Người Tìm Xác

Chương 75: Hồ Nước cổ quái




Mặt trời ngã về phía Tây, bóng đêm lại bao phủ. Vào ban ngày, vùng biển này trông rất yên bình, nhưng đến đêm thì trở nên kinh khủng lạ thường.
Tôi không có sở thích ngắm biển đêm nên trở về khoang.
Ai ngờ vừa đi vào, thuyền trưởng hô lên: “Có một hòn đảo nhỏ phía trước, nhìn ánh đèn trên đảo, chắc là có người ở.”
Nhìn ánh đèn lấm tấm ở đằng xa, xem ra nơi này cũng không quá sầm uất, nhân khẩu không nhiều, có lẽ chỉ là một làng chài nhỏ thôi. Luật sư Nghiêm bảo thuyền trưởng cập bờ, ông ta để hai thành viên ở lại trông thuyền, còn những người khác đều xuống hết.
Vừa lên đảo, chúng tôi bắt gặp rất nhiều dân địa phương đang làm việc bên bờ biển, hình như họ đang thu hoạch đồ khô.
Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 8 giờ tối, ở đây đúng là vất vả, đã trễ rồi mà vẫn còn làm việc. Thấy có nhiều người lạ lên đảo, họ cùng bỏ công việc xuống, tò mò nhìn chúng tôi.
Ivan đi tới hỏi thăm một người gần đấy, nghe họ nói, đúng là loại ngôn ngữ mà chúng tôi đang tìm kiếm. Nếu vậy, gã đánh cá đen gầy bắt Trương Tuyết Phong kia dù không phải người ở đây, thì chắc cũng gần đó.
Tôi nhìn Ivan nói với họ rất lâu, càng nói càng vui vẻ, người đó còn mời Ivan và chúng tôi tới thôn của họ, mọi người đều hào hứng đồng ý đi cùng.
Ivan nói, ngư dân kia là Laur, anh ta sống ở đây với vợ gần 15 năm rồi. Tuy nơi này lạc hậu, nhưng người dân ở đây đều rất hiền lành, tốt hơn đám người ở thành thị nhiều, nên họ rất thích cuộc sống tự cung tự cấp của nơi này.
Anh ta còn thăm dò được, đây là một đảo vô danh, vì quá nhỏ nên nó không có tên trên bản đồ Philippines, chỉ là một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Babuyan.
Vài thập niên trước, nơi này chỉ là một hoang đảo không người. Sau này thỉnh thoảng có vài ngư dân đi đánh cá lên đảo nghỉ ngơi, được một thời gian dài, họ đóng tạm vài căn nhà giản dị có thể che gió che mưa. Dần dà có người chuyển đến đây định cư, và hình thành nên làng chài nhỏ như bây giờ.
Laur đưa đoàn chúng tôi đến sân nhà mình, mặc dù chỉ là một căn nhà có sân vườn đơn sơ, nhưng nó được quét dọn rất sạch sẽ. Lúc này, có một người phụ nữ vác bụng to đi từ trong nhà ra, cô ấy giật mình nói với Laur vài câu, chắc hỏi chúng tôi là ai.
Laur cười rồi giải thích cho cô ấy, người phụ nữ đi vào trong nhà và mang ra một bình nước nóng. Tuy nghèo nhưng họ lại rất hiếu khách.
Ivan nói với Laur, chúng tôi đến đây để tìm kiếm một thương nhân người Hồng Kông mất tích nhiều năm trước, cũng hỏi thăm anh ta xem, có nghe nói đến người nào là Trương Tuyết Phong người Hồng Kông, 20 năm trước từng đến nơi này không.
Laur lắc đầu, anh ta và người nhà cũng mới đến đây khoảng 15 năm. Trước thời gian đó, họ sống ở đảo Luzon, vì quá nghèo, không mua nổi nhà nên họ quyết định sống luôn trên thuyền. Sau này nghe được bạn đánh cá nói hòn đảo nhỏ này có thể ở được, thế là anh ấy đưa cả nhà tới đây.
Sắc trời ngày càng tối đen, có rất nhiều ngư dân lục tục quay về thôn. Họ thấy nhóm chúng tôi ngồi ở trong nhà Laur, cũng tò mò đến nhìn.
Laur giúp chúng tôi hỏi thăm một số thôn dân sống lâu năm ở đây, xem họ có biết ai là Trương Tuyết Phong, người Hồng Kông, đã từng đến đây 20 năm trước không?
Họ đều mù mờ, tựa như đây cũng là lần đầu tiên họ nghe thấy cái tên đó. Lẽ ra dân Philippines không xa lạ gì với người Hồng Kông, vì trước kia phụ nữ Philippines rất thích đến Hồng Kông làm người giúp việc để giúp đỡ gia đình.
Lúc này, có một ngư dân lớn tuổi nói với Ivan, ông ấy nghe Anh Hồng hàng xóm nói, cha của cô ấy hồi xưa từng giúp một đám người Hồng Kông chở hàng lậu trên biển, nhưng có một lần ông ta ra biển rồi không trở về nữa.
Chúng tôi nghe xong, cảm thấy có hi vọng tìm được manh mối, nên bảo Ivan tiếp tục nghe ngóng từ ông bác lớn tuổi kia, hỏi xem hàng xóm của ông ấy bây giờ đang ở đâu? Cuối cùng ông ấy nói, Anh Hồng ra biển đánh cá vẫn chưa về. Vì thuyền của nhà lớn, nên bình thường cô vẫn hay đi đánh cá ở xa, thường mấy ngày mới về một lần.
Luật sư Nghiêm và chú Lê bàn bạc, thấy cứ tìm loạn lên thì chẳng bằng ở đây chờ người tên Anh Hồng kia về, không chừng đó là đầu mối có ích ấy chứ? Đoàn chúng tôi quyết định cắm trại ở đây, và mua luôn đồ ăn của ngư dân trên đảo để đợi Anh Hồng trở về.
Ăn tối xong, tôi và Đinh Nhất định đi dạo quanh đảo một chút, nhưng chú Lê lại nhắc hai chúng tôi phải cẩn thận mãi, bảo là trên đảo có rất nhiều rắn, côn trùng, chuột, kiến, không được để bị cắn.
Tôi vỗ vai Đinh Nhất, đùa: “Chú Lê cứ yên tâm đi, Đinh Nhất là thuốc trừ rắn, vật phẩm cần thiết phải mang lúc đi du lịch đấy!”
Chú Lê lắc đầu cười, rồi xua tay: “Đi nhanh về nhanh, đừng đi xa quá đấy.”
Nói thật, chúng tôi cũng không có khả năng đi quá xa, vì Ivan đã nói hòn đảo này rất nhỏ. Đi từ Nam đến Bắc cũng chỉ mất khoảng ba, bốn tiếng, nên tôi chỉ muốn giãn gân cốt một tý thôi, bởi vì trước đó đi thuyền quá khó chịu.
Không khí trên đảo rất ẩm ướt, vừa nóng vừa ngột ngạt khiến tôi luôn có cảm giác như trên người mình dính nhớp. Thế là tôi lôi kéo Đinh Nhất đi tìm khắp nơi, không ngờ lại tìm được một hồ nước nhỏ thật.
Vị trí của cái hồ này rất bí mật, cỏ xung quanh mọc rất cao, nhưng thỉnh thoảng lại có trận gió mang theo hơi nước mát lạnh từ hồ thổi tới, khiến cơ thể cảm thấy vô cùng sảng khoái. Tôi muốn nhảy ngay vào hồ để tắm, chắc chắn sẽ rất đã!
Ai ngờ ngay lúc tôi đang muốn xuống hồ thì bị Đinh Nhất kéo lại: “Nước trong hồ này không sạch sẽ, không thể xuống được.”
Không sạch sẽ? Tôi cảm nhận một lúc rồi nói với anh ta: “Làm gì có, tôi không cảm giác được có thi thể mà!”
Nhưng Đinh Nhất lại nói: “Nơi có thi thể chưa chắc đã không sạch sẽ, tóm lại cậu không thể xuống hồ.”
Bị nóng đến khó chịu, thấy anh ta không cho mình xuống nước, tôi hơi bực bội, bèn đẩy tay anh ta ra và nói: “Dựa vào cái gì mà anh nói không cho xuống là tôi không được xuống hả! Ở đây có thứ không sạch sẽ hay không chẳng lẽ tôi còn không biết?”
Nói xong, tôi đi đến chỗ hồ nước. Nhưng chưa đi được hai bước, đột nhiên có người gọi ở phía sau. Tôi khó hiểu quay đầu, thấy Laur đang lo lắng chạy tới chỗ mình, anh ta đi tới rồi lôi xềnh xệch tôi về, vừa đi vừa xì xầm gì đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.