Truyền Kỳ Xứ Mộng

Chương 83: Hài Tết Táo Quân (38.1)




“Mật thất nhỏ, sự thật hé lộ
Phòng khách rộng, cố sự phơi bày”
Chương trước kể song song hai dòng sự kiện. Hồi tháng 11/2005, đến đầm lầy, xuyên xà trận, gặp được Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục. Còn hồi đầu tháng 1/2006, Hầu Ca trong giờ nghỉ trưa hôm mùng một Tết đã phát hiện ra ông nội nó và Lục Hồng đang xem Táo Quân. Liệu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Mời các đạo hữu đọc chương này để biết.
Cuối tháng 1 năm 2006 (Mùng 1 Tết năm Bính Tuất).
Câu hỏi đầu tiên Hầu Ca hỏi không phải là về mật thất, hay lý do mà hai người Nguyễn Lão, Lục Hồng đang ở trong này, cũng không phải tại sao và làm sao mà hai người họ lại có thể đang ngồi xem Hài Táo Quân. Nó cũng tò mò, thế nhưng điều nó quan tâm nhất lúc đó, lại là:
“Ông, chúng ta có Ti-vi từ bao giờ vậy?”
Nghe tiếng Hầu Ca, Nguyễn Lão và Lục Hồng đều giật mình, hai khuôn mặt đồng thời quay ngoắt về phía cửa phòng nơi Hầu Ca đang đứng. Mắt nó mở to, đang dán vào màn hình Ti-vi. Thậm chí, dưới ánh sáng mập mờ trong căn mật thất, Nguyễn Lão và Lục Hồng còn cảm tưởng mắt Hầu Ca đang sáng lên như đèn pha giữa đêm tối.
Mà suy nghĩ trong đầu Hầu Ca lúc này chỉ có một: Từ giờ nó đã không còn phải lo không xem được hoạt hình khi bị điểm kém hay ở nhà bà và bố mẹ nó “chiếm dụng” Ti-vi nữa. Ở nhà Hầu Ca có mỗi một cái Ti-vi. Thế nên mỗi khi bà nó muốn xem mấy chương trình chán ngắt như là Thời sự hay mấy chương trình về sức khỏe, bệnh tật, hay bố nó muốn xem bóng đá, là nó khỏi xem hoạt hình. Hoặc giả dụ nó đang trong thời kỳ học ôn thi hoặc bị điểm kém, cũng hay bị mẹ cấm xem Ti-vi. Mà chương trình chiếu trên Ti-vi đâu có chiếu lại, không được xem, hoặc lỡ mất thì tiếc không chịu được!
Có dạo, Hầu Ca cũng từng lấy lý do chạy sang nhà Khuyến Nhi chơi, để xem ké Ti-vi. Thế nhưng làm vậy phụ thuộc nhiều vào Khuyến Nhi. Nếu Khuyến Nhi mà không có nhà hay bận này bận kia, thì nó cũng chả sơ múi được gì. Lại thêm, nó làm vậy được một thời gian thì bị mẹ phát hiện, thành ra từ đó tới nay cũng không chơi bài đó được nữa.
Thế nên, lúc này, phát hiện ra có một cái Ti-vi ở Xứ Mộng, lại còn ngay trong sở hữu của ông nội nó, Hầu Ca không sáng mắt lên mới là lạ. Trong trí nhớ của Hầu Ca, ông nội nó vẫn luôn là người chiều nó, luôn nhường Ti-vi cho nó xem chứ không tranh với nó như bà nội và bố. Vậy nên, nó trực tiếp bỏ qua khả năng ông nội nó sẽ không cho nó xem cái Ti-vi này.
Hầu Ca tiến vào phòng, ngày càng đến gần cái Ti-vi. Nguyễn Lão thì dù gì cũng đã làm ông nội nó hơn mười một năm nay, ông cũng mường tượng được suy nghĩ trong đầu Hầu Ca, đành đứng dậy, chắn giữa nó và cái Ti-vi, đoạn cất tiếng hỏi:
“Hầu Ca, sao cháu lại ở đây vào lúc này?”
Bị câu hỏi giật trở lại thực tại từ trong giấc mơ về thiên đường trong tương lai, Hầu Ca chớp chớp mắt rồi lắc lắc đầu mấy cái rồi mới cười đáp:
“Dạ, hôm nay là Tết nên cháu dùng thời gian nghỉ trưa để đến chúc Tết ông ạ!”
Nghe câu trả lời này, Nguyễn Lão cũng có chút ấm lòng. Đồng thời, ông cũng tự chửi thầm bản thân đã lơ là cảnh giác, chỉ vì Tết nhất mà đã trót để Hầu Ca phát hiện ra cái Ti-vi này. Từ giờ, nhịp sống sẽ thay đổi nhiều lắm đây. Theo hiểu biết của ông về tính cách Hầu Ca, nó không tìm bằng được cách để mặc cả giờ xem Ti-vi mới là lạ. Ông mở miệng, toan định nói gì thì từ phía sau, giọng “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh cất lên:
“Giê-su-ma, Thánh A-la, Thần Dớt ơi!”
Câu này vừa dứt, có thể loáng thoáng nghe thấy tiếng sấm rền ở xa xa bên ngoài trời. Nguyễn Lão cũng vì vậy mà thoáng thất thần trong giây lát. Thế nhưng ngắn ngủi vậy cũng đã kịp để Hầu Ca lách qua ông, ngồi phịch luôn xuống cái ghế mây nãy ông vừa ngồi. Nguyễn Lão cũng chỉ đành lắc đầu, đoạn kéo một cái ghế mây khác, ngồi xuống cạnh Hầu Ca. Thế rồi ba người họ, hai trẻ một già, ngồi xem Hài Táo Quân.
Chương trình hết, Hầu Ca mới quay sang hỏi ông nội:
“Ông cũng thích xem Táo Quân ạ? Cháu tưởng ông là Nhị giới nhân thì sẽ không thích Táo Quân vì ‘bôi nhọ thần thánh’ cơ?”
Chả trách mà Hầu Ca lại hỏi câu này. Cái năm 2003, năm đầu Táo Quân ra mắt, cũng chính là năm ông nội nó “mất”. Mà năm đó, Hài Táo Quân thì rõ ngắn, nghệ sĩ đóng Ngọc Hoàng còn chưa phải là Quốc Khánh. Thành ra, Hầu Ca cũng không biết được cảm nhận của ông nội nó về chương trình này. Lại thêm từ khi biết về Xứ Mộng cùng Nhị giới nhân, Hầu Ca vẫn luôn cho rằng ông nội nó vì có quen biết qua mấy vị “thần thánh” này, nên sẽ không thích Táo Quân vì các vị “thần thánh” trong chương trình hài này có chút tếu táo, thiếu nghiêm túc.
Lục Hồng lúc này thì đã đứng lên thu dọn rồi lui đi, để lại không gian riêng tư cho hai ông cháu Hầu Ca. Về phần Nguyễn Lão, khi nghe xong câu hỏi của Hầu Ca, ông cười đáp:
“Ai bảo cháu Táo Quân ‘bôi nhọ thần thánh’? Thực ra nó diễn tả khá đúng thần tiên trên Thiên Phủ, Thiên Đình đấy.”
***
Tháng 11 năm 2005.
Triệu Việt Vương dẫn ba người đám Lục Hồng vào trong ngôi nhà của ông ở giữa đầm lầy. Phòng tiếp khách của Việt Vương là một căn phòng khá đơn sơ, giản dị, nhưng rộng rãi, thoáng mát. Bên phải phòng có cửa sổ nhìn ra ngoài, thẳng tới chỗ trồng hoa sen ngát hương. Trên tường quanh phòng có treo một loạt các bức tranh.
Góc phòng có kê một bộ bàn ghế gỗ, rõ là dùng để tiếp khách. Việt Vương dẫn ba người tới bàn, ra hiệu mời mọi người ngồi. Rồi ngài cũng ngồi xuống ghế chủ nhà. Lục Hồng sau khi ngồi xuống còn hơi loay hoay như thể ngứa ngáy muốn đề xuất với Việt Vương một điều gì đó. Thế nhưng sau cùng, có vẻ hắn quyết định thôi. Sau khi mọi người đã ngồi yên ổn, với ngoại lệ duy nhất là Hầu Ca, Việt Vương liền lên tiếng gọi:
“Thị Lộ, dâng trà!”
Đám người Lục Hồng hướng ánh mắt về phía cửa phòng, những tưởng Xà Tinh lúc nãy sẽ trườn ra, thế nhưng thay vào đó, một thiếu nữ dáng người hoàn toàn là nhân loại bưng một khay ấm chén bước ra. Thiếu nữ này nhìn kỹ vẫn có thể nhìn ra chính là Xà Tinh lúc nãy vừa chặn ba người ở bên ngoài. Thế nhưng nếu như chưa gặp qua Xà Tinh lúc trước, hay chỉ nhìn thoáng qua, thì sẽ chỉ thấy nàng vô cùng xinh đẹp, yêu kiều. Có thể nói, có đem bê nguyên đoạn Nguyễn Du tả Thúy Kiều ra miêu tả nàng thì cũng không oan.
Trong lúc Thị Lộ rót trà, Hầu Ca với tính cách không thích ngồi yên một chỗ đã nhỏm dậy đi nhìn ngó khắp phòng. Sự chú ý của thằng bé lúc này là mười mấy bức họa treo quanh phòng. Từ trái qua phải, các bức tranh như kể lại một câu chuyện sinh động. Nếu tinh ý, có thể nhận ra, các bức tranh này kể về cuộc đời của Triệu Việt Vương, từ lúc theo cha đầu binh cho Lý Nam Đế – Lý Bí, đánh đuổi giặc Lương, theo lệnh Lý Nam Đề hành quân đánh trận, tới khi Nam Đế chết, xưng Vương, chống thù trong giặc ngoài, để rồi bị Lý Phật Tử hãm hại, chạy trốn, cầu cứu Lạc Long Quân.
Thế nhưng sau bức cầu cứu Lạc Long Quân vẫn còn vài bức vẽ. Một bức vẽ Việt Vương trong một cung điện xa hoa, có vẻ như Thủy Cung, nhưng mặt ông đượm buồn. Một bức vẽ ông bước tới một đầm lầy hoang vu. Bức tiếp theo vẽ Việt Vương mình trần đánh nhau với một quái thú ở giữa đầm lầy. Quái thú trong tranh rắn không ra rắn, mà rồng cũng chưa hẳn là rồng, cái sừng trên đầu nó trông khá giống cái sừng gắn trên mũ của Việt Vương lúc này. Bức tiếp theo vẽ ông đứng trước một ngôi nhà hao hao giống với ngôi nhà này, thế nhưng trước nhà chưa có trồng sen. Bức tiếp theo vẽ nữ Xà Tinh ban nãy cúi đầu trước Việt Vương. Bức cuối cùng vẽ Việt Vương ngồi trước cửa nhà đọc sách, còn Xà Tinh nọ thì đang chăm sen trong đầm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.