*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Mây đen đè nặng trên đỉnh đầu, gió tuyết tha hồ gieo tai vạ, U Thôn vừa ra khỏi chuỗi ngày không đêm lại rơi vào cảnh trời ban ngày u ám.
Ba người rời khỏi Hắc phủ lúc vừa quá trưa nhưng đường phố vắng vẻ, cô quạnh, cái ồn ào náo nhiệt đêm qua dường như đều bị nhốt kỹ đằng sau những cánh cửa đóng chặt ven đường, không còn sót lại chút dấu vết nào.
Lần thứ ba đi ngang qua quán rượu, lần này không gặp tay bồi bàn, chỉ còn cánh cửa đóng im lìm, Ký Linh thấy có phần nhớ tay tiểu nhị hoạt ngôn hoạt bát đó.
Đang nghĩ ngợi thì nghe Phùng Bất Cơ lẩm bẩm: “Hòe Thành đổ mưa, U Thôn đổ tuyết, phỏng chừng ba con yêu thú kia là gió, sấm, chớp…”
Hai chữ sấm chớp gợi nhắc ký ức đêm qua, Ký Linh thấy lòng là lạ. Không để nàng kịp cảm nhận kỹ xem cảm giác ấy là gì, Đàm Vân Sơn đi bên cạnh đã nôn nóng khoe khoang chiêu mới của mình với cả bọn…
Đẹt đẹt đẹt.
Đàm Vân Sơn: “Phùng huynh thấy thế nào?”
Phùng Bất Cơ: “Không tồi, tu luyện cẩn thận, tương lai vô cùng hứa hẹn.”
Đàm Vân Sơn: “Sao Phùng huynh chẳng mảy may ngạc nhiên vậy?”
Phùng Bất Cơ: “Ha ha, Đàm lão đệ còn trẻ người lắm, đêm qua huynh đã…”
Đàm Vân Sơn: “Gì?”
Phùng Bất Cơ: “À… đã được thần tiên báo mộng rằng sau này đệ sẽ tu được tiên lôi!”
Đàm Vân Sơn: “Thật sao?”
Phùng Bất Cơ: “Đương nhiên!”
Đàm Vân Sơn: “Thế Phùng huynh thấy chiêu này của tôi nên đặt tên gì thì hay?”
Phùng Bất Cơ: “Đàm thị tiên lôi?”
Đàm Vân Sơn: “Ôi, cuộc đời có được một tri kỷ. Trọn vẹn!”
Ký Linh bất lực vỗ trán, hoàn toàn không muốn thừa nhận hai vị đi đằng sau là một bọn với mình.
Đúng lúc này, cửa quán rượu bất ngờ hé ra nửa cánh, nửa chậu nước hắt từ trong cửa ra.
Người đứng sau cửa chỉ thò tay ra, chẳng buồn nhìn đã vung tay hắt. May mà Ký Linh vừa vưa đã đi qua cửa, còn hai huynh đệ Phùng Đàm “trên kính dưới nhường” đi sau thì còn thiếu vài bước nữa mới tới. Vậy là nửa chậu nước này hắt sau lưng Ký Linh và trước mặt Đàm Vân Sơn, Phùng Bất Cơ, chỉ có mấy hạt nước li ti bắn lên người họ, lẫn vào trời tuyết là không phân biệt được.
Nhưng chuyện này thực vẫn làm ba người giật nảy mình. Phùng Bất Cơ quát ngay: “Làm gì vậy! Không thấy bên ngoài có người à!”
Rõ ràng là người đứng sau cửa không ngờ trời tuyết dữ mà vẫn còn có người đi dạo, cái tay chưa rụt về hết bị quát giật mình đánh rơi chậu rửa mặt xuống đất kêu đánh xoảng, y lách người chui ra, xin lỗi rối rít: “Thật xin lỗi, thật xin lỗi, tôi thực sự không…”
Người gây chuyện không phải ai khác, chính là tay bồi bàn của quán rượu, y ngẩng đầu lên thấy ba vị “người bị hại” xong thì ngạc nhiên ngưng bặt tiếng xin lỗi.
Bốn người đứng giữa trời tuyết trố mắt nhìn nhau. Ký Linh là người đầu tiên phì cười, kéo theo mọi người cũng cùng nhau cười, biến nơi này thành chỗ mừng gặp lại nhau.
Trước lạ sau quen, gặp tới lần ba, không phải bạn thì chí ít cũng được coi là có duyên. Tay bồi bàn không ngần ngại hỏi thẳng: “Rốt cuộc ba bác làm gì thế? Mấy năm nay hầu như không có người nơi khác tới U Thôn, cho dù thi thoảng có đến thì cũng chỉ dừng chân một chút rồi lại đi ngay, sao ba bác ngày nào cũng lượn… đi ngang qua con đường này.”
Ký Linh chắc chắn từ tay bồi bàn nuốt vào lại là… “lượn lờ”.
“Chúng tôi vốn định nay đi nhưng không ngờ bỗng lại có tuyết to nên đành phải ở thêm một ngày.” Đàm Vân Sơn khéo léo bỏ qua câu hỏi “rốt cuộc làm gì” đồng thời lập tức đặt câu hỏi dẫn hướng suy nghĩ của tay bồi bàn sang vấn đề khác: “Ông anh, U Thôn này hễ có tuyết là đều trắng trời thế này sao?”
Ký Linh ngạc nhiên trong lòng. Đàm Vân Sơn hỏi đúng ngay vấn đề nàng đang băn khoăn. Vừa rồi đi xung quanh tìm quán mở cửa cũng là để mong gặp được ai đó cho hỏi mấy câu.
“Sao thế được, nếu hễ có tuyết là đều vậy, há chẳng hóa Đông.” Tay bồi bàn cười rầu rầu, “Chỗ chúng tôi mùa đông đúng là tuyết rơi nhiều nhưng mọi người đều đã quen rồi, dù có là tuyết lông ngỗng thì hàng quán vẫn mở như bình thường. Nhưng hôm nay ba bác thấy đấy, chẳng nhà nào hé cửa, không phải là không muốn mở mà là không dám mở…” Nói rồi tay bồi bàn ghé sát lại thì thầm với ba người, “Nói thật với các bác, lần gần nhất thấy trời tuyết thế này là cách đây ba năm, mây đen tuyết dữ liên tục mười mấy ngày trời, đến khi tuyết ngừng thì cũng kể từ đó, thôn không còn đêm. Độ ấy mọi người đều đồn trận tuyết đó chính là điềm dữ.”
Đàm Vân Sơn đã lường trước được chuyện Hắc Kiệu bảo “trời tuyết thế này là bình thường” là nói dối nhưng không lường được trời tuyết này còn có liên quan tới ba năm không đêm, chàng vội hỏi: “Thế ba năm qua có tuyết không?”
Tay bồi bàn gật rồi lại lắc: “Tuyết thì có tuyết nhưng như hôm nay thì không. Nhưng mà, đấy xem, ngày hôm qua vừa có ban đêm, hôm nay tuyết đã rơi rồi, ba năm không đến, thôn vừa khá lên một chút thì lại nữa, há chẳng phải là điềm dữ? Ôi, chẳng biết phen này bao giờ tuyết mới ngừng và lại sắp có tai họa gì…”
Đàm Vân Sơn ngoảnh đầu nhìn các bạn hữu, ai nấy đều hoang mang ra mặt.
Bọn họ hiểu những gì tay bồi bàn nói nhưng nguyên nhân đằng sau nó thì bọn họ cũng đều không hiểu giống tay bồi bàn.
Thời tiết thế này thực sự không thích hợp đứng lâu bên ngoài nói chuyện. Nói có mấy câu mà đã hít bao nhiêu là gió lạnh. Tay bồi bàn thấy vậy liền mời họ vào trong quán nghỉ một lát, uống mấy bát rượu cho nóng người. Trước mắt, ba người không biết gì về tình hình xung quanh, ngoại trừ xác nhận Hắc Kiệu có chuyện giấu diếm thì không còn manh mối nào khác, lại thêm khách điếm các kiểu đều đóng cửa, không tìm được chỗ đặt chân bèn nghe theo vào quán rượu ngồi.
Ba người ngồi trong quán rượu cả buổi chiều, không hỏi thêm được chuyện gì từ chỗ tay bồi bàn và chưởng quầy nên phần lớn thời gian, họ ngồi nhấp rượu, ăn đồ nhắm, tiện thể bàn xem tiếp theo làm gì.
Lần này tay bồi bàn vẫn mang rượu hoa đào cho Ký Linh nhưng cuối cùng, đến quá nửa chúng đều vào bụng Đàm Vân Sơn. Uống xong, vị công tử này còn cúi đầu nâng tay áo ngửi ngửi, cuối cùng buồn buồn hỏi Ký Linh: “Vì sao tôi uống mà người không có mùi hoa đào?”
Ký Linh chống tay nâng cằm nhìn ra ngoài cửa sổ, phớt lờ sức nóng lan từ lòng bàn tay tới gò má, cũng phớt lờ thắc mắc khó hiểu của Đàm nhị thiếu gia.
Trời ngày càng tối, cuối cùng, mùi thức ăn thơm nức của nhà nào đó len qua khe cửa vào phòng… Bếp đã nổi lửa, đêm đã buông.
Ba người ăn uống no nê xong ra khỏi quán rượu, đi vào trong đêm, nhẹ nhàng nhảy bật lên bức tường rào sau nhà của Hắc phủ… ngoại trừ Đàm nhị thiếu gia.
Lần thứ ba rơi từ trên tường xuống, Đàm Vân Sơn nghiến răng nghiến lợi lẩm bẩm: “Tôi thề sau này chắc chắn phải…”
“Khổ luyện khinh công?” Ký Linh đứng trên tường lấy làm mừng.
Đàm Vân Sơn ngẩng đầu nhìn thẳng vào mắt nàng: “Hết sức cố gắng hạn chế trèo tường.”
Ký Linh: “…”
Vất vả mãi mới kéo được Đàm nhị thiếu gia lên trên tường, ba người khom lưng đi dọc theo tường lên nóc căn nhà chính của hậu trạch.
Hậu trạch nhà Hắc Kiệu có một căn phòng chính, ba căn phòng phụ, lần lượt là chỗ ngủ của Hắc Kiệu và ba vị phu nhân. Trong thời gian ở nhờ ở Hắc phủ, ba người chỉ gặp ba vị phu nhân của Hắc phủ một lần nhưng rất có ấn tượng vì phần lớn các lão gia, viên ngoại cưới tam thê tứ thiếp thì tuổi tác của họ sẽ có sự chênh lệch, người cưới lúc trẻ thì đương nhiên cũng tầm tuổi chồng, sau dần dần lấy thêm thì càng về sau càng trẻ, còn ba vị phu nhân của Hắc Kiệu thì đều là những phụ nữ trẻ xinh đẹp như hoa. Vậy nên, lúc gặp, đám Ký Linh đã thấy khá là bất ngờ. Có điều, sau đó, vì tập trung lo chuyện đèn cung đình nên không còn để tâm chuyện này.
Về lý thì nằm sấp trên mái phòng ngủ nghỉ của nhà người ta nghe lén là hành vi cực kỳ vô lễ nhưng hiện tại, trời có tuyết lạ, Hắc Kiệu lại không chịu nói thật câu nào, ba người đành phải ra hạ sách này.
Từ trên nóc nhà nhìn xuống có thể quan sát được toàn bộ hậu trạch Hắc phủ. Ánh sáng mờ mờ của mấy chiếc đèn lồng chỉ đủ để nhìn loáng thoáng thấy đường nhưng không đủ để nhìn rõ mọi vật trong đêm.
Tuyết không hề có dấu hiệu dịu lại.
Ba người nép vào nhau run rẩy trên nóc nhà.
“Sao chẳng có lấy chút động tĩnh nào…” Răng Đàm Vân Sơn bắt đầu va lập cập, nói chuyện mới thấy đỡ hơn.
“Đèn đã tắt rồi, còn muốn có động tĩnh gì nữa.” Phùng Bất Cơ cũng cảm thấy tối nay có lẽ là công toi, “Lão gia, phu nhân nhà người ta ngủ trong phòng, chúng ta gác đêm trên nóc nhà. Có cần phải khổ vậy không chứ.”
Đàm Vân Sơn nhíu mày, xua tay gạt mấy bông tuyết bay qua mặt, nói khẽ mà trịnh trọng: “Phùng huynh, phi lễ chớ nói.”
Phùng Bất Cơ ngây ra nghĩ một lúc mới hiểu: “Tôi nói ngủ chỉ đơn thuần là ngủ!”
Ký Linh tập trung toàn bộ sự chú ý vào chiếc sân bên dưới, thấy Phùng Bất Cơ đột ngột nói lớn tiếng quá mức cho phép bèn nhắc ngay: “Xuỵt…”
Phùng Bất Cơ lập tức im miệng.
Bầu trời chỉ còn tiếng gió rít, Đàm Vân Sơn cúi đầu nói: “Hai người có thấy ba căn đó hơi là lạ không?”
Phùng Bất Cơ không hiểu: “Chẳng có lấy chút động tĩnh nào thì lạ ở đâu ra?”
Đàm Vân Sơn nói: “Chính bởi chẳng có chút động tĩnh nào nên mới lạ. Vừa rồi chúng ta đều nhìn thấy Hắc Kiệu vào nhà rồi lát sau thì tắt đèn đi ngủ. Thế là bình thường. Còn ba căn kia từ đầu chí cuối đều không thấy sáng đèn, chúng ta không hề thấy ba vị phu nhân. Nếu nói là ba bà đã ở trong phòng từ trước, thế thì lúc chúng ta tới đây còn chưa tới giờ ngủ, quá lắm thì là vừa ăn xong cơm tối, vì sao trong phòng không thắp đèn?”
Ký Linh hiểu ý Đàm Vân Sơn muốn nói: “Ý của huynh là ba phu nhân không ở trong phòng, hay nói cách khác, hiện giờ toàn bộ hậu trạch chỉ có mình Hắc Kiệu?”
“Đúng,” Đàm Vân Sơn nheo nheo mắt nhìn chăm chú vào khoảnh sân tĩnh lặng khác thường, “Kể từ lúc chúng ta tới hậu trạch này, đừng nói phu nhân, đến một đứa a hoàn hay tên người hầu cũng đều không thấy.”
Mắt Ký Linh sáng lên, tư duy rộng mở: “Hắc Kiệu đoán được tối nay sẽ có nguy hiểm nên cho ba phu nhân và kẻ hầu người hạ trong phủ tránh đi nơi khác!”
Đàm Vân Sơn nói: “Cũng có thể ông ta đã định liệu trước hoặc là đã giăng sẵn bẫy chờ đối phương chui đầu vào rọ nên đương nhiên phải đuổi hết đám người dưới đi đề phòng làm hỏng chuyện.”
Ký Linh nhíu mày: “Đúng là có khả năng này nhưng điều trước tiên nghĩ đến hẳn là nên nghĩ người ta theo hướng tốt đẹp chứ?”
Đàm Vân Sơn oan: “Giăng bẫy bắt yêu thì không phải người tốt à?”
Ký Linh: “…”
Đàm Vân Sơn: “Giờ cô nương mà đá tôi xuống thì sẽ đánh rắn động cỏ mất, thật đấy.”
Ký Linh tức giận nhìn khuôn mặt vô tội của Đàm Vân Sơn, cuối cùng dừng chân.
Vấn đề nàng và Đàm Vân Sơn suy nghĩ dù có cùng một phương hướng thì luôn luôn là hai dạng khác nhau, thậm chí nhiều khi đến phương hướng cũng không giống nhau. Không phải lần đầu Ký Linh gặp người không cùng suy nghĩ nhưng duy mình Đàm Vân Sơn là khiến nàng thấy nhọc lòng. Bởi vì, với những người khác, trò chuyện không suôn sẻ thì ai đi đường nấy còn với Đàm Vân Sơn, nàng hơi không nỡ.
Cứ cho là do đã trở thành đồng đội đi, Ký Linh thở dài trong lòng. Nên mới có câu chọn bạn mà chơi, chọn nhầm là hỏng.
“Có yêu khí.”
Câu nhắc vội của Phùng Bất Cơ kéo tâm trí Ký Linh về với thực tại.
Nàng liếc nhìn hương Phù Đồ cài ở khe ngói. Quả nhiên, có động tĩnh.
Hắc phủ vốn không có yêu khí nhưng kẻ đến có yêu khí rất mạnh.
Hơn nữa, cùng với sự xuất hiện của yêu khí, tuyết dường như rơi càng tợn hơn.
Cuối cùng, một chùm sáng trắng phóng vụt qua tường vào trong sân, không chút chần chừ đâm thẳng vào phòng chính chỗ Hắc Kiệu ngủ.
Tốc độ của chùm sáng trắng quá nhanh, ba người không kịp nhìn rốt cuộc nó là hình gà, cáo, chó, sói hay hình con gì khác, thậm chí đến kích cỡ lớn nhỏ cũng không rõ, chùm sáng ấy đã vào phòng của Hắc Kiệu.
Ký Linh căng thẳng, bất giác muốn lấy chuông Tịnh Yêu, cổ tay bỗng bị ai đó giữ lại.
Ký Linh đờ người bất động. Đàm Vân Sơn không cần dùng chút sức nào, chỉ đè nhẹ một cái nhưng hơi ấm từ lòng bàn tay chàng hữu dụng hơn bất kỳ phép thuật hay câu niệm chú nào.
Đàm Vân Sơn không ý thức được chuyện này. Thấy Ký Linh dừng tay, chàng vội khuyên: “Chớ nóng vội. Hắc Kiệu đã dám một mình chờ nó thì nhất định đã có chuẩn bị, chúng ta tạm thời cứ xem đã.”
Ký Linh lén rút tay khỏi tay Đàm Vân Sơn, gắng nói sao nghe thật tự nhiên: “Được.”
Còn chưa dứt tiếng, dưới phòng đã có tiếng đánh nhau!
Ba người giật mình, chưa kịp làm gì thì đã nghe nổ “ầm” một tiếng thật to, cánh cửa dưới nhà bị người trong phòng đạp hỏng, một người bay ra ngoài ngã ra sân cùng với cánh cửa!
Giữa tuyết lớn mịt mùng, người bị ngã ở sân cố gắng bò dậy rõ ràng là một cô gái xinh đẹp!
Cô gái mặc đồ trắng, tóc như gỗ mun, gương mặt quyến rũ, ánh mắt chìm trong giết chóc và phẫn nộ lúc này làm nàng không hề có chút nào giống con người, chỉ có yêu khí ngùn ngụt tựa lửa giống như vẻ đẹp của nàng.
Cô gái chùi máu ở khóe miệng, nheo nheo mắt, đằng đằng sát khí.
Hắc Kiệu bước ra khỏi phòng, thong dong ngạo nghễ mỉa mai: “Muốn lấy mạng của ta thì đừng lần nào cũng bày trận hoành tráng như thế. Chỉ có người ngu đần thì trước khi ra tay mới làm một trận tuyết nhắc nhở đối phương… À phải, mi không phải người, mi là yêu.”
Cô gái nhếch mép, giọng nói đáng ra uyển chuyển dịu dàng lại toát lên cái lạnh căm: “Tuyết này không phải để nhắc ông mà là để đưa ma ông.”
Hắc Kiệu cười phá lên, cười quá đà sặc phải gió lạnh, ho khan một hồi mới chùi nước mắt bảo: “Lần này đã là lần thứ bao nhiêu rồi mà sao mày vẫn chẳng khôn ra thế. Mi không giết được ta đâu. Vạn vật trên thế gian đều có trên dưới, sang hèn, nếu mi thức thời thì nên trốn vào núi mà tu luyện, cả đời đừng chui ra.”
“Không giết được?” Cô gái cười lạnh lùng, một nụ cười lạnh lùng như vậy lại làm nàng đẹp hơn mấy phần, “Ông cho tôi cắm đao vào ngực ông xem xem rốt cuộc tôi có giết được ông không.”
“Ngu ngốc cứng đầu.” Hắc Kiệu lắc đầu, bày ra cái vẻ bất đắc dĩ sao mi tội gì phải khổ thế, “Ta vốn muốn thả cho mi một con đường sống nhưng mi không thức thời như vậy, ta đành phải thay trời hành đạo bắt mi.”
Ba người trên nóc nhà càng nghe càng khó hiểu, nghe đến đoạn này thì hoàn toàn rối tung rối mù.
Chắc chắn là nữ yêu có thù oán gì đó với Hắc Kiệu, hơn nữa đã nhiều lần tới cửa trả thù. Cái này dễ hiểu. Thế nhưng, một người phàm như Hắc Kiệu có thể kết thù gì với một con yêu? Được, có lẽ Hắc Kiệu không phải người phàm mà cũng là một con yêu, chẳng qua không biết dùng cách gì mà giấu được yêu khí. Có con yêu nào lại nói ra những lời như “thay trời hành đạo bắt mi” như vậy? Đây là lời những người tu hành hàng yêu phục ma như Ký Linh và Phùng Bất Cơ mới nói mà phải không?
Giữa lúc cả bọn đang hoang mang, dưới sân lại tiếp tục đánh nhau.
Nữ yêu làm phép biến tuyết tụ lại thành một thanh kiếm sắc đâm thẳng về phía ngực Hắc Kiệu!
Hắc Kiệu không tránh không né, miệng lẩm nhẩm gì đó, kiếm tuyết đến cách ông ta chừng một tấc thì dừng lại rồi nhanh chóng tan hết.
Nữ yêu không nổi giận, lại tiếp tục làm phép, Hắc Kiệu cười nhạo, đang định mở miệng nói thì bỗng thấy không ổn, tới lúc ông ta nhận ra sau lưng còn một thanh kiếm tuyết khác và lần làm phép thứ hai chẳng qua chỉ là động tác giả thì đã quá muộn, kiếm tuyết đã đâm ngập vào lưng bên trái của ông ta!
Hắc Kiệu kêu lên một tiếng đau đớn, mắt bừng bừng sát khí, không biết lấy đâu ra một chiếc khóa trường mệnh khổng lồ bằng vàng đập mạnh vào cơ thể nữ yêu!
*khóa trường mệnh: có hình một chiếc khóa cổ bằng kim loại vàng, bạc, đồng được đeo vào cổ trẻ từ lúc mới sinh cho tới khi trưởng thành mới tháo ra, theo phong tục ở Trung Quốc thì trẻ em đeo khóa trường mệnh sẽ “giữ được mạng” và tránh tà. Việc đeo khóa trường mệnh cho trẻ phổ biến ở khắp Trung Quốc, đặc biệt là vào thời Minh, Thanh.
Nữ yêu bị đánh thổ huyết, nằm cuộn mình dưới đất.
Hắc Kiệu mặc kệ nàng, tập trung vận công, thanh kiếm tuyết sau lưng nhanh chóng tan ra thành nước bằng tốc độ mắt thường có thể thấy được, nước tuyết và máu từ miệng vết thương chảy ra hòa vào với nhau loang rộng trên quần áo.
Nữ yêu trợn trừng mắt không sao tin nổi: “Sao có thể…”
Cơn đau ở lưng dường như cuối cùng đã làm Hắc Kiệu nổi giận, ông ta tiếp tục đập nữ yêu bằng khóa trường mệnh tới khi đối phương phải cúi đầu, thở thoi thóp, không còn sức để ngẩng đầu căm giận, ông ta mới hạ hỏa: “Lần sau nhớ kỹ, ta khác với đám yêu quái các mi. Tim ta ở bên phải. Chậc, quên mất, không có lần sau.”
Ký Linh nuốt nước bọt, cổ họng đắng nghét, tim run rẩy. Rõ ràng ban đầu nàng còn định dùng chuông Tịnh Yêu. Vậy mà, lúc này, không chỉ không nỡ động thủ với nữ yêu kia, thậm chí nàng còn có phần không thể nhịn tiếp được, muốn lao ra quát Hắc Kiệu mau để nàng ấy được chóng ra đi.
Con yêu dưới sân có lẽ không phải hạng lương thiện nhưng yêu quái làm theo thói của yêu quái là chuyện thường. Trái lại, Hắc Kiệu dưới sân mới làm người ta thấy ớn lạnh. Lúc này đây, nàng vô cùng hi vọng Hắc Kiệu cũng là yêu. Bởi vì nếu Hắc Kiệu thật sự là một người tu hành hàng yêu phục ma thì một người tu hành thích hành hạ đối phương đến chết như vậy… còn đáng sợ hơn cả yêu quái.
Trong lúc vài ý nghĩ lướt qua trong đầu, Hắc Kiệu đã ngồi xổm xuống cạnh nữ yêu.
Ký Linh không biết ông ta muốn làm gì nhưng biết rõ mình muốn làm gì.
Chuông Tịnh Yêu thình lình bay lên không trung hóa thành một chiếc chuông lớn tỏa ra ánh sáng bạc chói mắt lao đi giữa gió tuyết.
Hắc Kiệu bị thu hút bởi ánh sáng bạc và tiếng động bất ngờ, bất giác nhìn về phía đó.
Chỉ một chớp mắt, nữ yêu nằm dưới đất bất ngờ hóa thành một chùm sáng trắng hình con thú rồi vội vàng tháo chạy. Không biết có phải là dùng toàn bộ sức lực hay không mà tốc độ nhanh hơn hẳn lúc tới. Đến khi Hắc Kiệu nhận ra quay đầu lại định đuổi theo thì đã mất dấu.
Ký Linh rút hương Phù Đồ khỏi kẽ ngói, đánh mắt ra hiệu cho Phùng Bất Cơ rồi lại nhìn Hắc Kiệu đứng ôm vai dưới sân đang đá mấy cú rõ mạnh và gốc cây cho đỡ tức.
Phùng Bất Cơ lắc đầu ngay không chút nghĩ ngợi.
Ký Linh hết cách đành phải nói thật nhỏ: “Giờ vẫn chưa xác định được Hắc Kiệu là người hay yêu nên phải để người lại đây theo dõi động tĩnh. Tôi có hương Phù Đồ, chỉ có tôi có thể đuổi theo.”
Phùng Bất Cơ không cãi được. Dù sao gió tuyết lớn cỡ này, mũi huynh ta không phải mũi chó, sao có thể ngửi được yêu khí đủ rõ để truy lùng.
“Cẩn thận một chút.” Huynh ta cũng chỉ dặn được như vậy.
Ký Linh gật đầu, xoay người nhẹ nhàng nhảy ra ngoài đường, truy đuổi theo hướng hương Phù Đồ chỉ dẫn.
Đến tận khi bóng Ký Linh hoàn toàn biến mất vào màn đêm, Phùng Bất Cơ mới thôi nhìn theo, lúc này mới phát hiện ra Hắc Kiệu vẫn còn ở trong sân nhưng Đàm Vân Sơn ngồi cạnh đã biến mất.
Phùng Bất Cơ sốt ruột nhìn khắp xung quanh, cuối cùng tìm thấy Đàm nhị thiếu gia đang chật vật trèo tường ở bức tường sau nhà.
Phùng Bất Cơ muốn nói với tốc độ này của đệ thì trèo ra cũng chẳng đuổi theo kịp Ký Linh nhưng lúc này không tiện nói nên chỉ có thể ra dấu: Mau về đây cho huynh!
Đàm nhị thiếu gia thấy Phùng Bất Cơ ra dấu với mình lập tức ra dấu đáp lại: Được, đệ nhất định sẽ cẩn thận!
Phùng Bất Cơ: “…”