Những Vụ Án Trên Thế Giới

Chương 223: Gã thầy bùa giết người luyện Thiên Linh Cái(p1)




Cù lao Tân Huề, Tân Quới, Tân Bình (thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) có một ngôi mồ hoang, nằm chìm nghỉm dưới vũng lầy toàn có dại xen lẫn bèo tây. Ngôi mộ ấy là của một tử tội, thầy bùa khét tiếng, kẻ đã hãm hiếp và giết 4 phụ nữ để lấy sọ luyện bùa phép.
Mỗi khi nhắc về gã, bất cứ ai ở cù lao Tân Bình cũng dấy lên những cảm xúc căm phẫn của riêng mình. Bởi trước đó trong tâm trí những người nông dân chân chất nơi đây, gã như là Đức Phật tái thế. Họ đã từng đặt hết niềm tin vào gã, để rồi khi tội ác của gã bị phơi bày, cả cù lao chìm trong bàng hoàng sợ hãi.
Hắn là một kẻ cuồng tín, vì tin vào phép tà thuật ma quái đã đi lừa các thiếu nữ, lập mưu giết hại rồi chặt đầu mang vào hầm bí mật thờ cúng để luyện pháp công. Vụ việc này chỉ được làm sáng tỏ khi mà Công an tỉnh Đồng Tháp mở một chuyên án điều tra…
1. Kẻ hành khất bí ẩn
Cho đến ngày nay, về cùa lao Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, hỏi chuyện về gã thầy bùa Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1957) không ai là không biết. Người ta còn sẵn lòng ngồi hàng giờ kể cho chúng tôi nghe hàng loạt câu chuyện về gã thầy bùa tự xưng là có sức mạnh vô song này.
Ông Châu Văn Nhã, 54 tuổi, một người hàng xóm gã thầy bùa cho đến nay vẫn còn cảm thấy run sợ trước những gì đã diễn ra. Nay thì Tuấn đã phải trả giá trước pháp luật, vụ án trước đây đã lùi xa nhưng cứ hễ khi nhắc đến là ông Nhã lại cảm thấy lạnh hết sống lưng bởi sự dã man của tên giết người này.
Theo lời kể của ông Nhã thì vì nghe lời Tuấn khuếch trương, người dân cù lao tin rằng nếu như sau này nếu luyện xong Thiên Linh Cái, hắn sẽ có sức mạnh vô song, đạn bắn không xuyên thủng người, đi vào nhà tàng hình không ai biết.
Nhìn vào cuộc sống, thể chất cũng như phong cách của hắn lúc mới chuyển đến, ai ai trong ấp chúng tôi cũng nghĩ hắn nói đúng, nhất là chị em phụ nữ. Bởi hắn đánh trúng tim của chị em nói riêng và người dân ở cù lao này nói chung, khi chữa bệnh miễn phí cho bà con nơi đây.
Vốn dĩ Phạm Văn Tuấn không phải là dân gốc ở cù lao Bình Tân này. Gã quê ở một vùng miền quê nghèo Cần Đăng, tỉnh An Giang. Cuộc sống khó khăn ở miền quê đã xô đẩy gã trôi nổi kiếm sống đó đây trên chiếc ghe chồng chềnh sóng nước.
Vào một ngày khoảng những năm 1995, sau nhiều năm lênh đênh ghe thuyền bon chen cuộc sống, rồi hướng sơn (Núi Sam, Đồng Tháp) “tầm sư học đạo”, gã cập bến kênh Mã Trường, ấp Hạ, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Buổi chiều hôm gã ghé bến phà, bầu trời cù lao Tân Bình bỗng đổ mưa, lành lạnh. Gã chọn nơi đây làm chỗ neo đậu, bởi gã nghĩ rằng nơi đây cách biệt với đất liền nên hắn có thể thực hiện những kế hoạch của mình.
Là một người ít học nhưng bù lại gã được cái “mồm mép”. Đến đây ngày thứ nhất thì ngày thứ hai gã đã bắt chuyện với bà con khu ấp thân thiết như đã quen từ bao giờ. Gã nói với bà con gã là một người tu hành. Rằng trong thời gian dài, gã đã lên núi Sam thỉnh giáo sư phụ và được chỉ cho rất nhiều chiêu thức để trị bệnh và gã đang tích cực luyện Thiên Linh Cái, một ngày nào đó, mọi thế lực trần gian sẽ không còn làm gì được gã nữa, súng đạn không có giá trị với thân xác của gã.
2. Tạo dựng niềm tin mù quáng
Không những nói, mà gã còn tạo được lòng tin nơi bà con xứ cù lao này bằng việc làm. Gã hỏi thăm những người trong cù lao ai bị bệnh gã sẽ thăm khám và chữa trị miễn phí cho họ. Y chữa bệnh bằng bùa kết hợp với bốc thuốc.
Ban đầu chẳng ai thèm để ý đến những lời lẽ trơn mứt đó của gã, nhưng lâu ngày, thấy gã một mình cô độc trên chiếc ghe, ăn chay trường và vui vẻ hòa đồng, mọi người bắt đầu chú ý và tin lời gã. Một người, hai người rồi ba người trong cù lao bị bệnh đến nhờ gã chữa trị.
Mặc dù bệnh không hết nhưng bị tiêm nhiễm những triết lý về Thiên Linh Cái và sức mạnh “ảo” của gã trong tương lai, ai đến với gã cũng tâm phục khẩu phục về người đàn ông kỳ quặc này.
Ban đầu gã trị bệnh một cách nhiệt tình và hết mình, bởi thế, gã sớm nhận được lòng tin nơi bà con nơi đây. Ai gã cũng nhận lời chữa, bệnh gì gã cũng trị. Một người phụ nữ ở An Giang nghe tiếng đồn y chữa bệnh tốt nên đã đưa người chồng bị bệnh HIV giai đoạn cuối đến nhờ y, y cũng nhận lời. Nhưng hai ba ngày nằm vật vã kêu rú trên ghe, không biết y chữa trị thế nào rồi anh ta cũng ra đi.
Những người khác bị bệnh nan y, bệnh viện trả về y cũng nhận lời chữa. Nhưng kết quả chết cũng phải chết. Thấy y tận tâm như vậy, ai trong cù lao cũng cảm phục y và tiếng lành ngày một đồn xa hơn. Từ đó có rất nhiều người từ khắp nơi tìm đến với gã, nhất là chị em phụ nữ trẻ đẹp. Với chị em trong cù lao này, gã là một “siêu nhân”, một Đức Phật tái thế vậy.
Những lời ngon ngọt và việc chữa bệnh từ thiện của gã lại được tô đắp thêm bằng về bề ngoài hào hoa phong nhã. Ông Nhã nói về người hàng xóm cũ của mình: "Y cao lớn và khỏe mạnh lắm. Tướng đi nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng y hệt con cái nhà võ. Bởi thế, dù đã luống tuổi nhưng thanh niên trai tráng trong cù lao thấy gã cũng nể phục. Hơn nữa, gã đến đây với đầy đủ giấy tờ nên chẳng ai nghi ngờ gì về gã cả."
Ngoài cái tên thầy bùa, trước đây gã còn được bà con xứ cù lao này đặt cho một biệt danh khác, thầy Hai Tưng. Cái tên có nguồn gốc của nó. Vì gã là một thầy bùa có vẻ hào hao, phong cách sống lập dị, đã thế, gã lại còn chữa bệnh không công nên bà con nơi đây bảo gã bị “tưng tửng”. Họ gọi gã là Hai Tưng là vì thế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.