Thiên Huyền Địa Hoàng

Chương 20: Câu cá




Lão bà thả mồi câu ở ba nơi, mỗi nơi cách nhau độ 10m, xảy ra tình huống xấu còn có thể chạy qua chạy lại tương trợ kịp thời. Bên cạnh lại đốt một đống lửa hừng hực bốc cháy, quan trọng là xua bớt bóng tối tan bớt giá lạnh. 
Tôi cũng không sợ thành ra chỉ đường dẫn lối cho bọn Công Du. Chạy trốn bọn họ không có nghĩa là sợ sệt chui rúc như trùn len lỏi lượn lách trong kẽ đá lòng đất, việc gì đến thì cứ đến, sẵn sàng nghênh đón đương đầu với thử thách là được.
Ưu Đàm trông một chỗ, tôi và Ô Nha coi chính giữa, cuối cùng là lão bà ngồi với ấm đun nước chè.
Lão bà nói, thứ chè hoang sơ lá dày phải vò nát trước khi đun, lại lấy lá nút vòi ấm cho hơi không thoát ra, nhiệt độ ở đây chỉ đạt 80 độ C nên phải đun rất lâu chè mới chín. Nghe nói trong chè tươi có chất tatson ngừa được nhiều loại ung thư, chất cafein giúp tỉnh táo minh mẫn, còn đồn là phương thuốc thần kỳ giúp giữ gìn tuổi trẻ luôn mạnh khoẻ tươi vui.
Bà ấy mạnh mẽ vỗ ngực.
-Cứ xem tôi đây này, nhờ 30 năm uống thứ nước này nên có thể trèo non vượt dặm, minh minh mẫn mẫn. Ngoài ra ở đây còn sinh trưởng một vài thảo dược đặc hữu nữa, công dụng cũng thần kỳ lắm, trên đường nếu hữu duyên gặp sẽ giới thiệu sau.
Tôi chỉ cười cười, quả thật ở độ tuổi thất thập như bà ấy, đi đường rừng đường núi lội suối băng hồ cả ngày mà xương cốt vẫn dẻo dai săn chắc, người thành phố chắc không bì được. 
Hầu như cây chè nào cũng cao vút thân mấy người ôm, tìm thấy chạc thấp để hái rất ít. Thân cây trơn trượt như bôi dầu mỡ, tôi bảo Ưu Đàm phi thân trèo lên, bẻ những cành nhỏ có đủ cả lá già lá bánh tẻ lá non và búp. 
Trong không gian khói sương lảng bảng những gốc cây cổ thụ cao chót vót, gốc bám trên đá ngọn chìm trong mây hiện lên như một bức tranh cổ tích thần thoại, thân mốc meo trắng xanh trắng xám địa y mọc san sát bám đầy, tán xoè rộng xum xuê phân nhánh chia cành.
Nghe nói khí hậu giá lạnh khắc nghiệt mỗi năm cây chỉ phát triển được 1mm, cây càng nhiều tuổi thì trưởng thành càng khó khăn, mà số lượng cổ thụ 5-6 người ôm rất nhiều, chứng tỏ đại thụ hơn hai ngàn năm tuổi cũng chẳng hiếm. 
Ở độ cao 3000m không gian chốc chốc chìm trong mây mù khói toả, tiếng chim tiếng thú thỉnh thoảng vang vọng gọi nhau, chỉ có gió trong lành thanh sạch mang theo cái lạnh ẩm ướt đưa mùi đất ẩm lá mục, thoảng hương cỏ dại cây hoang, cảm giác như cách biệt rất xa với thế giới con người.
Tôi đưa tay chạm lên thân cây, ngước đầu nhìn “gã” khổng lồ. Bản thân cũng chỉ là một sinh vật yếu ớt bé nhỏ cần nương tựa tự nhiên, những phiền hà rắc rối quấn thân cho rằng đao to búa lớn chợt tiêu tan. Một thứ xúc cảm kỳ lạ dâng trào, có chút mơ hồ lại có chút quyến luyến thân thuộc. Tôi đối với đại mộc thụ dường như luôn tồn tại tia tình cảm khó lý giải. 
Được hưởng thụ thứ không khí mà thiên nhiên sản sinh, công bằng ban phát không bị ô nhiễm, thật tốt đẹp. 
Thật may mắn vì khu rừng chè nguyên sinh chưa bị con người phát hiện tàn phá. Kỳ thực nếu chẳng may con người đi vào, không được người am hiểu nói cho chắc cũng không ngờ tới. Mà nói đúng hơn, méo cần biết đó là cây quý cây hiếm gì, miễn sao nó to nó lớn mang lại giá trị kinh tế là lưỡi máy cưa càn quét rinh về đồng bằng tiêu thụ. 
Chim chóc thú rừng theo đó hoảng hốt chạy tán loạn, con người lại đặt bẫy bày thiên la địa võng đón chờ. Thế là hổ báo cáo chồn hung ác ranh ma gì đó cũng sớm mất tăm mất tích. Chỉ có cái thứ giống xấu xí bại hoại mới trường tồn với thời gian, chả ai thèm liếc mắt dòm ngó, càng đẹp càng dễ chết sớm, càng tốt lành càng bị lùng sục bán mua. 
Tôi nhìn mặt hồ chỉ rộng cỡ một sân bóng rổ nhưng dài gấp 10 lần, mặt nước lăn tăn sóng gợn do gió đêm nơi núi cao thổi cộng với hiện tượng thuỷ triều sóng ngầm lưu động, xôn xao những vệt lân quang từ trong lòng từ từ nổi lên, khi ẩn khi hiện. 
Nơi này không hiểu lúc trước sụt lún kiểu gì rồi trở thành cái hố chứa nước, tựa như một vết thương được cắt bởi nhát kiếm khổng lồ bén ngọt, tạo ra một rãnh sâu vực thẳm. Không, quan trọng hơn vì lý do gì, ai hay là tự nhiên nuôi thả thứ sinh vật to lớn mà chỉ có đại dương mới dung chứa nổi? 
Tôi nhìn cả một vạt rừng chết chìm, trong khoảng thời gian dài chúng ở tình trạng thiếu oxy rồi trở thành loại gỗ lũa có giá trị lợi nhuận và thẩm mỹ, khiến bao kẻ mê gỗ thừa tiền dư của thích sưu tầm thứ lạ, thuê người truy lùng. 
Gỗ lũa thủy sinh là phần còn lại của cây chết bị ăn mòn bởi nước. Phần lõi vẫn cứng cáp như thép nguội tới mức năm tháng cũng phải đầu hàng, có thể là do lượng tập trung xenlulô quá dày đặc, hoặc do nhựa cây lúc còn sống tiết, tạo thành chất bảo quản tuyệt vời khiến lõi cây tựa như bị hoá thạch, khắc hoạ thành hình thù kỳ quái lạ lùng, ấn tượng tới mức ám ảnh.
Trời chiều nhanh chóng tắt nắng sóng nước dập dềnh vỗ bờ như ngoài biển khơi, phía dưới ắt hẳn phải chứa nhiều hang động ngầm gì đó liên thông với nhau, một thuỷ đạo dẫn tới hang ổ bí ẩn của bọn quái ngư.
Cũng không biết để nuôi sống được cái đám như cá mập trắng lượn lờ thì cần lượng thức ăn như thế nào, mà tôi nãy giờ tập trung nhìn cũng chẳng thấy có sinh vật sống gì phiêu động ngoài trừ rong tảo bạt ngàn nhấp nhô.
Lão bà nói, mọi khi chỉ có một người không ai hỗ trợ thì câu nó có vẻ không khả quan. Nhưng giờ chỉ cần nó đớp mồi, hai người cùng hợp sức kéo lên, nhất định thành công. Bây giờ chính là thời điểm chúng nó ra khỏi hang săn mồi.
Sóng hồ càng vỗ thì càng thấy một đám dạ quang vận động nhô lên, trông như màu mực lân tinh theo sóng mà loang dần, như một dải lửa xanh dương tươi sáng mà rực rỡ đang hân hoan nhảy múa, phản chiếu màu của da trời lộng lẫy tuyệt mỹ, như hiện tượng lân quang phát ra bởi khí photpho dày đặc tại các ngôi mộ mới đắp, khiến đám ma trơi lũ lượt ồ ạt lao nhao ngoi lên. 
Nghe nói có một vài loại thực vật phù du ban ngày phát ra ánh sáng màu đỏ và cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ tai hại, khi chúng nở hoa rầm rộ với số lượng lớn sẽ làm giảm lượng oxi trong nước đồng thời tiết ra độc tố gây chết hàng loạt cho những sinh vật sống khác, nhưng đêm tối lại toả ánh sáng như đèn neon màu xanh, vô cùng kỳ diệu mê người. Tuy nhiên có một điều kì lạ là loài tảo nổi thành đám thành đàn này lại chỉ phát được dạ quang trong môi trường nước mặn. 
Thật ra hiện tượng phát quang sinh học xảy ra khá phổ biến, nhất là ở giới động vật ngoài biển khơi và các loại côn trùng. Phần lớn ánh sáng do các loài sinh vật biển phát ra đều có quang phổ màu xanh lá hoặc xanh nước biển, bởi những quang phổ này có các bước sóng có khả năng truyền đi xa nhất trong nước.
Ô Nha reo lên thích thú.
-Oa oa, thật đẹp quá đi, như là đom đóm đang bơi lội trong nước.
Tôi gật gù, Bạch Ngân cũng ngâm nga bình luận.
-Phải, cứ như được chiêm ngưỡng lễ hội đom đóm đang múa lượn trong nước vậy.
Bà lão cúi người vươn tay bưng lên một vốc nước lấp lánh sát bờ.Chúng tôi liền xúm lại nhìn thứ được vớt trong tay lão bà. 
-Đây là loài tôm tý hon chỉ dài ba milimet với lớp vỏ mỏng trong suốt trơn nhẵn, tựa như vỏ bóng đèn nên cho phép ánh sáng toả đi hết mức, chúng thường bơi xung quanh bờ mỗi khi thủy triều lên hoặc rút để kiếm thức ăn.
Ô Nha cúi người vốc đốm sáng gần bờ nước lên, tôi cũng tò mò tóm hớt lấy. 
-Chúng ăn sinh vật phù du, còn lũ quái ngư chính là ăn chúng.
Vừa nói dứt lời bà lão liền bỏ tọt con tôm vào miệng, nhai nhai mấy cái nuốt luôn, gật gật, lại rào rào ăn tôm. 
Tôi và Ô Nha cùng ngây ngẩn nhìn các em tôm tí hon trong tay. Lão bà cười cười nhìn chúng tôi, động viên khích lệ.
-Ăn thử đi, giòn mà ngọt thanh, không tanh đâu, sần sật giống như sứa vậy. 
Bỗng nhiên tôi thấy một cái bóng đen đen từ trong lòng nước ở khu vực thả câu, như một con quái vật khổng lồ không rõ hình dạng lượn lờ qua lại. Sau đó lại xuất hiện thêm mấy cái bóng nước tối đen to lớn không kém từ tầng đáy nổi lên.
Chúng tôi đều nhìn thấy, sau một giây trợn mắt sửng sốt, lập tức khẩn trương nhào tới bắt lấy cần câu, sẵn sàng thu dây kéo cần bất cứ lúc nào. 
Dây câu bị kéo căng thành một đường thẳng tắp, có cảm giác nó như biến thành lưỡi sắt sắc bén, không cẩn thận cầm vào bị cứa đứt tay như chơi. 
Cảm giác ở tay được một sức mạnh rất lớn truyền đến, bắt đầu đấu lại. Cần câu bị uốn cong thành một cung độ rất khoa trương, chưa được vài giây dây câu của tôi liền đứt phựt, cần câu như miếng nén lò xo, ác liệt bật văng ngược lại.
Mắt trợn tròn đứng hình nhìn thứ đó như tia chớp hung hiểm lao tới, khoảng cách rất gần, tình huống là đột biến. Đầu tôi thế mà tự động xoay một chút, bên tai nghe tiếng gió xoẹt qua sắc bén như tiếng đao thương cắt gọt không khí.
Thứ đó còn vun vút phóng lên phóng xuống vài lần nữa mới hết cung độ dao động. 
Tôi sững sờ đến ngây người, trong mấy giây có chút tim ngừng đập vì kinh sợ, tay cầm cũng toát mồ hôi lạnh, quả đấy mà phản xạ không nhanh nhạy thì cái mặt tôi lãnh đủ. Nhưng rất nhanh tôi lấy lại tinh thần, miệng vui vẻ nhoẻn cười, cấp tốc vội vàng gắn mồi quăng câu.
Tôi chỉ biết một loại dây cước câu cá thông dụng nhất, mà hầu hết những người nghiệp dư đều sẽ chọn là Mono, đơn giản bởi vì chúng rẻ nhất. Nhưng vì lão bà biết bản thân câu là loại quái ngư gì, hẳn sẽ chịu chi trả thêm phí tổn để sở hữu thứ tốt hơn. Thông thường đường kính dây càng to thì càng cứng, dĩ nhiên khi dây cứng thì tăng thêm sức mạnh kéo co. 
Tuy nhiên đứt dây trong khi câu có nhiều nguyên nhân, có thể do chất lượng dây ngay từ đầu không phù hợp, điều này có thể bị loại trừ, hoặc bị cá cắn đứt, cái này rất có khả năng cao. Trong quá trình sử dụng dài lâu dây câu hết ướt rồi lại khô, lúc gặp nóng tiếp xúc lạnh dần bị rạn và mòn, nếu chẳng may bà ấy quên không kiểm tra thay dây...Bà ấy câu cá cũng có thâm niên, chắc không để sảy ra lỗi sơ sót căn bản vậy đâu. 
Tôi cuống cuồng thả dây câu buông xuống, cần câu không ngờ rất nhanh lại bị tấn công. 
Tôi hít sâu mấy cái, tay cầm chắc chắn chân đứng vững vàng, tâm tình đang kích động, vẫn hưng phấn rạo rực, cần câu lại bị uốn cong lần nữa. 
Tôi bắt đầu cuống quýt thu dây, lại có chút miễn cưỡng đáp ứng, mỗi lần cuộn một vòng dây dường như đều phải hao phí nhiều sức lực. Tôi dụng lực cuộn năm sáu vòng, sau đó thấy cứng ngắc, đành buông tay, ổ trục liền quay tít gần hai chục vòng, rồi bị lực lượng ẩn thân trong lòng hồ kiềm lại, khóa chặt.
Tôi nhíu mày bặm môi giữ chặt tay cầm, cùng cái thứ dấu mình mơ hồ trong lòng nước đang ở thế giằng co bất phân thắng bại. Dây câu căng cứng, cần câu cong lại thành hình chữ U lộn ngược, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy.
Một bóng đỏ to lớn như quả cầu lửa rực cháy đang nhanh chóng xẹt qua xoẹt lại bên kia, cách tầng mặt nước độ 1m, tôi chỉ thấy cái thứ đó khủng bố thị giác ngoài sức tưởng tượng, nhưng cực kỳ thon dài. 
Mắt tôi mở trừng trừng, qua hiệu ứng phóng đại của mặt nước, cái bóng hư ảo kia như thể một con quái vật, giống như một con rồng lửa vẫy vùng lôi kéo con mồi.
-Không!
Tiếng hét chói tai của lão bà vang lên khiến tôi vô thức nhanh lướt mắt sang.
-Mau giúp tôi!
Tiếng gào lớn cấp thiết, chỉ thấy lão bà khuỵ chân dồn lực, lại bất lực bị thứ đỏ au như tắm huyết bơi sát mặt nước, kéo đi tới bên mép hồ. Hiển nhiên sức một người không tài nào đọ nổi.
Bạch Ngân đang hóng kịch gay cấn bên cạnh, thức thời lao tới cầm lấy cần câu cùng lão bà cộng sức từng bước lùi lại, từng chút thu dây, bắt đầu kịch tính đấu tranh. 
Sóng nước dữ dội, bọt nước hất văng tung toé, y như con chó lông xù bất bình phẫn nộ vì bị bắt ép ngồi trong chậu tắm rửa, điên cuồng phản kháng, lắc mình nghịch nước.
Hình ảnh ví von trên không đủ sức khắc hoạ, nói đúng hơn phải là cảm tưởng như ngồi trên chiếc thuyền bé tí tẹo ngoài biển động lênh đênh chông chênh, câu được con cá voi sát thủ, hoặc là nói con thú hung hãn nhất nhì đại dương đó tóm được con mồi lạ, đang đùa giỡn lại. Thang đo chỉ số kích thích và nguy hiểm lao vụt tới điểm maximum.
“Ùm”
Một tiếng động rơi vào nước thật lớn vang lên, tôi giật thót xoay đầu, chỉ thấy mặt nước phía đó không ngừng xao động rồi dần trở lên an tĩnh bình lặng. 
Tôi di chuyển đường nhìn, trên mặt đất cần câu bị bẻ gãy, không thấy bóng dáng Ưu Đàm đâu. 
Ưu Đàm nhảy vào trong lòng nước cùng thuỷ ngư hung bạo chơi trò đuổi bắt?
Tôi đã từng chứng kiến khả năng bơi lặn của Ưu Đàm, nên có lẽ nó sẽ đối kháng được thứ thuỷ quái bí ẩn kia. Song dù biết Ưu Đàm khả năng không tệ chiến đấu trong nước, tôi vẫn lo lắng bất an. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.