Mùa Hè

Chương 1:




Nàng bước ra khỏi nhà luật sư Royall nằm ở cuối con đường của North Dormer và đứng ở ngưỡng cửa.
Câu chuyện bắt đầu từ một buổi chiều tháng Sáu. Bầu trời trong vắt chiếu ánh nắng như một màn mưa bạc xuống những mái nhà, đồng cỏ và những rặng thông xung quanh đó. Một chút gió làm chuyển động các cụm mây trên những ngọn đồi, làm cho bóng râm chạy xuyên qua những cánh đồng xuống những con đường đầy cỏ suốt vùng North Dormer. Vùng này nằm trên cao và trông, nên thiếu nhiều bóng mát để bảo vệ cho những ngôi làng ở New England.
Những bụi liễu bên cạnh bờ ao thả vịt và những cây vân sam ở trước cổng nhà Hatchard tỏa bóng mát dọc theo con đường duy nhất giữa ngôi nhà luật sư Royall và cuối con đường làng dẫn lên ngôi thánh đường. Con đường này men theo bờ tường mọc đầy những cây độc cần đen xung quanh nghĩa trang.
Một cơn gió tháng Sáu thoảng qua làm xao động những cành cây, rì rào, lắc lư những cây vân sam như những chiếc khăn tua ven rừng nhà Hatchard. Gió thổi tung chiếc nón rơm của một chàng trai trẻ rơi xuống mặt đường rồi cuốn lăn long lóc vào ao thả vịt.
Khi anh ta chạy theo để nhặt nó lên, cô gái đứng trên bậc thềm nhà luật sư Royall phát hiện anh ta là người lạ, ăn mặc theo kiểu thành thị. Anh ta cười toét miệng lộ cả răng ra, một nụ cười “bất cẩn” khi ở trong tình huống rủi ro đó.
Tim nàng se lại khi nàng thấy những người có gương mặt hồ hởi đang trong tâm trạng tận hưởng những ngày hè, nàng bèn rút lui vào nhà và giả vờ như tìm chìa khóa mà nàng thật sự biết rõ là đã để vào trong túi của mình rồi. Có một tấm gương hẹp màu hơi lục với một con đại bàng mạ vàng treo trên bức tường ở hành lang và nàng nhìn một cách xoi mói bóng mình trong gương. Uớc gì đôi mắt mình được xanh như của Annabel Balch, một cô gái mà đôi lần đến vùng Springfield để nghỉ một tuần với bà cô già Hatchard. Mỗi khi xuất hiện dưới ánh nắng mặt trời, cô ta ăn diện đẹp, điệu đàng, sửa thẳng mũ che nắng trên gương mặt nhỏ nhắn ngăm đen của mình.
“Sao mà mình ghét mọi thứ thế không biết!” - nàng rên rỉ.
Chàng trai trẻ đi ngang qua vào cổng nhà của cô Hatchard, còn nàng thì theo con đường riêng của mình. North Dormer lúc nào cũng là nơi vắng vẻ. Vào lúc 3 giờ một buổi chiều tháng Sáu, một vài người đàn ông khỏe mạnh ở vùng này rời cánh đồng hoặc những rừng cây, còn phụ nữ thì ở trong nhà, bận rộn với hàng đống công việc nặng nhọc của mình.
Người con gái vừa đi vừa đong đưa chiếc chìa khóa của mình trên những ngón tay, vừa tập trung cao độ xem xem do đâu mà có sự hiện diện của người lạ mặt trong một nơi quen thuộc này. Nàng tự hỏi, đối với những người lạ khắp nơi trên thế giới thì vùng North Dormer giống như cái gì nhỉ? Bản thân nàng đã sống ở nơi này từ lúc lên năm và đã từ lâu lắm rồi nơi này được coi như là một cái gì đó quan trọng lắm. Nhưng một năm trước đây, khi những con đường chưa bị cày xới lên ngài - Miles, một giáo sĩ thuộc tòa giám mục đã lái xe đến mỗi ngày Chủ Nhật để làm lễ ở nhà thờ North Dormer. Trong một đợt truyền giáo, ngài Miles đã đề nghị một cách đầy tâm huyết là đưa những người trẻ tuổi đến Nettleton để nghe giảng về vùng đất thánh. Người ta đã đưa các chàng trai, cô gái đại diện cho tương lai của vùng North Dormer đến Hepburn bằng chiếc xe riêng của điền trang, rồi đáp xe lửa đến Nettleton.
Thật không thể nào tin được vào tiến trình của một ngày mà Charity Rorall có được: lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất nàng được đi xe lửa, được nhìn những cửa hàng có những tấm kiếng phía trước, được ăn những bánh ngọt nhân dừa, được ngồi trong nhà hát lắng nghe một người đàn ông hào hoa nói những điều khó hiểu trước những bức ảnh mà nàng thích thú, chỉ có những lời giải thích của người ấy làm nàng không thể hiểu được mà thôi. Sự khai tâm này đã chỉ cho nàng biết rằng vùng North Dormer là một nơi bé nhỏ, và dâng lên trong lòng nàng một nỗi khát khao về thông tin mà ở địa vị của nàng, người trông coi thư viện của làng, đã mờ tịt. Trong một hoặc hai tháng gì đó nàng đã vùi đầu vào những quyển sách đầy bụi ở thư viện Hatchard Memmorial, đọc một cách ngấu nghiên nhưng không liên tục, rồi ấn tượng về Nettleton bắt đầu nhạt phai, và nàng thấy dễ dàng khi xem North Dormer như là tiêu chuẩn của vũ trụ còn hơn là tiếp tục đọc sách.
Cái cảnh thấy người lạ một lần nữa làm sống lại những ký ức về Nettleton, và bây giờ hình ảnh North Dormer đang thu nhỏ lại đúng kích cỡ thật sự của nó. Khi nàng nhìn lên ngó xuống, nàng đo đạc nó không thương tiếc từ ngôi nhà đỏ đã phai màu của luật sư Royall ở cuối đường đằng kia cho đến ngôi thánh đường màu trắng ở phía này. Nằm kia là một ngôi làng dạn dày nắng gió của những ngọn đồi, con người bị bỏ quên, tách biệt khỏi đường ray, xe chở đồ không mui, máy điện báo, và tất cả quyền lực mà nó nối liền cuộc sông này với cuộc sống khác trong những cộng đồng xã hội tân tiến. Nó không có lấy một cửa hàng, không có nhà hát, không có các bài giảng, không có một tòa nhà dành cho việc kinh doanh mua bán, chỉ có duy nhất một ngôi giáo đường mà cứ cách một ngày Chủ Nhật mới mở cửa, nếu tình trạng các con đường cho phép và một thư viện không có một quyển sách mới, chỉ có những quyển được mua cách đây hai mươi năm, và nơi mà các quyển sách cũ được nhét yên vị trên các kệ ẩm ướt. Cho đến bây giờ người dân vùng North Dormer luôn luôn cho rằng Charity Royall may mắn có một công việc tốt ở đây như một đặc ân. Nàng biết rằng, nếu đem so sánh nơi mà nàng từ đó đến thì North Dormer có tất cả những công dân tốt và hạnh phúc. Tất cả mọi người ở đây đều nói với nàng như vậy khi nàng được mang về đây lần đầu tiên lúc còn là một cô bé. Ngay cả bà cô già Hatchard, cũng đã bảo với nàng rằng: “Ôi cô bé của tôi, con luôn luôn phải nhớ chính ông Royall đã mang con từ trên Núi xuống.”
Nàng “đã được mang từ trên Núi xuống”, nơi mà vách đá nhô ra biển đáng sợ kia sừng sững một bức tường ảm đạm trên những đường dốc của rặng núi Eagle, tạo nên một cảnh quan âm u cho thung lũng cô độc bên dưới. Ngọn núi thì cách đó mười lăm dặm, nhô lên một cách xấc xược từ những ngọn đồi thấp hơn và dường như nó ném gần hết tất cả bóng râm của mình xuống North Dormer. Bầu trời giống như một miếng nam châm khổng lồ hút tất cả những cụm mây đen lại thành một khối rồi chẻ chúng ra tan tác trong cơn bão băng qua vùng thung lũng. Đã có lần, trên bầu trời hè trong xanh nhất, ở đó bỗng xuất hiện một luồng hơi nước trên vùng North Dormer, nó trôi dạt xuống Núi như một con tàu bềnh bồng trong vùng xoáy nước và bị túm lấy bởi các hòn đá, vỡ ra tan tành thành muôn mảnh, rồi bị quét ngược về ngôi làng trong cơn mưa và bóng tối.
Charity không biết rõ lắm về ngọn núi nhưng nàng chỉ biết đó là nơi tồi tệ, và một sự ô nhục đến từ nơi ấy, mà tất cả đều đổ trên đầu nàng khi cô Hatchard một lần đã nhắc nhở rằng nàng phải nhớ là mình được mang xuống đây từ nơi đó, và bắt lưỡi nàng phải nói lời cám ơn. Nàng nhìn lên Núi nghĩ đến điều này, và cố gắng nói lời cám ơn. Nhưng cái cảnh người đàn ông trẻ quay lưng đi vào cổng nhà cô Hatchard đã mang trở về trong nàng cảnh tượng những con đường tráng lệ ở Nettleton, và nàng vừa cảm thấy mắc cỡ vì chiếc mũ che nắng sờn cũ của mình, ngao ngán North Dormer, và ghen tị với Annabel Balch của vùng Springfield chắc là đang mở to đôi mắt màu xanh nhìn một nơi nào đó huy hoàng còn hơn sự huy hoàng ở Nettleton.
Nàng lại nói: “Sao mình ghét mọi thứ thế không biết.”
Đến nửa đường, nàng dừng lại ở một cánh cổng có gắn một bản lề nhỏ. Qua cổng, nàng đi xuống lối đi lát gạch đến một cái miếu nhỏ kỳ quặc bằng gạch với những cây cột bằng gỗ màu trắng nâng đỡ phần tam giác trước mặt tiền và sát mái nhà dùng để trang trí mà trên đó có những chữ khắc mạ vàng đã phai màu: “Thư viện tưởng niệm Honorius, năm 1832.”
Honorius Hatchard là chú của bà cô già Hatchard, nếu bà cô đảo ngược cụm từ và đặt ra phía trước thì bà khẳng định sự thật bà là cháu gái của người chú kia. Đối với ông Honorious Hatchard, trong những năm đầu thế kỷ thứ 19, ông đã tận hưởng danh xưng là người nổi tiếng khiêm nhường. Khi phiến đá cẩm thạch bên trong thư viện được những du khách không thường xuyên biết đến, ông đã làm chủ nhiều phần thưởng văn học được viết trên một loạt các giấy tờ, gọi ông là “Người ẩn dật của rặng núi Phượng Hoàng” tận hưởng sự quen biết với Washington Irving và Fitz-Green Halleck, và rồi đã lìa bỏ tuổi thanh xuân vì một cơn sốt mà ông nhiễm phải ở Ý. Những điều như vậy là nền tảng nối liền giữa North Dormer và văn học, một sự nối kết tưởng niệm giả tạo bằng cách dựng một tượng đài mà nơi đó Charity Royall vào mỗi buổi chiều Thứ Ba và Thứ Năm, ngồi làm việc ở bàn của mình dưới một tấm kẽm được khắc tên người đã chết. Nàng tự hỏi rằng ông ta có cảm thấy người chết nào khác trong ngôi mồ của mình hay là chỉ riêng nàng cảm thấy như thế trong thư viện của ông ta.
Với dáng vẻ bơ phờ, nàng bước vào ngôi nhà giống như nhà tù của nàng, cởi nón ra và treo nó trên bức tượng nữ thần Minerva bán thân bằng nhựa, mở cánh cửa chớp, nhoài người ra xem có cái trứng nào trong tổ chim nhạn ở trên một trong những cửa sổ hay không. Cuối cùng nàng ngồi sau chiếc bàn, kéo ra một cuộn đăng ten bằng vải và một cái móc bằng thép để móc. Nàng không phải là một thợ móc chuyên nghiệp vì vậy phải mất nhiều tuần nàng chỉ móc được khoảng nửa thước ren hẹp quấn quanh cái gáy sách rơi ra của quyển “Người thắp đèn”. Nhưng không có cách gì khác để có ren trang trí cho chiếc áo mùa hè của nàng. Chính vì Ally Hawes, một cô gái nghèo nhất trong làng đã tự phô trương mình trong nhà thờ với đôi bờ vai đáng ghen tị nên que móc của Charitylàm việc nhanh hơn. Nàng mở cuộn chỉ ra, luồn chỉ vào móc, và cúi xuống công việc của mình với những cái cau mày.
Thình lình cửa bật mở, trước khi nhướn đôi mắt lên nàng đã biết đó là chàng trai trẻ - người mà nàng thấy đi vào cổng nhà Hatchard - đang bước vào thư viện.
Không thèm để ý đến nàng, anh ta di chuyển chầm chậm về căn phòng giống như cái vòm dài, đôi bàn tay để sau lưng, đôi mắt cận thị của anh ta liếc lên liếc xuống những dãy có những đông sách hoen ố. Cuối cùng anh ta vươn mình tới chiếc bàn và đứng trước mặt nàng.
“Cô có danh... danh mục liệt kê sách không?” - anh ta hỏi với một giọng điệu vui vẻ và có phần hấp tấp, chính cái tính kỳ quặc trong câu hỏi làm nàng bỏ dở công việc của mình.
“Gì cơ?”
“Cô có biết...” - anh ta ngập ngừng không nói hết câu và nàng nhận thấy anh ta đã nhìn mình, đã quan sát mình và cả đồ đạc trong thư viện từ bên ngoài.
Sự thật là rằng, gặp nàng, anh ta quên hết những gì mình muốn nói và không thể cưỡng lại được sự thu hút của nàng. Nàng cúi xuống và mỉm cười. Anh ta cũng mỉm cười.
“Không, tôi không nghĩ rằng cô biết.” - anh ta tự đính chính - “Sự thật là, nó gần như là một điều đáng tiếc...”
Nàng nghĩ mình đã phát hiện ra có một chút hạ mình trong giọng nói của anh ta và nàng hỏi một cách gắt gỏng: “Tại sao?”
“Bởi vì thật là dễ chịu, trong một thư viện nhỏ bé như thế này, khi mình lục tìm những gì mình muốn mà có sự giúp đỡ của một thủ thư.”
Anh chàng thêm vào nhóm từ cuối cùng một cách hết sức kính cẩn đến nỗi nàng cảm thấy được nguôi ngoai và trả lời trong một tiếng thở dài: “Tôi e là không giúp được nhiều.”
“Tại sao?” - anh ta hỏi, nàng đáp lại rằng dù sao thì cũng không có nhiều sách, và nàng hầu như không đọc một quyển nào trong số chúng. “Những con mọt đang gặm nhấm chúng.” - nàng nói một cách buồn buồn.
“Vậy sao? Thật là đáng tiếc, để tôi coi có quyển nào tốt không.” - Anh chàng dường như mất đi vẻ quan tâm trong cuộc đối thoại cũng như quên đi sự có mặt của nàng. Sự thờ ơ của anh ta đã chọc giận nàng. Nàng nhặt kim móc lên tiếp tục công việc của mình và quyết tâm không giúp anh ta dù là một chút xíu. Rõ ràng là người ta không cần sự giúp đỡ của mình, người ta đã quay lưng với mình rồi. Anh ta lấy từng quyển sách xuống, chất một chồng cao những quyển sách đầy mạng nhện từ cái kệ đằng kia.
“Này, tôi nói này!” - anh ta nói to. Khi nhìn lên, nàng thấy anh ta rút chiếc khăn tay ra và cẩn thận lau bìa sách trong tay mình. Hành động đó như tát vào nàng với những lời phê bình là tại sao nàng không chăm sóc giữ gìn các cuốn sách, nàng cho những lời phê bình đó là không chính đáng. Và nàng nói một cách giận dữ: “Đó không phải lỗi của tôi nếu các cuốn sách bị bẩn.”
Anh ta quay lại nhìn nàng với sự thú vị vừa hồi sinh. “A, vậy ra cô không phải là quản thủ thư viện?”
“Dĩ nhiên tôi là quản thủ thư viện, nhưng tôi không thể lau bụi cho từng quyển sách. Hơn nữa không một ai đoái hoài đến chúng. Hiện nay bà cô Hatchard cũng không còn hứng thú đến đây nữa là.”
“Không, tôi cho là không” - Anh ta đặt quyển sách đã được lau bụi và đứng quan sát nàng trong yên lặng. Nàng tự hỏi có phải bà cô Hatchard đã phái anh ta đến để xem thư viện được chăm sóc như thế nào, và mối nghi ngờ làm tăng lên sự oán giận trong lòng nàng. “Tôi thấy anh vào nhà bà cô ấy phải không?” - nàng hỏi với sự né tránh kiểu New England về cách gọi tên riêng. Nàng quyết định phải tìm cho ra tại sao anh ta đang lục lọi trong những quyển sách của nàng.
“Nhà của bác Hatchard hả? Vâng - bác ấy là họ hàng của tôi và tôi đang ở đấy.” - chàng trai trả lời; như để đánh tan sự nghi ngờ, anh ta nói thêm: “Tôi tên Hamey - Luciuc Harney. Có lẽ bác ấy có nói về tôi chứ?”
“Không, bà ấy không nói gì cả” - Charity vừa nói vừa ước gì nàng có thể nói: “Vâng, cô ấy có nói.”
“Ồ, vâng!” - người cháu họ của bà cô Hatchard vừa cười vừa nói. Và sau một lúc anh chàng lại nhấn mạnh: “Dường như cô không rành về nghệ thuật kiến trúc cho lắm thì phải.”
Nàng hoàn toàn bị bối rối: nàng càng muốn tìm hiểu anh ta thì càng thấy khó hiểu hơn. Anh ta nhắc cho nàng nhớ lại hình ảnh của người hào hoa đã diễn giải những hình ảnh ở Nettleton dạo nào, và sự nặng nề của sự dốt nát trùm phủ lấy nàng như tấm vải phủ quan tài.
“Ý tôi là, tôi không thấy cô có quyển sách nào nói về những ngôi nhà cũ ở đây. Tôi cho vấn đề ở đây là vùng này của đất nước vẫn chưa được khảo sát tỉ mỉ. Người ta đều tiếp tục khảo sát ở Plymouth và Salem. Thật điên rồ! Ngôi nhà của bác tôi, hiện giờ thật đáng chú ý. Nơi này ắt hẳn phải có một quá khứ - phải là một cái gì đó của một thời.” - Anh chàng dừng lại một chút, với chút ngượng ngùng của một người đàn ông mắc cỡ vì đã nghe lén câu chuyện, và sợ mang tiếng là ba hoa. - “Tôi là một kiến trúc sư, cô thấy đó, và tôi đang tìm kiếm các ngôi nhà cũ trong các vùng này.”
Nàng nhìn trừng trừng: “Những ngôi nhà cũ ư? Mọi thứ đều cũ ở North Dormer, phải không? Nói như vậy, người dân cũng cũ kỹ nữa phải không?”
Anh ta cười và lại để tâm hồn đi lang thang.
“Cô có cuốn lịch sử nào cùa vùng này không? Tôi nghĩ có một quyển viết về nơi này vào năm 1840: một quyển sách nói về sự định cư đầu tiên của nó.” - anh ta nói từ phía cuối căn phòng.
Nàng ấn kim móc vào môi và trầm tư suy nghĩ. Nàng biết là có một quyển như thế. North Dormer và Cộng đồng Dân cư đầu tiên của Hạt Eagle. Nàng có ác cảm với nó bởi vì đó là một quyển sách mềm nhũn thường bị rơi xuống khỏi kệ sách hoặc là lọt thỏm vào bên trong mất dạng nếu ngộ nhỡ có ai đó nhét nó vào những quyển sách khác. Nàng nhớ lại lần cuối cùng nàng đã nhặt nó lên, tự hỏi rằng làm sao mà một ai đó có thể chuốc lấy phiền hà để viết về Northdormer và các vùng lân cận của nó như Dormer, Hamblin, Creston và sông Creston như thế chứ. Nàng biết tất cả chúng, chỉ là những cụm nhà mất hút trong hốc núi của những gò đất tan hoang đổ nát. Đó là Dormer nơi mà dân North Dormer đến để mua táo. Vùng sông Creston, nơi đó đã từng có nhà máy giấy và các bức tường chơ vơ đang bị phân rã bởi dòng suối, và Hamblin, nơi luôn luôn có tuyết rơi đầu tiên. Những điều như vậy đã làm nên sự nổi tiếng của chúng.
Nàng đứng lên và bắt đầu lục tìm một cách ngờ ngợ trước những kệ sách. Nhưng nàng không biết chắc lần cuối cùng nàng để quyển sách đó ở đâu, và một điều gì đó mách bảo nàng rằng đây là một trò chơi khăm nhưng nàng vẫn chưa nhận ra. Nàng nghĩ đây là một ngày không may mắn của mình.
Để chứng minh nhiệt tâm của mình, nàng nói: “Tôi đoán nó ở đâu đây.” nhưng nàng nói mà không tin chắc và cảm thấy lời mình nói không truyền đạt được gì.
“À, vâng!” - anh ta lại nói. Nàng biết là anh chàng sắp đi mà trong lòng ước muốn tìm được quyển sách hơn bất cứ thứ gì.
“Để lần sau vậy!” - anh ta nói thêm rồi cầm lên một quyển sách mà anh ta đã để trên bàn đưa cho nàng. “Nhân tiện đây, một ít không khí và ánh sáng mặt trời sẽ làm cho nó tốt hơn. Nó là cuốn sách khá đáng giá.”
Chàng trai trao nàng một cái gật đầu và mỉm cười bước ra ngoài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.