Liêu Trai Chí Dị II

Chương 119: Giang Thành




Cao sinh ở huyện Lâm Giang (tỉnh Cát Lâm) tên Phồn, lúc trẻ thông minh tuấn tú, mười bốn tuổi đã vào học trường huyện, các nhà giàu tranh nhau hứa gả con gái cho. Nhưng sinh kén chọn quá quắt, mấy lần cãi lời cha. Cha là Trọng Hồng sáu mươi tuổi chỉ có sinh là con trai nên rất chiều chuộng, không nỡ làm trái ý con. Trước ở thôn Đông có ông Phàn dạy trẻ ở phố, đưa gia đình tới thuê nhà sinh ở. Phàn có con gái tiểu tự là Giang Thành cùng tuổi với sinh, lúc ấy đều khoảng tám chín tuổi, hai đứa nhỏ hàng ngày vẫn chơi đùa với nhau. Sau Phàn dời đi, bốn năm năm không nghe tin tức. Một hôm sinh đi trong hẻm, thấy một nữ lang vô cùng xinh đẹp, có một a hoàn nhỏ sáu bảy tuổi đi theo, không dám nhìn thẳng chỉ đưa mắt liếc. Cô gái nhìn sững như muốn nói gì đó, nhìn kỹ thì té ra là Giang Thành. Hai bên đều bất ngờ vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, không ai nói gì chỉ ngẩn ra hồi lâu rồi rời đi, đôi lòng bịn rịn. Sinh cố ý thả chiếc khăn đỏ xuống đất rồi đi, a hoàn nhỏ nhặt lên mừng rỡ đưa cô gái, nàng cũng lấy khăn của mình giả nói với nó rằng “Cao Tú tài không phải ai lạ, đừng lấy vật của chàng làm rơi, đuổi theo mà trả lại đi", đứa a hoàn nhỏ quả nhiên đuổi theo đưa cho sinh. 
Sinh được chiếc khăn cả mừng, về thưa với mẹ xin hỏi cưới Giang Thành. Mẹ nói "Nhà ấy không có được nửa gian phòng, trôi nổi lưu lạc, đâu đáng cưới làm vợ”. Sinh nói "Tự con muốn thế, quyết không hối hận". Mẹ do dự không dám quyết, bàn tính với Trọng Hồng, Hồng nhất quyết nói là không nên, sinh nghe thế buồn rầu bỏ cả cơm cháo. Mẹ lo quá bèn nói với Cao “Họ Phàn tuy nghèo nhưng cũng không phải là hạng vô lại gian trá, để ta qua chơi nhà xem, nếu đứa con gái ấy có thể hỏi cưới được thì có hại gì", Cao bằng lòng. Mẹ sinh bèn mượn cớ đi lễ đền Hắc Đế ghé qua, thấy cô gái mắt sáng răng ngà, xinh đẹp tự nhiên thì ưa thích lắm, tặng cho tiền lụa rồi tỏ thật ý mình, bà Phàn khiêm nhượng từ chối nhưng sau cùng cũng nhận lời. Bà về kể lại mọi chuyện, sinh mới tươi cười. 
Năm sau chọn ngày tốt cưới Giang Thành về, vợ chồng rất thương yêu nhau. Nhưng nàng hay giận hờn, trở mặt nhìn chồng như người lạ, miệng lưỡi đanh đá thường chao chát bên tai, sinh vì thương yêu nên cũng cố nhịn. Cha mẹ sinh hơi biết chuyện trong lòng bực bội, lén trách mắng con trai, cô gái nghe được ghét lắm, càng chửi mắng chồng nhiều hơn. Sinh dần dần cũng dằn giọng cãi lại, nàng càng giận dữ, vác gậy đánh đuổi ra ngoài phòng đóng cửa lại. Sinh co ro bên ngoài không dám gõ cửa, đành ngồi bó gối ngủ dưới mái hiên. Từ đó cô gái coi chồng như kẻ thù, ban đầu quỳ gối còn có thể phân trần, dần dần quỳ gối hết thiêng, chồng lại càng khổ. Cha mẹ chồng trách mắng vài câu thì nàng cãi lại vô cùng hỗn láo, hai ông bà tức giận bắt sinh bỏ vợ, đuổi nàng về nhà cha mẹ ruột. Phàn vừa thẹn vừa sợ, nhờ người bạn thân của Trọng Hồng tới năn nỉ xin cho Giang Thành trở lại nhưng Trọng Hồng không chịu. Hơn năm sau sinh đi đường gặp cha vợ, ông níu áo kéo mời về nhà, hết lời xin lỗi, bảo con gái ăn mặc đẹp đẽ ra gặp. Vợ chồng gặp nhau bất giác mủi lòng, Phàn bèn mua rượu về đãi con rể, mời mọc rất niềm nở. Không bao lâu trời tối, ông cố giữ sinh ngủ lại, quét dọn phòng riêng bảo hai vợ chồng ngủ chung. Sáng ra sinh về nhà, không dám nói thật với cha mẹ, chỉ tìm lời che đậy thêu dệt cho qua chuyện. Từ đó cứ năm ba ngày sinh lại tới ngủ ở nhà cha vợ một đêm mà cha mẹ không biết. 
Một hôm Phàn tự tới nhà Trọng Hồng, lúc đầu Trọng Hồng không tiếp, Phàn năn nĩ mãi mới ra mặt. Phàn quỳ gối cầu xin, Cao không nhận, nói là để con trai mình quyết định. Phàn nói "Đêm qua con rể ngủ lại nhà ta, không nghe nói gì khác cả". Cao giật mình hỏi ngủ lại từ lúc nào, Phàn bèn kể lại, Cao thẹn thùng tạ lỗi, nói “Quả là ta không biết, chứ nếu nó thương yêu thì lẽ nào ta lại một mình căm ghét". Phàn về rồi, Cao gọi con ra chửi mắng, sinh chỉ cúi đầu không nói gì. Đang lúc ấy thì Phàn đưa con gái tới, Cao nói "Ta không thể chịu lỗi thay con, phiền ông làm chứng cho ta chia nhà ra ở riêng”. Phàn khuyên lơn nhưng Cao không nghe, dọn nhà riêng cho vợ chồng con, sai một tỳ nữ qua hầu hạ. Hơn một tháng thấy rất yên ổn, cha mẹ sinh cũng mừng thầm. Nhưng không bao lâu cô gái lại dần dần rông càn, mặt sinh thường có vết móng tay cào cấu, cha mẹ biết rõ nhưng còn nhịn để đó không hỏi tới. Một hôm sinh không chịu nổi roi gậy, chạy qua nhà cha mẹ trốn, run rẩy như chim sẻ bị diều ó đuổi. Hai ông bà còn ngạc nhiên hỏi han thì cô gái đã cầm gậy đuổi theo vào, tới ngay cạnh ông túm lấy sinh đánh túi bụi. Ông bà quát tháo ầm ĩ nàng cũng không đếm xỉa gì tới, đánh chồng tới mấy mươi gậy mới hằm hằm bỏ đi. Cao đuổi con ra, nói “Ta muốn tránh ồn ào nên mới ở riêng, còn ngươi thích nó thì trốn đi làm gì?". 
Sinh bơ vơ chẳng biết đi đâu, Cao sợ hành hạ quá thì con trai tự tử bèn cho ở riêng một chỗ, nấu cơm cho ăn. Lại gọi Phàn tới, bảo qua mà dạy con gái. Phàn vào nhà nói đủ lời để răn dạy, cô gái đã không nghe lại còn trả treo xách mé. Phàn phủi áo bỏ đi, thề dứt tình cha con. Không bao lâu, Phàn phẫn uất sinh bệnh, cùng vợ nối nhau chết. Cô gái căm hận, cũng không về đưa đám, chỉ hàng ngày cách tường chửi mắng, cố ý cho cha mẹ chồng nghe, Cao để ngoài tai không đếm xỉa gì tới. Sinh từ khi ở một mình thấy như thoát khỏi nước sôi lửa bỏng, nhưng thấy hiu quạnh, lén cho tiền bà mối họ Lý dẫn gái vào phòng sách, toàn chờ lúc đêm tối ra vào. Lâu ngày cô gái nghe phong thanh bèn tới phòng sách mắng chửi, sinh hết sức phân trần là oan, chỉ trời vạch đất mà thề nàng mới về, từ đó hàng ngày rình rập chờ sinh sơ hở. 
Một hôm bà Lý từ phòng sách ra thì nàng bắt gặp, gọi ầm lên. Bà ta biến sắc, cô gái càng nghi ngờ nói với bà ta "Nói thật cho ta biết bà làm những gì thì may ra ta còn tha cho, nếu giấu diếm thì ta nhổ không còn một sợi tóc đấy”. Bà Lý run rẫy nói "Nửa tháng nay chỉ có kỹ nữ Vân Nương tới đây hai lần thôi. Mới rồi công tử nói đi chơi núi Ngọc Ty gặp vợ họ Đào, thích đôi bàn chân nàng nhỏ nhắn nên dặn ta gọi tới. Nàng ta tuy lẳng lơ nhưng cũng chưa chắc chịu làm như kỹ nữ, thật không rõ có được không". Cô gái thấy bà ta thành thật nên tha cho, bà ta định đi thì nàng giữ lại. Trời sập tối nàng quát bà ta rằng "Tới phòng sách trước, tắt hết đèn đi, nói họ Đào tới rồi". Bà Lý theo lời, cô gái vào theo ngay, sinh mừng quá, kéo tay giục ngồi, tỏ lòng khát khao gặp gỡ, nàng im lặng không nói gì. Sinh mò trong bóng tối cầm bàn chân nàng nói "Từ khi lên núi được thấy dung mạo người tiên một lần, lòng cứ nhớ nhưng cái này thôi", nàng vẫn im lặng. Sinh nói "Mong ước bấy lâu nay mới toại nguyện, sao lại kề mặt mà không nhìn thấy nhau?", rồi đích thân thắp đèn lên, soi tới thì té ra là Giang Thành! Sinh sợ hãi thất sắc, đánh rơi chiếc đèn xuống đất, quỳ xuống run cầm cập như bị gươm kề cổ vậy. Cô gái nắm tai kéo về, lấy kim đâm nát hai đùi rồi bắt nằm dưới giường, lúc nào tỉnh giấc lại chửi rủa kể tội. 
Sinh đã sợ nàng như cọp nên cho dù lúc nàng nguôi giận thì lúc chăn gối cũng run rẫy không ra đàn ông, nàng tát vào mặt thét đuổi xuống, càng thêm chán ghét khinh bỉ không coi là con người nữa. Sinh hàng ngày trong chốn hương xông xạ ủ mà như kẻ gian ở tù tôn kính người canh ngục vậy. Cô gái có hai chị đều lấy chồng là Chư sinh. Người chị lớn hiền lành ít nói, vẫn không hòa thuận với nàng. Chị thứ hai lấy họ Cát, là người giảo quyệt khéo nói, ưa trang điểm chải chuốt, dung mạo không bằng Giang Thành nhưng về khoản ghen tuông hung dữ thì cũng xấp xỉ. Hai chị em mà gặp nhau thì không nói sự gì khác, chỉ khoe những việc bắt nạt chồng, lấy làm đắc ý với nhau, vì thế đi lại rất thân thiết. Sinh tới nhà họ hàng nào cô gái cũng giận dữ trách mắng, duy tới nhà Cát thì nàng có biết cũng không ngăn cấm. 
Một hôm sinh uống rượu ở nhà Cát, lúc đã say Cát nhạo “Sao chú sợ vợ quá thế?”, sinh cười đáp “Thiên hạ có nhiều việc không sao hiểu nổi. Ta sợ vợ ta là sợ sắc đẹp, nhưng có kẻ đẹp thua xa vợ ta mà người ta cũng sợ ngang ta, chẳng phải là quá đáng sao?". Cát thẹn quá không đáp được, đứa tỳ nữ nghe thế vào kể với vợ Cát, vợ Cát nổi giận cầm gậy sấn ra. Sinh thấy dáng vẻ hung dữ vội xỏ giày toan chạy thì gậy đã đập trúng lưng, sinh bị ba gậy ngã quỵ ba lần không dậy nổi, dập cả trán, máu tuôn như xối. Vợ Cát bỏ vào, sinh mới khập khiễng lê chân về nhà. Vợ giật mình hỏi duyên cớ, lúc đầu sinh nghĩ mình chọc giận chị vợ mà bị đòn nên không dám nói, vợ gặng hỏi mấy lần mới kể rõ đầu đuôi. Cô gái lấy lụa băng trán sinh xong, nổi giận nói "Chồng người ta ai mượn nó đánh giùm kia chứ?”, liền mặc áo ngắn tay, lận chày gỗ, dắt tỳ nữ theo. Tới nhà Cát, chị hai tươi cười ra đón, cô gái chẳng nói chẳng rằng, rút chày đánh chị ngã gục, áo xống rách nát đau đớn, dập môi gãy răng vãi cả cứt đái. Nàng về rồi chị hai vừa thẹn vừa tức sai chồng tới mách với Cao, sinh ra đón, hết lời an ủi. Cát nói riêng với sinh "Ta tới đây vì bất đắc dĩ thôi, con mụ ấy hung dữ bất nhân, may nhờ có tay dì nó trừng phạt cho, chứ hai chúng ta có thù hiềm gì với nhau đâu”. Cô gái nghe thấy lập tức sấn ra chỉ mặt Cát mắng "Quân hèn hạ kia, vợ bị đòn mà lại đi lấy lòng người ngoài à, hạng đàn ông này không đánh cho chết còn để làm gì?", rồi thét đem gậy ra, Cát hoảng sợ tông cửa chạy mất. Sinh từ đó không còn nơi nào lui tới cả. 
Có hôm bạn đồng học là Vương Tử Nhã tới chơi, sinh giữ chuyện trong phòng ra đùa nhau, có hơi quá đáng. Gặp lúc cô gái ra nhìn lén khách, núp nghe rõ cả, bèn ngầm bỏ bã đậu vào canh bưng ra cho khách ăn. Giây lát Vương thượng thổ hạ tả dữ dội, thở khò khè như sắp chết. Nàng sai tỳ nữ ra hỏi "Còn dám vô lễ nữa không?", Vương mới hiểu ra là bệnh từ đâu tới bèn rên rỉ xin lỗi. Nàng đưa nước đậu xanh nấu sẵn ra, Vương uống xong thì hết, từ đó bạn bè răn nhau, không ai dám ăn uống gì ở nhà sinh nữa. Vương có quán rượu, trong quán có rất nhiều hồng mai nở, đặt tiệc mời bạn bè tới chơi, sinh lấy cớ họp văn xã trình với vợ xin cho đi dự. Đến tối lúc đã say, Vương nói "Vừa mới có một danh kỹ ở Nam Xương (tỉnh thành Giang Tây) tới lưu ngụ ở đây, có thể gọi tới cùng uống rượu”. Mọi người cả mừng, duy sinh rời tiệc lấy cớ đã say xin về. Mọi người kéo áo lại nói "Vợ ông tai mắt dẫu dài cũng không sao nghe thấy được chuyện ở đây”, rồi cùng thề giữ kín không nói lộ ra, sinh bèn ngồi xuống. 
Giây lát nàng kỹ nữ tới, khoảng mười bảy mười tám tuổi, vòng ngọc leng keng, tóc mây búi cao. Hỏi tên họ, nàng xưng là họ Tạ, tiểu tự Phương Lan, nói năng trò chuyện vô cùng phong nhã, cả tiệc ai cũng say mê. Nhưng Phương Lan chỉ để ý tới sinh, mấy lần để lộ ý tứ, mọi người biết được liền kéo hai người ngồi sánh vai nhau. Phương Lan lấy ngón tay viết vào lòng bàn tay sinh chữ "ngủ”, lúc ấy sinh muốn về thì không đành, muốn ở thì không dám, lòng rối như tơ vò không thể tả được. Nhưng cứ cúi đầu nghiêng tai thì thầm trò chuyện, càng say càng lả lơi phóng túng quên cả con sư tử ở nhà. Một lát nghe trống canh một, khách trong quán rượu càng thưa, nhìn ra chỉ còn một thiếu niên đẹp trai ngồi dưới bóng đèn uống rượu một mình, bên cạnh có tiểu đồng cầm khăn đứng hầu, mọi người đều thầm khen là cao nhã. Không bao lâu thiếu niên uống xong, đứng dậy đi ra, tiểu đồng ra theo rồi quay lại nói với sinh "Chủ ta chờ ông để xin thưa một câu”. Mọi người đều không biết là ai, duy sinh tái mặt không kịp cáo biệt bạn bè, vội vàng đi ra. 
Thì ra thiếu niên là Giang Thành còn tiểu đồng là đứa tỳ nữ ở nhà. Sinh theo về nhà, nằm mà chịu đánh, từ đó càng bị cấm cố chặt chẽ, tuyệt hết việc đi lại với bạn bè thân thích. Quan học sứ xuống khảo thí, sinh thi rớt bị giáng xuống hạng thanh*. Một hôm sinh trò chuyện với đứa tỳ nữ, cô gái nghi là có tư tình liền lấy hũ rượu chụp lên đầu tỳ nữ đánh đòn rồi trói hai người vào nhau, lấy dao cắt thịt bụng hai người, đắp thịt của người này vào bụng người kia rồi cởi trói bảo tự băng bó lấy, hơn tháng sau miếng thịt vá ấy dính luôn vào bụng. Cô gái thường lấy chân đạp lên bánh, kế ném vào chỗ đất cát bụi bặm rồi quát bảo sinh nhặt lên mà ăn, những việc như thế rất nhiều. 
*Hạng thanh: thời Thanh có lệ khảo khóa học trò hàng năm, chia làm sáu hạng mà thăng giáng, hạng thứ năm và thứ sáu gọi là thanh và xã, nếu lần sau lại thi rớt thì bị truất về làm dân. 
Mẹ sinh vì việc của con ngẫu nhiên ghé qua, thấy con gầy như que củi, trở về khóc lóc muốn chết. Đêm mơ thấy có ông già nói “Không cần phải lo phiền, đó là nhân quả kiếp trước. Giang Thành vốn là con chuột trường sinh của Hòa thượng Tĩnh Nghiệp nuôi, công tử kiếp trước là học trò, một hôm tới chơi chùa vô tình đạp chết nó, nay là quả báo không thể sức người mà làm hồi tâm được đâu. Mỗi sáng cứ thành tâm tụng niệm bài chú của Quan âm một trăm lần, tự nhiên sẽ thấy hiệu nghiệm”. Bà tỉnh dậy kể lại cho Trọng Hồng, cùng lấy làm lạ. Vợ chồng theo lời chỉ dạy, hơn hai tháng cô gái vẫn ngang ngược như cũ, lại thêm điên cuồng. Cứ nghe ngoài cửa có tiếng chiêng trống lại xõa tóc chạy ra nhìn dáo dác, hàng ngàn người chỉ trỏ bàn tán cũng mặc kệ. Ông bà thấy con dâu như thế rất hổ thẹn nhưng không sao ngăn cản, chỉ chê bai thầm mà thôi. 
Chợt có nhà sư già tới trước cổng thuyết pháp, người ta đứng xem kín như bức tường. Sư thổi vào mặt trống thành tiếng kêu như trâu rống, cô gái chạy ra thấy người ta đứng dày đặc không có kẽ hở bèn gọi tỳ nữ đem ghế ra để đứng lên xem, thiên hạ đổ dồn mắt vào cũng thản nhiên như không hay biết gì. Lát sau sư giảng kinh xong, xin một bát nước trong cầm tới trước mặt cô gái đọc lớn "Chớ giận hờn, Chớ giận hờn? Kiếp trước chẳng phải giả, Kiếp này chẳng phải chân, ồ! Chuột nên co cổ chạy, Đừng để mèo bắt ăn", đọc xong ngậm nước phun vào mặt nàng, son phấn trôi nhễ nhại nhỏ xuống cả áo quần. Mọi người cả sợ, nghĩ rằng cô gái sẽ bừng bừng nổi giận, nhưng nàng im lặng lau mặt rồi vào, sư cũng bỏ đi. 
Cô gái vào phòng ngồi ngẩn ra như mất hồn, cả ngày không ăn uống gì, kế dọn giường ngủ sớm. Nửa đêm chợt gọi sinh dậy, sinh ngỡ định sai phái liền bưng chậu tiểu đưa lên. Nàng đẩy chậu ra, ngầm nắm tay sinh kéo vào trong chăn, sinh vâng lệnh mà chân tay run lẩy bẩy như tiếp chiếu chỉ của vua. Cô gái cảm khái nói "Làm cho chàng đến thế này, sao đáng gọi là người?", rồi lấy tay xoa khắp người sinh, cứ tới vết dao gậy thì sụt sùi khóc lóc, lấy móng tay tự cào vào mình, hận không chết ngay tức khắc. Sinh thấy thế bất nhẫn, ra sức an ủi. Cô gái nói “Thiếp nghĩ vị hòa thượng lúc ban ngày ắt là Bồ Tát hóa thân, một chén nước lạnh mà như thay đổi cho cả gan ruột. Giờ nghĩ lại những việc mình đã làm đều như ở kiếp khác, thiếp lúc trước chắc không phải là người chăng? Có vợ chồng mà không biết âu yếm, có cha mẹ mà không biết phụng thờ, lòng dạ gì thế? Sáng mai phải dọn qua ở chung với cha mẹ để thăm nom hầu hạ”, vợ chồng nói chuyện suốt đêm như xa cách mười năm mới gặp lại. 
Tảng sáng nàng lập tức trỗi dậy gói ghém quần áo vật dùng, sai tỳ nữ cầm giỏ còn mình mang gói, giục sinh đi trước gọi cửa. Mẹ ra hoảng sợ hỏi han, sinh nói ý vợ. Mẹ đang ngần ngại thì cô gái đã dắt tỳ nữ vào nhà. Mẹ vào theo, nàng quỳ mọp xuống đất khóc lóc thảm thiết, chỉ xin tha tội chết. Mẹ thấy là thật lòng cũng khóc nói "Con ta sao thay đổi mau thế?”. Sinh kể lại tỉ mỉ chuyện trước, mẹ mới hiểu ra rằng giấc mơ trước kia đã ứng nghiệm, mừng rỡ sai tôi tớ dọn dẹp gian nhà cũ cho hai vợ chồng ở. Cô gái từ đó thờ cha mẹ còn hơn cả con trai có hiếu, gặp ai cũng khép nép như cô dâu mới về nhà chồng, ai đùa nhắc lại chuyện cũ thì thẹn đỏ mặt. 
Lại cần kiệm khéo buôn bán, qua ba năm cha mẹ không phải lo tới sinh kế mà nhà đã nổi tiếng giàu có cự vạn. Năm ấy sinh thi đỗ Cử nhân, cô gái thường nói “Ngày trước thiếp gặp Phương Lan một lần, nay vẫn còn nhớ nàng", sinh vì không bị hành hạ đã lấy làm mãn nguyện, không dám mơ tưởng tới chuyện cưới hầu thiếp nên chỉ dạ dạ mà thôi. Kế sinh vào kinh thi hội mấy tháng mới về, vào phòng thấy Phương Lan đang đánh cờ với Giang Thành, ngạc nhiên hỏi han, thì ra cô gái đem mấy trăm đồng vàng chuộc Phương Lan ra. Lúc ta ở vùng Thiệu Hưng Chiết Giang được quen ông Vương Tử Nhã, cả đêm kể cho nghe rất rõ ràng. 
Dị Sử thị nói: Nghiệp căn của đời người, một hớp nước một miếng cơm cũng phải chịu báo ứng, nhưng chỉ những kẻ chịu báo ứng chỗ phòng khuê thì như bị ghẻ trong xương, sự thảm độc càng ghê gớm. Thường thấy trong thiên hạ những người vợ hiền chỉ có một phần còn vợ dữ tới chín phần, cũng đủ biết những người tu dưỡng nết tốt trên đời rất ít. Quan Thế âm pháp lực vô biên, sao không đem nước cam lồ trong bình ngọc rưới khắp thế gian?
_________________

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.