Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 19: Chinh Phục Để Mở Nuớc





Mặt trời gác núi. Nha thước đang xao xác trong bụi cây kẽ lá. Kỳ lạ nhất là lúc đó có một đàn chim chích không biết từ đâu tới đậu ngay cành cây che trên đầu Sát, rồi nhảy nhót tung tăng và lên giọng hót líu lo.
Bọn binh sĩ phi nhanh như một luồng gió cuốn vụt qua mặt Sát, Sát hoảng quá, nín hơi không dám thở. Đám truy binh đâu lường được quỷ kế của Sát lúc thảng thốt không ngờ.
Chúng giơ roi vụt vào đít ngựa trót trót, sợ đuổi không kịp mà trời thì đã tối. Trong nháy mắt, đoàn truy binh đã vọt xa.
Sát thở phào một cái, lẩm bẩm: "Xấu hố chưa!", Sát định ném cành che trên đầu đi. Vừa lúc đó bọn truy binh lại phóng ngựa quay lại đường cũ. Tới cạnh một khóm cây rậm, chúng nhất tề nhảy xuống ngựa, chui cả vào trong tìm kiếm.
Sát hồn vía lên mây, chắc chết cả mười phần, liền té xỉu, ngất đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, Sát ngơ ngác nhìn quanh thì tứ bề vắng lặng, chẳng hiểu mình nằm đó đã bao lâu và bọn truy binh kia đã bỏ đi từ lúc nào.
Sát vội gạt bỏ cành cây còn phủ trên mình, đứng dậy co giò chạy tắt quá đầm cỏ rậm. Trời tối sập, giơ tay mà không thấy ngón. Sát bất chấp tối hay sáng, cứ vạch lá bẻ cành mà đi. Sát đi bừa, chẳng cần tìm đường, thực ra, không thể tìm được đường. Sát chẳng biết đông tây nam bắc gì, cứ lao đại vào bụi cỏ lùm cây. Không biết mình đã đi bao lâu và được bao nhiêu đường đất rồi, Sát thấy mệt nhoài, trong lòng chán nán đến cùng độ. Bỗng Sát quay mặt về phía trái, thấy có ánh đèn le lói xa xa. Mừng đến phát điên lên được, Sát hăng hái lần tới chỗ đèn sáng… Phải vất vả lắm, Sát mới tới được một khu vườn nhỏ có bức tường thấp bao quanh. Sát nghển cổ nhìn vào. Thì ra ánh đèn từ một ô cửa sổ nhỏ phát ra. Sát đứng lặng một lúc nghe ngóng, thấy không có gì khả nghi, mới yên tâm tiến đến, gõ cửa. Một ông lão bước ra mở cửa, hỏi:
- Thằng bé nào đó? Mày ở đâu mà ban đêm gõ cửa thế?
Sát bước lên thềm, chỉ trả lời được có ba tiếng "cha mẹ cháu…" rồi oà lên khóc lóc thảm thiết. Nhưng rồi Sát nín bặt vì chợt nghĩ mình đang chạy nạnh không thể để cho ai biết được gốc tích của mình. Sát bên tìm cách nói trớ đi.

- Thưa cụ, sáng ngày cháu đi theo cha mẹ đi săn. Khi vào tới rừng sâu, chúng cháu gặp phải một đàn sói. Cha mẹ cháu đều bị sói tha đi. Cháu bỏ hết cả ngựa lẫn đồ đạc, may thay chạy được thoát thân. Thật đáng thương cho cháu, đường thì chẳng thuộc, ăn thì chẳng có, chạy suốt cả ngày mới tới đây. Xin cụ làm ơn cứu cháu với!
Ông lão nhìn thằng bé mặt mày sáng sủa, tình cảnh lại đáng thương, bèn cầm tay nó dắt vào trong nhà. Một bà lão và một cô gái đang ngồi xếp bằng tròng trên giường, khâu vá dưới bóng đèn dầu… Sát để ý cô gái, thấy tuổi xấp xỉ tuổi mình.
Nàng vừa nghe cha nói, vừa liếc mắt nhìn Sát từ đầu tới gót, miệng mỉm cười, tỏ vẻ vui mừng lắm.
Gia đình ông lao vốn họ Mạnh Cách, tên gọi Đồ Lạc. Tổ tiên xưa làm ruộng, truyền nghề mai tới ông. Đôi vợ chồng già dưới gối chỉ có một mụn con gái. Bởi vậy hai ông bà mong sao sinh hạ thêm một đứa trai để sau này giúp ông trông coi vườn ruộng, giữa lúc sốt ruột mong chờ thì quả nhiên có thằng con trai đã tới với cặp vợ chồng già! Thật không có gì sung sướng cho ông hơn nữa!
Từ đó Sát ở lại nhà này, hàng ngày giúp ông chăn bò coi dê. Sát vốn dòng dõi quý tộc giàu sang, nên hết sức bỡ ngỡ. May sao Sát lại có Kiều Phương, cô con gái duy nhất của ông lão Đồ Lạc chỉ dẫn.
Ngày tháng thoi đưa, đã sáu năm qua. Phạm Sát năm đó đã mười tám tuổi. Sát với Kiều Phương xem ra tâm đầu ý hợp lắm, chàng nhớ thì nàng thương, sớm tối có đôi, chẳng một phút rời nhau.
Hai ông bà Đồ Lạc đã rõ hết tâm tình của đôi trẻ. Ông bà liền chọn ngày lành tháng tốt cho chúng giao bái thiên địa, thành vợ thành chồng. Mãi đến lúc đó, Sát mới đem gốc gác của mình nói cho vợ nghe. Kiều Phương biết chồng mình vốn là con trai của quan đô đốc nên không khỏi giật mình. Hai ông bà Đồ Lạc dần dần mất cả. Lại mấy năm sau, hai vợ chồng Kiều Phương cũng theo gót ông bà mà rời xa nhân thế! Vợ chồng Sát để lại cho con một trang trại khá lớn.
Hết con đến cháu, đời đời nối dõi, nhưng phải truyền đến đời cháu tên gọi Mạnh Đặc Mục thì trang trại kia mới biến thành một trang viên đồ sộ khang trang, với tám trăm mẫu điền địa. Ngoài ra, Mạnh còn có đất trồng cây ăn trái ở khắp mười hai trái núi. Trang viên Mạnh có đến trên hai, ba trăm gia đinh tráng kiện. Những lúc rỗi rảnh, họ tập quyền võ nghệ, kẻ nào kẻ nấy đều có bản lĩnh hơn người.
Mạnh Đặc Mục thực ra cũng là kẻ có chí khí anh hùng. Mạnh thường tự hào mình giòng dõi quý phái nhất quyết không chịu làm một tên trang chủ tầm thường để chết già trong chốn rừng hoang núi thẳm. Với ý đồ lớn lao đó, Mạnh ngày đêm ra công tập luyện bọn trai tráng, chờ dịp báo thù cho tổ tiên bị hại thuở trước.
Kịp đến khi Mạnh bốn hai tuổi, cơ hội báo thù đã đến.
Số là hôm đó đô đốc Kiến Châu vệ đem một cánh quân đi săn ở vùng Hách Đồ A Cáp, dưới chân núi Hổ Lâm Cáp Đạt, trong thung lũng Tô Cách Lan Hữ Hà.
Ngọn Hổ Lâm Cáp Đạt là một ngọn núi cao, ba mặt vây quanh như một bức bình phong. Hai chóp mũi nhô lên tận trời xanh, giữa để lộ một con đường nhỏ hẹp, chỉ một người một ngựa mới có thể đi qua được. Sau khi được tin tức đích xác, Mạnh liền đem ba trăm tráng đinh đến mai phục trong sơn ao. Đô đốc Kiến Châu vệ lúc đó đang hò hét bốn chục thân binh qua lại săn bắn trên cánh đồng Hách Đồ A Cáp. Bỗng có tiếng sói kêu từ phía sườn núi dội tới. Ông giật mình kinh hãi, vội khoát tay ra hiệu cho binh lính chạy qua ngã sơn ao.
Nhưng khi tới lưng đèo, ông và đoàn tuỳ tùng thấy bốn bề vắng ngắt, chẳng có bóng một con sói nào, mà chỉ thấy cây cối rậm rạp, thế núi hiểm trở.
Giữa lúc ông còn hoài hoài nghi nghi, chưa hiểu chân giả ra sao, bỗng một tiếng gầm vang động cả sơn khê. Trong nháy mắt, quân mai phục bốn bề nhất loạt đứng dậy, xông tới bao vây ông. Ông hoảng hốt, luống cuống, tính thoát ra cửa rừng nhưng cửa rừng đã bị gỗ đá chất ngổn ngang chẹn mất đường.
Ông đành phải quay lại tử chiến: hai bên ác đấu. Quân ông yếu thế rõ rệt. Chẳng mấy chốc, ông với bốn mươi thân binh đều bị trói gô lại xếp thành một hàng dài. Mạnh đứng trước chỉ huy, hô một tiếng "sát", tức thì bọn tráng đinh nhất tề động thủ, giơ tay đao chém xuống.
Quan đô đốc còn chưa bị chém. Mắt nhìn thấy mấy chục cái đầu lâu lăn lông lốc trên mặt đất, ông khiếp hãi, đành phải hạ mình xuống, chắp tay cúi đầu xin tha mạng, tình nguyện đem ấn tín quan đô đốc và thành trì Kiến Châu vệ dâng cho Mạnh. Mạnh động lòng thương, gật đầu ưng thuận, rồi sai một trăm trang đinh áp giải quan đô đốc theo sau, còn tự mình chỉ huy hai trăm tên khác đi trước. Đến cửa rừng, Mạnh bèn đem chuyện tổ tiên xưa bị hại ra sao và mưu đô việc phục thù như thế nào cho cả bọn quân binh lẫn bọn trang đinh cùng biết.
Bọn quân lính lúc đó mới rõ mọi sự, vả lại quan đô đốc của chúng đã bị bắt trói dẫn đi sau kia thì chúng chỉ còn có nước đập đầu xin hàng quan tân đô đốc mà thôi.
Mạnh Đặc Mục chỉ huy đám binh sĩ còn sót lại, cộng thêm ba trăm trang đinh của mình, diệu võ dương oai kéo thẳng tới phủ đô đốc Kiến Châu vệ, đoạt lấy ấn tín. Rồi, một mặt phái người qua Minh triều đầu phong, một mặt cho bắt trói tất cả bọn tử thù giết hại tổ tiên xưa, đứa có tên tuổi địa vì thì đem chém đầu, đứa vô danh tiểu tốt thì đuổi ra khỏi thành.
Minh triều phong Mạnh Đặc Mục làm đô đốc Kiến Châu vệ cũng như các đời trước. Để kỷ niệm nơi mình đã báo được thù xưa Mạnh bèn rời kinh thành về cánh đồng Hách Đồ A Cáp. Mạnh lấy vợ, sinh được hai trai. Đứa lớn tên Sung Thiên, đứa nhỏ gọi Chữ Yến. Sung Thiên về sau sinh ba trai. Thằng lớn tên Thoả La, thằng hai tên Thoả Nghĩa và thằng ba gọi Tích Bảo Tế Thiên Cổ.
Tích sau đó lại sinh một trai gọi Phúc Mãn. Đến Phúc Mãn thì sinh luôn một hơi bôn trai. Thằng lớn tên Đức Thế Khố. Thằng hai tên Lưu Xiển, thằng ba tên Sách Trường A và thằng út tên Bảo Thực.
Phúc Mãn làm đô đốc truyền chức lại cho con thứ tư là Giác Xương An, xây cất thêm năm toà thành trì nữa. Đức Thế Khố đóng tại miền Giác Nhĩ Sát, Lưu Xiển đóng tại miền A Cáp Hà Lạc. Sách Trường A đóng tại miền Hà Lạc Cát Thiên. Bão Lãnh A đóng ở vùng Ni Ma Thích. Còn Bảo Thực đóng ở vùng Chương Giáp, năm toà thành trì này cách Hách Đô A Cáp gần thì năm dặm mà xa thì hai mươi dặm. Tất cả đều xưng là Minh Cổ Tháp bối lặc. Sáu vị bối lặc này người nào cũng có võ nghệ cao cường. Các bộ lạc xa gần nghe danh đều kinh sợ. Duy chi có hai bộ lạc, một gọi Thạc Sắc Nạp ở phía tây, một gọi Gia Hổ ở phía đông, tỏ ý ương ngạnh bất phục.
Hai bộ lạc này dữ tợn đến thế nào mà dám cả gan chống lại oai quyền của đô đốc Phúc Mãn? Thạc Sắc Nạp có chín con trai đều được tập luyện võ nghệ hơn người. Những lúc nhan rảnh vô sự, chúng thường kéo thủ hạ đi tứ xứ, phá nhà cướp của. Các bộ lạc thân cận, bộ lạc nào cũng bị chúng cho ăn đòn ít ra đôi ba lần nhưng thế yếu đành phải chịu. Gia Hổ cũng có bảy con trai đọ được với Thạc Sắc Nạp. Đám này cũng đều dữ như sói, mạnh như cọp; đi tới đâu chúng cũng đốt nhà giết người hung dữ chẳng kém.
Một hôm chín con trai của Thạc Sắc Nạp kéo tới tỷ võ với bọn Gia Hổ. Hai bên cam kết trước rằng hễ ai bại thì phải hàng. Thế rồi nhập cuộc chiến. Hai bên ác đấu đến quỷ khốc thần sầu, từ sáng tới trưa rồi đại từ trưa tới tối mà không phân thắng bại. Hai phe mến tài nhau bèn kết làm anh em, thề với nhau rằng có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu. giữa lúc đôi bên còn đang bàn tính chuyện trò, bỗng từ trong đám đông nhô ra một trang thiếu niên mặt trắng môi son, khôi ngô tuấn tú. Người thiếu niên lầm lỳ, chẳng thèm nói một lời với ai, chàng bước thẳng tới chín con trâu. Bắt đầu từ con thứ nhất. Chàng giơ hai tay ra nắm lấy sừng trâu, dùng kình lực quật mạnh. Mọi người chỉ nghe một tiếng rống thê thảm, cổ trâu đã gãy từ lúc nào. Thân trâu như một đống thịt lớn đố kềnh xuống đất bất động. Chưa hết, chàng tiến qua con thứ hai rồi thứ ba, lần lượt tới con thứ chín, vẫn chỉ dùng một thế võ như trước. Chín con trâu đực mộng nặng hàng tấn, mạnh như voi, thế mà chỉ trong nháy mắt, chàng đã biến tất cả thành những đống thịt nằm chềnh ềnh trước các tay hảo hán của hai bộ lạc. Vừa quật chết xong đàn trâu, chàng liền giơ cao tay khoát một cái tức thì hơn hai chục đại hán lẩn trong đám đông từ lúc nào nhất tề động thủ, hè nhau xúm lại cướp mấy con trâu đem đi.
Trước thái độ ngang ngạnh hỗn xược của người thiếu niên, bọn Thạc Sắc Nạp và Gia Hổ đến lúc này không còn nhịn được nữa. Họ đồng loạt nhảy lên trước, cản bọn đại hán của người thiếu niên, rồi lên tiếng cãi lý với chàng. Nhưng thiếu niên chẳng nói nhiều lời, giơ ngang quả đấm tống ỗi tên một đấm vào mặt. Thế là cuộc ẩu đả bùng nổ. Chẳng biết thiếu niên có thần lực gì mà chàng đánh cho kẻ nào kẻ nấy tơi bời, kẻ thì lăn cù ra đến mấy trượng kẻ thì té ngửa ra mặt đất, không bò dậy được nữa.
Mấy chục người vây đánh một thiếu niên mà từ trước đến sau chẳng một ai lại gần được chàng và cuối cùng đuối sức trông thấy nếu không muốn nói là sắp thảm hại. Người của hai bộ lạc còn một số đông đứng ngoài thấy người mình thua đến nơi, nhất tề xông vào, vây chặt thiếu niên cùng hai mươi đại hán vào giữa, dùng hết bình sinh ứng biến.
Chàng thiếu niên không một chút hoang mang, cùng đám tuỳ tùng, lưng kề lưng, vai kề vai, mặt quay bốn phía, trả đòn kịch liệt. Cuộc đấu kéo dài từ trưa cho đến tối, ác liệt chưa từng có. Chàng thiếu niên không hề bị một vết thương nào.
Trái lại, về phía hai bộ lạc kia, kẻ nào cũng bị đập đánh tơi bời, không ít thì nhiều đều bị thương tích. Họ thấy thế nguy chỉ còn một ý nghĩ duy nhất là chạy tháo thân. Giữa lúc khốn quân đến cùng cực đó, bỗng họ nghe một tiếng quát vang lên ở mặt chính nam khiến trăm người như một ai nấy đều hoảng hồn bạt vía. Một đội binh mã không biết từ đâu hùng hổ xông tới như một trận cuồng phong.
Người hai bộ lạc biết thế nguy cấp, vội bỏ người thiếu niên và đoàn đại hán, cắm đầu bỏ chạy, chân vắt lên tận cổ. Thiếu niên dẫn quân đuổi theo sau thành một hàng dài đến mấy dặm.

Khi chạy tới một thôn xóm rộng lớn có rào kỹ bao quanh, hai bộ lạc hốt hoảng chạy vào trong đóng ập cổng lại, cắt người canh gác, chờ sẵn ứng chiến. Chàng thiếu niên ở bên ngoài vòng rào đốc suất binh sĩ khiêu chiến. Họ lên tiếng chửi bới thậm tệ. Bỗng cổng thôn mở. Từ bên trong một đội binh mã xông ra. Thế là hai cánh quân ráp lại ác chiến.
Cánh quân của chàng thiếu niên đã từng chiến đấu nhiều phen nên không coi cánh quân của hai bộ lạc kia ra gì. Chẳng bao lâu cánh quân của hai bộ lạc đã bi quét sạch. Người thiếu niên đứng lược trận, thấy đối phương đại bại bèn phóng ngựa như bay qua cổng thôn vào trông thấy người là đâm, thấy vật là cướp. Anh em Thạc Sắc Nạp chín người chết mất bốn, còn anh em Gia Hổ cũng vậy, bẩy người chết mất ba. Những người còn sống sót đều bị trói chặt và áp giải về thành Chương Giáp.
Người thiếu niên đó chẳng ai xa lạ, chính là cháu gọi đô đốc Phúc Mãn là ông nội, con của Bảo Thực, tên gọi A Cáp Nạp Ốc Tế Cách. Chàng theo cha đóng tại thành Chương Giáp. Chàng có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, thêm một tấm thân mình đồng da sắt. Chàng vẫn thường nghe nói hai bộ lạc Thạc Sắc Nạp và Gia Hổ hung dữ, ngang ngạnh rất khó trị, đã từ lâu chàng có ý tới khiêu khích để so tài thử sức. Hôm đó, chàng chuẩn bị đầy đủ xong rồi ra đi. Quả nhiên, chàng đại thắng trở về, đem dâng hết những chiến lợi phẩm lên cho cha, nào trâu bò ngựa, nào vàng bạc, đàn bà con gái. Nhưng cha chàng chẳng dám tự tư dùng, lại đem những chiến lợi phẩm đó dâng lên cho đô đốc Giác Xương An.
Giác Xương An một mặt khen thưởng ốc Tế Cách, một mặt kiểm điểm nhân mã, lên đường thẳng tới tra xét hai bộ lạc Thạc Sắc Nạp và Gia Hổ. Ông thu phục luôn một lúc hai, ba chục thôn phường rồi ra bảng an dân. Từ đó những miền chạy dọc theo phía đông núi Ngũ Linh hoặc phía tây sông Tô Cách Lan, xa chừng hai trăm dặm, đều quy về Kiến Châu vệ.
Sau khi chàng thiếu niên ốc Tế Cách lập được công lớn, đô đốc Giác Xương An tỏ lòng yêu quý lắm. Ông lưu chàng ở lại trong thành, luôn luôn bên cạnh ông. Chàng là một chàng thiếu niên tuấn tú khôi ngô, cho nên không một phúc tấn nào, một cách cách 1 nào không có mỹ ý đối với chàng. Bà phúc tấn vợ đô đốc Giác Xương An muốn làm mối cho chàng một cô vợ Chàng nói với bà:
- Nếu không lấy được một người đẹp bậc nhất thiên hạ, cháu thề suốt đời không lấy ai.
Một hôm chàng theo chú Giác Xương An ra miền đông ngoại thành để săn bắn. Vì ngọn núi chàng tới để săn rất xa thành nên chàng phải đem theo lều vải để nghỉ qua đêm.
Hôm sau, chàng dậy thật sớm. Đang lúc cao hứng, chàng một mình lấy ngựa ra đi. Chàng rời xa lều vải, ruổi ngựa vào mãi khu rừng già. Thấy một đàn hươu sao đang chạy ngoài ven rừng, chàng nắn lại tên, uốn lại cung rồi dục ngựa phi theo.
Đàn hươu sao nghe tiếng vó ngựa lộp cộp đằng sau giật mình kinh hoảng, cất gót chạy như bay, chỉ trong chốc lát đã không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Chàng đành rẽ cương cho ngựa đi vào một khu rừng cạnh đường. Chàng ngước mắt nhìn lên, không ngờ trông thấy một mỹ nhân đẹp như hoa xinh như ngọc, ngồi trên mình ngựa, mặt hơi cúi xuống ra chiêu e lệ.
Mỹ nhân xuất hiện đột ngột, quá, khiến chàng bối rối bâng khuâng, khó nói nên lời.
--------------------------------
1Phúc tấn là vợ của bối lặc - Cách cách là con gái của bối lặc và phúc tấn.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.