Mai Sẽ Là Một Ngày Mới

Chương 15: Vai trò con trưởng không phải là lựa chọn




“When the whole world is gone
You won"t be alone cause I"ll be there”
(A shoulder to cry on – Tommy Page)

Tôi không rõ mình ngất đi bao lâu, chỉ biết khi tỉnh lại tôi vẫn đang nằm giữa nhà. Trong một thoáng tôi đã mong tất cả chỉ là một giấc mơ, rằng tôi vẫn là cô sinh viên vô tư vô lo Thư “lỳ” trước kia, rằng gia đình tôi vẫn bên nhau êm ấm, chưa từng có những cuộc trốn chạy hay những ngày tháng làm osin trong nhà Phong. Thế nhưng quang cảnh ngôi biệt thự sang trọng đã kéo tôi trở về thực tế. Từng lời nói của người kia vẫn còn văng vẳng trong óc tôi, chỉ là tôi không sao tin được.
- Tôi gọi từ sở cảnh sát Paris, chúng tôi rất tiếc phải báo tin với cô rằng sáng nay đã có một vụ tai nạn xảy ra ở Quận 13 với hai người thiệt mạng, nạn nhân được xác định là ông Lê Trung Quân và bà Nguyễn Thị Lệ Thủy. Chúng tôi tìm thấy số liên lạc khẩn cấp là cô, có phải cô là con gái họ không?
Tôi bó gối ngồi trên giường cả buổi chiều, hai mắt ráo hoảnh không nhỏ dù chỉ một giọt nước mắt. Mới hôm kia thôi tôi vẫn nói chuyện với bố mẹ, chúng tôi đã tính toán thời gian khi nào cả nhà có thể đoàn tụ, Duy sẽ không còn phải kêu gào nhớ chị. Vậy mà chỉ trong chốc lát, tất cả đã kết thúc.
- Thư, em có đấy không? – Tiếng gõ cửa phòng tôi nhè nhẹ vang lên.
- Có việc gì thế ạ?
- Mặt em tái quá, em sao thế? – Vũ nhìn tôi vẻ quan tâm.
- Em hơi mệt, em xin phép nghỉ chiều nay ạ.
- Ừ, cứ nghỉ đi, anh sẽ gọi đồ ăn. Em muốn ăn gì không?
- Dạ không, em chỉ muốn nằm nghỉ, anh cứ mặc em.
Vũ đi rồi tôi lại tiếp tục chìm vào dòng chảy ký ức, từ ngày tôi còn bé cho tới lúc vào đại học. Bên tai tôi vẫn còn văng vẳng những lời dạy bảo của bố và tiếng càm ràm của mẹ. Chỉ sai một ly đã đi xa hàng trăm dặm. Sai lầm của bố tôi đã đẩy gia đình tới chỗ nhà tan cửa nát và cái giá phải trả cuối cùng là quá đắt. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy trước mắt thật mù mịt, cũng là lần đầu tôi không thể vỗ về bản thân vào hi vọng rằng ngày mai mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Tôi chầm chậm bước đến cửa sổ để hít thở chút không khí, trong lúc bất cẩn đã cứa cánh tay vào cạnh bàn. Cảm giác nhức buốt từ vết thương đang chảy máu khiến tôi dễ chịu hơn rất nhiều, giá như mọi sự đau đớn đều dễ dàng thấy được như thế.
Tôi đứng cạnh cửa sổ, nhìn xuống phía dưới, trong óc bỗng nảy ra một suy nghĩ độc ác rằng tại sao Duy không ngồi cùng trên xe bố mẹ tôi sáng nay thì có phải mọi chuyện đã ổn thỏa không? Không còn gì ràng buộc, tôi sẽ thanh thản buông mình xuống dưới kia. Mà ngay cả bây giờ, em trai tôi có đáng để tôi phải tiếp tục chịu đựng những chuyện này? Lẽ nào tôi không thể tự quyết định việc mình sống hay chết sao? Tôi vô thức nhoài người ra ngoài một chút thì điện thoại lại đổ chuông dồn dập, kéo tôi trở về thực tại.
- Alo…
- Chị ơi, em đây, bố mẹ mất rồi, chị đang ở đâu? – Tiếng em tôi nức nở trong điện thoại.
- Duy… – Tôi chợt rùng mình vì ý nghĩ vừa xong. – Chị biết rồi, em đang ở đâu?
- Em đang ở tạm nhà bạn bố mẹ. Chị sang với em đi, em không biết phải làm gì bây giờ.
- Được, chị sẽ cố gắng sang sớm nhất có thể.
Vậy đó, ngay cả khi tôi không còn thiết tha gì với cuộc đời nữa thì cuộc đời vẫn không chịu buông tha cho tôi. Nếu tôi chết đi, Duy sẽ thế nào? Trở thành một đứa trẻ mồ côi nơi đất khách quê người với nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai hay sẽ phải ăn nhờ ở đậu nhà họ hàng để hứng chịu mọi thiệt thòi người ta ném vào nó?
“Rầm!” Tôi lao đầu vào tường, sao nổ đầy trước mắt nhưng chỉ có cách này tôi mới tỉnh táo hơn. Tôi khẽ xoa trán, lẩm nhẩm trong đầu như niệm thần chú “Không chết được thì lại phải sống thôi”.
Tôi thức trọn vẹn một đêm, mường tượng ra những việc sắp phải làm.
Khi trời còn chưa sáng, tôi mang hết hành lý của mình xuống nhà, chỉ để lại vài dòng nói gia đình có việc nên tôi phải về gấp. Thời gian tôi nương nhờ ở đây cuối cùng đã kết thúc. Một chút tiếc nuối khó nói xuất hiện nhưng tôi gạt đi nhanh chóng. Tất cả rồi cũng sẽ qua bởi có những số phận không bao giờ có thể chung đường, chỉ là vô tình cắt nhau một lần, không nên cố gượng ép nắm lấy những thứ không thuộc về mình.
- Em đi đâu đó Thư?
- Anh Vũ, nhà em có chút việc, em phải về gấp. – Tôi đều đều nói, thẳm sâu trong lòng có chút thất vọng vì đó là Vũ.
- Gấp đến mức phải mang hết đồ đi sao?
- Anh có thể kiểm tra nếu muốn. – Tôi mệt mỏi hất hết vali, túi xách xuống sàn. – Em chỉ mang theo những gì là của em.
- Anh không có ý đó. – Anh nói rồi bỗng tiến đến nắm lấy tay tôi. – Em có cần anh giúp gì không?
Anh ta có thể giúp gì tôi nhỉ? Tìm mua thần dược linh đan để bố mẹ tôi cải tử hoàn sinh hay giúp tôi giải quyết hết mớ bòng bong bên châu Âu? Chưa bao giờ tôi thấy những lời xã giao của Vũ nhạt nhẽo đến thế.
- Cám ơn anh, em ổn, em có thể tự giải quyết việc của mình. – Tôi rút tay ra, lạnh lùng nói.
- Em đi đâu anh đưa đi?
- Dạ thôi, em không muốn phiền anh. Cho em gửi lời chào hai bác, – Tôi ngừng một chút. – và Phong. Anh nói giúp với mọi người là em xin lỗi vì ra đi đột ngột thế này.
……………..
Tôi trở về nhà bác cả ở tạm mấy hôm trong lúc chờ giải quyết từng việc một. Tôi liên hệ nhờ cảnh sát bên Pháp viết giấy xác nhận để nộp hồ sơ xin visa. Chua chát làm sao, cái chết của bố mẹ đã làm mọi thứ thuận lợi hơn, chỉ sau ba ngày tôi đã có visa vào châu Âu với thời hạn vô cùng thoải mái.
Việc tiếp theo không kém phần quan trọng, là nói chuyện với chủ nợ.
Về lý thuyết mà nói, món nợ đã theo bố mẹ tôi xuống mồ nhưng tôi không muốn bất cứ rủi ro nào tìm đến chị em tôi nữa. Duy cần một môi trường an toàn, lành mạnh sau tất cả những gì đã xảy ra. Tôi chủ động liên hệ rồi cùng cả đại gia đình tới đàm phán, họ đồng ý cho tôi mấy tháng giải quyết nợ nần và tôi chấp nhận mất thêm ít lãi để yên bình xuất cảnh.
- Thời gian vừa qua cô đã ở đâu? – Một người trong bọn họ hỏi giọng tò mò.
- Xin lỗi, tôi nghĩ đấy là việc riêng của tôi.
- Dù cô ở đâu thì tôi nghĩ người ta đã đối xử với cô khá là tốt. – Anh ta nhún vai.
- …
……………….
Chưa đầy một tuần sau đó, tôi đã đặt chân tới Paris, "kinh đô ánh sáng" của thế giới, thế nhưng đối với riêng tôi, mảnh đất này chỉ chất chứa đau thương. Nếu có thể, tôi không bao giờ còn muốn quay lại đây.
Khi thực sự bắt tay vào việc tôi mới phát hiện ra mọi thứ phức tạp hơn tôi tưởng khá nhiều. Số là bố mẹ tôi vốn không đầu tư vào Pháp mà lại là Tây Ban Nha vì Pháp không có chính sách cởi mở kia. Hiện tại giấy tờ lẫn tài sản chính của gia đình vẫn nằm lại ở Madrid. Bố mẹ tôi ngày đó chọn Pháp vì cho rằng giáo dục của Pháp tốt hơn, và quan trọng là cộng đồng người Việt ở đây rất lớn nên việc làm cũng dễ kiếm hơn. Sau khi nói chuyện với luật sư của bố mẹ ở Madrid, tôi quyết định tạm thời gác chuyện đó qua một bên để ưu tiên giải quyết trước những việc còn tồn đọng tại Pháp.
Tôi đã phải thầm xin lỗi bố mẹ khi đặt bút ký giấy xác nhận hỏa táng họ ở Paris. Tôi không còn đủ sức lực lẫn tiền bạc để đưa thi thể toàn vẹn của hai người về Việt Nam. Lúc hai chiếc quan tài được đẩy vào trong, Duy ôm lấy tôi khóc gần lả đi còn tôi chỉ đứng trơ ra đó, hai mắt ráo hoảnh. Tôi không rõ tôi đã quá mệt mỏi hay quá trơ lỳ tới mức độ không còn cảm nhận được điều gì nữa.
Cuối cùng thì, một cuộc đời vẻ vang hay tủi nhục cũng kết thúc trong chiếc lọ đựng tro cốt lạnh lẽo, cát bụi lại trở về với cát bụi, tất cả các bộ xương đều chỉ có màu trắng.
……………
Mặc dù bận rộn quay cuồng, tôi vẫn không thể không để ý một việc khá bất thường từ Duy, rằng nó rất hạn chế nói tiếng Việt. Khi ra ngoài, ngay cả gặp người Việt nó cũng nói tiếng Pháp, chỉ tới khi về nhà mới miễn cưỡng nói vài câu với tôi. Thậm chí trong một số trường hợp còn cố dùng tiếng Anh chứ không muốn nói tiếng Việt.
- Tại sao em không nói tiếng Việt hả Duy? Không phải em đã quên đấy chứ?
- Non!
- Thế tại sao?
- Em không thích. – Nó nhún vai, thái độ rất ngang tàng.
Tôi không muốn gia tăng thêm sức ép cho nó nên đành nhịn, bụng bảo dạ rằng mấy hôm nữa về Việt Nam thì mọi chuyện sẽ ổn.
Cho tới một hôm Duy đi học về với bộ mặt bầm tím kèm giấy mời phụ huynh.
Bố mẹ tôi mặc dù sinh sống và làm việc giữa cộng đồng người Việt trong Quận 13[1] nhưng lại cho Duy học ở trường khu khác với toàn học sinh bản xứ. Có lẽ bố mẹ muốn Duy thực sự hòa nhập với văn hóa nơi đây. Khi tôi bước vào phòng cô hiệu trưởng, cô ta tiếp tôi lịch sự nhưng không giấu được ánh mắt nghi ngại.
- Tôi rất tiếc vì mọi chuyện đã xảy ra. – Cô ta lúng túng với thứ tiếng Anh chắp vá, khiến tôi phải tập trung căng tai mới nghe được. – Nhưng tôi vẫn buộc phải thông báo rằng em trai cô sẽ bị đình chỉ học mấy hôm.
- Đã có chuyện gì?
- Cậu ta đánh bạn gãy mũi.
- Em trai tôi ư? – Tôi nhớ lại cậu bé hiền lành, tới con chó con mèo còn không dám quát tháo. – Liệu có gì nhầm lẫn không?
- Tôi có video từ camera an ninh, cô có thể xem nếu muốn.
- Ý tôi không phải vậy. Tôi chỉ muốn hỏi cô đã điều tra nguyên nhân chưa?
- Trẻ con luôn có mâu thuẫn nhưng Duy lại có xu hướng bạo lực lớn hơn những đứa trẻ khác. Các phụ huynh đang rất lo ngại.
Tôi ngồi thừ trên ghế, tự hỏi tôi đang nghe chuyện hài hước gì thế này? Duy có xu hướng bạo lực? Nhưng dù chỉ là cái nhếch mép tôi cũng không làm nổi.
- Vâng, tôi sẽ nói chuyện với Duy. Dù sao chúng tôi cũng sắp về Việt Nam, có lẽ như vậy sẽ tốt hơn cho tất cả.
- Tôi chân thành khuyên cô nên cho Duy tới khám bác sỹ tâm lý, tôi biết một bác sỹ rất giỏi, cô có thể gọi trực tiếp cho ông ta. – Cô hiệu trưởng lịch thiệp nói rồi đưa tôi mẩu giấy ghi số điện thoại. – Một lần nữa cho tôi chia buồn với gia đình cô.
Tôi dành cả buổi tối cố gắng nói chuyện với Duy xem chuyện gì đã xảy ra. Nhưng mặc cho tôi tỏ ra cởi mở, thấu hiểu, nó chỉ im lặng hoặc nói kiểu chống đối cho xong việc, thậm chí có lúc bí quá thì tuôn một tràng tiếng Pháp làm tôi muốn phát điên.
Thế là dù vô cùng tiếc tiền, tôi đành gọi cho bác sỹ đặt lịch hẹn rồi đưa Duy tới. Tôi thực sự cần biết nó đang gặp chuyện gì.
- Theo tôi nhận thấy, – Sau khi thăm khám, ông bác sỹ gọi tôi vào rồi nhìn tôi vẻ hiền lành, thông cảm. – em trai cô có xu hướng mất khả năng kiểm soát cảm xúc, phần nhiều là do cậu bé đã và đang bị trầm cảm nặng một thời gian dài.
- Trầm cảm? – Tôi run rẩy hỏi lại, hi vọng rằng mình nghe nhầm hoặc ông ta nói nhầm.
- Vâng, trầm cảm. – Ông ta đáp lại bằng một thứ tiếng Anh hoàn hảo. – Tôi chưa hỏi được nguyên nhân nhưng nó bắt đầu để lại hậu quả dù chưa thấy rõ ràng. Thời gian này chưa cần dùng thuốc nhưng cô cần theo dõi cậu ta thật chặt chẽ, và cũng phải chuẩn bị tinh thần rằng những di chứng có thể kéo dài.
Suốt đoạn đường về, tôi và Duy hoàn toàn im lặng. Tuy vẫn biết trầm cảm không phải tâm thần nhưng tôi bị ám ảnh những lời của bác sỹ tới nỗi chỉ sợ giữa đường Duy có thể lên cơn và làm một hành động gì đó nguy hiểm. Mỗi lần chị em tôi đứng chờ tàu, cứ thấy tàu chuẩn bị tới là tôi đưa tay nắm chặt tay nó, bởi lo lắng nó có thể lao đầu xuống đường ray.
- Chị làm gì đó? – Duy gắt gỏng giật tay khỏi tay tôi.
- Chị sợ mọi người xô đẩy em xuống đường ray.
- Em không phải trẻ con!
Mặc dù rất cố gắng tập trung nhưng đầu óc tôi gần như trống rỗng, không nghĩ được gì, cũng chẳng để tâm vào những thứ diễn ra xung quanh, mơ hồ bước chân theo quán tính đến mức về gần đến nhà lúc nào không hay.
- Có ai đứng ở cửa kìa chị. – Duy lên tiếng cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của tôi.
Trong một giây tôi như bị điểm huyệt, đứng sững ra trân trối nhìn người kia. Hắn bình thản dụi điếu thuốc đang hút, nhìn tôi mỉm cười, nụ cười nửa miệng quen thuộc.
- Người quen chị hở?
Tôi không trả lời Duy, cứ thế lao tới vòng tay đang hướng về phía tôi. Tôi ôm chặt lấy Phong, và rồi như có một cái gì đó vỡ òa ra, tôi bật khóc, những giọt nước mắt đầu tiên từ sau khi nghe tin bố mẹ mất. Hắn siết chặt vòng tay quanh người tôi, mặc cho nước mắt tôi tuôn ra như suối, thấm ướt hết chiếc áo đang mặc.
- Không cần phải lo gì nữa, cứ khóc đi.
Những lời thủ thỉ dịu dàng của Phong là thứ cuối cùng tôi nghe được trước khi ngất đi trong tay hắn.
…………….
Khi tỉnh lại tôi thấy mình đã nằm trên giường, mí mắt nặng trĩu không sao mở ra, cả người rã rời còn đầu đau như búa bổ. Tâm trí tôi mông lung, hình như lúc ngất đi, tôi đã nằm mơ thấy Phong bởi hắn sao có thể xuất hiện ở đây được?
Một bàn tay mát lạnh đặt trên trán khiến tôi dễ chịu lạ lùng, rồi tiếp theo giọng nói quen thuộc làm tôi còn dễ chịu hơn:
- Cô sốt rồi, dậy uống thuốc.
- Tôi đã tưởng mình nằm mơ. – Tôi khó nhọc nói, cơn sốt làm mọi thứ trở nên mơ hồ, hư ảo. Tôi cũng không rõ là mình tỉnh hẳn chưa. – Sao anh lại ở đây?
- Rảnh, thừa tiền nên tôi đi du lịch. – Hắn bông lơn nói rồi đổi giọng. – Tôi biết chuyện rồi, chia buồn với cô. Tại sao không nói với tôi mà phải len lén bỏ đi như vậy?
- Nói với anh thì giải quyết được vấn đề gì? – Tôi cười héo hắt. – Mà sao anh tìm được tôi?
- Tôi luôn có cách để biết những gì mình cần, hơn nữa, chuyện cô sang bên này dễ đến nửa cái Hà Nội biết.
- Anh thuê khách sạn có gần đây không?
- Cô nói gì vậy? – Phong nhìn tôi vẻ ngạc nhiên. – Tôi mất một đống tiền mua vé máy bay với làm visa rồi, tội gì tôi phải mất thêm tiền khách sạn nữa?
- Thế anh ở đâu?
- Tất nhiên là ở đây chứ ở đâu. – Hắn phớt lờ ánh mắt kinh ngạc của tôi, điềm nhiên nói. – Thôi cô uống thuốc rồi nghỉ đi, lát tôi quay lại.
Tôi ôm gối nằm lăn qua lăn lại vẫn không ngủ được. Sau trận khóc đã đời, đầu óc tôi thanh tỉnh hơn, suy nghĩ đã trở lại, không còn trỗng rỗng như hồi chiều.
- Anh, vì sao chị Thư lại khóc? Từ hôm sang đây tới giờ chị ấy chưa khóc lần nào. – Duy hỏi bằng tiếng Việt rất dõng dạc. Có lẽ việc tôi khóc rồi ngất đi làm nó khiếp sợ nên buộc phải mở lời với Phong.
- Vì trước đó chị ấy không dám khóc.
- Tại sao?
- Chị ấy sợ nếu chị ấy khóc thì sẽ không còn đứng vững được nữa, mà chị ấy gục xuống thì ai lo cho em?
- …
- Nhưng ai có thể cứng cỏi mãi được? Chị em đã kiệt sức rồi, giờ Thư đang rất cần em, em hiểu không? – Không hiểu sao tôi nghe trong lời nói này của Phong có chút hàm ý đe dọa. Hắn đang dạy em ruột tôi cách đối xử với chị nó sao?
- Vâng.
Tôi cắn chặt răng, nhắm mắt cố vỗ giấc ngủ nhưng từ khóe mắt, những giọt nước mắt vẫn lặng lẽ ứa ra.
.............................
Chú thích:
[1] Quận 13: quận người Việt và người Hoa tại Paris.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.