Xin Hãy Quên Em

Chương 10:




Suốt mấy ngày liền sau đó tinh thần tôi suy sụp nặng nề, kéo theo sự mệt mỏi về thể xác, giống như tôi đang đi lang thang với tảng đá lớn trên tay mà không biết đặt nó xuống chỗ nào. Tôi có một người anh trai có cũng như không, một đối tác làm ăn có trục trặc về hôn nhân, một người chồng hờ chỉ đến thăm con hai lần một năm, một cô giúp việc đáng nghi bán ma túy; và giờ đây tôi phát hiện ra cô em gái là kết quả của một mối tình vụng trộm.
Để cố xua đi những nổi ám ảnh, tôi sục sạo cái tủ đựng quần áo, cố chọn được một thứ để mặc đi dự bữa tiệc nhà Edward. Khi tôi lôi đôi giày ra thì Cassie gọi điện. Mới đầu giọng nói của nó làm tôi hơi khó chịu nhưng rồi cảm giác xa lạ đó nhanh chóng nhường chỗ cho những tình cảm thân thuộc vốn có.
“Chị đoán xem đã xảy ra chuyện gì nào,” nó nói.
“Chị chịu thôi,” tôi đã tìm thấy đôi giày cao gót đế gỗ đang định đi. “Chị chẳng có sức lực đâu mà tưởng tượng nữa. Em kể cho chị nghe đi.”
“Chuyện của ba.”
Tôi đứng thẳng người dậy. “Ba không sao chứ?”
“Ồ, không sao mà. Nhưng mà em mới biết một chuyện, chà, hơi ngạc nhiên đấy,” nó nói.
Làm sao có thể ngạc nhiên bằng những gì tôi mới phát hiện ra được cơ chứ, tôi chua chát nghĩ.
“Vậy thì chuyện gì nào?” Tôi với lấy cái váy dạ tiệc bằng vải lanh màu xanh treo trong tủ.
“À, tối hôm qua khi em đang ngồi ở quầy bar của quán Harvey Nichols Tầng Năm - đang tập trung vào chuyên môn.”
“Em gọi việc đó là chuyên môn ư?”
“Em đang ngồi tán gẫu với một gã mà em được thuê để... kiểm tra.”
“Giả vờ tán tỉnh thì có,” tôi nói chữa. “Nhân thể nói luôn là chị mong việc em đang làm không có nguy hiểm gì.”
“Ồ, hoàn toàn không có gì đáng lo cả chị ơi,” nó đáp, “bởi vì anh Ken, ông chủ của em, đang ngồi cách đó vài bước chân với một cái máy quay trộm. Thình lình em nhìn sang phía bên kia của quầy bar và chị đoán xem em trông thấy ai nào? Ba!”
Tôi ngồi phệt xuống giường. “Em nhìn thấy ba ở quán Harvey Nichols à?” Đó không phải là nơi ba tôi thường đến. “Ông có nhận ra em không?”
“Không. Một phần vì ở đó rất đông người, hơn nữa lúc đó ba đang mải tâm sự với... một người phụ nữ.”
“Phụ nữ?” Tôi lặp lại và ngó ra ngoài cửa sổ. “Vậy là ba đang hẹn hò.”
“Vâng. Em thấy chuyện đó thật khó chấp nhận.”
“Vì sao?”
“Bởi vì người phụ nữ đó trẻ hơn ba ít nhất là ba mươi tuổi.”
“Ồ. Ghê gớm thật - Ý chị là cô ta ấy.”
“Chẳng sai. Cô ả trông thật khổ sở mặc dù ba rất sốt sắng, hỏi han cô ta đủ thứ chuyện - ba đang đeo cái cà vạt Pucci cơ đấy. Khi cô ả vào nhà vệ sinh, em viện lý do với gã kia rồi đi theo. Em nghe lén được ả gọi điện cho một người bạn. Ả nói rằng mình đang có một cuộc hẹn “kinh khủng nhất trong đời” với “một lão già chán ngắt”...”
“Quỷ tha ma bắt ả đi!”
“...lão già tự nhận mình trẻ hơn tuổi thực tới hai mươi năm - chắc là ba đã nói ông mới chỉ năm mươi hai.”
“Năm mươi hai. Trời ơi. Phải ít hơn chứ - hay nói cách khác là vẫn chưa đủ trẻ. Nhưng sao ba làm thế được nhỉ?”
“Đó, vấn đề là ở chỗ đó. Từ cuộc nói chuyện của hai người em biết là cô ta đăng tin trên mục tìm bạn của tờ Times và ba đã trả lời. Cô ả nói rằng so với tiêu chuẩn “khoảng 45-50, khỏe mạnh, vui tính, có tinh thần trách nhiệm” mà cô ta đặt ra thì ba là một lão già về hưu hết xí quách.”
“Cô ta thật láo toét - Ba vẫn còn tráng kiện lắm so với những người cùng tuổi.”
“Rồi cô ả lại nói ba kể với ả rằng ông đã trả lời khá nhiều tin quảng cáo tương tự rồi - hai mươi tám tin, chính xác là như vậy.”
“À.” Hèn gì mà gần đây ba tôi lại tỏ ra chăm chút đến vẻ bên ngoài đến vậy.
“Chị có thấy sốc không?” Tôi nghe Cassie hỏi. “Ba mình - làm cái việc đó ở tuổi của ông! Tháng Mười hai này ba bước sang tuổi bảy mươi rồi!”
Tôi thầm nghĩ giờ mình chẳng thể sốc được nữa. “Không, chị chẳng thấy gì là sốc cả,” tôi đáp. “Chỉ là “hơi ngạc nhiên” thôi. Em đừng đoan trang thế, Cassie - hãy nhìn lại những gì em làm đi - và đừng quá khắc nghiệt với ba như vậy. Ông đã rất cô đơn kể từ khi mẹ mất. Chị mong ba sẽ may mắn.”
“Chị vẫn khỏe đấy chứ, Anna. Giọng chị nghe... lạ lắm.”
“Chị hoàn toàn bình thường. Chị chỉ hơi mệt thôi.”
“Chị có nghĩ là em nói chuyện với ba về việc này không?”
Tôi đóng sầm cánh cửa tủ. “Em không được nói. Nếu ba muốn biến mình thành một gã dở hơi với mấy đứa con gái trẻ hơn mình thì đó là chuyện của ông ấy - dù sao thì việc đó cũng vui vẻ hơn là chuyện cầu cống với hội Travises. Nhưng mà xin lỗi em, chị phải đi có việc rồi.”
Tôi lên phòng làm việc và lấy tấm ảnh mẹ tôi cùng người tình ra xem lần nữa, dù đã xem đi xem lại mấy lần rồi, phòng khi phát hiện thêm điều gì mới mẻ không. Cứ nhìn thấy nó là tâm trí tôi lại rối bời, không còn nghĩ được gì nữa, như thể ai đó nhét một viên gạch vào đầu vậy. Tôi cần phải nói chuyện về nó, nhưng với ai đây? Không phải với ba tôi rồi, tôi nghĩ bụng, nó sẽ gợi lên những ký ức đau buồn của ông. Không phải với Cassie. Tôi cũng không muốn nói với Patrick vì như thế tôi đã phản bội lại gia đình mình. Tôi phân vân không hiểu anh Mark có biết chút gì không. Tôi viết một email cho anh, nói rằng tôi đã phát hiện một chuyện đáng buồn và muốn tâm sự với anh. Thế nhưng nửa giờ sau tôi nhận được email trả lời tự động thông báo anh ấy đã ra đi khỏi thành phố đến ngày mười chín tháng Sáu mới về.
Trong những ngày sau đó tôi vẫn không tài nào chấp nhận được sự thật tôi tìm ra về mẹ mình. Tôi tự dằn vặt mình rằng mẹ tôi đã có những giây phút yếu lòng. Tôi cần phải làm sáng tỏ những gì mình mới biết được - với sự trợ giúp của một chuyên gia. Sao không tìm một chuyên gia tâm lý nhỉ? Tôi tìm trong danh bạ điện thoại được một số người và sắp sửa gọi điện cho một ông - bác sĩ Buckhurst, có văn phòng ở Hampstead- thì sực nhớ đến Jenny. Chị ấy chuyên tư vấn về stress và chấn thương. Chị ấy thường đưa ra những lời khuyên sâu sắc và hữu ích. Quan trọng nhất là Jenny rất kín miệng. Miệng của chị ấy như bị gắn xi - không chỉ về đời tư của mình mà còn về người khác. Vì vậy tôi gửi cho chị một tin nhắn, hẹn gặp càng sớm càng tốt.
“Cái này để làm gì?” chị hỏi khi tôi đến nhà hai ngày sau đó với một chai sâm banh trên tay.
“Vì em nghĩ là chị sẽ không để em trả tiền phí đâu.”
“Em nói đúng,” Jenny nói. “Chị không lấy. Cám ơn em.” Chị đưa tôi vào phòng đọc, cũng là phòng làm việc của mình. “Được rồi,” chị nhẹ nhàng nói khi chúng tôi ngồi xuống hai cái ghế bọc da nâu. “Em bảo là cần nói chuyện.”
“Vâng,” giọng nói đầy cảm thông của Jenny khiến tôi cảm thấy dễ chịu với những xúc cảm không thốt nên lời. “Em...” Chị đưa cho tôi một hộp khăn giấy. Tôi ngồi tĩnh tâm lại một lúc và kể với chị những gì tôi vừa khám phá ra. Tôi không mang theo bức ảnh vì nó quá riêng tư, tôi chỉ mô tả nó.
Jenny im lặng ngồi nghe tôi nói, thỉnh thoảng dùng cây bút chì ghi chép lại một điều gì đó, khuôn mặt chị không gợn một chút ngạc nhiên hay phê phán gì, chỉ là một sự tập trung cao độ và tỉnh táo.
“Ba em đã ở Braxin liền tám tháng thật chứ? Không có sự gián đoạn nào?”
“Chắc chắn là như vậy.”
“Có khả năng nào là ông ấy quên không? Dù gì thì cũng đã cách đây ba mươi năm rồi.”
“Ông ấy điền ô chữ trên tờ Times mất có hai mươi phút. Trí nhớ của ba em vẫn rất tốt. Ông nhớ như in ngày ông quay trở lại đất nước là mùng Chín tháng Tám, ngày sinh nhật của bà nội em.”
“Và mẹ em có thể đã sang Braxin chăng?”
“Câu hỏi của chị rất hay,” tôi nói. “Mấy bữa trước em đã giả vờ bâng quơ hỏi ba em về điều đó; và ông trả lời rằng chắc chắn là mẹ em không thể sang gặp ông được vì bà còn bận trông anh Mark và em - vào lúc đó anh Mark bảy tuổi và em năm tuổi.”
“Vậy là em tin rằng trong khi ba em phải sang Braxin làm việc thì mẹ em ngoại tình dẫn đến sự ra đời của em gái em?”
“Đúng thế, giờ thì em tin như vậy. Ba em thừa nhận đó là một khoảng thời gian bất hạnh đối với ông và cuộc hôn nhân của họ bị chao đảo; và điều đó cũng có thể giải thích tại sao Cassie lại... khác em đến thế.”
“Nhưng một việc hệ trọng như thế sao có thể che giấu được?” Một chiếc xe bán kem rong chạy dọc phố với tiếng chuông leng keng vui tai nhưng pha chút sầu thảm. “Trong thời gian rất dài nữa chứ.”
“Chị bảo em đấy nhé.” Tôi lau mắt bằng cái khăn giấy.
“Cảm giác của em về Cassie giờ ra sao?”
Tôi nhìn lên trần nhà. “Em nghĩ là mình sẽ nhìn nó với một cặp mắt khác - xa lạ và ngượng ngùng - nhưng sự thật là vẫn như ngày trước. Nó vẫn là đứa em hay phá phách, vô tâm và gây thất vọng... của em.”
Jenny gật đầu. “Em nghĩ vì sao mà ba mẹ em không nói với nó khi nó còn nhỏ - chưa kể tới em và anh trai em nữa?”
Tôi nhún vai. “Em cho là ba em cố gắng bảo vệ mẹ em. Ba em yêu bà. Ông phải yêu bà lắm mới có thể chịu đựng được những gì đã xảy ra - hay đúng hơn là những gì mẹ em đã làm,” tôi u buồn nói tiếp. “Mặt khác có thể ông không muốn cho em và anh Mark biết vì sợ chúng em sẽ nghĩ xấu về Cassie.”
“Vậy thì mục đích của ông ấy là bảo vệ con bé và duy trì sự đoàn kết của gia đình.”
“Vâng.”
“Điều đó hoàn toàn dễ hiểu mặc dù nó che đậy một sự lừa dối mà giờ đây đang làm khổ em. Em nghĩ là ai có thể là người đã chụp bức ảnh đó?”
“Em chẳng biết. Một người lạ nào đó đi ngang qua chăng.”
“Trong lúc đó em và anh Mark đang ở đâu?”
“Có lẽ là với bà nội Temple. Bà rất thích bọn em đến chơi. Vậy nên có thể mẹ em đã gửi bọn em ở đó trong khi bà đi gặp... ông ta. Ông Carlo này...” Tôi lắc đầu. “Chị Jenny ơi em thật không thể tin được. Mặc dù em đã ba mươi lăm tuổi và bản thân em cũng đang có một đứa con gái theo cách chẳng tốt đẹp là mấy.”
“Điều gì khiến em bị sốc nhất trong chuyện này?” Jenny hỏi với giọng đằm thắm. “Việc mẹ em ngoại tình? Hay là việc họ không kể cho em nghe sự thật - nếu đúng là như vậy - về Cassie?”
“Cả hai,” tôi đáp. “Nhưng em bị sốc nhất với cái ý nghĩ rằng mẹ mình đi... ngoại tình. Em còn không nói nổi từ đó, nói gì đến việc làm quen với nó.”
“Tại sao?” Jenny hỏi. “Rất nhiều người phụ nữ bị say nắng khi đã có gia đình. Đó là chuyện bình thường của cuộc sống.”
“Em cũng biết thế, nhưng mẹ em không giống như vậy. Mẹ em rất... đoan chính,” tôi phản đối chị. “Bà thường dạy chúng em không bao giờ được đánh mất mình - làm sao để cư xử cho tốt - ấy vậy mà chính bà ấy đã không làm được điều đó.”
“Giờ em nghĩ về mẹ em như thế nào?”
“Em giận bà - và thấy... thất vọng.”
“Có phải bởi vì em đã luôn lý tưởng hóa mẹ em?”
“Ở một mức độ nào đó thì như vậy. Nhưng mà chính là vì mẹ em luôn tô vẽ cho cuộc hôn nhân của mình một sự hoàn hảo và vững chắc trong khi thực tế không phải như vậy. Bà có con với người khác.”
“Tuy nhiên mẹ em lúc đó là một phụ nữ trẻ đẹp. Bà ấy có hai đứa con nhỏ. Chồng đi vắng xa một thời gian rất dài. Có lẽ bà ấy đã giận ba em vì đã “bỏ rơi” gia đình, theo cách bà nghĩ như vậy. Bên cạnh đó em nói là bà kết hôn lúc còn rất trẻ.”
“Vâng, hai mươi tuổi. Đó là một đám cưới vội.” Vậy là Jenny đã đưa ra hai nhận định của riêng mình.
Tôi nghe thấy tiếng mẫu bút chì miết lên quyển sổ ghi chú của chị. “Còn ba em thì già hơn mẹ?”
“Lớn hơn mười hai tuổi.”
“Đó là một khoảng cách khá lớn. Ai mà biết được, họ có thể đã hục hặc từ trước khi ba em sang Braxin. Rồi sau đó mẹ em phải tự xoay xở một mình trong tám tháng trời và bà ấy gặp người đàn ông đẹp trai nọ, theo em mô tả thì có thể là một người Ý, trạc tuổi mình. Ông ta mang lại cho bà cảm giác được yêu thay vì cô đơn...” Tôi nghĩ đến vẻ mặt rạng ngời của mẹ tôi trong bức ảnh. “Anna này, mẹ em cũng là một con người mà.”
“Em biết.” Tôi có thể nghe thấy tiếng tích tắc của một cái đồng hồ ở đâu đó.
“Có lẽ bà dành cho em những lời khuyên vừa nói vì bà muốn chắc chắn rằng em sẽ không mắc phải sai lầm như chính bà đã từng phạm phải.”
“Đúng như vậy.” Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi đã can thiệp vào cuộc sống riêng của cả anh Mark nhiều như thế nào - ấy vậy mà kết quả lại không như mong đợi. “Nhưng điều em không hiểu là tại sao ba em lại không đối xử lạnh nhạt với Cassie, thậm chí là ruồng rẫy nó, mà ngược lại ông coi nó như cục cưng. Ba em luôn luôn cưng chiều nó theo cách chẳng bao giờ làm với em. Điều đó rất khó hiểu.”
Chúng tôi im lặng một lát. “Chị thấy là dễ hiểu đấy chứ,” Jenny nói.
“Vì sao vậy?”
“Vì để đảm bảo hạnh phúc gia đình, ông ấy phải xem Cassie như là con đẻ của chính mình, bất chấp sự thất vọng mà mình phải chịu đựng. Còn mẹ em thì rõ ràng là cũng mong muốn điều tương tự nên bà cứ coi như Cassie là con đẻ của ông. Đó rất có thể là nguyên do khiến ba em cưng chiều nó như vậy.”
“Em chưa hiểu ý chị.”
“Có thể ông ấy sợ mình sẽ không thể yêu quý con bé nên chọn cách chiều chuộng nó - để lấy lòng nó và đổi lại điều đó giúp ông ý thức được trách nhiệm làm cha đối với Cassie. Đó có lẽ là cách duy nhất ông ấy có thể làm được. Vì nếu hắt hủi Cassie, hạnh phúc gia đình sẽ đổ vỡ và mọi thứ cũng tan tành theo.”
Gần như ông đang cố bù đắp cho nó vì một điều gì đó.
“Có thể chị nói đúng,” tôi nói khẽ và đứng lên. “Em rất vui vì đã nói chuyện với chị, Jenny ạ. Chị rất thông thái. Cám ơn chị nhé.”
“Nhưng mà... giờ sao đây?”
Tôi hít một hơi dài. “Em chẳng biết nữa.”
“Có một cách là em cố mà quên hết mọi chuyện và tiếp tục sống như chưa có gì xảy ra. Em có muốn làm thế không?”
Tôi lắc đầu. “Chuyện này quá hệ trọng. Nhưng mà nói với Cassie về chuyện đó không tùy thuộc vào em, phải không chị?”
“Thế thì tùy thuộc vào ai?”
“Dĩ nhiên là ba em rồi.”
Tối hôm sau, khi đang chuẩn bị đi dự tiệc ở nhà Edwards, tôi nghĩ làm sao mình có thể trao đổi một chủ đề khó khăn như thế với ba tôi. Mình phải chọn đúng thời điểm, tôi tự nhủ và đeo bộ khuyên tai vào. Nói qua điện thoại có vẻ dễ dàng hơn, hoặc cũng có thể viết cho ông một lá thư; hay tôi có thể tham gia sô Đối thoại với khán giả của Jerry Springer trên truyền hình và bộc bạch hết mọi thứ trên đó. Có khi họ còn tìm thấy ông Carlo đó ấy chứ, tôi nghĩ vẩn vơ rồi xỏ chân vào giày. Tôi hình dung ra cảnh ba tôi và ông ấy lao vào nhau, tiếp theo đó là một cuộc hòa giải đầy cảm động nhờ có sự can thiệp bất ngờ từ Cassie. Khán giả rồi sẽ phát rồ lên cho mà xem.
Dòng suy tưởng của tôi bị chặn lại bởi giọng hát ru Milly của Luisa: “Centellea, centellea, estrellita...”
Thế này thì quá thể rồi. Tôi đi xuống nhà.
“Me pregunto que eres tu...”
“Luisa,” tôi nói nhỏ. “Lời gốc của bài hát đó là “Một ngôi sao nhỏ lấp lánh, lấp lánh/ Tôi tự nghĩ đó là cái gì”. Xin em đừng hát cho Milly nghe bằng tiếng Tây Ban Nha nữa có được không? Dù giọng của em rất dễ thương nhưng chị cảm thấy rất bực bội - và xin em đừng nói tiếng Tây Ban Nha với con bé nữa vì em đang làm nó rối trí đấy.” Tôi nhớ lại vụ cắn nhau ở nhà trẻ Sweet Peas. Và cả số tiền mà Luisa đang giấu trong phòng, lần gần nhất tôi xem trộm thì ổ trứng của nó đã lên đến năm ngàn. “Chị đã trả tiền cho em đi học tiếng Anh,” tôi cố gắng kiềm chế, “vậy mà theo như chị biết thì em chẳng học hành gì.”
Luisa đỏ mặt tía tai. “Xin lỗi, chị Anna.”
“Khi nào chị nói chuyện được với thầy giáo dạy tiếng Anh của em, thầy Cox - chị đã gửi ba tin nhắn cho ông ta rồi - chị sẽ hỏi cặn kẽ xem em đã làm những gì trên lớp,” tôi nói tiếp, “vì em đã làm gì trong suốt ba giờ đồng hồ liền vượt quá sự hiểu biết của chị.”
“Comprensión?” Nó ngây người ra.
“Sí. Comprensión! Hiểu biết! Điều mà rõ ràng chúng ta còn thiếu ở đây!”
“Mamá!, estás enfadada con Luisa?” Milly nói xen vào.
“Mẹ không mắng cô ấy,” tôi đáp. “Nada más estoy un poco frustrada.”
Milly quay sang nhìn Luisa. “La Momia is infeliz actualmente.”
“Không phải mẹ không vui,” tôi bảo Milly. “Mẹ chẳng làm sao cả, cám ơn con. Dù sao thì...” Tôi hít vào thật sâu. “Mẹ phải đi đây, Milly ạ.” Tôi hôn con bé. “Con ngoan nhé.”
“Soy una chica buena!” nó gắt lên.
“Mẹ biết là con sẽ ngoan mà, con yêu,” tôi nói.
Tôi đi taxi đến bữa tiệc để có thể thoải mái uống rượu. Khi chiếc xe đỗ xịch bên ngoài ngôi nhà, tôi thấy một đoàn khách khứa đang đi vào với sự chào đón của một số người phục vụ đeo tạp dề bưng khay đựng sâm panh. Tôi liếc nhìn cái nhãn chai khi cầm lấy một ly sâm banh - nó là sâm banh Veuve Clicquot. Nhà Edwards luôn chơi tới bến.
Tôi đi dọc hành lang, giờ đã được trang hoàng bởi những bức tranh đắt tiền và hai giỏ hoa to gần bằng cái bốt điện thoại. Mùi hoa huệ tây trộn lẫn với mùi nước hoa đắt tiền bay khắp nhà với đám đông khách khứa ăn mặc rất đẹp.
“- Chúng tôi sẽ lại đi Sardina.”
“- Chúng tôi có một ngôi nhà ở Monaco.”
“- Tôi từng có một bức của Sisley nhưng đã bán rồi.”
“- Cái kiểu đồng đô la đang...”
“- Năm nay cô lại đến Cartier chứ?”
Tôi bước ra ngoài ô cửa kính, dừng lại và ngắm nghía khu vườn, tự cho mình thưởng thức cảm giác thư thái với nó. Một niềm kiêu hãnh dâng trào trong tôi. Lớp đá lát sân vườn lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời cuối buổi chiều, những chậu hoa treo được tạo dáng rất thanh lịch và những cái cây bên trong tô điểm cho nhau bằng màu sắc và hình dáng của chúng. Khối đá granít đen trông thật ấn tượng; những cây đoan bện rất chỉn chu và đẹp mắt với những nhành cây nhỏ đan vào nhau giống như những cánh tay của chúng vậy. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi không thấy ai đứng trên bãi cỏ - những đôi giày gót nhọn có thể làm hỏng lớp cỏ mới trồng.
Xấp xỉ một trăm khách mời đã có mặt ở bữa tiệc - tôi nhận ra một vài người trong thành phố, một số chính trị gia, và nhân vật nổi tiếng, có lẽ là khách hàng cá nhân của bà Gill. Tôi trông thấy nhạc công chơi đàn xenlô Julian Lloyd-Webber, ông ta đang đứng nói chuyện với nam diễn viên Robert Powell, người đứng tựa vào một trong những chậu hoa bằng đá granít cao.
Tôi nhớ đến Carol Gowing khi nhìn thấy anh này vì cô ấy đã tham gia một tập của phim Holby City trong đó có một số cảnh diễn chung với anh ấy. Tôi tự hỏi không biết giờ cô ấy ra sao và liệu Mark có còn nghĩ về cô ấy không, đã bốn năm trôi qua rồi, Mark liệu có đang ở cùng ai không.
“Cô Anna!” Bà Gill Edwards gọi tôi, bà ta đang diện chiếc váy dài bằng lụa màu hồng phấn. “Tôi rất mừng là cô đến được. Vậy...” bà ta khoát tay về khu vườn. “Cô nghĩ sao? Hài lòng chứ?”
“Tôi hài lòng - nếu bà cũng như vậy.”
“Tôi rất mãn nguyện,” bà Gill đáp. “Cả hai chúng tôi. Thậm chí anh Martin bắt đầu thích mấy cây tú cầu rồi.” Rồi bà ta cười khúc khích. Đó không phải là giống với những cụm hoa tròn màu hồng mà ông ta thường ghê tởm mà là một giống khác - Tú cầu chùy - với những nụ hoa vun thành chóp xinh xắn. “Trong số khách mời ở đây cô có quen ai không?”
“Tôi nghĩ là chỉ bà với ông nhà thôi.”
Bà ta nắm lấy tay tôi. “Để tôi giới thiệu với cô vài người bạn cũ của chúng tôi - Antonia và Eduardo Morea. Đây là cô Anna Temple,” bà Gill nói và dắt tôi đến trước mặt hai vợ chồng nọ. “Cô Anna là nhà thiết kế tài năng của khu vườn xinh xắn này đấy.” Tôi thấy mình đến phải hôn bà Gill vì câu nói đó.
“Cô thiết kế khu vườn này à?” Bà Antonia nói. Bà này khoảng sáu mươi, trông rất trang nhã với bộ quần áo dài bằng lụa màu hồng nhạt cùng với cái khăn quàng cổ màu xám.
“Vâng, thưa bà.” Tôi cố không nhìn vào viên kim cương hình thoi gần bằng kích thước của một con tem trên ngón tay đeo nhẫn của bà ta.
“Ông Eduardo và tôi rất ngưỡng mộ nó - nó thật tuyệt vời. Xây mất bao lâu thế cô?” Tôi giải thích cho bà ta nghe. “Thế hiện giờ cô có bận gì không?”
Tim tôi đập rộn ràng. “Cũng khá bận ạ,” tôi trả lời khôn khéo.
“Hiện chúng tôi đang sống ở Belsize Park và mảnh vườn của chúng tôi đang rất cần được cải tạo, anh Eddie nhỉ? Cô nghe nhé,” bà ta khịt mũi, “ông ấy sẽ cũng nói về tôi hệt như vậy đó.”
“Em sao thế, em yêu,” ông già vùng vằng. “Nhưng quả thực là chúng ta có thể làm đẹp nó hơn nữa. Ồ, cám ơn,” ông ta nói khi một người phục vụ mang cái khay đựng sâm banh đến mời chúng tôi.
“Cô có danh thiếp không?” Bà vợ hỏi tôi.
Trước đó tôi đã định bụng rằng đưa danh thiếp vào lúc này là không thích hợp. “Tôi nghĩ tốt nhất là bà nên hỏi bà Gill. Hoặc bà có thể ghé thăm trang web của tôi. Tên tôi là Anna Temple.”
Bà Morea lấy từ trong túi xách ra một quyển sổ bọc da và viết vào đó bằng một cây bút chì vàng nhỏ. “Anna... Temple...” Rồi mỉm cười với tôi. “Tôi sẽ vào xem. Nhưng mà tôi thích mấy chậu bông lớn này - cái đài phun nước nhìn thật đẹp mắt với những âm thanh dễ chịu mà nó phát ra.”
“Cám ơn bà.”
“Chà, chúng tôi không níu chân cô nữa,” bà ta nói. “Nhưng chắc chắn tôi sẽ gọi cho cô.” Tôi mỉm cười tạm biệt, đoán rằng có lẽ bà ta sẽ không gọi đâu, nhưng tôi vui vì cuộc nói chuyện vừa rồi.
Tôi đi dọc khu vườn mà vẫn chẳng thấy bóng dáng Jamie đâu cả, trái lại là một khuôn mặt thân quen. “Anh Miles!” Tôi kêu lên. Ông chủ cũ của tôi.
“Anna!” anh ta gần như là hét lên. “Thật tuyệt khi gặp lại cô.” Anh ta nắm cả hai tay tôi và hôn lên má tôi một cách nồng ấm. Miles vẫn trông như một đứa trẻ già to xác, ngoại trừ mái tóc xoăn màu vàng của anh đã điểm mấy sợi bạc. “Nhưng... sao cô quen ông bà Gill và Martin?”
“Họ là khách hàng của tôi.”
“Cô muốn nói là cô xây cái này...?”
“Không, Jamie, cai thầu xịn của tôi xây nó. Tôi chỉ thiết kế thôi.”
“Chà, tôi và Fabia vừa mới chuyển đến Hampshire. Giờ thì tôi đã biết cô có thể làm được gì, tôi sẽ mời cô đến và xem mảnh vườn của chúng tôi - một đống đổ nát gần chừng một hécta.”
“Rất hân hạnh,” tôi nói. “Thế còn các cậu nhóc nhà anh sao rồi?” Một người phục vụ mời chúng tôi một cái bánh trứng cá muối.
“Chúng rất khỏe. Thằng lớn sang năm bắt đầu đi học - tôi không thể tin được. Còn cháu nhỏ của cô?” Anh hỏi. “Sue cho tôi xem một tấm ảnh của cháu - nó rất xinh.”
“Cám ơn anh.” Thật lạ lùng khi biết rằng tôi thụ thai Milly ngay trong ngày cuối cùng ở công ty Arden - như thể nó là món quà chia tay tôi tặng cho chính mình.
“Vậy là bây giờ cô cũng đã có gia đình rồi,” Miles nói.
“Vâng. Nó không được hoàn hảo lắm nhưng tôi hạnh phúc.” Tôi chợt nghĩ đến Patrick. “Arden đang làm ăn phát đạt nhỉ, tôi đã đọc trên báo viết về tình hình kinh doanh phát triển của nó.”
Anh ta nhún vai. “Tất cả chúng tôi đều xoay xở loanh quanh mà. Vì thế tôi biết bà Gill,” anh ta nói tiếp. “Bà ấy đầu tư tiền của một vài khách hàng cá nhân ở chỗ chúng tôi - bà ấy là một người rất lọc lõi. Bây giờ thì... chào anh chị!”
Một đôi vợ chồng gần bốn mươi xuất hiện ở hướng nhìn của Miles. Anh ta hôn lên má người phụ nữ rồi quay sang tôi. “Cô Anna này, cô đã bao giờ gặp anh chị Andrew và Jane Barraclough chưa?”
“Tôi chưa,” tôi trả lời và mỉm cười với họ. Có một điều gì đó rất quen thuộc toát ra từ người đàn ông mặc dù tôi không biết đích xác là gì. Anh ta rất đẹp trai còn cô vợ kém hơn nhiều cho dù cô ta mặc bộ quần áo đắt tiền và cực kỳ chải chuốt. Khuôn mặt nhăn nhó như thể cô ta đang phải nuốt một ngụm dấm chua vậy.
“Andrew và tôi biết nhau lâu rồi,” Miles giải thích. “Chúng tôi cùng làm cho Deutsche Bank mấy năm trước.”
“Lâu quá rồi tôi cũng không nhớ nữa,” Andrew nói với một nụ cười mỉm.
“Bây giờ anh làm ở đâu ạ?” Tôi tò mò về địa vị của anh này.
“Tôi vẫn làm trong thành phố,” anh ta đáp rồi gật đầu với cô vợ. “Jane và tôi đều làm cho Goldman Sachs. Chúng tôi là đồng nghiệp của ông bà Martin.”
“Vậy thì Jane chắc luôn để mắt tới anh rồi phải không nhỉ?” Miles bật cười hô hố.
Tôi thấy Jane tỏ ra không thoải mái cho lắm. “Tôi phải với hơi cao anh ạ,” cô ta nói với giọng chịu đựng, “thực tế đúng như vậy, tôi làm ở tầng tư còn anh ấy tít trên tầng ba chín.”
Sao tôi cứ có cảm giác là đã gặp Andrew ở đâu đó rồi? Có lẽ tôi đã gặp anh ta vì việc gì đó khi tôi còn làm ở khu Square Mile, hoặc cũng có thể tôi trông thấy anh ta trên tivi. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện một lúc, rồi chợt tôi trông thấy Jamie xuất hiện cùng Thea. Tôi vẫy tay và cả hai bước đến, Thea vận một chiếc váy dạ tiệc màu xanh nhạt lấp lánh với mái tóc búi cao được kẹp bởi một nhành hoa dành dành trắng xõa xuống gáy. Hai cánh tay mềm mại của cô ta rám nắng sau những chuỗi ngày đi lại nhiều.
“Chào anh, Jamie!” Tôi nói. “Chào cô, Thea,” rượu sâm banh làm tôi hơi phấn khích. “Rất vui được gặp cô,” tôi giả bộ. Tôi hơi ngạc nhiên khi Thea cười miễn cưỡng với mình, có vẻ không thoải mái vì sự có mặt của tôi. Hay là cô ta biết những gì tôi biết nhỉ - không thể nào. “Đây là sếp cũ của tôi, anh Miles Latimer,” tôi điềm nhiên nói, “còn đây là anh chị Jane và Andrew Barraclough.”
Jamie hơi lúng túng khi cậu ta bắt tay Andrew. “Chúng ta là hàng xóm, anh bạn ạ,” Jamie nói và mỉm cười.
“Thật sao?” anh ta nhìn Jamie với cái nhìn sửng sốt và có phần dè chừng. Có lẽ Andrew không thích bị gọi là “anh bạn”. Tôi liếc nhìn Thea giờ đây đang nhâm nhi ly sâm banh và hững hờ nhìn vào khoảng không như thể cô ta đã chán lắm rồi. Các ngón nghề PR của cô đâu hết rồi, tôi nghĩ bụng. Tôi quay lại phía Andrew, cảm giác ngờ ngợ đã gặp anh ta ở đâu rồi vẫn cứ lảng vảng trong đầu.
“Anh cũng sống ở đường Blythe mà,” Jamie nói. Ra vậy. Andrew ở cùng phố với cậu ta.
“Ồ... vâng.” Andrew gật đầu chậm rãi. “Tất nhiên rồi. Xin lỗi anh...?”
“Jamie,” Jamie tỏ ra thân mật.
“Giờ thì tôi nhận ra anh rồi. Ờ... vì... gặp nhau trong hoàn cảnh khác nên cũng hơi khó, phải vậy không? Vậy ra... anh ở số nhà 32 thì phải?”
“Đúng rồi. Tôi là chủ nhân chiếc bán tải màu xanh cũ kỹ đó.” Jamie toe toét cười. “Còn anh thì lại đi Bentley mới đau chứ!”
“Tôi e là vậy,” Andrew trả lời. “Chúng mình là những kẻ khoe khoang quá em nhỉ?” Anh ta quay sang vợ mình. “Ơ,” anh ta nói, mặt đỏ bừng. Cô ta đã bỏ đi từ lúc nào. Thật là là thô lỗ khi bỏ đi trong lúc mọi người đang giới thiệu nhau, tôi nghĩ thầm. “Tôi... xin lỗi,” anh ta lẩm bẩm. “Chắc cô ấy... có chuyện gì đó... dù sao thì... rất vui được gặp các bạn.” Anh ta cười xin lỗi rồi quay đi.
“Thật là lạ,” Jamie nói với tôi và Thea khi Andrew vừa đi khỏi. “Gã Andrew này tỏ vẻ không quen biết tôi mặc dù tôi chắc như đinh đóng cột là gã có biết vì chúng tôi đã chạm mặt nhau vài lần trên phố - vợ chồng gã có một ngôi nhà lớn ở góc đường. Em có nghĩ họ thật kỳ quái không, em yêu?” cậu ta hỏi Thea.
Thea uống một ngụm sâm banh, đôi lông mày kiêu kỳ hơi nhíu lại một chút. “Ừm...” cô ta đáp. “Rất kỳ quái.”
Hôm sau quả là một ngày tồi tệ. Máy tính của tôi bị hỏng và tôi phải gọi thợ đến sửa mất ba tiếng, rồi đường Internet bị đứt nên tôi phải gọi anh ta quay lại lúc chập tối, lúc anh ta đến thì nó lại được. Hai ngày liền tôi không xem được email. Ngoài ra tôi còn mải bận tâm nghĩ làm sao để bắt đầu cuộc nói chuyện đầy khó khăn với ba tôi. Tôi lặp đi lặp lại những câu tôi định nói với ông nhưng vẫn không sao xuôi tai được.
Ba này, có chuyện này con muốn nói với ba.
Con biết là đã lâu lắm rồi.
Tấm ảnh của mẹ chụp chung với...
Con không muốn làm ba buồn.
Ba sẽ kể cho con nghe sự thật chứ ạ?
Những gì mà tôi muốn nói thật khó có thể thốt lên thành lời, đặc biệt là sau một thời gian dài như vậy. Có lẽ tốt nhất nên để những bí mật của gia đình chôn vùi theo thời gian, tôi nghĩ trong lòng, rồi cuộc sống sẽ vẫn cứ trôi đi như trước.
Trong giai đoạn này tôi kiếm thêm được hai hợp đồng mới nữa - một góc vườn nhỏ ở Camden và một mảnh vườn trên sân thượng ở Maida Vale - cùng lúc tôi dành nhiều thời gian ở bên Patrick hơn. Milly vẫn tỏ ra lạnh nhạt với anh. Nó đang băn khoăn về vai trò của anh trong cuộc sống của hai mẹ con chúng tôi.
“Bác Patrick là một người bạn của mẹ,” tôi bảo nó. “Và cũng là một người bạn của con nữa,” bỗng một hôm tôi buột mồm nói vậy.
“Không.” Nó ngúng ngẩy mái tóc xoăn tít của mình. “Bạn của Milly là Gracie, Phoebe, Carna và Lily cơ...”
“Có phải tại vì bạn của con chỉ toàn là trẻ con không?”
“...và cô Luisa nữa,” nó bổ sung danh sách bạn của mình.
“Ồ.”
“Cả chú Jamie,” Milly kết luận.
“Đúng rồi. Nhưng con này... bác Patrick muốn làm bạn với con. Một ngày nào đó. Khi con hiểu bác ấy hơn.”
Về phần mình, Patrick chưa làm điều gì sai cả. Anh chỉ ngồi chuyện trò với Milly hay đọc truyện cho nó nghe, vẽ tranh và chơi nặn hình bằng đất sét với nó. Anh còn cho nó chơi đu quay, ngựa gỗ. Anh đưa hai mẹ con đi chơi ở Legoland vào thứ Bảy hoặc đi thăm Bảo tàng Khoa học vào một dịp cuối tuần. Hôm nào ở lại qua đêm, anh chờ cho Milly ngủ rồi mới đi lên gác với tôi và anh luôn ra khỏi nhà trước khi nó thức dậy. “Anh có cảm giác là con bé hiểu anh hơn rồi,” anh nói với tôi ít hôm sau bữa tiệc nhà Edwards. Lúc đó chúng tôi đang ngồi trong vườn với bữa ăn sáng muộn. Anh phết ít mật Ong Tốt của mình lên bánh mì. “Anh hy vọng rằng dần dần Milly sẽ chấp nhận sự thật anh là một phần trong cuộc sống hai mẹ con em,” anh nói tiếp. “Anh đang nghĩ là có thể ba chúng ta sẽ có một kỳ nghỉ ngắn, vào cuối mùa hè này, lúc đó nó sẽ thấy tất cả chúng ta giống như một gia đình thực thụ.”
Ý nghĩ về “một gia đình thực thụ” bỗng làm tôi cảm thấy thật ấm áp.
“Một kỳ nghỉ ư?” Tôi lặp lại lời anh và nhìn chồng thư chưa đọc trước mặt - ba lá thư, một bưu thiếp và một gói bưu phẩm dán một hàng tem in hình một loài chim nhiệt đới bên trên. Đó là quà sinh nhật Xan gửi tặng Milly.
“Ừ,” Patrick nói. “Một kỳ nghỉ. Em có thích không?”
Tôi uống một ngụm cà phê. “Rất thích. Nhưng chúng ta sẽ đi đâu?”
“Cornwall nhé? Anh biết một khách sạn rất hay gần St Mawes. Bãi biển chỉ cách đó có năm phút. Chúng ta có thể cho Milly đi chèo thuyền hay đi bắt tôm trên bãi đá dọc bờ biển.”
Tôi mường tượng ra cảnh cái lưới của Milly mắc đầy tôm. “Nghe có vẻ thú vị anh nhỉ. Nhưng anh nghĩ lúc nào thích hợp?”
“Cuối tháng Tám được không? Đầu tháng Chín anh sẽ lại sang New Zealand.”
Tôi xua một con ong bắp cày bay ngang qua. “Cuối tháng Tám cũng được.”
“Anh sẽ trả tất cả chi phí cho chuyến đi.”
Tôi tìm bàn tay anh. “Patrick này, anh là một người đàn ông đáng mến và hào hiệp, nhưng em không muốn như thế.”
Trong lúc Patrick chúi mũi vào tờ báo, tôi mở cái bì thư đầu tiên, bên trong là một tờ giới thiệu về Triển lãm hoa Vân anh Quốc tế diễn ra ở Stoke. Cái thư hai là một thư mời tham gia chi nhánh Tây Luân Đôn của Hiệp hội Thu hải đường Quốc gia. Tiếp theo là một thiệp hỏi thăm của bà Elaine, hiện đang trông trẻ ở Scotland. “Cái gì thế này?” tôi lẩm bẩm mở lá thư cuối cùng, nó có dấu bưu cục địa phương. Tôi đọc to lên. “Về buổi hòa nhạc cuối kỳ của Milly.”
“Buổi hòa nhạc cho trẻ lên ba?” Patrick thắc mắc.
“Em nghĩ là lũ trẻ chỉ hát một vài bài, rồi phụ huynh hát theo.”
“Anh đi được chứ?” đột nhiên anh nói.
“Được mà,” tôi đáp ngay mặc dù trong thâm tâm vẫn thấy áy náy - vẫn còn hơi sớm. “Nhưng nó nói rằng phụ huynh sẽ phải may trang phục. Em ghét may vá lắm,” tôi rên rỉ. “Vả lại em cũng đang bận.” Tôi cầm lá thư lên. “Lúc nào nhỉ? Mười hai tháng Bảy. Hai tuần nữa thôi. Đáng lẽ họ phải viết chi tiết hơn nữa chứ nhỉ,” tôi phàn nàn.
“Milly đóng vai gì?”
“Chắc là một Cô tiên Hoa - hoa lưu ly: vở diễn có tên là Khu vườn Kỳ diệu.”
“Vậy thì nó có bộ quần áo cô tiên mà em mua cho rồi mà. Em có thể sửa sang lại chút xíu được chứ?”
“Vâng... Nó có màu xanh nhạt sẵn rồi nên em chỉ việc đính thêm mấy chiếc lá bằng vải satanh màu xanh sẫm cùng vài bông hoa màu xanh đậm hơn nữa thôi; Cassis có thể đan cho nó thêm một cái mũ cũng màu xanh nữa. Em có thể chuẩn bị một cây đũa thần với một bông hoa xanh ở đầu, thay vì một ngôi sao,” bất chợi tôi thấy hứng thú với bản thân mình, “em sẽ mua cho nó một đôi giày múa balê màu xanh, hoặc có thể nhuộm đôi màu trắng nó đang có. Chẳng có gì khó khăn cả.” Tôi thở phào khoan khoái.
“Ngày nào em có thể đi nghỉ ở Cornwall được?” Patrick hỏi.
Tôi thò tay vào túi xách tìm quyển sổ tay. “Khoảng từ mười tám đến hai lăm được không?” tôi đề nghị, “như thế chúng ta có thể tránh kẹt xe vào những ngày cuối tuần.”
“Mười tám đến hai lăm cũng được. Anh sẽ gọi điện cho khách sạn anh định chọn để đặt một phòng gia đình.” Patrick đứng lên. “Anh phải đi đây. Anh có một cuộc hẹn lúc mười giờ. Anh sẽ gọi cho em sau, em yêu.” Anh cúi xuống hôn tôi rồi bước đi.
Trong khi ngồi thưởng thức nốt tách cà phê, tôi thả hồn theo những dự định phía trước của mình, tôi thường làm vậy thời gian gần đây. Sau hai tháng rưỡi, Patrick và tôi đã trở thành một đôi. Chúng tôi thường sắp xếp lịch tuần và đối chiếu thời gian biểu cùng nhau. Những e ngại ban đầu trong mối quan hệ của chúng tôi đã biến mất. Tôi không còn phải lo lắng rằng anh ấy sẽ không gọi lại khi nhận được tin nhắn của tôi nữa và chúng tôi hôn nhau tự nhiên hơn. Đến giờ phút này cả hai bắt đầu cảm thấy biết rõ về nhau và hai trái tim đang cùng nhịp đập.
Tôi vẫn tận hưởng niềm hạnh phúc khi biết rằng Patrick yêu và theo đuổi tôi, rằng anh ấy muốn có tôi. Nếu được ở cạnh anh, cuộc đời tôi sẽ... có ý nghĩa hơn nhiều, tôi tự nhủ. Ở bên cạnh anh tôi tìm thấy sự ổn định và cơ hội xây đắp một cuộc sống gia đình đúng nghĩa. Milly sẽ có một người cha mà nó cần và có thể một hay hai anh chị em nữa. Tôi bỗng tưởng tượng ra cảnh mình với ba đứa con nằm cạnh như những con búp bê Nga vậy.
Nhưng chúng tôi sẽ sống ở đâu? Có lẽ là ở nhà của Patrick - nó đủ rộng mặc dù sẽ phải di dời lũ ong đi. Tôi nghĩ đến lúc chúng phải rời khỏi tổ với những tiếng vo ve đầy giận dữ. Hoặc là chúng tôi có thể mua một ngôi nhà lớn hơn ở Brook Green nếu anh ấy có thể quên được chuyện quá khứ. Ngoài ra thì ở Ladbroke Grove cũng có vài ngôi nhà xinh xắn với những khu vườn rộng. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh mình đang đào một bờ rào bao quanh mới và trồng xuống đó những cây hoa ưa thích.
Tôi đặt tách cà phê xuống rồi cầm lấy gói bưu phẩm được gửi từ Indonesia sang. Tôi mở cái hộp và bóc lớp giấy gói bên ngoài để sẵn cho Milly mở ra khi nó đi học về. Khi đang cắt mấy con tem ra để cho Milly sưu tập tôi nhìn thấy một tấm thiệp bên trong - nó là loại thiếp con bướm màu xanh đen với những chiếc đuôi nhạn màu lam. Milly sẽ rất thích đây, tôi nghĩ thầm. Rồi tôi lật mặt sau và thấy rằng nó được gửi cho tôi.
Anh xin lỗi vì gửi quà cho Milly muộn, Xan viết với nét chữ nguệch ngoạc quen thuộc. Mấy ngày qua anh phải đi Đông Timo để lấy tin. Nhưng nhân đây cũng báo cho em biết chắc chắn anh sẽ quay về Luân Đôn trong tháng tới.
“Cái gì cơ?” Tôi lẩm bẩm.
Như đã nói với em trong email trước, công việc của anh ở đây sẽ kết thúc vào mùng Năm tháng Bảy nên anh sẽ quay về đảm nhận vị trí phó biên tập ở trung tâm đến đầu tháng Chín khi họ quyết định sẽ cử anh đi đâu tiếp theo. Anh sẽ về Stanley Sq. vào mùng Sáu tháng Bảy và khi đó anh hy vọng sẽ có nhiều thời gian ở bên Milly hơn. X.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.