Vinh Quang Chúa Tể

Chương 4: Cuộc Sống Thường Ngày Của Thiếu Niên






066:00:00
Phạm Nhã thức dậy, mặc vào đồng phục bảo vệ rồi đạp xe tới chỗ làm.
Bên ngoài đường phố vẫn còn vươn vết tích của những người xuống đường ăn mừng đêm qua, chỉ thương cho cho các cô chú công nhân vệ sinh vốn đã cực nhọc nay lại càng khổ sở.
Từng đôi từng đôi bạn trẻ bước ra từ mấy cái nhà nghỉ, khách sạn dọc hai bên đường, xem ra bọn họ ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia theo cách rất “riêng”.
Phạm Nhã nhìn những cặp nam thanh nữ tú đèo nhau trên xe máy, người nam vui vẻ ra mặt, người nữ sắc mặt hồng phơn phớt ôm cứng lấy eo bạn trai, trong lòng y chợt nghĩ, tương lai sau này mình cũng sẽ có bạn gái chăng?
Có bạn gái, nếu một ngày mình gặp bất trắc, chôn thây ở thế giới bên kia, liệu cô ấy có đau lòng không, có tiếc thương cho mình không?
Phạm Nhã nghĩ, nếu có bạn gái, vậy sau này đi qua thế giới bên kia y hẳn phải viết nhiều thêm vài dòng vào “Di thư” mới được.
Lòng của thiếu niên phức tạp.
Trên đường tới chỗ làm, ghé vào một quán phở, Phạm Nhã kêu một phần đặc biệt, tái, nạm, gầu, gân đầy đủ, trải qua ba ngày chịu trận ở thế giới bên kia, ba ngày chỉ cầm cự bằng lương khô và nước trắng, Phạm Nhã đang tuổi lớn quyết định tự chiêu đãi bản thân một chút...
Ăn uống no nê, Phạm Nhã tính tiền rồi rời đi.
Phạm Nhã làm việc tại một trung tâm thương mại nổi tiếng trong thành phố, có thể nói là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất nước, được xây dựng và quản lý bởi một tập đoàn Nhật bản, liền kề là một khu phức hợp gồm khu chung cư, trường học, công viên và cả bể bơi.
Phạm Nhã luôn ngưỡng mộ những người sống trong khu phức hợp, nghe nói ở đó có hệ thống bãi giữ xe cực kỳ hiện đại có thể nâng nguyên chiếc Ô tô vào tận nhà, nghe thôi đã thấy cao cấp.
Nghĩ tới Ô tô, Phạm Nhã nghĩ nếu ở thế giới bên kia mình có một chiếc xe trượt tuyết thì tốt biết mấy, trong thế giới trắng xóa chỉ có tuyết và tuyết kia, kể cả không có lũ “Hound” rình rập, chỉ đi bộ không biết đến chừng nào mới tới được chỗ của “Hion”.
Phạm Nhã luôn muốn tìm gặp “Hion” một lần, vị “tiền bối” này có thể biết rất nhiều thông tin về thế giới bên kia, nể tình “đồng hương” nơi xứ lạ, biết đâu y sẽ chia sẻ một chút cho Phạm Nhã.
Trong nhóm “The Chronicles of MU” không thấy có phương thức liên lạc của “Hion”, tài khoản mạng xã hội của người này cũng không chấp nhận yêu cầu kết bạn hay trò chuyện của người lạ, Phạm Nhã cũng không biết làm cách nào để liên lạc được vị này.
Y ngược lại có thể đăng vài bài viết lên nhóm, tiết lộ vài thông tin đủ để thu hút chú ý cho “Hion” chủ động liên lạc mình, nhưng giống như việc đem vật phẩm từ thế giới bên kia mang sang đây bán kiếm tiền, việc làm này cũng có khả năng lộ ra mình là một người “xuyên không”, trong giai đoạn này có thể mang tới nguy hiểm.
Cũng không biết ngoại trừ mình và “Hion”, còn có những người khác “xuyên không” đến thế giới kia không? Phạm Nhã nghĩ.

Khả năng lớn là có, nhóm “The Chronicles of MU” được “Hion” lập ra trong mắt Phạm Nhã giống một trang thông tin cung cấp tư liệu Video về tập tính của sinh vật kỳ bí ở thế giới bên kia.
Những hành động ám hiệu của “Hion” cũng chỉ ra người này muốn những người “xuyên không” như mình chú ý y.
Dựng xe đạp vào vị trí quen thuộc, Phạm Nhã rảo bước đi vào trong trung tâm thương mại, lúc này cũng đã có khá nhiều đồng nghiệp đi làm, một người đàn ông da ngăm đen nhìn thấy y liền lại gần hỏi: “Hôm qua có đi bão không?”
“Dạ không anh, em học xong về thẳng nhà rồi ngủ luôn” Phạm Nhã trả lời: “Anh Tuân ăn sáng chưa?”
Anh Tuân nói: “Mới làm ổ bánh mì rồi em, hôm qua anh mày đi tới bốn giờ sáng mới về, ngoài đường vui kinh khủng.”
“Dạ” Phạm Nhã đáp.
Người đàn ông này tên là Huỳnh Tuân, cũng giống như y, tên anh ta chỉ có hai chữ, theo lời anh ta nói, tên của người bọn họ mà ghép lại thì sẽ thành Phạm Tuân, tên của người đàn ông Châu Á đầu tiên bay lên mặt trăng.
Anh Tuân là đội trưởng đội bảo vệ ở trung tâm thương mại, tuổi gần ba mươi, mang kính cận, ngoài nước da ngăm đen, anh ta còn có một thân hình hộ pháp và gương mặt khá góc cạnh, tuy không gọi là đẹp trai nhưng cũng coi như dễ nhìn, nhất là trong bộ đồ bảo vệ màu trắng, quần tây đen, nhìn trông rất có khí thế.
Tuân nói, trước đây anh ta tốt nghiệp đại học Luật, mở một công ty cung cấp dịch vụ thành lập doanh nghiệp theo nhu cầu, làm được mấy năm, do thiếu kinh nghiệm mà thất bại, công ty phá sản, nhân viên bỏ đi hết, bây giờ vừa đi làm bảo vệ vừa học lên tiếp thạc sĩ, theo lời anh ta thì làm bảo vệ đỡ phải suy nghĩ nhiều như hồi xưa, cũng thừa tinh lực để mà học.
Biết Phạm Nhã cũng vừa học vừa làm, anh Tuân chiếu cố y rất nhiều, đội bảo vệ ở trung thương mại làm rất nhiều việc, từ giữ xe, quét thẻ ra vào cho khách đến trực Camera giám sát, đi tuần tra trong khu mua sắm, mấy ngày cuối tuần khách đông còn kiêm luôn việc phụ thu ngân đóng gói đồ đạc cho khách.
Lúc mới đi làm, Phạm Nhã thường được giao nhiệm vụ giữ xe, quét thẻ, sau này khi Tuân biết buổi chiều y còn phải đi học, thế là anh ta dứt khoát sửa luôn sơ đồ vị trí công tác, giao cho y nhiệm vụ trực Camera.
Tuy nói làm việc trong phòng Camera phải tập trung tinh thần chú ý màn hình, đề phòng trộm cướp, thế nhưng môi trường làm việc lại rất thoải mái, trong phòng có bố trí máy lạnh 24/24, ca trực cũng chỉ có Phạm Nhã và Huỳnh Tuân, buổi trưa có thể thay nhau ngủ.
Anh Tuân móc bóp đưa cho cho Phạm Nhã 30 ngàn: “Đi, mua hai ly cà phê, nay anh mày bao.”
“Dạ” Phạm Nhã trả lời.
...
Đám bảo vệ bấm vân tay “Checkin” xong, anh Tuân cùng với Phạm Nhã đi xuống tầng hầm, vào trong phòng Camera.
“Chú mày năm nay cuối cấp phải không, định chọn ban nào, xã hội hay tự nhiên? Có chọn được ngành nào yêu thích chưa?” Anh Tuân vừa giám sát Camera vừa hỏi.
“Em theo khối A, Toán, Lý, Hóa.
Định thi vào Cao Đẳng Công Nghệ Thông Tin, chắc chọn ngành an minh mạng.” Phạm Nhã trả lời: “Nghe nói đầu ra ổn lắm, lương cũng tạm, có không gian phát triển.”
“Ừm” Tuân đáp: “Sao không học Đại Học mà học Cao Đẳng?”
“Học phí Đại Học cao quá em theo không nổi” Phạm Nhã trả lời: “Hơn nữa thời gian học cũng mất bốn năm, Cao Đẳng hai năm rưỡi thôi, em muốn kiếm tiền liền.”
“Mày thiếu tiền anh cho mày vay, đi làm có tiền rồi trả lại anh, đừng ngại.” Tuân nói: “Học Đại Học đi, bằng Đại Học ra vẫn ngon hơn chứ?”
“Dạ thôi, anh chiếu cố em nhiều lắm rồi.
Với lại em chỉ cần cái nghề thôi, em không quen biết ai, ra ngoài có cầm bằng Đại Học cũng chưa chắc leo cao được.”
“Tùy mày, nào suy nghĩ lại, có cần tiền thì nói anh” Tuân nói, người đàn ông cười nhìn Phạm Nhã: “Anh cho mày vay nhiều thì cũng lấy lãi nha.”
“Dạ” Phạm Nhã trả lời.
“Di thư” mày để lại trước lúc “xuyên không”, ngoài gửi cho một vài thầy cô ở trung tâm giáo dục thường xuyên, vài người ở làng trẻ mồ côi thì chỉ còn lại Huỳnh Tuân.
Phạm Nhã cơ khổ, lăn lộn mưu sinh, trước khi làm bảo vệ, y cũng từng làm nhiều công việc khác, có đi đánh giày, bán vé số dạo, có làm phục vụ, có làm công nhân, thậm chí bốc vác, làm thợ hồ trong công trường.
Rời khỏi làng trẻ mồ côi, có thể nói là không việc gì kiếm được tiền mà Phạm Nhã chưa làm, y vừa làm vừa tiết kiệm tiền để đi học, có mấy năm y túng thiếu quá nên chậm trễ việc học, chỉ lo làm, hiện tại đã hai mươi tuổi mới học lớp 12.
Làm bảo vệ ở đây tuy tiền lương không cao nhưng được cái nhàn rỗi, y có thể tập trung đi học, hơn nữa có anh Tuân chiếu cố, thỉnh thoảng cho vay tiền để trả tiền nhà, Phạm Nhã trong lòng cũng thấy cảm động và biết ơn người đàn ông này.
“Chú mày biết không” Anh Tuân nói: “Ngày xưa anh mày mở công ty, cũng có một đống nhân viên, mấy đứa chúng nó là sinh viên mới ra trường chưa đi làm bao giờ, đang thất nghiệp, anh gom về làm chung.
Mấy năm học đại học anh đi theo Thầy có chút kinh nghiệm, thế là anh chỉ dạy chúng nó, tiền lương cao lại được theo anh học việc, thế mà sau này công ty gặp sự cố, chúng nó bỏ anh đi mất.”
“Thế nhưng anh không có trách chúng nó.
Cho anh một cơ hội làm lại, anh cũng sẽ giúp đỡ chúng nó như vậy.
Anh kết giao nhiều người lắm, ai khó, có khả năng thì mình giang tay giúp đỡ, ra đường nhiều người quen, lỡ sau này mình có gặp chuyện thì cũng có người cứu mình.”
“Giống như chú mày, bây giờ chú mày chưa có gì trong tay, anh giúp chú mày, sau này anh cần chú có khả năng chẳng lẽ không giúp lại anh?”
Phạm Nhã gật đầu: “Dạ”
...!
Một ngày làm việc bình thường, không có gì thay đổi.
Đến giờ tan làm, Phạm Nhã chào tạm biệt anh Tuân rồi đạp xe về nhà, tắm rửa thay đồ, làm một gói mì tôm, chuẩn bị sách vở rồi lại đạp xe đến trường học.
Trung tâm giáo dục thường xuyên Quận là một “ngôi trường” có phần đặc biệt, học sinh ở đây chia làm hai dạng, một học vào ban ngày như học sinh bình thường, một học vào các lớp ban đêm như Phạm Nhã, phần lớn cũng là người đang đi làm cần bổ túc văn hóa, độ tuổi đa dạng, trong trường cơ cấu cũng bình thường, chỉ có “Thầy Hiệu trưởng” thì không gọi là “Thầy Hiệu trưởng” mà gọi là “Giám đốc trung tâm”.
Phạm Nhã đến lớp thì đã thấy các học sinh đang tụ tập một chỗ trò chuyện linh đình, chủ đề đều liên quan đến trận thắng của đội tuyển quốc gia.
Vừa ngồi vào bàn đã thấy lớp trưởng Phạm Thị Kiều Oanh chạy lại gần nói: “Anh Nhã, buổi tối lớp mình tổ chức ăn liên hoan, anh đi luôn nha”
“Dịp gì mà liên hoan vậy em?” Phạm Nhã hỏi.
“Có dịp gì đâu anh, tại đầu năm đến giờ lớp mình chưa tụ tập lần nào, quán nướng gần trường đang giảm giá 40%, tiền quỹ lớp còn nhiều lắm nên tổ chức đi ăn luôn, cuối năm khỏi làm” Kiều Oanh nói, thiếu nữ có vẻ thẹn thùng nên giọng hơi lí nhí: “Sáng em nói trong Group lớp rồi nhưng mà anh Nhã không xài Smartphone nên không biết, ừm em không có ý gì đâu anh đừng giận nha.
Thịt nướng bên đó ngon lắm á.”
Phạm Nhã mỉm cười: “Cảm ơn em, ừm, tối anh đi.”
Trong lớp mọi người cũng biết hoàn cảnh của Phạm Nhã, so với thiếu niên mồ côi, bọn họ dù gia cảnh cũng chẳng khá giả gì nhưng ai nấy cũng sắm sửa được một cái Smartphone có thể đăng nhập vào Group chat, bình thường thông tin từ Thầy Cô trong trường đều được lớp trưởng thông báo qua Group, chỉ có Phạm Nhã không có trong Group nên thường sẽ được thiếu nữ này nói riêng.
Thật ra Phạm Nhã có thể dùng Laptop để đăng nhập Group chat thay cho Smartphone, thế nhưng là y đi làm cả ngày không xách theo Laptop, cũng càng không có thời gian để trò chuyện với mọi người.
Thế là dù cũng có dùng mạng xã hội, nhưng Phạm Nhã không có kết bạn với ai trong trường, thứ gì mình cần biết thì có Kiều Oanh nói cho, bình thường y chỉ dùng Laptop để duyệt mail Công ty và cập nhật tin tức.
Nói về cái Laptop cũ mèm, thật sự nếu không phải chọn ngành IT để thi vào và cần nó để duyệt mail, Phạm Nhã chắc cũng chẳng mua.
Y trước giờ luôn quán triệt tinh thần cái gì không thực sự cần thiết thì không cần tiêu phí.
Đi ăn liên hoan với lớp học có thực sự cần thiết không? Dù tiền quỹ lớp còn nhiều nhưng nhiều người ăn như vậy thể nào cũng chẳng đủ, cuối cùng mọi người cũng phải góp thêm tiền để trả.
Nếu như là trước đây, có thể Phạm Nhã sẽ từ chối, nhưng hiện tại y đã nghĩ khác, mình ở thế giới bên kia không chắc lúc nào thì chết rồi, trong ngắn hạn cũng coi như an toàn nhưng tương lai đâu nói trước được, hơn nữa kiểu gì mình cũng phải rời khỏi nhà thờ lớn, đối mặt đủ thứ hiểm nguy.
Bây giờ còn có thể vui vẻ được thì cớ sao không vui vẻ?
“Trời, học chung ba năm rồi lần đầu rủ rê được anh Nhã đi ăn đó!” Lớp trưởng Kiều Oanh nói.
“Mọi người, mọi người, tối nay lớp phó học tập đi với lớp luôn nha.” Thiếu nữ hô lên, nhìn xem trông rất vui.
Có mấy nam sinh lập tức nói: “Tối nay có lớp phó đi chung luôn hả? Dzui vậy.”
“Biết uống bia không Nhã, tối nhậu với anh em nha!”
“Ừm, đi chung với cả đám phải uống bia đó nha.”

“Không say không dìa đó.”
“Ăn xong mình qua Bar quẫy nhỉ?”
“Cũng được đó!”
“Bar biếc cái gì tốn tiền lắm, để dành thi đại học xong hẵng quẫy.”
“Vậy đi Karaoke đi!”
...
Có thiếu niên mỉm cười chống cằm nhìn lũ bạn học.
...
Thường nghe phố xá sầm uất nhất vào buổi đêm, thành phố về đêm sáng rực ánh đèn vàng, hàng quán tấp nập người xe.
Lớp của Phạm Nhã tổng cộng 50 người, trừ số ít có việc bận thì hầu như đều đi ăn liên hoan, mọi người hẹn nhau gặp mặt tại quán, về nhà thay đồ rồi lại lục tục chạy ra.
Phạm Nhã ngồi trong quán, y cũng đã về nhà thay một bộ đồ thun thoải mái.
Trước quán nướng có treo băng rôn giảm giá 40% mừng chiến thắng của đội tuyển quốc gia, đám thực khách được hưởng lợi thế là nhao nhao ghé vào, đám học sinh trong lớp kê bàn thành dãy rồi ngồi ăn uống linh đình.
Có mấy nam sinh mời bia, Phạm Nhã cũng không từ chối, y thỉnh thoảng còn mời ngược lại mọi người.
Rượu bia say lòng người, Phạm Nhã thấy người lâng lâng, y cũng từng uống bia, từng tiếp rượu, không lạ gì cảm giác này, bình thường cuối tháng lãnh lương cũng ra ngoài uống với anh Tuân.
Thế nhưng hôm nay cảm giác khi uống bia rất khác, rõ ràng chỉ mới đêm hôm trước y vẫn còn núp trong nhà thờ lớn, bên ngoài là thế giới tuyết trắng, gió tuyết hú từng cơn, lũ “Hound” rít gào liên hồi, giờ đây lại ngồi cùng với bạn học, mọi người ai nấy đều vui vẻ pha trò cười đùa với nhau.
Có lẽ đây chính là cảm giác của một người đi lại giữa hai thế giới khác nhau, cảm thụ hai loại nhân sinh khác biệt, một bên an toàn nhưng tầm thường, vô vị, một bên tuy đầy hiểm nguy nhưng cũng rất đặc sắc.
Phạm Nhã lại uống một hớp bia, tối nay y uống nhiều lắm, khiến cho mấy đứa bạn học có biệt danh “bợm nhậu” rất bất ngờ, mấy cô thiếu nữ trong lớp cũng tò mò không biết sao hôm nay người lớp phó học tập nổi tiếng trầm lặng này lại “nhiệt tình” đến vậy.
“Đô cao dữ, Nhã giấu nghề nha!”
Phạm Nhã cười, cười rất tươi: “Vui mà.”
“Dzô”
“Dzô”
...
Phạm Nhã không biết mình về nhà bằng cách nào, y loạng chà loạng choạng bước vào phòng, vừa đóng cửa đã ngã ập xuống nệm.
Tối đó, Phạm Nhã ngủ rất ngon..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.