Không Có Ngày Mai

Chương 13:




TÔI GỌI THÊM MỘT LƯỢT CÀ PHÊ NỮA. Jake chỉ chằm chằm nhìn nữ nhân viên phục vụ như thể chưa bao giờ nghe nói tới nghề của cô ta. Rốt cuộc cô ta phát chán bỏ đi. Jake đẩy trả tấm danh thiếp cho tôi. Tôi nhặt nó lên đút túi còn anh thì nói, “Tôi không thích chuyện này.”
Tôi nói, “Tôi cũng không thích.”
“Chúng ta nên trở lại nói chuyện với NYPD.”
“Cô ấy đã tự sát, Jake. Đó là điểm mấu chốt. Đó là tất cả những gì họ muốn biết. Họ không quan tâm việc đó diễn ra thế nào hoặc ở đâu hay tại sao.”
“Họ nên quan tâm.”
“Có lẽ thế. Nhưng họ không quan tâm. Anh có quan tâm không?”
“Có lẽ không,” anh ta đáp. Tôi nhìn thấy hai mắt Jake vô hồn. Có lẽ anh đang điểm lại những vụ cũ của mình trong đầu. Những ngôi nhà rộng lớn, những con đường đầy lá, những luật sư sống xa hoa bằng tiền dành dụm của khách hàng, không thể làm được gì tốt, rút chạy trước khi bị mang tiếng, dính bê bối hay bị khai trừ khỏi đoàn luật sư. Hoặc các giáo viên, với các học sinh dính bầu. Hoặc những người đàn ông trong gia đình, với người tình đồng tính ở Chelsea hay West Village. Các cảnh sát địa phương, đầy sự khéo léo và cảm thông, vóc dáng to lớn, thâm nhập vào các khu dân cư yên tĩnh, gọn gàng, kiểm tra hiện trường, xác định các bằng chứng, đánh máy báo cáo, khép hồ sơ, quên, chuyển sang vụ việc tiếp theo, không quan tâm thế nào, ở đâu hay tại sao.
Jake nói, “Anh có một giả thuyết à?”
Tôi nói, “Còn quá sớm để hình thành một giả thuyết. Tất cả những gì chúng ta đạt được cho đến giờ là các thực tế.”
“Những thực tế nào?”
“Lầu Năm Góc không hoàn toàn tin tưởng chị anh.”
“Nói vậy nghe đau.”
“Cô ấy nằm trong danh sách bị theo dõi, Jake. Chắc chắn là thế. Ngay khi tên cô ấy được nhập vào hệ thống, những tay nhân viên điều tra liên bang kia lên đường ngay. Ba gã cả thảy. Đó là một quy trình.”
“Họ đã không ở lâu.”
Tôi gật đầu. “Thế nghĩa là họ không nghi ngờ nhiều lắm. Họ thận trọng, chỉ có thế thôi. Có khi trong đầu họ nghĩ đến chuyện lặt vặt gì đó, nhưng họ không thực sự tin. Họ đến đây để loại trừ khả năng nó tồn tại.”
“Loại chuyện gì?”
“Thông tin,” tôi nói. “Đó là tất cả những gì Bộ Tư lệnh Nhân lực có.”
“Họ nghĩ là chị tôi đang chuyển giao thông tin à?”
“Họ muốn loại trừ khả năng đó.”
“Nghĩa là ở thời điểm nào đó họ cho rằng có việc đó.”
Tôi gật đầu lần nữa. “Có lẽ người ta đã trông thấy cô ấy ở trong một văn phòng không nên vào, mở một tủ hồ sơ không nên mở. Có lẽ họ cho rằng có một lời giải thích không liên quan, nhưng họ muốn chắc chắn. Hoặc có lẽ một thứ gì đó bị mất, họ không biết theo dõi ai nên theo dõi toàn bộ.”
“Loại thông tin nào?”
“Tôi không biết.”
“Kiểu như một hồ sơ bị sao chụp hả?”
“Nhỏ hơn thế,” tôi nói. “Một mẩu giấy gập vào, một thẻ nhớ máy tính. Thứ gì đó có thể trao tay trên một toa xe điện ngầm.”
“Chị ấy là người yêu nước. Chị ấy yêu đất nước mình. Chị ấy sẽ không làm việc đó.”
“Và cô ấy đã không làm việc đó. Cô ấy không đưa thứ gì cho ai cả.”
“Vậy là chúng ta không có gì hết.”
“Chúng ta có việc chị anh ở cách nhà vài trăm dặm với một khẩu súng đã nạp đạn.”
“Và lo sợ,” Jake nói.
“Mặc áo khoác mùa đông khi thời tiết nóng trên ba mươi độ.”
“Với hai cái tên nhảy nhót trong đầu,” anh nói. “John Sansom và Lila Hoth, dù cô ta là kẻ quái quỷ nào. Mà Hoth nghe có vẻ là tên nước ngoài.”
“Có một thời Markakis cũng thế.”
Anh ta một lần nữa im lặng và tôi nhấp cà phê. Trên đại lộ Tám dòng xe cộ chạy chậm hơn. Giờ cao điểm buổi sáng đang hình thành. Mặt trời đã lên, hơi chếch về phía Đông Nam. Những tia nắng không thẳng hàng với những đường kẻ trên phố. Chúng tạo thành một góc thấp và đổ bóng chéo, dài.
Jake lên tiếng, “Hãy cho tôi điểm để bắt đầu.”
Tôi bảo, “Chúng ta không biết đủ.”
“Suy đoán đi.”
“Tôi không thể. Tôi có thể nghĩ ra một câu chuyện, nhưng nó sẽ đầy các lỗ hổng. Mà trên hết nó có thể là một câu chuyện hoàn toàn sai.”
“Cứ thử xem. Cho tôi điều gì đó. Như là động não ấy.”
Tôi nhún vai. “Anh đã bao giờ gặp tay nào từng nằm trong Lực lượng Đặc biệt chưa?”
“Hai hay ba gì đó. Có khi bốn hoặc năm, nếu tính cả những cảnh sát tuần tra xa lộ mà tôi biết.”
“Có lẽ anh chưa gặp đâu. Hầu hết những sự nghiệp trong Lực lượng Đặc biệt chưa bao giờ thực sự xảy ra. Kiểu như những người tuyên bố đã từng ở Woodstock[24] ấy. Cứ tin tất cả họ đi, cái đám đông hồi đấy phải đến cả mười triệu người. Hay như những người dân New York đã nhìn thấy hai chiếc máy bay đâm vào hai tòa tháp. Tất cả đã trông thấy, cứ nghe họ thì như thế. Khi ấy chẳng có ai nhìn đi chỗ khác cả. Những kẻ nói mình nằm trong Lực lượng Đặc biệt thường là ba hoa thôi. Hầu hết chẳng bao giờ thoát ra khỏi bộ binh. Một số còn chưa bao giờ qua quân đội nữa kia. Người ta hay tô vẽ mọi thứ.”
“Như chị tôi.”
“Đó là bản chất con người.”
“Ý anh là gì?”
“Tôi đang suy nghĩ về những gì chúng ta có. Chúng ta có hai cái tên xuất hiện ngẫu nhiên, rồi mùa bầu cử đang bắt đầu, còn chị anh thì làm trong Phòng Nhân lực.”
“Anh nghĩ là John Sansom đang nói dối về quá khứ của mình sao?”
“Có lẽ không,” tôi nói. “Nhưng đó là mảng thường được cường điệu. Mà chính trị là việc bẩn thỉu. Anh có thể cá rằng ngay lúc này đang có kẻ nào đó kiểm tra người đã giặt ủi đồ cho Sansom hai mươi năm trước, xem hồi đó hắn ta có thẻ xanh hay không. Chẳng cần nghĩ cũng biết là người ta đang xác minh tiểu sử thực sự của ông ta. Là môn thể thao tầm quốc gia đấy.”
“Thế thì có thể Lila Hoth là nhà báo. Hoặc nhà nghiên cứu. Kênh tin tức trên truyền hình cáp, hoặc là gì đó. Hoặc chương trình đối thoại trên đài phát thanh.”
“Có thể cô ta là đối thủ của Sansom.”
“Không phải người có tên như thế đâu. Không phải ở North Carolina.”
“Được rồi, vậy ta hãy cho cô ta là nhà báo hoặc nhà nghiên cứu. Có thể cô ta đang gây sức ép với một nhân viên Phòng Nhân lực để lấy hồ sơ về thời quân ngũ của Sansom. Có thể cô ta đã chọn chị anh.”
“Công cụ của cô ta là gì?”
Tôi nói, “Đó là lỗ hổng lớn đầu tiên trong câu chuyện.” Mà thực tế là vậy. Susan Mark đã tuyệt vọng và sợ hãi. Thật khó tưởng tượng nổi một nhà báo có được công cụ mạnh như thế. Cánh nhà báo có thể khéo lèo lái và đầy sức thuyết phục, song chẳng ai đặc biệt sợ họ.
“Susan theo đảng phái chính trị nào không?” tôi hỏi.
“Tại sao ông hỏi thế?”
“Có thể cô ấy không thích Sansom. Không thích những gì ông ta đại diện. Có thể cô ấy đang hợp tác. Hoặc tình nguyện.”
“Vậy tại sao chị ấy sợ hãi đến như thế?”
“Vì cô ấy đang vi phạm pháp luật,” tôi nói. “Cô ấy hẳn đã sợ xanh đít nhái rồi.”
“Còn tại sao chị ấy lại mang súng?”
“Thông thường cô ấy có mang theo súng không?”
“Không bao giờ. Đó là đồ thừa kế. Chị ấy cất nó trong ngăn kéo quần áo, như người ta vẫn làm.”
Tôi nhún vai. Khẩu súng là lỗ hổng lớn thứ hai trong câu chuyện. Người ta lấy súng khỏi ngăn kéo vì vô vàn lý do. Phòng vệ, tấn công. Nhưng không đời nào lấy chỉ để phòng khi bản thân họ đột nhiên muốn tự sát ở một nơi cách xa nhà.
Jake nói, “Susan không nặng quan điểm chính trị lắm.”
“Được rồi.”
“Vì thế không thể có mối liên hệ với Sansom.”
“Thế tại sao tên ông ta xuất hiện?”
“Tôi không biết.”
Tôi nói, “Hẳn là Susan đã lái xe đi. Không thể mang súng lên máy bay. Có khi bây giờ xe cô ấy đang bị kéo đi. Chắc chắn cô ấy đã đi qua đường hầm Holland và đậu xe ở mãi trong trung tâm thành phố.”
Jake không trả lời. Cà phê của tôi đã lạnh. Nữ nhân viên phục vụ đã ngừng rót thêm. Bàn chúng tôi chẳng sinh lãi mấy. Những bàn khác đã đổi đến hai lượt khách rồi. Những người đang làm việc, đi lại nhanh, nạp năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày bận rộn. Tôi hình dung Susan Mark mười hai giờ trước, đang sẵn sàng cho một đêm bận rộn. Mặc đồ. Tìm khẩu súng của cha cô, nạp đạn, nhét nó vào chiếc túi đen. Leo lên xe, chạy theo đường 236 tới Beltway, xuôi chiều kim đồng hồ, có thể đổ xăng, đi vào đường 95, hướng lên phía Bắc, hai mắt mở to tuyệt vọng, xuyên thủng màn đêm phía trước.
Suy đoán đi, Jake đã nói. Nhưng đột nhiên tôi không muốn đoán. Bởi đầu tôi có thể nghe tiếng nói của Theresa Lee. Nữ thám tử. Ông đã đẩy cô ấy qua miệng vực. Jake thấy tôi nghĩ ngợi gì đó liền hỏi, “Gì thế?”
“Chúng ta hãy giả định về công cụ tác động,” tôi nói. “Ta hãy cho rằng nó cực kỳ mạnh. Thế nên ta hãy cho rằng Susan đang trên đường đi chuyển thông tin mà cô ấy đã được yêu cầu thu thập, bất kể là thông tin gì. Và ta hãy coi bọn đó là người xấu. Cô ấy đã không tin là bọn người ấy sẽ nhả bất cứ thứ gì mà chúng dùng để chế ngự cô ấy. Có lẽ cô ấy nghĩ rằng chúng sẽ cứ viện vào đấy mà đòi hỏi thêm. Cô ấy đã vào và không thấy đường ra. Trên hết, cô ấy rất sợ bọn chúng. Thế nên cô ấy tuyệt vọng. Nên cô ấy lấy khẩu súng. Có thể cô ấy nghĩ mình có thể chiến đấu thoát ra, nhưng lại không lạc quan về cơ hội của bản thân. Tóm lại là cô ấy không nghĩ rằng mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp.”
“Thế thì sao?”
“Cô ấy có những việc cần làm. Cô ấy đã gần đạt được việc đó. Chẳng bao giờ cô ấy định tự sát.”
“Nhưng còn bản danh sách thì sao? Các hành vi ấy?”
“Cũng là sự khác biệt như thế thôi,” tôi nói. “Chị anh đang trên đường tới nơi cô ấy nghĩ rằng sẽ có kẻ kết liễu đời mình, có lẽ theo một cách khác, theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.