Kutuzov bị cách chức chỉ huy và chính chàng, Bolkonxki được cử lên thay Kutuzov. Tiếng nói kia lại cãi lại: "- Rồi sao nữa? Cứ cho là anh không bị thương đến chục lần, bị tử trận hay bị lừa phản - nhưng thế rồi sau đó sẽ ra sao?" - Công tước Andrey bác lại: "Ừ, rồi sao nữa? Mình không biết rồi sau sẽ ra sao nữa, mình không thể biết, mà cũng không muốn biết; nhưng nếu mình muốn vinh quang, muốn được mọi người biết đến, được mọi người hâm mộ, nếu mình muốn thế, và chỉ muốn có thế, chỉ sống vì thế thì thật cũng chẳng phải là lỗi tại mình. Ừ mình chỉ vì danh vọng mà thôi. Mình sẽ không bao giờ nói với ai cả; nhưng mà trời ơi! Nếu mình chẳng ham gì ngoài cha mình, em mình, vợ mình - Đó là những người thân yêu nhất của mình, nhưng dù việc ấy có vẻ ghê gớm đến đâu, trái tự nhiên đến đâu, mình cũng không do dự hy sinh hết mọi người thân thích cho một chút vinh quang, cho một lúc chiến thắng, cho lòng hâm mộ của những người mà mình không biết và cũng sẽ không bao giờ biết… như những người này". Chàng vừa kết luận vừa lắng tai nghe tiếng người nói ngoài sân dinh thự tổng tư lệnh.
Đó là tiếng mấy người cần vụ đang sửa soạn đi ngủ. Một người chắc là anh đánh xe - đang trêu ông lão Tít, người nấu bếp của Kutuzov và công tước Andrey rất quen; anh ta gọi:
- Ông Tít, ê, ông Tít.
- Cái gì thế? - Ông lão hỏi.
Anh chàng bông lơn nói:
- Ông Tít, mắt ông nhắm tít.
Tiếng ông lão rủa:
- Xì! Quỉ bắt mày đi! - Rồi tiếng mọi người cười phá lên, lấp cả tiếng nói của ông ta.
Công tước Andrey kết luận: "Dù sao, mình cũng chỉ quý chuộng cái thế ưu việt cửa mình so với tất cả những con người đó, mình chỉ quý cái sức mạnh huyền bí, cái vinh quang đang bay lượn trên đầu mình, trong đám sương mù kia thôi!".
Chú thích:
(1) Ở đây có chỗ tiền hậu bất nhất. Trên kia thì nói 10 giờ lúc này lại nói là tám giờ.
2. Ghế bành đệm ngồi thì thấp, lưng thì cao để tựa đầu vào, lấy tên nhà đại văn hào Pháp trong thế kỷ 18
(3) Bản đồ chiến trường Austerlix (2-11-1805) Napoléon cho hữu quân lùi, nhử cho cả quân Nga đuổi theo kế hoạch Vairother, rồi thừa thế cho trung quân tiến lên chiếm cao nguyên Pratxen là vị trí quyết định, đánh vòng ra sau lưng, cắt quân Nga ra từng đoạn, dồn xuống ao dầy đóng băng ở hẻm núi mà tiêu diệt. Hữu dực Nga do Bargartion chỉ huy thì bị đánh lui về Austerlix.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.