Thước Kiều Tiên

Chương 43: Thủy Đức Tinh Quân




Lại nói khi Nghiêm Bằng và Quế Nương về đến nhà, Nghiêm lão gia cùng phu nhân tránh mặt nữ nhi, hỏi nhi tử: “Bằng Nhi, Tề đại phu kia đã nói thế nào?”
Nghiêm Bằng khéo léo nói cho bọn họ biết, chỉ sợ Quế Nương không chống đỡ nổi đến mùa thu sang năm.
Trái tim của phụ nhân làm sao chịu đựng được khi nghe lời nói này, nhất thời nước mắt rơi như mưa. Nghiêm lão gia cũng than thở, thấy Quế Nương, phu thê hai người lại miễn cưỡng nặn ra nụ cười. Trong lòng Quế Nương lại càng khó chịu, vụng trộm khóc mấy lần.
Cả nhà u sầu ảm đạm, gã sai vặt tới đưa thư của Giang Bình, Nghiêm lão gia và phu nhân thấy trên thư nói phủ Khai Phong có vị danh y có thể trị bệnh của nữ nhi, lại có thêm một chút hi vọng. Bởi vì Nghiêm Bằng chuẩn bị sang năm thi Hương nên để Nhị nhi tử Nghiêm Câu đưa Quế Nương đến phủ Khai Phong.
Nghiêm Câu cùng Quế Nương tới Kim Lăng trước, Giang Bình đã thuê sẵn thuyền, chuẩn bị mọi thứ thỏa đáng, cũng nói một tiếng với Bạch Diệc Nan, dẫn bọn họ và Lữ Đại, còn có mấy nha hoàn đi thuyền đến phủ Khai Phong.
Quế Nương nói: “Vì bệnh của muội mà trong nhà không được yên bình, còn khiến biểu ca biểu tẩu cũng lo lắng, muội thật sự đã thành tội nhân.”
Giang Bình nói: “Biểu muội tuyệt đối đừng suy nghĩ như vậy, chuyến đi lần này không hoàn toàn là vì trị bệnh cho muội, A Loan ở Kim Lăng lâu nay cũng muốn ra ngoài dạo chơi một chuyến cho khuây khỏa.”
Lữ Đại ở một bên gật đầu, nghĩ thầm bọn ta làm chút chuyện này đâu có tính là gì, nếu nàng ấy biết cái giá mà Bạch Diệc Nan phải trả thì chắc chắn sẽ không trị bệnh.
Trong lòng Giang Bình cũng nghĩ như vậy, âm thầm thở dài.
Đi được mấy ngày thì thuyền dừng ở bến tàu trấn Sùng An, đúng vào giờ ngọ. Giang Bình dẫn theo đám người lên bờ, đến tửu lâu lớn nhất trên trấn dùng bữa. Năm nay phương Bắc xảy ra hạn hán nghiêm trọng, đất cằn nghìn dặm không thu hoạch được một hạt gạo nào, ngân lượng và thóc lúa mà triều đình phát cứu trợ thiên tai bị các cấp bào mòn, chờ đến tay bách tính đã chẳng còn mấy, bởi vậy dân chúng khắp nơi xao vàng vọt, quần áo rách tả tơi, bán cả con cái.
Kỳ quái là, trấn Sùng An vốn không phải là một nơi giàu có đông đúc, nhưng trên đường lại không thấy một dân tị nạn nào.
Giang Bình hỏi tiểu nhị đang bưng thức ăn lên: “Tiểu ca, năm nay tình hình hạn hán nghiêm trọng như thế, trấn các ngươi không có dân tị nạn sao?”
Tiểu nhị đáp: “Sao lại không có. Có hơn mấy trăm người, nhưng đều được Diệp viên ngoại giữ lại, nghe nói lo ăn một ngày ba bữa, còn cho y phục mặc, sướng hơn lúc ở nhà mình.”
Giang Bình nói: “Có nhiều dân tị nạn như vậy, vị Diệp viên ngoại này chắc là đại phú gia.”
Tiểu nhị đáp: “Đó là đương nhiên, Diệp gia vàng bạc đầy tráp, gạo xếp thành kho, là đại tài chủ đứng đầu phương viên trăm dặm. Diệp viên ngoại thích làm việc thiện, trên trấn này có rất nhiều người nhận được ân huệ của hắn.”
Giang Bình cười cười: “Trên trấn có người là việc thiện như vậy, cũng là may mắn của Huyện Thái Gia các ngươi.”
Lữ Đại khó hiểu nói: “Huyện Thái Gia lại không thiếu cơm thiếu áo, hắn may mắn chỗ nào?”
Nghiêm Câu cướp lời: “Dân tị nạn rất dễ gây rắc rối, ở trong mắt quan phủ là chuyện phiền phức, người làm việc thiện rước phiền phức về mình như thế, huyện Thái Gia tiết kiệm được tiền lại còn bớt việc, cũng có sự vẻ vang. Nếu là quan trưởng tới, mặc kệ là Diệp viên ngoại hay là Hoa viên ngoại, đây đều là công của huyện Thái Gia, dĩ nhiên hắn được hưởng sự may mắn rồi!”
Lữ Đại khẽ gật đầu, nghĩ thầm ở thế tục này có nhiều thứ quá văn vẻ.
Giang Bình cảm thấy lạ: A Loan là nữ nhi của Tri phủ, tại sao những chuyện đơn giản như vậy cũng không rõ?
Lữ Đại nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy cách đó không xa có một tòa Thủy Đức Điện, tường đỏ ngói đen, xây rất chỉnh tề, bên trong cung phụng Thủy Đức Tinh Quân, cũng chính là đạo quán của Quỳnh Phương Chân Quân.
Mỗi một pho tượng thần trên thế gian đều có một chút linh quang của thần tiên, người phàm cầu nguyện với tượng thần thì thần cũng cảm giác được. Thủy Đức Tinh Quân là một trong Ngũ Khí Chân Quân, tên đầy đủ là Bắc phương Ngũ khí Thìn tinh Thủy Đức Chân Quân, là thuộc hạ của Thủy Quan Đại Đế, trông coi hành Thủy, các loài thủy sinh, sương giá và mưa tuyết, đây không phải chức quan nhỏ.
Tuy rằng tính tình Quỳnh Phương Chân Quân kỳ quái, nhưng ở thiên giới cũng rất nổi danh.
Lữ Đại muốn đi bái lão nhân gia, dù sao Lữ Minh Hồ kế thừa Lưu Ba Kiếm Pháp của hắn, ngày sau lên thiên giới còn phải nhờ lão nhân gia chiếu cố nhiều hơn.
Vì thế ăn cơm xong, đám người Giang Bình đi tới Thủy Đức Điện theo đề nghị của nàng. Trước cửa có hai tượng sư ngồi, trong cửa có thêm một bức tượng, người qua kẻ lại chỉ có phụ nhân. Phụ nhân bình thường bái thần không phải cầu duyên thì là cầu con. Nhưng Thủy Đức Tinh Quân không quản nhân duyên, cũng không xen vào việc thành thân hay sinh con cái, chuyện này là thế nào?
Một yêu và ba người đều rất nghi ngờ, quay qua bức tường xây làm bình phong ở cổng, là Tứ Hợp Viện, trong viện cây cổ thụ mọc chọc trời, khói thuốc lượn lờ.
Mấy phụ nhân ôm hài tử ngồi dưới tàng cây nói đùa, trong chính điện có hai phụ nhân quỳ lên bồ đoàn rút quẻ, Lữ Đại nhìn thấy tượng thần trên điện thờ thì không khỏi giật mình.
Đây là tượng thần được chạm khắc bằng gỗ và sơn son, đội tinh quan, đi giày đỏ, mặc áo bào đen có hạc trường sinh, tay cầm ngọc giản treo Thất tinh bảo kiếm, là trang phục thường thấy của Thủy Đức Tinh Quân, nhưng gương mặt kia cực kỳ giống Quỳnh Phương Chân Quân!
Giang Bình nói: “Bức tượng Thủy Đức Tinh Quân này thật sự rất đẹp.”
Nghiêm Câu cười nói: “Có hơi nữ tính, nhìn thoáng qua ta còn tưởng là tượng nữ thần!”
Giang Bình bỗng nhiên hiểu được vì sao nữ khách hành hương thích tới đây, chỉ sợ đều là ái mộ vẻ đẹp mới đến.
Trong lòng Lữ Đại càng thêm nghi vấn, Quỳnh Phương Chân Quân phi thăng đã hơn ba trăm năm, phàm nhân nơi này làm sao có thể thấy được dáng vẻ của hắn? Bởi vậy tượng của Thủy Đức Tinh Quân ở nhiều nơi đều là do mọi người tưởng tượng. Có tượng trắng trẻo mập mạp, hòa ái dễ gần; có tượng râu dài mặt lớn, uy nghiêm trang trọng, đa phần đến chính hắn nhìn thấy cũng không nhận ra. Vì sao tượng thần này phần gỗ và màu sắc còn rất mới, chắc chắn là mới nặn thành cách đây không lâu, lại còn đúc y chang dáng vẻ của hắn?
Như thể thợ thủ công đã từng thấy hắn.
Ông Từ* đã hơn bốn mươi tuổi mặc một chiếc áo vải cũ, ngồi trên ghế mây bên cạnh giải ký** cho phụ nhân.
(*ông từ: người trông coi miếu; ** giải ký: lý giải quẻ rút thăm.)
Lữ Đại bái qua tượng thần, thấy phụ nhân kia đi rồi mới đi qua hỏi: “Đạo trưởng, bức tượng này có chút khác biệt với tượng Thủy Đức Tinh Quân mà ta nhìn thấy ở nơi khác, đạo trưởng có biết lai lịch của nó không?”
Ông Từ nói: “Trước kia tượng Thủy Đức Tinh Quân trong điện này không giống như bây giờ. Hai năm trước, tượng thần bỗng nhiên gãy một cánh tay, vừa sớm ra Diệp viên ngoại đã tới hỏi thăm, nói tối hôm qua Thủy Đức Tinh Quân báo mộng với hắn, thấy tượng thần khó coi. Cánh tay của tượng thần chắc chắn là bị Tinh Quân tự bẻ gãy, ý tứ muốn bảo phàm nhân nặn lại cho ngài. Vì thế Diệp viên ngoại đã vẽ lại dáng vẻ của Thủy Đức Tinh Quân trong mộng, mời thợ có tay nghề khéo từ Tam Dương tới, dựa theo bức tranh kia làm lại một pho tượng thần như vậy.”
Thấy tượng thần khó coi báo mộng cho người nặn lại là tính cách của Quỳnh Phương Chân Quân. Thủy Đức Tinh Quân khó coi trên thế gian này có rất nhiều, vì sao hắn chỉ báo mộng cho Diệp viên ngoại?
Lữ Đại cau mày, nghi ngờ trong lòng vẫn chưa được giải đáp, không nói thêm điều gì nữa.
Ra khỏi Thủy Đức Điện, Giang Bình nói: “Ta thấy vị Diệp viên ngoại kia tám phần là muốn nặn tượng thần cho người thân của mình, nên mới giở trò trên tượng thần ban đầu, lại bịa ra là Thủy Đức Tinh Quân báo mộng, nói lấp li3m để mọi người tin là thật, đến bái tế người thân của hắn.”
Những chuyện này có thể xảy ra trên phàm trần, nhưng dù Diệp viên ngoại có người thân giống Quỳnh Phương Chân Quân như đúc, thì tại sao Diệp viên ngoại không chọn những bức tượng thần khác để tạo hình, mà lại là bức tượng Thủy Đức Tinh Quân này?
Lữ Đại nghĩ tới nghĩ lui, luôn cảm thấy Diệp viên ngoại và Quỳnh Phương Chân Quân có mối liên hệ nào đó, nàng muốn đến nhà Diệp viên ngoại xem thử, nhưng sợ có chuyện không may xảy ra, làm chậm trễ việc Quế Nương chữa bệnh, đành phải thôi.
Mấy ngày sau, thuyền đến bến tàu Khai Phong, vừa mới lên bờ, có một người áo xanh tiến lên đón, chắp tay với Giang Bình nói: “Xin hỏi các vị có phải là Giang công tử đến từ Kim Lăng không?”
Giang Bình biết đây là người do Bạch Diệc Nan sắp xếp, có lẽ cũng không phải là người lạ, bèn gật đầu: “Là ta.”
Người áo xanh nói: “Xe ngựa đã chuẩn bị xong, mời các vị đi theo ta.”
Hai chiếc xe ngựa to dừng ở dưới cây liễu, thân xe đen nhánh như gương, tám con ngựa kéo xe đều rất béo tốt. Lúc trước Giang Bình đã nói cho Quế Nương và Nghiêm Câu rằng nơi ở của vị danh y này vô cùng bí ẩn, cho nên hai người cũng không hỏi nhiều, lên một chiếc xe ngựa trong số đó. Giang Bình và Lữ Đại lên một chiếc khác, người hầu đều ở lại trên thuyền.
Trong xe rất rộng rãi, cũng rất sạch sẽ, lư hương bên trong đốt tùng hương thoang thoảng. Không bao lâu sau, Quế Nương và Nghiêm Câu dựa vào vách xe, mơ màng thiếp đi. Xe ngựa đi tới vùng ngoại ô chỗ không người, bỗng nhiên bay lên trời, lao về phía Thiên Sơn xa xôi.
“Biểu đệ, biểu muội, chúng ta đến nơi rồi!”
Một luồng khí lạnh phả vào mặt, Quế Nương khẽ mở mắt, thấy cửa xe nửa mở, Giang Bình khoác một chiếc áo lông chồn đứng bên ngoài, phía sau là bầu trời xanh thăm thẳm, núi tuyết nguy nga, nàng ấy bỗng sững sờ một lát mới nói: “Biểu ca, đây là nơi nào? Muội đang nằm mơ sao?”
Nghiêm Câu cũng tỉnh lại, trợn mắt há hốc mồm nhìn ra bên ngoài.
Giang Bình cười nói: “Không phải nằm mơ, nơi này là Thiên Sơn Bắc Nhạn Phong, Câu đại phu ở đây. Sợ đường xá xa xôi, thân thể biểu muội không chịu đựng nổi, ta đã nhờ một vị bằng hữu biết đạo pháp thi pháp đưa chúng ta tới đây. Trong rương phía dưới chỗ ngồi có y phục chống lạnh, hai người mau thay rồi ra đây.”
Mặc dù Thiên Sơn ở gần Thổ Lỗ Phiên nhưng lại có hai thái cực băng và lửa. Núi tuyết cao hơn mặt mây, đỉnh núi thường có khối tuyết cuồn cuộn rơi xuống, phát ra tiếng vang ầm ầm. Xung quanh là sông băng, những cột băng có hình thù kỳ quái nhô ra, nhìn từ xa giống như sóng biển đông lại, dưới ánh mặt trời rất chói mắt.
Đang khi nói chuyện, Lữ Đại chạy tới bờ sông, nghiêng người ra ngoài muốn bẻ một đoạn cột băng như thủy tinh chơi đùa.
Giang Bình quay đầu trông thấy, vội nói: “Nương tử, nơi đó nguy hiểm, mau quay lại đây!”
Lữ Đại lơ đễnh, Giang Bình đi qua kéo nàng về, nắm chặt lấy tay của nàng, không để nàng tiếp tục chạy lung tung nữa.
Một hồi lâu sau, Quế Nương và Nghiêm Câu mới lấy lại tinh thần, thay xong y phục, cầm lấy lò sưởi tay xuống xe, một đoàn người theo người áo xanh đi vào y quán Câu Thuật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.