Vạn Dặm Hoa Đào Trong Mưa Hạ

Chương 12: Chính là nhớ được nghĩ được nhưng không nói được thành lời




Đầu giờ Sửu canh tư, ta đổi canh gác trực cho người khác, lúc trở về phòng ngủ thì trời đã tờ mờ sáng. Căn phòng ẩm thấp toàn mùi nam nhân, sáu chiếc sập đơn xếp sát vào nhau, sáu chiếc còn kia nằm hướng ngược lại, ta mò mẫm theo bức tường tiến từng bước về chỗ mình. Chỗ ta nằm ngay cạnh cửa sổ, hơi sương buổi sớm tràn vào khiến tên lính bên cạnh rùng mình quấn chặt mình vào chăn.
(Đầu giờ Sửu canh tư: khoảng 1h sáng)
Ta cởi áo khoác ngoài, với tay khép hờ cửa sổ lại, cố ngủ một giấc vì ngày mai còn phải ra thao trường tập luyện nhưng hai mắt lại ráo hoảnh, định đứng dậy đi dạo một vòng thì tay chân lại mệt mỏi rã rời. Cứ thế nằm bất động đến khi mặt trời lên cao phía đông chiếu rọi lên lớp tuyết đọng trên cành lấp lánh, mọi người trong phòng lục đục thức dậy, không hiểu sao ta lại như đứa trẻ chột dạ nhắm nghiền mắt lại giả vờ ngủ.
"Đừng gọi Tiểu Diệp dậy, hắn mới trực về lúc sáng sớm cứ để hắn ngủ tiếp đi. Chúng ta đi thôi!"
Trong phòng chỉ còn lại mỗi mình ta cứ nằm yên nhắm mắt, thật muốn suy nghĩ một điều gì đó để đầu óc bớt trống rỗng mơ hồ.
Từ sau ngày cha mất, đôi khi lại có những lúc, có khi chỉ kéo dài vài giây có khi lại cả tháng trời, cảm giác như bị cô lập chẳng ai quan tâm đến. Nói buồn cũng không hẳn là buồn, đầu óc trống hoác và cả lồng ngực cũng thế, chẳng nghĩ được gì cả, càng cố lại càng cảm thấy đau đầu. Mới đầu còn chẳng để ý, lâu dần cảm giác ấy lại rõ ràng hơn, xâm chiếm lấy cả cơ thể, khó chịu đến ngẩn người. Tiết Thống và Tô Mộc cứ hỏi ta bị làm sao, thật ra ngay cả bản thân ta cũng chẳng biết nữa, chỉ là rất khó chịu, rất tĩnh mịch lại rất cô đơn.
Bàn tay lần mò dưới gối lấy ra một thanh đoản kiếm được quấn bằng vải trắng đã ngả ố vàng, cố rướn thân mình cứng đờ tê liệt, lưỡi kiếm vạch lên bắp đùi một đường ngọt xớt. Lúc cảm nhận được dòng máu nóng ẩm chạy dài trên bắp đùi cũng là lúc cơ thể như thoát khỏi gọng kìm, ta hít lấy một hơi sâu tựa như đã rất lâu rồi chưa được hít thở.
Nằm lặng yên rất lâu, cho đến khi ngoài cửa vang lên tiếng đánh thức. Ta đứng dậy lấy mảnh vải trong hộp thuốc trên bàn băng bó qua loa vết thương, thay bộ quần áo khác rồi đi đến thao trường.
Chiều tối hôm đó, khi ta trở về ăn tối, bọn Tô Mộc bất ngờ tổ chức sinh thần cho ta:
"Bình thường thì cũng chẳng có ai rỗi hơi tổ chức mấy cái lễ hội này đâu, đi chiến đấu chứ có phải đi chơi đâu. Nhưng Thượng tướng bảo hôm nay là Quán Lễ của ngươi, đời người chỉ có một lần có sơ sài cũng phải làm cho xong, cho nên ta nhờ thím Lưu ở trấn trên xuống đây giúp một tay."
Ánh trăng chảy dài trên vạt áo mới mà thím Lưu may cho ta, dù chất vải chẳng phải là hàng thượng đẳng gì nhưng vì sao mặc vào rất dễ chịu. Ta quỳ xuống, hướng mặt về kinh đô phía Bắc nâng tay áo lên ngang mày cung kính cúi đầu. Tiết Thống nghiêm trang bưng khay đựng chiếc mũ đen đỉnh bằng phẳng may bằng vải gai gắn thêm lớp lông dê trắng bước đến, lão Trần thay mặt cha ta đón lấy chiếc mũ đội lên đầu rồi buộc dây lại cho ta. Đáng lí phải đội ba lần mũ gồm bố quan, bì biện và tước biện nhưng vì không có đủ đồ để may nên chỉ đội một chiếc đại diện.
(Lễ đội mũ trưởng thành gồm có ba phần đội ba loại mũ khác nhau: Bố quan: mũ làm bằng vải gai đen, Bì biện: mũ làm bằng da hươu trắng, Tước biện: mũ màu đỏ và đen có đỉnh bằng phẳng.)
Khoảnh khắc lòng ta bỗng tỏ rõ thế nào là chớp mắt một cái trăm năm trở thành dĩ vãng, năm nào còn nằm khóc trong lòng cha bây giờ thì đã trở thành một người trưởng thành gánh nghiệp nước trên vai.
Sau lễ quan là tiệc rượu, mọi người đều dốc hết sức lực chuốt say ta, tiếng cười nói không ngớt đẩy lùi sự u ám của chiến tranh kéo dài mấy ngày qua. Ta nào ngờ lúc này đây ta đang vui vẻ quên trời đất cũng là lúc tính mạng của Tiểu Giảo đang như ngàn cân treo sợi tóc.
Đêm Tết Nguyên Tiêu năm ngày sau đó, ta đang ngồi vắt vẻo ăn đến chén chè thang viên thứ ba của thím Lưu thì trong cung truyền tin Hoàng thượng bị ám sát trên đường trở về từ đàn tế thần tại Diên Hy môn. Hiện giờ không rõ sống chết.
Lúc này ta mới hiểu vì sao lão Trần lại nói sau tiết Nguyên Tiêu thì không về được nữa, hóa ra không phải là ám sát mà là chính biến được sắp đặt từ trước.
Ta buông chén chè vội vội vàng vàng chạy đến nhà lão Trần, lão biết được ngày xảy ra chính biến ắt sẽ nắm rõ tình hình trong cung lúc này. Vì sao ta phải gồng mình mà sống tiếp thế này chứ, tất cả là vì Tiểu Giảo, vì ta không muốn đời sau sách sử sẽ ghi lại nó là ông vua mất nước, vì ta không muốn cuộc sống của nó cũng sẽ tồi tệ như ta.
Đã giữa tháng một nhưng tuyết vẫn còn dày, ta đạp trên con đường nhỏ gập ghềnh nhiều lần vấp ngã nhưng vẫn ngang bướng đứng dậy bước tiếp, lòng bất an gấp vạn.
"Tiểu Giảo như thế nào rồi? Vì sao không dưng lại bị ám sát chứ, nó đã sống an phận vậy rồi mà bọn chúng vẫn chưa hài lòng ư?"
"Ngươi bình tĩnh lại đi, ngồi xuống uống ly nước đã."
Ta không trả lời cũng không buồn động đậy, tự thì thầm với bản thân: "Tiểu Giảo, nó chỉ là đứa trẻ thôi mà, mấy người các ngươi hoàn toàn không hiểu nó là đứa trẻ đáng thương đến thế nào."
"Tiểu Hoàng đế vẫn còn sống, chỉ là hốt hoảng nên tạm thời ngất đi mà thôi. Đã có người bảo vệ rồi ngươi đừng lo."
Nghe được tin tảng đá đè trong lòng ta lúc này mới được nhấc ra, hoài nghi hỏi: "Người trong cung là..."
Đáp án đúng như ta dự đoán: "Người Mạc Thám hội."
Lão Trần cũng là người của Mạc Thám hội hơn nữa còn giữ vị trí rất cao cho nên cha ta an tâm nhờ ông ta giữ Phật Cước lệnh cho ta.
"Làm sao để điều động người của Mạc Thám hội, không có danh sách người cụ thể hay sao?"
"Có quá nhiều người để kể cho hết, hơn nữa mỗi ngày đều có sự thay đổi, có kẻ sẽ hy sinh vì nhiệm vụ lập tức kẻ khác sẽ được thu nạp. Cách tốt nhất để truyền lệnh là thông qua chi trưởng mỗi nhánh, tự khắc sẽ có người cụ thể đảm nhận nhiệm vụ. Thần Phong là chi trưởng nhánh biệt kích thám báo, nhiệm vụ chính là bảo vệ nhân chứng hoặc người quan trọng được chỉ định. Chi trưởng của nhánh thứ hai là Độc Hạc như ta đã nói lần trước, nhiệm vụ của nhánh này là cung cấp thông tin mật của kẻ địch, đôi khi có thể phải tiến hành ám sát nếu cần thiết."
(Thần Phong: chim cắt)
"Cho nên toàn bộ những kẻ phía dưới sẽ không bao giờ biết mặt của người đã ra lệnh cho mình, ngoại trừ hai chi trưởng."
Nếu lỡ như một trong hai chi trưởng phản bội thì xem như toàn bộ Mạc Thám hội sẽ sụp đổ, không phải kiểu tổ chức này có quá nhiều lỗ hổng hay sao. Nhưng ta biết rõ cha ta không thể nào làm việc một cách bất cẩn như thế được.
Lão Trần tựa như đọc được suy nghĩ của ta nên lên tiếng trả lời: "Mạc Thám hội chỉ thu nhận những người không có điểm yếu về gia đình hay tâm lý dễ bị lung lay. Tất nhiên để vào được có một nhóm người gọi là Ngũ Lão chọn lọc và đào tạo thành viên thay thế. Hơn nữa, Mạc Thám hội trải rộng khắp nơi hoạt động tựa như một khối nhưng thực ra lại là độc lập từng người, hội trưởng bị phát hiện thì sẽ có hội trưởng khác đã được chỉ định sắn lên thay thế."
Ngừng một lúc, lão đứng dậy mở toang cửa sổ ra để luồn khí mát mẻ buổi đêm tràn vào, khẽ thở dài rồi quay người lại nhìn thẳng vào mắt ta.
"Mỗi người khi đã dấn thân vào ắt sẽ có dây mơ rễ má với nhau, kể cả việc hội trưởng chỉ liên hệ với mỗi hai chi trưởng cũng là việc không thể chắc chắn trăm phần được. Cho nên cách ngươi đảm đương vị trí này như thế nào cũng ảnh hưởng nhiều đến việc sống còn của bản thân ngươi."
"Vậy thì Phật Cước lệnh dùng để làm gì?"
"Chân Phật đến đâu, hoa nở đến đấy. Lệnh bài dùng thay cho sức mạnh của dân chúng, một khi xuất lệnh bài chứng tỏ tính mạng của dân chúng đang bị đe dọa, tử sĩ khắp mọi nơi sẽ tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Tiểu tử, ngươi phải nhớ cho kỹ Mạc Thám hội hay Đại Mạc đều là của muôn dân trăm họ tuyệt đối không chỉ thuộc về riêng ai."
(Theo sách truyền thuyết nhà Phật, Phật Thích Ca sau khi sinh ra thì bước bảy bước chân bên dưới liền nở bảy bông hoa sen, tượng trưng cho bảy vị thật từ thuở khai sinh đến giờ. Ý nghĩa là Đức Phật đến đâu sẽ mang theo sự tươi đẹp hạnh phúc thanh khiết như bông hoa sen đến đấy.)
(Tử sĩ: những người sẵn sàng chết để hoàn thành hoặc góp phần hoàn thành một nhiệm vụ nào đó được giao.)
Ta không hề biết rằng câu nói cuối cùng đó của lão Trần cũng là dự báo không chỉ cho cuộc đời của ta mà còn của Tiểu Giảo và cả... Vu Thuần Hy. Ngay từ khi bắt đầu, bánh xe vận mệnh đã buộc ba người chúng ta phải nợ nhau cả kiếp này.
Khi mùa tuyết ngừng rơi, khi ta thức dậy sau một đêm an yên giơ tay mở toang cánh cửa sổ, cũng là lúc chuyện mà ta đã đoán trước xảy đến.
Sau chính biến Diên Hy môn, Hoàng đế Đại Mạc hiện giờ chưa rõ sống chết, Thái tử Đại Phù liền nhân cơ hội nội loạn dẫn quân xâm lược Đại Mạc.
Bắt đầu từ Vu thành rồi đến Dao thành, chưa đến hai tháng đã hoàn toàn cô lập Nham thành trong vòng vây quân Phù. Nhiều nhóm quân nhỏ đã được phái đi cố gắng phá vòng vây tạo đường liên lạc với các thành khác đều một đi không trở lại.
Trên thao trường, lòng quân như lửa đốt ai cũng mất tập trung không thể tập luyện được, thế nhưng ta lại thấy bình tĩnh đến lạ. Lúc vào thư phòng gặp Bàng Thượng tướng và Tô Mộc, cảm thấy không khí nặng nề ta liền không nhịn được bật cười.
"Ngươi cười gì thế hả, Hạ Vũ?" Tô Mộc ngạc nhiên hỏi ta.
"Nếu ta nói trận này chắc chắn là thua rồi, Thượng tướng ngài có chấp nhận được không?"
Hai người bọn họ nghe ta nói vậy thì ngạc nhiên trừng mắt nhìn ta, Bàng tướng lên tiếng hỏi:
"Vì sao ngươi lại nói như vậy, thậm chí còn chưa ra trận mà đã nghĩ đến chuyện buông tay đầu hàng rồi hay sao? Tám mươi vạn quân của Lý Nguyên Hạo rõ ràng là không thể thắng nổi thế nhưng kết quả thì thế nào, bây giờ chỉ vỏn vẹn mười vạn quân việc gì phải sợ hãi."
"Nhìn ta giống như đang sợ hãi hay sao? Thượng tướng, Vu Thuần Hy... hắn không phải là kẻ chỉ đơn giản có trong tay mười vạn quân đâu. Hòa ước năm Định Xuyên thứ nhất chắc Tướng quân vẫn chưa quên chứ, gần như toàn bộ vùng đất phía Nam bây giờ đã trở thành đất Phù rồi. So với người thầy là Lý Nguyên Hạo, Nam chinh Bắc phạt đã khiến hắn mạnh lên rất nhiều rồi. Vũ An tướng quân đâu phải chỉ là cái danh vô thực."
(Giải thích một chút: Năm Định Xuyên thứ nhất, Vu Thuần Hy giả dạng Đường Nhất Bạch bí mật đem quân Phù vào kinh đô, trong đêm tiến đánh buộc hoàng đế Đại Phù phải cắt một phần đất lớn phía Nam ký hòa ước để bảo toàn mạng sống và đảm bảo quân Phù sẽ không tiến đánh kinh đô trong vòng một năm. Nên được gọi là Hòa ước năm Định Xuyên thứ nhất.)
Không hiểu sao lúc ấy lại thấy rất chua xót bi ai tựa như vào một ngày đẹp trời, phát hiện ra bản thân đã đánh mất một điều gì đấy rất quan trọng. Ta đứng dậy ra về, để lại Bàng tướng và Tô Mộc nhìn nhau đầy phức tạp.
Nhiều ngày sau đó hắn cũng không triệu gặp ta nữa cho đến một buổi chiều cuối tháng tư. Bàng tướng ra lệnh ba quân họp mặt, dõng dạc tuyên bố:
"Hỡi ba quân tướng sĩ, nay mười vạn quân Phù đã đến thượng nguồn sông Lạp hợp với ba mươi vạn quân của Lý Nguyên Hạo tổng cộng là bốn mươi vạn. Bốn mươi vạn quân này sẽ tiến đánh thẳng Nham thành, với lực lượng hiện nay của chúng ta, ta chỉ có thể thẳng thắn thừa nhận trận này trừ phi kỳ tích xảy ra, bất luận thế nào cũng sẽ thua..."
Tất cả mọi người đều im lặng nặng nề, cuối cùng thì công sức của cha ta bao năm vẫn mất trong tay hắn. Ngẩng đầu nhìn trời cao, cũng tầm thời gian này năm ngoái ta vẫn vui vẻ rong chơi trên phố Chu Tước, bạo dạn kéo tay hắn cười nói không ngớt.
"... Trận chiến này biết trước sẽ thua cho nên ta cho phép những ai còn mẹ già con thơ ở nhà được rút lui trở về quê hương, những người còn lại nếu muốn chiến đấu cùng ta thì ở lại còn nếu sợ hãi thì hãy ra về. Bàng Dũng ta đây quyết không oán giận bất kỳ mọi quyết định nào, quân lính cũng là con người cũng biết đau khổ. Ta chỉ muốn nói rằng ta sẽ ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì Nham thành vì ta tin mỗi người đều có số kiếp sẵn cả có tránh cũng không thoát nổi, chi bằng chết một cách oanh liệt trên chiến trường, nhắm mắt nằm xuống vẫn là một trang hảo hán."
Khoảnh khắc im lặng chẳng kéo dài bao lâu, Tiết Thống khảng khái hét lớn: "Tôi sẽ ở lại chiến đấu cùng Thượng tướng. Chết cũng là một trang hảo hán!"
Sau đó mọi người đều đồng lòng hô to: "Ở lại chiến đấu cùng Thượng tướng! Chết làm trang hảo hán!"
Tiếng hô vang trời rung đất, trái tim trong lồng ngực ta cũng rung động theo. Bàn tay dưới vạt áo chạm vào miếng ngọc bội mát lạnh, nút thắt hình con cá bằng chỉ vẫn ở đấy chỉ là có chút xơ xác như con người trải qua hết thảy vết cắt của thời gian.
Ta cắn chặt răng gồng mình giật đứt miếng ngọc ra khỏi thắt lưng.
Như hoa thêu trên gấm. Như gông vàng khảm ngọc. Như vươn tay níu lấy một dáng hình trong mộng. Như cố chấp giữ lấy một mối tình đơn phương. Vốn dĩ là nhớ được nghĩ được. Nhưng từ đầu đến cuối kết quả vẫn là không nói được thành lời...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.