Thu Nguyệt

Chương 67:




Cuộc sống trên núi đơn giản, không cần quá nhiều đồ linh tinh, trong phòng chỉ để những thứ đồ đạc cơ bản nhất, một giường một bàn, chúng ta ngồi cạnh bàn, sư tổ liếc nhìn ta rồi trực tiếp hỏi sư phụ.
“Từ Trì, chuyện con với nha đầu kia tính khi nào thì tổ chức?”
“Sư tổ…” mặt ta thoắt cái đỏ bừng lên, nóng như đầu muốn bốc khói.
“Sao? Các con không vội mà ta vội, các con ở đây bao lâu rồi? Ta còn định tiếp tục đi ngao du sơn thủy nữa đó.”
Ta “…”
Sư phụ nắm tay ta, lòng bàn tay người mềm ấm, nói với sư tổ: “Đồ nhi muốn đưa Nguyệt Nhi về nhà bái từ đường, trước linh vị cha nương mà báo họ việc này, sau đó…”
“Trở lại kinh thành à?” sư tổ nôn nóng hỏi cắt ngang mà không đợi sư phụ nói xong.
“Linh vị để ở từ đường, khi có việc lớn phải về đó một lần, Từ gia tuy rằng đơn bạc nhưng không thể khiến Nguyệt Nhi tủi thân.” Giọng sư phụ vững vàng, nói tới đây thì quay đầu nhìn ta, ánh mắt ta chạm với mắt người, như rơi vào tấm lưới mềm mại dịu dàng, lòng đột nhiên tràn ngập niềm vui.
“Trở về con tiếp tục làm Hầu gia?” sư tổ giỏi nhất là sát phong cảnh.
Ánh mắt sư phụ tối sầm lại: “Đồ nhi đối với triều đình vốn đã tâm tàn ý lạnh từ trước, không nghĩ muốn bước vào lại đó dù chỉ một bước, nhưng mà vì tiên đế vừa mất, giang sơn chưa ổn, không thể ngay lúc cả nước đang loạn mà con lại rời đi thôi.”
“Đã mấy tháng rồi còn gì? Hiện tại nên hết lộn xộn rồi chứ?”
“Lần này hồi kinh, đồ nhi đương nhiên phải đến bẩm báo với hoàng thượng nguyện vọng của mình.”
“Con có xin thì người ta cũng chẳng thả cho con đi.” Sư tổ chỉ chỉ xuống dưới núi: “Mỗi ngày đều giám sát con chằm chằm đó.”
Ta nghe tới đó, tự nhiên lo lắng nên vô thức nắm chặt tay sư phụ.
Sư tổ thò tay vào ngực mò tới mò lui, ta hiểu ý ngay lập tức, lấy trong tay áo ra một túi bánh hoa hồng đưa cho người: “Sư tổ, con mới làm sáng nay xong, quên chưa đưa cho người.”
Sư tổ ăn bánh hoa hồng, chép chép miệng hài lòng, nhìn ta gật đầu, ra vẻ “trẻ nhỏ dễ dạy”, nuốt bánh xong mới nói tiếp.
“Muốn thì ta nói cho nghe, con muốn đi thì đi cho dứt khoát, triệt để, không để phát sinh hậu quả. Lần trước con đã nôn ra máu, bọn họ vẫn lo lắng không yên, lần này không bằng chết hẳn cho bọn họ nhìn, chết là sạch sẽ, nếu con đồng ý thì ta sẽ sắp xếp.”
Ta rất muốn lấy tay bịt miệng sư tổ lại, nhưng lòng đột nhiên sáng tỏ, giống như một căn phòng bí mật tối đen chợt có ánh sáng từ cửa sổ tràn vào, toàn bộ ngập tràn ánh nắng, cực kỳ quý giá.
Thật sự là ổn, nếu sư tổ nói như vậy thì trong tay người chắc chắn có loại thuốc làm người ta hôn mê, chỉ cần sắp xếp ổn thỏa, sau tang lễ còn ai mà cứ nghĩ tới một vương hầu tướng quân đã chết?
Khi hoàng đế vừa mất, ta từng ở kinh thành nhìn thấy quan văn võ tướng, toàn bộ dân chúng ở kinh thành sợ hãi quỳ lạy hoàng đế, nhưng người mất như đèn tắt, chết rồi thì sẽ có hoàng đế mới lên ngôi, long uy hiển hách thế nào thì cũng đảo mắt qua là sẽ quên, huống chi là những người khác?
“Giả chết để lui?” Sư phụ sửng sốt buột miệng: “Như vậy là lừa gạt…” nói tới đây thì im lặng, có vẻ người đang nhớ đến nhiều việc trước đó.
Sư tổ đưa mắt nhìn sư phụ, ta nín thở, không phát ra một âm thanh, cử động nào, ta cùng sư tổ chờ đợi một câu trả lời sẽ quyết định cuộc sống tương lai của mình.
Sư phụ cụp mắt yên lặng, ta căng thẳng đến mức tay chân run rẩy, trong phòng tựa như đóng băng, giống như đã qua mấy trăm năm, không một tiếng động, cuối cùng ta bị cử động của sư phụ làm hoàn hồn, người dùng sức nắn mặt ta, giọng lo lắng.
“Nguyệt nhi, nàng sao vậy?”
Ta lấy sức hít vào, sư tổ trừng mắt nhìn.
“Nha đầu con định tự làm nghẹn chết mình hả?”
Sư phụ nghe vậy lại ngẩn ra, ánh mắt nhìn ta bỗng thoáng hiện lên vẻ mềm yếu, chỉ thoáng qua rồi biến mất khiến ta tưởng như mình bị ảo giác.
Sư phụ là ô mã ngân thương, đại tướng quân anh hùng huyết chiến sa trường, trăm vạn  hùng binh không dám xem thường, sao người có thể yếu đuối trước mặt ta?
Nhưng ta đã nghe tiếng trầm thấp của sư phụ ngay sau đó: “Con hiểu, sư phụ sắp xếp vậy là được.”
Xe ngựa chạy ổn định trên đường, phía trước có một đội nội thị cầm cờ Minh hoàng, Từ Bình dẫn đội thân binh theo phía sau, hai bên đường có dân chúng nhiệt tình nghe tin tức mà đến đón, ta với sư phụ hồi kinh hết sức quang vinh, phô trương lớn tới mức ta không quen. Ngay cả Ưng Nhi cũng chịu không nổi, mọi khi nó vẫn bay trên đầu, lần này thì mấy ngày nó mới đảo qua liếc mắt nhìn một lần.
Đường đi từ núi Bạch Linh tới kinh thành xa xôi nhưng như Từ Bình nói thì chỉ cần Ô Vân Đạp Tuyết thì chỉ 3 ngày là đến nơi, hoặc không thì theo tốc độ hành quân đêm thì cũng chưa tới 5 ngày là đến, nhưng lần này Hầu gia sức khỏe vẫn chưa ổn định, dĩ nhiên là chỉ đi chầm chậm cho nên hơn mười ngày mới đến.
Sư phụ không xuống xe ngựa, đa phần thời gian người đều ngủ, ta ở cùng người trên xe, may mà bên trong xe rộng rãi nên cũng không thấy gò bó bất tiện.
Nhóm nội thị thường xuyên đến hỏi thăm, Phượng Ca cứ ứa nước mắt mà chạy ra chạy vào giúp làm mấy việc lặt vặt, ngay cả Từ Bình với mấy người thân binh người nào người nấy mặt mày buồn bã ủ rũ khiến ta không đành lòng, cảm thấy lừa bọn họ là không tốt, nhưng biết là không thể không lừa họ được, bọn họ đều từ quân doanh mà ra, không biết che giấu cảm xúc, nếu làm không tốt dễ sơ hở lộ chân tướng.
Đôi khi sư phụ tỉnh lại, nói chuyện với ta một lúc. Từ ngày đó tới nay ta mắc thêm tật xấu, cứ cảm thấy sau khi xuống núi, ngoại trừ ở bên cạnh sư phụ thì không có chỗ nào an toàn, ngoài sư phụ ra thì không ai có thể tin tưởng hoàn toàn được, khi nói chuyện với cư phụ ta luôn dùng giọng nói nhỏ như muỗi kêu, chỉ sợ người khác nghe thấy, tới mức hận không thể khiến suy nghĩ của người đi thẳng tới đầu óc ta, không cần phát ra tiếng động nào.
Sư phụ cực kỳ kiên nhẫn, ta cũng có thể nhẫn nhịn chịu đựng như người. Có đôi khi, người chỉ đơn giản giang hai tay ra ôm ta, ta vừa dựa vào lòng người vừa nói chuyện, lưng ta tựa vào ngực người, từ từ trò chuyện.
Nhưng mà thời gian sư phụ ngủ rất nhiều, sư tổ kê đơn thuốc cho người rất thật, khiến sắc mặt Hầu gia ngày càng tái nhợt, mỗi ngày đều ho liên tục không ngừng, thời gian tỉnh không nhiều, biểu hiện thật đến nỗi có khi ta phải lo lắng tới mức ngồi nhìn mặt sư phụ, đếm từng nhịp thở của người.
Khi sư phụ tỉnh lại thấy vẻ mặt của ta, người nói: “Sư tổ nàng thật sự là hồ đồ, cứ ngủ như thế này khi tới kinh thành gân cốt của ta chắc bị rỉ sét mất.”
Ta ghé miệng lại gần tai người, giọng nhỏ đến mức như không phát ra tiếng: “Cần phải vậy mà, mấy người đó muốn nhìn thì nhìn, sư tổ nói người không thể giả vờ, có giả vờ cũng không giống nên mọi chuyện cứ nghe theo sư tổ là được.”
Sư phụ “….”
“Ấm ức cho sư phụ rồi.” ta nhìn sắc mặt người không tốt lắm, mặc dù ta biết thương thế sư phụ đã tốt được tám phần, sắc mặt người là do bị thuốc của sư tổ làm nên nhưng vẫn cứ đau lòng, áp sát tai người mà nói chuyện, tay lại theo thói quen vuốt ve chiếc nhẫn trên ngón tay út.
Nhẫn là do sư tổ đưa, một chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng, bên trong có cơ quan có thể giấu thuốc bột, không màu không vị, mở cơ quan ra là có thể lấy ra sử dụng. Không ai biết một chiếc nhẫn nhỏ bé như vậy lại là nơi ký gửi sự hy vọng và mong chờ lớn nhất của ta.
Sư tổ là người vô trách nhiệm xưa giờ, ông cho ta một lọ thuốc với chiếc nhẫn này, dặn thuốc thì uống mỗi ngày 1 viên, nhẫn lúc nào cần thì sử dụng, người không theo chúng ta về kinh.
“Ta đã đồng ý rồi còn muốn sao nữa? Cái nơi chướng khí mù mịt kia các con tự đi rồi về, làm xong việc cho sớm rồi tìm ta, đừng trì hoãn việc ngao du của ta nữa.”
Ta nôn nóng nói: “Chúng con còn muốn…”
“Đồ cưới cũng đã cho con rồi, không phải là chuyện dập đầu thôi sao? Tới đây tới đây, bây giờ dập đầu đi.”
“Sư tổ!” ta hét lên.
Sư phụ giữ ta lại, tự quỳ xuống trước: “Đồ nhi bất hiếu, đợi chúng con sắp xếp những việc đó xong thì lại về hầu hạ sư phụ.” Nói xong thì dập đầu xuống đất.
Ta thấy sư phụ quỳ thì cũng không nói tiếp, cũng thành thật quỳ xuống dập đầu với sư tổ, sư tổ thản nhiên nhận rồi lại phẩy phẩy tay nói: “Vậy được rồi, ta chờ con đem cái đám ruồi bọ kia đi khỏi núi, nhìn chúng là thấy phiền.”
“Nô tài thỉnh an Hầu gia, Hầu gia, sắp sửa vào thành rồi.” bên ngoài xe có người lên tiếng, ta giật mình, nhanh chóng tách khỏi sư phụ, quay đầu đi cố gắng trấn tĩnh, đẩy màn cửa ra nhìn.
Mơ hồ đã thấy bóng dáng kinh thành, trời đang chạng vạng, những tường thành nguy nga với các rìa mái ngói cung điện kéo dài vô tận, nhìn từ xa trong bóng hoàng hôn như những chiếc răng lởm chởm to lớn của mấy loài thú thời thượng cổ, tất cả đều như đang đợi nó há to miệng ra cắn nuốt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.