Phù Dung Trì

Chương 3: Bên cầu Nại Hà




Phần VIII: Lăng Thuần Mỹ kể chuyện
Chính Hàn bưng bát cháo loãng ép ta phải ăn, dụ dỗ nếu ta chịu ăn thì hắn sẽ triệu mẫu thân vào gặp mặt. Theo quy cũ trong cung, trừ ngày quốc lễ và ân xá, cấp Tần không thể gặp người thân. Ta miễn cưỡng ăn hết bát cháo, lại ôm họng nín thở không nôn ra ngoài. Ta có thai ba tháng, bụng vẫn chưa thấy nhưng hắn rất thích sờ tìm. Ở hậu cung này, ta là một bà bầu luống tuổi. Sở Chính Hàn là tên háo sắc có mới nới cũ điển hình, phi tử quá hai năm hắn không thèm nhìn nữa, quay sang tìm cỏ non xanh khác. Trừ Hoàng hậu và Qúy phi phải thị tẩm ít nhất một lần trong tháng, những người khác chỉ có cơ hội hai năm, qua hai năm này mà vẫn chưa có con hay chưa thăng đến địa vị vững chắc thì xem như xong!
Ta đã là “vợ già” năm thứ sáu, giờ lại mang thai... Chuyện này... Quá khác thường rồi!.
Con cái của hoàng đế rất nhiều. Đại hoàng tử là người có khả năng làm Thái tử nhất, sau biến cố ở Tây Linh thì đoản mệnh qua đời. Phía dưới còn có năm hoàng tử khác, mười một công chúa. Đứa trẻ trong bụng ta có thể là Thất hoàng tử hoặc Thập nhị công chúa. Sở Chính Hàn rất nhiệt tình, chưa gì đã chuẩn bị sẵn tên. Nếu là con trai thì gọi Sở Hồng Quân, con gái là Sở Phù Dung. Có lẽ hắn để ý thấy ta có thói quen thêu hoa sen.
Ở lâu bên một người, dần dần ta có chút hiểu biết về bản chất của hắn. Hiểu biết này không khác mấy so với ban đầu. Sở đế là gã thô bỉ trong lớp vỏ quân vương đạo mạo. Trước mặt triều thần hắn ra oai, trước mặt cường địch hắn khúm núm, trước mặt con dân làm ra vẻ đấng cứu thế dạt dào yêu thương... Trước mặt ta... Uhm... Hắn khá cẩn thận, ít nói, dường như không biết dùng thái độ gì để đối đãi...
Mùa hè năm đó Dung nhi chào đời, công chúa thứ mười hai của Trung Lương. Con bé quá nhỏ, yếu ớt, sợ là không nuôi được. Lúc tỉnh lại nhìn thấy chú khỉ con tím ngắt, ta ân hận khôn cùng. Sau hai lần sảy thai, sức khỏe ta xuống dốc, không phù hợp đẻ sinh con nữa. Bây giờ ôm Dung nhi trong lòng, ta hoài niệm hai đứa con trước... Nếu ta không hồ đồ nhẫn tâm, nếu ta lý trí hơn... Nếu ta giữ lại chúng... Có lẽ hiện giờ chúng đang chạy nhảy xung quanh...
Khi đó ta còn quá trẻ, lại gặp cú sốc lớn mất đi Lâm Xương, oán hận ngút trời đối với Sở Chính Hàn, ta tuyệt đối không sinh con cho hắn! Bây giờ giữa ta và hắn hòa hoãn lại, chuyện cũ thì đã qua lâu, ít nhiều nguôi ngoai. Quan trọng hơn là ta đã trưởng thành, hiểu được sự cô độc của người phụ nữ không có con cái... Đối với Dung nhi, Sở đế không chê không khen, hắn ban thưởng những phúc lợi nên có của một công chúa, đối xử rất bình đẳng. Ta cũng hy vọng con bé có thể an ổn mà lớn, gả cho người nó thương, không khổ sở giống ta nữa.
Trong ba năm nuôi nấng Dung nhi, thái độ của hoàng thượng vẫn như cũ, đến Phù Hoa cung nhiều hơn hết nhưng cũng không bỏ qua mấy tần phi trẻ đẹp. Bản tính của nam nhân là vậy chăng? Hắn bốn mươi tư, độc tố trong người nhờ áp chế cẩn thận mà không già thêm, gần giống với tuổi tác. Khách quan mà nói mặt mũi Sở đế nhìn không tệ, nhưng chính tác phong thô thiển làm cho hắn trở nên tầm thường. Ta không rõ bên ngoài hắn cư xử thế nào, ở cùng ta luôn tùy hứng cẩu thả, giống kẻ lưu manh vô học. Hắn ăn cơm rất nhanh, ngồm ngoàm, rơi vãi, cứ như chết đói ba đời. Ta vốn là khuê nữ nhà quan, không nhìn vừa mắt chút nào. Hoàng cung đào tạo nô tài tốt lắm mà, sao ông vua thế này lại không có chút phong phạm?
Sở Chính Hàn chả thông minh gì, hay do dự, thiếu quyết đoán. Tuy nhiên, hắn biết rõ ai nên tin, ai được việc, ai có thể giao phó. Trong lúc hắn mù tịt không nghĩ ra cách thì ý của triều thần chính là ý của hắn. Một hoàng đế vô tài như vậy chỉ dựa vào cách dùng người mà có thể duy trì đất nước, quả là hiếm thấy! Chữ của Sở đế cực xấu, như gà bới. Hắn ý thức được điều này mà lười không rèn luyện, bắt ta phải giả chữ viết thay. Viết mãi rồi nét chữ của ta cũng đổi, bớt mềm mại, thêm cứng rắn, pha lẫn chút gì sắc sảo phong uy.
Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua, Dung nhi lên hai tuổi, thân thể thường bệnh tật, gầy nhỏ. Con bé mỗi ngày phải uống thuốc, ta thấy mà thương đứt ruột. Thái y rất tận tâm chăm sóc nhưng cũng vài lần nhắc khéo ta nên chuẩn bị tinh thần. Phù Dung... Có lẽ nó sẽ không kịp trưởng thành...
Mùa xuân năm thứ tám, ta đi lễ chùa xin bùa bình an cho con. Không ngờ chuyến đi này ta gặp lại cố nhân. Lâm Xương! Lâm Xương! Tại sao chàng chưa chết? Tại sao chàng trở về? Lâm Xương giả dạng sư tăng trong chùa, ẩn dật đã nhiều năm. Chàng có một đứa con gái cực kì xinh đẹp, trên trán mang bớt hồng hoa sen. Lâm Xương nói đứa trẻ do một vị ân nhân sinh ra, chàng chịu ơn cứu mạng của bà ấy nên phải cưu mang, xem như con gái ruột. Đứa bé này lớn hơn Dung nhi tám tháng, khỏe mạnh hồng hào, không khó đoán sau này là một tiểu mỹ nhân. Lâm Xương cùng đứa trẻ sống rất khổ, vừa trốn tránh kẻ thù truy bắt, vừa lo chuyện áo cơm. Ta tin rằng cuộc tẩu thoát ly kì của chàng năm đó là do ông trời thương người hiền lương, để cho chàng và ta gặp nhau lần nữa...
Ta âm thầm giúp đỡ tiền bạc và nơi ở, để hai cha con họ an ổn sống qua ngày. Dĩ nhiên ta làm rất kín đáo, nếu Sở đế biết tên tử tù Lâm Xương vẫn chưa chết, rất có thể ông ta sẽ truy lùng cho bằng được. Khi Dung nhi lên ba tuổi, bệnh tình càng trầm trọng, tóc trên mái đầu ta bạc trắng. Vào một buổi sáng se lạnh, ta phát hiện con bé không bao giờ tỉnh lại... Ngay lúc đó người liên lạc báo cho ta biết Lâm Xương bị giết chết. Qúa nhiều chuyện ập tới trong một buổi sáng, hai người thân yêu của ta đều ra đi...
Vào lúc rối rắm và đau khổ ấy, ta nghĩ mình phải che chở cho hài tử kia, không phụ lòng phó thác của chàng. Ta lén đưa cô bé vào cung, thay đổi thân phận thành Dung nhi, tung tin con gái bị bệnh truyền nhiễm không thể tiếp xúc gần. Sở đế đến thăm mấy lần, ta không cho hắn gặp. Lá gan của ta ngày càng lớn, tráo đổi cốt nhục hoàng gia mà cũng dám làm! Dung nhi chết rồi, ta thực sự xem đứa trẻ này là con ruột. Về phần hoàng đế ta không có sức nghĩ nhiều, giấu ngày nào hay ngày đó.
May là Sở Chính Hàn vẫn giữ thói có mới nới cũ, sau nửa năm ông ta đã quên béng ta, lại lượn lờ bên các tần phi khác. Con gái bí mật lớn lên, không phải gặp vua lần nào. Trẻ con thay đổi diện mạo rất nhanh, ta tin rằng mấy năm nữa sẽ khó mà nhận ra. Lần đầu tiên Phù Dung gặp “phụ hoàng” của nó là khi nó tròn tám tuổi. Con bé ham chơi bị lạc trong hoa viên, vừa khéo lúc bệ hạ đi qua... Ta biết tin vội vã chạy tới, toát mồ hôi lạnh. Sở đế rất thờ ơ, chỉ nhìn qua Dung nhi một lần, hỏi thăm mấy câu. Lúc trông thấy ta hốt hoảng chạy tới, ông ta cười giễu cợt
- Ái phi, thật lâu không gặp... Nàng sợ bóng sợ gió gì vậy?
Ta linh cảm Sở đế biết chuyện gì rồi nhưng nhiều ngày sau vẫn không động tĩnh. Với lòng kiêu hãnh của đấng vương tử, nếu ông ta biết con mình bị giả mạo chắc chắn sẽ không bỏ qua. Ta yên tâm hơn, cẩn thận dạy dỗ con gái tránh nơi đông người, an phận sống trong cung... Phù Dung càng lớn càng xinh, chơi rất hợp với Lăng Quân. Nhà họ Lăng ở kinh thành chính là trưởng tộc của ta, năm đó Lâm Xương thi đỗ Thám Hoa cũng nhờ họ chiếu cố. Ba vị thiếu gia đều gọi ta là “biểu cô”, Lăng Kì là Hộ quốc tướng quân, Lăng Thế là phò mã đương triều. Nhà họ Lăng phất lên đứng đầu các đại gia tộc. Lăng Quân không có tài cao như các anh nhưng là đứa nhỏ thiệt thà trung hậu. Nhìn hai đứa cùng lớn lên, tình cảm thắm thiết, ta nhớ đến chính mình và Lâm Xương thuở bé. Lòng ta đã định phải giúp chúng nó thành duyên vợ chồng, không để kẻ thứ ba cướp đi hạnh phúc.
Thời kì này Khương La rất hùng mạnh, láng giềng xung quanh Trung Lương lần lượt bị xâm chiếm, Sở Chính Hàn ngày đêm lo âu. Lão ta là con sói già, thêm một bầy cáo thuộc hạ rất đổi trung thành bèn mưu tính giữ lấy thân. Ngũ công chúa vừa đến tuổi thành thân, là con gái của Qúy phi nương nương, tài mạo song toàn. Hắn dùng chiêu bài hòa thân để “câu giờ” với Hạ Hầu Vĩnh Khang. Thiên Vĩnh đế ta cũng nghe nói nhiều, còn rất trẻ, là một hoàng đế tài ba đúng nghĩa, không giống Sở Chính Hàn. Lần này hắn đích thân đến Trung Lương dưới cái cớ đón dâu, dù không liên quan gì đến ta nhưng lòng ta vẫn bồn chồn...
Thiên Vĩnh đế... Tuổi trẻ tài cao... Lòng tham không đáy...
Hắn và Phù Dung không nên gặp nhau!
Ta cấm túc Dung nhi, ép nó thêu bình phong hồng liên với một trăm chữ Phật. Con gái ta ta hiểu, nếu không may bị hoàng đế Khương La nhìn thấy rất có thể sẽ giống như ta bị Sở đế nhìn thấy!
Người tính không bằng trời tình, Dung nhi và Hạ Hầu Vĩnh Khang vẫn gặp nhau. Đứa con gái ngoan ngoãn của ta đột nhiên giở chứng, lén lút xuất hiện trong bữa tiệc đề thân của Ngũ công chúa, còn hiến vũ một điệu múa tuyệt sắc gọi là “Phù Dung Lưu Hương”. Trong đôi mắt lấp lánh của nó, ta nhìn ra... Nó phải lòng hoàng đế trẻ kia rồi!
Chẳng ngoài dự đoán, Thiên Vĩnh đế bị mê hoặc, không bỏ qua Ngũ công chúa còn đòi thêm Thập nhị công chúa. Ta điên tiếc đánh mắng Dung nhi, đó là lần đầu tiên ta mạnh tay với nó.
- Tại sao, tại sao? Con không biết Tiểu Quân có ý với con sao? Tại sao lại bội bạc nó??? Đứa con gái hư vinh này, mẫu phi đánh chết ngươi!!!
- Mẹ! Mẹ! Con rất thích Lăng Quân nhưng con không yêu huynh ấy. Con muốn đi theo chàng, chỉ có chàng mới khiến con rung động. Mẹ, xin tha lỗi cho con gái bất hiếu, con muốn gả cho Vĩnh Khang!
Nó không giống ta, khi xưa ta vì Lâm Xương không tiếc mạng sống, bây giờ nó phản bội Lăng Quân để theo đuổi thứ hào hoa ảo dịu. Thiên Vĩnh đế là ai chứ? Hắn là con hổ dữ, ở đất khách quê người Dung nhi sẽ bình an sao? Một ngày nào đó hắn đem quân giết con dân Trung Lương, Dung nhi sẽ chống lại hắn sao? Con đường này là vực thẳm, rồi có ngày nó sáng mắt ra!
Kẻ đó như bông hoa rực rỡ biết ăn thịt người, tỏa ra mê dược. Con gái ta chỉ là chú bướm nhỏ ngu ngốc đậu lên cánh hoa...
- Sở Phù Dung, mẹ nói cho con biết. Đi theo hắn con sẽ khổ cả đời, bây giờ con bị tình yêu làm mù mắt, lời ta nói như nước đổ lá môn. Nhưng một ngày nào đó con trưởng thành, con sẽ hiểu mẹ luôn muốn tốt cho con...
Phù Dung đứng lên cửa sổ, bớt hoa sen trên trán diễm lệ, đôi mắt ướt kiên định rõ ràng. Nó nói:
- Đa tạ ơn dưỡng dục của mẹ. Dung nhi là đứa bất hiếu. Cho dù ở bên cạnh chàng là nằm trong vạc dầu, con vẫn muốn đi.
Hỡi thế gian tình là gì mà người ta cố chấp như vậy? Biết rừng dao biển lửa mà vẫn nhảy vào.
Đưa tiễn con gái đi vào lối chết, ta thấy mình hiu quạnh và bất lực. Sự kiện hòa thân chỉ đổi được hòa bình trong mấy năm, rốt cuộc Khương La cũng dấy binh. Dung nhi ở bên kia có phải đang cầu khẩn hắn, van xin hắn? Công chúa Trung Lương sẽ bị đối xử ra sao? Nàng giống như con cừu nhỏ sống trong bầy sói, lòng thù nước thù nhà có làm bớt đi tình yêu đơn thuần thuở ban đầu?
Những chuyện sau này ta không hề biết, bởi vì sinh mệnh của ta cùng kết thúc với giang sơn này. Trung Lương nước nhỏ thế yếu, quân thần đã cố hết sức nhưng không thay đổi được số mệnh. Ngày cuối cùng trước khi quân địch khống chế hoàng thành, ta mặc váy trắng đến đại điện tìm Sở Chính Hàn. Lão già rồi, không ngồi thẳng trên ngai vàng được nữa. Lão nhìn ta với đôi mắt phức tạp
- Bà nên đi, đừng ở đây chịu chết!
Ta thừa nhận ông ấy là một vị vua rất có tư cách. Ít nhất ông ta không tham sống sợ chết, muốn đồng vu quy tận với giang sơn. Ta kính cẩn quỳ dưới chân lão – hoàng đế của ta.
- Thần thiếp bầu bạn với bệ hạ.
Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo. Lão cười cợt:
– Hết rồi... Trung Lương hết rồi, Sở gia hết rồi... Tôi chỉ còn lại bà. Tại sao bà không đi? Tôi cứ nghĩ người đầu tiên bỏ chạy phải là bà chứ?
Ta cúi đầu không đáp, lão lại nói tiếp:
- Thuần Mỹ, trẫm gọi thẳng tên bà được chứ? Bao nhiêu năm rồi bà có từng suy nghĩ cho trẫm một chút không? Nếu đã vô tâm vô tình, tại sao bây giờ còn bày vẻ như thế?
- Hoàng thượng nói gì thiếp không hiểu?
- Ha ha ha... Bà không hiểu? Lăng Thuần Mỹ, bà chung tình với Lâm Xương cho nên ta phải cưỡng ép. Họ Lâm to gan dám mưu sát trẫm, mầm họa này không thể giữ nhưng ta lại thuyết phục Quốc sư tha cho hắn một mạng. Bởi vì bà yêu hắn, ta không muốn bà đau lòng. Nhưng mà... Bà khăng khăng oán thù ta, lá thư của Lâm Xương gửi cho bà ta cố tình đặt trong bộ váy hồng liên. Bà đem váy ta tặng châm mồi lửa...
Ta bàng hoàng nhìn lão. Có sao? Lâm Xương... Là lão chủ động tha mạng cho? Không thể nào!
Sở đế uống cốc rượu, ngà ngà say nói tiếp
- Bà giữ lại Dung nhi... Ta cứ tưởng bà đã hoàn tâm chuyển ý. Kết quả bà giết cốt nhục của trẫm! Giết cốt nhục của trẫm rồi thay con gái Lâm Xương làm công chúa!!! LĂNG THUẦN MỸ! Khi ấy ta đã sai người đem tấc lụa trắng đến cho bà, nhưng giữa đường lại lệnh quay về! Ai bảo trẫm mềm lòng, ai bảo trẫm nhu nhược...
Ta run rẩy ngã xuống đất, rơi lệ phân trần:
- Không phải... Thần thiếp... Thần thiếp không giết con! Dung nhi bệnh quá nặng, vào một sáng im lặng qua đời... Khi đó Lâm Xương lại bị kẻ thù giết chết. Thiếp nể tình xưa mà cho Phù Dung một nơi nương tựa... Thiếp không cố ý...
Chính Hàn ném ly rượu xuống đất, tức giận quát lên:
- Câm miệng! Trẫm không tin, bà đừng dối trá nữa! Đã nhẫn tâm giết hai đứa con đầu... Thêm đứa thứ ba nào có khó gì!
Chuyện này lão cũng biết! Chuyện gì lão cũng biết! Là ta ngu muội tự phụ, tưởng mình thông minh lắm... Sở Chính Hàn không ngốc, hắn biết rõ chuyện ta làm mà không truy cứu... Ta... Ta...
Ngước nhìn người đàn ông từng có tất cả trong tay, nay mất hết giang sơn gấm vóc, già nua và tuyệt vọng, ta tự thấy mình bé nhỏ vô cùng. Gã thô bỉ tục tằn này... Tên hoàng đế vô tài này... Ông đâu cần vĩ đại như thế.
- Bệ hạ... Ngài... Yêu thần thiếp sao?
Sở Chính Hàn khựng lại, lão nghiến răng nghiến lợi:
- Không có! Trẫm hận bà thấu xương!
Ta từ trên đất bò dậy, thật chậm đi về phía lão, lại hỏi lần nữa:
- Bệ hạ, ngài yêu thần thiếp sao?
Sở Chính Hàn không thèm nhìn, dứt khoát quay mặt đi. Ta ở sát bên lão, khuất phục quỳ dưới chân lão, gối đầu lên đôi chân hao gầy.
- Ngài nên nói sớm... Sao cứ giữ trong lòng? Thiếp đâu phải ả đàn bà lòng lang dạ sói như thế, Dung nhi yểu mệnh không thể sống lâu, thiếp cũng đau đứt ruột. Hoàng thượng, tạ ơn ngài luôn luôn bao dung. Là thần thiếp có mắt như mù, cô phụ chàng...
Sở Chính Hàn im lặng, nhìn quanh đại điện vắng tanh, nghe tiếng đao binh giao tranh ngoài kia, biết rằng thời gian không còn nhiều nữa.
- Bà... Thật sự không hại con của trẫm?
- Thiếp thề với trời!
Sở đế chậm chạp nhìn xuống, nhiều năm như vậy giờ ta mới biết ông có đôi mắt rất dịu dàng, sâu đen và ấm áp.
- Thuần Mỹ...
- Bệ hạ... Thật xin lỗi...
Ông thở dài, vươn tay ôm lấy ta, lâu quá rồi ta không cảm thấy cái ôm bá đạo này.
- Thuần Mỹ, trẫm bất tài ngồi đây chờ chết. Nàng không cần thương hại...
- Bệ hạ, thần thiếp là phi tử của ngài. Muốn tuẫn táng cùng ngài, không phải vì thương hại.
- Ừ, nàng là vợ trẫm, nên chết cùng trẫm!
Trung Lương tắm trong bể lửa, một vương quốc biến mất trên bản đồ. Ta không biết mình có được an táng với lão hay không, bởi vì ta cùng lão uống độc dược, ôm nhau chết trên ngai vàng. Những chuyện về sau không liên quan tới ta nữa, Sở Phù Dung ra sao ta cũng không biết, hy vọng con bé có thể vượt qua nỗi đau mà sống tiếp...
Lúc hồn linh của ta mơ màng đi qua cầu Nại Hà... Ở đầu cầu bên kia có bóng dáng quen thuộc...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.