Liêu Trai Chí Dị II

Chương 356: Đạo Sĩ Điên




Có đạo sĩ điên không rõ tên họ ngụ trong chùa trên núi, lúc ca lúc khóc bất thường, người ta không hiểu được, có người thấy đạo sĩ nấu đá làm cơm ăn. Gặp tiết Trùng dương có người hào quý trong huyện mang rượu lên núi chơi, ngồi kiệu che lọng rần rộ kéo đi, yến ẩm xong về ngang chùa. Vừa tới cổng thì thấy đạo sĩ đi chân không mặc áo rách, tự cầm lọng vàng, miệng kêu beng beng làm như tiếng thanh la dẹp đường từ trong đi ra, như có ý nhạo báng. Người hào quý vừa thẹn vừa giận, sai đầy tớ đuổi theo chửi mắng, đạo sĩ cười bỏ chạy. Bọn kia đuổi gấp, đạo sĩ vứt bỏ cái lọng, lại xé tan vải lọng ra, từng mảnh từng mảnh biến thành chim ưng chim cắt bay tứ tán, mọi người mới bắt đầu run sợ. Cái cán lọng biến thành con mãng xà lớn, vẩy đỏ mắt sáng, bọn kia kêu la định bỏ chạy. Có người khách cùng đi ngăn lại nói "Đó chẳng qua chỉ là ảo thuật mà mắt thôi, làm sao nuốt được người?”. Bèn rút đao xông lên, con mãng xà tức giận lướt tới há miệng táp người ấy nuốt chửng. Bọn kia càng hoảng sợ, đỡ người hào quý chạy mau, được ba dặm mới dừng, sai mấy người trở lại dò xét. Vào tới chùa thì chẳng thấy người khách và con mãng xà đâu, đang định về báo thì nghe trong cây hòe lớn có tiếng thở phì phò như con lừa. Họ sợ hãi, lúc đầu không dám bước tới, dần dần mới rón rén tới gần xem, thấy trong gốc cây có cái hốc bằng cái mâm, trèo lên nhìn vào thì người đánh nhau với con mãng xà bị nhét chúc đầu xuống bên trong, nhưng cái lỗ chỉ đủ thò hai bàn tay vào, không có cách nào ra được. Họ vội lấy đao phá gốc cây, cái hốc vỡ ra thì người đã ngất đi. Hồi lâu tỉnh lại, họ bèn vực về, còn đạo sĩ không biết đã đi đâu. 
Dị Sử thị nói: Giương lọng đi chơi núi, thật là hợm hĩnh đáng ghét, người tiên đem phép thuật đùa cợt, nghĩ cũng buồn cười. Ân sinh Văn Bình người làng ta là em rể quan Tư nông họ Tất, tính hay nhạo báng không khiêm cung. Huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) có Chu sinh, vốn nhà nghèo hèn mới phất lên, cứ ra khỏi nhà là đi kiệu, cũng là họ hàng với quan Tư nông. Gặp ngày mừng thọ Thái phu nhân mẹ Tư nông, Ân đoán là Chu sẽ tới bèn mang giày da lợn, mặc áo nhà quan, cầm danh thiếp ra đón trên đường. Chờ kiệu Chu tới, khom lưng bên đường nói lớn “Chư sinh huyện Truy Xuyên đón Chư sinh huyện Chương Khâu”. Chu thẹn bước xuống kiệu, nói vài câu rồi từ biệt. Lúc sau cùng họp mặt ở nhà quan Tư nông, áo mão đầy tiệc, nhìn thấy lối ăn mặc của Ân, ai cũng cười thầm. Ân ngạo nghễ chẳng buồn để ý, tiệc xong ra cổng, mọi người đều gọi xe gọi kiệu, Ân cũng lớn tiếng gọi "Xe độc long của Ân lão gia đâu?". Có hai tên đầy tớ vác một cái gậy bước tới, Ân nhảy lên ngồi, cất tiếng chào lớn, rồi hai tên đầy tớ khiêng Ân chạy mau. Ân sinh cũng là bậc sau người tiên vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.