Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 12:




Khi chiếc xe song mã của bá tước phu nhân Roxtova đưa hai mẹ con Anna Mikhailovna qua một con đường rải rơm và tiến vào cái sân rộng của bá tước Kiril Vladimirovich Bezukhov, công tước phu nhân rút bàn tay ra khỏi cái áo khoác cũ kỹ rồi với một cử chỉ dịu dàng và rụt rè đặt nó lên cánh tay con trai, nói:
- Boris con ạ, con phải ngoan ngoãn, ân cần nhé: dù sao bá tước Kiril Vladimirovich cũng là cha đỡ đầu của con, tương lai của con là tuỳ ở bá tước cả. Con đừng quên đấy, phải cố sao cho thật hoà nhã đấy, con thường vẫn là người biết cư xử.
Boris đáp, giọng lạnh lùng.
- Không biết rồi có được gì không, hay chỉ chuốc lấy cái nhục… Nhưng thôi, vì con đã hứa với mẹ con, con sẽ làm mẹ vui lòng.
Mặc dầu lúc bấy giờ có một chiếc xe ngựa khác không rõ của ai, vừa đỗ ở bên thềm, người giữ cửa vẫn đưa mắt nhìn hai mẹ con Boris.
Hai người bước thẳng vào dãy hành lang bằng kính, giữa hai dãy tượng đặt trong những chiếc hốc tường, không báo cho người giữ cửa biết mình là ai. Người giữ cửa nhìn cái áo khoác cũ kỹ một cách đầy ý nghĩa và hỏi họ muốn đến thăm ai, đến thăm các công tước tiểu thư hay đến thăm bá tước. Khi biết rằng họ muổn đến thăm bá tước, anh ta nói bá tước đại nhân hiện đang ốm nặng hơn trước và không muốn tiếp ai cả. Boris nói bằng tiếng Pháp.
- Ta có thể đi về được rồi đấy.
- Này con - bà mẹ nói, giọng cầu khẩn, bàn tay lại chạm lên cánh tay con, tưởng chừng sờ như vậy có thể an ủi và khích lệ Boris
Boris không nói gì nữa, chàng nhìn mẹ như muốn dò hỏi, nhưng vẫn không cởi áo khoác. Anna Mikhailovna nói với người giữ cửa, giọng dịu dàng.
- Này anh, tôi biết bá tước Kiril Vladimirovich ốm rất nặng… Chính vì vậy tôi mới đến đây… vì tôi là bà con. Tôi sẽ không làm phiền bá tước đâu anh ạ… Tôi muốn gặp công tước Vaxili Xergeyevich. Ông ta hiện đang ở đây. Nhờ anh báo giúp.
Người giữ cửa hầm hầm giật dây chuông và quay lưng vào. Anh ta gọi to người hầu đi giày có bít tất cao, mặc lễ phục bấy giờ đang chạy từ trên lầu xuống, nhìn qua hàng tay vịn của cầu thang gác:
- Công tước phu nhân Drubeskaya muốn gặp công tước Vaxili Xergeyevich.
Người mẹ sửa lại các nếp áo trên chiếc áo dài bằng lụa nhuộm, nhìn vào tấm gương Vênêxi ở trên tường rồi chân đi đôi giầy đã mòn, nhanh nhẹn bước lên những bậc cầu thang gác lót thảm.
- Này con, con đã hứa với mẹ rồi đấy nhé! - bà nói với con một lần nữa và lấy bàn tay sờ lên tay con để thúc giục. Boris cúi mặt, điềm nhiên bước theo mẹ. Hai người bước vào cãn phòng dành cho công tước Vaxili. Đến giữa phòng, họ đang định hỏi một người hầu già chạy đến khi nghe có tiếng chân người, xem phải đi dường nào, thì quả đấm bằng đồng ở cánh cửa quay một vòng và công tước Vaxili bước ra, mình mặc một cái áo choàng bằng nhung theo lối ăn mặc thường trong nhà, chỉ đeo một huy chương ngôi sao, theo sau là một người đàn ông tóc đen rất đẹp. Người này là Lorrain, thầy thuốc nổi tiếng Peterburg. Công tước hỏi:
- Đúng thế đấy chứ?
- Thưa công tước "errare humanum est" (1) nhưng mà… - người thầy thuốc trả lời: ông phát những chữ r la-tinh bằng gốc lưỡi như trong tiếng Pháp. - Được, được!
Nhận thấy hai mẹ con Anna Mikhailovna, công tước Vaxili cúi chào tiễn thầy thuốc ra rồi im lặng đến gần họ, có ý dò hỏi. Boris nhận thấy trong khoé mắt của mẹ mình đột nhiên hiện ra một vẻ đau xót ủ ê. Chàng khẽ nhếch môi mỉm cười.
- Thưa công tước, chúng ta lại gặp nhau trong một tình cảnh thực thương tâm… Người bệnh yêu quý của chúng ta như thế nào rồi? - Bà nói, giả vờ không nhận thấy cái nhìn lạnh nhạt và xấc xược đang dán chặt vào mình.
Công tước Vaxili nhìn bà rồi lại nhìn Boris có ý dò hỏi, gản như sửng sốt. Boris lễ phép cúi chào. Công tước Vaxili không đáp lễ quay sang nhìn Anna Mikhailovna và trả lời câu hỏi cùa bà bằng cách lắc đầu mấp máy đôi môi, ý muốn nói rằng tình trạng đã cơ hồ tuyệt vọng. Anna Mikhailovna kêu lên:
- Thế kia ư? Ô thật là kinh khủng, nghĩ mà rợn cả người. Con trai tôi đấy - bà nói thêm đưa tay chỉ Boris - nó muốn thân hành đến cảm ơn ông đấy.
Boris lại cung kính nghiêng mình một lần nữa.
- Xin công tước hãy tin rằng lòng người mẹ quyết không bao giờ quên những điều mà công tước đã giúp cho chúng tỏi.
- Tôi rất lấy làm sung sướng là đã giúp ích được phần nào cho bà Anna Mikhailovna thân mến - công tước Vaxili vừa nói vừng sửa lại cổ áo, giọng nói và cử chỉ biểu lộ cho người đã chịu ơn ông biết rằng, ở đây, tại Moskva, ông lại còn quan trọng hơn nhiều so với khi ở Peterburg trong tối tiếp tân tại nhà Annet Serer.
- Anh hãy nỗ lực làm tròn bổn phận và tỏ ra là một người đứng đắn - Ông quay về phía Boris nói thêm, giọng nghiêm khắc. - Tôi rất hài lòng… Anh được nghỉ phép đấy chứ? - Ông hỏi, lạnh nhạt và dõng dạc.
- Thưa ngài tôi đang đợi lệnh để đi nhận chức vụ mới - Boris đáp, không tỏ ra bực tức về cái giọng khó chịu của công tước Vaxili, cũng không tỏ ra muốn tham dự vào câu chuyện, giọng chàng điềm nhiên và lễ độ đến nỗi công tước phải chăm chú nhìn chàng.
- Anh ở với phu nhân phải không?
- Tôi ở nhà bá tước Roxtov - Boris đáp, rồi nói thêm - Thưa ngài.
- Tức là cái ông Ilya Roxtov - đã lấy Natali(2) Sinxina ấy - Anna Mikhailovna nói.
- Tôi biết, tôi biết. - Công tước Vaxili nói, giọng đều đều. - Tôi không tài nào hiểu được tại sao Natali lại chịu lấy anh chàng thô lậu ấy. Một con người hoàn toàn ngốc nghếch và lố bịch. Lại là tay cờ bạc nữa thì phải.
- Nhưng, thưa công tước, cũng là người rất trung hậu! - Anna Mikhailovna nói và mỉm một nụ cười cảm động, làm như bà biết rằng tay bá tước Roxtov quả xứng đáng với lời đánh giá kia, nhưng bà xin công tước thương hại cho cái ông già tội nghiệp ấy một chút.
Công tước phu nhân im lặng một lát rồi hỏi.
- Các bác sĩ nói thế nào? - Và trên khuôn mặt tiều tuỵ lại lộ cái vẻ xót xa thương cảm.
- Ít hy vọng lắm - Công tước đáp.
- Tôi rất muốn cảm ơn cậu tôi một lần nữa về những ân huệ của cậu đối với tôi và cháu Boris. Đây là con đỡ đầu của cậu tôi đấy - Bà nói thêm, với cái giọng làm như điều này lẽ ra phải làm cho công tước Vaxili sung sướng mới phải.
Công tướcVaxili suy nghĩ một lát và cau mày, Anna Mikhailovna hiểu ngay ông ta sợ gặp ở bà một tay kình địch trong việc thừa hưởng gia tài bá tước Bezukhov. Bà vội vàng nói cho công tước yên tâm.
- Chỉ vì tôi yêu mến chân thành và ăn ở hết lòng với cậu tôi - bà tiếp, nói chữ "cậu" một các đặc biệt có hiệu quả và lơ đễnh. - Chứ tôi vẫn biết tính nết bá tước như thế nào. Tôi biết bá tước là người cao thượng và thẳng thắn, nhưng bên cạnh bá tước chỉ có ba công tước tiểu thư… Họ còn trẻ… - Bà cúi đầu và nói thêm, giọng thì thào - Thưa công tước, bá tước đã làm xong những nhiệm vụ cuối cùng chưa? Những giây phút cuối cùng quả là vàng ngọc. Tình hình nghe như nguy kịch lắm rồi, - thế nào cũng phải sửa soạn cho bá tước, nếu quả bá tước ốm nặng như vậy. Thưa công tước, đàn bà chúng tôi, - bà mỉm cười dịu dàng - bao giờ cũng biết cách nói những điều ấy. Thế nào tôi cũng phải gặp cậu tôi; dù điều đó có làm cho tôi não lòng đến đâu; tôi vốn đã quen chịu đau khổ.
Chắc hẳn công tước đã hiểu, hiểu lắm. Cũng như trong buổi tối ở nhà Annet Serer, ông ta đã hiểu rằng rất khó lòng mà rút khỏi cái mụ Anna Mikhailovna. Ông ta nói:
- Bà Anna Mikhailovna ạ, việc gặp mặt này có thể làm cho bá tước mệt thêm. Chúng ta hãy đợi đến chiều, các bác sĩ dự đoán thế nào bệnh cũng sẽ lên một cơn nữa.
- Nhưng thưa công tước, trong những giờ phút như thế này không thể nào chờ đợi được! Công tước thử nghĩ xem: đây là việc cứu vớt linh hồn bá tước(3). Ô, bổn phận một người Cơ đốc giáo thật là nặng nề.
Cánh cửa dẫn vào phòng trong mở ra, và một công tước tiểu thư, cháu gái của bá tước, hiện ra, vẻ mặt ảo não và lạnh lùng, thân hình quá dài so với đôi chân.
Công tước Vaxili quay về phía tiểu thư hỏi:
- Thế nào, bá tước thế nào?
- Vẫn cứ thế, ồn, như thế này thì biết làm sao được… - Công tước tiểu thư nói mắt nhìn Anna Mikhailovna từ đầu đến chân như nhìn một người lạ. Anna Mikhailovna:
- Chị đấy à? Thế mad tôi không nhận ra! - Bà nói, miệng mỉm cười sung sướng và bước lại gần người cháu gái của bá tước - Tôi vừa đến đây. Tôi đến để giúp chị săn sóc cậu lôi. Tôi biết chị đau khổ rất nhiều - Bà nói thêm, mắt ngước nhìn lên tỏ vẻ ái ngại.
Công tước tiểu thư không đáp, cũng không mỉm cười, lập tức rời khỏi phòng. Bà Anna Mikhailovna tháo găng tay và ngồi xuống ghế bành như một người thắng trận, mời công tước Vaxili ngồi xuống cạnh mình. Bà mỉm cười nói với con:
- Boris! Mẹ vào thăm bá tước, thăm cậu, còn con thì đến thăm anh Piotr và nhớ nói với anh Piotr rằng gia đình Roxtov mời anh đến đấy nhé. Họ mời anh ấy đến ăn bữa chiều - Rồi bà nói tiếp với bá tước Vaxili. - Nhưng tôi chắc anh ấy sẽ không đến, có phải không công tước?
Công tước đáp lại, có vẻ bực mình rõ rệt:
- Trái lại, tôi rất bằng lòng nếu bà giúp tôi thoát khỏi cái anh chàng ấy. Anh ta cứ ở lì đây…
Bá tước không hề nhắc gì đến anh ta cả. Ông nhún vai. Một người đầy tớ đưa chàng thanh niên xuống thang gác rồi cùng chàng đi lên cái thang gác đến phòng Piôtr Kirilovich.
Chú thích:
(1) Con người ta vốn dĩ hay lầm (ngạn ngữ la-tinh)
(2) Nathalie
(3) Đây là nói lễ bôi dầu lên mặt của người Cơ đốc giáo để rửa tội trước khi chết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.