Tên Của Đóa Hồng

Chương 34:




KINH TRƯA
Tác giả: Umberto Eco
Lời Salvatore tâm sự với Adso,
không thể tóm tắt được trong vài chữ,
nhưng khiến tu sinh này trầm tư nghĩ ngợi.
Khi đang ăn, tôi thấy Salvatore ngồi trong một góc đang hí hửng ngấu nghiến một miếng thịt cừu, rõ ràng là đã làm hòa với đầu bếp. Huynh ấy ăn như thể suốt đời chưa bao giờ được ăn, không để rơi một vụn thịt, dường như tạ ơn trên đã ban cho mình một dịp khác thường này.
Huynh ấy nháy mắt với tôi và nói bằng ngôn ngữ kỳ lạ của Huynh rằng mình ăn bù những năm ăn chay. Tôi hỏi Huynh kể tôi nghe về thời thơ ấu đau thương của mình trong một ngôi làng, nơi khí hậu khắc nghiệt, mưa gió thường xuyên, nơi đồng ruộng thối rữa, bầu trời bị ô nhiễm bởi tử khí. Năm nào cũng có lụt, đồng ruộng không có luống cày, gieo một đấu lúa chỉ gặt được một lon, rồi chẳng còn gặt được gì cả. Ngay cả lãnh chúa mặt cũng trắng dã như dân nghèo, mặc dù bần cố nông chết nhiều hơn địa chủ, có lẽ vì họ đông hơn… Một lon thóc giá mười lăm xu, một đấu sáu mươi xu, các thầy giảng bảo đã tận thế, nhưng ông bà cha mẹ Salvatore nhớ thời xưa cũng lâm vào tình cảnh như vậy, nên bèn kết luận rằng thế giới luôn luôn sắp tận. Sau khi họ ăn tất cả các xác chim và thú vật dơ bẩn tìm thấy được, người ta đồn rằng trong làng có người sắp sửa đào xác chết lên. Salvatore diễn tả hùng hồn như một kịch sĩ về hành động của những “Homeni malissimi ” (1) đó. Sau một đám ma nào đó, họ lấy tay đào mồ - Bụp! – Huynh nói và cắn một miếng thịt cừu, nhưng tôi thấy mặt Huynh nhăn nhó như một kẻ tuyệt vọng đang ăn xác chết. Thế rồi chưa thỏa mãn với chuyện đào bới đất thiêng, có kẻ còn tệ hơn, phục trong rừng để vồ lấy khách lữ hành như bọn thảo khấu, - Phạch: - Salvatore nói và đưa dao lên cổ - Phụp! – Và bọn xấu xa đê hèn nhất là bọn bám theo mấy đứa bé, cho tụi nó quả trứng hay trái táo, rồi ăn thịt chúng, thế nhưng lúc nào cũng có nấu nướng hẳn hoi. Huynh kể chuyện, có một người về làng bán thịt nấu chín giá vài xu, không ai hiểu sao lại có dịp may hiếm có như thế, rồi một linh mục bảo đó là thịt người, kẻ đó liền bị đám đông phẫn uất xé tan thành từng mảnh. Thế nhưng, cũng chính đêm đó, có một người đi đào mồ của nạn nhân bị giết, rồi ăn thịt kẻ ăn thịt người. Dân làng phát giác tại chỗ và giết gã luôn.
Salvatore không chỉ kể một chuyện này. Bằng giọng nhát gừng, dùng thổ ngữ miền Provence và nước Ý, Huynh kể cho tôi nghe chuyện mình bỏ làng đi chu du thiên hạ. Thật thà nhưng không đần độn, Huynh khao khát một thế giới mới, một thế giới phồn hoa tưởng tượng, có phô-mai to như bánh xe, dồi thơm phức mọc trên cây tươm mật.
Thôi thúc bởi khát vọng đó, Salvatore lang thang qua nhiều vùng đất khác nhau, từ quê hương Montfrerrat đến Liguria, rồi xuyên qua Provence đến dải đất của Hoàng đế Pháp. Salvatore lang thang thất thểu khắp nơi, ăn xin, ăn trộm, giả bệnh, làm tôi tớ cho lãnh chúa rồi lại vào rừng, ra lộ, chung chạ với những bọn đầu đường xó chợ, du thủ du thực khắp Âu châu.
Theo chỗ tôi còn nhớ, cách đây khoảng ba mươi năm, Huynh nhập dòng Khất thực ở Tuscany và tại đó, Huynh đã khoác chiếc áo tu của dòng Thánh Francis mà không thụ giới. Tôi nghĩ Huynh đã học bập bẹ tiếng La-tinh ở đó, trộn lẫn nó với tất cả những ngôn ngữ của những xứ Huynh đã đi qua khi còn là một kẻ lang thang nghèo đói, với tiếng nói học được từ bọn bạn đường du thủ du thực, từ bọn làm thuê ở quê tôi đến bọn Bogomil ở Palmatia. Tại tu viện, Huynh tự nguyện sống một đời sám hối, nhưng các tu sĩ sống chung với Huynh có những ý tưởng hoang mang. Phẫn nộ vì một giáo sĩ ở nhà thờ kế bên bị buộc tội ăn cắp đê hèn, họ tấn công nhà ông ta, rượt đuổi ông chạy nà xuống cầu thang và kẻ phạm tội ngã chết, đoạn họ vơ vét của cải. Vì thế giám mục phái vệ binh đến để giải tán các tu sĩ. Rốt cuộc, Salvatore lại đi lang thang ở miền Bắc nước Ý, nhập bọn với tu sĩ Anh em nghèo khó hay dòng Khất thực, lúc đó chưa có kỷ cương hay giáo luật chi cả.
Từ đó, Huynh lánh thân trong vùng Toulouse rồi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu lạ lùng, lòng sục sôi khi nghe câu chuyện về những sự nghiệp vĩ đại của Thập tự quân. Một đoàn người chăn cừu và đám đông quần chúng một hôm tụ tập lại để vượt biển và chống lại kẻ thù của Chúa. Thật ra họ muốn thoát khỏi vùng đất khốn khổ của mình. Có hai người lãnh đạo nhồi nhét vào đầu họ những luận thuyết giả trá. Hai kẻ này kích động những người dân chất phác đến nổi điên lên, đến nỗi họ lũ lượt theo chúng, không đem tiền bạc, chỉ có bị gậy, bỏ ruộng đồng, ngoan ngoãn đi theo chúng như đàn cừu, tạo nên một đám đông vĩ đại. Lúc này họ chẳng màng gì đến công lý, lẽ phải gì nữa, mà chỉ theo sức mạnh và tính bốc đồng của mình. Với hy vọng mong manh về miền đất hứa, họ như một lũ say, ào ạt tràn vào các làng mạc, thành thị, vơ vét mọi thứ, nếu ai bị tống giam thì họ sẽ phá ngục giải thoát kẻ ấy. Họ giết và lột sạch của cải của người Do thái khắp nơi.
Thế rồi vua Pháp cảnh báo họ đã đi quá xa và ra lệnh cho dân các thành phố họ đi qua phải chống lại họ. Ngài tuyên bố rằng, ngay cả dân Do thái cũng phải được bảo vệ như là thần dân của Ngài vậy. Vua ra lệnh xử tử những ai giúp đỡ nhóm Chăn chiên, và chiêu mộ một đạo quân hùng hậu để đánh lại họ. Nhiều người bị giết, những người khác bôn tẩu, vào rừng ẩn náu, rồi cũng chết vì cực khổ. Chẳng bao lâu, họ bị tiêu diệt. Tướng của nhà vua bắt treo cổ mỗi lần hai mươi hay ba mươi người lên những cành cây cao nhất để làm gương cho những ai dám gây bạo loạn trong vương quốc.
Điều bất thường là Salvatore đã miêu tả cho tôi về cuộc bạo loạn của nhóm Chăn Chiên như một sự nghiệp cao cả nhất, vì Huynh ấy vẫn cứ tin rằng cái gọi là nhóm Chăn Chiên đã chủ tâm chinh phục lại thánh địa của Chúa, để giải phóng nó khỏi bọn vô thần. Dầu sao, Salvatore vẫn chưa gặp được bọn vô thần, vì đã vội vã rời đất Pháp. Huynh ấy đến vùng Novara, nhưng chỉ biết lờ mờ về những biến cố ở đấy. Cuối cùng, Huynh đến Casale, được nhận vào dòng Khất thực (tôi nghĩ Huynh gặp Remigio ở đây). Lúc đó, nhiều người bị Giáo hoàng khủng bố đến nỗi phải thay áo dòng, ẩn náu trong các chủng viện của các dòng tu khác, để tránh không bị đưa lên dàn hỏa. Ubertino cũng đã kể cho chúng tôi nghe như thế. Nhờ sành nhiều thủ thuật nên Salvatore được viên quản hầm thâu nhận ngay làm người trợ lý riêng. Thế nên huynh đã nhiều năm lưu lại đây, không quan tâm mấy đến sự long trọng của dòng, nhưng để tâm nhiều đến sự quản trị của nhà hầm và kho thực phẩm, nơi Huynh được ăn tha hồ và được cầu Chúa mà không phải lên dàn hỏa.
Tôi tò mò nhìn Huynh, không phải vì những điều kỳ quái Huynh đã trải qua, mà vì những điều đã xảy ra đối với Huynh, theo tôi, là một bản tóm tắt tuyệt vời các biến cố và các phong trào đã biến nước Ý lúc bấy giờ thành một nơi quyến rũ và bí ẩn.
Có thể rút tỉa gì từ những câu chuyện đó? Hình ảnh một người sống đời phiêu bạt, có thể giết người mà không nhận thức được tội ác của mình. Mặc dầu lúc bấy giờ tôi quan niệm mọi vi phạm Luật Chúa đều giống nhau, tôi bắt đầu hiểu được vài hiện tượng người ta bàn đến. Một đám đông, trong cơn hưng phấn cuồng loạn lẫn lộn luật Quỷ với luật Chúa, phạm tội thảm sát thì hoàn toàn khác với một cá nhân giết người có tính toán lạnh lùng, không gớm tay. Tôi nghĩ, linh hồn Salvatore có thể đã bị hoen ố vì một tội ác như thế.
Mặt khác, tôi cũng muốn tìm hiểu về những lời bóng gió của Tu viện trưởng; tôi còn bị ám ảnh bởi Fra Dolcino, người mà tôi hầu như mù tịt không biết gì cả, dù hồn ma của ông dường như bay lởn vởn trên những câu chuyện tôi nghe được mấy ngày vừa qua.
Thế nên tôi bèn hỏi thẳng Salvatore: - Trong những ngày phiêu bạt, có bao giờ Huynh gặp Fra Dolcino không?
Phản ứng thật lạ thường: Salvatore trợn trừng đôi mắt lên, liên tục làm dấu Thánh giá, lẩm bẩm những câu đứt đoạn bằng một thứ tiếng mà lần này tôi hoàn toàn không hiểu gì cả. Những câu nghe như phủ nhận. Từ nãy giờ, Huynh vẫn nhìn tôi một cách tin cậy, có thể nói là thân thiện: nhưng ngay lúc này, Huynh nhìn tôi đầy giận dữ, rồi viện cớ bỏ đi.
Bây giờ thì tôi không thể nén lòng được nữa. Người tu sĩ ấy là ai mà khiến mọi người khi nghe nhắc đến tên đều kinh sợ? Sôi sục muốn tìm hiểu, tôi quyết định không chần chừ thêm nữa. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Ubertino! Chính Huynh ấy đã thốt lên cái tên này ngay đêm đầu tiên gặp chúng tôi, Huynh tường tận mọi nỗi thăng trầm, công khai cũng như bí mật của các tu sĩ, thầy dòng, và các giới hành đạo khác trong những năm vừa qua. Giờ này, tôi có thể tìm Huynh ấy ở đâu? Chắc chắn trong nhà thờ, chìm đắm trong kinh cầu. Vì đang rảnh rỗi, tôi bèn đến đấy.
Tôi không gặp Huynh ấy! Thật ra, mãi đến tối, tôi mới gặp. Sự tò mò của tôi chưa được giải tỏa thì biến cố khác đã xảy ra, và tôi phải kể đấy.
Chú thích:
(1) Kẻ ác

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.