Ngục Thánh

Chương 86: 7 x ? = 11




Ngày 27 tháng 3, họ Thát tổ chức tiệc mừng người con út của ông Thát Hãn tiếp quản công việc gia đình. Từ chân núi đến lâu đài, xe kéo tàn ảnh nườm nượp lên xuống. Trên xe, Vô Phong chống cằm lơ đãng nhìn bầu trời dày tuyết. Bằng giờ này năm ngoái hắn lần mò ví tiền của Tiểu Hồ rồi chạy trối chết trên cầu sông Vành Đai Xanh, cũng giờ này ngày mai là sinh nhật Lục Châu. Nghĩ tới đó hắn mở máy chiếu cá nhân, dùng vốn ngôn ngữ hạn hẹp nặn ra một bức thư gửi công chúa. Thấy chưa đủ, hắn thảo tiếp một tin nhắn thăm hỏi Tiểu Hồ. Chợt thấy Mi Kha ngó mình cùng nụ cười nhếch mép, hắn chỉ nhíu mày ngó lại thay vì giấu giếm dấm dúi. Cô ả nháy mắt:
-Tôi cứ nghĩ anh ngốc nghếch, hóa ra cũng chu đáo nhỉ?
Tên tóc đỏ bình thản trước câu nói kháy. Mấy ngày đi cùng, hắn dần quen cái nhìn thọc mạch của Mi Kha. Sau nhiều suy ngẫm, rốt cục hắn không yêu cầu cô ta ngừng bám theo mình. Chừng nào còn ở Băng Thổ thì cô ả còn quan trọng với hắn. Không có Mi Kha dùng bài quyến rũ ở nhà 389, Vô Phong chưa chắc đã đến Hoàng Hôn Cảng. Nhưng hắn vẫn chưa hiểu tại sao Mi Kha đi theo. Vô Phong đoán cô ả muốn tìm hiểu Thổ Hành và trả thù cho Si Thăng. Nhưng hắn cũng không loại trừ khả năng Trần Độ cử Mi Kha giám sát mình. Trần Độ và Mi Kha, có thể lắm chứ! – Hắn nghĩ. Cảnh báo từ Tây Minh và lời khuyên của Thày Dạy Học còn đó, hắn vẫn nhớ rõ.
Khách dự tiệc đông, xe kéo tàn ảnh ken chật con đường tuyết dẫn lên lâu đài. Vô Phong gửi thư rồi mà xe vẫn chưa đến nơi, cứ chậm chạp nhích từng chút một. Hắn vuốt phẳng bộ dạ quang phục đang mặc trên người rồi nắn lại cổ áo cho ngay ngắn. Y phục rất vừa vặn, thậm chí đẹp hơn cả bộ dạ quang phục mà hắn từng đặt may ở Phi Thiên thành(*). Nhưng Vô Phong cảm giác khập khiễng khi sánh đôi cùng Mi Kha. Vẫn là Mi Kha nhưng bằng váy đen, đánh mắt đậm hơn bình thường và mái tóc vàng vấn cao sau gáy, cô ta trông quyền quý sang trọng khó tả. Chẳng phải váy áo trang điểm mà vấn đề ở chỗ tự thân Mi Kha toát ra khí chất đó. Có thật cô ta là lính đánh thuê không? – Vô Phong tự hỏi rồi ngắm cô ả không biết chán.
-Âm mưu gì thế, tóc đỏ?
Mi Kha cười tươi. Tên tóc đỏ vội lảng chuyện:
-Sao cô không mặc váy đỏ?
-Màu đỏ dễ bắt mắt, nguyên cái đầu của anh là đủ rồi. Bộ muốn ông Thát Hãn trông thấy chúng ta sao?
Vô Phong gật gật sau len lén nhìn tiếp. Ngắm nghía rồi suy nghĩ chán, hắn cất lời:
-Tôi hỏi một câu nhé… Tại sao cô giúp tôi?
-Vì tôi thích anh. – Mi Kha đáp.
-Thích… sao lại…? – Vô Phong ngỡ mình nghe nhầm – Nhưng tại sao thích?
Mi Kha quay sang cười:
-Tôi thích mấy gã ăn mặc đẹp… – Nói đoạn cô ả ngó xuống bộ dạ quang phục của Vô Phong – Nhưng những anh chàng không biết lựa chọn quần áo cho mình làm tôi thích thú hơn. Tôi muốn làm phụ nữ chứ không muốn nuôi thú kiểng hoặc tự làm thú kiểng. Hiểu chứ?
Vô Phong cố nhiên… không hiểu tí gì. Đúng lúc ấy tay đánh xe thông báo đã tới nơi, hai người liền bước xuống. Cánh cửa sắt án ngữ trước lâu đài đêm trước còn khép chặt miệng, nay đã mở toang đón khách dự tiệc. Người tham gia rất đông, phải xếp hàng chờ qua cổng. Trong lúc đợi Vô Phong cố gắng phân tích ý tứ của Mi Kha, nhưng hắn luận mãi chẳng ra, đành để tâm trí tập trung việc chính.
Trừ chuyện sân trước đông đúc người thì tòa lâu đài vẫn như nó vốn thế: đen đúa, thèm khát ánh sáng và sạch sẽ ngăn nắp kinh người. Bên ngoài là vậy nhưng bên trong hoàn toàn trái ngược. Tiến vào lâu đài, Vô Phong nhận thấy sảnh chính được lấp đầy bằng khách khứa, đèn chùm, bàn tiệc, vũ công hoặc nhạc công. Phía xa xa, ông bà Thát Hãn cùng cậu con út đang nâng ly chúc tụng với khách. Ba người cười nói vui vẻ tựa thể một gia đình hòa thuận, chẳng còn dấu vết nào của cuộc cãi vã đêm qua. Sự hòa thuận được thể hiện rõ ràng ở những bức ảnh gia đình treo khắp tường lẫn hành lang, dĩ nhiên chẳng hề có mặt Thát Khan. Ông Thát Hãn làm tất cả nhằm khẳng định gia đình mình chỉ có ba thành viên. Ông đã thành công mĩ mãn.
Ở Hoàng Hôn Cảng, do độc quyền khai thác vùng mỏ nên thế lực của họ Thát rất lớn, ai cũng muốn làm thân kể cả quý tộc hoặc quan chức chính phủ. Cha con Thát Hãn vì thế bận tối mắt, chẳng hề biết bọn Vô Phong cũng dự tiệc. Nhưng bà Thát Hãn tinh ý hơn, thoáng chốc đã phát hiện mái đầu đỏ. Bà ta đánh mắt ra hiệu, bọn Vô Phong hiểu ý bèn lảng chỗ khác tránh tầm nhìn của ông Thát Hãn. Hai người gặp ông quản gia và được đưa lên tầng hai theo một ngách nhỏ ít người qua lại, tránh tối đa những cặp mắt hiếu kỳ. Cuối cùng họ dừng chân trước phòng riêng của Thát Khan. Ông quản gia lúi húi lần xâu chìa khóa đoạn nói:
-Bà chủ sẽ lên ngay, xin hai cô cậu chờ ít phút.
Tìm được chìa khóa, ông quản gia mở cửa phòng. Cuối cùng Vô Phong cũng có dịp chứng kiến thế giới của Thát Khan. Bước qua cửa, hắn trông thấy một cảnh tượng mang đầy những cảm quan và cảm giác trái ngược. Vì người phục vụ lau dọn thường xuyên nên căn phòng ngăn nắp gọn gàng song tỏa mùi lạnh lẽo rờn rợn do thiếu hơi người ở. Góc phòng, trên giường và giá kệ chất đầy sách vở, có cả những quyển tạp chí mở trang như ai đó đang đọc dở. Theo lời ông quản gia, sau ngày Thát Khan rời bỏ lâu đài, căn phòng được giữ nguyên hiện trạng và không ai được phép xê dịch đồ đạc. Đây là lệnh của bà Thát Hãn.
-Đừng đụng vào bất cứ thứ gì. – Ông quản gia nhắc nhở – Bà chủ lên ngay bây giờ.
Để chắc chắn, ông ta ở lại giám sát hai vị khách. Cái “ngay bây giờ” kéo dài mười phút, nửa tiếng rồi dôi thêm một tiếng, bọn Vô Phong vừa sốt ruột vừa ngáp dài. Họ chờ thêm năm phút thì bà Thát Hãn xuất hiện. Cởi bỏ nụ cười đeo suốt bữa tiệc, bà Thát Hãn trở lại dáng vẻ liêu xiêu thiếu vững vàng như người mắc chứng hen suyễn cứ đến mùa là phát bệnh. Bà ngồi trên ghế, hớp vài ngụm trà nóng trấn an tinh thần rồi lên tiếng:
-Được rồi, giờ các cô cậu muốn hỏi gì về con trai tôi? Xin hãy nhanh lên, nửa tiếng nữa tôi phải quay lại bữa tiệc.
Tên tóc đỏ gật đầu cảm ơn bà Thát Hãn chiếu cố, sau hỏi:
-Hồi học ở Tinh Thấu Tổ, Thát Khan thuê gia sư. Bà có biết người gia sư ấy thế nào không?
Bà Thát Hãn bóp trán nhớ chuyện cũ, vừa nghĩ vừa nói:
-Để xem… để xem… hình như có… Hồi năm thứ hai, khi gọi điện cho tôi, thằng bé(Thát Khan) nói đã tìm thấy gia sư. Nó nói người đó rất giỏi, kiến thức vượt xa các giảng viên ở học viện.
-Bà có biết anh ấy(Thát Khan) và ông gia sư nghiên cứu những gì không?
-Không. Tôi không hỏi và thằng bé cũng không nói. Thú thực, tôi chẳng hiểu những việc thằng bé làm, chỉ có thể ủng hộ nó thôi. Mà Thát Khan kể với cậu sao?
-Vâng, liên quan đến công việc mà. Anh ấy cũng hay nói về ông gia sư đó.
-Mà thằng bé nghiên cứu cái gì? – Bà Thát Hãn nheo mắt.
Bị chất vấn, Vô Phong chẳng chút bối rối mà vẽ chuyện như thánh:
-Anh ấy nghiên cứu về… sự tiến hóa, đại khái vậy. Mỗi đề án khoa học được chia thành nhiều phần nhỏ, mỗi phần là một mô-đun, Thát Khan thuê chúng tôi làm một mô-đun như thế. Chỉ Thát Khan mới hiểu mục đích đề án, chúng tôi làm thuê nên cũng chẳng tường tận. Bà biết đấy, nghiên cứu khoa học mà, đâu phải lúc nào cũng nhận được việc tốt như thế? Thát Khan trả hậu, chúng tôi cứ thế làm thôi.
-Vậy sao thằng bé để lại địa chỉ này cho cậu?
-Thát Khan không dễ gần, rất ít người có thể đối thoại với anh ấy. – Vô Phong nhún vai diễn vẻ am tường hiểu chuyện – Nhưng tôi đánh giá cao kiến thức và tầm nhìn của Thát Khan. Tôi lắng nghe, cũng hiểu được kha khá. Vì thế anh ấy để mắt đến tôi, trò chuyện cũng nhiều. Lần cuối gặp gỡ, Thát Khan nói anh ấy để tài liệu nghiên cứu ở nhà riêng, tôi có thể đến xem nếu hứng thú và sẽ hiểu công việc mà anh ấy đang làm.
Mi Kha liếc mắt, chân mày hơi nhíu vì thêm một lần ngạc nhiên trước biệt tài bịa đặt của tên tóc đỏ. May cho Vô Phong là bà Thát Hãn chẳng hiểu khoa học nên hắn được thể bố láo. Vả lại bà Thát Hãn bao năm mất liên lạc với Thát Khan, chỉ mong con trai xuất hiện trong lời của Vô Phong càng nhiều càng tốt. Thêm một lần Vô Phong cảm thấy tội lỗi nhưng hắn đành nín nhịn, lỡ đâm lao phải theo lao tới cùng.
-Thằng bé hay nói về cái đó. Sự tiến hóa. – Bà Thát Hãn đăm đăm nhìn cốc trà – Thằng bé luôn nói “Chúng ta đã đến giới hạn rồi chăng? Chúng ta còn tiến xa được không? Nếu có thì xa tới mức nào?”. Tôi ghét phải nói điều này… nhưng nó bị ám ảnh bởi câu hỏi ấy.
-Từ hồi anh ấy đi học sao? – Vô Phong hỏi.
-Không, từ hồi Thát Khan còn bé. Chính xác là sau chuyến đi với cha nó đến lục địa Kim Ngân. Gia đình tôi có cổ phần ở các công ty khai thác quang tố, ông nhà tôi muốn Thát Khan nối nghiệp nên đưa thằng bé đi khắp nơi để hiểu việc kinh doanh. Trẻ con dòng họ này đều thế cả! Nhưng sau chuyến đi Kim Ngân, thằng bé thay đổi hoàn toàn. Nó dần ham đọc sách, cuối cùng là vào học viện Tinh Thấu Tổ.
Bà Thát Hãn đưa mắt ra hiệu, ông quản gia cho bọn Vô Phong xem một tập ảnh. Trong tập đó có bức chụp ông Thát Hãn hồi còn nhiều tóc đang dắt tay đứa con trắng trẻo xinh trai, sau lưng họ là dải đồi núi cằn cỗi của Kim Ngân. Nếu không nhìn thời gian chụp là năm 7493, Vô Phong cứ nghĩ đứa nhỏ đầy tương lai này chính là cậu út đang uống rượu tưng bừng dưới sảnh lâu đài. Vậy ra đây là Thát Khan! – Hắn nghĩ thầm.
Ông quản gia tiếp tục lật tập ảnh. Hình Thát Khan hồi bé khá nhiều nhưng càng lớn càng hiếm hoi. Y chụp hình lần cuối lúc nhập học trường Tinh Thấu Tổ, năm 7503. Lần đầu tiên Vô Phong thấy gia đình Thát Hãn đủ bốn người. Cậu út khi đó bé lủn xủn và giống hệt Thát Khan thuở nhỏ, còn Thát Khan phát triển theo chiều hướng mà chẳng ai tưởng tượng nổi. Y thấp bé, thân hình mất hút trong bộ lễ phục quá khổ. Nhưng trông bộ mặt xương xẩu cùng lưỡng quyền cao nhọn nấp sau chiếc kính cận to dày, Vô Phong đoán y không gầy gò cũng lỏng khỏng. So với ông bố to lớn bệ vệ, y hoàn toàn tương phản, chả thế mà mặt ông Thát Hãn trong ảnh xì xị như bị táo bón. Đây là Thát Khan năm hai mươi tuổi.
Tên tóc đỏ ngắm nghía Thát Khan thật kỹ, tâm trí đầy khó hiểu. Khi dùng Bột Khoan Não khống chế Tập Lâm, Vô Phong đã chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa gã và Mạt Lã. Trong tiềm thức Tập Lâm, gã khẳng định Mạt Lã là kẻ tinh ranh, khao khát địa vị xã hội và muốn kiếm món tiền khổng lồ từ chiếc đĩa vàng(**). Nếu Thát Khan thực sự là Mạt Lã, tại sao y mang đôi mắt đó để tự chuốc kết cục bi thảm? Trong giấc mơ của Tập Lâm, hắn không thấy rõ dung diện Mạt Lã, thành thử không dám khẳng định kẻ đó và Thát Khan là một.
-Xin lỗi bà vì bất nhã, nhưng cho phép tôi hỏi một câu? – Mi Kha chợt quay sang bà Thát Hãn – Hôm qua bà có nói về Sukka… tôi hiểu từ đó, thưa bà. Vậy lúc Thát Khan về đây, anh ta qua lại với một cô gái sao?
Bà Thát Hãn mím môi, ngón tay mảnh dẻ bấu chặt quai tách trà, miệng lẩm bẩm “Sukka… con Sukka…”. Nỗi thù hằn sâu sắc khiến bà đánh mất vẻ sang trọng cao quý, thay vào đó là sự tầm thường đáng kinh ngạc. Nhưng khoảnh khắc ấy qua nhanh, bà ta trở lại bình thường. Mới đầu ông quản gia nhắc nhở như không muốn lộ chuyện cho người ngoài nhưng bà Thát Hãn gạt đi, đoạn kể lể:
-Hồi năm nhất, thằng bé về đây nghỉ hè. Nó không thích ở lâu đài và thường xuống phố, rồi quen một đứa con gái. Tôi hỏi qua, Thát Khan chỉ nói con nhỏ là nghiên cứu sinh. Nhưng tôi điều tra, phát hiện con đó là gái nhà thổ. Tôi không hợm mình hay quan trọng địa vị như chồng tôi, thưa cô cậu, tôi chỉ muốn con tôi cưới người tử tế. Tôi yêu quý Thát Khan, nhưng tôi không chấp nhận một con Sukka vào nhà này!
-Và rồi…? – Mi Kha nhướn mày.
-Nó tiếp tục quan hệ với con đó suốt năm hai rồi năm ba. – Bà Thát Hãn lắc đầu – Chồng tôi hết giới thiệu đám này rồi đám kia nhưng Thát Khan không chịu. May mà ông ấy không biết chuyện! Tôi cố khuyên nhủ nhưng thằng bé chẳng nghe. Rồi sang năm học thứ tư, nó bỏ đi cùng con Sukka đó! Vì con khốn xúi bẩy, thằng bé mới bỏ đi!
Mi Kha hỏi tiếp:
-Vậy từ hồi đó, Thát Khan không liên lạc với bà sao?
-Có. Nó gửi thư, nói cuộc sống rất tốt. Nhưng thư ngày càng ít, năm năm nay nó chẳng gửi nữa.
Điện thoại rẽo vang, ông quản gia nhấc máy rồi ghé tai bà Thát Hãn thì thầm. Bà ta đứng dậy, nói:
-Nếu muốn tìm gì ở căn phòng này, cứ việc tìm, các cô cậu có hai tiếng. Nhưng không được mang bất cứ đồ đạc nào rời đi. Còn nữa… – Bà Thát Hãn đưa một bức thư nhỏ cho Vô Phong – …nếu gặp lại Thát Khan, mong cậu đưa thứ này cho thằng bé. Sau bữa tiệc, đừng tới đây nữa, chồng tôi sẽ phát điên nếu cô cậu cứ tiếp tục nói về Thát Khan. Có gì thắc mắc, hãy liên lạc qua ông quản gia đây. Ông ấy đáng tin cậy. Tạm biệt! Vạn Thế ban phước cho hai người!
Bà Thát Hãn rời đi còn ông quản gia ở lại. Thời gian ít ỏi, bọn Vô Phong lập tức vào việc. Thát Khan làm nghề nghiên cứu nên ghi chép nhiều, theo thói quen thường nhét giấy tờ vào sách. Thay vì đọc hết mớ sách và dẫu đọc cũng không hiểu, đám Vô Phong tập trung tìm kiếm xem Thát Khan để lại gì hay không. Tên tóc đỏ gạt mấy cuốn tạp chí sang một bên rồi lục những chồng sách bên dưới. Sách tập trung mảng sinh học, nhưng lẫn trong đấy có không ít tài liệu cơ khí máy móc. Bọn Vô Phong lật từng quyển, trang nối tiếp nhau vỗ loạt soạt trong không gian lạnh lẽo. Ông quản gia không can thiệp, chỉ im lặng quan sát như tượng đá.
Năm phút, mười phút, một tiếng rồi một tiếng rưỡi bọn Vô Phong chẳng tìm được manh mối nào dù đã kiểm tra mọi quyển sách – một sự cố gắng đáng nể nhưng vô ích. Dường như Thát Khan không phải loại người bạ đâu viết đấy và nhét giấy tờ lung tung, hoặc có thể y đã mang tất cả đi nơi khác. Vô Phong không muốn lục lại đống sách thêm lần nữa. Hắn đặt chúng về chỗ cũ kể cả mấy quyển tạp chí sau lắc đầu chán nản. Mi Kha lật vài cuốn tạp chí rồi lật từng trang. Được một lúc, cô ả quay sang ông quản gia:
-Ông nhớ Thát Khan bỏ đi năm nào không?
-Khoảng cuối năm 7506, lúc cậu chủ bắt đầu học kỳ thứ tư ở trường Tinh Thấu Tổ. – Ông quản gia trả lời.
-Tôi mang thứ này theo được không? – Mi Kha giơ quyển tạp chí – Trông nó chẳng quan trọng gì cả.
-Không. – Ông quản gia đáp, giọng rất kiên quyết – Bà chủ đã có lời, mong cô thông cảm.
Mi Kha gật gù đoạn lôi giấy bút. Vô Phong nhác thấy cô ta ghi chép địa chỉ cửa hàng áo cưới, trong lòng thấy khó hiểu. Hắn đoán cô ta sắp kết hôn nên ghi trước địa chỉ phòng lúc cần. Nhưng chú rể chắc điên lắm mới dám cưới cô ta! – Hắn rùng mình.
Lát sau bọn Vô Phong rời lâu đài. Lúc ra cửa, Vô Phong chợt thấy bóng bà Thát Hãn bên cửa sổ giống đêm qua, lần trước là hồi hộp ngóng đợi, lần này là bồi hồi trông mong. Tên tóc đỏ thở dài, đồ rằng bức thư của bà ta sẽ chẳng bao giờ đến tay con trai. Nhưng nghĩ chuyện lừa dối bà Thát Hãn quá nhiều, hắn vẫn giữ lại bức thư. Đương rối bời suy nghĩ, hắn chợt thấy Mi Kha đưa mình mảnh giấy ghi địa chỉ cửa hiệu áo cưới. Tên tóc đỏ nhíu mày:
-Gì đây? Bộ muốn tôi chọn giúp cô áo cưới?
Mi Kha nhướn mày như thể Vô Phong bị khùng. Tên tóc đỏ nhún vai:
-Sao?
-Không phải anh muốn tìm Thát Khan sao? Đó, lần theo mấy địa chỉ này, có thể Thát Khan sẽ xuất hiện. Quyển tạp chí ban nãy … có vài dấu mực lẫn nếp gấp đánh dấu ở các cửa hàng áo cưới. Thát Khan đã xem chúng. Có vẻ y muốn cuộc trạy chốn với nhân tình thêm phần lãng mạn. Đám ngộ chữ đôi lúc cũng hay ho đấy chứ?
Trên cuốn tạp chí, Thát Khan đã lựa chọn mười cửa hàng áo cưới. Địa chỉ quá nhiều, Vô Phong không thể hỏi từng cửa hàng. Tên tóc đỏ bèn nhờ Hồ Quy trợ giúp, hy vọng đám tình báo sẽ cho kết quả sớm. Trong thời gian chờ đợi, hắn và Mi Kha đến khu đèn đỏ nằm ở cửa đông thành phố. Theo lời ông quản gia, ả gái điếm làm Thát Khan say mê từng sống ở đó.
Là cửa ngõ giao thương giữa hai lục địa, Hoàng Hôn Cảng nổi tiếng buôn bán, cũng nổi tiếng là tụ điểm ăn chơi trác táng. Hai cửa khẩu trấn hai đầu thành phố luôn “nhộn nhịp” nhất. Lúc này đương 4 giờ chiều, mặt trời váng đỏ tuôn ánh vàng đậm qua cửa tây, nhờ hai dãy núi bao bọc hướng bắc nam, cả thành phố như cái túi đựng đầy hoàng hôn rót ra Đồng Gió. Cũng giờ này khu đèn đỏ bắt đầu tấp nập. Ở Hoàng Hôn Cảng, chính quyền hợp pháp hóa ngành mại dâm nên gái điếm vừa là nhân viên vừa là sản phẩm. Trên con phố gần cửa khẩu, nhà chứa san sát nhau như cửa hàng, gái điếm phơi thân sau cửa kính cùng bảng niêm yết giá dịch vụ như thực phẩm bánh kẹo. Ở đây không có văn hóa mặc cả.
Dưới ánh nắng đậm màu, bọn Vô Phong tìm đếnĐông Môn Cao Lầu– nhà thổ kiêm hộp đêm nổi tiếng nhất khu đèn đỏ cửa đông. Nó lớn gấp bốn lần các nơi khác, khoác lên mình những ô cửa sổ nhiều màu, phía sau thấp thoáng bóng phụ nữ khỏa thân. Bọn Vô Phong bước vào sảnh chính tòa nhà, tiếp đón họ là một bố mì ăn mặc như má mì: mắt xanh mỏ đỏ với bộ cằm phún râu, váy dài xẻ tà phô cặp giò lông lá. Gã bố mì lên tiếng, giọng Đông Thổ mai mái Băng Thổ:
-Kính chào quý khách! Bốn tiếng nữa hộp đêm mới mở, mong quý khách quay lại sau. Nhưng nếu quý khách muốn dùng dịch vụ khác, chúng tui xin đáp ứng. Quý khách hiểu ý tui mà! – Gã cười hì hì rồi mở máy chiếu cá nhân – Hiện chúng tui còn sáu mươi cô gái, đủ thể loại từ năm lục địa, quý khách tùy nghi lựa chọn! Trông hai người… chà, chúng tui có cả những cô lưỡng tính nhe! Nếu cần những cô phục vụ vài trò chơi thú vị, chúng tui cũng có…
Vô Phong giơ tay ngăn gã nói thêm đoạn hỏi:
-Không, chúng tôi không cần gì cả. Chỉ muốn hỏi anh…
Tay bố mì nhíu mày. Mi Kha kín đáo thúc sườn Vô Phong, tên tóc đỏ sửa lại:
-Chúng tôi muốn hỏi chị vài điều. Liệu có thể…?
Bộ mặt bự phấn của gã bố mì giãn ra song nét tươi cười đon đả bay biến đâu mất. Gã chống nạnh hất hàm:
-Tôi không nhớ đã gặp quý khách ở đâu. Chỗ này làm ăn, tôi chỉ giải đáp chuyện làm ăn, không nói chuyện khác. Mà nếu thích gây sự, chúng tui cũng không ngại đâu nha!
Nói rồi gã hất đầu về phía bọn vệ sĩ ở góc phòng. Tên tóc đỏ nhe răng cười:
-Nói chuyện đàng hoàng và riêng tư, được không? Thông tin có giá, tôi sẽ không để chị thiệt đâu!
Hắn vừa nói vừa kín đáo vỗ vỗ túi quần. Thấy vậy, gã bố mì ngó quanh đoạn dẫn hai người vào phòng riêng. Gã tiếp đãi khách bằng nước lọc lạnh ngắt thay vì trà nóng, bọn Vô Phong cũng chẳng buồn uống. Im lặng một lúc, tên tóc đỏ đặt cọc tiền mười thùng vàng(10) rồi nói:
-Tôi hỏi đâu, chị trả lời đó. Yên tâm là chị sẽ nhận đủ.
-Còn tùy xem cậu hỏi chuyện gì… – Gã bố mì nghiêng người cảnh vẻ.
-Tôi muốn hỏi về một cô gái điếm.
-Thế thêm năm thùng nữa đi!
Vô Phong đặt tiếp hai thùng vàng, tỏ ý đây là giá chót. Gã bố mì chép miệng ngẫm nghĩ, môi đỏ chót khẽ cong lên nhưng rồi cũng chấp nhận. Tên tóc đỏ lên tiếng:
-Anh… xin lỗi, chị nhớ cô gái tên Mục Ngỗ Á, thường gọi là Mục Á không? Tôi muốn biết thân thế của cô ta?
Tay bố mì phe phẩy tay, mắt lúng liếng:
-À, Mục Ngỗ Á thì sao tôi quên được? Có! Cô ta từng làm ở đây vài năm. Tôi chẳng biết nhiều về Mục Á, thật đấy! Các cô gái đến đây nộp hồ sơ, người quản lý đánh giá rồi nhận họ. Tôi chỉ làm công tác đào tạo, dạy họ cách chiều khách rồi phân công việc, thế thôi!
Vô Phong nhíu mày:
-Chị nói không quên Mục Á, vậy tại sao không biết thân thế cô ta?
-Mục Á chẳng bao giờ tâm sự với ai. Lý do tôi nhớ là vì Mục Á rất được việc. Có lúc cô ta là người đắt khách nhất Đông Môn Cao Lầu.
Vô Phong đẩy tiền cho tay bố mì đoạn hỏi tiếp:
-Chị nhớ Mục Á có quan hệ với ai tên Thát Khan không?
-Thát Khan? – Gã bố mì nheo mắt – Không, chưa nghe tên đó bao giờ. Mà sao lại có họ Thát vậy? Có phải họ Thát của gia đình Thát Hãn không? Không, chẳng có ai như thế. Mà Mục Á nhiều khách lắm, tôi nhớ sao hết?
-Vậy một vị khách đặc biệt? Ý tôi là người có quan hệ đặc biệt với Mục Á?
-Có. Nhưng mà…
Gã bố mì liếc liếc xuống tay Vô Phong. Chẳng còn cách khác, tên tóc đỏ bèn đẩy thêm vài tờ giấy bạc. Tay bố mì cười:
-Một tên đeo kính cận, trông khá quê mùa. Tôi không biết tên y. Được cái y nhiều tiền! Y sẵn sàng trả gấp đôi thậm chí gấp ba chỉ để gặp Mục Á. Sau đấy Mục Á dần trễ nải công việc, cô ta thanh lý hợp đồng sớm. Nghe mấy người nói rằng tên đeo kính cận đó trả tiền phạt hợp đồng cho Mục Á. Hồi ấy là năm 7506. Vậy thôi, đó là tất cả những gì tôi biết.
Vô Phong đưa nốt tiền nhưng cảm giác chưa thỏa mãn. Thời gian Mục Á rời Đông Môn Cao Lầu trùng thời điểm Thát Khan bỏ nhà đi, chứng minh hai người họ là nhân tình. Bất quá tất cả đều là chuyện kể mơ hồ, tên tóc đỏ cần manh mối rõ ràng hơn. Mi Kha im lặng từ đầu bỗng xen ngang:
-Trước lúc đi, Mục Á có gửi “quà tạ ơn” cho chị không? Chúng tôi muốn xem.
-Vậy thêm tiền nha, cô bé?! – Gã bố mì nháy mắt.
Mi Kha cười rồi gật đầu. Tiền do Vô Phong trả nên cô ả không quan tâm. Tên tóc đỏ thắc mắc thì Mi Kha giải thích đây là truyền thống trong nghề mại dâm ở Băng Thổ. Các gái điếm khi thôi việc đều gửi quà nhằm bày tỏ sự biết ơn với bố mì hoặc má mì, gọi là “quà tạ ơn”. Chúng thường là những vật dụng nằm trên ranh giới giữa “giá trị” và “vô giá trị”, bố mì hoặc má mì giữ chúng làm kỷ niệm, tài sản riêng hoặc vật cầu may.
Lát sau gã bố mì trở ra với một chiếc túi xách ngả màu ố nâu. Vô Phong phải bỏ thêm năm thùng vàng để được xem vật này, gã bố mì không chịu bán vì sợ gặp việc làm ăn gặp xui rủi. Trong túi xách chứa đầy thư từ gửi cho Mục Á. Thư tẩy xóa lằng nhằng, nội dung sến sẩm, chính xác là thư tình, kẻ viết lại kém văn chương nên chẳng khác truyện cười. Vô Phong có thể hình dung gương mặt nhăn nhúm của Mục Á khi coi chúng, thành thử chẳng bức thư nào thoát khỏi số phận vo viên nhàu nát. Nhưng có một bức thư khiến Vô Phong chú ý bởi ngay lúc thấy nó, vài chớp ảnh xẹt qua mắt hắn, đầu óc đau nhức khôn tả:
Em khỏe không, Mục Á? ̶T̶̶ô̶̶i̶ ̶n̶̶h̶̶ớ̶ ̶e̶̶m̶ ̶q̶̶u̶̶á̶ ̶m̶̶u̶̶ố̶̶n̶ ̶v̶̶ề̶ ̶n̶̶g̶̶a̶̶y̶̶.̶ Sang tháng ̶1̶̶1̶ 12 rồi, em nhớ mặc ấm. Tôi muốn về thăm em quá, nhưng ̶c̶̶o̶̶n̶ công việc rất bận. Tôi và thầy gia sư đang nghiên cứu vài ̶m̶̶ẩ̶̶u̶ mẫu tế bào. Công việc tiến triển lắm! Nhưng có một thứ mà tôi nghĩ mãi không ra. Còn nhớ tôi nói với em về số 7 chứ? Nó ̶x̶̶i̶̶n̶̶h̶ đẹp như em vậy! Em thử nhìn cái này xem:
7 x 1 = 7
7 x 2 = 14
7 x 3 = 21
7 x 5 = 35
7 x 6 = 42
7 x 7 = 49
7 x 9 = 63
7 x 11 = 77
7 x 12 = 84
Còn nhớ tôi nói những gì với em không? Chúng là chuỗi vòng kết nối trong Vòng Trí Uẩn. Tôi lẫn và thầy gia sư đang nghiên cứu vòng Bốn và vòng Mười. Nếu chúng tồn tại, việc nghiên cứu của tôi sẽ hoàn thành. Nhưng tôi không thể giải đáp thứ này:
7 x ? = 11
Số 11 không thể chia cho 7, đúng không? Nhưng nó vẫn xuất hiện trong Vòng Trí Uẩn. Thật lạ quá, phải không? Có những điều kỳ lạ như vậy đấy, Mục Á. Chúng ̶đ̶̶ẹ̶̶p̶ quyến rũ như chính em và khiến tôi càng say mê. Em có đồng cảm với tôi không, Mục Á?

Cơn đau đầu kéo gập người Vô Phong. Hắn không nghe được tiếng gọi của Mi Kha, chỉ nhận ra tâm trí mình bay thẳng về chợ rác, đâm xuống khu thí nghiệm Tầng 14. Dưới lòng đất, mười chiếc quan tài thủy tinh xếp vòng tròn bao quanh chiếc quan tài lớn nhất dành cho Liệt Giả. Nhưng vòng tròn không đều, chỉ riêng quan tài đánh số 117 đặt lệch về phía trước(***).
(*) dạ quang phục, loại lễ phục cho nam giới ở Tâm Mộng. Xem lại Quyển 3 Chương 54
(**) ký ức của Tập Lâm. Xem lại Quyển 3 Chương 79
(***) những quan tài trong khu thí nghiệm Tầng 14. Xem lại Quyển 3 Chương 64.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.