Mật Mã Tây Tạng

Chương 140: Chiến ngao thời nhà Nguyên




Vừa vào cửa, Trương Lập đã không thể nín nhịn lâu hơn, hét toáng lên: "Chúng tôi về rồi đây! Sao thế? Không ai ra đón mừng chúng tôi trở về à?"
Đường Mẫn ở phòng trong thò đầu ra nói: "Ồ, các anh hùng ca khúc khải hoàn rồi đấy hả!"
Nhạc Dương nhảy vào trong, nói: "Ha ha, thu hoạch rất lớn, thu hoạch rất lớn đấy nhé!"
Mẫn Mẫn hân hoan nói: "Nhìn mấy anh cao hứng chưa kìa, có tin tức gì tốt lành không?"
"Bọn anh tìm được Cánh cửa Địa ngục thật sự rồi." Trác Mộc Cường Ba xách ba lô bước qua cửa, Mẫn Mẫn liền bổ đến như một cánh én, nhào vào ôm cổ Trác Mộc Cường Ba, đu cả người lên khỏi mặt đất.
Trác Mộc Cường Ba nói: "Anh…, bọn anh còn phát hiện ra một con thuyền nữa, mau xuống đi nào…"
Mẫn Mẫn dựa vào lòng Trác Mộc Cường Ba nói: "Em cũng có tin tốt lành muốn nói với anh đây. Đoạn văn bản tiếng Mông Cổ ấy được dịch ra rồi, giáo sư nói, khi nào anh về sẽ cho anh biết, trong đó có nội dung mà anh hứng thú lắm đấynhé."
"Ồ." Trác Mộc Cường Ba nhìn thẳng vào người đẹp trong lòng mình, nói: "Gì vậy, mau nói cho anh biết đi."
Mẫn Mẫn dẩu môi lên nói: "Bí mật, không nói cho anh đâu. Anh đi mà hỏi giáo sư ấy."
Trác Mộc Cường Ba vội vàng chạy đi tìm giáo sư Phương Tân. Vừa gặp ông, gã đã hỏi ngay: "Thầy giáo, đoạn văn bản đó viết gì thế? Mẫn Mẫn nói là có nội dung tôi rất hứng thú, lẽ nào chính là…"
Giáo sư Phương Tân gật đầu: "Phải, cậu qua xem đi, nói về chó ngao đấy."
Trác Mộc Cường Ba quỳ một chân xuống bên cạnh chiếc xe lăn của giáo sư Phương Tân, chỉ thấy trên màn hình hiện lên những hàng chữ đã được dịch sang tiếng Trung. Giáo sư Phương Tân ở bên cạnh giải thích: "Người viết đoạn văn bản này, là một vị quan đi theo đoàn quân Mông Cổ, hơi giống với thư ký chính ủy quân đoàn ấy, chuyên phụ trách việc ghi lại những điều nhìn thấy khi hành quân tác chiến gửi về triều đình. Nội dung viết trong văn bản này, là bắt đầu từ năm 1287, Hốt Tất Liệt lệnh cho quân đội Tây chinh…"
Phần nội dung phía trước đại khái là, từ sau khi Chân Kim 1 chết, tính tình Hốt Tất Liệt càng ngày càng trở nên nóng nảy gắt gỏng. Ông ta vốn thích chinh chiến, sau khi mất con, lại càng thêm điên cuồng xua quân đi khắp nơi, trước sau đã tấn công mấy nước mà ngày nay là Ấn Độ, Miến Điện, Campuchia, giành được những thắng lợi nhất định. Nhưng rồi mọi người nhanh chóng phát hiện ra, khi những binh sĩ viễn chinh từ phương Nam trở về, họ đã mang theo bệnh dịch. Cả khu vực Giang Nam ở Trung Quốc bắt đầu lan tràn ôn dịch. Lúc này, những tiếng nói phản đối chiến tranh trong nội bộ triều đình nhà Nguyên trở nên mỗi lúc một lớn, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt ra sức đập tan dư luận, tiếp tục tiến hành chính sách lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Năm 1287, đối thủ cũ của ông ta là Hải Đô lại tập hợp một số bộ hạ cũ của Thành Cát Tư Hãn ở khu vực Trung Á đem binh đến xâm phạm, Hốt Tất Liệt đích thân dẫn binh Tây chinh. Những thứ như đường hành quân, trên đường gặp phải những gì… Trác Mộc Cường Ba đều không để tâm, điều làm gã cảm thấy hứng thú nhất chính là, trong đội quân này, có một cánh quân hết sức đặc biệt, chiến ngao!
Riêng đoạn về đội quân chiến ngao ấy Trác Mộc Cường Ba xem rất kỹ. Đội quân này ước chừng có khoảng ba mươi con chiến ngao, vì tính tình chúng hung hãn, không dễ khống chế, nên phải chọn ra những người khỏe mạnh nhất thể lực tốt nhất trong quân, hai người dẫn một chó ngao, tổ thành một đội quân nhỏ hết sức đặc thù. Đứng đầu đội quân này là một người Tạng, các chuyên gia không thể dịch ra được chuẩn xác chức nghiệp của ông ta là gì, chỉ nói người đó có thể khiến lũ chiến ngao nghe lệnh, có thể nói chuyện với chiến ngao, có thể bắt chước tiếng của lũ ngao, còn có thể dùng lời nói khiến lũ chiến ngao ấy thực hiện những động tác khó tin. Mấy người bọn Trác Mộc Cường Ba vừa xem qua liền hiểu ngay, thủ lĩnh đạo quân này chắc hẳn là một thao thú sư.
Văn bản nói rất kỹ về nguyên nhân thành lập đội quân đặc thù này, vì bệnh dịch xuất hiện, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đã mời Đế sư Ý Tây Nhân Khâm cho thuốc hay để trị ôn dịch. Đế sư quyết định đích thân đi thị sát tình hình bệnh dịch ở Trung Nguyên, cuối cùng đã đưa ra một phương thuốc chỉ có hai chữ "Diệt chuột". Đương lúc đó, liên minh của Hải Đô hết sức lớn mạnh, có thể chiến thắng bọn họ hay không vẫn còn là năm ăn năm thua. Đại thần Tang Ca đoán được thánh ý của Hốt Tất Liệt, liền hiến lên một kế, nói rằng Tây Tạng từng có một cánh quân vô địch do người và chó ngao phối hợp với nhau, sức chiến đấu cực mạnh. Thiên khả hãn Thành Cát Tư Hãn cũng từng muốn thành lập một đội quân chiến ngaolớn, nhưng cuối cùng vẫn chưa được như nguyện, mà chỉ được chừng hơn trăm con ngao bình thường. Dẫu là vậy, hơn trăm con chó ngao ấy cũng đã lập nên vô số chiến công thuở Thiên Khả hãn vẫn còn chinh chiến khắp thiên hạ. Gần đây, y thăm dò được ở Tây Tạng vẫn còn hơn trăm con chiến ngao, muốn giành được thắng lợi trong cuộc chiến này, cần phải có một đội quân chiến ngao như thế. Mà người duy nhất có thể điều động được lũ chiến ngao này, chỉ có mình Pháp vương Ý Tây Nhân Khâm mà thôi; ngoài ra, Tang Ca còn hiến lên rất nhiều mưu kế khác, nhưng Trác Mộc Cường Ba cũng bỏ qua không đọc.
Đế sư Ý Tây Nhân Khâm trước tiên từ chối lời đề nghị đó, nhưng trước sự nài ép của Hốt Tất Liệt, bất đắc dĩ đành phải thỏa hiệp, đồng ý cho ba mươi hai con chiến ngao tham chiến. Trong đó có tám cặp ngao trưởng thành năm tuổi, tám cặp ngao con nửa tuổi, vì đường xa vất vả, đã có một cặp ngao con chết dọc đường, cuối cùng còn lại ba mươi con, ngoài ra còn có thao thú sư Tang Kiệt làm tổng đầu mục huấn luyện, dạy cho quân Mông Cổ cách nuôi dưỡng, huấn luyện chó ngao. Đế sư dặn đi dặn lại, đây là thần vật, ngàn vạn lần không thể cho tạo sát nghiệp quá lớn. Bạn đang đọc truyện tại Truyện FULL - www.Truyện FULL
Cùng với ba mươi con chiến ngao, còn có mười sáu bộ kim ti nhuyễn giáp. Trong bản dịch có nói, loại giáp kim ti ấy mỏng như cánh ve, nhẹ như lông hồng, nhưng lại cứng rắn như thép luyện, có thể căng chùng thoải mái. Chiến ngao khoác áo giáp này lên mình thì đao thương bất nhập, thủy hỏa bất xâm, một khi nhận lệnh, sẽ biến thành những cỗ máy giết người kinh khủng nhất. Trong văn bản còn đặc biệt nhắc đến, những bộ kim ti giáp ấy đều được chế luyện bằng bí thuật cổ xưa, người sau không thể nào phỏng chế lại được. Đại thần Chu Thanh đã từng tuyên bố, sẽ quyên vàng để chế tạo ra loại kim ti nhuyễn giáp này, nhưng cuối cùng cũng vẫn thất bại.
Trong đoạn văn ấy, còn nhắc đến tình hình lúc chỉ huy chiến ngao, thao thú sư Tang Kiệt chỉ cần phát ra một tiếng "hu hu" hay "bu bu" ngắn, hoặc hừ bằng giọng mũi, cùng với một số động tác kỳ quái, liền có thể khiến lũ chiến ngao có những phản ứng khác nhau, thí dụ như xếp hàng, tập hợp, bố trận phòng ngự, còn nhanh hơn các binh sĩ xếp hàng gấp mấy lần. Vì dịch giả hoặc bản thân người chép lại đoạn cổ văn này không hiểu được những phát âm và ý nghĩa của những động tác đấy, vậy nên chỉ có thể ghi chép lại hết sức tận tường từng kiểu phát âm, âm điệu cao thấp thế nào, động tác ra sao. Trác Mộc Cường Ba xem đến đoạn này thì hân hoan như muốn phát cuồng, như chính bản thân gã đang ở giữa thaotrường chiến địa, bên cạnh có ba mươi con chiến ngao hùng dũng. Mỗi khi gã phát ra một âm thanh, lũ chiến ngao lại có những động tác hoặc biến hóa tương ứng. Khi đọc đến đoạn này, Trác Mộc Cường Ba lờ mờ có cảm giác như mình đã nghe thấy những âm thanh ấy ở đâu đó, thậm chí gã còn có thể dựa vào những âm thanh trong ký ức để điều chỉnh lại cách phát âm trong văn bản dịch. Chỉ có điều, nội dung đoạn này rất dài, trước mặt thầy giáo gã cũng không tiện hoa chân múa tay, lại còn hô lên rít xuống, đành phải cố nén cảm giác mừng rỡ, đọc lướt qua một lượt trước.
Sau đoạn huấn luyện chiến ngao, vị quan còn ghi chép lại một số sự việc mà ông ta cảm thấy đặc biệt thú vị, chẳng hạn lũ chiến ngao có thể tạo thành vòng tròn, yểm hộ sau lưng cho nhau, sau đó nằm phục xuống bụi cỏ, biến mất không còn tăm tích, thực khiến người ta lấy làm kỳ lạ. Khi chúng khoác kim ti nhuyễn giáp, có thể lên cây, một con ngao nằm phục dưới gốc cây, một con từ đằng xa phóng đến, con ngao nằm dưới đội lên, con kia liền đạp lưng đồng loại mà phóng vút lên cao hơn trượng. Sau đó, nó sẽ nấp trong tán cây, đợi kẻ địch dừng chân nghỉ ngơi dưới gốc cây, liền từ trên cao lao xuống cho một đòn chí mạng, bản lĩnh như thần. Ngoài ra, còn có chiêu nín thở lặn dưới nước, cả trăm hơi thở mà vẫn không thấy nhô đầu lên; săn người hay săn thú đều chỉ nhằm vào cổ họng, một đòn tất trúng, rồi lập tức bứt ra lùi về sau; hoặc cũng có chiêu tấn công từ phía sau, nhảy lên lưng vật săn, bịt hai mắt khiến chúng rối loạn tâm thần; chẳng những vậy, chiến ngao còn biết tá lực đả lực, mượn sức kẻ địch khống chế chính hắn… nói chung là vô số kỹ năng thần dị, không sao đếm hết.
Đọc tới đây, Trác Mộc Cường Ba không kìm được buột miệng hỏi: "Thầy giáo, lũ chiến ngao đó xuất phát từ Tây Tạng, đến được chiến trường cũng không quá nửa năm thôi chứ? Nếu cứ liên tục huấn luyện chiến ngao còn nói được, nhưng chỉ dùng nửa năm thời gian mà có thể huấn luyện chiến ngao tới trình độ ấy, lại còn phải đi đường nữa, thì vị thao thú sư kia cũng không khỏi quá lợi hại rồi."
Giáo sư Phương Tân nói: "Ừm, vấn đề này, vị quan ghi chép kia đã thay chúng ta đi hỏi rồi, cậu cứ đọc tiếp đi."
Trác Mộc Cường Ba đưa mắt xuống phía dưới, quả nhiên, bản thân vị quan kia cũng là người rất hiếu kỳ, thêm vào đó là Tang Kiệt khi ấy vẫn còn rất trẻ, quả thực không giống một thầy dạy chó ngao có nhiều kinh nghiệm. Vị quan bèn hỏi Tang Kiệt làm sao mà có thể huấn luyện chó ngao được như vậy, không ngờ, đáp án của Tang Kiệt lại khiến ông ta tắc tị không nói gì được nữa. Câu trả lời của Tang Kiệt là, ngao làm gì có người huấn luyện, chỉ có ngao dạy ngao thôi.
Trác Mộc Cường Ba kinh ngạc tròn mắt nhìn giáo sư Phương Tân, nói: "Sao có thể thế được?"

--------------------------------
Chú thích:
1. Con trai trưởng của Hốt Tất Liệt.
HẾT TẬP 6

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.