Không Có Ngày Mai

Chương 16:




MỨC ĐỘ PHỔ BIẾN CỦA RADIO SHACK chỉ bằng chừng một phần mười Starbucks nhưng bù lại chẳng bao giờ chúng cách xa quá vài khối nhà. Và lại mở cửa sớm. Tôi dừng ở cửa hàng gần nhất mình thấy, một anh chàng người vùng Nam Á bước tới phục vụ tôi. Anh ta trông có vẻ nhiệt tình. Có lẽ tôi là khách hàng đầu tiên trong ngày. Tôi hỏi anh ta về điện thoại di động chụp được ảnh. Anh ta bảo rằng trên thực tế tất cả chúng đều chụp được ảnh. Một số loại thậm chí còn quay phim được. Tôi bảo người bán hàng rằng tôi muốn biết các bức ảnh tĩnh chụp ra có chất lượng thế nào. Anh ta lấy một chiếc điện thoại bất kỳ, tôi đứng ở phía cuối cửa hiệu rồi cho anh ta chụp từ quầy. Ảnh chụp ra nhỏ và không nét. Những đường nét của tôi không được sắc. Nhưng tầm vóc, dáng người của tôi được chụp lại khá rõ. Dù sao thì cũng khá rõ đến nỗi có thể mang lại phiền hà... Sự thật là gương mặt tôi bình thường, chẳng có gì ấn tượng. Rất dễ quên. Tôi đoán là hầu hết người ta nhận ra tôi qua bóng tôi, điều này chẳng hề bình thường.
Tôi bảo người bán hàng rằng tôi không muốn mua điện thoại. Anh ta cố gắng bán cho tôi một chiếc máy ảnh kỹ thuật số thay cho điện thoại. Máy này có độ phân giải cao. Nó sẽ chụp ảnh đẹp hơn. Tôi nói tôi cũng không muốn mua máy ảnh. Nhưng tôi sẽ mua một thẻ nhớ cho anh ta. Một chiếc USB, để lưu dữ liệu máy tính. Loại dung lượng thấp nhất anh ta có, giá rẻ nhất. Đó chỉ là thứ đồ làm mồi nhử, tôi chẳng muốn mất một đống tiền làm gì. Nó là một vật bé xíu, đựng trong hộp nhựa cứng to đùng. Tôi bảo tay bán hàng lấy kéo cắt ra. Anh có thể làm hỏng cả răng nếu cắn những thứ như thế. Thẻ nhớ được tặng kèm hai vỏ bọc cao su màu xanh hoặc hồng, tùy chọn một trong hai màu. Tôi chọn màu hồng. Susan Mark trông không có vẻ là kiểu phụ nữ thích màu hồng lắm, nhưng người ta thấy điều họ muốn thấy. Lớp bọc màu hồng tương xứng với món đồ của một phụ nữ. Tôi bỏ chiếc USB vào túi bên cạnh chiếc bàn chải đánh răng, cảm ơn anh chàng bán hàng đã giúp đỡ rồi nhường cho anh ta việc vứt rác.
Tôi đi bộ hai khối rưỡi nhà về phía Đông theo phố 28. Suốt chặng đường đó lúc nào cũng có rất nhiều người phía sau lưng tôi, nhưng tôi chẳng biết ai trong số họ, và không ai trong số họ có vẻ biết tôi. Tôi xuống ga tàu điện ngầm ở Broadway và quẹt thẻ của mình. Rồi tôi bỏ qua chín chuyến tàu kế tiếp chạy về trung tâm thành phố. Tôi chỉ ngồi trong cái nóng trên một băng ghế gỗ, để cho tất cả các chuyến tàu ấy chạy qua. Một phần để nghỉ ngơi, phần để giết thời gian cho tới khi các văn phòng kinh doanh còn lại của thành phố mở cửa hết, một phần để kiểm tra xem tôi có bị bám đuôi không. Chín lượt khách đến và đi, chín lần tôi chỉ còn một mình trên sân ga trong vòng một hai giây. Chẳng ai mảy may quan tâm đến tôi. Khi đã chán quan sát người tôi lại đi quan sát lũ chuột. Tôi thích chuột. Có rất nhiều chuyện thần thoại về chúng. Cơ hội trông thấy loài này ít hơn người ta nghĩ. Chuột vốn nhát gan. Những con chuột người ta trông thấy thường là chuột non hoặc ốm hoặc đói sắp chết. Chúng không cắn mặt trẻ con đang ngủ chỉ cho vui. Chúng bị hấp dẫn bởi những vết thức ăn, chỉ có thế. Hãy rửa miệng cho con bạn trước khi đi ngủ, thế là sẽ ổn. Và chẳng có con chuột khổng lồ nào to như mèo. Tất cả chuột đều cùng kích thước.
Tôi chẳng trông thấy con chuột nào, và cuối cùng tôi thấy bồn chồn. Tôi đứng dậy quay lưng lại đường ray nhìn lên các bích chương trên tường. Một trong số đó là bản đồ toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm. Hai tấm là quảng cáo cho các vở diễn của nhà hát kịch Broadway. Một tấm là thông báo chính thức cấm hành động gì đó được gọi là “lướt tàu điện ngầm”. Có một bức minh họa đen trắng vẽ một gã bị kẹp phía ngoài cửa tàu như một con sao biển. Rõ ràng các toa kiểu cũ của hệ thống tàu điện ngầm New York có tấm ván đỡ chân phía dưới cửa lên xuống, được thiết kế để khắc phục một phần khoảng trống giữa toa xe và sân ga, còn phía trên cửa có các rãnh thoát nước mưa, để ngăn nước đọng phía trên nóc lọt vào trong toa. Tôi biết rằng các toa mới kiểu R142A không có cả hai đặc điểm trên. Tay đồng hành điên rồ đã bảo tôi vậy. Song, với các toa kiểu cũ, ta có thể đợi trên sân ga cho tới khi cửa đóng lại rồi mới lách các ngón chân vào ván đỡ chân, móc mười đầu ngón tay vào các rãnh thoát nước mưa, ôm chặt lấy toa và được đưa đi hết các đường hầm trong khi người vẫn ở bên ngoài toa. Lướt tàu điện ngầm. Có lẽ với một số người thì đây là trò rất thú, nhưng bây giờ bị coi là phạm pháp.
Tôi quay lại phía đường ray, lên chuyến tàu thứ mười vào ga. Đó là chuyến số hiệu R. Nó có ván đỡ chân và rãnh thoát nước mưa. Nhưng tôi vào hẳn trong toa, qua hai chặng thì tới ga lớn ở Quảng trường Union.
Tôi lên mặt đường ở góc Tây Bắc Quảng trường Union và hướng về một hiệu sách khổng lồ tôi nhớ nằm ở phố 17. Các chính trị gia đang vận động tranh cử thường xuất bản tiểu sử của mình trước mùa bầu cử, còn tạp chí tin tức thì luôn đầy các bài viết về họ. Thực ra tôi đã có thể chọn nơi khác là các quán cà phê Internet, nhưng tôi không giỏi về công nghệ mới, vả lại dù sao các quán cà phê Internet hiếm hơn ngày trước nhiều. Giờ thì mọi người mang những thiết bị điện tử nhỏ mang tên các loại quả hay cây. Quán cà phê Internet đang đi cùng một lối như buồng điện thoại công cộng, bị công nghệ không dây giết chết.
Hiệu sách đặt nhiều bàn ở mặt trước tầng trệt. Các bàn xếp đầy những đầu sách mới. Tôi tìm ra nơi bày các tác phẩm về người thật việc thật song chẳng thấy gì. Lịch sử, tiểu sử, kinh tế, nhưng không có chính trị. Tôi tìm tiếp tìm thấy thứ mình muốn ở phần sau chiếc bàn thứ hai. Bình luận và quan điểm của cánh tả và cánh hữu, cộng thêm tiểu sử “ma” của ứng cử viên với những chiếc áo sáng đẹp và những tấm ảnh bóng bẩy đã được xử lý. Cuốn của John Sansom dày chừng hơn một xăng ti mét, mang tên Luôn thực hiện nhiệm vụ. Tôi cầm nó theo và lên thang cuốn lên tầng ba, nơi bảng chỉ dẫn của hiệu sách cho biết khu tạp chí nằm ở đâu. Tôi lựa ra tất cả các tạp chí tin tức hằng tuần, cầm chúng cùng cuốn sách tới giá sách lịch sử quân sự. Tôi mất chút thời gian ở đó với vài ấn phẩm về người thật việc thật và rồi khẳng định được điều mình đã nghi ngờ, rằng Phòng Nhân lực không làm bất cứ việc gì mà Phòng Nhân sự trước đây đã không làm. Chỉ là đổi tên. Thay đổi thương hiệu. Không chức năng mới. Công việc hồ sơ và giấy tờ, như hồi nào tới giờ.
Rồi tôi ghé lên một bậu cửa sổ, ổn định chỗ ngồi để đọc những thứ mình đã lấy. Lưng tôi nóng vì nắng rọi qua lớp kính, còn phần trước lại lạnh vì không khí từ một họng điều hòa không khí ngay phía trên người. Tôi từng thấy khó chịu với việc đọc trong cửa hàng mà không có ý định mua. Nhưng có vẻ chính các cửa hàng cũng thấy vui về việc ấy. Họ thậm chí còn khuyến khích. Một số còn kê ghế bành để phục vụ việc này. Rõ là một mô hình kinh doanh mới. Và mọi người đều làm như thế. Hiệu sách chỉ vừa mới mở cửa, nhưng cả nơi này đã trông như một trung tâm tị nạn rồi. Mọi nơi đều có người, ngồi hoặc bò ra sàn, bao quanh là những chồng sách báo lớn gấp nhiều lần sách báo của tôi.
Tất cả tạp chí tin tức hằng tuần đều có bài viết về chiến dịch tranh cử, bị kẹp giữa quảng cáo và bài viết về những đột phá trong y học và thông tin cập nhật về công nghệ. Hầu hết các bài viết quảng bá được chú ý hàng đầu, song những cuộc đấu giành ghế ở Hạ viện và Thượng viện cũng được dành cho vài dòng. Bầu cử sơ bộ còn cách bốn tháng và tổng tuyển cử còn cách mười bốn tháng, một số ứng cử viên đã trở thành cựu quan chức nhưng Sansom vẫn vững vàng trong cuộc đua. Ông ta đang đạt tỷ lệ ủng hộ cao qua các cuộc thăm dò dư luận trong toàn bang mình, ông ta đang gây được quỹ lớn, lối làm việc thẳng thừng của ông ta được coi là mới mẻ, và lai lịch phục vụ trong quân ngũ của ông ta được dùng để chứng tỏ năng lực của ông ta trong mọi công việc. Dù theo quan điểm của tôi như thế cũng giống như nói rằng một công nhân vệ sinh có thể làm được thị trưởng. Có thể có, có thể không. Không có logic trong giả định ấy. Nhưng rõ ràng hầu hết cánh nhà báo thích tay này. Và rõ ràng họ đã lưu ý ông ta với những vị trí cao hơn. Ông ta được coi là một ứng cử viên tổng thống tiềm tàng trong bốn hoặc tám năm tới. Thậm chí một cây viết còn ám chỉ rằng có thể nhấc Sansom khỏi cuộc đua vào Thượng viện để trở thành ứng cử viên phó tổng thống cho đảng của mình ngay trong lần này. Sansom đã trở thành một kiểu người nổi tiếng.
Bìa cuốn sách về ông ta thật kiểu cách. Bìa được dựng từ tên ông ta, nhan đề sách và hai tấm ảnh. Tấm ảnh lớn hơn là ảnh đã mờ phủ lấm chấm, được phóng to đủ để tạo thành nền cho cả bìa. Ảnh chụp một thanh niên mặc chiếc áo dã chiến cũ sờn không đóng cúc, cả khuôn mặt sơn ngụy trang phía dưới vành mũ trùm. Chồng lên đó là một tấm ảnh mới chụp chân dung trong studio của cùng người đó, sau nhiều năm, mặc bộ com lê của doanh nhân. Rõ ràng là Sansom, khi ấy và bây giờ. Toàn bộ nội dung chào hàng của ông ta, trong một ấn phẩm đơn nhất.
Bức ảnh chụp gần đây được chiếu sáng tốt, lấy nét một cách hoàn hảo, tạo dáng đầy chất nghệ thuật, cho thấy Sansom là một người dáng nhỏ gọn gàng, cao chừng mét bảy lăm, nặng khoảng sáu bảy cân. Một con chó săn mảnh mai hơn là một con bò mộng, đầy khả năng chịu đựng và sức bền bỉ dẻo dai, như các lính tinh nhuệ nhất của Lực lượng Đặc biệt. Mặc dù có lẽ bức ảnh cũ hơn xuất phát từ thời còn trong đơn vị chính quy thông thường. Có lẽ là lực lượng đặc nhiệm Rangers. Theo kinh nghiệm của tôi, các tay trong lực lượng Delta cùng thời Sansom thích để râu quai nón, đeo kính râm và quàng khăn trùm đầu của người Arập kéo xuống tận cổ. Một phần vì nơi họ có khả năng phải hoạt động, phần vì họ thích tỏ ra đang ngụy trang và bí mật về bản thân, bản thân yếu tố này một phần là điều cần thiết còn một phần là hình ảnh được thêu dệt ra cho có phần kịch tính. Nhưng có thể tay quản lý chiến dịch tranh cử của Sansom đã tự chọn bức ảnh này, chấp nhận cương vị lính đơn vị nhỏ để đổi lấy một hình ảnh người ta có thể nhận ra, qua đó nhận ra tinh thần người Mỹ. Có lẽ những kẻ trông giống mấy tay hippie Palestine kỳ dị sẽ không được ủng hộ nhiều lắm ở Bắc Carolina.
Những dòng phía trong trang bìa ghi tên đầy đủ và cấp bậc trong quân đội của Sansom, viết một cách trang trọng: Thiếu tá John T. Sansom, Quân đội Hoa Kỳ, đã nghỉ hưu. Rồi dòng chữ cho biết ông ta là người được tặng thưởng Huy chương Chữ thập vì thành tích đặc biệt, Huy chương Thành tích Đặc biệt, hai Huy chương Sao Bạc. Rồi lại thêm rằng ông ta từng là giám đốc điều hành thành đạt, của một doanh nghiệp nào đó mang tên Hãng Tư vấn Sansom. Một lần nữa là toàn bộ nội dung đánh bóng tên tuổi cho Sansom, ngay đó. Tôi thầm hỏi liệu đó có phải là nội dung toàn bộ phần còn lại của cuốn sách hay không.
Tôi lướt qua và thấy cuốn sách chia làm năm phần: thời trai trẻ của Sansom, quãng đời trong quân ngũ, cuộc hôn nhân và cuộc sống gia đình sau đó, quá trình kinh doanh, quan điểm chính trị về tương lai. Phần đầu thuộc dạng kinh điển cho loại sách này. Thời thơ ấu đầy khó khăn, không tiền bạc, quần áo thiếu thốn, mẹ ông ta là chỗ dựa, bố phải làm hai việc để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Gần như chắc chắn là được tô vẽ. Nếu lấy các ứng cử viên chính trị là mẫu dân số thì Mỹ sẽ trở thành một nước thuộc Thế giới thứ ba. Mọi người đều lớn lên trong cảnh nghèo khó, nước máy đã là một thứ xa xỉ, giày dép hiếm hoi, một bữa ăn đạm bạc là nguyên nhân cho một sự kiện đáng nhớ.
Tôi lướt sang phần tiếp theo tới phần Sansom gặp vợ ông ta và thấy thêm những dòng cùng kiểu ấy. Cô ta thì tuyệt vời, những đứa con khỏi chê. Hết chuyện. Tôi không hiểu nhiều về phần nói đến kinh doanh. Hãng Tư vấn Sansom từng là một nhóm chuyên gia tư vấn, nghe thì có lý, nhưng tôi không thể biết chính xác họ đã làm những gì. Cơ bản là họ đưa ra những gợi ý, đề xuất, mua cổ phần của các công ty mà họ tư vấn, rồi bán cổ phần đi và trở nên giàu có. Sansom đã xây dựng được cái mà ông ta mô tả là một gia tài. Tôi không chắc ý ông ta nói nó trị giá bao nhiêu. Tôi cảm thấy hoàn toàn vững dạ khi trong túi có vài trăm đô la. Tôi ngờ là Sansom ra đường với số tiền nhiều hơn thế, nhưng ông ta không nói cụ thể là nhiều hơn bao nhiêu. Thêm bốn số không? Hay năm? Hay sáu?
Tôi nhìn phần đề cập quan điểm chính trị về tương lai thì không thấy gì nhiều về những nội dung mà tôi đã không thu lượm được từ các tạp chí tin tức. Ý đồ cốt lõi của quan điểm chính trị là trao cho cử tri mọi thứ họ muốn. Muốn thuế thấp à, có ngay. Muốn dịch vụ công cộng, sẵn sàng. Chẳng ý nghĩa gì với tôi. Nhưng chung quy lại thì Sansom xuất hiện như một người khiêm nhường. Tôi cảm thấy ông ta sẽ cố gắng làm điều đúng đắn, cố gắng hết mực như bất kỳ ai trong đám bọn họ có thể. Tôi cảm thấy rằng ông ta toàn tâm cho việc này vì tất cả những lý do hợp lý.
Giữa sách có ảnh. Trừ một bức, tất cả là ảnh chụp nhanh ghi lại cuộc đời của Sansom từ thời ba tháng tuổi cho đến hiện tại. Đấy là những loại mà tôi nghĩ là hầu như ai cũng có thể lôi ra từ một chiếc hộp giày ở đáy tủ quần áo. Cha mẹ, thời thơ ấu, thời học sinh, những năm tháng trong quân đội, cô dâu sắp cưới, con cái, những chân dung trên cương vị doanh nhân. Hình ảnh bình thường, hẳn là có thể thay đổi qua lại được với ảnh trong tiểu sử của tất cả các ứng viên khác.
Nhưng tấm ảnh không giống những tấm còn lại thì thật lạ lùng...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.