Tam Thế

Chương 2: Rung động




Sáng hôm sau, vừa mở mắt ra tôi đã thấy Hạo Thiên vận trường bào màu tím đang ung dung thưởng trà. Thấy tôi thức giấc, chàng nhẹ giọng nhắc nhở: “Dậy rồi thì mau chóng thay y phục và trang điểm đi. Lát nữa sẽ có cung nữ đến kiểm tra, sau đó chúng ta sẽ đến điện Thanh Loan thỉnh an thái hậu, phụ vương và mẫu hậu”.
Tôi gật đầu tỏ ý đã biết, lúc xỏ chân vào đôi giày mềm bằng tơ lại ngạc nhiên hỏi chàng: “Kiểm tra? Kiểm tra cái gì?”.
Chàng đặt cốc trà xuống bàn, bước lại gần giường, chàng rút thanh đoản đao chuôi bạc luôn dắt bên hông ra, tự cứa vào tay mình, vài giọt máu nhanh chóng rơi xuống chiếc khăn trắng đặt giữa giường.
Tôi càng ngạc nhiên hơn: “Chàng làm gì vậy?”.
Đặt đoản đao trở về chỗ cũ xong, chàng rút từ trong tay áo một bình sứ nhỏ màu trắng, hình như đó là lọ thuốc trị thương. Chàng thoa một lớp thuốc mỏng lên chỗ bị chảy máu, vết thương mảnh như chỉ đỏ biến mất, máu lập tức ngừng chảy, hệt như lúc ban đầu. Tôi há hốc miệng kinh ngạc, còn chàng vẫn điềm nhiên như không, chỉ có khóe môi hơi nhếch lên một chút: “Che mắt cung nữ”.
Tôi không hiểu chàng đang nói gì, định nhờ chàng giải thích rõ hơn thì giọng nói ấm áp như ngọn gió đầu xuân ấy lại vang bên tai: “Sắp đến lúc cung nữ tới kiểm tra rồi. Nàng không thay đồ, tính mặc hỉ phục cả ngày hôm nay sao?”.
Đương nhiên là không. Hỉ phục vừa dài vừa vướng víu, hôm nay lại phải đi thỉnh an mọi người, mặc hỉ phục sẽ rất bất tiện, tôi không bao giờ có ý định tiếp tục mặc nó.
Bây giờ tôi đã là thái tử phi của Tề quốc, ăn vận phải phù hợp với thân phận cao quý này, nhưng hầu hết y phục trong tủ đều cầu kì lộng lẫy, rực rỡ chói mắt, mà tôi lại không quen mặc loại y phục kiểu này, cho nên đã chọn một bộ lam y với những hoa văn vừa thanh nhã vừa cao quý nơi cổ tay và vạt áo, tuy giản dị nhưng đẹp mắt vô cùng, càng nhìn càng thấy thích.
Tôi nhìn đống trang sức bày la liệt trên bàn, cuối cùng cài lên tóc một chiếc trâm hoa mai, đeo vào tay một chiếc vòng bạch ngọc. Vốn tưởng trang điểm đơn giản như vậy chàng sẽ không vừa ý, nào ngờ chàng lại gật đầu tán dương, môi nở nụ cười rất đẹp: “Màu lam rất hợp với nàng. Đẹp lắm”.
Sau này nghĩ lại, tôi thường xuyên mặc lam y cũng vì câu nói này của chàng.
Chúng tôi uống trà được một lúc thì có cung nữ đến kiểm tra. Một trong hai người đó tôi có biết, cô cung nữ mặc áo hồng có gương mặt xinh xắn tên A Đào, là cung nữ mà Tề thái hậu ban cho tôi. Hai người đó cùng dọn lại chiếc giường mà tôi ngủ đêm qua. Lúc nhìn thấy chiếc khăn trắng dính máu đặt giữa giường, cả hai nhìn nhau với ánh mắt mờ ám, cùng che miệng cười khúc khích. A Đào nói nhỏ chỉ đủ cho bọn họ nghe, nhưng tai tôi bẩm sinh rất thính, dù họ nói nhỏ hơn nữa thì tôi cũng nghe được, dù chỉ nghe được loáng thoáng: “Khăn trắng có dính lạc hồng, vậy là thái hậu có thể yên tâm rồi”.
Tôi cảm thấy khó hiểu, lạc hồng là gì? Sao thấy chiếc khăn ấy họ lại cười, lại nói thái hậu sẽ yên tâm? Tôi quay sang Hạo Thiên định nhờ chàng giải thích, thấy chàng đang chăm chú nhìn tôi, mặt bất chợt đỏ ửng, tim đột nhiên đập nhanh, tôi quên mất vừa rồi định hỏi chàng câu gì.
Sau đó, chúng tôi đến điện Thanh Loan thỉnh an mọi người. Ban đầu tôi rất lo, lo rằng với tính hậu đậu vụng về của mình, khi dâng trà sẽ bất cẩn làm đổ trà hoặc việc gì đó tương tự như thế. Nhưng mọi chuyện lại thuận lợi vô cùng, những chuyện mà tôi lo lắng không hề xảy ra. Chỉ có thái độ của họ là hơi kỳ lạ một chút, khi nhìn tôi họ đều mỉm cười mờ ám và đầy ẩn ý. Tôi không hiểu lý do là gì, chỉ là mắt tôi hơi thâm quầng vì đêm qua ngủ muộn thôi mà.
Lúc tôi đem vấn đề này đi hỏi Hạo Thiên, chàng xoa đầu tôi, khẽ mỉm cười: “Nàng vẫn còn nhỏ, chuyện này không biết thì hơn”.
Nghe câu nói ấy của chàng, tôi đột nhiên có cảm giác giận dỗi. Tại sao chàng không nói tôi nghe, tại sao chàng tỏ vẻ thần bí? Quan trọng hơn, chàng coi tôi là một đứa trẻ, không nên biết chuyện này không nên làm chuyện kia. Hừ, dù gì thì tôi cũng qua lễ trưởng thành, cũng đã trở thành thê tử của chàng rồi đấy, vậy mà chàng vẫn coi tôi là trẻ con. Bởi vậy, tôi giận chàng cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng cảm giác giận dỗi ấy cũng chẳng duy trì được bao lâu, và dần dần tôi cũng quen với việc bị chàng bắt nạt. Vậy là tôi từ giận dỗi chuyển sang kinh ngạc, không ngờ chàng lại có sở thích biến thái đó, lại thích bắt nạt người ta.
Tôi có suy nghĩ như vậy cũng vì lúc đó tôi không hiểu, nam nhân thường thích bắt nạt người mình yêu, đó cũng là một cách thể hiện tình yêu của nam nhân. Xét cho cùng thì bị người mình thích bắt nạt cũng là một dạng hạnh phúc, nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được bắt nạt người ta.
Thành thân được hơn mười hôm, Hạo Thiên đột nhiên đề nghị: “Chỉ quanh quẩn ở một góc của hoàng cung thì chán lắm. Hôm nay, ta sẽ dẫn nàng xuất cung, dạo chơi vòng khắp kinh thành Tề quốc”.
Nghe chàng nói vậy, tôi lập tức đồng ý. Quả thật mấy ngày qua đều ở lì trong cung, tôi đã cảm thấy ngột ngạt gần chết rồi. Tôi nào giống Ngọc Thất, đâu phải loại người có thể an phận thủ thường, càng không phải con chim hoàng anh bị nhốt trong chiếc lồng sơn son thếp vàng. Hạo Thiên quả là rất tâm lý, đề nghị của chàng rất đúng ý tôi.
Nhưng điều tôi quan tâm là: “Chúng ta lẻn đi mà không nói với thái hậu, phụ vương hay mẫu hậu chàng một tiếng? Đi mà không dẫn theo hộ vệ?”.
Chàng mỉm cười trả lời: “Những chuyện nhỏ nhặt như vậy thì cần gì phải bẩm báo với họ chứ? Xuất cung mà dẫn theo cả đống người thì còn gì thú vị? Hơn nữa không cần đến chúng, ta vẫn có thể bảo vệ được nàng”.
Vậy là chúng tôi liền lén xuất cung, ăn vận như những công tử tiểu thư của các danh gia vọng tộc trong thành.
Kinh thành là nơi phồn hoa bậc nhất của một quốc gia, cũng là nơi vô cùng hỗn tạp. Tề quốc cũng vậy. Nơi đây bày bán đủ loại mặt hàng, thượng đẳng hạ cấp đều có cả, cũng có đủ mọi loại người, dân chúng kinh thành hay thương nhân từ nơi khác đến, kẻ giàu có, người bình dân và có cả những người ăn mày. Một nơi như vậy rất dễ nảy sinh trộm cắp, bằng chứng là vừa bước vào dòng người tấp nập nơi phố chợ đông đúc không lâu, túi tiền của tôi đã “được” một tên trộm để ý tới. Nếu gặp phải một người phản ứng chậm chạp không để ý tới xung quanh, có lẽ tên tiểu tử kia sẽ thành công trót lọt. Nhưng đáng tiếc lại gặp phải tôi, vậy nên tên đó chỉ đành bị bắt tại trận. Tôi dùng một tay khóa chặt cổ tay của tên tiểu tử kia không cho phép phản kháng, một tay lấy lại túi tiền của mình, khẽ “hừ” một tiếng: “Dưới chân thiên tử mà cũng dám lộng hành, ngươi muốn bị đưa tới quan phủ à?”. 
Tên trộm kia vốn chỉ là một đứa trẻ gầy gò không chút võ công, sao có thể trốn thoát khỏi một người đã tập võ từ nhỏ như tôi được. Thấy giãy giụa cũng vô ích, nó liền ngang bướng cãi lại: “Dưới chân thiên tử thì không thể lộng hành? Tại sao chứ? Hoàng đế ở tít trên cao đâu thấy được dân đen khổ cực thế nào. Hơn nữa bọn ta ngồi xin cả ngày cũng chẳng được đồng nào, không đi ăn trộm thì chỉ có thể làm ma đói”. 
Tiểu tử này coi vậy mà miệng lưỡi cũng sắc bén ghê! Tôi đưa tay véo má nó, nhướng mày hỏi liên tục: “Ngươi có biết hành động này là rất xấu không? Có biết ngươi làm vậy sẽ trở thành trẻ hư không hả? May mà hôm nay ngươi gặp phải người lương thiện hiền lành như ta, chứ đổi lại là người khác thì không bị một trận nhừ tử thì cũng bị bắt đến quan phủ rồi! Này, có nghe không hả?”.
Hạo Thiên chỉ đứng một bên xem kịch không chăm chú nghe là chuyện có thể chấp nhận được, nhưng tên tiểu tử kia không nghe thì đúng là bất lịch sự. Tay tôi vừa tăng thêm lực, nó lập tức kêu lên: “Au! Nghe, đang nghe”.
Tôi chưa vội thả tay mà tiếp tục hỏi: “Từ giờ về sau đừng có làm mấy chuyện thế này nữa. Đi đêm lắm có ngày gặp ma, làm nhiều có ngày bị bắt. Biết chưa hả?”.
Tiểu tử kia miễn cưỡng đáp: “Biết”.
Lúc bấy giờ tôi mới hài lòng thả tay, nhét túi tiền vào tay nó: “Biết rồi thì tốt. Giờ nó là của ngươi”.
Tiểu tặc tử vốn định chạy thì mặt nghệt ra, miệng há hốc: “Hả?”.
Ngay cả Hạo Thiên vốn thờ ơ cũng lộ vẻ ngạc nhiên hiếm thấy.
“Hả cái gì mà hả? Không muốn nhận? Chê ít?” Tôi rút từ trên đầu một chiếc trâm vàng, tháo đôi vòng bạc đeo ở tay đưa thêm cho nó.
“Ngươi cho ta thật sao?”
“Đương nhiên là thật. Đây là phần thưởng cho sự nghe lời của ngươi. Chỗ này đủ cho ngươi ăn no mặc ấm trong một thời gian dài, còn có thể chia sẻ cho những đứa trẻ khác. Về sau đừng đi trộm nữa, biết chưa?”
Trong đôi mắt trong veo của nó bỗng ngời lên mà trước nay nó chưa có, nó lên tiếng, lần này có vẻ là thật lòng: “Biết. Ta sẽ không làm chuyện đó nữa. Cảm ơn ngươi”.
Tôi xoa đầu nó khen ngợi: “Giỏi lắm, vẫn còn biết nói cảm ơn. Giờ thì đi mua đồ ăn đi”. Đợi cho bóng nó khuất hẳn trong dòng người tấp nập, tôi mới quay sang hỏi người từ nãy đến giờ vẫn im lặng: “Có phải vừa nãy chàng đã nghĩ số tiền đó không nhiều, cho qua cũng được, cần gì phải bắt cho phiền phức?”.
Chàng không che giấu, thản nhiên “Ừ” đáp lời.
Tôi kiễn nhẫn giải thích: “Chỗ đó đối với chúng ta mà nói chẳng đáng là bao, nhưng với những đứa trẻ như tên tiểu tử vừa rồi thì lại là số tiền rất lớn. Cho qua cũng được, nhưng cứ cho qua mà không làm gì nói gì, nó sẽ tiếp tục làm thế”.
Chàng lên tiếng phản bác: “Nhưng số tiền nàng cho chỉ có thể giúp nó no bụng một thời gian chứ không thể giúp cả đời. Nàng đâu thể chắc chắn từ nay về sau nó sẽ không làm vậy nữa”.
“Đúng là thiếp không thể chắc chắn từ nay về sau tiểu tử kia sẽ không làm như vậy, nhưng cũng phải cho nó biết rằng trên đời vẫn còn nhiều người tốt, cho nó ánh sáng để không lạc lối trên con đường bị bao phủ bởi bóng tối như trước kia. Còn có thể trở thành người tốt hay không, điều này phụ thuộc vào nó.”
Sóng nước luân chuyển trong mắt chàng, môi mỏng cũng gợn lên nụ cười: “Nàng vẫn như xưa, chẳng thay đổi gì cả. Vẫn xuất hiện khi người khác nguy khốn, ban cho ánh sáng của hy vọng”.
Do chàng nói quá nhỏ, giữa phố chợ lại quá ồn ào đông đúc nên tôi không nghe được lời đó của chàng, cũng không phát hiện ra hiểu lầm của chàng suốt bấy lâu nay. Lúc đó tôi cũng chẳng hỏi lại, chỉ nhoẻn miệng cười đề nghị: “Giờ trong tay thiếp chẳng còn chút bạc vụn nào nữa, hôm nay phải nhờ vào túi tiền của chàng rồi”.
May mà phu quân của tôi đã hào phóng đáp lại: “Rất sẵn lòng. Nàng dựa vào túi tiền của ta cả đời cũng được. Vây bây giờ chúng ta đi ăn thôi, đương nhiên là ta mời”.
Ban đầu tôi cứ tưởng chàng sẽ dẫn mình đến dùng bữa ở tửu lầu xa hoa nhất Tề quốc, nào ngờ lại ăn ở những chỗ mà dân thường hay lui tới. Chúng tôi rẽ vào quán ăn nhỏ đầu ngõ, ngay cạnh cửa hiệu bán đồ cổ. Mới đầu khi bước vào quán, tôi bất ngờ đến nỗi hỏi chàng một câu: “Không lẽ hôm nay chàng mang theo ít tiền nên mới vào quán này?”.
Hạo Thiên sửng sốt trong chốc lát rồi bật cười: “Đương nhiên không phải. Lý do là gì thì lát nữa nàng sẽ biết”. 
Chàng chỉ gọi hai tô mì thịt bò, khi gọi còn nhấn mạnh với tiểu nhị là hai tô mì nhiều thịt. Chúng tôi cũng chẳng cần phải chờ đợi lâu, vừa uống xong chén trà đồ ăn đã bưng lên. Hơi nóng từ tô mì phả vào mặt, hương thơm bốc lên lấp đầy cánh mũi, tràn ngập khoang miệng, khiến nước bọt ứa đầy chân răng, khiến bụng tôi lên tiếng thúc giục nhanh chóng thưởng thức. Không nói nhiều lời, chúng tôi liền chuyên tâm ăn mì. Mì ở đây không chỉ có hương thơm đặc biệt mà mùi vị cũng ngon, thịt mềm, nước dùng vừa miệng, khiến tôi kinh ngạc thốt lên: “Không ngờ ở nơi tồi tàn thế này cũng có thể làm ra loại mì ngon như vậy”.
Chàng gật đầu tiếp lời: “Thường thì ở nơi như thế này đồ ăn lại rất ngon”. 
Tôi nhìn chàng một lúc lâu, lát sau mới đưa ra kết luận: “Dường như như chàng rất quen thuộc với những nơi như thế này”.
Hạo Thiên tiếp tục gật đầu: “Đương nhiên là quen thuộc rồi. Hồi nhỏ khi chưa được đón vào cung, ta thường đến nơi này ăn mì. Nói là đến ăn nhưng rất ít lần ta tới mà mang đủ tiền. Lúc bấy giờ chủ quán còn là Thẩm bá biết gia cảnh ta thì đều miễn tiền cho ta, còn cho thêm rất nhiều rất nhiều thịt. Vậy nên sau khi trở thành thái tử, ta đã giúp Thẩm gia trở nên rất phát đạt, mở thêm nhiều quán mì trong kinh thành. Mỗi khi xuất cung ta đều trở lại nơi đây ăn mì, ôn lại những kỷ niệm xưa”.
Tôi ngẩn người: “Chàng...”.
Chàng thong thả nhai thêm một đũa mì, nuốt xong mới nói tiếp: “Có lẽ nàng chưa biết mẫu phi ta xuất thân nơi phố chợ, tình cờ gặp gỡ phụ hoàng cải trang vi hành. Cả hai nảy sinh tình cảm, có một khoảng thời gian tình nồng ý mặn những không lâu sau phụ hoàng liền rời đi, trước đó có hứa sẽ sớm trở lại cưới bà làm vợ. Tất nhiên lúc đó mẫu phi của ta không biết người mình yêu chính là thái tử hồi cung đăng cơ kế vị, càng không biết mình đang mang thai rồng, sau thì sinh ra ta. Khoảng thời gian đó cực khổ vô cùng, không chỉ nghèo đói, mẫu phi ta còn phải nghe người đời nhiếc móc vì chưa chồng mà đã sinh con. Rồi cũng có một ngày phụ hoàng nhớ tới mẫu phi, sai người đón hai mẹ con ta vào cung, nhưng cuộc sống sau đó cũng khổ sở chẳng kém. Phụ hoàng mải mê với tân hoan, lạnh nhạt với hoàng hậu, cũng bỏ mặc mẫu phi ta bị các phi tần khác hãm hại, để ta bị các hoàng tử khác bắt nạt mà không hề hay biết tân hoan đó có quan hệ bất chính với nhi tử không được thừa nhận của mình. Sau đó...”. Chàng nhìn tôi bằng ánh mắt như xuyên qua tôi để thấy bóng hình của người nào đó: “... Sau đó ta lợi dụng chính ả, bắt tay với đệ đệ của mình để trèo lên vị trí như ngày hôm nay. Nàng đơn thuần như vậy, thiện lương như vậy, nghe xong ắt hẳn cảm thấy ghê tởm lắm nhỉ?”.
Tôi khựng lại một lát trước câu hỏi đó của chàng, rồi nhìn thẳng vào mắt người đối diện, nói rành rọt từng chữ: “Không. Chàng làm vậy là có nguyên nhân của chàng, thiếp hiểu. Thiếp chỉ không ngờ đằng sau ánh hào quang của chàng là quá khứ chẳng mấy tốt đẹp, chỉ buồn chỉ xót vì chàng phải trải qua những chuyện như thế”.
Đằng sau ánh hào quang của chàng là những nỗi niềm chẳng ai nhìn thấu. Giống như... tỷ ấy.
Hồi nhỏ ngây thơ chưa hiểu chuyện, tôi còn tưởng Ngọc Thất được sống trong muôn sủng ngàn yêu của phụ hoàng và mẫu hậu, được người tôn sùng kính trọng, có tất cả trong tay, sung sướng vô cùng, không phải lo nghĩ điều gì. Chỉ khi lớn rồi mới biết, ai cũng có nỗi khổ riêng. Sự sủng ái và tín nhiệm của phụ vương mẫu hậu dành cho tỷ ấy càng nhiều, trọng trách gánh nặng trên vai tỷ ấy càng lớn.
Cả hai chúng tôi... không ai sung sướng hơn ai.
Khép lại những suy nghĩ miên man ấy, trở về với thực tại, tôi tiếp tục lên tiếng: “Những chuyện đã qua rồi thì cho qua luôn đi, những chuyện không vui càng không nên canh cánh trong lòng. Quá khứ quan trọng, hiện tại và tương lai càng quan trọng hơn. Từ giờ chàng phải càng sống tốt hơn trước kia, cố gắng trở thành một minh quân được dân chúng kính trọng, trị vì thiên hạ thái bình, dân chúng no ấm, để không đứa trẻ nào phải đi trộm tiền như tên tiểu tặc tử vừa rồi”.
Hạo Thiên mỉm cười trả lời: “Được. Ta sẽ”. Ngừng một lát, chàng lại nói: “Đáng lẽ ta không nên kể những chuyện không vui này cho nàng”.
Tôi cũng mỉm cười trả lời: “Sao chàng lại nghĩ vậy? Thiếp còn muốn nghe thêm nhiều chuyện nữa để hiểu thêm về chàng. Hơn nữa, dù có là chuyện buồn thì cũng không ảnh hưởng đến khẩu vị của thiếp đâu”. Nói xong liền vui vẻ ăn nốt chỗ mì còn lại.
Chàng cũng ăn nốt bát mì của mình, không nói chuyện bâng quơ nữa. Chẳng mấy chốc cả hai đã ăn xong. Thấy chàng không định gọi thêm gì, tôi liền thắc mắc: “Chúng ta chỉ ăn mỗi thế sao?”. Chúng tôi khởi hành từ sớm, chưa kịp ăn sáng, mì ở đây lại ngon như vậy, nói thật, tôi vẫn chưa cảm thấy đủ.
Chàng lắc đầu trả lời: “Đương nhiên là không. Đây mới chỉ là ăn lót dạ, chúng ta phải để bụng để thưởng thức những món ăn đặc sản của Tề quốc”. 
Trước khi rời quán, trước khi hòa vào dòng người tấp nập, Hạo Thiên còn nói: “Nếu mẫu phi ta lấy một nam nhân bình thường không ta tam thê tứ thiếp, có lẽ bà sẽ hạnh phúc, được yêu thương cả đời. Vì vậy từ nhỏ ta đã tự hứa với mình, dù sau này có trở thành đế vương ta cũng sẽ không có hậu cung ba ngàn giai lệ gì hết”. Chàng nắm tay tôi, nói ra lời hứa của mình: “Hạo Thiên ta đời này kiếp này chỉ yêu và lấy một người”. 
Tôi cũng thầm mỉm cười trong lòng. Nếu nói trong lần đầu tiên gặp mặt, tôi bị vẻ tuấn tú phi phàm của chàng thu hút thì trong những ngày qua, tôi vừa có chút xót thương cho số phận của chàng vừa cảm phục tài năng ít ai sánh kịp đó, còn bây giờ là rung động thực sự, những rung cảm mới mẻ của tình yêu đầu đời.
Ngoài thời gian xử lý chính sự, chàng đều ở bên tôi, ân ái thân mật giống như những đôi tình nhân, những đôi phu thê được Nguyệt Lão tác thành.
Trước tẩm điện của chúng tôi có hai cây hoa đào đang thời kỳ nở rộ, mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, cánh hoa lại rơi lả tả như một trận mưa hồng chốn bồng lai. Mỗi khi rảnh rỗi, chàng thường kêu hạ nhân kê dưới tán hoa đào vài cái bàn để chúng tôi cùng ngồi thưởng hoa ở đó. Người hầu mang cây đàn thất huyền cầm đến đặt lên bàn, chàng kéo tôi ngồi xuống, nhẹ giọng nói: “Nghe nói tài ca vũ của nàng đứng đầu thiên hạ, hôm nay trời đẹp như vậy, chi bằng nàng múa cho ta xem, nàng thấy thế nào?”.
Tay tôi khẽ run trong tay chàng: “Thiếp… thiếp múa không đẹp, sợ chàng sẽ chê cười”. Tôi đâu phải Ngọc Thất, đâu thể múa cho chàng xem. Nếu tôi nhắm mắt làm liều mà múa trước mặt chàng, thì e rằng với trí thông minh trời phú ấy, chàng sẽ phát hiện tôi là giả, mọi chuyện sẽ bại lộ, mà bại lộ trước khi tôi câu dẫn chàng thành công thì nguy to.
Chàng chăm chú nhìn vào mắt tôi: “Nàng quá khiêm tốn rồi, danh hiệu Yến quốc đệ nhất tài nữ của nàng đâu phải chỉ là hư danh”.
Quả thật nó không phải là hư danh, nhưng tôi cũng không phải chủ nhân của danh hiệu đó, dù muốn cũng không thể múa cho chàng xem được, nếu không sẽ gây ra đại họa, vậy nên đành lấy hết dũng khí mà nói ra câu này: “Ngày tháng còn dài, để sau cũng chưa muộn, nhất định sẽ có ngày thiếp múa cho chàng xem”.
Lúc nói câu đó, tôi vẫn ngây thơ tưởng rằng cuộc đời mình còn dài, chúng tôi có thể bên nhau trọn đời trọn kiếp.
Không để chàng kịp trả lời, tôi nói tiếp: “Hình như chàng đàn rất giỏi, có thể đàn cho thiếp nghe một khúc được không?”.
Chàng không ngần ngại trả lời: “Đương nhiên là được. Nàng muốn nghe khúc nào?”.
Tôi không am tường nhạc lý như tứ tỷ, cho nên chỉ có thể đáp: “Khúc mà chàng thích nhất”.
Nghe câu trả lời của tôi, chàng hơi ngạc nhiên, nhưng chỉ trong chốc lát sự ngạc nhiên trong mắt biến thành nụ cười nửa miệng trên môi, đẹp đến nỗi khiến tôi sững sờ.
Tiếng đàn chầm chậm vang lên, tôi chăm chú nhìn bộ dạng lúc này của chàng. Chàng vận áo chùng tím trang nhã, gương mặt tuấn tú mỉm cười đẹp tựa thiên thần, ngón tay thuần thục lướt trên dây đàn, tạo ra những âm thanh dạt dào êm ái. Tuy tôi không am hiểu nhạc luật, cũng không giỏi đánh giá cầm âm của bất kỳ ai, nhưng có thể chắc chắn một điều, đây là âm thanh hay nhất, tuyệt diệu nhất mà tôi từng được nghe. Có thể thưởng thức tiếng đàn tuyệt thế như vậy, mười bảy năm qua tôi sống thật không uổng phí.
Tiếng đàn của chàng như có ma lực khiến thời gian ngừng trôi, khiến mọi vật ngừng hoạt động. Tiếng đàn của chàng như cơn gió vô hình thổi hoa đào rụng đầy mặt đất, mấy cánh hoa rơi trên dây đàn, rơi trên vai áo chàng. Tiếng đàn của chàng như một dòng suối ngọt lành, chầm chậm chảy vào lòng tôi.
Tôi gục đầu trên chiếc bàn gỗ khắc hoa, từ từ nhằm mắt lại, lắng nghe tiếng đàn tuyệt diệu ấy. Lát sau, tôi nói với chàng: “Từ nay về sau, mỗi ngày chàng đều gảy đàn cho thiếp nghe, có được không?”.
Lại nghe chàng đáp: “Ta chỉ sợ đến lúc đó, nàng sẽ chán tiếng đàn của ta mà thôi”.
Tôi mỉm cười đáp lời chàng: “Sao có thể chán chứ? Nếu có thể, thiếp còn muốn cả đời nghe chỉ nghe chàng đàn kìa. Cả đời bên nhau, một người đàn một người nghe, đó cũng là một dạng hạnh phúc”.
Không thấy tiếng chàng trả lời, cũng không rõ vẻ mặt khi ấy của chàng thế nào, nhưng tôi có thể đoán được chàng đang mỉm cười, một nụ cười nửa miệng tuyệt đẹp.
Tôi không quên người đáng ra trở thành thê tử của Hạo Thiên là Ngọc Thất, cũng không quên tôi chỉ là kẻ giả mạo. Đã có lúc tôi từng nghĩ, Hạo Thiên với Ngọc Thất mới thực sự là một đôi uyên ương, là trời sinh một cặp. Chàng tài hoa như vậy, hoàn hảo về mọi mặt, thật giống tứ tỷ của tôi. Nếu tỷ ấy trở thành thê tử của chàng, tỷ ấy sẽ không ngần ngại múa cho chàng xem. Trong tiếng đàn mê hồn tuyệt diệu của chàng, tỷ ấy trổ tài ca vũ của mình, xiêm áo nhẹ múa, cảnh tượng thật khiến người ta vừa ngưỡng mộ vừa ghen tỵ.
Thật may, chuyện đó đã không xảy ra.
Thật may, tỷ ấy lại nhờ tôi giả mạo tỷ ấy để gả cho Tề quốc thái tử.
Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy bản thân thật may mắn. Tôi đã rất may mắn khi được trở thành chính thê của chàng, vậy còn bây giờ thì sao, sau này thì sao, tôi còn có thể tiếp tục may mắn mà trở thành người chàng yêu trọn đời hay không?
Trước khi xuất giá, Ngọc Thất có nói với tôi rằng bằng mọi giá phải khiến cho chàng yêu tôi, vì giang sơn và dân chúng Yến quốc. Còn bây giờ là vì bản thân tôi, vì tôi đã động lòng với chàng, cho nên tôi sẽ cố gắng hết sức để chiếm trọn trái tim của chàng.
Tôi mở mắt ra, thấy những ngón tay thon dài, đẹp như ngọc tạc của chàng không ngừng lướt trên dây đàn, nụ cười ôn nhu tao nhã vẫn hiện rõ trên môi. Tôi ngơ ngẩn trong chốc lát. Hoa đào rơi lả tả như trận tuyết màu hồng, tiếng đàn tuyệt diệu vang lên như thứ bùa chú mê hoặc tâm trí người khác, khung cảnh lãng mạn thơ mộng như vậy thường khiến người ta tức cảnh sinh tình, cũng khiến tình cảm nam nữ phát triển đáng kể. Tôi nghiêng đầu nhìn chàng, nói ra những lời từ tận đáy lòng: “Hạo Thiên, chàng xem, chúng ta đã trở thành phu thê rồi, chàng hãy gọi thiếp là Thất Thất đi, thiếp thích chàng gọi thiếp như vậy”.
Chàng ngừng gảy đàn, đưa tay phủi cánh hoa đào rơi trên tóc tôi: “Được. Thất Thất, từ nay về sau ta sẽ gọi nàng như vậy”.
Lúc chàng gọi tôi là Thất Thất, lòng tôi như có một dòng suối ngọt lành tinh khiết chảy qua, lành lạnh man mát, vô cùng dễ chịu.
Kỳ thực, tôi muốn chàng gọi tôi như vậy là có hai nguyên do. Thứ nhất, tên tôi và tứ tỷ đều có một chữ “Thất”, gọi như vậy sẽ khiến tôi an tâm hơn, sẽ không cảm thấy lúng túng ngại ngùng khi đóng giả Ngọc Thất, tôi cũng không phải lo nhất thời buột miệng mà để lộ thân phận. Thứ hai, đó là cách gọi thân mật, ngầm biểu thị mối quan hệ giữa hai chúng tôi, khiến tôi có cảm giác bản thân là người chiếm vị trí quan trọng trong lòng chàng, dẫu đó chỉ là suy nghĩ của riêng tôi mà thôi.
Sau khi gảy xong một khúc mà tôi chưa từng nghe, dưới tán hoa đào, chàng kể cho tôi chuyện hồi nhỏ của chàng. Đang kể đến đoạn chàng bị quân địch phục kích, đang hồi hộp gay cấn thì có người đến phá đám. Đó là một tiểu cô nương áo vàng xinh đẹp khả ái, tuy mặt còn nét ngây thơ nhưng trên người đã tỏa ra khí chất cao quý khó ai sánh kịp. Cô gái áo vàng xông vào tẩm điện của chúng tôi không biết là vì nguyên nhân gì, nhưng khi thấy chúng tôi trò chuyện ăn ý dưới tán hoa đào thì khựng lại, đôi mày thanh mảnh khẽ chau, giọng nói lảnh lót như tiếng chim ca: “Lúc muội đến tìm huynh, A Đào nói huynh đang bận, không thể làm phiền, không ngờ huynh lại bận việc này”.
Hạo Thiên nhìn cô gái áo vàng trước mặt một cái, gương mặt vẫn điềm nhiên như không: “A Đào nói đúng, ta quả thực đang bận, đã biết vậy rồi mà muội còn cố ý quấy rầy?”.
Tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra, hết nhìn cô gái áo vàng rồi lại nhìn chàng. Thấy tôi như vậy, chàng nhẹ giọng giải thích: “Đây là biểu muội trên danh nghĩa của ta, Nghi Hàm”.
Nghe cái tên ấy phát ra từ miệng chàng, tôi đột ngột bừng tỉnh, thì ra cô gái áo vàng kia là Ánh Dương quận chúa Nghi Hàm, ái nữ của Nghi Cẩn tướng quân, vị quận chúa cao quý nhất Tề quốc, được ca tụng là tư dung hơn người, văn võ toàn tài, cũng chính là vị quận chúa đã sỉ nhục tôi trong lễ mừng thọ Tề thái hậu tám năm về trước mà Ngọc Thất dẫn tôi theo.
Nghi Hàm nhìn tôi chằm chằm, đôi mày thanh tú nhướng cao lộ rõ vẻ khinh thường, cất cao giọng ngạo nghễ: “Ồ, đây chính là thê tử mới cưới của huynh, vị công chúa tài mạo song toàn của Yến quốc? Nghe nói Chiêu Nhân công chúa là người hiểu biết, vậy mà gặp bổn quận chúa còn không chịu hành lễ, đây là cách đối nhân xử thế của một công chúa hay sao?”.
Dựa trên khẩu khí ngôn từ của a đầu này, không khó để đoán ra nàng ta vì được nuông chiều thành quen mà trở nên hống hách ngạo mạn, không thèm đếm xỉa đến tôn ti trật tự. Tôi không trả lời không phải vì tôi sợ, mà là vì tôi muốn giữ hình tượng thục nữ trong mắt chàng, và cũng để tỏ rõ sự khinh thường của tôi đối với vị quận chúa phách lối này.
Tôi nâng cốc trà bằng bạch ngọc nhấp một ngụm, từ đầu đến cuối không nói với nàng ta nửa lời. Tôi không nói, nhưng chàng lại lên tiếng thay tôi: “Muội mới là người phải xem lại cách hành xử của chính mình. Muội đừng quên Thất Thất cũng là công chúa một nước, thân phận không hề thua kém muội. Hơn nữa, nàng ấy đã là thê tử của ta, tính ra cũng là biểu tẩu của muội, muội là người hành lễ mới đúng. Bây giờ muội bắt Thất Thất phải hành lễ trước muội, đồng nghĩa với việc muội coi thường ta”.
Nghe chàng nói vậy, tôi đột nhiên rất cảm động. Ngoài tứ tỷ, đây là lần đầu tiên có người đứng ra bênh vực cho tôi.
Không ngờ Nghi Hàm nghe xong lại cau mày giận dỗi: “Huynh lại vì nàng ta mà mắng muội sao? Nàng ta vô lễ với muội, huynh không những không trách phạt mà còn hùa theo, huynh không còn là Hạo Thiên mà muội biết, huynh đã bị nàng ta mê hoặc làm cho lú lẫn rồi”.
Tôi cảm thấy hơi khát nên cầm bình trà rót cho mình một cốc nữa, nghe nàng ta nói vậy lại thầm thở dài, đỉnh cao của nghệ thuật đổi trắng thay đen chính là đây.
Không thấy ai đáp lời, nàng ta lại tiếp: “Thất Thất? Hừ, cách gọi thân mật thật đấy!”.
Lần này không để Hạo Thiên phải lên tiếng, tôi mở miệng, ngữ khí hệt như Ngọc Thất thực sự: “Đã là phu thê, thân mật không phải chuyện tốt hay sao? Cô cớ gì phải tức giận như vậy?”.
Nàng ta lập tức nổi nóng: “Câm miệng! Ai nói chuyện với cô?”. Không để tôi kịp phản ứng, nàng ta quay sang nhìn Hạo Thiên, lửa giận trong mắt biến đổi thành sự hờn dỗi trách móc, giống như thiếu nữ mới lớn nũng nịu với ái nhân của mình: “Hạo Thiên, huynh không quan tâm đến muội thì thôi, nhưng cũng đừng vì nàng ta mà quên mất đến phủ của muội cùng nhị ca đánh cờ hàn huyên chứ. Có câu ‘Huynh đệ như tay chân, nữ nhân như quần áo’, nàng ta đâu thể quan trọng bằng nhị ca của muội, huynh thấy có phải không?”.
Tôi thầm hừ lạnh trong lòng, thì ra tin đồn quả thật không đáng tin, thiên hạ đồn Ánh Dương quận chúa là người hiểu biết lễ nghĩa, thực ra lại là một người hống hách ngạo mạn, không coi ai ra gì. Sao nàng ta có thể nói ra câu ấy, nàng ta đừng quên bản thân cũng là một nữ nhân. Chỉ là nàng ta muốn ở bên Hạo Thiên nhiều hơn, cho nên mượn danh nghĩa của nhị ca nàng ta.
Như đã nói, khuyết điểm lớn nhất của tôi chính là thiếu kiên nhẫn, tôi vốn không ưa nàng ta, nhất là sau vụ việc nàng ta sỉ nhục tôi trước mặt bao quan khách trong lễ mừng thọ của Tề thái hậu tám năm trước. Tôi nhẫn nhịn chịu đựng nàng ta từ nãy đến giờ cũng chỉ vì muốn giữ được ấn tượng tốt đẹp trong mắt chàng mà thôi. Nhưng nàng ta càng lúc càng quá đáng, khiến tôi không thể ngồi yên bị động. Tôi nói với nàng ta: “Không phải là tôi cố ý bắt bẻ quận chúa, nhưng tôi không có cùng quan điểm với cô. Đúng là có câu ‘Huynh đệ như tay chân, nữ nhân như quần áo’, nhưng nó hoàn toàn không nói rằng huynh đệ quan trọng hơn nữ nhân. Thử nghĩ mà xem, chân tay có thể mất, người có thể tàn phế, nhưng có nam nhân nào không mặc quần áo mà dám ra ngoài đường không?”.
Hạo Thiên: “…”.
Nghi Hàm: “…”.
Nếu nàng ta thi cầm kỳ thi họa với tôi, có thể tôi sẽ thua. Nhưng nếu chúng tôi đấu khẩu, tôi nhất định sẽ thắng. Về khoản này, tôi hoàn toàn tự tin.
Kết quả cuộc đối đầu của chúng tôi hôm đó chính là Nghi Hàm bỏ đi mà không nói thêm được câu nào. Còn tôi, đương nhiên là lại ngồi dưới tán đào lắng nghe tiếng đàn của Hạo Thiên.
Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, chàng kể chuyện cho tôi nghe. Tôi nằm nghiêng trên giường, kéo cao chiếc chăn mỏng chuẩn bị nghe chàng kể chuyện. Thực ra câu chuyện ấy cũng chẳng có gì đặc biệt ly kỳ, chỉ là ký ức năm mười ba tuổi của chàng, lần đầu thân chinh ra trận. Dù chỉ nghe kể lại, nhưng suốt quá trình nghe tôi đều có cảm giác hồi hộp thót tim. May mà tôi không phải loại người yếu tim, nếu không, mỗi tối đều nghe chàng kể chuyện, e rằng tôi sẽ không có đêm nào được ngủ ngon vì liên tiếp gặp ác mộng cho coi.
Càng nghe tôi càng cảm thấy chàng tài giỏi. Càng nghĩ tôi càng thích chàng hơn. Tôi thật may mắn khi có một phu quân giỏi giang như vậy.
Sau khi kể xong chuyện lần đầu xuất chinh, chàng kể tôi nghe về Nghi Hàm và gia tộc của nàng ta.
Gia tộc của Nghi Hàm từng lập nhiều đại công, có công không nhỏ từ khi lập quốc cho đến tận bây giờ nên được hưởng rất nhiều đặc ân, vinh hoa phú quý hưởng mấy chục đời không hết, nam thì được phong quan, nữ thì phong quận chúa. Trong số hậu nhân nhà họ Nghi, có Nghi Hàm là nổi bật hơn cả. Trong lễ hội săn thú vào mùa thu bốn năm trước, nàng ta cứu được con thỏ nhỏ của thái hậu thoát khỏi móng vuốt của thú săn nên rất được lòng bà ấy, lại có công khá lớn trong cuộc giao tranh Tề - Hạ vừa rồi nên được xưng tụng là vị quận chúa cao quý nhất Tề quốc.
Kể đến đoạn này, chàng nói: “Xét cho cùng thì, ở trong lòng hoàng tổ mẫu, vị trí của Nghi Hàm chỉ sau ta”.
Tôi khẽ hừ một tiếng: “Thảo nào mà nàng ta ngạo mạn ngông cuồng đến vậy, chẳng có phép tắc gì cả”.
Gương mặt tuấn mỹ của chàng hiện ra nụ cười: “Hình như nàng không thích Nghi Hàm”.
Tôi gật đầu tán thành: “Đương nhiên rồi. Chàng thử đặt mình vào vị trí của thiếp mà suy nghĩ xem. Dù gì thì thiếp cũng là công chúa một nước, bị một kẻ bằng tuổi mình khi dễ, hơn nữa người này còn có ý đồ với phu quân của mình, thiếp có thể thích nàng ta được sao?”. Nghĩ một lát lại kéo cao chăn, bổ sung thêm: “Thiếp không muốn lãng phí thời gian của mình vì nàng ta. Thức khuya không tốt cho nhan sắc, thiếp đi ngủ đây”.
Chàng ngồi tựa đầu giường, tay lật giở quyển sách cổ: “Nàng ngủ trước đi, ta sẽ ngủ sau”.
Tôi gật đầu định nhắm mắt đi ngủ, lại nhớ ra một chuyện, tôi gọi tên chàng: “Hạo Thiên”.
Chàng khẽ đáp: “Ừ?”.
Tôi mỉm cười, gọi tên chàng lần nữa: “Hạo Thiên, thiếp thích chàng”.
Chàng khựng lại, trầm mặc một lát, chàng đặt quyển sách lên chiếc bàn kê gần giường, cúi xuống hôn lên trán tôi: “Ta cũng thích nàng”.
Tôi cảm thấy lòng rất đỗi ngọt ngào, lại không kìm được mà hỏi chàng thêm một câu: “Có phải một ngày trôi qua, chàng lại thích thiếp nhiều hơn một chút?”.
Chàng nhìn tôi, khẽ đáp: “Ừ”.
Tôi mỉm cười nhìn sâu vào mắt chàng: “Nếu vậy thiếp sẽ ở bên chàng trọn đời trọn kiếp, không bao giờ lìa xa”.
Chàng không nói thêm câu nào, lại cúi xuống hôn tôi, nhưng lần này không phải hôn trán mà là hôn môi, một nụ hôn ôn nhu nhưng nồng nhiệt, ấm áp mà tinh tế, sự rung động nơi đầu lưỡi lan tỏa đến tận cùng trái tim. Tôi nhắm mắt lại, hai tay ôm lấy cổ chàng, không chỉ bị động đón nhận mà còn chủ động đáp trả. Đêm nay, tôi trao mọi thứ của tôi cho chàng, trao cho chàng thân thể này, trao cho chàng tình yêu và hạnh phúc của cả đời tôi. Và dù tương lai có ra sao, tôi cũng tuyệt đối không hối hận về quyết định này của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.