Trở Về Năm 1981

Chương 29:




Vừa nghe thấy lời này của tôi, Minh Viễn liền trốn ra sau chiếc sofa, túm chặt lấy bộ quần áo trên người, bộ dạng như thể thà chết cũng không chịu nghe theo.
“Làm cái gì đấy?” Tôi không hiểu tại sao nó lại kích động như vây, chỉ là bôi thuốc thôi mà, có cần sợ hãi đến như vậy không? Tôi suy nghĩ hồi lâu, rốt cuộc đã hiểu ra, hóa ra thằng bé nhà tôi cuối cùng cũng lớn rồi. Tôi vừa bảo cởi quần áo, mặt nó liền đỏ lên như mặt Quan Công vậy.
Tôi đặt lọ dầu gió lên bàn trà để nó tự bôi, sau đó lặng lẽ trở về phòng. Minh Viễn ở phía sau khẽ gọi tôi một tiếng, nhưng tôi không để ý đến nó.
Tâm trạng tôi đang rất tệ!
Áp lực của tôi rất lớn.
Muốn nuôi nấng một đứa trẻ đến lúc trưởng thành thật chẳng phải chuyện dễ dàng gì, huống chi tôi còn phải dạy dỗ nó cho tốt. Ai chưa từng nuôi con thì sẽ
không hiểu được nỗi vất vả ấy, muốn biến một đứa trẻ nhỏ xíu thành một chàng trai cao lớn đã là rất khó rồi, lại còn phải hết sức cẩn thận không để cho nó học đòi cái xấu, dạy nó trở thành một con người vừa lương thiện vừa chính trực, và có một trái tim hết sức kiên cường... Bây giờ ngay đến bản thân tôi cũng bắt đầu hoài nghi liệu mình có thể hoàn thành nhiệm vụ này hay không
Tôi bò lên trên giường, nằm ngây ra đó một hồi, đầu óc vô cùng hỗn loạn, không biết nên làm gì.
Ngoài cửa phòng loáng thoáng có tiếng bước chân đi đi lại lại, lúc thì dừng ở cửa phòng, lúc lại rời đi chỗ khác. Trong lòng tôi còn đang tức tối, nên cứ vùi đầu vào trong chăn coi như không nghe thấy gì. Mãi một lúc sau, bên ngoài mới vang lên giọng rụt rè của Minh Viễn: “Cô ơi, cô giúp cháu bôi thuốc được không, chỗ sau lưng cháu không với tới.”
Tôi không thèm để ý đến nó, mắt cứ nhìn chăm chăm vào đồng hồ báo thức ở đầu giường, ba phút sau mới đi ra mở cửa.
Lúc này Minh Viễn đang dựa người vào khung cửa tha thiết nhìn tôi, đôi mắt tràn đầy vẻ ấm ức. Thằng nhóc này chuyên môn làm bộ cừa non đáng thương trước mặt tôi, thực ra chính là một con sói xám, không thấy nó mới đi học được mấy hôm đã đánh nhau với người ta đó sao, chẳng qua chỉ là khoác một tấm áo da cừu bên ngoài mà thôi. Nhưng tôi vẫn phải chịu thua trước chiêu này của nó.
Tôi hậm hực đón lấy lọ dầu gió, rồi xoay người đi vào phòng. Minh Viễn vội vàng bước theo sau, chủ động vén áo lên, để lộ cái lưng gầy còm. Gần đây nó lại đang phát triển chiều cao, chút mỡ khó khăn lắm mới tích trữ được chẳng mấy đã cạn sạch, nhìn vẻ còm nhom đó ai mà không thương... Chẳng biết tại sao nó lại đánh nhau giỏi như vậy nữa?
Lúc này tôi quả thực vừa giận vừa thương, thằng nhóc này đúng là nghịch ngợm... Đổ ít dầu gió ra lòng bàn tay, xoa một chút, rồi tôi áp cả bàn tay lên lưng nó. Đúng như mong muốn của tôi, một tiếng “a” thảm thiết vang lên, tâm trạng tôi rốt cuộc cũng dễ chịu hơn một chút.
“Cô đã dạy cháu thế nào, hả?” Bàn tay tôi xoa mạnh trên lưng nó, đồng thời cất tiếng dạy bảo: “Cháu trở nên ngu ngốc như vậy từ bao giờ thế? Bọn nó có bảy người, còn bọn cháu có hai người, chỉ cần có chút đầu óc là đều biết không nên ra tay, chuyện thiệt thòi như thế sao cháu cũng làm được hả? Những thứ cô dạy cháu quên hết rồi sao, thế nào gọi là chiến tranh du kích, thế nào là tiêu diệt từng bộ phận, cháu dùng cái sở đoản của mình đi chọi lại cái sở trường của người ta, có phải đầu óc có vấn đề rồi không..
Mấy năm nay, những bản lĩnh khác của tôi không có gì tiến bộ nhưng riêng việc dạy bảo người ta thì càng ngày càng lưu loát, chỉ riêng việc nói đạo lý cũng có thể bắn súng liên thanh liền một mạch hai tiếng đồng hồ. Đến khi Minh Viễn không ngừng nhận sai và ăn năn hối lỗi, tôi mới chịu tha cho nó. Nhưng từ đầu đến cuối thằng nhóc nhất quyết không chịu để tôi nói chuyện này với cô giáo của nó.
Buổi tối, tôi gọi điện cho Cổ Diễm Hồng, định cùng cô nàng bàn bạc về vấn đề dạy dỗ bọn trẻ, nhưng đầu óc cô nàng để đi đâu, nói chuyện ợm à ợm ờ, cuối cùng không ngờ còn im tịt không nói năng gì cả. Tôi chú ý lắng nghe thật kỹ, không ngờ đầu điện thoại bên kia lại vang lên tiếng ngáy đều đều... Ôi, tôi thật không nên ôm chút hy vọng nào với cô nàng này mới phải.
Đến ngày thứ hai, sau khi Minh Viễn đến trường, tôi liền chạy đến hiệu sách Tân Hoa lật xem vài trang sách, tôi càng xem càng thấy tim đập chân run, thế... thế này hình như là nhiều vấn đề quá thì phải! Nếu đúng như sách nói, liệu được mấy đứa trẻ bình thường đây... Có trời mới biết tôi đã làm thế nào mà có thể bình an trưởng thành.
Ngẫm lại, trong thời kỳ nổi loạn tôi đã làm gì nhỉ? Ngoài việc học hành vất vả ở trường và ở nhà, nguyện vọng lớn nhất của tôi hình như là mỗi dịp cuối tuần có thể ngồi xem ti vi mấy tiếng. Tất nhiên hồi học lớp chín tôi cũng từng lén thích cậu lớp trưởng lớp bên cạnh, nhưng về sau biết được cậu ta và lớp phó văn nghệ lớp tôi đã thành một đôi, tôi liền chuyển sang thích một anh đẹp trai khác ở trường cấp ba...
Nhưng, sao sách lại viết nghe đáng sợ thế này nhỉ, như mâu thuẫn tâm lý, tâm trạng mất cân bằng là chuyện vặt, đáng sợ hơn còn có xung đột nhân cách và rối loạn giới tính... Thế này rốt cuộc là sao chứ? Chẳng lẽ chỉ cần sơ xảy một chút thôi, là thằng bé nhà tôi sẽ có khả năng phát triển thành người đồng tính hoặc là đa nhân cách sao?
Thế này... Thế này thì đúng là khó tin quá đi mất!
Không cần biết cuốn sách này viết đúng hay sai, tôi cứ phải đề phòng trước cái đã.
Sau khi về nhà,t cuốn Thanh thiếu niên, những vấn đề về tâm sinh lý vào chỗ cho dễ thấy nhất trên giá sách của Minh Viễn, nhưng sau khi nhìn kỹ lại cảm thấy như vậy không ổn cho lắm, thế là liền rút nó xuống, nhét vào giữa chồng tiểu thuyết. Thằng bé có thói quen đọc tiểu thuyết trước khi đi ngủ, chắc chỉ mấy hôm nữa thôi là sẽ đọc tới cuốn này.
Buổi tối Minh Viễn quay về, tôi làm bộ vô ý nhắc nó, rằng hôm nay mình có tới hiệu sách mua mấy cuốn sách, bảo nó thời gian thì xem qua. Minh Viễn chỉ “vâng” một tiếng, tiếp tục vùi đầu ăn cơm.
“Cô ơi...” Minh Viễn đột nhiên ngẩng đầu lên, hình như chợt nhớ ra chuyện gì đó.
Trái tim tôi hơi run lên, không kìm được cảm thấy có chút căng thẳng.
“Cô giáo cháu nói, ngày mai cô hãy đến trường một lát.” Nó nói, khuôn mặt có chút không được tự nhiên. Nó đi học bao nhiêu năm như vậy, đây mới là lần đầu tiên bị cô giáo mời phụ huynh đến trường. Thằng bé này rốt cuộc đã gây ra tai họa gì nhỉ? Hay là, việc đánh nhau hôm qua đã bị phát giác rồi?
“Là vì chuyện đánh nhau hôm qua sao?” Tôi trầm giọng hỏi.
Minh Viễn vội vàng lắc đầu nguầy nguậy: “Dạ không, trừ phi mấy thằng nhóc kia không muốn ở lại trường nữa, chứ không sẽ không bao giờ làm ra chuyện mất mặt như vậy đâu.”
“Vậy thì vì chuyện gì?”
Minh Viễn lẳng lặng và mấy miếng cơm, trầm ngâm một lúc, sau đó mới cẩn thận ngẩng đầu lên nhìn tôi: “Hôm qua cô giáo bảo cháu làm lớp phó học tập.”
“Đây là chuyện tốt chứ sao?” Tôi lập tức vui mừng nói: “Như vậy tức là cô giáo xem trọng cháu. Hơn nữa, làm lớp phó học tập rồi, cháu còn có thể rèn luyện năng lực tổ chức, năng lực giao tiếp của bản thân...” Tôi nói được một nữa liền dừng lại. Minh Viễn đã cúi gằm xuống sắp chạm mặt bàn đến nơi rồi. Không cần nói cũng biết, thằng bé này nhất định là đã từ chối, không thì sao cô giáo nó lại bắt tôi đến trường một chuyến
“Cô giận hay sao thế ạ?” Minh Viễn vội buông đũa xuống nghiêng đầu nhìn tôi từ phía dưới, bộ dạng rất rụt rè.
Tôi khẽ lắc đầu, rồi thở dài một tiếng: “Thôi, dù sao cháu cũng lớn rồi, những chuyện này cháu tự quyết định là được.”
Không khí trong nhà không được tốt lắm, Minh Viễn hình như muốn nói điều gì, mấy lần đã mở miệng ra rồi, nhưng cuối cùng lại im lặng. Tâm trạng tôi không được tốt, nên cũng lười chẳng muốn hỏi gặng. Ăn cơm tối xong, Minh Viễn tự giác đi rửa bát, tôi kiếm cớ đi qua nhà Giáo sư Cung ở ngay sát vách ngồi nói chuyện phiếm.
Đến khi tôi về nhà, đèn trong phòng khách vẫn sáng, vừa vào liền nhìn thấy Minh Viễn đang ngồi trước bàn trà làm bài tập, khuôn mặt đầy vẻ nghiêm túc. Nghe tiếng tôi bước vào nhà, thằng bé lập tức ngoảnh đầu nhìn qua, chỉ sau một hai giây đó thôi, nó lập tức đổi sang bộ mặt lấy lòng.
Tôi bước tới vỗ nhẹ vào vai thằng bé: “Lưng còn đau không?”
Minh Viễn lắc đầu thật mạnh, rồi lại cúi đầu xuống, mãi sau mới ngẩng lên, đôi mắt sáng rực nói: “Cô ơi, cháu hứa với cô, sau này cháu sẽ không tự tiện quyết định chuyện gì nữa.”
“Không sao đâu.” Tôi hít một hơi thật sâu, rồi chậm rãi thở ra: “Thực ra, cô thấy con trai có chủ kiến cũng là chuyện rất tốt.”
Buổi sáng hôm sau, tôi cùng Minh Viễn tới trường, cô giáo chủ nhiệm của nó là một phụ nữ trung niên họ Ngô, khuôn mặt tròn tròn đầy vẻ thân thiện.
Cô giáo Ngô khen ngợi Minh Viễn một hồi, nói nó học tập rất nghiêm túc, lại nghe lời, các thầy cô giáo đều yêu quý nó. Sau đó cô nói đến chuyện Minh Viễn từ chối không chịu làm lớp phó học tập, và hỏi tôi có phải sợ làm ảnh hưởng việc học tập của thằng bé, nên mới không muốn để nó làm cán bộ lớp phải không.
Cô giáo Ngô đã nói vậy rồi, tôi cũng quy trách nhiệm trong chuyện này về mình, làm bộ xấu hổ nói: “Cô giáo cũng biết đấy, tôi đưa thằng bé lên thành phố đi học là hy vọng nó có thể đạt được thành tích tốt, sau này đi thi đại học mang vẻ vang về cho gia đình. Làm cán bộ lớp tuy rất tốt, nhưng lại mất quá nhiều thời gian, tôi sợ thằng bé sẽ phân tâm…”
Cô giáo Ngô cũng rất hiểu tâm trạng của những phụ huynh như tôi, nhưng vẫn cố gắng khuyên nhủ một hồi. Cuối cùng thấy tôi tỏ ra hết sức kiên quyết, cô mới thở dài từ bỏ ý định.
Sau khi về nhà tôi liền vào phòng Minh Viễn ngó qua một chút, thấy cuốn Thanh thiếu niên, những vấn đề về tâm sinh lý vẫn còn kẹp giữa đống sách, không có vẻ gì là được động đến cả, nhưng cuốn Tân Đường Thư [9] vốn đặt bên cạnh thì lúc này đã dưới gối Minh Viễn rồi.
Nó rốt cuộc đã xem chưa nhỉ? Suốt cả ngày tôi đều suy nghĩ đến vấn đề này.
Buổi tối khi về nhà, tâm trạng Minh Viễn rất tốt, khóe mắt còn thấp thoáng vẻ đắc chí, khi nhìn thấy tôi, tuy nó cũng cố gắng kiềm chế, nhưng căn bản không giấu được.
Tôi tinh mắt phát hiện vạt áo phía sau trên bộ đồng phục của nó có một vết bẩn nhỏ, tỉ mỉ nhìn kỹ, rõ ràng là bị quyệt mạnh vào tường. Tôi lập tức hiểu ra, liền lớn tiếng gầm lên: “Cái thằng nhóc này, cháu lại chạy đi đánh nhau hả?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.