Vầng Sáng Bạch Hóa Của Nhân Vật Phản Diện

Chương 45: Mưa gió (Phong Vũ) (2)




Mũi kiếm sáng ngời mà lạnh như băng, tựa như dải ngân hà rơi trên sông thu.
Gió đêm nổi lên, nước trở lạnh, ánh trăng như dải lụa trùm trên con sông tối đen, lướt đến Chung Sơn.
Ngay trong chớp mắt Ân Bích Việt xuất kiếm, Chung Sơn liền ra một kiếm, đồng thời cũng vội vàng thối lui, mãi đến tận bên cạnh đài!
Nhưng mà con sông cũng theo hắn, trên ngực phải xuất hiện một đường máu.
Máu tươi nóng rực trào ra, còn chưa kịp thấm ướt đã đọng lại thành băng trên áo bào bát mặc sơn thủy.
Kiếm ý của Hàn Thủy kiếm, đã như ngấm vào xương cốt.
Nhưng nếu Ân Bích Việt vẫn tránh được thương tổn lớn nhất từ kiếm thế của Chung Sơn ở thời khắc cuối cùng thì Chung Sơn cũng tránh được sáu phần uy thế của chiêu kiếm này.
Chung Sơn giơ kiếm trước người, như một con đê dài rộng, ngăn cản con sông lạnh cuồn cuộn.
Chỉ chốc lát mà biến cố xảy ra quá nhanh.
Áo bào trắng của Ân Bích Việt nhuốm máu, kiếm khí mà đối thủ đã lưu lại trong sơ hở vừa nãy quá cuồng bạo và nóng rực, lại kích thích lãnh ý của Hàn Thủy kiếm. Vết thương trên tay dường như bốc lên khói trắng, nhìn thấy mà giật mình.
Sắc mặt Chung Sơn tái nhợt, vết thương tuy bị hàn ý hóa thành băng, nhưng kiếm khí lại thuận theo vết thương vào kinh mạch tàn phá bừa bãi, cơn đau đớn vẫn luôn lan tràn đến tận tim.
Nhưng mà bọn họ giờ khắc này đều không rảnh để bận tâm, phải giành được cơ hội khởi thế đầu tiên, rút kiếm chém thẳng!
Nữ tử trung niên của Liêm Giản tông nhíu mày, “Trận pháp trên đài vẫn còn tốt sao?”
Trưởng lão Thương Nhai sơn trầm giọng nói, “Không thể vì một Chiết Hoa hội mà tổn hại hai người tu hành thiên tài trẻ tuổi.”
Trưởng lão Thanh Lộc kiếm phái cầm mắt trận trong tay cẩn thận gật gật đầu. Một khi xuất hiện hung hiểm không thể tránh, trận pháp trên võ đài sẽ lập tức khởi động, để cho trận pháp chịu đựng kiếm thế.
Đệ tử Thương Nhai sơn và Thanh Lộc kiếm phái không trầm ổn bình tĩnh như các vị nhân vật lớn.
Sắc mặt bọn họ trắng bệch, chân nguyên bao phủ mắt, vô cùng căng thẳng nhìn chằm chằm võ đài.
Trình Thiên Vũ đã gấp đến đỏ mắt.
Trong mắt Tống Đường hiện ra sầu lo, Ân Bích Việt còn mạnh hơn so với trong tưởng tượng của bọn họ. Không chỉ là tu vi, độ ăn ý giữa kiếm và người này cũng cao, tựa như được sự giúp đỡ của trời.
Trên mặt Lạc Minh Xuyên bất động thanh sắc, hai tay dưới lớp áo dài đã nắm chặt thành nắm đấm, lòng bàn tay máu me đầm đìa.
Hai người gần như nhảy lên cùng lúc, hai kiếm gặp nhau giữa không trung!
“Keng —— “
Chân nguyên bàng bạc tạo thành bức tường vòng cung vô hình, va chạm nhau nơi mũi kiếm!
Không có mưa, nhưng có tiếng mưa rơi rả rích.
Không có hồ nước, nhưng có hàn ý trùng trùng.
Những đệ tử đứng hơi gần ở dưới đài, đau khổ không chịu nổi lui về phía sau, như bị tiếng mưa gió cọ rửa biển trong đầu, rồi lại bị ngâm trong con sông khuya lạnh.
Trên đài, thời gian gần như đọng lại.
Ánh kiếm va chạm, thân kiếm phản chiếu trời nắng xinh đẹp và từng đám mây bay, phản chiếu khuôn mặt trầm tĩnh và đôi mắt sáng ngời của bọn họ.
Cơn đau nhức và tê dại truyền đến từ cán kiếm, Ân Bích Việt tựa như đọc hiểu kiếm ý của đối thủ.
Gió thảm mưa sầu.
Nhờ cảnh giới, vị nhân vật cung phụng ở Diệp thành cũng đã hiểu, mở miệng thở dài nói, “Thật giỏi.”
Đây không phải là một kiếm có uy thế lớn nhất của Phong Vũ kiếm, nhưng lại là một kiếm khó luyện nhất.
Đối với rất nhiều đệ tử tu hành Phong Vũ kiếm quyết mà nói, chiêu kiếm này chính là bình cảnh mà bọn họ khó có thể hiểu nhất.
Uy thế của gió xâm nhập vào xương, khí thế của mưa nuốt đi mọi sầu lo.
Kiếm ý dữ dội thảm thương!
Thánh nhân sáng lập Phong Vũ Kiếm ở ‘Thời đại Chư Thánh’ mấy chốc thì nghèo, trải qua rét lạnh, trung niên thì nhập đạo.
Chiêu kiếm này, là sự tổng kết của người đó từ cuộc đời rét lạnh trong 40 năm của mình.
Nhưng Chung Sơn thành danh từ lúc thiếu niên, con đường tu hành vốn bằng phẳng. Dĩ nhiên cũng có thể lĩnh hội tâm ý đau khổ cô độc trong kiếm này.
Quả nhiên là thật giỏi.
Tống Đường lại không hề kinh sợ.
Sư đệ vượt cảnh giới chậm, chân nguyên không đủ hộ thể, vung kiếm vạn lần đến khi tay đầy bọng máu, gân cốt chịu sức ép rất nặng. Không xuống núi, không nói chuyện cười đùa, không tụ hợp chơi bời. Mùa hè nóng bức luyện suốt tam phục, mùa đông băng giá luyện suốt tam cửu, ngày ngày như vậy, chưa từng lười biếng. (Tam phục và tam cửu lần lượt là ba ngày nóng và lạnh nhất trong hè và đông)
Thành danh thời thiếu đổi lấy càng nhiều hơn đau khổ và cô độc.
Sự cơ khổ khôn kể tràn ra từ mũi kiếm, ngàn vạn sầu lo bức ép người.
Kiếm thế của Ân Bích Việt vẫn chưa hết, liền đột nhiên tách ra rồi lùi lại, thân kiếm hướng thẳng phía dưới, thân hình lại như hạc trắng đập cánh, lóe lên rồi lại vút cao hơn.
Ỷ Hồ kiếm phủ đầu chém xuống!
Ánh sáng lộng lẫy vô biên vô tận, đổ xuống từ thân kiếm, như từng cơn sóng nước nhấp nhô trong hồ.
Lúc này đã gần đến giờ Thân (15h-17h), ánh nắng dần tối, kém xa ánh nắng lúc trưa, thế nhưng ánh sáng của chiêu kiếm này quá mạnh, tựa như ra lệnh cho trời phải sáng thêm vài phần.
Nếu như nói kiếm của Chung Sơn là đau khổ mưa gió, vậy chiêu kiếm này của Ân Bích Việt như là ánh mắt trời nhảy nhót trong mây, ánh sáng vàng mọc lên!
Đây là tự tin và kiêu ngạo của ‘Không sợ mây đen ngàn thước rộng’.
Tổng quyết kiếm pháp Thương Nhai, ‘Húc Nhật Đông Thăng’. (mặt trời mọc ở phía Đông)
Rất nhiều đệ tử Thương Nhai sơn không thể tin được mà trợn mắt lên, thanh thế to lớn như vậy, thật sự là Húc Nhật Đông Thăng?
Chung Sơn nhẹ nhàng rơi xuống đất, giơ kiếm lên trời. Lá chắn bằng kiếm lại đến, ánh sáng ở phía trên nhạt đi một chút, như những chòm sao lẻ tẻ trong ngân hà, trút xuống mũi kiếm phía dưới.
Lộ Trạm Triêu Dương, Tinh Hoàn Tử Cực.
*********
Không chỉ là Nam Địa, khắp thiên hạ đều chú ý trận chiến này.
Người tu hành ở Diệp thành căng thẳng vô cùng quan sát chiến cuộc từ xa xa, người không thể đến Diệp thành, ngóng trông mong mỏi chờ tông môn đồng tộc truyền tin tức.
Nhưng luôn có người không cần chờ.
Hoành Đoạn Sơn tuyết đọng quanh năm vẫn không thay đổi.
Trên đỉnh núi cao nhất nước đọng thành băng, băng đọng như rừng. Giá lạnh vô cùng, cho nên người tu hành dưới Tiểu Thừa cảnh đều không thể ở lâu.
Lúc này có một ông lão đứng trên đỉnh núi, tay áo bào tràn ngập gió núi, râu dài, thần sắc hờ hững. Trong mắt lại là tinh quang khiếp người.
Thân hình ông ta không cao, nhưng đứng ở đây, lại như thoát khỏi chúng sinh nhân gian.
Chẳng hiểu sao lại sinh ra khí thế vạn núi phải cúi đầu.
Chuyện đương nhiên. Sao lại không thoát tục? Sao lại không cúi đầu?
Nếu như Kiếm Thánh biến mất, thiên hạ nào có ngọn núi nào cao hơn ông ta?
Ông ta cũng đang xem trận chiến này.
Dù cho cách ngàn dặm, ông ta cũng nhìn rõ được cả ánh sáng trên mũi kiếm của hai người.
Ông ta xem có vẻ mất hứng, vì vậy hơi nhíu mày, tay áo bào nhẹ phẩy.
Cách đó ngàn dặm ở Trọng Minh sơn, Lạc Minh Xuyên đột nhiên thay đổi sắc mặt, không thể tin nhìn trời cao.
Sắc mặt trưởng lão Liêm Giản tông và vị nhân vật cung phụng trong Diệp thành đều trắng bệch, ngước mắt nhìn trời.
Trong phủ thành chủ, Diệp Chi Thu nâng kiếm đi đến sân thượng cao nhất. Thần sắc nghiêm nghị chưa bao giờ có.
Mây mù cuồn cuộn, từ Tây đến Nam, chỉ thoáng chốc băng qua ngàn dặm. Đủ để che đậy một phương trời Trọng Minh sơn, khiến mặt trời lu mờ ảm đạm ngay tức khắc.
Dường như chỉ là một cái chớp mắt, không có tiếng sấm, không có chớp, mưa to rơi xuống mãnh liệt!
Các đệ tử dưới đài không kịp chuẩn bị, cuống quít dựng lên màn chắn chân nguyên, “Sao trời đột nhiên lại mưa?”
Hạt mưa lớn chừng hạt đậu, che ngợp bầu trời.
Sau chiêu ‘Tinh Hoàn Tử Cực’, hai người liền ra hơn mười kiếm. Trận chiến này, đã kéo dài từ sáng sớm đến hoàng hôn.
Trong trận chiến này, chân nguyên, thần thức, tinh thần ý chí của hai bên đã đến mức cạn kiệt.
Ân Bích Việt bởi vì kiếm đạo và chênh lệch cảnh giới, vẫn không thể thắng Chung Sơn. Nhưng cũng không thua.
Bởi vậy khi trận mưa này rơi xuống, hai người đều chẳng có sức để bận tâm.
Bất quá trong chốc lát, đạo bào dày nặng của Ân Bích Việt đã ngấm đầy nước mưa, trở nên càng thêm nặng. Cũng như hơi thở nặng nề của hắn, còn cả tim phổi và kinh mạch đã không chịu nổi của hắn.
Vết máu trên đạo bào lan ra dưới cơn mưa, nhìn thoáng qua, nửa người bên trái của hắn như ngâm trong máu.
Gió thảm mưa sầu, hơi nước mù mịt, khiến hắn nhớ đến trận mưa lúc hắn Phá Chướng.
Cũng hiu quạnh như mùa thu, mang sát ý bén nhọn như thế này.
Trên áo bào bát mặc sơn thủy của Chung Sơn cũng có vết máu lan ra trong mưa.
Dòng nước thuận theo mày chảy xuống, nhỏ tí tách trên mũi kiếm, nhỏ trên võ đài. Bọt nước nở rộ.
Con mắt của Chung Sơn càng ngày càng sáng. Dường như muốn chọc thủng tầng mưa.
“Thật đúng là trùng hợp, trận đấu tới chỗ mấu chốt thì trời mưa, tiếp thêm thế cho Phong Vũ kiếm của Chung sư huynh!”
“Ầy, trời đã đổ cơn mưa, mẹ phải đi lấy chồng, biết làm sao được?!” (“Trời đã đổ cơn mưa, mẹ phải đi lấy chồng”, câu nói này đã trở thành một câu tục ngữ được sử dụng để nói về các sự tình của con người mà đã được định trước và không thể hoá giải.)
Dường như mỗi người đều nghĩ như vậy, trận mưa này, là ý trời.
Chỉ có Lạc Minh Xuyên trong số rất ít người, nhìn mây đen trên trời hiện ra một chút đạo pháp như có như không.
Đây là do cảnh giới của người nửa bước Đại Thừa mới có thể nhìn thấy, mà Lạc Minh Xuyên là bởi vì tu hành Già Lan đồng thuật.
Coi như thế nhân đều biết hết, thì rất nhiều người cũng không dám nói một câu. Sáu vị Á Thánh trong lòng những người trên đời này, gần như thần linh.
Sấm chớp sương ngọc, đều là thánh ân.
Thánh nhân thay đổi trời, ai dám nói một chữ “Không”?
Diệp Chi Thu đứng ở trên sân thượng, đèn đuốc vạn nhà ở Diệp thành đều ở dưới chân ông.
Ông nhìn bầu trời phía Tây.
Cơn mưa này đang ở Trọng Minh sơn, nhưng chỉ cần di chuyển hai dặm đi đến vùng trời Diệp thành, ông sẽ không chút do dự mà ra tay.
Lão quản gia đứng ở bên cạnh ông, âm thanh run rẩy, “Lão gia, cầu ngài đừng cầm kiếm, đây là đại bất kính với Thánh nhân.”
Diệp Chi Thu không nói gì,kiếm trong tay cũng không hề thả xuống.
Trung Địa.
Trong bầu trời Vân Dương thành, Chưởng viện tiên sinh đang uống trà nhìn bầu trời trong viện, dường như sắc trời ấy khiến người phiền chán, chén trà trong tay rơi xuống đất.
Tiếng ‘Rầm’ vang giòn, nước trà lẫn vào mảnh sứ vụn.
Mà trước lúc này, Chung Sơn đã giơ lên kiếm trong mưa gió.
Hắn bước về phía trước một bước, vũng nước đọng dưới chân bắn lên thành bọt nước, nhưng chậm chạp không rơi.
Kiếm qua nơi nào, mưa bụi tung bay đột nhiên vặn vẹo một cách kỳ dị, tụ theo đường kiếm!
Vì vậy mưa gió đầy trời đều hóa thành kiếm của hắn.
Phong Vũ Vi Thành! (mây gió vây thành)
Có người nghĩ Chung Sơn mượn thế của mưa gió, như vậy sẽ càng mạnh hơn. Chỉ là không nghĩ tới hắn sẽ mạnh đến mức thế này.
Kiếm thế đã vượt qua giới hạn của Phá Chướng cảnh, chạm đến ngưỡng cửa Tiểu Thừa.
Dường như muốn đột phá ngay trong trận!
Còn có người nhìn ra, chiêu kiếm này đã không chỉ là cảnh giới tu vi của Chung Sơn, mà còn là uy thế của thanh thần binh ‘Phong Vũ kiếm’ này bị kích thích mà tự phát ra!
Bất quá chỉ là một cơn mưa, mà lại khiến cho nó phấn khởi đến vậy!
Không ai cho là Ân Bích Việt có thể đỡ lấy một kiếm khó thể tin này.
Hắn lấy gì mà đỡ lấy chiêu kiếm này?
Dựa vào cái gì mà đỡ lấy chiêu kiếm này?
Thuận theo thế triển khai Hàn Thủy kiếm? Nhưng mà mưa gió đã tụ hết lại trong kiếm của Chung Sơn, thế đâu mà dựa?
Tránh né chiêu kiếm này sao?
Sao có thể né được cả trời mưa gió?
Ân Bích Việt đứng ở trong mưa, đạo bào ướt đẫm, tựa như một tòa thành thân cô thế cô.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.