Mật Thám Phong Vân

Chương 288: Hai mảnh bảo đồ




Tấn Vương phủ.
Giữa Chính điện xa hoa đang sắp một bàn tiệc dài, bên trên sắp đầy cao lương mỹ vị. Xung quanh là hai hàng vũ nữ nhảy múa trong tiếng nhạc vui tai. Từ cửa lớn có hai đoàn người song song đi vào.
- Mộc Vương tử, mời!
- Mời!
Chỉ thấy bên trái là một thanh niên khá cao lớn, Trấn Nam Vương Vương tử Mộc Sinh. Kẻ này khi xưa từng giao đấu với Lăng Phong một lần ở bến sông Hà Bắc. Đi bên phải là một viên quan nhà Tống, trên mặt một chỏm râu dê, dáng vẻ có chút tiểu nhân. Điện tiền Đô Thái úy kiêm Tuyên phủ sứ Hà Đông, Cao Cầu.
Vốn dĩ Mộc Sinh vừa là Vương tử vừa là sứ thần ngoại quốc, cần phải bảo vệ cẩn mật hơn. Thế nhưng lúc này nhìn, vệ binh phía sau Cao Cầu lại đông gần gấp đôi.
Chuyện này nói ra, cũng vì tiếng tăm của Cao Cầu trong dân gian “quá tốt”. Y vừa đến Hà Đông, anh hùng hào kiệt khắp nơi cũng theo về. Có lẽ đều trông cho Cao đại nhân "sơ sẩy", các vị ấy sẽ một đao chém ngài chết tươi, một đêm nổi danh giang hồ.
Ngoài hai bên sứ quan, cùng đi hàng đầu còn một vị Vương tử, Triệu Đán.
Mặc dù Chính sứ phía Tống là Cao Cầu, nhưng lần gặp mặt này giữa Tống Kim lại diễn ra ở Thái Nguyên. Cho nên thân là chủ đất phong, Tấn Vương Triệu Đán phải đứng ra tổ chức một buổi tẩy trần cho đôi bên.
Nếu đổi lại Hoàng tử khác, tỷ dụ Triệu Khánh, có lẽ sẽ rất hào hứng tổ chức buổi yến tiệc này. Bởi nhân đó có thể nâng cao danh vọng trong chúng Hoàng tử. Chỉ là Triệu Đán xem ra chỉ muốn làm một Vương gia nhàn tản, chuyện quan trọng nhất là vị hôn thê Dương Diệu Chân, cho nên cũng không quá niềm nở.
Hai bên khách nhân ổn định chỗ xong, Triệu Đán liền nâng cao chén rượu, gắng gượng nặn ra một đoạn chào hỏi :
- Các vị. Kim Tống kết minh tình như thủ túc. Hàng Liêu thành công là thành quả hợp tác của hai nước chúng ta. Tiểu Vương nguyện cho tình hữu nghị giữa hai bên đời đời bền vững ...
Còn chưa nói xong câu đã bị phía Kim ngắt ngang :
- Được rồi được rồi. Vương tử chúng ta đến đã sắp 5 ngày, các ngươi hết mời ăn lại mời uống, rút cục khi nào thì giao cống vật đây?
Có vài kẻ nuốt nước bọt hạ đũa, yến tiệc đêm nay coi bộ khó nhai.
Cao Cầu liếc mắt ra sau, Phó sứ Phiền Kiên liền đứng dậy ho khan :
- Chuyện này ... Cống vật trên đường gặp phải trở ngại, cho nên có chút ... chậm trễ.
- Chậm trễ? Các ngươi đem người Kim chúng ta ra làm trò đùa sao?
Sứ thần Kim bừng bừng quát lớn, tiếng Hán của gã tuy không thạo, nhưng ý tứ vẫn rõ ràng :
- Đã nói từ đầu, Tống Kim liên minh cùng nhau phát binh phạt Liêu. Rút cục thì sao? Đại Kim chúng ta vì đoạt lại 16 châu Yên Vân mà tổn thất không ít binh mã. Người Tống các ngươi thật tốt, chỉ việc lo ăn uống ca hát. Không chỉ không hạ nổi một thành trì nào, bảo các ngươi đền bù chiến phí cũng chậm trễ. Chúng ta còn phải bận rộn dọn dẹp tàn quân Liêu, làm gì có thời gian ở đây ngồi chờ? Ký kết liên minh, còn ý nghĩa gì nữa?
Sứ đoàn Tống đều im bặt.
Vốn dĩ Tống là nước lớn, trong chuyện bang giao sẽ ở tư thế bề trên. Thế nhưng riêng lần này người Tống chỉ có thể “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Bọn họ ra quân cùng người Kim diệt Liêu, nhưng lại chẳng làm được trò trống gì.
Cao Cầu là Điện tiền Thái úy, nói thế nào cũng là con nhà võ, đáng ra sẽ phải phát hỏa đầu tiên. Thế nhưng kỳ quái, y vẫn bình chân như vại cười nhạt :
- Vương tử, đêm nay chỉ đón gió tẩy trần, việc gì phải căng thẳng như vậy chứ?
- Hừ!
Mộc Sinh liếc mắt hừ lạnh, ngửa đầu uống cạn chén rượu khen :
- Rượu ngon đấy.
Gã dùng tiếng Hán, ở đây ai cũng hiểu, nhưnng tên phiên dịch lại làm như không ai hiểu, lại giải nghĩa :
- Ý Vương tử chúng ta là, người Tống cưỡi ngựa đánh nhau đều chẳng đâu ra đâu, hóa ra đều dồn hết tâm tư vào nấu rượu ...
- Hahaha.
Cả đám lính Kim đằng sau đều cười to.
Triệu Đán thấy không khí tuy ngượng ngập nhưng đã hạ nhiệt, lại khách sáo nói :
- Nếu Vương tử thích, cứ đem vài hũ về dùng.
- Ồ? Tốt. Vậy ta cũng không khách khí. Không cần quá nhiều, một vạn hũ là đủ rồi.
Triệu Đán đôi mi nhíu hẳn lại. Không khí vương phủ trở nên kỳ quặc.
Không ai không phẫn nộ, nhưng ngay Vương gia còn phải nhịn, không ai dám lỗ mãng.
Mặc dù Triệu Đán không màng chính sự, nhưng không có nghĩa gã nhu nhược. Nếu không phải phụ hoàng có mật chỉ, lệnh cho Thái Nguyên phải hết sức nhún nhường người Kim tránh xung đột không đáng có, nói không chừng Triệu Đán đã lật bàn đuổi khách từ lâu.
Người Nữ Chân khi xưa cư trú tận đông bắc xa xôi, thần phục hết Bột Hải đến Cao Ly. Mãi 10 năm trước Hoàn Nhan Mân lên làm thủ lĩnh tộc Hoàn Nhan, thống nhất toàn bộ các bộ tộc Nữ Chân, Nữ Chân mới tách khỏi Cao Ly, rồi dần dần đối kháng Đại Liêu.
Hoàn Nhan Mân xưng đế lập Đại Kim, dẫn quân đánh Liêu một mạch từ đông bắc xuống, chiếm lần lượt Ngũ Kinh của người Liêu. Chẳng qua thắng quá nhanh, trong vòng 10 năm từ một bộ tộc thiểu số nhỏ nhoi đã chiếm gần hết thành trì người Liêu, lãnh thổ tăng cả chục lần. Chính vì đất rộng dân thưa, Mộc gia mới có uy vọng như hiện tại, thậm chí ngang hàng cả Hoàng tộc Hoàn Nhan. Đổi lại nếu Mộc gia ở Tống, miễn cưỡng lắm cũng chỉ được như Dương gia Khương gia.
Chẳng qua, thời đại này thông tin bó hẹp, chuyện người Nữ Chân chiếm Ngũ Kinh của Liêu, trong mắt người Tống cũng chẳng thấy có gì to tát. Cũng giống như ngươi ngồi nhà đọc tin IS đánh đến tận Thổ Nhĩ Kỳ, cũng chẳng có cảm giác gì sợ hãi, đại khái một đám tặc cướp vài cái thôn trấn mà thôi.
Đúng lúc này, có một giọng nữ nhân vang lên :
- Ngươi là Mộc Sinh sao? Là Tứ A Ca? Hay là Bát A Ca? Có biết rượu này một năm chỉ làm được trăm hũ thôi không? Ngươi mở mồm đòi một vạn hũ, chẳng bằng ... chẳng bằng ... đem tất cả hầm rượu ở đây về mà tự chế.
Phân nửa quan khách đều nhìn sang, không rõ yến tiệc ngoại giao lại có nữ nhân nào gan lớn như vậy. Cũng chỉ có đám thân binh nha hoàn trong Vương phủ là không tỏ vẻ bất ngờ.
- Cô nương này là ...?
- Diệu Chân, nàng nói linh tinh gì vậy?
Hóa ra là Dương Diệu Chân.
Mẫu thân Dương Diệu Chân họ Mộc, chính là quan hệ họ hàng với Mộc Sinh. Triệu Đán cũng vì biết mối quan hệ này mới cố tình để Dương Diệu Chân góp mặt hôm nay, một phần là sủng nịnh nàng, hai là kéo gần quan hệ hai bên. Chỉ là xem chừng Dương Diệu Chân không để tâm, mà Mộc Sinh cũng không hề nể mặt.
Mộc Sinh chỉ liếc nhìn Dương Diệu Chân nở một nụ cười cổ quái. Có lẽ vì thấy người Tống chìm đắm trong hoan lạc, bàn chính sự cũng để đàn bà ở cạnh, ngày mất nước đã không còn xa.
Triệu Đán vội vàng chữa cháy :
- Vương tử, đây là Dương gia Dương tiểu thư. Thật thất lễ, tiểu vương xin phép đưa nàng ấy ra ngoài.
Triệu Đán nhanh chóng đẩy Dương Diệu Chân ra khỏi chính điện.
Một tên sứ thần Kim mỉa mai nói một câu thâm ý :
- Tiểu Vương gia cứ tự nhiên. Rượu ngon gái đẹp, ngài cứ việc tận hưởng là được, những thứ khác cứ để chúng ta lo ...
Chờ cho Triệu Đán đi khỏi, Mộc Sinh bỗng nói nhỏ gì đó với người phiên dịch, kẻ nọ liền hắng giọng :
- Cao sứ quân, Vương tử chúng ta hỏi, vật mà ngài hứa hẹn đã cầm đến chưa vậy? Vương tử nhắc ngài, nếu không có nó, chuyện tiếp theo không cần bàn nữa.
- Haha, Vương tử cứ yên tâm.
Cao Cầu lúc này mới mỉm cười, ra hiệu với thân binh.
Lúc này, lại có một tên Kim binh vội vã chạy vào báo :
- Bối lặc gia, có thư ...
Mộc Sinh vừa nhìn thấy ám hiệu bên trên, liền giật mình nói :
- Cái này là ... Ai đưa cho ngươi?
- Bẩm, một kẻ che mặt đưa cho nô tài.
- Người đâu?
- Đưa xong thư liền đi.
Mộc Sinh phẩy tay xem như đã biết.
Gã mở mật thư ra, chỉ thấy ghi một đoạn bằng văn tự Nữ Chân :
"Đã lấy được."
Mộc Sinh không khỏi mừng rỡ, gã biết là ai ghi cho mình.
...
Chuyến này sang Tống, ngoài thay mặt Kim quốc nhận cống vật, Mộc Sinh còn mang trên mình một nhiệm vụ.
Tổ tiên Mộc gia vốn có họ Mộ Dung, cùng với họ Thác Bạt và Vũ Văn đều thuộc tộc Tiên Ti. Mộ Dung thị thậm chí từng tranh đoạt thiên hạ trước triều Minh tận 500 năm, lấy quốc hiệu là Yên.
Đáng tiếc, Yên Mộ Dung không tồn tại lâu, sau cùng bị đánh dạt ra nhiều nơi. Nhánh lớn nhất vẫn bám trụ ở cố hương, đổi họ thành Mộc. Một vài nhánh khác phải chạy nạn tứ tán khắp Trung nguyên. Trong đó có một nhánh trở thành thế gia Giang Nam, chính là Cô Tô Mộ Dung trong Thiên Long.
Đầu thời Tống, họ Thác Bạt phục quốc thành công lập nhà Ngụy, chia ba thiên hạ thành Ngụy Tống Liêu. Họ Mộc nhìn thấy không khỏi rục rịch theo. Chỉ là lực bất tòng tâm, Mộc gia đành tiếp tục ẩn dật dưới triều Liêu, tuy vậy không lúc nào không ôm mộng phục quốc. Mãi khi Hoàn Nhan Nữ Chân lập nhà Kim, Mộc gia nhìn thấy cơ hội liền khởi binh giúp. Cũng vì biết quá khứ huy hoàng của họ Mộc, tộc Hoàn Nhan mới luôn e ngại Mộc gia.
Mưu đồ đại sự phục quốc, vàng bạc kho báu là thứ cần nhất. Mộc gia vì thế cũng từng nghe đến “kho báu Chu Công”. Chỉ là, tin đồn kho báu trong thiên hạ có rất nhiều, đa phần lại là tin giả. Hơn nữa, chẳng ai biết lăng mộ kia hiện ở đâu. Mộc gia vì vậy không mấy quan tâm.
Nhưng đến chục năm trước, tiểu thư Mộc gia Mộc Quế Anh gả vào Dương gia, Mộc gia mới tình cờ biết được một bí mật.
Dương gia giữ 1 mảnh “Chu Công bảo đồ”, được giấu trong một quyển binh pháp.
Kho báu này, xem ra là có thật.
Lại theo phân tích của Thiên Sách phủ, lăng mộ Chu Công có thể nằm ở 2 vị trí, một là loanh quanh Sơn Đông, hai là ngay chính tại phủ Tích Tân mà Mộc gia đang kiểm soát. Thường thì đế vương chết đi sẽ xây lăng ở những địa phương trọng yếu trong đế nghiệp của ông ta. Mà năm đó Chu Xán khởi sự là từ Sơn Đông, còn lập đô lại ở Bắc Kinh Tích Tân.
Gần đây, Mộc gia lại có được một tin tức bí mật, nói rằng Hoàng cung Trường An có 1 mảnh bảo đồ khác. Mộc gia nhân đó thêm nó vào điều kiện hòa đàm, vốn tưởng chỉ để gây áp lực với người Tống mà thôi, không nghĩ đến phía Tống lại đồng ý.
Mộc gia liền thực sự mưu đồ lấy kho báu.
Mảnh ở phủ Tấn Vương chỉ việc nhận đem về, do Mộc Sinh phụ trách. Mảnh còn lại nằm ở Dương gia, sẽ do Mộc Hàm Yên âm thầm đi lấy. Có 2 mảnh ghép lại, nói không chừng thực sự đào ra kho báu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.