Martin Eden

Chương 9:




Ở biển trở về, Martin Eden vội vã về nhà ở California với lòng ao ước của người đang yêu. Số tiền để dành hết sạch, gã đã phải đi làm thủy thủ cho chiếc thuyền buồm đi tìm châu báu. Sau tám tháng tìm kiếm nhưng thất bại ở đảo Solomon, đoàn thám hiểm đã phải bảo về. Họ trả công và thải anh em thủy thủ ở Úc, và Martin lập tức xuống một chiếc thuyền đi về Francisco. Không những trong tám tháng ấy gã đã kiếm được đủ tiền để sống trên đất liền trong nhiều tuần lễ mà thời gian ấy, còn cho phép gã học tập và đọc được nhiều.
Trí óc gã là trí óc của một sinh viên, và đằng sau cái năng lực học tập là bản chất cương cường và tình yêu của gã đối với Ruth. Cuốn ngữ pháp mang theo, gã đã đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi trí óc không biết mệt mỏi của gã nắm vững được hoàn toàn. Gã để ý đến những lỗi ngữ pháp trong cách nói của những người bạn thủy thủ, quyết định thầm chữa trong óc những lỗi đó, đặt lại những câu nói sai của họ. Gã sung sướng thấy tai mình trở nên rất nhạy và năng khiếu về ngữ pháp ngày càng phát triển. Cách dùng hai phủ định giờ đây làm gã chối tai như nghe một nốt nhạc lạc điệu và nhiều khi, vì thiếu tập luyện, những cái chối tai đó lại do chính mồm gã thốt ra. Trong một ngày, miệng lưỡi gã không thể nào học nói hết được những luật mẹo mới.
Sau khi đọc đi đọc lại ngữ pháp, gã giở tự điển ra và mỗi ngày học hai mươi từ mới thêm vào vốn từ ngữ của gã. Gã thấy đó không phải là chuyện dễ. Lúc ở bánh lái, lúc ở chòi canh, gã nhẩm đi nhẩm lại hàng chữ cái dằng dặc, với định nghĩa, cách phát âm, và cứ lẩm bẩm ôn đi ôn lại cho đến lúc ngủ thiếp đi. "Không bao giờ làm một điều gì," "nếu tôi là" và "những điều này" 1 là những thành ngữ với nhiều biến dạng mà gã thầm nhắc lại trong óc cốt để làm quen với cách nói của Ruth. "And" và "Ing," phải phát âm "d" và "g" sao cho rõ, gã đọc đi đọc lại hàng ngàn lần. Gã ngạc nhiên thấy mình bắt đầu nói tiếng Anh tốt và đúng hơn cả những sĩ quan và những ông khách thích phiêu lưu ở trong những "ca-bin" đã bỏ vốn cho cuộc thám hiểm này.
Thuyền trưởng là một người Na Uy mắt lờ đờ như mắt cá, không hiểu sao lại có được một bộ Shakespeare toàn tập mà ông ta không bao giờ đọc. Martin giặt quần áo cho ông ta, để đổi lại, ông ta cho phép gã mượn đọc pho sách quý ấy. Trong suốt một thời gian gã quá mê man với những vở kịch, những đoạn hay, chúng khắc sâu không chút khó khăn vào trí óc gã, cả một thế giới như đã hình thành dưới hình thức hài kịch và bi kịch thời Elizabeth, và chính những tư tưởng của gã cũng là những dòng thơ không vần. Điều đó đã luyện tai gã khiến gã có thể hiểu được cái hay của tiếng Anh cao quý: đồng thời nó còn giúp cho gã biết rất nhiều từ ngữ bây giờ không dùng nữa.
Tám tháng qua đi rất bổ ích, ngoài việc học nói sao cho đúng, tập suy nghĩ cho thâm thuý, gã còn biết thêm về mình rất nhiều. Cùng với ý nghĩ tự ình là kém cỏi do vốn học vấn quá ít, gã thấy dâng lên trong lòng niềm tin ở sức mạnh. Gã thấy có sự cách biệt rõ ràng giữa gã và những người bạn thuỷ thủ, và gã cũng đủ khôn ngoan để thấy rằng sự khác nhau là ở chỗ có tiềm lực chứ không phải ở thành tựu của việc làm. Những cái gã có thể làm thì họ cũng có thể làm được; nhưng gã mơ hồ cảm thấy trong người gã có một chất men đang hoạt động, nó cho gã hay rằng khả năng của gã còn vượt xa những điều gã đã làm. Cái đẹp kì diệu của cuộc đời giày vò gã, gã ao ước giá có Ruth ở đây để cùng chia sẻ - gã định sẽ tả lại cho nàng nghe về rất nhiều những cảnh đẹp của Nam Hải. Nghĩ thế, tinh thần sáng tạo nơi gã bùng lên như ngọn lửa, thúc giục gã phải tái tạo cái đẹp này ột đám thính giả rộng rãi hơn là Ruth. Thế rồi tư tưởng đó đến với gã rực rỡ, huy hoàng. Gã sẽ viết văn. Gã sẽ là một trong những con mắt để cả thế giới nhìn, một trong những cái tai qua đó cả thế giới nghe, một trong những trái tim qua đó cả thế giới cảm xúc. Gã sẽ viết tất cả - thơ, văn xuôi, tiểu thuyết, văn miêu tả, và kịch như Shakespeare. Đó là sự nghiệp, và là con đường để chinh phục Ruth. Những người của văn chương là những người khổng lồ của cuộc đời. Và gã tin rằng họ còn đẹp hơn nhiều những con người như ông Butler, kiếm mỗi năm ba mươi ngàn đô-la, và muốn đều có thể trở thành các quan Chánh án của Toà án tối cao.
Một khi ý nghĩ đó đã nảy mầm thì nó choán lấy gã, và cuộc hành trình về San Francisco như một giấc mộng. Gã say sưa với sức mạnh không thể lường được và cảm thấy mình có thể làm bất cứ cái gì. Giữa biển khơi mênh mông và hiu quạnh gã nhìn thấy hết viễn tượng. Rất rõ ràng, và lần đầu tiên gã nhìn thấy Ruth và thế giới của nàng. Nó đã thành một vật cụ thể trong óc gã, gã có thể cầm lấy trong hai bàn tay, lật đi lật lại mà quan sát. Có nhiều chỗ trong cái thế giới ấy hãy còn mờ ảo, mơ hồ, nhưng gã nhìn toàn bộ chứ không đi vào chi tiết, và gã cũng đã nhìn thấy con đường để chinh phục nó. Viết văn! Ý nghĩ đó là ngọn lửa trong con người gã. Gã sẽ bắt đầu ngay sau khi trở về. Việc đầu tiên sẽ làm là tả lại cuộc hành trình của những người đi tìm châu báu. Gã sẽ bán bản thảo ột tờ báo nào đó ở San Francisco. Gã sẽ không nói gì cho Ruth biết, nàng sẽ ngạc nhiên và sung sướng khi thấy tên gã in trên báo. Trong khi viết, gã có thể vẫn tiếp tục học tập. Một ngày có những hai mươi bốn tiếng đồng hồ cơ mà. Gã là người không có gì có thể khuất phục nổi. Gã biết phải làm việc như thế nào - và các đồn luỹ sẽ sụp đổ trước gã. Gã sẽ không phải lại đi biển như một người thuỷ thủ nữa - ngay lúc đó, gã nhìn thấy trong viễn tượng một chiếc thuyền buồm du lịch. Tất nhiên, gã tự nhủ, bước đầu kết quả không đến ngay được và trong một thời gian, còn phải vui lòng với món tiền nhuận bút ít ỏi để có thể tiếp tục học tập thêm. Thế rồi, sau một thời gian - một thời gian chưa rõ là bao lâu - khi gã đã học, đã chuẩn bị đầy đủ, gã sẽ viết những tác phẩm lớn và tên gã sẽ được mọi người nhắc nhở đến. Nhưng lớn hơn thế, lớn hơn thế rất nhiều, lớn hơn tất cả là gã sẽ tỏ ra xứng đáng với Ruth. Danh vọng cũng đáng quý, nhưng chính vì Ruth mà giấc mơ huy hoàng nơi gã bừng lên. Gã không phải là một người ham danh vọng, mà chỉ là một trong những "người tình say đắm."
Về đến Oakland, với món tiền công kha khá trong túi, gã lại đến trọ ở căn buồng cũ mà Bernard Higghinbotham, và bắt đầu làm việc. Gã không cho cả Ruth biết là gã đã trở về. Gã sẽ đến thăm nàng sau khi viết xong về những người đi tìm châu báu. Có nên không đến thăm nàng cũng không phải là việc khó khăn lắm, vì sự say mê sáng tạo bừng lên như cơn sốt đang đốt cháy trong lòng gã. Hơn nữa, chính cái bài mà gã đang viết đây sẽ mang gã lại gần nàng hơn. Gã không biết một bài gã phải viết dài độ bao nhiêu, nhưng gã đếm chữ của một bài dài hai trang đăng ở bản phụ trương Chủ nhật tờ "Người quan sát San Francisco", rồi gã cứ theo đó mà viết. Ba ngày liền hết sức căng thẳng với một tốc độ ghê gớm, gã hoàn thành câu chuyện. Nhưng đến lúc chép lại cẩn thận bằng chữ to dễ đọc, gã mới phát hiện ra trong một cuốn sách về tu từ học ở thư viện rằng còn có những cái mà người ta gọi là những đoạn, những dấu ngoặc kép. Trước đây gã chưa hề nghĩ đến những thứ này. Gã lập tức viết lại, luôn luôn tham khảo cuốn tu từ học; trong một ngày, gã học được cách viết nhiều hơn một cậu học trò bình thường học cả năm. Khi gã đã chép xong bản thảo lần thứ hai và cuộn lại cẩn thận, gã lại đọc được một bài báo góp ý với những người mới viết văn. Lúc ấy gã mới khám khá ra cái quy luật chặt chẽ là bản thảo không bao giờ được cuộn lại và không được viết trên cả hai mặt giấy. Gã đã vi phạm cả hai. Cũng qua bài báo đó gã được biết rằng những tờ báo loại nhất thường trả tối thiểu là mười đô-la một cột. Vì thế trong khi gã chép lại bản thảo lần thứ ba, gã lại tự an ủi mình bằng cách nhân mười cột báo với mười đôla. Nhân mãi thì tích số vẫn thế, một trăm đôla, và gã thấy rõ rằng như thế tốt hơn nghề đi biển. Nếu không vì những nhầm lẫn nọ kia, thì trong ba ngày gã có thể viết xong một bài. Một trăm đôla trong ba ngày! Nếu đi biển thì phải mất ba tháng hay hơn thế mới kiếm nổi được một số tiền như vậy. Một khi người ta viết được thì có họa là điên mới đi biển, gã kết luận, tuy bản thân món tiền đối với gã không có ý nghĩa gì. Giá trị của nó là ở chỗ nó cho gã có thì giờ rảnh rang, mua được cho gã vài bộ quần áo bảnh bao; tất cả những cái đó sẽ mang gã lại gần hơn, gần một cách nhanh chóng hơn tới người con gái xinh xinh, mảnh mai đã làm đảo lộn cuộc đời gã và gây cho gã nguồn cảm hứng.
Gã cho bản thảo vào một chiếc phong bì lớn và gửi cho ông chủ bút tờ "Người quan sát San Francisco". Gã quan niệm rằng bất cứ cái gì tòa báo nhận được đều đăng ngay, và vì gã gửi bản thảo đi hôm thứ năm, gã yên chí đến chủ nhật tới là bài sẽ được đăng. Gã quan niệm rằng nhờ việc ấy mà Ruth biết gã trở về thì thật là tốt đẹp. Rồi chiều chủ nhật gã sẽ tới thăm nàng. Trong thời gian đó gã bận tâm tới một ý nghĩ khác, mà gã rất tự hào cho đó là một ý đặc biệt trong sạch, thận trọng và khiêm tốn. Gã sẽ viết một chuyện phiêu lưu cho các em nhỏ và sẽ đem bán cho tờ "Người bạn của Thiếu niên".Những truyện vừa thường được đăng trong tờ tuần báo đó trong năm kỳ, mỗi kỳ ước độ ba ngàn chữ. Gã thấy có nhiều truyện kéo dài đến bảy kỳ và gã quyết định sẽ viết một truyện dài như thế.
Xưa kia đã có lần gã đi theo đoàn săn cá voi ở Bắc băng dương. Cuộc hành trình định kéo dài trong ba năm nhưng sau sáu tháng tàu đắm nên bị gián đoạn. Trí tưởng tượng của gã rất hay hư cấu, nhiều khi còn kì quái nữa, nhưng căn bản gã yêu thực tế, nó thúc đẩy gã viết về những điều đã biết. Gã biết nghề săn cá voi, và từ cái tri thức thực tế đó gã hư cấu xây dựng nên những cuộc phiêu lưu của hai cậu bé mà gã có ý định chọn làm hai nhân vật chính. Đó là một công việc dễ dàng, gã quyết định bắt đầu viết vào chiều thứ bảy. Ngay hôm đó gã đã hoàn thành đoạn đầu ba ngàn chữ, làm cho Jim hết sức thú vị, và ông Hichghinboham thì, mỉa mai ra mặt suốt bữa ăn cái ông "Văn sỡi" mà họ mới khám phá thấy trong gia đình.
Martin đành tự bằng lòng bằng cách hình dung sự ngạc nhiên của lão anh rể, sáng chủ nhật tới đây, khi lão ta mở tờ "Người quan sát" và thấy bài về những người đi tìm châu báu. Sáng hôm đó đích thân gã ra đứng ở cửa đằng trước, sốt ruột đọc lướt trước tờ báo gồm nhiều trang. Gã giở lại một lần thứ hai, rất cẩn thận, rồi gấp lại và để vào chỗ gã đã lấy ra. Gã thấy sung sướng vì chưa nói cho ai biết về bài của mình cả. Ngay sau đó gã thấy mình đã nhầm khi nghĩ rằng bài gửi đi cho tờ báo hàng ngày có thể được nhanh chóng đăng ngay. Hơn nữa, bài của gã cũng không có giá trị gì về tin tức cả, và chắc chắn nếu có đăng thì người chủ bút cũng phải viết thư báo cho gã biết trước.
Sau bữa ăn sáng, gã tiếp tục viết truyện săn cá voi. Chữ như tuôn ra dưới đầu ngọn bút, tuy luôn luôn gã phải ngừng lại để tra nghĩa trong từ điển hay xem lại cuốn tu từ học. Những lúc ngừng lại ấy gã thường đọc đi đọc lại một mạch cả một chương. Và gã tự an ủi tuy gã chưa viết hết ra được tất cả những cái gì lớn mà gã cảm thấy có ở trong gã, nhưng dù sao gã cũng học được cách viết, tự luyện tập để hình thành và diễn đạt những tư tưởng của mình. Gã cặm cụi làm việc cho đến tối, rồi gã lại đến phòng đọc ở thư viện, lục lọi những tạp chí và tuần báo cho đến mười giờ đêm lúc thư viện đóng cửa. Đó là chương trình trong tuần của gã. Mỗi ngày gã viết ba mươi nghìn chữ, tối tối gã lại mày mò tìm tòi trong các tạp chí, ghi ghi chép chép những truyện ngắn, những bài báo, bài thơ mà những ông chủ bút thấy có thể đăng được. Có một điều chắc chắn là: những gì mà đám văn sĩ đông vô kể kia có thể làm được thì gã cũng có thể làm được và chỉ cần cho gã thời gian, gã còn làm được những cái mà họ không thể làm được. Gã rất phấn khởi khi đọc trong tập Tin tức về sách có một đoạn nói về tiền nhuận bút của những tác giả viết cho các tạp chí, thấy không phải Rudia Kipling được trả mỗi chữ một đôla mà các tạp chí loại nhất thương trả tối thiểu mỗi chữ hai xu. Tờ "Người bạn của Thiếu Niên" chắc chắn là tờ loại nhất và cứ tính theo giá ấy thì ba ngàn chữ gã viết ngày hôm đó sẽ mang lại cho gã sáu mươi đôla - lương hai tháng đi biển.
Đến tối hôm thứ sáu, gã viết xong truyện vừa đó, gần hai mươi mốt ngàn chữ - Gã tính cứ hai xu một chữ cũng được bốn trăm hai mươi đôla. Công việc trong một tuần như vậy không phải là dở. Chưa bao giờ, trong một lúc gã lại có được một món tiền như thế. Gã không biết tiêu gì cho hết. Gã đã tìm được một mỏ vàng. Cứ ở cái mỏ ấy, gã còn có thể luôn luôn kiếm được nhiều hơn nữa. Gã dự định sẽ mua thêm một vài bộ quần áo, đặt mua nhiều tạp chí, mua mươi cuốn sách tham khảo mà hiện nay gã vẫn phải ra Thư viện để tra cứu. Ấy thế mà số tiền bốn trăm hai mươi đôla vẫn còn nhiều chưa tiêu hết được. Điều đó làm gã băn khoăn mãi cho đến lúc gã nảy ra ý nghĩ thuê cho chị Gertrude một người làm, mua cho thằng Marion một chiếc xe đạp.
Gã gửi tập bản thảo dày cộp tới tờ "Người bạn của Thiếu Niên" và đến chiều thứ bảy sau khi đặt xong kế hoạch viết một bài về những người mò ngọc trai, gã tới thăm Ruth. Gã đã gọi dây nói cho nàng và nàng thân ra cửa đón - ngọn lửa cường tráng xưa cũ quen thuộc trào ra khỏi người gã ập vào nàng như một cơn lốc. Nó lọt vào cơ thể nàng, chạy suốt qua các mạch máu như một chất lỏng rực sáng làm cho toàn thân nàng run lên vì sức mạnh đã thấm vào ấy. Gã đỏ bừng mặt khi cầm tay và nhìn vào đôi mắt xanh của nàng, nước da nâu bóng như đồng chưa phai của tám tháng trời dãi nắng đã che đi không để lộ nét đỏ bừng ấy, tuy nó không thể giữ được chỗ cổ cho khỏi bị cháy cổ cồn cứng đơ cọ sát làm sần đỏ lên. Nhìn chỗ sần đỏ ấy nàng thấy buồn cười, nhưng lập tức cái buồn cười ấy biến đi ngay khi nàng liếc nhìn bộ quần áo của gã. Nó thực là hợp với khổ người gã - đó là bộ quần áo may đo theo khổ người đầu tiên của gã. Người gã như thon thả hơn, có dáng hơn. Thêm vào đó, chiếc mũ lưỡi trai bằng vải của gã, được thay thế bằng một chiếc mũ da mềm; nàng bắt gã phải đội lên, rồi cứ khen hoài. Nàng không nhớ có khi nào nàng cảm thấy sung sướng đến như thế. Sự thay đổi này trong con người gã là công trình của nàng, nàng kiêu hãnh vì điều đó, lửa tham vọng lại bừng lên thúc giục nàng phải giúp đỡ gã hơn nữa.
Nhưng sự thay đổi căn bản nhất, và điều làm nàng sung sướng nhất là sự thay đổi trong ngôn ngữ của gã, không những gã nói đúng hơn mà còn nói lưu loát hơn, và trong vốn từ ngữ của gã đã có nhiều từ mới. Nhưng khi say sưa hay sôi nổi thì gã lại trở lại lối nói sai cũ và vẫn quên không phát những âm cuối. Hơn nữa, đôi khi gã còn vụng về, do dự thử đem dùng những từ mới đã học được. Mặt khác, với lối nói lưu loát, gã diễn đạt tư tưởng rất thanh thoát, dí dỏm làm cho nàng thích thú. Chính cái lối châm biếm hài hước vốn có trước đây của gã làm cho gã được những người cùng giai cấp mến yêu; nhưng trước mặt nàng cho đến tận bây giờ gã vẫn chưa sử dụng nó được vì thiếu từ và thiếu tập luyện. Gã bắt đầu xác định được vị trí của mình và cảm thấy mình không còn hoàn toàn là một người xa lạ xâm nhập vào thế giới của nàng. Nhưng đáng buồn thay, gã quá ư rụt rè vẫn để cho nàng tỏ ra hoạt bát và giàu tưởng tượng hơn, gã chỉ dám đi theo chứ không dám vượt lên trên nàng.
Gã kể cho nàng nghe những việc gã đã làm, và dự định của gã sẽ viết để kiếm sống và tiếp tục học thêm. Nhưng gã thất vọng vì không được nàng đồng tình. Nàng đánh giá thấp dự định của gã.
"Ông biết đấy," nàng nói thành thật, "viết cũng là một nghề như bất cứ một nghề nào khác. Không phải là tôi biết gì nhiều về nó lắm. Tất nhiên tôi chỉ căn cứ vào lẽ thường mà nói thôi. Người ta không thể nào hy vọng trở thành một người thợ rèn nếu không mất ba năm học việc hay năm năm không chừng! Các văn sĩ được trả hậu hơn những người thợ rèn rất nhiều, thế tất phải có nhiều người thích viết, nhiều người thử viết."
"Vậy thế, tôi không có đủ tư chất đặc biệt để viết văn hay sao?" Gã hỏi, lòng thầm hớn hở về ngôn ngữ mình đã dùng; tưởng tượng mau lẹ của gã tung ra trên một tấm màn lớn tất cả không khí và cảnh tượng khác của cuộc đời gã - những cảnh tàn bạo, thô tục, hung dữ, man rợ.
Tất cả cảnh tượng phức tạp ấy được cấu thành với tốc độ của ánh sáng, vẫn tiếp tục diễn biến không ngừng trong khi gã nói chuyện và cũng không ngắt quãng trong dòng tư tưởng bình tĩnh của gã. Trên bức màn của tưởng tượng gã thấy mình cùng người con gái đẹp hiền dịu này, mặt đối mặt chuyện trò bằng một thứ tiếng Anh chính xác trong một gian phòng đầy sách vở, tranh, nhạc và văn hoá phẩm, được ánh sáng rực rỡ chiếu rọi vào; trong lúc đó những cảnh trái ngược lần lượt diễu qua, dần dần mờ đi xa tít tận cuối bức màn, mỗi cảnh là một bức tranh, gã là người đứng ngắm, ngắm tha hồ những gì mà gã thích. Gã nhìn thấy những cảnh khác ấy qua những màn hơi nước bập bềnh, những cơn lốc sương mù ảm đạm tan đi trước tia sáng đỏ rực, chói lòa. Gã trông thấy những gã chăn bò trong tửu quán, nốc rượu mạnh whiskey trong bầu không khí dâm ô ngợp ngụa, thốt ra những lời tục tĩu; gã thấy mình lẫn trong bọn họ, uống rượu và chửi rủa cùng với những đứa thô lỗ nhất hoặc ngồi cùng bàn với chúng dưới ngọn đèn dầu bốc khói, những đồng tiền kêu lẻng xẻng, những quân bài được chia ra. Gã thấy mình cởi trần trùng trục, nắm tay không, quyết đấu một trận sống còn với thằng Mặt đỏ Liverpool trong khoang bánh lái trên con tàu Susquehanna; gã thấy boong tàu John Rogers loang máu, một buổi sáng xám ngắt khi anh em thuỷ thủ toan nổi dậy chống bọn chủ tàu. Gã thấy người thủy thủ giãy giụa trong cơn hấp hối đạp vào cửa kho, chiếc súng lục trong tay lão thuyền trưởng khạc lửa và bốc khói; những gã đàn ông mặt nhăn nhúm vì giận dữ, những con vật hét lên chửi rủa thô tục và gục ngã quanh gã... rồi gã quay lại cảnh chính, êm ả, trong sạch dưới ánh sáng rực rỡ nơi Ruth ngồi nói chuyện với gã giữa sách vở và những bức tranh. Gã trông thấy chiếc đại dương cầm mà lát nữa nàng sẽ dạo cho gã nghe. Gã thấy âm vang của những từ chọn lọc chính xác của mình. "Vâng, thế tôi không có đủ tư chất đặc biệt để viết văn hay sao?"
"Nhưng dù người ta có đủ tư chất đặc biệt để làm nghề thợ rèn đi nữa," nàng cười, "tôi cũng chưa bao giờ nghe nói có ai trở thành thợ rèn mà trước hết không phải trải qua thời kỳ tập việc."
"Cô muốn khuyên thế nào?" Gã hỏi. "Cô đừng quên rằng tôi cảm thấy tôi có khả năng viết. Tôi không thể giải thích được, tôi chỉ biết là tôi có cái khả năng ấy."
"Ông phải có một nền học vấn đầy đủ đã, dù là cuối cùng ông có trở thành văn sĩ hay không; học vấn rất cần thiết cho bất cứ một sự nghiệp nào mà ông chọn. Nhất định không được vội vàng, đại khái. Thế nào ông cũng phải qua trung học."
"Vâng," gã bắt đầu, nhưng nàng ngắt lời, sau khi suy nghĩ thêm.
"Tất nhiên, ông vẫn có thể vừa học vừa tiếp tục viết được."
"Tôi nhất định phải viết," gã nói cương quyết.
"Sao?" Nàng nhìn gã khá bối rối, vì nàng không thích cái lối gã cứ khăng khăng giữ định kiến của mình.
"Bởi vì, nếu không viết thì cũng không thể qua trường trung học nào được. Tôi phải sống, phải mua sách và quần áo, cô biết đấy."
"Tôi quên mất điều đó," nàng cười. "Tại sao ông sinh ra mà lại không có một nguồn lợi tức nào?"
"Tôi thích có sức khoẻ và giàu trí tưởng tượng hơn," gã trả lời. "Lợi tức thì xoay 2 lấy được, nhưng còn hai cái kia thì ai xoay cho... " Gã suýt nói "cho cô" 3 nhưng vội chữa "cho người ta" 4.
"Đừng nói xoay." Nàng kêu lên bực bội một cách đáng yêu. "Đó là tiếng lóng, nghe chướng quá!"
Gã đỏ mặt và lắp bắp.
"Đúng, tôi chỉ mong cô chữa luôn cho tôi như thế."
"Tôi cũng rất vui lòng," nàng ngập ngừng. "Ở ông có rất nhiều cái tốt, tôi muốn ông trở thành một người toàn thiện."
Ngay lúc đó gã là tảng đất sét trong tay nàng, cũng say sưa ao ước được nàng nhào nặn, như nàng say sưa ao ước được nhào nặn gã thành hình ảnh người đàn ông lý tưởng của nàng. Nàng nói cho gã hay dịp may là thứ hai tới có những kỳ thi vào trường Trung học, gã lập tức tình nguyện sẽ dự thi.
Rồi nàng dạo đàn và hát cho gã nghe, trong khi gã nhìn nàng thèm khát, ước ao, như muốn uống lấy vẻ yêu kiều của nàng và tự nhủ có chăng hàng trăm người theo đuổi nàng ngồi đó cũng không thể nghe và ao ước nàng như gã nghe và ao ước.
Chú thích:
1. Nguyên tác tiếng Anh: "Never did anything" "If I were" "those things".
2. Trong nguyên bản là make good. Martin nói một tiếng lóng chúng tôi tạm dịch là "xoay".
3. Nguyên văn: you.
4. Nguyên văn: one.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.