Truy Tìm Bức Tranh Thánh

Chương 4:




Adam bước sang bên kia giường và lấy từ giá sách cuốn Kinh Thánh mà mẹ đã tặng anh nhân lễ Kiên tín. Anh mở cuốn sách ra, một làn bụi bay lên từ cuốn sách bọc gáy vàng. Anh đặt chiếc phong bì vào chương Khải huyền rồi đặt cuốn Kinh vào giá sách.
Adam đi vào bếp, tự rán cho mình một quả trứng và hâm nóng nốt chỗ đậu còn lại từ hôm qua. Anh đặt bữa ăn chán ngắt lên bàn ăn và không khỏ nghĩ đến những món ăn sang trọng mà hẳn là lúc này Lawrence và Carolyn đang thưởng thức ở tiệm ăn Italy. Sau khi ăn hết và rửa sạch đĩa bát Adam quay về phòng mình nằm trên giường nghĩ ngợi. Liệu chiếc phong bì đã ố vàng kia cuối cùng có chứng minh được sự vô tôi của cha anh không? Trong óc anh dần hình thành một kế hoạch.
Khi chiếc đồng hồ đại trong phòng khách gõ mười tiếng, Adam giơ chân về phía cuối giường và khều cuốn Kinh Thánh khỏi giá sách. Anh hơi e ngại lấy cái phong bì ra. Rồi anh bật ngọn đèn ngủ trên chiếc bàn viết nhỏ kê cạnh giường, mở hai mẩu giấy ra và đặt lên bàn trước mặt mình.
Một tờ có vẻ là một bức thư riêng Goering gửi cho cha Adam, tờ kia trông có vẻ cũ hơn và trông giống một văn kiện chính thức. Adam đặt tài liệu đó sang một bên và bắt đầu đọc từng dòng. Nhưng không ăn thua gì.
Anh xé một mẩu giấy từ cuốn sổ trên bàn viết của Lawrence và bắt đầu chéo lại từng chữ trong bức thư của Goering. Anh chỉ bỏ qua câu chào và những chữ anh cho là lời từ biệt "hochachtungsvoll" - sau đó là chữ ký đậm và thoáng của Reichsmarshal. Anh kiểm tra kỹ càng từng chữ của bản sao trước khi bỏ bức thư vào chiếc phong bì đã ố vàng. Anh vừa bắt đầu chép tờ tài liệu vào một tờ giấy khác thì nghe thấy tiếng chìa khóa, sau đó là tiếng nói vang lên ngoài cửa trước. Cả Lawrence và Caronlyn đều có vẻ như vừa không chỉ uốn cạn một chai rượu, và giọng Carolyn càng nhấn rõ các trọng âm rồi trở thành những tiếng khúc khích.
Adam thở dài tắt đèn để họ không biết là anh còn thức. Trong bóng tối anh trở nên càng nhạy cảm với từng âm thanh. Một trong hai người đi xuống bếp bởi vì anh nghe thấy tiếng mở tủ lạnh, rồi sau đó tiếng mở nút lie đậy chai - anh đoán đó là chai vang trắng anh vừa uống lúc nãy, và hình như họ thấy vẫn chưa đủ say cho nên cần uống thêm ít vang chua này nữa.
Anh miễn cưỡng ngồi nhỏm dậy khỏi ghế và quờ quạng dò dẫm đi về giường. Anh chạm được vào góc giường và im lặng đặt mình xuống nệm rồi kiên nhẫn chờ đến khi cửa phòng ngủ của Lawrence khép lại.
Chắc anh đã ngủ thiếp đi bởi vì sau đó anh nghe thấy tiếng đồng hồ trong phòng khách điểm mấy tiếng. Adam dụi mắt để cố quen với bóng tối. Anh nhìn vào chiếc đồng hồ dạ quang đeo trên tay. Ba giờ mười phút. Anh trường người ra khỏi giường thật khẽ khàng, cảm thấy vô cùng mệt mỏi rồi chậm chạp mò mẫm đi ra bàn viết, đầu gối chạm phải ngăn kéo kêu đánh cộp khiến anh không kìm được bật lên chửi thề. Mò mẫm mãi mới tìm được công tắc đèn, thoạt tiên ánh đèn chói làm anh phải chớp mắt lia lịa. Chiếc phong bì đã phai mau trông thật tầm thường - mà có lẽ nó tầm thường thật. Trang tài liệu vẫn nằm giữa bàn, bên cạnh bản chép lại mà anh mới bắt đầu được vài dòng đầu tiên.
Adam ngáp và bắt đầu xem xét từng chữ một lần nữa. Tài liệu này không dễ chép lại như bức thư lúc nãy, bởi vì chữ viết rất nguệch ngoạc và ngoáy, tựa như người viết coi rằng tờ giấy này là một cái gì đó rất có giá trị. Adam bỏ qua địa chỉ trên góc phải và chép lại tám con số gạch chân ngay đầu những chữ viết, phần còn lại anh chép thật trung thành so với bản chính.
Công việc vất vả và mất thời gian một cách không ngờ. Anh viết từng chữ bằng chữ in hoa, những chỗ nào không chắc chắn lắm anh lại viết thêm bên cạnh chữ có thể là nó. Anh muốn bản dịch phải chính xác ngay từ lần đầu.
Có tiếng thì thầm phía sau lưng:
- Anh yêu, sao làm việc khuya thế?
Adam quay phắt lại, cảm giác như mình là tên ăn trộm đêm bị bắt quả tang đang thò tay lấy những món đồ bạc của gia đình.
Carolyn đứng cạnh cửa, nói:
- Anh không cần hốt hoảng làm gì, em đây mà.
Adam nhìn cô gái tóc vàng dong dỏng cao lúc này trông vô cùng hấp dẫn trong bộ pajama không cài cúc của Lawrence, chân mang đôi giày mềm đi trong nhà, hấp dẫn hơn nhiều so với lúc mặc quần áo chỉnh tề. Mái tóc dài mềm mại xõa lung tung xuống ngang lưng, anh bắt đầu hiểu Lawrence muốn nói gì khi miêu tả cô là một cô gái có thể biến một que diêm thành một điếu xì gà Cuba.
Adam nói, hơi lắp bắp:
- Buồng tắm ở cuối hành lang ấy.
Cô cười khúc khích:
- Em có đi tìm buồng tắm đâu, anh ngố ạ. Em không thể nào đánh thức Lawrence dậy được. Sau khi uống chừng ấy rượu vang anh ấy đổ vật xuống như một võ sĩ đấm bốc hạng nặng bị đánh nốc ao. Không đầy mười lăm phút - Cô thở dài - Em nghĩ là từ giờ cho đến tận sáng mai thì không có gì đánh thức nổi anh ấy dậy cả.
Cô bước một bước đến gần anh.
Adam lắp bắp gì đó và có cảm giác như bị đánh mạnh vào người. Anh chỉ hy vọng lưng anh che khuất không để lộ ra những tờ giấy trên bàn.
Carolyn nói:
- Ôi, lạy Chúa. Anh không phải là người đồng tính luyến ái đấy chứ?
Adam nói, hơi điệu:
- Dĩ nhiên là không.
Cô hỏi:
- Vậy thì chỉ là không thấy em hấp dẫn thôi ư?
Adam nói:
Không hẳn như vậy.
Cô nói:
- Nhưng Lawrence là bạn thân của anh mà.
Adam không đáp.
- Chúa ơi, đây là những năm sáu mươi, Adam. Chia sẻ và chia sẻ chứ.
Adam nói:
- Chỉ là thế này...
Carolyn đáp:
- Thật là phí. Có lẽ một lần khác vậy.
Cô rón rén đi ra cửa và biến mất trong hành lang, không hề biết rằng đối thủ của mình sẽ là một cô gái Đức.
° ° °
Sáng hôm đó, việc đầu tiên Romanov làm sau khi rời khỏi văn phòng của Chủ tịch ủy ban là quay về học viện và chọn một nhóm nghiên cứu đặc biệt gồm mười hai người. Kể từ lúc đó cứ bốn tiếng một, từng nhóm hai người một sẽ báo cáo tóm tắt những gì họ đã tiến hành nghiên cứu trong ca của mình, như vậy công việc có thể tiến hành suốt ngày đêm.
Các thông tin đầu tiên đã đến ngay trong giờ đầu tiên và những người nghiên cứu đã có thể xác định rằng, bức tranh Thánh của Sa hoàng vẫn ở trong cung điện riêng của Sa hoàng tại Cung điện Mùa đông ở Petrograd cho đến tận tháng Mười hai năm 1914. Romanov xem xét thật tỉ mỉ tấm ảnh chụp bức tranh nhỏ tuyệt đẹp vẽ Thánh George và Con Rồng. Thánh được ghép bằng những mảnh đá nhỏ màu xanh và vàng lá, còn con rồng màu đỏ rực và vàng. Mặc dầu không say mê nghệ thuật lắm, nhưng Romanov cũng có thể hiểu rằng vì sao người ta bị kiệt tác nhỏ này mê hoặc. Anh tiếp tục đọc kỹ lịch sử bức tranh Thánh nhưng vẫn không thể biết được vì sao nó lại có một giá trị quan trọng đến như vậy đối với Nhà nước. Anh băn khoăn không hiểu chính Yuri có biết lý do hay không.
Một năm sau khi cách mạng thành công, một người hầu trong cung điện đã khai trước tòa án nhân dân rằng, vào năm 1915 bức tranh Thánh có bị lấy đi mấy ngày sau khi Ernst Ludwig, Đại Công tước Hess đến viếng thăm cung điện. Lúc đó người hỏi cung đã hỏi rất lướt qua về việc bức tranh Thánh bị lấy đi đó bởi vì nó vẫn được treo trong phòng làm việc của Sa hoàng khi làn sóng cách mạng tràn vào Cung điện Mùa đông. Điều mà tòa án quan tâm hơn là vì sao trong khi đang có chiến sự dữ dội với quân Đức, Đại Công tước Hess lại muốn đến thăm Sa hoàng làm gì.
Ngay lập tức một giáo sư sử học của trường đại học được mời đến để hỏi ý kiến. Vị học giả vĩ đại cũng bị câu hỏi làm cho lúng túng. Tuy vậy ông ta cũng tóm tắt cho Romanov tất cả những điều biết được quanh sự việc đó. Romanov nghiên cứu lại báo cáo của ông ta một lần nữa. Người ta cho rằng Đại Công tước đã bí mật đến thăm em gái của ông ta là Alexandra, Hoàng hậu Nga. Cho đến nay các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng ý đồ của ông ta là tìm kiếm một cuộc ngưng bắn giữa Nga và Đức, với hy vọng là Đức có thể tập trung các nỗ lực chiến tranh của mình để chống lại Pháp và Anh.
Không hề có bằng chứng nào về việc Sa hoàng có nhân danh nước Nga hứa hẹn với Đức một điều gì, nhưng dường như Đại Công tước không trở về tay trắng. Các báo cáo tiếp theo của tòa án nhân dân cho biết, một người hầu khác trong cung điện khai rằng anh ta được lệnh gói bức tranh Thánh cùng đồ đạc của Đại Công tước. Mặc dầu vậy không một người hầu nào trong cung điện có thể khai được chính xác là bao nhiêu ngày sau bức tranh mới được trả về chỗ của nó trên tường phòng làm việc riêng của Sa hoàng.
Nhóm trưởng nhóm nghiên cứu của Romanov, Giáo sư Oleg Konstantinov đã nghiên cứu các nhận xét của các vị giáo sư kia, và của các thành viên khác trong nhóm, đã rút ra kết luận của mình, kết luận được viết bằng mực đỏ.
"Chắc chắn là Sa hoàng đã thay bức tranh đó bằng một phiên bản và đã chuyển bản chính cho Đại Công tước, em rể của ông ta để giữ cho an toàn."
Romanov hỏi:
- Nhưng tại sao khi Sa hoàng đã có cả một bộ sưu tập đầy đủ những bức tranh của Goya, El Gredos, Titians, Rubens, ông ta còn phải tuồn một bức tranh Thánh ra ngoài làm gì?
Romanov yêu cầu các nhân viên nghiên cứu cùng với vị giáo sư chuyển hướng nghiên cứu sang bảo tàng hoàng gia Hess, hy vọng tìm thấy bức tranh Thánh còn xuất hiện ở đâu đó sau này. Trong vòng mười ngày họ đã tìm được thêm nhiều thông tin về Đại Công tước và gia đình ông ta hơn bất cứ giáo sư của bất cứ một trường đại học nào thu thập được trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình. Mỗi tập hồ sơ xuất hiện trên bàn Romanov đều được anh nghiên cứu suốt đêm, kiểm tra từng thông tin nhỏ có thể hứa hẹn dẫn đến manh mối của bức tranh thật. Anh đã lần đến một cái chết và sau cái chết của Đại Công tước, bức tranh được để lại cho con trai ông ta, anh con này cũng chết một cách bất ngờ trong một tai nạn nổ máy bay. Kể từ ngày ấy không ai nghe thấy gì về bức tranh Thánh nữa.
Vào đầu tuần thứ ba, Romanov đành miễn cưỡng rút ra kết luận rằng không hề tìm thấy manh mối gì của bức tranh. Anh đang viết báo cáo cuối cùng cho Chủ tịch thì Petrova, một người trong nhóm nghiên cứu, không làm việc trong các nhóm song phương đã đọc được một bài báo trên tờ Time của London ra ngày thứ Tư, 17 tháng Mười một năm 1937. Petrova đã bỏ qua không báo cáo cho người lãnh đạo nhóm nghiên cứu mà đến đưa tận tay Romanov một bản copy bài báo. Trong mấy giờ sau đó Romanov đã đọc đi đọc lại mẩu tin đến nỗi thuộc lòng.
Để giữ bí mật, người phóng viên đã giấu tên. Bài báo có đầu đề là: "Ostend, ngày 16 tháng Mười một năm 1937". Bài báo viết:
Đại Công tước Hess George và bốn người trong gia đình đã chết thảm sáng nay khi chiếc máy bay Sabena chở họ đi từ Franfurkt đến London đã bị nổ trong màn sương mù dày đặc trên vùng trời.
Đại Công tước đang trên đường tới London để dự lễ cưới của em trai, Hoàng thân Louis với Công nương Joanna Geddes. Vị hoàng thân trẻ tuổi đang chờ ở sân bay Croydon để đón gia đình thì nhận được tin báo. Ông đã ngay lập tức hoãn đám cưới của mình và thông báo là có thể họ thay đổi kế hoạch và chỉ tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại Lâu đài Chapel, Windsor.
Tờ Time viết tiếp:
Hoàng thân Louis, người thừa kế từ anh trai mình tước hiệu Đại Công tước Hess chiều nay sẽ tới Ostend cùng với cô dâu để hộ tống năm cỗ quan tài trên đường trở về Đức. Lễ tang sẽ cử hành vào ngày 23 tháng Mười một tại Darmstadt.
Đoạn tiếp sau được người nghiên cứu gạch chân rất đậm:
Trong số những đồ đạc của Đại Công tước đã quá cố có rất nhiều quà cưới dành cho Hoàng thân Louis và cô dâu, những đồ vật này bị văng tung tóe ra xa hàng nhiều dặm khi máy bay bị nổ. Sáng nay Chính phủ Đức thông báo rằng một tướng Đức đã được chỉ định chỉ huy một nhóm các chuyên gia cứu hộ để đảm bảo tìm kiếm tất cả các tài sản gia đình thuộc về người thừa kế của Đại Công tước.
Romanov ngay lập tức cho gọi người nghiên cứu sinh trẻ tuổi đến. Mấy phút sau khi Anna Petrova có mặt, cô không hề tỏ ra sợ sệt cấp trên của mình. Cô phải thừa nhận rằng có lẽ khó mà gây được sự chú ý của Romanov bằng trang phục. Dù sao thì cô cũng đã mặc bộ quần áo đẹp nhất mà cô có, và cắt tóc ngắn theo kiểu một cô đào Mỹ tên là Mia Farrow mà cô có lần được xem. Cô hy vọng nó có thể làm cho Romanov để ý.
Anh làm cô thất vọng bằng một nụ cười:
- Tôi muốn cô lục lại tất cả các số của tờ Time trong vòng sáu tháng, từng ngày kể từ ngày mười bảy tháng Mười một năm 1937. Và kiểm tra các báo chí Bỉ và Đức xem có điều gì có thể cho thấy các chuyên gia cứu hộ đã tìm thấy những gì.
Chưa đầy hai mươi tư giờ sau Petrova đã chạy vào văn phòng của Romanov không kịp cả gõ cửa. Romanov chỉ hơi hướng mày trước cử chỉ bất lịch sự đó và đưa tay cầm bài báo mà cô đã tìm thất trong tờ die Zeit, Berlin ra ngày thứ Bảy, mười chín tháng Giêng năm 1938.
"Cuộc điều tra vụ tai nạn hồi tháng Mười một vừa qua xảy ra với chiếc máy bay Sabena chở gia đình hoàng tộc Hess đi London đến nay đã có kết luận. Tất cả các đồ đạc thuộc về gia đình đã được tìm thấy trong vụ tai nạn đã được trả lại cho gia đình Đại Công tước, Hoàng thân Louis tỏ ra vô cùng buồn rầu vì bị mất một bảo vật gia truyền và là quà cưới của anh ông - Đại Công tước đã quá cô định tặng ông làm quà cưới. Món quà đó là một bức tranh thường được gọi là "Bức tranh Thánh của Sa hoàng", trước kia đã từng thuộc về chú của ông ta là Sa hoàng Nicolas II. Bức tranh vẽ Thánh George và Con Rồng tuy chỉ là bản sao một kiệt tác Rublev, nhưng được đánh giá là một trong những tác phẩm đại diện cho nghệ thuật tinh xảo vào đầu thế kỷ hai mươi đã được đem ra khỏi nước Nga".
Romanov ngước nhìn lên cô nghiên cứu sinh, nói:
- Bản sao thế kỷ hai mươi chết tiệt. Đó là nguyên bản từ thế kỷ mười lăm, và khi đó không một ai nhận ra điều đó - có lẽ ngay cả bản thân lão Đại Công tước nữa. Chắc chắn là Sa hoàng còn có một kế hoạch khác đối với bức tranh Thánh mà ông ta đã tuồn ra ngoài.
Romanov sợ phải báo cáo với Yuri rằng bây giờ anh có bằng chứng chứng minh rằng bức tranh thật của Sa hoàng đã bị tiêu hủy trong một tai nạn máy bay cách đây ba mươi năm. Những tin tức như vậy sẽ chẳng đem lại cơ hội thăng tiến cho người báo cáo nó, bởi vì anh vẫn tin rằng có một điều gì đó còn quan trọng hơn bản thân bức tranh nhiều, khiến cho Yuri phải đích thân quan tâm đến như vậy.
Anh nhìn bức tranh trên báo. Đại Công tước trẻ đang bắt tay viên tướng phụ trách đội cứu trợ đã thành công trong việc tìm về rất nhiều đồ đạc của gia đình Hoàng thân. Romanov nói to thành tiếng:
- Nhưng mà hắn có đem về tất cả mọi thứ không mới được chứ?
Cô nghiên cứu sinh trẻ tuổi hỏi:
- Sếp muốn nói gì cơ ạ?
Romanov khoát tay và tiếp tục nhìn mãi bức ảnh chụp từ hồi trước chiến tranh đã phai màu, trong ảnh là hai người đàn ông. Mặc dầu tên viên tướng không được nhắc đến, nhưng mọi học sinh Đức đều có thể nhận ra khuôn mặt to lớn, lạnh lùng, cằm vuông nặng nề với đôi mắt xoi mói đã trở nên nổi tiếng trong quân lực Đức.
Romanov nhìn lên cô nghiên cứu sinh:
- Petrova, từ bây giờ cô có thể quên Đại Công tước được rồi. Hãy chuyển sang nghiên cứu về Reichsmarshal Hermann Goering.
° ° °
Ý nghĩ đầu tiên của Adam tỉnh dậy là về Carolyn. Cái ngáp của anh biến thành nụ cười khi nhớ lại lời mời mọc của cô đêm qua. Rồi anh nhớ ra. Anh nhảy khỏi giường và đi về phía bàn: Mọi thứ vẫn ở nguyên chính xác chỗ cũ như khi anh đi ngủ. Anh che miệng ngáp lần nữa.
Đã bảy giờ kém mười. Mặc dầu đã rời khỏi quân đội bảy tuần rồi nhưng anh vẫn tập thể dục đều đặn mỗi buổi sáng. Anh định khi Bộ Ngoại giao kiểm tra về thể lực thì anh phải đạt được đỉnh cao nhất của mình. Anh nhanh chóng mặc áo may ô, chiếc quần soóc thể thao và đi giày.
Adam rón rén ra khỏi căn hộ, không muốn làm Lawrence hay Carolyn thức giấc - mặc dầu đoán là lúc này Carolyn đã tỉnh như sáo và kiên nhẫn nằm đợi. Anh chạy hết ba mươi tư phút qua Kè đá, qua cầu Albert, xuyên qua công viên Battersea và quay về bằng đường qua cầu Chelssea. Trong đầu anh chỉ có một ý nghĩ duy nhất, sau chừng ấy năm bị người ta xì xào bàn tán liệu cái tài liệu này có thể rửa sạch tên tuổi cho cha anh không? Lúc về đến căn hộ, Adam kiểm tra mạch: Một trăm năm mươi lần phút. Sáu mươi giây sau giảm xuống còn một trăm lần phút. Sau một phút nữa còn bảy mươi và chưa đến bốn mươi phút sai đã ổn định ở mức năm mươi tám lần phút. Chính sự hồi phục nhanh mới chứng tỏ sức mạnh của anh chứ không phải là tốc độ, giáo viên hướng dẫn môn Rèn luyện thể lực hồi còn ở trường Aldershot đã dạy anh như vậy.
Khi Adam đi về phòng thì không thấy bóng dáng Carolyn đâu nữa. Lawrence bảnh bao trong bộ comple màu xám đang chuẩn bị bữa sáng trong bếp, vừa làm anh vừa liếc mắt đọc tờ Daily Telegraph. Anh thông báo với Adam:
- Bọn Tây Ấn được năm trăm hai sáu điểm.
Adam gọi to từ buồng tắm:
- Đã bắt đầu vòng của chúng ta chưa?
- Chưa. Ánh sáng tồi nên dừng cuộc đấu.
Adam rên lên và mở vòi hoa sen. Anh đã sẵn sang để tập luyện buổi sáng xem có thể chịu đựng được nước lạnh bao nhiêu lâu. Bốn mươi tám tia nước lạnh buốt như kim châm xối vào lưng và ngực, khiến anh phải hít sâu vào nhiều lần. Nếu như anh có thể chịu đựng được ba mươi giây đầu thì anh sẽ có thể chịu được bao lâu nữa cũng được - người huấn luyện viên đã cam đoan là như vậy. Adam dầm mình trong nước lạnh thêm ba phút nữa, vẫn thầm nguyền rủa ảnh hưởng của quân đội mà anh không bao giờ thoát ra được.
Tắm xong Adam đi về phòng mình. Một phút sau anh đã mặc xong quần áo và đến ăn sáng với bạn trong bếp. Lúc này Lawrence đang ngồi bên bàn ăn, ngấu nghiến một đĩa bánh ngô rán mỏng, trong khi ngón tay vẫn lần từng dòng chữ trên tờ Financial Time.
Adam nhìn đồng hồ đeo tay: đã tám giờ kém mười. Anh hỏi:
- Cậu không sợ đi làm muộn à?
Lawrence nói:
- Anh bạn trẻ ơi. Tôi không phải là một thằng đầy tớ làm cho cái loại nhà băng phải phục vụ khách hàng suốt cả ngày.
Adam phá lên cười. Lawrence thừa nhận:
- Nhưng dù sao tớ cũng sẽ phải cùm chân ở bàn làm việc vào lúc chín giờ ba mươi - anh giải thích thêm - Hôm nay người ta không lái xe đến đón tớ. Tớ đã bảo họ là với tình hình giao thông như thế này thì nhanh nhất là đi xe điện ngầm.
Adam bắt đầu sửa soạn bữa sáng cho mình. Anh nói:
- Tớ có thể chở cậu đi bằng mô tô được.
- Cậu có thể tưởng tượng được có ai ở vị trí của mình lại tới trụ sở của Ngân hàng Barclays bằng mô tô bao giờ không? Khéo chủ tịch Ngân hàng ngất mất - anh nói thêm và gập tờ báo lại.
Adam đập quả trứng thứ hai vào chảo.
Lawrence với cái ô trên mắc áo và nói:
- Chào cậu, tối gặp lại nhé, chắc là lúc ấy cậu vẫn tuyệt vời, ăn mặc bẩn thỉu và chưa tìm được việc như thế này.
Adam ăn nhanh và rửa đĩa, cảm thấy vui vui vì mình đang làm công việc nội trợ trong khi chưa kiếm được việc làm. Mặc dầu nhiều năm qua bao giờ cũng có cần vụ riêng, nhưng anh vẫn biết chính xác là cần phải làm những gì. Anh chuẩn bị cho buổi phỏng vấn tại Bộ Ngoại giao chiều nay, bằng cách tắm thật lâu và cạo râu kỹ càng. Sau đó anh nhớ đến bức thư của Reichsmarshal Hermann Goering vẫn còn trên bàn trong phòng ngủ.
° ° °
Romanov quay lại hỏi cô nghiên cứu sinh, giọng đầy hy vọng:
- Cô đến đây với một cái gì đó chứng tỏ rằng Goering đã giữ riêng bức tranh Thánh đó cho mình chăng?
Anna Petrova trả lời giọng thân mật:
- Chỉ có rõ ràng trở lên thôi.
Romanov định phê bình cô gái vì sự suồng sã này, nhưng trong lúc này anh chỉ im lặng. Rốt cuộc, dù sao Anna Petrovaa cũng tỏ ra vượt xa những người giỏi nhất trong nhóm nghiên cứu sinh của anh. Romanov hỏi:
- Vậy có gì rõ ràng đến thế kia ư?
- Ai cũng biết là Hittler giao cho Goering thay mặt bọn Đức Quốc xã chịu trách nhiệm về tất cả các báu vật nghệ thuật cướp được. Nhưng bởi vì Quốc trưởng có quan điểm cá nhân không thay đổi về những gì cấu thành chất lượng giống nòi, nên rất nhiều kiệt tác của thế giới bị xếp vào loại "hư hỏng" và do đó không xứng đáng để trưng bày cho công chúng của một giống nòi thượng đẳng chiêm ngưỡng.
- Vậy thì sau đó số phận những kiệt tác ấy ra sao?
- Hittler ra lệnh hủy chúng đi. Trong những tác phẩm bị kết tội phải bị thiêu hủy có cả tác phẩm của những danh họa như Van Gogh, Manet, Monet... và đặc biệt là họa sĩ trẻ Picasso, người được coi là không xứng đáng với dòng máu xanh của chủng tộc Aryan mà Hittler coi là chủng tộc sẽ thống trị thế giới.
Romanov ngước nhìn lên trần nhà, nói:
- Chắc là cô không định nêu ý kiến rằng có thể Goering đã ăn cắp bức tranh Thánh của Sa hoàng để rồi sau đó đốt đi chứ?
- Không, không. Goering không ngu đến thế đâu. Như hiện nay chúng ta đã biết không phải lúc nào ông ta cũng tuân theo mệnh lệnh của Đức Quốc trưởng.
Romanov hỏi giọng nghi ngờ:
- Goering không tuân lệnh Hittler?
Anna Petrova đáp:
- Tùy theo quan điểm của sếp khi nhìn nhận vần đề. Liệu hắn sẽ cư xử theo lệnh của chủ soái rồ dại của hắn, hay là hắn sẽ nhắm mắt lại và cư xử theo những tình cảm thông thường của loài người.
Romanov bỗng nói xẵng giọng:
- Nói sát vào vấn đề đi.
- Vâng, thưa thiếu tá - Cô nghiên cứu sinh trẻ tuổi nói bằng giọng của một kẻ tự tin là người ta đang cần đến cô, ít nhất là lúc này.
- Khi nhận được lệnh đó, Goering đã không hề phá hủy một kiệt tác nổi tiếng thế giới nào. Hắn đã tổ chức những cuộc thiêu hủy công khai tại Berlin và Dusseldorf những tác phẩm của những họa sĩ Đức không nổi tiếng lắm, những tác phẩm sẽ chẳng bao giờ bán được quá con số vài trăm Mác. Nhưng những kiệt tác, những tác phẩm xuất chúng thật sự đã được giấu đi, bí mật chuyển ra nước ngoài và ký gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ.
- Vậy vẫn còn có khả năng tìm ra được bức tranh Thánh...
Petrova thêm:
- Vậy hồi đó hắn đã gửi bức tranh vào một ngân hàng Thụy Sĩ. Tôi ước gì mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy, thưa thiếu tá. Nhưng không may là Goering không hề ngây thơ như báo chí hồi đó mô tả. Tôi cho là hắn đã ký gửi các tác phẩm nghệ thuật ấy ở nhiều ngân hàng khác nhau, và cho đến nay vẫn chưa có một ai có thể phát hiện ra hắn đã sử dụng những ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nào.
Romanov nói:
- Vậy thì chúng ta sẽ phải làm được điều đó. Cô nghĩ là chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
- Kể từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, người ta thấy rất nhiều tác phẩm đã được tìm thấy và trả về tay những người chủ hợp pháp của chúng, kể cả những phòng tranh của Cộng hòa Dân chủ Đức. Mặc dầu vậy những tác phẩm còn lại đã xuất hiện trên các bức tường của bảo tàng Getty ở California, và bảo tàng Gotoh ở Tokyo mà đôi khi người ta không đưa ra được một lời giải thích thỏa đáng. Thực tế, một kiệt tác của Renoir hiện nay có thể thấy đang được trưng bày ở bảo tàng Metropolitan, New York. Không nghi ngờ gì rằng nó đã qua tay Goering, mặc dầu những người quản lý bảo tàng không bao giờ có ý định giải thích tại sao gallery này lại có được nó.
Romanov lo lắng hỏi:
- Vậy hiện nay người ta đã tìm thấy tất cả những tác phẩm bị mất chưa?
- Hơn bảy mươi phần trăm, nhưng vẫn còn nhiều tác phẩm được kể tới nữa. Một số chúng có thể đã thật sự thất lạc hoặc bị phá hủy, nhưng tôi cho là vẫn còn một số lớn đang nằm ngủ yên trong các ngân hàng Thụy Sĩ.
Romanov hỏi, sợ rằng manh mối cuối cùng khép lại:
- Sao cô lại chắc chắn như vậy được?
- Bởi vì các Ngân hàng Thụy Sĩ bao giờ cũng chỉ trả lại các vật có giá trị đó một khi biết chắc chắn là quyền sở hữu của một quốc gia, hoặc một cá nhân nào đó về nó là hợp pháp. Trong trường hợp này Đại Công tước Hess không hề có một chứng cứ nào về quyền sở hữu bức tranh Thánh của Sa hoàng, và người chủ chính thức cuối cùng của bức tranh là Sa hoàng Nicolai II, mà, thưa thiếu tá, như mọi người Nga đều biết rõ thì Sa hoàng Nicolai không có người nối dõi.
- Vậy thì tôi sẽ phải làm đúng như Goering đã làm và truy lại từng bước đi của hắn, bằng cách đến thẳng các ngân hàng để hỏi. Cho đến nay chính sách của các ngân hàng này ra sao?
Petrova nói:
- Rất khác nhau. Một số ngân hàng chờ sau hai mươi năm hoặc hơn nữa, sau đó sẽ cố tìm kiếm thêm hoặc sẽ thông báo công khai để tiếp xúc được với các chủ sở hữu, hoặc người thừa kế của họ. Trong trường hợp những người Do Thái chết do chế độ của bọn phát xít Đức, thì thông thường là không thể tìm thấy người thừa kế hợp pháp. Mặc dầu tôi vẫn chưa thể chứng minh được điều này, nhưng tôi đoán là họ sẽ giữ lấy những của cải đó và chia nhau.
Romanov nói, phấn khởi tỏ ra mình cũng có những tìm tòi:
- Như vậy không đẹp và cũng không đúng lẽ. Có lẽ đó chỉ là chuyện hoang đường do những người nghèo thêu dệt ra. Thực tế, nếu các ngân hàng không thể tìm thấy người chủ hợp pháp của bất cứ một báu vật nào mà họ đang giữ thì họ phải chuyển nó cho Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ để bán đấu giá mới đúng.
- Nhưng nếu như bức tranh Thánh của Sa hoàng đã từng bị đem bán đấu giá thì chúng ta đã phải biết được qua mạng lưới các điệp viên chứ?
Romanov nói:
- Chính xác là như vậy. Và tôi đã kiểm tra tất cả các tài sản kiểm kê của Hội Chữ thập đỏ: Có bốn bức tranh Thánh đã bán trong hai mươi năm qua, và trong đó không có bức Thánh George và Con Rồng.
- Như vậy chỉ có thể có nghĩa là một số ngân hàng không thận trọng lắm đã bán những bức tranh Thánh sở hữu của cá nhân nào đó, khi họ cảm thấy chắc chắn là sẽ không có ai đòi lại.
- Tôi cho rằng đó là một thiên kiến sai lầm nữa, cô Petrova ạ.
- Tại sao thiếu ta lại chắc chắn như vậy? - Cô nghiên cứu sinh trẻ tuổi hỏi.
- Vì một lý do rất đơn giản thôi, giữa các ngân hàng Thụy Sĩ với nhau, họ biết rõ nhau và từ trước đến nay chưa bao giờ có bất cứ một thiên hướng nào định phá vỡ luật chơi. Theo những kinh nghiệm mà chúng ta có được thì công lý Thụy Sĩ coi những ngân hàng bị mua chuộc hoặc lừa đảo ngang với tội giết người, và cũng chính vì thế mà bọn mafia không bao giờ hài lòng với việc rửa tiền qua hệ thống ngân hàng. Sự thật là các ngân hàng Thụy Sĩ kiếm được rất nhiều tiền khi giao dịch với những khách hàng trung thực, do đó chưa bao giờ họ quan tâm đến việc dây dưa tới những chuyện bẩn thỉu. Có một số vô cùng ít những ngoại lệ đối với luật lệ này, và đó cũng chính là lý do khiến mọi người muốn làm việc với các ngân hàng Thụy Sĩ.
Petrova nói:
- Vậy, nếu Goering đã lấy trộm bức tranh Thánh và ký gửi nó ở trong hầm của một ngân hàng Thụy Sĩ nào đó, thì làm sao lúc này nó còn có thể ở chỗ nào khác trên trái đất này nữa?
- Tôi ngờ điều đó.
Petrova kêu lên:
- Tại sao kia?
Giọng cô hơi càu nhàu bởi vì lập luận của cô giờ đây có vẻ như không thuyết phục lắm.
- Bởi vì trong ba tuần qua tôi đã ném không biết bao nhiêu người sang châu Âu để đuổi theo bức tranh Thánh đó. Họ đã nói chuyện với gần như tất cả các phụ trách các bảo tàng, những người quản lý, các chủ hiệu buôn tranh và cả bọn tội phạm chuyên buôn lậu tranh mà vẫn chưa lần ra một đầu mối nào. Bởi vì chỉ có hai người từng nhìn thấy bức tranh đó kể từ năm 1917 đến giờ là Đại Công tước Hess và Goering, và điều đó cho tôi hy vọng còn lại duy nhất nếu như nó không bị phá vỡ trong vụ tai nạn máy bay/
Petrova hỏi:
- Hy vọng gì?
- Đó là trong khi tất cả thế giới tin rằng bức tranh thật vẫn được treo trên tường Cung điện Mùa đông, thì suốt hai mươi năm qua nó vẫn còn nằm trong một ngân hàng Thụy Sĩ nào đó chờ người đến nhận.
Petrova nói:
- Một cuộc trường kỳ mai phục.
Romanov đáp xẵng:
- Tôi hoàn toàn hiểu rõ như vậy. Nhưng chớ quên rằng nhiều ngân hàng Thụy Sĩ có luật lệ là chờ hai mươi lăm năm trước khi công bố, thậm chí có ngân hàng chờ ba mươi năm. Thậm chí còn có một hoặc hai ngân hàng không có thời hạn cuối cùng nào cả, cho đến khi nào có một ai đó có đủ tiền đặt cọc để trang trải cho việc giữ báu vật đó.
Petrova kêu lên:
- Có trời biết được có mấy ngân hàng gặp được những khách hàng mê mẩn món đồ ấy đến thế.
Romanov tán thành:
- Có trời biết thật. Nhưng cũng có thể là chín giờ sáng mai cô sẽ biết cũng nên. Và vì thế nên tôi sẽ cần phải đến gặp một người, có lẽ là duy nhất trong nước biết mọi thứ trên đời về ngân hàng.
Cô nghiên cứu sinh rụt rè nói:
- Liệu tôi có thể hy vọng là sẽ được tiếp tục không, thưa thiếu tá?
Romanov mỉm cười và nhìn vào đôi mắt xanh của cô gái. Trong bộ đồng phục màu xám, có lẽ chẳng ai buồn nhìn lại cô đến lần thứ hai. Nhưng khi khỏa thân cô thật tuyệt vời. Anh cúi xuống gần đến mức môi họ chạm vào nhau.
- Em sẽ phải bắt đầu ngay thôi, Anna. Nhưng lúc này, hãy tắt đèn đi đã.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.