Sau Khi Nhận Việc Ở Minh Phủ

Chương 13:




Lúc Ôn Bạch rời khỏi sân vận động đã là một giờ sau.
Nhóm bạn cùng lớp đang la hét muốn tới KTV cạnh trường học ca hát.
Dòng suy nghĩ của Ôn Bạch vẫn đang tập trung vào sự kiện mà Ngô Dược vừa nói nên không để ý tới những người xung quanh, bước chân vô thức càng ngày càng chậm.
Phương Nhạc Minh và Chu Vĩ không tìm thấy cậu trong đám người, quay đầu lại nhìn thì thấy Ôn Bạch bị tụt một đoạn khá xa rồi, hai người vội vàng chạy tới.
“Tiểu Bạch, Bạch Bạch?” Phương Nhạc Minh huơ tay trước mặt Ôn Bạch, “Sao vậy? Trông mất tập trung thế?”
“Bọn lão Dương ra đến cổng rồi kìa.”
Ôn Bạch nghe vậy, chỉ ngẩng đầu lên nhìn Phương Nhạc Minh, hồi lâu không lên tiếng.
Chuyện “tranh cổ ma quái” kia ban đầu Ngô Dược cũng không biết, giáo sư Lý cũng không có ý định nói cho cậu ta biết.
Cuối cùng Ngô Dược tự mình phát hiện có gì đó không đúng, cảm thấy dạo gần đây thầy rất hay xem một ít diễn đàn thảo luận chuyện yêu ma quỷ quái linh ta linh tinh, lúc ấy trong lòng mới nổi lên nghi ngờ.
Giáo sư Lý bị cậu ta quấn lấy truy hỏi, chịu không nổi, cuối cùng mặc dù thỏa hiệp nhưng cũng chỉ nói đơn giản sơ lược mà thôi, vì vậy hiểu biết của Ngô Dược đối với chuyện kia cũng không tính là quá nhiều, lúc nói cho Ôn Bạch càng mơ mơ hồ hồ.
Trong lúc Ôn Bạch đang không có manh mối thì Phương Nhạc Minh xuất hiện.
Tại sao mình lại quên mất cậu ấy?
“Nhạc Minh, cậu có biết Trịnh Bác Xương không?”
Sở dĩ Ôn Bạch hỏi vậy là bởi vì Trịnh Bác Xương, ngoại trừ thân phận là nhà sưu tầm di vật văn hóa, còn là một thương nhân nổi danh ở Nam Thành.
Mà Phương Nhạc Minh cũng thuộc cái vòng tròn phú nhị đại đó, thường ngày gió thổi cỏ lay ở nhà ai, ít nhiều cũng sẽ nghe ngóng được một chút, có lẽ sẽ biết thêm được một số chuyện mà Ngô Dược không biết.
Phương Nhạc Minh thở ra một hơi.
Nãy giờ Ôn Bạch không nói gì, chỉ nhìn cậu ta chằm chằm, cậu ta còn tưởng xảy ra chuyện lớn nào đó, lông tơ dựng đứng hết cả lên.
Bây giờ cuối cùng Ôn Bạch cũng chịu mở miệng, Phương Nhạc Minh gật đầu: “Trịnh Bác Xương hả? Có phải là người chuyên thu gom đồ cổ kia?”
Thấy Phương Nhạc Minh thật sự có biết, Ôn Bạch lập tức gật đầu.
Phương Nhạc Minh nghi hoặc: “Sao đột nhiên cậu lại hỏi về ông ta?”
Ôn Bạch qua loa trả lời: “Không có gì, ban nãy lúc nói chuyện với Ngô Dược có nhắc tới.”
“Nghe nói ông ta đang giữ một bức tranh cổ?” Ôn Bạch thử thăm dò.
Phương Nhạc Minh cũng biết mối quan hệ của Ôn Bạch và Ngô Dược, cũng biết Ngô Dược đang học ở khoa lịch sử, thường để ý những đồ vật như vậy nên cũng không hoài nghi.
“Cũng có chuyện đấy, bắt đầu từ nửa năm trước thì phải, nói là tìm được ở một nơi nào đó.”
Phương Nhạc Minh “chậc” một tiếng: “Nghe nói là hàng thật.”
Bản thân Phương Nhạc Minh chẳng hứng thú với tranh ảnh nhưng dù sao cũng là một món đồ cổ có giá trị liên thành, cho dù không thẩm thấu được giá trị thẩm mỹ của bức tranh nhưng giá bán của một bức tranh ngang bằng với một tòa nhà, điểm này cậu ta vẫn hiểu.
Bởi vậy lúc trước khi nghe ai đó nói đến việc này, Phương Nhạc Minh cũng có để tâm, trùng hợp bây giờ Ôn Bạch lại hỏi đến.
Phương Nhạc Minh cẩn thận nghĩ lại, nói: “Tớ nghe nói Trịnh Bác Xương đã đi một chuyến tới cơ quan giám định, bỏ rất nhiều tiền giám định bức tranh cổ kia, sau đó vẫn chưa yên tâm, mời cả chuyên gia tới.”
Điều này Ôn Bạch lại không nghe Ngô Dược nói, cậu gật đầu: “Sau đó thì sao?”
“Sau đó…” Phương Nhạc Minh không rõ lắm câu “sau đó thì sao” của Ôn Bạch có ý gì, trong đầu chợt có tia sáng lóe lên, “Chuyên gia được mời kia hình như là giáo sư Lý.”
Ôn Bạch: “Ừ.”
Ôn Bạch hoàn toàn có thể hiểu được suy nghĩ của Trịnh Bác Xương.
Những nhà sưu tầm như bọn họ, không quan tâm bên bán nói như thế nào về tính chân thực của đồ vật, phải tự mình chứng giám mới yên lòng, nhỡ đâu mua về một món đồ nhái, lại còn trân trọng như chính phẩm, lộ ra ngoài sẽ bị chê cười.
Bởi vậy nên mới sai người liên lạc với giáo sư Lý – người đã có rất nhiều nghiên cứu về tranh cổ và các họa sĩ, và mời giáo sư tới tận nơi một chuyến.
Lúc nãy Phương Nhạc Minh không biết tại sao Ôn Bạch lại đột nhiên hỏi chuyện của Trịnh Bác Xương, bây giờ nghe nói có liên quan tới giáo sư Lý, tim bỗng đập nhanh, “Bên chỗ giáo sư Lý xảy ra vấn đề gì à?”
“Không có, chỉ là…” Ôn Bạch dừng một chút rồi mới tiếp tục, “Nghe nói dạo gần đây Trịnh Bác Xương muốn tổ chức triển lãm tranh cổ, nếu có cơ hội tôi muốn tới xem thử.”
Phương Nhạc Minh kéo dài âm điệu: “À… chuyện này…”
Ôn Bạch: “Sao vậy?”
Phương Nhạc Minh hạ thấp giọng, thần bí thầm thì: “Lúc trước đúng là nghe nói muốn làm, nhưng bây giờ thì không làm nữa.”
Hai mắt Ôn Bạch sáng lên.
Phương Nhạc Minh đến gần hơn, “Tớ nghe nói bức tranh bị đánh cắp rồi.”
Ôn Bạch: “Bị trộm mất?”
Vậy đây chính là thông tin được truyền ra bên ngoài?
“Ừ, ồn ào lắm đấy.” Phương Nhạc Minh nói, “Hình như tìm khắp nơi rồi mà không tìm được, còn bắt đầu gửi hy vọng vào huyền học.”
“Trong nhà liên tục có người ra vào, từ đạo sĩ đến hòa thượng, kiểu nào cũng có.”
“Cụ thể thế nào tớ cũng không rõ lắm, nhưng mà cũng dễ hiểu. Mất một bức tranh cổ giá trị liên thành, ai mà chẳng nóng ruột.”
Ôn Bạch: “Bên phía Trịnh Bác Xương nói vậy à? Nói là bị trộm?”
Phương Nhạc Minh gật đầu.
Nói tới đây, cậu ta không nhịn được bổ sung thêm một câu: “Tớ nói chứ nhà họ Trịnh cũng lạ, một món đồ cổ đang yên đang lành, không lo giấu cho kỹ lại còn muốn khoe khoang ra. Tiền bạc không để lộ ra ngoài là đạo lý mà ai cũng biết mà.”
Ôn Bạch lắc đầu.
Thật oan uổng cho Trịnh Bác Xương.
Bức tranh quả thực là không thấy, nhưng cũng không phải bị “trộm”.
Nếu như có thể, bên kia có khi còn tình nguyện là bị trộm hơn.
Dù sao như vậy cũng tính là họa đến từ con người, tốt hơn hiện tại.
Chu Vĩ nãy giờ cũng đứng chờ bên cạnh, bất thình lình mở miệng nói với Phương Nhạc Minh: “Người không hiểu không phải ông ta, rõ ràng là cậu.”
“Những người thông qua con đường đấu giá để lấy về tay những món đồ cổ đại khái chia thành ba loại. Một loại là tặng văn vật cho cơ quan bảo vệ, mà theo cách chúng ta thường nói chính là nộp lên cho chính phủ.”
“Một loại giống như cậu nói, cất kỹ, truyền lại.”
“Còn một loại…” Chu Vĩ gật gù, “Chính là công khai triển lãm những món đồ mà mình sở hữu được trong một phạm vi nhỏ, khách mời cũng chỉ mời những người như giáo sư Lý hoặc là những đại gia chung chí hướng, cùng nhau đánh giá và giao lưu, không phải là mang ra khoe khoang.”
Chu Vĩ duỗi một ngón tay ra, lắc qua lắc lại: “Đấy chính là nghệ thuật, cậu không hiểu.”
Phương Nhạc Minh nuốt không trôi bộ dáng này của Chu Vĩ, vươn tay gập ngón tay kia lại, kéo khóe miệng lên cười thảo mai, “Nhưng tình hình bây giờ là các đại gia yêu nghệ thuật chẳng thấy đâu, lại gặp rất nhiều đại sư huyền học.”
Chu Vĩ: “…”
Ôn Bạch: “…”
“Hai người đi nhanh đi, lão Dương gọi tớ lên trước dẫn đường rồi.” Nói xong, Phương Nhạc Minh vội vàng chạy đi.
Lúc này Chu Vĩ mới hỏi: “Bức tranh kia có vấn đề đúng không?”
Ban nãy nghe bọn họ nhắc tới đạo sĩ, hòa thượng, trong lòng cậu ta đã đoán được rồi.
Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì Chu Vĩ cũng là “đồng nghiệp”, Ôn Bạch không giấu giếm: “Ừ, không nhìn thấy đồ vật bên trong tranh nữa.”
Hơn một tháng trước, Trịnh Bác Xương đã chuẩn bị xong xuôi tất cả, dán tranh, khảm viền, đóng khung, trang bị phòng triển lãm nhiệt độ thích hợp, định ngày, cũng phát cả thư mời đi các nơi.
Nhưng trước hôm diễn ra triển lãm một ngày, bức tranh lại gặp vấn đề.
Tranh, không thấy đâu nữa.
Không phải là bị trộm, cũng không phải là mất, mà là đồ vật bên trong tranh biến mất không thấy tăm hơi, chỉ còn dư lại một tấm giấy vàng cũ nát.
Lúc trước Chu Vĩ còn tưởng tình huống bên kia gặp phải tương tự cậu ta, bức tranh bị trộm, chỉ có điều tên trộm là quỷ chứ không phải là người nên cảnh sát dương gian không bắt được.
Bây giờ nghe Ôn Bạch nói vậy, bước chân Chu Vĩ lập tức dừng lại: “Vẽ, vẽ da?”
Ôn Bạch bị đối phương chọc cười, “Vẽ da cái gì, bớt xem phim đi.”
Chu Vĩ không hề cười theo, suy tư một lúc, nhắc nhở: “Tớ nói thật đó, nếu như đúng là bị quỷ quấy phá thì nhất định phải báo cáo với âm ty trước khi có chuyện gì xảy ra, để xảy ra rồi thì sẽ muộn.”
Ôn Bạch hoang mang: “Cậu cảm thấy âm ty sẽ quan tâm vấn đề này à?”
Chu Vĩ cũng không biết rõ lắm về chức trách và phạm vi nghiệp vụ của âm ty, cân nhắc hồi lâu, sau đó nghiêm túc nói: “Nhưng cũng chẳng phải thứ mà người dương gian chúng ta có thể quản được.”
Ôn Bạch nghĩ thầm cũng đúng.
Xử lý xong hết mọi chuyện ở trường, về đến nhà, Ôn Bạch lập tức gọi điện cho Đế Thính.
“Tranh động?” Đế Thính hỏi.
Trầm mặc ngắn ngủi vài giây, Ôn Bạch quyết định kể hết ngọn nguồn.
Đầu dây bên kia nghe Ôn Bạch nói xong, nở nụ cười: “Ừm.”
Không hiểu sao, Ôn Bạch nghe được ý tứ hàm xúc của chữ “ừm” này chính là “vậy thôi à”.
Cậu ngập ngừng hỏi lại: “Chuyện này… không kỳ lạ sao?”
Đế Thính: “Còn phải xem cậu nhìn bằng góc độ nào.”
Ôn Bạch: “… Nhìn bằng góc độ của người dương gian chúng tôi.”
Đế Thính: “Vậy thì đúng là ly kỳ thật.”
Ôn Bạch: “…”
Đế Thính không đùa cậu nữa, “Đồ cổ có linh hồn, thành tinh chẳng phải là chuyện hiếm gặp, cái đèn giấy nhỏ trên tay cậu cũng tương tự vậy.”
Suýt chút nữa Ôn Bạch quên mất.
Nhưng đèn sen nhỏ và bức tranh cổ kia vẫn có gì đó không giống nhau.
“Linh thức của nó, không phải là Lục Chinh cho sao?” Một món đồ cổ tự có linh hồn, một món là Lục Chinh cho.
Đèn sen nhỏ đã từng nói, trước khi gặp Lục Chinh, nó gần như không có chút nhận thức nào, bay tới hoàng tuyền như thế nào, bị rơi lại trên bờ như thế nào, nó hoàn toàn không biết, đều là nhờ sau đó Đế Thính kể lại cho nó nghe.
Đế Thính: “Một nửa một nửa.”
Ôn Bạch: “???”
Đế Thính bổ sung thêm: “Người nuôi nó là Lục Chinh.”
Ôn Bạch càng không hiểu.
Cái gì gọi là “người nuôi nó là Lục Chinh”?
Nếu Lục Chinh cho nó linh thức, theo lý mà nói, chẳng lẽ cũng là “sinh ra nó”?
Đế Thính dường như không muốn nói thêm về đề tài đó nữa, hỏi sang chuyện khác: “Bức tranh kia vẽ cái gì? Người à?”
Ôn Bạch gật đầu: “Ừm, một bức tranh trẻ con dắt trâu của Chu Phù.”
Đế Thính dài giọng: “À, Chu Phù…”
Ôn Bạch: “…”
Giờ lại thêm cái ngữ khí “à, thì ra là ông ta”?
Tuy hơi khó tin nhưng Ôn Bạch vẫn không nhịn được, thử hỏi: “Đừng nói với tôi là anh từng thấy rồi nhé?”
Đế Thính bật cười: “Lạ lắm à?”
Ôn Bạch: “…”
Còn thực sự từng thấy…
Nghĩ lại thì, Đế Thính đã sống mấy trăm ngàn năm rồi, chứng kiến cả cảnh các triều đại thay đổi, huống chi chỉ là một con người có sinh tử bình thường.
Ai cũng phải đi tới âm ty một lần, đồng nghĩa với việc đi qua mặt Đế Thính một lần, nếu nghĩ theo chiều hướng đó thì đúng là chẳng có gì kỳ lạ.
Vẫn câu kia, Đế Thính đâu phải là người.
“Ngoại trừ việc vẽ đứa nhỏ kia khá hơn một chút thì những cái khác vẫn y vậy.” Ngữ khí của Đế Thính cực kỳ bình tĩnh.
Ôn Bạch: “May mà những lời này anh nói với tôi chứ không phải là nói với người khác.”
Đế Thính: “???”
Ôn Bạch: “Bằng không sợ là rất có thể anh sẽ được trải nghiệm cảm giác cái gì gọi là “dạy cậu làm người”.”
Đế Thính: “…”
Nhưng mà những lời Đế Thính nói, Ôn Bạch lại tin, Đế Thính nói đã từng thấy, là thực sự thấy chính phẩm, không phải hàng giả.
Bởi vì “phá núi Lư Sơn, lại thích trẻ con”, chính là Chu Phù.
Chu Phù sống một mình trong núi quanh năm, tự dựng một gian nhà tranh, cho nên tự hào rằng mình là người phá núi, biệt danh Phá Lư tiên sinh thậm chí còn vang dội hơn cả tên của mình.
Chính sử không đề cập tên nhưng dã sử mỗi lần nhắc tới ông ta đều thích kèm theo câu “một ông lão tính tình kỳ lạ”. Ông ta tự mình khai sinh ra một trường phái, tất cả những thứ hợp gu thẩm mỹ lúc đó ông đều không vẽ.
Ví dụ như không vẽ núi vẽ nước, không vẽ hoa vẽ chim, chỉ vẽ một ít cảnh làm nông, gieo trồng vào các vụ mùa.
Chưa cưới vợ, cũng không có con cái, nhưng lại thích vẽ trẻ con nhà nông.
“Bức trẻ con dắt trâu…” Đế Thính suy tư một lúc rồi hỏi tiếp: “Là đứa bé kia chạy ra ngoài hay là dắt theo trâu chạy ra ngoài?”
Ôn Bạch: “…”
“Đứa bé không chạy ra ngoài, cũng không dắt trâu chạy ra ngoài.” Ôn Bạch thở dài, “Chỉ là không thấy đâu nữa.”
Nếu như là cái khác thì Trịnh Bác Xương đã không kinh hồn bạt vía như vậy, nhưng bên trong bức tranh không phải thứ gì khác mà lại chính là người.
Những cái khác chưa nói tới, ví dụ một ngày nào đó đang ngủ thì có một đứa trẻ dắt trâu chạy tới, dù không đáng sợ, dù không hại người nhưng cũng đủ làm cho thần kinh căng thẳng và hư nhược.
Ôn Bạch: “Chuyện này âm ty có quản không?”
Đế Thính nói đồ cổ vẫn có linh hồn, thành tinh, vậy thì vẫn nên hỏi lại cho chắc.
Đế Thính không trả lời, đầu dây điện thoại bên kia truyền tới tiếng mở khóa cửa.
Ngay sau đó, Ôn Bạch nghe thấy Đế Thính nói: “Hỏi ông đó, cái này âm ty có quản không?”
Hiển nhiên là không phải đang trả lời Ôn Bạch.
Cùng lúc đó, tiếng Lục Chinh cũng vang lên: “Ở đâu?”
Ôn Bạch vẫn đang mờ mịt chưa hiểu tại sao người nghe điện thoại đột nhiên đổi từ Đế Thính sang Lục Chinh, theo phản xạ nói: “Cụ thể thế nào tôi cũng chưa rõ, tạm thời mới chỉ có cách thức liên lạc, nếu cần tôi có thể đi hỏi địa chỉ chính xác.”
Lục Chinh im lặng vài giây rồi mới nói: “Tôi đang hỏi cậu.”
Ôn Bạch: “… Ở nhà.”
Lục Chinh: “Sáng sớm mai qua đây.”
Ôn Bạch: “Hả?”
“Hả cái gì mà hả? Tôi là ông chủ, cậu là nhân viên, chẳng lẽ còn muốn tôi sang tìm cậu?”
Ôn Bạch: “…”
Cậu không hề có ý đó, chỉ là tạm thời quên mất mình đang làm việc ở âm ty mà thôi.
“Vâng.” Ôn Bạch ngoan ngoãn đáp.
Nghe ý tứ của Lục Chinh thì có lẽ là âm ty thực sự có quản chuyện này, vậy thì cậu càng phải có mặt từ sớm để thảo luận trước, sợ thời gian hiện tại đã muộn, không tiện làm phiền thêm nữa, Ôn Bạch vội vã nói câu “tạm biệt ông chủ” rồi cúp điện thoại.
Lục Chinh: “…”
Nhìn sắc mặt trầm xuống trong nháy mắt của Lục Chinh, Đế Thính hơi ngạc nhiên.
Với tính tình của Ôn Bạch thì rốt cuộc là đã nói ra điều gì mới có thể làm cho Lục Chinh lộ ra vẻ mặt kia?
Đế Thính nhịn rồi lại nhịn, cuối cùng không nhịn được nữa, hỏi: “Cậu ấy nói gì thế?”
Lục Chinh liếc đối phương một cái, không trả lời, vứt trả điện thoại về rồi quay người rời đi.
Đế Thính bắt được cái điện thoại di động vô tội, cúi đầu nhìn màn hình, cuộc gọi đã kết thúc. Thời gian trò chuyện tổng cộng gần mười phút, chín phút đầu là Đế Thính trao đổi với Ôn Bạch.
Nói cách khác, hai người kia chỉ qua lại được có hai ba câu.
Đế Thính mỉm cười.
Hóa ra không phải là nói gì làm Lục Chinh không vui mà ngược lại, là không nói gì cả nên mới làm người nào đó mất hứng.
[Hết chương 13]

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.