Nghe Nói Nơi Phương Xa Có Anh

Chương 47: Chương 47




Thực ra đây chỉ là một câu chuyện xưa rất giản đơn.
Mười mấy năm trước, có một người phụ nữ yêu thích một bản nhạc piano nọ nhưng lại bởi vì thấy tự ti nên không dám đến gặp nghệ sĩ dương cầm đánh bản nhạc đó. Sau khi do dự suốt mấy ngày trời, người phụ nữ ấy mới lấy hết dũng khí ít ỏi của mình, viết lên tờ giấy viết thư màu trắng một câu: ‘Khúc nhạc anh đàn thật sự rất hay’. Sau đó, nhân lúc nghệ sĩ đánh đàn piano kia đi vắng, người phụ nữ lặng lẽ lẻn vào phòng piano và đặt mảnh giấy này lên trên cây đàn piano màu đen của người đàn ông đó.
Ngày hôm sau, nghệ sĩ dương cầm đã trả lời lại lời nhắn của người phụ nữ, cũng để lại cho người phụ nữ một tờ giấy: ‘Cảm ơn cô, cô là khán giả đầu tiên của bản nhạc này, tôi rất vui khi nhận được lời khen ngợi của cô’.
Sau khi người phụ nữ nhận được lời nhắn này thì cực kỳ mừng rỡ, đồng thời cũng có được sự khích lệ lớn. Thế là người phụ nữ lại để lại một câu nữa cho người nghệ sĩ dương cầm: ‘Bản nhạc này đã khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp đã lâu chưa xuất hiện’.
Nghệ sĩ dương cầm là một người có cảm xúc tinh tế nên đã trả lời người phụ nữ: ‘Cô đã gặp phải chuyện gì không vui sao?’
Sau đó, hai người họ đã bắt đầu một mối quan hệ bằng cách gửi thư qua giấy cho nhau.
Bởi cái gọi là giấy ngắn tình dài*, dần dần, người phụ nữ đã phải lòng nghệ sĩ dương cầm mà bản thân chưa từng gặp mặt. Nghệ sĩ dương cầm dường như cũng có thêm chút cảm tình với người phụ nữ.
*Giấy ngắn tình dài: thành ngữ Trung Quốc, ý chỉ một tờ giấy ngắn ngủi không thể nào diễn tả hết được tình yêu sâu sắc
Một ngày nọ, người nghệ sĩ dương cầm để lại cho người phụ nữ ấy một mảnh giấy: ‘Cô có thể đặt tên cho bản nhạc này giúp tôi được không?’
Người phụ nữ vừa hạnh phúc vừa cực kỳ kích động, trằn trọc suốt cả đêm, cuối cùng cũng nghĩ ra được một cái tên phù hợp nhất với cảm xúc của mình khi lắng nghe bài hát: [Ode to Spring]…
Vào lần đầu tiên người phụ nữ nghe thấy bản nhạc này ở bên ngoài phòng piano, người phụ nữ vừa trải qua cú sốc đau đớn bởi vì cái chết của ba mẹ và đang ở trong thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời. Chính bản nhạc này đã mang đến cho người phụ nữ sự ấm áp và sức mạnh, những nốt nhạc du dương tựa như ánh nắng của mùa xuân, xua đuổi đi cái lạnh và sương mù âm u, lạnh lẽo còn sót lại của mùa đông, lan tỏa tình yêu và hy vọng cho thế giới.
Khi viết ba chữ này lên giấy, trong lòng người phụ nữ vẫn còn có đôi chút bất an. Người nọ lo lắng rằng nghệ sĩ dương cầm sẽ không thích cái tên này, nhưng đồng thời, người phụ nữ cũng thầm mong đợi nghệ sĩ dương cầm sẽ tiếp nhận nó.
Tuy nhiên, đã liên tiếp mấy ngày trôi qua, người nghệ sĩ dương cầm vẫn chưa trả lời, tiếng đàn piano cũng không còn phát ra từ phòng đàn nữa. Người phụ nữ bắt đầu lo nghĩ, bắt đầu sợ hãi, ngày nào cũng mang trong mình nỗi thấp thỏm và bất an. Người phụ nữ rất sợ rằng người nghệ sĩ dương cầm sẽ cứ vậy mà biến mất, giống như ba mẹ của mình vậy. Người phụ nữ này đã xem người nghệ sĩ dương cầm ấy như là tia nắng duy nhất trong cuộc đời mình.
Rốt cuộc có một ngày, bản nhạc piano đã xa cách từ lâu lại vang lên trong phòng đàn một lần nữa. Người phụ nữ không kìm nén được nỗi lo lắng và rung động trong lòng, xúc động chạy vào phòng đàn.
Tiếng đàn piano đột ngột dừng lại, chàng trai anh tuấn ngồi sau cây đàn piano màu đen kinh ngạc và sửng sốt đưa mắt nhìn người phụ nữ.

Người phụ nữ cũng rất ngạc nhiên, bởi vì người phụ nữ biết người đàn ông này, Chu Nghiệp, nghệ sĩ đánh đàn violin điều khiển dàn nhạc.
“Anh vậy mà lại biết chơi đàn piano à?” Người phụ nữ là cấp dưới của Chu Nghiệp, đồng thời cũng là một nghệ sĩ violin, nhưng mà vẫn chưa chính thức gia nhập vào đoàn, chỉ là một ứng cử viên tầm thường mà thôi.
Chu Nghiệp đáp: "Có biết một chút."
Người phụ nữ lại hỏi: “Đây là phòng đàn của anh sao?”
Chu Nghiệp trả lời: “Là phòng đàn của Lương Cố, nhưng mà tôi vẫn thường xuyên tới đây luyện đàn.”
Lương Cố là nghệ sĩ dương cầm trong dàn nhạc.
Không giống với Chu Nghiệp bướng bỉnh, tùy tiện và khác biệt thì Lương Cố lại ôn tồn và lịch sự, càng giống như một quý tộc hơn.
Người phụ nữ cũng biết rõ trong dàn nhạc, Chu Nghiệp và Lương Cố có quan hệ khá tốt. Cho nên việc Chu Nghiệp mượn phòng đàn của Lương Cố để luyện đàn cũng không có gì là quá kỳ lạ.
Trước đây, người phụ nữ vẫn luôn suy đoán rằng người ngồi trong phòng đàn chính là Lương Cố. Tuy nhiên, tình huống hiện tại đã làm lung lay suy nghĩ của người phụ nữ: Có lẽ, người đó chính là Chu Nghiệp.
Thực ra, cho dù là trong công việc hay trong cuộc sống thường ngày, Chu Nghiệp vẫn luôn đối xử rất tốt với người phụ nữ. Người phụ nữ cũng có thể cảm nhận được sự quan tâm và tình cảm của Chu Nghiệp dành cho bản thân, nhưng mà... Những chuyện liên quan đến tình cảm như thế này thì không thể ép buộc, người phụ nữ cũng không có tình cảm đặc biệt gì dành cho Chu Nghiệp.
Người phụ nữ không thích tính cách tùy tiện và khoa trương của Chu Nghiệp, nếu như ánh nắng quá rực rỡ thì sẽ gây chói mắt.
Còn Lương Cố thì vừa đủ ấm áp, mỗi cử chỉ, lời nói và hành động của người đó đều hệt như nước suối xuân tháng ba, sưởi ấm an ủi lòng người.
Chu Nghiệp giống như câu thơ “Đắc ý trong gió xuân nên vó ngựa chạy nhanh, chỉ trong một ngày đã ngắm hết các loài hoa đẹp của Trường An.”, trong khi Lương Cố thì lại như “Người bên đường nọ đẹp như ngọc, không có công tử nào trên đời sánh bằng". Người phụ nữ thích kiểu người thứ hai, hơn nữa, ngày thường, Lương Cố cũng đối xử rất tốt với người phụ nữ. Vào khoảng thời gian ba mẹ của người phụ nữ vừa qua đời, Lương Cố đã tặng cho người phụ nữ một chiếc thuyền ô bồng xếp bằng giấy. Lương Cố còn nói với người phụ nữ rằng: “Khi cô nhớ đến họ, hãy thả thuyền xuống dòng sông, dùng nước đưa thuyền qua, có thể chở đi được nỗi nhung nhớ.”
Chỉ có những người ấm áp như vậy thì mới có thể sáng tác ra bản nhạc ấm áp.
Vì vậy, người phụ nữ đã có ấn tượng đầu tiên trong đầu, cho rằng Lương Cố mới là người sáng tác ra [Ode to Spring] - cái tên mà chính bản thân đã tự mình đặt.

Nhưng mà có vẻ như người phụ nữ đã lầm rồi.
Đứng trước cửa phòng đàn, người phụ nữ mím môi, lo lắng và hồi hộp nhìn về phía Chu Nghiệp: “Anh là người vẫn luôn luyện đàn ở đây à?”
Chu Nghiệp đáp: "Chứ sao nữa?"
Người phụ nữ tiếp tục đặt câu hỏi: “Chẳng phải đây là phòng đàn của Lương Cố hay sao?”
Chu Nghiệp trả lời: "Cô không biết à? Cậu ấy đã được cử ra nước ngoài du học rồi, đã hai tháng chưa quay về."
Người phụ nữ thốt lên: "À..."
Chu Nghiệp nói tiếp: “Cậu ấy được cử ra nước ngoài cũng đã nửa năm rồi. Gần đây, trong nhà cô lại có nhiều việc nên không ghé sang dàn nhạc nhiều, không biết cũng là chuyện bình thường.”
Chẳng hiểu vì sao người phụ nữ lại cảm thấy hơi thất vọng: "Vậy sao..."
Hóa ra trong vòng mấy tháng qua, người vẫn luôn gửi thư cho người phụ nữ thực sự không phải Lương Cố, mà là Chu Nghiệp.
Nhưng không biết tại sao, người phụ nữ vẫn có cảm giác không thể chấp nhận được chuyện này: “Vậy thì khúc nhạc vừa rồi mà anh vừa đánh…”
Không đợi người phụ nữ nói dứt lời, Chu Nghiệp đã lên tiếng trước: "Là bài [Ode to Spring], thế nào? Nghe hay không?"
Người phụ nữ sửng sốt, ngẩn người nhìn chằm chằm vào Chu Nghiệp một lúc lâu, rồi bỗng nhiên nở một nụ cười rạng rỡ, gật đầu thật mạnh: "Ừm! Nghe rất hay!"
Người phụ nữ vui mừng tới nỗi không tài nào diễn tả được bằng lời: [Ode to Spring] chính là cái tên mà bản thân đã đặt cho bản nhạc.
Cũng chính vào khoảnh khắc này, người phụ nữ không thể tự kiềm chế được bản thân mà đem lòng yêu Chu Nghiệp, yêu người nghệ sĩ dương cầm đã sáng tác ra bản nhạc đã giúp mình bước ra khỏi thời điểm tồi tệ trong cuộc đời.

Chẳng bao lâu sau, người phụ nữ đã trở thành người yêu của Chu Nghiệp.
Khi Lương Cố trở về từ nước ngoài thì hai người họ đã kết hôn. Không những vậy, người phụ nữ cũng đã mang thai được một tháng.
Dàn nhạc tổ chức tiệc mừng Lương Cố quay về, người phụ nữ và Chu Nghiệp đã cùng nhau tới tham dự bữa tiệc đón tiếp này với tư cách là cặp vợ chồng mới cưới và còn tặng cho Lương Cố một phần kẹo mừng cưới muộn.
Lương Cố mỉm cười, nhận lấy kẹo cưới từ trên tay hai người, sau đó lại nói với họ: “Chúc hai người hạnh phúc.”
Năm chữ này ngắn gọn mà lại có ý nghĩa sâu xa, đây cũng là lời nói duy nhất mà Lương Cố nói ra trong suốt bữa tiệc chiêu đãi ấy.
Khi đó, người phụ nữ còn đang đắm chìm trong niềm hạnh phúc của chính mình, cho nên cũng chẳng nhận ra điều gì kỳ lạ về Lương Cố. Mãi cho đến hai tháng sau, người phụ nữ đã vô tình nhìn thấy trên báo có một bài phỏng vấn riêng của Lương Cố…
Sau khi học xong trở về, Lương Cố đã tổ chức một buổi diễn tấu dương cầm của riêng bản thân. Chàng trai tuổi trẻ tài cao ấy đã đạt được thành công lớn nhờ vào buổi hòa nhạc này, chỉ một lần mà đã khiến Lương Cố trở nên nổi tiếng trong ngành và thu hút vô số phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đến tranh nhau phỏng vấn.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước, có một phóng viên đã hỏi Lương Cố: “Điều gì đã truyền cảm hứng cho anh sáng tác nên khúc nhạc [Ode to Spring]?”
Lương Cố im lặng một lúc lâu rồi mới trả lời: "Ba mẹ của một cô gái đã không may qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Bản nhạc này là để khích lệ cô ấy vực dậy một lần nữa."
Phóng viên mỉm cười hỏi tiếp: “Đó là cô gái mà anh thích sao?”
Lương Cố nhếch khóe miệng, lại bất đắc dĩ mà mỉm cười: "Câu hỏi tiếp theo."
"..."
Vị phóng viên đó đã đăng lên báo toàn bộ phản ứng và câu trả lời của Lương Cố cho tất cả các câu hỏi, không sót một chữ nào. Sau khi đọc xong, trong nháy mắt, người phụ nữ đã cảm thấy suy sụp.
Người phụ nữ đã bị Chu Nghiệp lừa gạt rồi, bị người đàn ông mà hiện tại đã trở thành chồng mình lừa gạt.
Thế là người phụ nữ không còn dịu dàng nữa mà trở nên cuồng loạn, cãi nhau điên cuồng với Chu Nghiệp, gần như đã đập nát tất cả mọi đồ vật có ở trong nhà.
Sau đó, người phụ nữ bị sảy thai.
Người phụ nữ mất đi đứa con của mình, nhưng cũng chẳng hề đau buồn gì. Trái lại cảm thấy nhẹ nhõm, ít nhất người phụ nữ đã có thể rời khỏi kẻ dối trá Chu Nghiệp này rồi.
Thế nhưng, Chu Nghiệp không đồng ý ly hôn.

Tuy nhiên, thứ đè nét cọng rơm cuối cùng của người phụ nữ không phải là thái độ của Chu Nghiệp, mà là tin tức về việc Lương Cố sẽ kết hôn.
Nghệ sĩ dương cầm tuổi trẻ tài cao rốt cuộc vẫn nghe theo mệnh lệnh của ba mẹ và kết hôn với cô con gái của một gia đình giàu có, xứng đôi vừa lứa với mình.
Cô con gái của gia đình giàu có ấy tên là Tống Từ, là một người phụ nữ rất xinh đẹp. Một năm sau khi kết hôn, Tống Từ đã sinh cho Lương Cố một cậu con trai, đặt tên là Lương Vân Tiên.
Mà người phụ nữ đáng thượng bị hiện thực đè bẹp đó tên là Chương Đồng.
Lương Cố đã có vợ con, gia đình hạnh phúc, cho nên Chương Đồng trở nên tâm tàn ý lạnh. Bà ta mang trong mình nỗi khổ khó nói ra, nên cũng chẳng còn ôm lấy bất kỳ ảo tưởng nào về cuộc sống nữa, cũng không ầm ĩ đòi ly hôn và cứ tiếp tục sống như một cái xác không hồn.
Khi Lương Vân Tiên được một tuổi, Chương Đồng sinh ra một đứa bé, là con của Chu Nghiệp. Bà ta cũng không có bao nhiêu tình cảm dành cho đứa trẻ này, thậm chí ban đầu, khi nó mới được sinh ra, bà ta còn chẳng muốn liếc nhìn cậu bé lấy một lần.
Sau này, Chu Nghiệp đặt tên cho con trai mình là Chu Lạc Trần.
Lá thư trên tầng mây cao cũng không thể sánh bằng cảnh trần gian trù phú*.
*Vân Tiên dịch sát nghĩa là “lá thư trên tầng mây”. Còn Lạc Trần là “trần gian trù phú”.
“Nếu như ba không lừa bà ấy, làm sao mà có con trên đời này được?” Đèn đỏ ở ngã tư chuyển sang màu xanh, Chu Nghiệp chậm rãi đạp chân ga, đồng thời trả lời câu hỏi của con trai mình.
Chu Lạc Trần chẳng tỏ rõ ý kiến gì, cảm xúc lẫn lộn cất tiếng hỏi: "Ba, ba đã từng hối hận bao giờ chưa?"
Chu Nghiệp lặng lẽ nở nụ cười: "Vì sao ba phải hối hận chứ? Thích thì phải ra sức thực hiện, cố gắng không đến nơi đến chốn thì mới hối hận."
Bây giờ ông ta cũng đã thành công có được điều mình muốn rồi, cho nên ông ta không hề hối hận.
Tuy nhiên, Chu Lạc Trần lại không hề nghĩ như vậy.
Trong lòng mẹ cậu ta chưa bao giờ có ông ta, từ tận sâu trong lòng, bà ta vẫn luôn yêu Lương Cố. Bà ta yêu cả đứa con của Tống Từ, thậm chí còn hơn cả con ruột của chính mình, đơn giản chỉ là bởi vì anh là con của Lương Cố.
Về sau, tình cảm không thể được đáp lại đó của mẹ cậu ta dành cho Lương Cố đã đạt tới mức độ điên cuồng. Vì để có thể tiếp cận với Lương Cố, bà ta thậm chí còn không ngần ngại lợi dụng chính con trai của mình.
Chu Lạc Trần vẫn còn nhớ rõ khi cậu ta còn rất nhỏ, cậu ta đã gặp Lương Vân Tiên. Lúc đó, cậu ta mới được khoảng chừng ba tuổi, tay cầm bút còn không được vững, cũng chẳng có năng khiếu học thư pháp, cho nên thầy dạy thư pháp ấy cũng không muốn nhận cậu ta vào làm học trò. Chương Đồng đã mang theo vô số quà tặng đến nhà ông lão đó, cầu xin không biết bao nhiêu lần, rốt cuộc cũng đả động được tới ông lão, phá lệ nhận cậu ta vào học.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.