Mô Kim Quyết - Quỷ Môn Thiên Sư

Chương 1: Lão Thử Lĩnh Đả Thiên Đăng




*Lão thử: Chuột
Ngươi xem chuyện dưới vòm trời này, thật khó có thể chỉ một câu hai câu mà nói rõ được. Trên dưới 5000 năm lịch sử, qua nhiều thời kì nhiều thời đại cao nhân không ít, có người khởi đầu không hề dễ dàng, ví dụ nói đến Hàn Tín, người đó bản lĩnh tài giỏi ai mà không biết? Nhưng mà khi mới sinh ra, sớm đã phải chịu nhiều nhục nhã đến gập cả lưng, cho đến sau này được lên đài phong tướng, lấy cớ tu sửa sạn đạo để hoạt động bí mật, bố trí mai phục khắp nơi nhằm vây khốn Bá Vương, thẳng một hơi dồn ép đến sông Ô Giang buộc Hạng Vũ phải tự vẫn (Trans: Sở Bá Vương Hạng Vũ). Vậy mới nói, cuộc đời Hàn Tín thật gọi là lắm thăng trầm, khi lên voi lúc xuống chó, đầu đội trời chân đạp đất, cuối cùng lại thế nào? Vừa tiến cung đã bị Lã Hậu chém chết. Hàn Tín còn như vậy, huống chi là người thường?
Cuộc đời này, có người trước bần sau phú, lại có người trước phú sau bần, đều là không giống nhau. Đời người gặp nhiều gian nan trắc trở, không ai thuận buồm xuôi gió một lèo cả. Năm ấy có một gia đình giàu có, ở địa phương đó có thể nói là không ai sánh kịp, phú giáp một phương, phòng ở không hết, buôn bán cực lớn, trong nhà có không biết bao nhiêu là tiền với tiền. Lão đương gia quyên tiền mua lấy một chức quan, do đó được mọi người gọi là lão viên ngoại, đối nhân xử thế đặc biệt tốt, thích làm việc thiện, kính lão thương bần, ai có khó khăn để ông ta biết, nhận định sẽ được ra tay cứu giúp. Tu cầu sửa lộ, trợ giúp kẻ nghèo, đông thí áo bông, hạ thí dược thang, cửa nhà quanh năm mở ra giúp đỡ nơi ăn chốn ở cho mọi người, người nghèo không có gì ăn, không có nơi để ở đều tìm đến đây, ngươi nói xem, bây giờ cái gì cũng không có, thì chỉ cần cháo bột ngô với màn thầu cũng là quá đủ, có thể ăn không thể mang theo. Việc trợ giúp chúng sinh này thật không dễ dàng gì, một ngày, hai ngày, mười ngày nửa tháng, lại quanh năm đều làm như thế, vậy phải gánh lấy chi phí nhiều như thế nào? Viên ngoại gia người này một đời không làm gì khác, suốt ngày chỉ làm việc tốt, cho nên mọi người đều gọi viên ngoại gia là Bồ Tát sống, hoặc gọi là đại thiện nhân, tìm khắp trên trời dưới đất cũng không thấy người nào tốt được bằng viên ngoại gia.
Mặc dù lão tổ tiên nhà này cũng đã từng tại kim điện được thụ phong ban thưởng, nhưng đến thế hệ này của viên ngoại gia, sớm đã từ quan không làm nữa, chỉ một lòng lo liệu việc kinh doanh buôn bán. Bởi vì thường nói “từ bất chưởng binh, tình bất lập sự, nghĩa bất lập tài, thiện bất chưởng ấn” (Trans: ý nói người hiền lành không động binh đao, người tình cảm thì không dựng chuyện,... bản tính thế nào thì sẽ không làm việc trái với lương tâm mình.), những người thật sự tốt sẽ không nguyện ý ra làm quan, quan trường sóng gió chìm nổi nhiều sự tình không thể theo ý mình mà làm, không phải vì muốn lương tâm không bị vấy bẩn mà không nguyện ý làm việc xấu thì có thể không làm. Nói tóm lại người này là một người thiện lương từ trong ra ngoài, từ đầu xuống chân, từ tim chạy sang phổi. Bất quá tục ngữ có câu “nhân bất thập toàn”, chớ nhìn viên ngoại gia đã là đại lão gia tiền nhiều vạn quán, bản thân ông ta cũng có sự tình buồn phiền riêng, sự tình đó là gì vậy? Chính là không có con!
Viên ngoại gia trong lòng nói ra: “Bà nói xem ta cũng không làm điều gì thất đức, tu cầu sửa lộ, ăn chay niệm phật, thế nào mà ta lại vẫn không thể có một đứa con? Không nhất thiết phải là con trai, dù cho có là một cô nương đi nữa cũng được rồi! Tại sao đều không có lấy một đứa cơ chứ! Trong nhà không có người nối dõi, sau này ta nhắm mắt xuôi tay, gia nghiệp vĩ đại này biết để cho ai? Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (Trans: Trong ba điều bất hiếu, tuyệt hậu không có con là tội lớn nhất.), sau này xuống âm tào địa phủ gặp liệt tổ liệt tông ta biết ăn nói thế nào đây?”
Sau khi nói ra những suy nghĩ lâu nay, trong tim lão đầu như có vết dao cứa, mùi vị đầy tội lỗi. Đôi vợ chồng già ngồi cạnh nhau, cũng không làm gì khác, chỉ biết người này oán hận người kia. Viên ngoại gia nhìn phu nhân đầy chướng mắt, lão phu nhân nhìn viên ngoại gia cũng đầy khó chịu.
Một ngày này viên ngoại gia lại ngồi trong nhà chính mà lắc đầu rồi thở dài, nói với phu nhân: “Bà đừng thấy người ngoài đều gọi ta là đại thiện nhân, thế nhưng cũng có kẻ lén lút nói sau lưng để ta nghe thấy được, bà biết họ nói gì không? Người ta nói ta làm việc thiện để che giấu những tội ác bí mật, người trước người sau đều giống nhau, nói rằng ta làm việc tốt để cho người ngoài nhìn mà thôi, chứ không phải thật tâm thiện lương, nếu thật tâm thì không thể không có con nối dõi. Ta nghĩ trên trời có mắt, thần phật có linh, đáng ra phải cho ta có một đứa con mới đúng, nghĩ đi nghĩ lại, người phải trách chính là mụ già nhà bà, bà xem bà theo ta đã bao nhiêu năm rồi, ta lấy bà về để làm gì? Bà thế nào mãi không chịu đẻ lấy một đứa? Vẫn đừng có nói đến là sinh con trai, bà nghĩ đi, nghĩ cho kĩ đi, theo ta đến tận bây giờ, liền đến một cái rắm cũng không thả ra nổi!”
Viên ngoại gia nói những lời đó, thật khiến phu nhân không thể nghe nổi, tại sao thế? Đánh người đừng đánh mặt, mắng người chớ mắng lâu, phu nhân từ khi vào cửa đến nay chưa từng sinh đẻ được, nên sợ nhất là bị người ngoài nhắc đến chuyện này, ngày thường chúng hạ nhân vô ý nhắc tới đều đủ mất mặt rồi.
Giờ bị viên ngoại gia trước mặt nói ra, sắc mặt lập tức khó coi: “Không có con nhưng ông cũng không thể trách móc đổ tại một mình tôi được! Tục ngữ nói tâm thành ắt linh, để tôi nói cho mà nghe, ông ấy là tâm vẫn chưa thành, phải thắp hương bái phật! Chỉ có một tấm tâm thành mới có thể cảm động trời cao, như thế lão nương nương mới ban tặng cho chúng ta một đứa con!”
Một lời này nói ra cũng chẳng có ý gì, nhưng viên ngoại gia lại cho là thật, ông ta là người gặp núi bái núi, gặp miếu bái miếu, vì cầu lấy một đứa con, sông lớn nào danh sơn nào cũng đều lần lượt đi đến hết, ngay cả Hoa Quả Sơn cũng đến nốt. Lão phu nhân cũng chả khác gì, thấy miếu nhất định phải vào hương khói quỳ lạy, mỗi năm còn bái mấy lượt hương, thế nào gọi là “bái hương”? Kiểu như có một ngôi miếu ở trên núi, lão phu nhân sẽ bắt đầu từ dưới chân núi đi lên, cứ ba bước lại dập đầu một lần thẳng cho đến ngôi miếu. Tiền hương hoả trong miếu cũng chi ra quá là nhiều, dù cho bất luận nói thế nào, tâm đã rất thành. Không hiểu do đôi vợ chồng già tâm thành, hay là gặp đúng dịp, chỉ mới một năm này, quả thật là có một đứa con trai, khiến hai người vui mừng không thôi, mong trăng mong sao, cuối cùng đứa con mong ước bấy lâu cũng đến, lão thiên gia phù hộ, thần phật thật là có mắt.
Hàng xóm láng giềng xung quanh, họ hàng thân thích, bạn bè bốn phương đều đến để chúc mừng, cả nhà viên ngoại gia bày dọn tiệc rượu đãi khách, không dưới một trăm chiếc bàn được xếp thành từng hàng chật kín cả nửa con phố, ba ngày ba đêm cỗ bàn liên tục người đến kẻ đi như nước, không quản là quen biết hay không quen biết, cứ đến chúc mừng vài câu rồi ngồi xuống mà đánh chén, hơn nữa chỉ đãi khách chứ không lấy lễ mừng, lão đạo lẫn hoà thượng đều được mời đến niệm kinh tăng phúc tăng thọ cho thiếu gia, đây thật sự là phô trương quá đi. Viên ngoại gia mãi đến già mới có một đứa con, có thể không để nó lên trước mắt sao? Cầm trong tay thì sợ rơi, ngậm trong miệng thì sợ tan mất, cưng chiều hết mức. Đứa trẻ này muốn cái gì thì sẽ được mua cái đó, muốn ăn gì sẽ được làm cho mà ăn, tóm lại là nó muốn làm cái gì miễn là khiến nó vui vẻ thì thế nào cũng đều được, thật có thể nói là muốn sao được sao muốn trăng được trăng. Vị đại thiếu gia nhà này trưởng thành trong loại điều kiện như này, vậy có thể học hành ra gì không?
Về sau đôi vợ chồng già cũng có thêm hai đứa con nữa, nhưng đều bất ngờ chết yểu, chỉ có đứa con đầu tiên là nuôi dưỡng lớn lên được, lúc lên bảy lên tám có mời một vị tiên sinh về nhà dạy đại thiếu gia đọc sách, nhưng vị đại thiếu gia này là loại nhân tài như nào chứ? Đọc sách viết chữ đều không có hứng, cứ đọc được một chữ lại ngáp một cái, nhắc đến bút với mực là chỉ muốn gục ra bàn mà ngủ, không phải là loại người thích hợp đọc sách. Hai lão nhân gia thì yêu chiều con trai vô cùng, dù sao trong nhà cũng không có gì khác ngoài tiền, không đọc sách thì không đọc sách. Trong nhà có người nói, đại thiếu gia không thích văn vậy không bằng chúng ta thử cho học võ xem? Thường nói “học hội văn võ nghệ, hoá mại đế vương gia” (Trans: Cổ nhân học văn, học võ, gọi thành văn nghệ, võ nghệ. Hoàng đế cổ đại là người thống trị cao nhất lúc bấy giờ. Cả thiên hạ đều do mình ông ta tính toán định đoạt. Mà trên con đường quan lộ, hết thảy cống hiến đều là để phục vụ cho ông ta, thực hiện hệ thống vương quyền của mình - Theo baidu.com), đến lúc cung nâng vạn thạch, mã bộ như tiễn, thuần thục trong tay mười tám loại vũ khí, liền trở thành một thân bản lĩnh đầy mình, rồi sẽ có một ngày tiến vào võ khoa trường, nắm chắc danh đầu võ trạng nguyên, cũng là làm rạng danh quang vinh gia tộc. Viên ngoại gia cảm thấy lời này có lí, lại cho mời đến một vị lão sư chuyên về võ tới dạy cho thiếu gia, nhưng việc luyện võ này so với học chữ còn muốn khó hơn lên trời, miễn cưỡng ngồi trên lưng ngựa được hai ngày, đại thiếu gia đã bị quay cho phát mệt đái cả ra quần, khiến hai vợ chồng xót hết cả ruột vì thương con, vội vàng không bắt nó luyện tập nữa. Văn không thành, võ cũng chẳng xong, vị đại thiếu gia này cả ngày chỉ ăn không ngồi rồi, du thủ du thực, chỉ có một sở thích duy nhất, là gì đây? Chính là thích chơi! Miễn là dính đến chơi, không gì là hắn không biết, từ xách lồng chim đấu dế, đến nghe thuyết sách xem hí kịch tiểu khúc, nói đến đồ vật gì thú vị, chơi như nào mới khoái, hắn hoàn toàn hiểu rõ! Ngắn gọn lại là, thiếu gia một ngày lại một ngày lớn lên, cho đến mười mấy tuổi đầu, rượu chè cờ bạc gái gú bất kể cái gì cũng đã nếm qua và vô cùng thành thạo.
Chỉ một năm này, lão viên ngoại tuổi tác đã cao lại lâm trọng bệnh, cuối cùng đành từ giã cõi trần. Chưa đến hai năm sau, lão phu nhân cũng đi theo chồng sang thế giới bên kia, người trong nhà cử hành đại tang lễ, đại thiếu gia chịu tang thủ hiếu, chúng ta không nhắc đến họ nữa. Hai lão nhân gia đều đã qua đời, đại thiếu gia liền trở thành người đứng đầu gia đình. Hai đời tổ tông chẳng học được mấy chữ, vị đại thiếu gia này cũng không ngoại lệ, nguyên lai là lúc cha mẹ còn tại thế, hắn vẫn chưa dám phóng túng quá mức, bây giờ không có ai quản thúc nữa, rượu chè cờ bạc gái gú ngày càng bê tha hơn trước, thật sự phải gọi là táng gia bại sản. Nếu như nói chỉ có mình hắn ta thì cũng không đến mức miệng ăn núi lở như vậy, nhưng không biết sao hắn lại kết thân với một đám hồ bằng cẩu hữu. Cuộc đời con người ta không có bằng hữu bạn bè thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vậy phải biết kết giao bạn bè như thế nào chứ, đằng này đám bằng hữu bên cạnh đại thiếu gia, chẳng có lấy người nào là tử tế, cả ngày chỉ thấy tụ tập cùng nhau không ngoài mấy việc là ăn ăn uống uống, đàn đúm sa đoạ.
Từ khi lên làm chủ gia đình, việc trong nhà một chút hắn cũng không quản đến, chỉ lo kéo theo một đám bạn, không phải là đến quán cơm thì là tửu lâu, không ăn thì uống, không đánh bạc thì chính là chơi đĩ, chuyện buôn bán làm ăn của gia đình chưa từng hỏi qua lấy một lần, mặc dù nói là tiêu xài hoang phí, nhưng nhà hắn về cơ bản là có rất nhiều của cải, cũng không đến mức hoang hết sạch được tiền, bất quá nhờ những đám bạn kia của hắn mà thật không chịu nổi! Đám người này chẳng phải thứ tốt đẹp gì, nghĩ ra nhiều cách mới thay hắn tiêu xài gia nghiệp cha ông để lại. Chúng nói như này, lầu xanh mới đến một cô nương không tệ, sinh ra đã khiến hoa hờn nguyệt thẹn, xinh đẹp tựa thần tiên, ngài phải thưởng thức đầu tiên, lúc cô nương ấy còn tươi roi rói, để lâu rồi thì cũng chỉ là hoa tàn mà thôi. Lại nói, tiểu lê viên ở Thập Tự Nhai Nhai mới mời một tiểu đào kép quá tuyệt vời, muốn giọng có giọng, muốn tư thái có tư thái, làm gì có quân tử nào không nuôi dưỡng một hai giai nhân trong nhà, ngài đây là dạng người khiêm tốn (Trans: Khiêm khiêm quân tử - Ý chí những người đạo đức giả), không xun xoe theo đám giai nhân đấy. Còn có kẻ nói, Đắc Nguyệt Lâu nhập từ đông bắc về được mấy con phi long điểu, mùi vị phải nói tuyệt hết chỗ chê, thường nghe “thịt rồng trên trời, thịt lừa dưới đất”, như nào gọi là thịt rồng? Chính là nói đến phi long điểu, chưởng quỹ đặc biệt để lại cho thiếu đông gia hai phần thịt ngon mập nhất. Thêm nữa, Đức Thắng Tường thu về một chiếc mũ hải long, nói rằng khắp vùng này của chúng ta, chỉ có duy nhất một vị có thể đội nó, chính là đại thiếu gia người.
Cứ như thế, chưa qua được mấy năm, gia tài hoàn toàn lụn bại hết sạch, vốn liếng mấy đời tổ tiên tích cóp đã không còn lại gì. Cây đổ thì khỉ tan, đám bằng hữu thường ngày xưng huynh gọi đệ giờ cũng chẳng thấy mặt đâu nữa. Trong nhà bỗng nhiên lại gặp một trận thiên hoả, thế lửa nhờ có gió to mà bùng lên cháy dữ dội, đốt trụi mọi thứ khiến đại trạch giờ biến thành một vùng đất trống. Đại thiếu gia liền một nơi để ở cũng không có, đành phải tìm mấy căn phòng tồi tàn rách nát vô chủ để ở tạm. Nhớ đến khoảng thời gian năm đó có tiền, ra khỏi nhà luôn luôn đều là tiền hô hậu ủng, đến nơi nào cũng có bằng hữu, nhưng họ không phải là vì ngươi mà đến, mà viền túi tiền của ngươi kìa. Nhưng giờ khố rách áo ôm, liền đến một con chuột cũng chả thèm mò đến, thì gọi là gì đây? Chính là “lòng người thay đổi, thói đời đen bạc”. Cổ nhân nói rất hay: “Đi khắp trên trời dưới biển, nhân tâm sao so được với nước chảy dài một đời chung thuỷ. Lần đầu gặp nhau ngọt như mật, lâu ngày tình cảm nhạt đi hỉ biến ưu sầu, phòng trước phòng sau lời nói thị phi. Ân vô tình biến thành oán hận cừu thù. Chỉ nghe kết nghĩa vườn đào, đây mới thật sự là kết giao đến bạc đầu?”
Đã đến nông nỗi này, đại thiếu gia mới biết run rẩy lo sợ, người phải có công ăn việc làm để kiếm sống, nhưng hắn đây cái gì cũng đều không biết không thông, biết làm cái gì mà đổi lấy miếng ăn bây giờ? Trước giờ không học chữ cũng chẳng học nghề, tứ chi yếu đuối lười biếng, ngũ cốc không có phần, bản lĩnh làm sơn tặc cướp tiền cướp của cũng không có, trong khi tiêu tiền như nào thì sành sỏi lắm, thử hỏi xem dạng người như hắn ta giờ bảo làm cái quái gì được bây giờ?
Sau này quả thật sống không nổi nữa, đại thiếu gia nghĩ ra một chiêu! Để nói về vị thiếu gia này, hắn cũng tuyệt không phải là cái gì cũng kém, ngày trước lúc nhà có tiền, hắn rất thích chơi súng, viên ngoại gia chiều con, lúc đó mới nhờ người mua cho hắn một khẩu súng bắn chim hai nòng, súng bắn chim hồi ấy toàn là lắp thuộc súng trước rồi lên nòng, chỉ có thể bắn phát một rồi lại phải nhồi thuốc. Súng của hắn cũng là loại lắp đạn rồi mới bắn, nhưng mà lại có thể bắn được hai viên cùng lúc, tầm bắn cũng xa, trang bị của cấm vệ quân quân bên cạnh lão gia tử hoàng đế bất quá cũng chỉ đến thế mà thôi. Vậy lúc đó dù nhà viên ngoại gia còn có tiền, nói mua súng là có thể mua được sao? Thực ra lão thời điểm năm đó cấu kết với quan thương, không có sự tình gì là không giải quyết được, mua một khẩu súng há lại chẳng phải chuyện dễ dàng? Vị đại thiếu gia liền hay dẫn theo đám bạn hồ bằng cẩu hữu đi săn, còn chưa nói, tiểu tử này thật sự là mấy phần năng lực, càng ngày trình độ càng lên tay, kĩ thuật bắn súng phải gọi là rất chuẩn. Đặc biệt rất giỏi săn thỏ, thỏ ở mấy khu đất hoang đều bị hắn săn hết sạch, khỏi phải nói bầy thỏ sợ hắn như nào, chỉ cần thấy hắn là chúng bốn chân run lên cầm cập. Sau khi gia sản lụn bại, cuối cùng rơi vào cảnh nghèo rớt mồng tơi, đồ vật nào có thể mang đi cầm cố là hắn mang đi hết, chỉ có mỗi khẩu súng chim này là không bán bỏ được, hắn lại tiếp tục đi săn, xách theo súng chim cùng bình thuốc, chui vào cánh rừng già trên núi. Cứ săn được hai con thỏ thì lưu lại một con còn một con mang đi bán, cũng kiếm được chút tiền gọi là đủ mua rượu mua gạo, những con để lại thì lột bỏ da rồi ăn phần thịt, da thỏ cũng có thể bán được vài phân tiền. May mắn thay hắn cũng là kẻ có chút thông minh, tự mình ăn no, cả nhà cũng không bị chết đói, dựa vào cây súng bắn chim đối phó với chuyện ăn uống của một người hắn cũng không thành vấn đề. Nhưng hắn là người đã quen xài nhiều tiền, chưa được mấy ngày, hắn đã bắn cả hoẵng, săn thỏ rừng để bán được nhiều tiền hơn, đối với hắn mà nói việc đi săn này giống như uống một ấm trà mà thôi, chốc lát là đã xong. Đi săn suy cho cùng vẫn là phải xem sắc trời mà ăn cơm, cũng có lúc cả ngày công cốc chẳng săn được gì, vậy đành phải chịu đói thôi.
Nghe kể rằng có một ngày, khi gần đến Tết Trùng Dương (Trans: Tết Trùng Dương hoặc Tết Trùng Cửu, diễn ra vào ngày 9/9 âm lịch. Người xưa cho rằng số 9 là số dương nên 9/9 gọi là trùng dương), trời nổi gió hanh, cỏ cây khô kiệt, chính là thời điểm thích hợp nhất để đi săn. Đại thiếu gia giống như mọi ngày, mặt trời lên cao đến ba con sào thì mới từ trong chăn bò ra, bao tử trống rỗng, đói đến dính cả da bụng với da lưng lại với nhau, trên trời lấy đâu ra bánh bao nóng hổi rơi xuống tận mồm, muốn ăn cơm thì vẫn phải tự ra ngoài mà kiếm cái ăn, thế là hắn lại xách theo súng chim, hướng lên trên núi mà đi. Ngọn núi mà hắn đi đến, tên tục thường hay gọi là Lão Thử Lĩnh! Người ngoài chưa từng nghe biết đến địa danh này, thông thường sẽ cho rằng: đã gọi là Lão Thử Lĩnh, chắc chắn có rất nhiều chuột, hoặc là sơn lĩnh này nhìn trông tương tự như một con chuột khổng lồ. Thực ra hoàn toàn không phải vậy, ngày xưa, Lão Thử Lĩnh thường ngày hay có bọn trộm mộ qua lại. Bọn chúng đào khoét khắp nơi, tạo ra nhiều hang động lẫn thông đạo, nên thường hay bị gọi thành “chuột đất”. Làm cái nghề này, tốt nhất là phụ tử huynh đệ, hoặc chí ít cũng phải là họ hàng đồng tông đồng tộc, để đề phòng có người khi thấy tiền tài báu vật nổi lòng tham, từ phía sau đâm dao chọc lén. Nghe nói rằng ở trong sơn lĩnh này có một tòa cổ mộ, không rõ là mộ của triều đại nào, thời kì nào, chỉ biết là rất lớn, việc này kéo theo rất nhiều chuột đất đến, không biết có bao nhiêu đạo động đã bị đào ra trên ngọn núi này, dần dà khiến cho sơn lĩnh bị đào đến rỗng cả ruột, minh khí tùy táng trong mộ cũng đều bị móc đi hết, cho nên vì thế người dân bản địa mới gọi nên này là Lão Thử Lĩnh.
Đại thiếu gia ở trên núi cả nửa ngày trời, đến một cái lông chim cũng không thấy, vốn nghĩ rằng lại phải tay không trở về, đúng vào lúc này, bao tử không chịu nổi nữa, quặn lên từng cơn khiến hắn bật cả dậy, đành phải chui vào bụi cỏ dại, cởi quần ra siêu độ cho đống ngũ cốc trong bụng được luân hồi (Trans: Tức là đi ị ý =)))). Thời đại ấy không có quá nhiều chú trọng, có tiền thì dùng lụa chùi, thấp hơn chút thì dùng giấy bồi, còn người nghèo thì chỉ cần lấy mảnh lá cây cọ cọ hai cái là xong, hoặc là tìm một góc tường nào đấy rồi giơ mông lên mà quệt vài cái, thế nào cũng đều có thể đối phó được hết. Vị đại thiếu gia này, đã nghèo đến mức không thể nghèo hơn, nhưng vẫn rất chú ý đến việc vệ sinh này, vội vàng móc ra từ trong ngực mấy tờ giấy bồi, chỉ thấy hắn “chân giẫm đôi bờ Hoàng Hà, tay cầm tài liệu bí mật, trước mặt súng máy bắn phá, đằng sau lửa đạn liên miên” (Trans: Là một câu đố của Trung Quốc, chỉ việc đi vệ sinh hai chân phải dạng ra, tay cầm giấy chùi, còn lại các bạn tự hiểu =)))), ở trên hoang sơn dã lĩnh phóng ra một đống lớn, bất ngờ “nỗi buồn” trong lòng được giải quyết, hắn cảm thán mở mồm ra nghêu ngao khúc “Thán Ngũ Canh”. Tục ngữ nói rất hay “Nữ sầu cuồng, nam sầu xướng” (Trans: Con gái khi buồn thì hay đi chơi để giải khuây, còn con trai buồn thì lại hay hát cho vơi nỗi lòng), từ xưa đến nay, đàn ông dễ gì mở miệng ra hát, đang yên đang lành bỗng nhiên xướng lên hai ba câu vu vơ, vậy là do trong lòng có nỗi sầu nỗi khổ không thể nói ra. Đại thiếu gia hắn cũng có nồi sầu, nhớ về trước kia quần áo dâng đến tận tay, cơm đưa đến tận mồm, cuộc sống hàng ngày trôi qua sung sướng nhường nào? Bây giờ sa sút đến hoàn cảnh thê lương như này, trong nhà “bốn cái bát vỡ, ba cái trống không, áo quần không có đón gió đông”, quanh đi quẩn lại bữa no bữa đói, khi nào mới thoát khỏi những ngày như này?
Không sợ trước bần sau phú, chỉ sợ trước phú sau bần, cứ loanh quanh luẩn quẩn mãi cái kiểu này, còn không bằng nhổ phứt trong đũng quần ra một túm lông treo cổ chết cho rồi! Đại thiếu gia cảm thán một hồi, lại nghĩ cứ u sầu mãi thì cũng vô dụng, cứ u u mê mê còn khổ hơn là chết,  không bằng xuống dưới núi lừa một nhà đại hộ nào đó, đối phó kiếm lấy vài đồng bạc, rồi tìm lấy một quán thuốc hảo hảo vào làm hai điếu, đấy mới là cách tốt nhất! Vừa nghĩ đến hút thuốc, xương cốt trong người hắn cứ phải gọi là ngứa hết cả lên, hồi còn có tiền, trong quán thuốc hắn còn có hẳn một phòng riêng, không cần biết hắn đi hay ở, người ngoài đều không được dùng phòng đó, quanh năm suốt tháng căn phòng chỉ có duy nhất một người là hắn lưu lại, tẩu thuốc, cao thuốc, bình trà, bát trà, đến cả chăn gối giường chiếu đều là đồ chuyên dụng dành riêng cho mình hắn, chỉ có độc một tiểu nha hoàn xinh đẹp nhất của thuốc quán phục vụ, giúp hắn châm thuốc thay nước, thỉnh thoảng gảy tì bà, xướng vài tiểu khúc. Đại thiếu gia chỉ việc nằm nghiêng mình mà hưởng thụ, hít một hơi thuốc, nhả một làn khói, thần trí phê pha như si dại đi, đó là những ngày sung sướng như nào chứ? Thần tiên trên trời bất quá cũng chỉ đến như thế mà thôi. Hắn ngồi chồm hỗm, chính lúc cơn nghiện thuốc đang dâng trào thì bỗng nghe thấy bụi cỏ hoang phía trước phát ra từng trận âm thanh “xi xi su su” đầy kì quái.
Khi đi săn chỉ cần nhìn thấy bụi cỏ chớp động, nhãn cầu sẽ lập tức mở to quan sát! Hắn vội đến nỗi không kịp kéo quần lên, một tay gạt đám loạn cỏ trước mặt, một tay cầm lấy súng chim, lặng lẽ thò đầu ra, nhìn về phía trước, chỉ thấy một con tiểu hồ ly, đang từ trong đám cỏ chui ra, gần như đụng phải miệng súng của hắn. Đại thiếu gia vừa kinh ngạc lại vừa mừng rỡ, thường ngày lên Lão Thử Lĩnh săn bắn rất ít khi thấy qua mấy loại hồ ly, da hồ ly đương nhiên có giá trị hơn da thỏ gấp mấy lần! Khó săn được nhất cũng chính là hồ ly, bởi vì bọn chúng rất giảo hoạt, từ xa xa phát hiện có người sắp đi qua, đợi đến khi lên được đến trên núi là chúng đã sớm chạy trốn từ lâu rồi, kể cả là đào hố đặt bẫy cũng vô dụng, hồ ly không dễ bị mắc lừa. Ngay cả khi vận khí tốt, bỗng nhiên bắt gặp hồ ly ở gần cũng rất khó để bắt được, một khi bắt không chuẩn rất dễ làm hỏng bộ lông, lúc đó bán cũng chẳng đáng được mấy tiền nữa.
Không thể để đánh mất cơ hội có một không hai này, đại thiếu gia căn bản không có nhiều thời gian để suy nghĩ, trong lòng chỉ kêu lên một tiếng “tốt”, đợi nghĩ cho kỹ thì gạo cũng nấu chín thành cơm rồi! Đoạn hắn nâng khẩu súng bắn chim hai nòng lên, ngắm thẳng vào mắt con hồ ly, ngón tay cài sẵn vào cò súng. Tại sao phải bắn vào mắt? Những tay thợ săn lão luyện mới dám dùng cách này, người trong nghề gọi là “đối nhãn xuyên”, viên đạn bay ra găm thẳng vào nhãn cầu, con hồ ly sẽ chết tươi đành đạch, bộ lông sẽ không bị chút tổn hại nào.
Lúc ấy đột nhiên có người bên cạnh kêu lên: “Đừng bắn!”
Đại thiếu gia chính lúc đang hết sức chăm chú tập trung để chuẩn bị bắt con hồ ly, bất thình lình nghe thấy từ đâu truyền đến một câu này, bị doạ cho tụt hẳn cả quần xuống đất, “lão nhị” tơ hơ như muốn sổ lồng tung bay, vội vàng ngoảnh đầu lại nhìn. Thì ra là một lão đầu với khuôn mặt trắng bóng cùng chòm râu dê, tuổi trên 60, tóc và râu đều bạc phơ hết cả, trên mặt không có một chút nếp nhăn nào hết, tuy già nhưng trông rất tráng kiện, mặc một kiện trường bào màu xám tro, không biết từ khi nào đã đứng phía sau đại thiếu gia, nửa điểm động tĩnh cũng không có.
Đại thiếu gia cau có nói: “Đại gia à đừng có làm phiền thằng này thế chứ, ta đây là đang săn thú đó chứ có phải chơi đâu!”
Lão đầu nói với: “Đừng bắt nó, người nhìn xem nó trông rất đáng thương phải không?”
Nói xong liền giơ tay lên chỉ về phía trước, đại thiếu gia cũng quay mặt về phía đó nhìn, con hồ ly đó không hề chạy trốn, chân sau quỳ trên đất, hai vuốt trước giơ lên, ngay ngắn chắp tay cúi người lạy hắn. Hắn bị doạ thất kinh ngay tại chỗ, không nói nên lời, bỗng chợt nhớ đến cái quần vẫn còn chưa được kéo lên, vội vàng cúi đầu kéo quần, vừa ngẩng đầu lại lên, con hồ ly ban nãy đã không thấy đâu nữa rồi. Đại thiếu gia bụng tức anh ách nhưng lại không dễ gì phát tác, oán hận lão đầu kia là đồ lắm chuyện kì đà cản mũi: “Con hồ lý đó đáng thương, còn ta thì không sao? Hôm nay để nó thoát được là ta sẽ không có cơm mà ăn đâuuu!”
Lão đầu hơi cười, nói: “Đói không chết được ngươi, ngươi bắt nó đi…”
Chưa nói xong lại liền giơ tay chỉ một cái. Đại thiếu gia bèn nhìn theo hướng tay lão đầu vừa chỉ, trong đám loạn cỏ xuất hiện hai con gà rừng, vội vàng kéo cò súng. Cây súng bắn chim của hắn có hai nòng, “pằng pằng” hai phát, bắn hạ cả hai con. Như vậy là hôm nay không lo không có cơm mà ăn rồi. Hắn đeo súng chim, mỗi tay xách một con gà rừng, cảm ơn lão đầu rồi khẽ ngâm nga vài câu sơn ca, vui vẻ xuống núi. Một con để bán lấy tiền, đổi lấy chút cao lương, con còn lại thì lấy bùn vàng đắp rồi nướng lên, quai hàm liên tục nhai nhồm nhoàm vừa ăn vừa uống, thoả mãn cơn đói khát, cũng gọi là đối phó qua được một ngày. Từ đó hắn dựa vào lên núi săn bắn, có lúc săn được thứ gì đó, cũng có khi lại phải về tay không. Nói ra cũng kì lạ, chỉ cần hôm nào hắn không săn được gì, lão đầu ngày ấy sẽ xuất hiện, chỉ điểm cho đại thiếu gia, hoặc đi đến phía Đông hoặc đi về phía Tây. Đại thiếu gia án theo sự chỉ điểm của lão đầu, lần nào cũng trúng, mỗi lần đều có thể săn được một, hai con thú. Hắn đối với lão đầu có thể nói là tâm phục khẩu phục, ngoài ra còn có mấy phần bái phục, cho rằng lão đầu cũng là người trong nghề, là một lão thợ săn thường xuyên săn bắn ở vùng núi này. Hỏi lão đầu họ gì tên gì, lão đều lắc đầu không nói, đại thiếu gia đành gọi là đại gia cho tương xứng.
Có một ngày, đại thiếu gia hắn lại lên “Lão Thử Lĩnh” săn bắn, một ngày dài trôi qua, không kiếm được bất cứ thứ gì cả, cũng không thấy lão đầu đâu, đại thiếu gia trong lòng bồn chồn: “Sao lão đầu còn chưa tới? Một ngày không thấy ông ta, cũng có chút nhớ a!”
Không được lão đầu chỉ điểm cho, đại thiếu gia không tránh khỏi tay không mà quay về, lại phải chịu đói một ngày, lại một ngày nữa qua đi, vẫn không thấy tung tích của lão đầu. Hắn liền đến một cái lông thỏ cũng không bắt được, trong lòng có chút lo lắng sốt ruột. Hai ngày liền phải chịu đựng cơn đói, mắt hắn xanh cả lên, đành xách súng chim lên núi, Đông một đầu, Tây một đầu, cắm mặt xuống đất mà sục sạo khắp nơi. Bỗng hắn vô tình ngẩng đầu lên, bắt gặp lão đầu đang ở ngay phía trước, hắn như mở cờ trong bụng!
Vội vàng chạy qua, chắp tay thi lễ: “Đại gia, hôm nay người bảo ta nên đi săn hướng nào đây?”
Lão đầu chỉ điểm giúp hắn bắt được hai con thỏ rừng, lại hỏi hắn một câu: “Ngươi có dám đi săn một thứ cho ta không?”
Đại thiếu gia đáp: “Ta có gì mà không dám chứ? Chỉ cần là đại gia ngài nói, ta không hề sợ gì hết!”
Lão đầu nói: “Con trai, ta nói thật cho người biết, ta tìm ngươi, một là thấy kỹ thuật bắn súng của ngươi rất tốt, hai là bát tự người trong gia đình các người miễn cưỡng gọi là đạt điều kiện của ta. Ngươi nếu như nghe theo ta, từ nay về sau ăn uống không cần phải lo nghĩ gì hết.”
Đại thiếu gia nghe thấy những lời này, hai mắt đều trợn trừng cả lên, lập tức vỗ ngực phát thệ, tất cả đều nghe theo sự phân phó của lão đầu.
Lão đầu không gấp không vội, nói: “Ta cho người một chiếc túi da hươu, hôm nay lúc nửa đêm, ngươi mang theo cái túi đấy và khẩu súng chim, trốn trong đám cỏ đừng có để lộ, cho đến khi nào trên trời không còn ánh trăng, một lát sau sẽ có hai ngọn đèn trên núi xuất hiện, ngọn đèn màu vàng phía trước ngươi đừng đụng đến, hãy đợi ngọn đèn màu đèn phía sau bay qua, ngươi hãy ngắm thẳng vào ngọn hắc đăng đó mà bắn! Hãy nhét sẵn đầy thuốc vào, súng của ngươi không phải là có hai cái nòng sao? Hai nòng mà còn không bắn trúng, sau này ngươi cũng không có cơ hội thứ hai! Bất kể bắn phải cái gì ngươi cũng đừng sợ, một khi đã bắn trúng, lập tức tranh thủ thời gian chạy qua, dùng cái túi da hươu này nhét thứ đó vào, rồi mang về trong nhà ngươi, chôn ở góc Đông Nam, rồi đắp lên bảy khối gạch mộ, nhưng chớ có mở ra xem trộm!”
Đại thiếu gia càng nghe càng cảm thấy kỳ quái, hỏi lão đầu: “Đến khi nào ta mới có thể mở ra xem thử?”
Lão đầu cảnh báo đại thiếu gia: “Cả đời ngươi cũng không được phép nhìn, ngươi trước đừng hỏi nhiều, mặt trời rất nhanh sẽ xuống núi, tìm nơi ẩn nấp nhanh lên!”
Đại thiếu gia tin rằng lão đầu nhất định sẽ không sai. Hắn xách con thỏ cùng khẩu súng chim lên, tìm một nơi có đám cỏ cao, chui vào đó nấp. Ngày hôm đó chính là ngày 15 âm lịch, một vầng trăng tròn sáng rõ treo trên cao, trên Lão Thử Lĩnh, tất cả âm thanh ban ngày giờ đây đều trở nên yên tĩnh.
Đại thiếu gia trong lòng như tội phạm, cứ tự thì thầm: “Đại gia hù ta sao? Hôm nay vừa vặn là ngày rằm, ánh trăng vừa to lại vừa tròn, tại sao lại nói với ta là không có ánh trăng?”
Hắn vừa đói vừa khát, nghĩ qua nghĩ lại một hồi rồi ngủ thiếp đi mất, đến lúc canh ba, bất ngờ nổi lên một trận gió, khiến toàn thân hắn phát lạnh, bỗng cảm thấy kinh ngạc, mở to mắt ra nhìn, gió thổi trăng lạc, trên núi đã tối đến mức chìa tay ra cũng không thấy năm ngón đâu, chỉ nghe thấy lá cây cùng đám cỏ bị gió thổi phát ra từng tiếng “xào xạc”. Đến lúc này hắn mới cảm thấy một nỗi sợ bùng lên trong lòng, nửa đêm gà gáy, ánh đèn trên núi sẽ là của cái gì đây? Hắn bán tín bán nghi, lại sợ nháy mắt một cái sẽ không thấy nơi có ánh đèn đâu, nên đành mở to hai mắt, một chút cũng không dám nháy. Ngay lúc ấy, một trận cuồng phong lại nổi lên, trong nháy mắt đại thụ cúi đầu, tiểu thụ khom lưng, gió càng thổi càng lớn, long trời lở đất, đất đá mù trời, thú vật trong núi chạy loạn, hổ gầm sói hú, khắp nơi rối loạn, thật đúng là người sợ nhà đổ, chim sợ tổ rơi! Đại thiếu gia chừng này tuổi  cũng chưa thấy qua trận gió nào lớn như thế này, thổi to đến nỗi khiến cho người ta đứng cũng không vững, thật có thể gọi là “vô hình vô ảnh hàn thấu cốt, hốt lai hốt khứ lãnh xâm phu; nhã phi địa phủ ma vương khiếu, định thị sơn trung quỷ quái hô” (Trans: Dịch nghĩa tức là không hình không bóng mà làm người ta lạnh thấu xương, từng cơn từng cơn khẽ vờn qua da; trừ phi đấy là tiếng gọi của ma vương nơi địa phủ gọi ngươi xuống chịu tội, còn nếu không thì đích thị là do tiếng thở của quỷ núi gây ra). Đừng nhìn cơn gió to như thế, hắn thế nhưng cũng không dám nhắm mắt, hai mắt híp lại nhìn lên trên núi, từ Đông sang Tây xuất hiện hai ngọn đèn bay nhanh như tên bắn đến!
Hai ngọn đèn treo giữa trời cao, một ngọn hắc đăng, một ngọn hoàng đăng, hoàng đăng ở phía trước còn hắc đăng ở phía sau. Phải nói nửa đêm trời tối đen như mực, lại không có ánh trăng, làm sao lại nhìn ra là ngọn hắc đăng? Thực ra hoàng đăng cùng hắc đăng giống như hai đoàn quỷ hoả đầy u ám, một cái toả ra khói vàng, một cái toả ra khói đen, tốc độ rất nhanh, nói đến là đến, một chút âm thanh cũng không có. Đợi đến lúc tinh thần đại thiếu gia tỉnh táo trở lại, hoàng đăng đã bay vụt qua đầu hắn, hắc đăng còn chút nữa cũng bay qua. Đại thiếu gia không dám chậm trễ, thuốc đã sớm được nhét đầy trong nòng, giương súng ngắm lên trên trời đồng thời khai hoả, “pằng” một tiếng, khói thuốc súng cũng bay ra mù mịt. Bất quá thứ nhất là hắn đang rất sợ hãi, thứ hai là chưa có gì bỏ vào bụng, lại phải chui rúc trong đám loạn cỏ cả nửa đêm, nên chân tay mềm oặt đi, phát súng này bắn ra rõ ràng là không trúng đích. Đại thiếu gia bắn phát này trúng vào không trung, hắc đăng tựa hồ như bị làm cho kinh động, lắc qua lắc lại hai cái, mắt thấy nó như đang muốn hướng xuống phía dưới núi mà biến mất. Đại thiếu gia nhớ đến lời lão đầu nói, cây súng bắn chim này của hắn có hai nòng mà còn không bắn trúng, đồng nghĩa với việc hắn cũng không còn cơ hội thứ hai, nói thì chậm nhưng mọi việc diễn ra rất nhanh, hắn một mắt nhắm một mắt mở, ngón tay ngoắc vào cò súng, nhắm thẳng vào hắc đăng bóp cò. Phát súng này vừa bắn ra, hắc đăng lập tức tắt ngóm, một vật gì đó hình tròn đen thùi lụi rơi xuống xuống ngay phía trước đại thiếu gia. Hắn liền vội vàng mở rộng cái túi da hươu rồi nhảy bổ ra, chụp lấy thứ đó tóm vào trong túi, buộc chặt lại, trời tối om om, hắn căn bản không nhìn ra đây là thứ quái quỷ gì, nhưng lại thấy nó nặng trình trịch, nằm im bất động trong túi.
Đại thiếu gia án theo lời lão đầu đã dặn, đeo súng chim cùng cái túi da hươu lên vai, xách theo mấy con thỏ mà lúc sáng săn được, chân thấp chân cao lần mò rời khỏi Lão Thử Lĩnh. Về đến nhà không làm gì khác, hắn trước tiên mổ bụng lột da con thỏ săn được, cũng không nhìn xem nấu như nào mới ngon, trực tiếp ném tọt vào nồi nước, rắc lên một chút muối, trước luộc lấy một nồi canh thịt thỏ, cúng cụ dạ dày đã. Ăn no thịt, uống no canh, lúc này mới tạm gọi là yên ổn cái bụng. Trước kia lão đầu từng dặn dò đại thiếu gia, sau khi bắn rụng được hắc đăng phải nhét ngay vào túi da hươu, không những thế còn không được mở ra xem, lại phải chôn xuống góc Đông Nam nhà hắn, đắp lên bảy tấm gạch mộ. Nhưng mà đại thiếu gia ăn no xong thì toàn thân mệt rã rời, lại thêm bị doạ một trận quả thật không nhẹ, hắn giờ mệt đến nỗi chẳng muốn động đậy nữa, thuận tay ném cái túi da hươu nhét xuống dưới giường. Hắn là một kẻ vô tâm vô phế, hôm sau liền như quên hết tất cả mọi chuyện. Từ đấy về sau, hắn không bao giờ gặp lại lão đầu kia nữa, nhưng hằng ngày vẫn lên núi săn bắn, trình độ bắn súng chưa hề giảm, được hôm gặp may thì săn được cả hươu lẫn lợn rừng, phải hôm vận khí hơi xấu thì cũng vẫn có thể kiếm được một hai con gà rừng.
Tạm gác chuyện đại thiếu gia lên núi săn bắn không đề cập đến nữa, lại nói năm đó có một tên “chuột đất”, chính là một tay giang hồ thuật sĩ, tà đạo trung nhân, bình thường hay cải trang thành hỏa cư đạo, hằng ngày vẽ âm dương bát quái kiếm sống. Vẽ âm dương bát quái là làm cái gì? Ngày nay không còn có mấy ai ăn bát cơm này nữa, mà là từ rất lâu trước kia, có một nhánh chính của Hỏa Cư Đạo Nhân phái, chuyên ở trong mộ phần vẽ bát quái. Nhà nào có người chết, trước khi nâng quan hạ huyệt, nhất định phải mời đến một vị hỏa cư đạo, ở trong hầm mộ dùng đào mộc kiếm đã tẩm chu sa, vẽ lên một đạo âm dương bát quái phù. Có người nói như này thì khi người chết sau khi xuống dưới âm ty địa phủ, gặp diêm vương gia, sẽ không bị tra hỏi tội ở trần gian nữa. Bát quái trong mộ phần cũng là một loại trấn vật nhằm đề phòng việc bị trùng tang,  cùng một nhà trong vòng 100 ngày có hai người chết liền nhau, đấy gọi trùng tang. Có mộ đặt vào đó một tấm gương, có mộ lại là một bức họa bát quái, nói chung đều được coi là trấn vật trong mộ cả.
Vị hỏa cư đạo chuyên vẽ âm dương bát quái này, tuy rằng là theo Đạo Lão nhưng tuổi lại không hề cao, cùng lắm chỉ tầm 30 tuổi trở lại, tướng mạo sinh cơ rất tốt, người xưa hay nói “nam sinh nữ tướng”, mi thanh mục tú, răng trắng môi hồng, trên đầu đội âm dương đạo quan, dưới chân đạp vân hài thuỷ vát, trên người khoác lên bát quái tiên y, trong tay vẫy phất trần đuôi ngựa, mang theo một thanh đào mộc bảo kiếm, cũng thật là có mấy phần tiên phong đạo cốt. Đừng nhìn lão đạo trưởng này trông có vẻ tốt, thực ra hắn chuyên làm việc mờ ám, toàn dựa vào hoá trang mà đi lừa người, Đông giả danh một người, Tây lại giả danh một người khác, cứ nơi nào có người chết, hắn lại đến nơi đó vẽ cho nhà đấy một bức âm dương bát quái; thấy nhà ai làm hậu táng (Trans: Đám ma lớn, trọng thể, chỉ các nhà giàu mới làm được), người nhà chân trước vừa mới hạ quan tài chôn xuống, hắn liền chân sau lén lút đào lên trộm lấy tiền vật tuỳ táng trong mộ. Người này mặc dù sử dụng các loại mánh khoé làm tổn hại âm đức, nhưng mà lại có đạo nhãn, rất giỏi nhìn nhận khí tức. Có một ngày từ dưới núi đi qua, nhìn thấy trong nhà đại thiếu gia có một thứ đồ vật, bèn tìm cách đến cửa, tuyên bố rằng muốn hàng yêu tróc quái đang ẩn nấp trong nhà đại thiếu gia!
Đại thiếu gia bị hắn nhiều khiến cho đầu bốc đầy khói, thật lòng nói ta nghèo đến mức chỉ còn có đúng bốn bức tường, đến chuột còn chán chẳng thèm mò đến thì lấy đâu ra yêu quái đây? Hoả cư đạo cũng không thèm để ý đến đại thiếu gia, cúi đầu đi thẳng vào trong nhà tìm Đông kiếm Tây, từ dưới gầm giường lôi ra một cái túi da hươu. Đại thiếu gia giờ mới nhớ đến cái túi da hươu không được phép mở, chính lúc hắn đang cố ngăn lại, không biết tại sao hoả cư đạo ra tay rất nhanh, đã mở được cái túi ra rồi. Đại thiếu gia cúi đầu xuống nhìn vào trong túi, bên trong chính là một con huyền hồ (Trans: Hồ ly màu đen). Huyền hay hắc cũng thế, huyền hồ cũng là hắc hồ. Thì ra hắc đăng trước kia hắn bắt được lại là thứ này, từ lúc hắn ở trên núi bắn hạ hắc hồ, lại nhét vào trong túi vứt xuống dưới gầm giường, đã không biết qua bao nhiều năm rồi, con hắc hồ thế mà trông như vừa mới chết mà thôi, toàn thân sờ vào hãy còn mềm.
Hoả cư đạo chỉ vào hắc hồ, nói: “Đây chính là yêu tà, ta phải trừ bỏ nó!”
Đại thiếu gia thế nhưng không phải kẻ ngu ngơ: “Khỏi cần giả bộ như thế, ta không phải một đứa trẻ.”
Hoả cư đạo nói: “Ta thay trời hành đạo, không thu lấy một đồng, chỉ xin lấy bộ da của yêu nghiệt đã chết!”
Đổi thành người khác có lẽ đã bị tên hoả cư đạo hù cho phát rét, nhưng chớ nhìn đại thiếu gia ngày thường bất điều, tốt xấu gì thì hắn cũng là xuất thân từ gia đình đại hộ, ăn qua bao thứ, thấy qua bao điều, huống hồ nhà hắn hồi đó cũng nhờ việc vận chuyển da hồ ly mà trở nên phát tài. Trước kia từ rất sớm, tổ thượng hắn chính là thợ săn, có biệt tài săn hồ ly nổi tiếng khắp bốn phương, mà hồi đó không có săn bằng súng bắn chim, hoàn toàn dựa vào bẫy kẹp, phóng diều hâu thả chó săn, lại không phải là dùng cung tên bắn. Có một mùa đông năm nào đó, bắt được một con bạch hồ, da của nó lại được gọi là “thảo thượng sương”, cực kì là hiếm thấy. Bởi vì loài hồ ly này hành động vô cùng nhanh, khi nó chạy giống như là đạp gió mà đi, dân gian bởi thế còn gọi nó là phi hồ. Sương là ý chỉ bộ lông trắng muốt từ đầu đến chân của nó, không có một chút tạp mao nào cả. Phi hồ bình thường dáng vóc đều không lớn, lão hồ trưởng thành thì cũng chỉ dài đến 2 xích là cùng (Trans: Đơn vị đo Trung Quốc, 1 xích = ⅓ m), một tấm da vừa đủ để làm được một chiếc khăn quàng cổ. Mà con phi hồ gia tổ hắn săn được lại dài 4 xích có dư, cơ thể béo khoẻ cảm giác rất cường trường, toàn thân trắng muốt, duy chỉ có cái mõm là một màu đen, mê tín mà nói, hồ ly chỉ cần mõm màu đen, đó chính là đã sống lâu năm sắp hoá thành tinh. Hơn nữa lại nói, lúc đó lại đúng tầm tam cửu (Trans: “Tam cửu” là chỉ chín ngày thứ 3 sau Lập đông, vào khoảng trung hoặc hạ tuần tháng giêng, là thời điểm lạnh nhất của mùa đông theo như dân gian Trung Quốc), chính là thời điểm da lông trong tràn thái tốt nhất. Tổ tiên nhà hắn biết được đó đích thị là một bảo bối, trăm phương ngàn kế, dùng mọi cách, nhờ cậy mọi mối quan hệ để tìm người mang tấm da bạch hồ nhập cung, dâng tặng lên hoàng đế đương triều.
Có người sẽ hỏi: “Dâng thẳng lên hoàng thượng là được, sao lại phải vất vả tốn công tìm người khác dâng hộ?”
Bạn đừng quên đây là thời kì nào, quá khứ có nguyên tắc của quá khứ — trên người không có công danh thì sẽ không thể nào được lên kim điện diện kiến vua, đừng nói lão bách tính bình thường, quan lại dưới ngũ phẩm, nếu như không có lệnh triệu kiến đặc biệt thì cũng không được phép lên điện diện vua. Hoàng thượng gia có thật nhiều nghiêm tắc a! Ở trên kim điện muốn ngẩng đầu lên hé dù chỉ là một con mắt nhìn trộm hoàng thượng đều không được, ngẩng đầu nhìn Thiên tử chính là khi quân phạm thượng, sẽ bị ném ra Ngọ Môn chém đầu thị chúng. Vậy mới nói lão bách tính muốn diện kiến hoàng thượng đã khó còn thêm khó, ngươi nói là dâng bảo, kỳ thực là có ý định lên điện hành thích hoàng thượng thì sao? Ai dám gánh lấy trách nhiệm cho ngươi đây? Vì vậy ban đầu phải biếu quà biếu bạc từng tầng từng lớp quan lại, cuối cùng mọi quan hệ đều được đả thông, rồi lại đến Lễ Bộ Diễn Lễ, dạy ngươi khi lên điện phải bái như nào, quỳ như nào, nói như nào, như thế xong xuôi mới có cơ hội lên điện vàng dâng bảo.
Người xưa nói rất hay — phổ thiên chi thổ mạc phi quân thổ, suất thổ chi tân mạc phi quân thần (Trans: Ý nói tất cả đất đai đều là của vua, tất cả các nước xung quanh đều là chư thần, vua nắm trong tay mọi thứ trên đời), hoàng thượng có đồ vật gì mà chưa thấy qua bao giờ chứ, chưa kể đến còn có quan lại Nam thất Bắc lục danh tỉnh cùng phiên bang lân quốc cống nạp, chỉ nói riêng trong hoàng cung đã có Tạo Biện Xử, với nhiệm vụ chuyên môn tận lực tìm mọi biện pháp vì hoàng thượng lão gia tử mà sưu tập hết thảy kỳ trân dị bảo trong thiên hạ. San hô hình chạc cây xếp thành từng hàng, ngọc bích tựa cải trắng đặt thành từng chồng, dạ minh châu cỡ quả trứng gà to cũng được đặt trong từng giỏ, vậy mà trong mắt hoàng thượng cũng chẳng là gì, một tấm da hồ ly thì có giá trị cỡ nào cơ chứ? Nhưng gia tổ hắn trong lòng đã có dự tính trước, bởi vì ngoài việc chống rét giữ ấm, còn có một tác dụng khác, ví dụ như nếu có thích khách tiếp cận, vốn ban đầu da lông hồ ly rất mềm mại lúc này sẽ dựng đứng lên, tục ngữ có câu “công cao mạt quá hộ cứu chủ, kế ngoan mạt quá tuyệt lương”, nói hơi quá một chút, thật đến lúc sống còn, tấm da hồ ly này có thể cứu lấy mạng hoàng thượng. Lại thêm vị đại quan đã được mua chuộc này tâng bốc thêm, nói rằng bách tính dân đen đều tâm tâm niệm niệm một lòng lo cho an nguy của Thiên tử, giang sơn cơ nghiệp không có người thì sẽ ra sao. Hoàng thượng nghe những lời nịnh nọt này, trên kim điện long nhan đại hỉ, ngay tại chỗ ban thưởng, gia tổ kể từ đó giành được một phiên gia nghiệp.
Vì thế đại thiếu gia sau khi nghe những lời của hoả cư đạo, thì biết ngay đối phương có ý đồ bất lương, một phát tóm lấy hoả cư đạo, quát: “Bớ bà con hàng xóm láng giềng mau cầm dao tới đây, giúp tôi lột mặt tên tặc đạo nhân này!”
Hoả cư đạo thấy đại thiếu gia biết thừa ý đồ của mình, không thể không nói ra sự thật: hắn xưng là có tiên thiên bát quái ấn, đạo pháp phi thường. Lúc đi lịch lãm thiên hạ, từng đi qua một con sông tên là Quỷ Môn giang, chỉ thấy nơi đây dòng nước ôm lấy núi non chạy vòng quanh, hổ ngồi rồng cuộn, địa thế không tầm thường, nơi đây nhất định là có một ngôi mộ lớn, tiếc rằng cổ mộ không ở trong núi, mà là ở dưới đáy Quỷ Môn giang, muốn đào được mộ này còn khó hơn cả lên trời! Lấy bản lĩnh của hắn, việc mở cửa mộ không cần phải bàn, bất quá oán khí trong mộ quá sâu đậm, đồ vật móc được bên trong chỉ sợ là không tốt! Cho nên nói muốn vào trong cổ mộ đào bảo, thế nào cũng không thể không có tấm da huyền hồ của đại thiếu gia. Loài hồ ly này khi trưởng thành miệng nhọn mũi chóp, đầu nhỏ đuôi lớn, lông có màu vàng, sống lâu năm sẽ biến thành huyền hồ hoặc bạch hồ. Theo như những lời mê tín ngày xưa mà nói, hồ ly thành yêu rất hay tác oai tác quái, mà muốn đắc đạo biến thành hình người thì không hề dễ dàng, nó phải nuốt vào nhả ra tinh hoa của nhật nguyệt, luyện thành huyền đan, sống đến hơn trăm năm trở lên, hiểu rõ thế giới bên ngoài, vẫn còn phải tránh qua “cửu tử thập tam tai”, sống trên nghìn năm thì mới đạt đến mức tương thông cùng trời, đến lúc này con người không thể bắt được, nó rất giỏi mê hoặc lòng người, biến hoá không ngừng, lại gọi là “thiên hồ”. Con huyền hồ mà đại thiếu gia bắt được, chỉ khác là không vượt qua được kiếp nạn cuối cùng này, lột bỏ bộ da của nó làm thành huyền hồ y, hoàn toàn có thể “tiêu tai tị hoạ” (Trans: Tai hoạ đều bị giải trừ, tiêu diệt), “chuột đất” mặc lên mới dám tiến vào toà cổ mộ này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.