Ngục Thánh

Chương 37: Ký ức không tồn tại




Băng Thổ lục địa xưa nay không có tiếng hiếu khách.
Trên cao, phía dưới tầng mây sậm sụi, một chiếc phi thuyền chở khách đang gồng mình trước sự khó tính của Băng Thổ. Màn tuyết đổ xiêu phủ trắng không gian; gió gào từng cơn quất vào những ô cửa kính đầy vết xước của con tàu. Như không thể chịu đựng màn tiếp đón này thêm nữa, phi thuyền nghiêng mình, hướng đến một cảng hàng không nằm trong một thung lũng nhỏ. Nó hạ cánh xuống đường ray, trượt trên rãnh thép rồi dừng lại trước cổng soát vé. Tiếng loa thông báo vang giọng nữ đều đều vô cảm như Băng Thổ vậy:
“Chào mừng quý khách đến thị trấn Băng Nham Thạch thuộc Bạch Tu quốc!”.
Cửa phi thuyền bật mở nhưng sau mười phút, chỉ có bốn người làm thủ tục nhập cảnh giữa không gian heo hút thê lương. Những cổng soát vé trống không, dăm ba nhân viên ngồi tán dóc với ly rượu nóng, một gã bảo vệ ngủ gục trên ghế, thậm chí không có cả nhân viên tiếp nhiên liệu cho phi thuyền. Cảng hàng không này sắp đóng cửa, thế nên mọi người chẳng tha thiết công việc nữa. Và sau khi cảng đóng cửa, thị trấn Băng Nham Thạch sẽ hoàn toàn bị chính phủ Bạch Tu lãng quên. Ở một xứ đóng băng quanh năm, dung nham sôi sùng sục trên những dãy núi tuyết, đầu tư kinh tế là điều viển vông. Cái cảng đây là một ví dụ điển hình.
Ở cửa nhập cảnh, anh chàng nhân viên ngáp dài. Chẳng có gì mới. Chẳng có gì thú vị. Ngay cả ba hành khách vừa đi qua, y đã quen nhẵn mặt, toàn mấy người trở về thăm quê nhà và sẽ ra đi ngay sáng hôm sau. Một ngày của y sẽ trôi qua vô vị như thế nếu không có sự xuất hiện của hành khách thứ tư. Tay này trung tuổi, tóc rối màu sắt gỉ, mặt tái tái như có bệnh, đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm không ngủ. Gã chìa ra tấm thẻ căn cước, anh chàng nhân viên nhận lấy rồi nhập thẻ vào máy chiếu ba chiều, đoạn hỏi:
-Đến làm gì?
-Tôi nghe nói thị trấn có một cô nhi viện, nó ở đâu? Tôi muốn nhận con nuôi.
“Nhận con nuôi?” – Tay nhân viên lặp lại câu đó trong đầu, cái cổ hơi nhóng lên ngó vị khách từ đầu tới chân. Áo nhăn nhúm, quần co rúm, trông như cái bị rách; nhìn qua chẳng khác gì lũ buôn trẻ con, nước Bạch Tu vốn nổi tiếng vì tệ nạn này. Nhưng đó không phải việc của anh chàng nhân viên, y kiểm tra thông tin thẻ căn cước và tiếp lời:
-Cô nhi viện… hình như nó nằm ở phía đông thị trấn, cách đây khoảng bốn mươi dặm. Tôi không chắc lắm! Ông có thể hỏi người đánh xe.
Nói đoạn y gửi tấm thẻ, ánh mắt liếc qua tên tuổi vị khách rồi nhệch miệng cười:
-Chào mừng ông Bất Vọng đến thị trấn Băng Nham Thạch!
Vị hành khách nọ chẳng buồn đáp cũng chẳng nở nụ cười đáp lại. Bởi lẽ gã là Bất Vọng. Gã rảo bước giữa phòng sảnh trống rỗng, gương mặt nhăn nhó, tay thỉnh thoảng ôm be sườn. Dù đã tra thuốc và khâu miệng, vết thương vẫn chưa lành, đáng ra gã cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng khoảng một tháng. Nhưng cứng đầu là bản sắc của Bất Vọng. Gã bỏ ngoài tai lời can ngăn của bác sĩ mà lên đường tới nước Bạch Tu ngay lập tức. Sau hai ngày chôn chân trên phi thuyền, gã cảm thấy các khớp xương sắp rơi rụng, chúng cần khói thuốc.
Vừa ra cửa, Bất Vọng châm vội điếu thuốc. Gã rít một hơi dài, khói thuốc ấm lan khắp lồng ngực, cơ thể rệu rã chợt bừng tỉnh. Gã nhìn quanh, sau bước tới, đánh thức một ông già đang ngủ gục trước thềm sảnh. Người đó mở cặp mi trĩu tuyết nhìn Bất Vọng, giọng ngáp dài:
-Việc gì?
-Tôi muốn đến cô nhi viện của thị trấn. Tôi có thể tìm người đánh xe ở đâu?
Ông già uể oải đứng dậy ngáp thêm cái nữa rồi nói:
-Là tôi đây. Ba đồng vàng, không mặc cả.
Bất Vọng đưa ba đồng. Ông già đánh xe nhận tiền rồi vào kho chứa hàng bỏ hoang, lát sau trở ra với một xe trượt tuyết được kéo bởi bốn con tàn ảnh. Người ta đã lắp một thiết bị phát điện phía dưới hàm răng của chúng, hễ tàn ảnh nổi cơn điên, dòng điện sẽ chạy khắp cơ thể. Nhiều lần hứng chịu cảm giác tê giật bán sống bán chết, dã thú trở nên ngoan ngoãn như con chó nhà. Cư dân Băng Nham Thạch đã dùng cách này thuần hóa tàn ảnh, sử dụng chúng như một phương tiện di chuyển chính.
Bất Vọng leo lên ghế ngồi. Ông già đánh xe cầm một chiếc roi nồng mùi thịt sống quất mạnh trong không trung. Mùi thịt máu kích thích lũ tàn ảnh, chúng liền cuộn người lăn tròn, kéo chiếc xe rời thung lũng rồi tiến vào vùng đồng bằng. Một màu trắng vô tận trải dài trước mắt Bất Vọng, thi thoảng được phết lên màu nâu bởi vài cây khô lạc lõng. Gã co ro người cố quên đi sự khó chịu – không phải vì vết thương, mà vì những thắc mắc chưa có lời giải đáp. Chìm đắm suy nghĩ, gã không bắt chuyện với người đánh xe, không cả để ý cơn gió táp phủ tuyết khắp mặt mình.
Sau nửa tiếng, chiếc xe bắt đầu đặt dấu vết lên Băng Nham Thạch. Bất Vọng thấy những mái nhà hình nón đắp tuyết, lố nhố không đều như tâm trạng đang thấp thỏm của gã. Cư dân hai bên đường đóng mình trong trang phục kín mít, gương mặt ẩn kỹ sau khẩu trang chống tuyết. Thành thử khắp nơi là một bầu không khí lạnh lẽo vô cảm, ngoại trừ những con suối nham thạch sôi sùng sục cắt ngang khu nội đô. Chúng bắt nguồn từ ngọn núi lửa phía đông thị trấn, gắn bó cùng người dân nơi đây từ thời xa xưa. Nhìn từ xa, Băng Nham Thạch như lớp da trắng nổi những đường gân đỏ vàng, đẹp và nên thơ một cách kỳ dị.
Chiếc xe trượt tuyết rẽ phải, chạy trên con đường im lìm không bóng người. Nó tiếp tục đi thẳng, tới khi gặp một giáo đường thánh sứ thì rẽ trái. Phía trước chiếc xe là ngọn núi lửa bị băng bao phủ, đỉnh phun nham thạch chảy thành dòng cắt lớp băng, vây quanh một tòa nhà cạnh chân núi. Tòa nhà khá cách biệt, thậm chí cư dân thị trấn cũng ít người biết về nó.
Đường từ đây tới đó ngoằn nghoèo nhỏ hẹp, không hợp với những bánh xe quá khổ tàn ảnh. Bất Vọng liền nhảy xuống đi bộ. Gã bước qua cây cầu băng mỏng mảnh vắt ngang con suối đỏ nóng hừng hực, sau dừng bước trước cánh cổng sắt của tòa nhà. Ngước nhìn tấm biển đề dòng chữ “Khu vườn nhân ái” hồi lâu, gã bấm chuông và kiên nhẫn chờ đợi. Một phút, hai phút rồi năm phút trôi đi vẫn chẳng ai mở cửa. Bất Vọng bấm chuông lần hai, sự kiên nhẫn dần tan chảy theo hơi nóng của dòng nham thạch sau lưng.
Khi gã định bấm chuông lần ba, một người phụ nữ bước ra. Bà ta ước chừng khoảng sáu mươi tuổi, đầu quấn khăn trắng, chiếc tạp dề thẫm màu bao lấy thân hình phốp pháp. Bất Vọng dập điếu thuốc, nói:
-Tôi có làm phiền bà không?
-Có, tôi đang chuẩn bị bữa trưa. Tôi giúp được gì cho ông?
Bất Vọng chìa tấm ảnh chụp Liệt Trúc đoạn hỏi:
-Bà biết con bé này chứ?
Đôi mắt người phụ nữ hết nhìn tấm ảnh lại ngó Bất Vọng, từng tia nhìn hiện rõ vẻ nghi hoặc:
-Ông… tại sao ông hỏi con bé? Ông quan hệ thế nào với con bé?
-Một người bà con. Gia đình chúng tôi đang tìm kiếm nó.
Dáng vẻ của Bất Vọng chẳng toát lên cái gọi là “bà con”. Song ánh mắt gã lại tỏa ra thứ áp lực khiến người phụ nữ kia không thể từ chối. Bà ta đáp bằng giọng hơi run:
-Nếu thế… mời ông vào.
-Bà làm gì trong cô nhi viện vậy?
-Tôi làm chủ quản, tên La Lạp. Bọn trẻ hay gọi tôi là mẹ La. Ông tên gì?
-Bất Vọng.
La Lạp dẫn Bất Vọng vào tòa nhà. Họ đi qua khu vườn nhỏ trồng hoa băng, cánh mỏng mảnh trong suốt lao đao theo gió. Tới mùa, những cánh hoa lại bay đi, lưu lạc đâu đó nơi chân trời góc bể. Bọn trẻ nơi đây cũng thế, chúng sẽ đi và chẳng bao giờ quay lại cô nhi viện nữa. “Khu vườn nhân ái” luôn thiếu kinh phí nên các mẹ không quá dồi dào tình thương cho chúng. La Lạp cũng vậy, suốt cuộc đời bà chưa từng gặp lại bất cứ đứa trẻ nào. Nuôi dạy ở cô nhi viện chỉ là một công việc được trả lương bèo bọt hàng tháng, không hơn không kém. Tuy nhiên, mẹ La không tắc trách, ít nhất bà vẫn hoàn thành đúng nghĩa vụ của người chủ quản.
-Xin lỗi nhưng phải nói trước, chúng tôi không tiếp người muốn nhận con nuôi. – La Lạp nói – Chính phủ đang cấm, ông biết đấy, bọn buôn người thường xuyên tới Bạch Tu. Tháng trước chúng tôi mới gặp hai kẻ như vậy.
Bất Vọng lắc đầu:
-Tôi chỉ muốn hỏi về Liệt Trúc thôi, mong bà hiểu.
La Lạp gật đầu và dẫn Bất Vọng đi lên theo lối cầu thang. Họ bước trên một hành lang lát ván gỗ hơi ọp ẹp, không gian tù mù bởi hàng cửa kính xỉn màu ngập tuyết. Phía xa, vài đứa trẻ đang rượt bắt nhau chạy ngược lại, La Lạp quát lớn:
đọc truyện mới nhất tại tung hoanh . com
-Mấy đứa làm gì đấy? Về phòng ăn, khẩn trương!
Một đứa bé trai trông ngỗ ngược nhất lè lưỡi:
-Bà già khó tính! Bà già khó tính!
La Lạp trợn mắt nghiến răng:
-Tao sẽ cho chúng mày nhịn đói!
Lũ trẻ cười rần rồi bỏ chạy trước cơn giận dữ của mẹ La. Bà ta thở dài:
-Nuôi một lũ không thân thích cực vậy đấy! Ồ, quên mất, ông Bất Vọng, mời ông qua đây!
La Lạp đẩy cánh cửa xập xệ của một căn phòng dành cho lũ trẻ, Bất Vọng liền bước vào. Phòng khá sơ sài, hai chiếc giường tầng dành cho tám đứa nhóc, một tủ quần áo, một lò đựng dung nham sưởi ấm. Chẳng còn gì nữa. Thế nên cái lò trở thành vật đáng giá nhất. La Lạp tiếp lời:
-Liệt Trúc từng ở phòng này. Con bé khá trầm lắng, không phải là đứa lầm lì nhưng nó rất ngoan và nghe lời. Có điều nó rất ít bạn. Tôi hỏi tại sao thì bọn trẻ nói Liệt Trúc quá khác biệt!
-Khác biệt thế nào?
-Tôi không giải thích được… ừm… đợi tôi chút!
Nói rồi La Lạp chạy ra ngoài. Chừng hai phút sau, bà ta quay trở lại, cánh tay béo ú lôi xềnh xệch thằng nhóc ngỗ ngược ban nãy. Thằng ôn nhỏ thó vùng vẫy cật lực, mồm mép gào lớn:
-Bỏ tôi ra, bà già!
Một cách hơi thô bạo, mẹ La quẳng thằng bé về phía trước. Bất Vọng đồ rằng quan hệ giữa hai người này chẳng tốt đẹp mấy. La Lạp vừa nói vừa thở hổn hển vì vật lộn với thằng bé:
-Nó tên Vu Cách. Ông có thể hỏi nó. Vu Cách là đứa thân thiết nhất với Liệt Trúc.
Thằng nhóc Vu Cách chồn chân, vẻ mặt bí xị vô cùng khi phải tiếp chuyện người lạ. Rõ ràng nó không phải loại dễ bảo. Nhưng gặp ánh mắt của Bất Vọng, toàn thân Vu Cách tự nhiên mềm nhũn. Người đàn ông kia thực quá to lớn với nó, thậm chí lớn gấp nhiều lần ngọn núi lửa băng đằng sau cô nhi viện. Nét ngổ ngáo trên gương mặt Vu Cách dần tan và trở nên ngoan ngoãn khó tin.
-Cháu biết Liệt Trúc? – Bất Vọng hỏi.
-Một… một chút! – Vu Cách khó khăn lắm mới trả lời nổi. Bất Vọng hỏi tiếp:
-Nghe nói Liệt Trúc rất kỳ lạ, cháu biết tại sao không?
Vu Cách gãi gãi đầu như cố nhớ chuyện cũ:
-Thỉnh thoảng nó hay làm vỡ đồ vật, đại loại thế! Nó có thể bóp vỡ chiếc cốc bằng tay không! Mấy đứa khác bảo nó dùng ma thuật! Nhưng cháu không tin! Cháu cũng có thể bóp vỡ cốc mà! Muốn xem thử không?
Thể chất Liệt Trúc yếu ớt, vốn dĩ không thể làm chuyện ấy. Bất Vọng đoán con bé đã vô tình kích hoạt sóng xung kích. May mắn thay, Liệt Trúc không gây ra tai nạn đáng tiếc nào trong thời gian ở cô nhi viện. Một điều thú vị là bọn trẻ không dám bắt nạt Liệt Trúc, bởi lẽ Vu Cách sẽ dần chúng một trận. Thằng nhóc này lớn nhất đồng thời hung hăng nhất cô nhi viện. Bất Vọng nhíu mày nhìn nó:
-Tại sao cháu chơi với Liệt Trúc? Không sợ nó à?
Vu Cách gãi đầu, ngây ngô trả lời:
-Nó… rất xinh xắn. Cháu thích nó, vậy thôi!
Bất Vọng mím miệng, sau cúi đầu cười khùng khục. Bọn nhãi con ngày nay phát triển sớm hơn gã tưởng. La Lạp bực mình vỗ đầu thằng nhỏ ăn nói không biết ngượng mồm. Bà ta dùng cánh tay béo ú lôi Vu Cách đi nhưng thằng nhóc không chịu, nó nói liến thoắng với Bất Vọng:
-Tại sao ông biết Liệt Trúc? Nó đâu rồi? Tại sao nó bỏ đi mà không nói lời nào vậy?
Nghe đến đây, Bất Vọng ngừng cười, ánh mắt chuyển sang La Lạp. Người đàn bà phốp pháp cúi đầu né tránh cái nhìn sắc lạnh của gã đoạn đẩy Vu Cách ra ngoài. Quát tháo đe nẹt thằng nhóc một hồi, mẹ La trả lời một cách nặng nhọc, như thể có đá tảng chẹn họng:
-Thực tình tôi không muốn, nhưng hồi đầu năm, đã có người mang con bé đi. Một người đàn ông… không, có lẽ là phụ nữ… không hẳn, tôi không dám chắc. Giọng nói của y rất đồng bóng, gương mặt luôn ẩn khuất sau mũ trùm. Tôi chưa bao giờ gặp người nào kỳ lạ như thế, gương mặt y như thể… hòa lẫn bóng tối vậy. Rất khó tả! Tôi không thể thấy rõ! Y mang theo một công văn cho phép nhận con nuôi. Dĩ nhiên tôi đã gọi điện hỏi cơ quan chính phủ và họ xác nhận y đã làm đúng mọi thủ tục. Dù vậy, đi hay không phải tùy thuộc quyết định của đứa bé.
-Vậy Liệt Trúc đồng ý?
-Ban đầu thì không. Nhưng tôi nghe kẻ mặt kia nói rằng sẽ cho Liệt Trúc gặp “anh trai”, con bé lập tức đồng ý. Thật quái lạ!
Bất Vọng cau mày:
-Anh trai? Anh trai nào?
-Là người đã đưa con bé đến đây năm năm trước. Một chàng thanh niên, tôi nghe Liệt Trúc hay gọi hắn là “anh”.
-Đừng nói rằng bà quên gương mặt người đó?
La Lạp lắc đầu:
-Thành thật xin lỗi ông. Anh ta đến đây vào một đêm bão tuyết, tôi chẳng thấy gương mặt hắn. À! Ngoại trừ một đặc điểm nổi bật…

Cùng lúc ấy tại Thần Sấm, Vô Phong đang đẩy xe đồ ăn đến nơi ở của Liệt Trúc. Công chúa nói rằng nó cần được quan tâm chăm sóc và tên tóc đỏ vinh dự lãnh trách nhiệm cao cả ấy. Đường đường mang danh hộ vệ thánh sứ, hắn thấy chuyện này thật ruồi bu. Chưa kể Liệt Trúc quá nguy hiểm, ngộ nhỡ làm nó phật ý, Vô Phong sẽ biến thành một đống mà chỉ có thể dùng xẻng xúc vào quan tài. Ấn tượng về con bé ở quận 4 chưa hề phai nhạt trong tâm trí hắn.
Đi một hồi, Vô Phong dừng lại trước một căn phòng biệt lập nằm tại tầng trên cùng của phi thuyền. Liệt Trúc tạm thời sống ở đây, hàng ngày luôn có đội ngũ khoa học gia theo dõi sát sao. Phòng lắp cửa kính một chiều, bên trong lắp đặt hệ thống máy chống áp lực. Nếu Liệt Trúc phát sóng xung kích hoặc sóng điện từ, hệ thống trên sẽ triệt tiêu năng lượng khiến chúng không ảnh hưởng Thần Sấm. Tên tóc đỏ lặng lẽ ngắm nhìn con bé. Nếu mọi người biết Vô Phong là Ngục Thánh, tình cảnh của hắn khéo chừng chẳng khác Liệt Trúc.
Mặc dù được khẳng định là an toàn nhưng Vô Phong vẫn thấy run khi bước vào phòng. Hắn tránh cái nhìn của Liệt Trúc, xếp vội những đĩa thức ăn lên khay rồi cười giả lả:
-Hôm nay có nhiều đồ ăn lắm, nhóc à! Ăn no phưỡn bụng nhé!
Bỗng thấy Liệt Trúc ngắm nghía mình thái quá, Vô Phong ớn lạnh xương sống. Không lẽ hắn đã đùa cợt quá mức? Vô Phong vội nhe răng cười:
-Đùa thôi… bé cứ ăn thoải mái, nhiều đồ ăn lắm!
Liệt Trúc cứ trân trân nhìn hắn, đôi môi mấp máy:
-Anh…
-Hả? Bé gọi gì cơ?
Một cách đường đột và không hề báo trước, Liệt Trúc nhào đến ôm lấy Vô Phong. Con bé dụi đầu vào cổ hắn, cánh tay siết chặt mái tóc đỏ cùng tiếng khóc nức nở:
-Anh ơi… anh…

-Mái tóc đỏ? Bà không đùa tôi chứ? – Bất Vọng ngỡ ngàng.
La Lạp lắc đầu:
-Thề có Vạn Thế! Nếu nói dối nửa lời, tôi sẽ bị trừng phạt! Tôi không thấy gương mặt hắn, nhưng tôi biết chắc màu đỏ nổi bật thế nào giữa tuyết trắng!
Bất Vọng nghệt mặt không nói nên lời. Tại sao lại là màu đỏ? Tại sao màu đỏ cứ xuất hiện và ám ảnh gã? Liệt Trúc từng nói cha nó có mái tóc đỏ, vậy người anh mái tóc đỏ kia là ai? Dường như vừa phát hiện được câu trả lời, tâm trí Bất Vọng lôi tuột gã về gương mặt nhăn nhở của Vô Phong.
-Bà biết gia đình Liệt Trúc không? – Bất Vọng hỏi gấp.
-Không, tôi nói rồi, chỉ có người thanh niên tóc đỏ ấy nhận thân thích với con bé thôi.
-Vậy con bé có kỷ vật gì không?
-Có, Liệt Trúc đã quên mang theo một thứ. Tôi đã gọi điện cho người nhận nuôi nó nhưng chẳng ai bắt máy cả.
La Lạp dẫn Bất Vọng đến phòng làm việc. Chẳng để ý căn phòng ẩm thấp đượm mùi lạnh lẽo, Bất Vọng chỉ chăm chăm cái vật mà mẹ La lấy ra từ hộc bàn. Một chiếc hoa tai bằng mã não đính vài sợi lông vũ đỏ. Gã sờ sợi lông vũ, lập tức nhận ra nó vốn là lông của loài đọa ngã. Nói cách khác, đây chính là vật biểu trưng triệu hồi thần hộ mệnh A Sát Ca. Nhiều hộ vệ có thể sở hữu chung thần hộ mệnh song các vật biểu trưng luôn luôn khác nhau. Bất Vọng biết rõ hoa tai này vốn có cặp đôi, chiếc còn lại hiện thuộc quyền sở hữu của công chúa Lục Châu. Thậm chí Bất Vọng biết rất rõ chủ nhân đời trước của hai hoa tai.
Dạ Bích, vợ Liệt Giả.
Đầu óc Bất Vọng quay cuồng. Cách đây hai mươi năm, gã đã gặp Liệt Trúc. Tại sao bây giờ con bé mới chín, mười tuổi? Hay gã nhầm? Không, bằng kinh nghiệm cùng lý trí sắt đá, gã khẳng định chiếc hoa tai không phải đồ giả. Nhưng nếu Liệt Trúc chính thực là con đẻ Dạ Bích và Liệt Giả, vậy tại sao còn có anh trai, trong khi vợ chồng Liệt Giả rõ ràng chỉ có một đứa duy nhất? Mơ hồ, khó hiểu, Bất Vọng cầm lấy chiếc hoa tai sau nói vội:
-Rất cảm ơn bà đã giải đáp! Tôi xin phép cáo lui!
Gã rời phòng, dẫm những bước dồn dập xuống cầu thang. Nhưng ngay khi bước ra cổng, Bất Vọng bắt gặp một toán lính đông đảo hàng trăm người đang chĩa súng về phía mình. Trang phục màu thanh thiên của toán lính cho biết họ là lính liên quân Đại Hội Đồng. Bất Vọng nheo mắt, đoạn quay lại nhìn bà chủ quản cô nhi viện hớt hải chạy tới:
-Vậy ra… bà mãi không mở cửa là bận gọi đám này tới?
-Tôi xin lỗi! – Mẹ La luống cuống – Tôi nghĩ ông là kẻ buôn người! Thành thực xin lỗi! Xin lỗi mấy anh, nhầm người rồi!
Một người trong đội ngũ liên quân trả lời:
-Bà không nhầm đâu, thưa bà. Đây là kẻ khủng bố đang bị truy nã.
La Lạp quay ngoắt sang Bất Vọng, cặp mắt muốn lồi ra. Bất Vọng cau mày nói xẵng:
-Khủng bố? Bọn bay khùng à?
-Không nhầm! Thưa ông Bất Vọng! Hãy theo chúng tôi về Đại Hội Đồng, ông hoàn toàn có quyền gọi luật sư nếu hợp tác.
Bất Vọng chẳng thừa thời gian dây dưa thêm nữa. Xử lý cả trăm thằng ranh trước mặt không khó với gã. Nhưng đúng lúc định xuất chiêu bí kỹ, Bất Vọng chợt nghe bộ đàm trên vai gã lính nọ vang lên giọng nói:
-Bất Vọng? Bất Vọng có đó không! Cho tôi gặp anh ta!
Người lính nọ thận trọng trao bộ đàm cho Bất Vọng. Chẳng thèm chào hỏi, gã quát lớn:
-Nhất Long hả? Thế này là thế nào? Tại sao mấy thằng ranh gọi tôi là khủng bố?
-Nghe này, ông bạn! Hãy tỏ thái độ hợp tác. Đừng hỏi… tôi nói rồi, đừng hỏi tại sao! Cậu đang vướng phải rắc rối lớn, nếu chống đối, tôi tin cậu sẽ vĩnh viễn định cư ở nhà tù Đại Hội Đồng!
Bất Vọng gầm lên:
-Ông chơi trò chết tiệt gì thế? Đã bảo rằng bận việc, tại sao các người cứ làm phiền tôi thế hả?
-Hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của tôi, ông bạn à. Cậu bị Đông Hoàng chơi xỏ rồi! Hoặc cậu hợp tác, hoặc mọi thứ sẽ bung bét và không thể kiểm soát nổi. Hãy tin tôi, chúng tôi đang tới Đại Hội Đồng, cậu sẽ an toàn, tôi đảm bảo!
Bất Vọng bóp nát bộ đàm. Gã không muốn nghe thêm nữa. Nhưng gã cũng chẳng chống đối lính liên quân. Ngẫm nghĩ kỹ, gã thấy dường như đây là cơ may của mình. Gã đang hoang mang cực độ. Và có lẽ sự khủng khiếp của nhà tù Đại Hội Đồng sẽ giúp Bất Vọng bình tâm trở lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.