Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

Chương 7:




Tôi thét lên thất thanh để đánh thức Ba Mẹ dậy. Ngay lập tức ông bà xông vào phòng, nhưng lại bất lực không thể ngăn các siêu tân tinh đang bùng nổ bên trong não tôi. Đó là một chuỗi những chùm pháo hoa phát sáng liên tục trong hộp sọ khiến tôi đinh ninh rằng mình sắp sửa từ giã cõi đời này. Tôi bèn nói với bản thân — như vẫn thường tự nhủ trước đây — là cơ thể sẽ ngừng hoạt động khi cơn đau trở nên quá khủng khiếp, rằng ý thức đau đớn này chỉ trong tạm thời và sẽ biến mất sau khi tôi ‘xuôi tay nhắm mắt’. Nhưng cũng như mọi khi, tôi đã không bị Thần chết bắt đi. Thần chết chỉ để tôi nằm lại trên bãi biển, mặc những con sóng bạc đầu đập vào người tôi mà không dìm tôi chết đuối cho yên chuyện.
Ba tôi vừa lái xe vừa trao đổi với bệnh viện qua điện thoại, trong khi tôi nằm ở ghế sau, tựa đầu vào lòng Mẹ. Mọi nỗ lực giảm đau đều vô ích: Có la hét cũng chỉ càng thêm đau. Thật ra, mọi sự kích thích chỉ làm cho cơn đau tồi tệ hơn.
Giải pháp duy nhất là cố gắng xua tan thế giới quan, biến nó thành một màu đen, im phăng phắc và không bóng người, đưa nó trở lại thời mông muội trước khi vụ nổ Big Bang xảy ra, vào thời điểm khởi đầu khi chỉ mới có Kinh Thánh và phải sống lẻ loi trong một không gian trống rỗng cùng với Kinh Thánh.
Người ta hay nói về sự can đảm của bệnh nhân ung thư, và tôi không phủ nhận về đức tính can trường ấy. Trong nhiều năm qua tôi hết bị thọc, bị đâm lại bị hạ độc, vậy mà tôi vẫn tiếp tục sống. Nhưng xin chớ lầm tưởng: Trong những thời khắc đó, tôi chỉ mong mình chết quách đi thì sẽ hạnh phúc sung sướng biết bao.
Tôi tỉnh dậy trong Phòng chăm sóc đặc biệt ICU. Tôi có thể xác định mình đang trong phòng ICU bởi vì tôi không ở phòng riêng, bởi vì xung quanh có rất nhiều tiếng bíp, và tôi chỉ nằm trơ trọi một mình: Họ không cho phép gia đình ở lại 24/7 trong phòng ICU ở Khoa Nhi bởi vì nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Có tiếng khóc nức nở vọng ra từ cuối hành lang, chắc con ai vừa mới mất. Không có ai quanh tôi cả. Tôi bèn nhấn nút gọi màu đỏ.
Một y tá đến trong vài giây sau đó. “Chào chị,” tôi nói.
“Xin chào, Hazel. Chị là Alison, y tá riêng của em,” chị ấy cất tiếng.
“Chào chị Alison Y Tá Riêng Của Em,” tôi nói.
Và rồi tôi lại thấy khá mệt trong người. Nhưng tôi tỉnh dậy một lúc khi Ba Mẹ vào thăm, ôm chầm lấy tôi, khóc và hôn lên mặt tôi liên tục. Tôi rướn người và cố hết sức ôm chầm lấy ông bà, nhưng cả người đau như dần khi tôi siết chặt vòng tay. Ba Mẹ nói cho tôi biết là tôi không bị u não. Đầu tôi đau là do thiếu ô-xy trong não, mà nguyên nhân sâu xa là do phổi tôi bị tràn dịch lần nữa. Một lít rưỡi (!!!!) chất dịch đã được rút ra khỏi lồng ngực của tôi. Đó là lý do tại sao tôi thấy khó chịu ở bên hông, nơi có, ồ nhìn nè, một cái ống dẫn từ ngực tôi xuống một túi nhựa. Túi đã đầy một nửa chất dịch lỏng có màu hổ phách giống y đúc màu loại rượu yêu thích của Ba. Mẹ dỗ dành là tôi sẽ sớm được về nhà, và thực sự đúng như vậy. Chỉ cần thỉnh thoảng tôi phải hút dịch phổi và mỗi tối phải thở máy BiPAP, một cố máy đầy không khi lưu thông ra vào hai lá phổi dở hơi của tôi. Và tôi đã được chụp cắt lớp PET ngay đêm đầu tiên nhập viện, Ba Mẹ hăm hở thông báo toàn tin tốt lành: khối u không còn tăng trưởng nữa. Cũng không phát hiện khối u mới. Vai tôi đau vì thiếu ô-xy trầm trọng. Đau vì tim-hoạt-động-quá-tải.
“Sáng nay Bác sĩ Maria nói bà vẫn lạc quan về bệnh tình của con,” Ba nói. Tôi mến Bác sĩ Maria, bà không xí gạt bệnh nhân nên thật nhẹ nhõm khi nghe bà nói vậy.
“Đây chỉ là một giai đoạn thử thách, Hazel à,” Mẹ tiếp tục dỗ dành. “Một thử thách mà chúng ta có thể vượt qua.”
Tôi gật đầu. Sau đó Alison Y Tá Riêng Của Tôi nhẹ nhàng mời Ba Mẹ ra ngoài. Rồi chị quay sang hỏi tôi có muốn ngậm nước đá không. Tôi gật đầu. Thế là chị ngồi bên cạnh giường và dịu dàng đút cho tôi từng muỗng đá dăm.
“Em đã hôn mê trong vài ngày,” chị Aliso gợi chuyện. “Ừm, để xem nào, em đã bỏ lỡ... Một ngôi sao nổi tiếng sử dụng ma túy. Các chính trị gia bất đồng ý kiến nhau. Một ngôi sao khác mặc bikini để lộ khiếm khuyết hình thể. Một đội thể thao giành chiến thắng ở một giải đấu, đội còn lại dĩ nhiên thua giải.” Tôi cười. “Em không thể trốn mọi người mãi như vậy, Hazel à. Em đã bỏ lỡ rất nhiều sự kiện.”
“Còn không chị?” Tôi hỏi, hất đầu về phía ly xốp trắng trên tay chị.
“Đúng ra chi không nên,” chị thì thầm, “nhưng chị sẽ phá lệ với em.” Chị đút cho tôi thêm một muỗng đá. Tôi lẩm bẩm cảm ơn. Tạ ơn Chúa vì cho con gặp những y tá tốt như vậy! “Em mệt chưa?” chị hỏi. “Chị sẽ ghé thăm em thường xuyên và để em ngủ thêm mấy tiếng trước khi có người đến kiểm tra các chỉ số này nọ.” Tôi nói Cám ơn lần nữa. Ta dùng rất nhiều lời cảm ơn trong khi nằm viện. Tôi ngọ nguậy trên giường để chọn được tư thế nằm thoải mái hơn. Chị chợt hỏi: “Thế em không về thăm bạn trai của em à?”
“Em chẳng có bạn trai nào cả,” tôi đáp lời chị
“Ồ, có một anh chàng gần như không rời khỏi phòng đợi kể từ hôm em vào đây đó,” chị cho biết.
“Vậy là anh ấy chưa nhìn thấy bộ dạng này của em, phải không?”
“Phải. Chỉ có gia đình mới được vào thăm thôi.”
Tôi gật đầu và chìm vào một giấc ngủ bồng bềnh.
Tôi nằm lại sáu ngày mới được xuất viện về nhà. Sáu ngày nằm chong mắt nhìn tấm cách âm trên trần, xem truyền hình, lơ mơ ngủ trong nỗi đau ê ẩm, và chỉ mong thời gian mau chóng trôi qua. Tôi đã không gặp Augustus hoặc ai khác ngoài Ba Mẹ mình. Tóc tôi giờ bù xù như tổ quạ; dáng điệu thì lếch thếch như một bệnh nhân mất trí. Thế nhưng mỗi ngày tôi lại thấy khỏe hơn một chút: cứ sau mỗi giấc ngủ, sắc diện tôi lại hồi phục dần. Ngủ chữa lành ung thư, Bác sĩ Jim thân thương đã nói lần thứ một ngàn khi ông lượn qua thăm tôi vào buổi sáng nọ cùng một nhóm sinh viên y khoa tháp tùng.
“Vậy cháu là một cỗ máy chống ung thư,” tôi nói với ông.
“Ừ, đúng vậy đó Hazel. Cháu hãy tĩnh dưỡng nhé. Chúng tôi hy vọng cháu sẽ sớm được xuất viện.”
Vào thứ Ba, bệnh viện nói sẽ cho tôi về nhà vào thứ Tư. Vào thứ Tư, hai sinh viên y khoa rút ống ở ngực tôi ra hầu như không ai giám sát, khiến tôi có cảm tưởng đang bị chiếc ống hút đâm ngược vào trong. Nói chung là tình hình không mấy khả quan nên bệnh viện quyết định giữ tôi lại đến thứ Năm. Thế là tôi bắt đầu suy nghĩ linh tinh, rằng tôi là vật thí nghiệm sống mà mãi chẳng nhận được đồng thù lao nào, thì ngay sáng thứ Sáu, Bác sĩ Maria xuất hiện, thăm khám toàn thân tôi trong một phút rồi thông báo tôi có thể xuất viện.
Thế là Mẹ nhanh nhẹn mở chiếc túi xách to đùng đang đeo, để lộ trong đó bộ Thường Phục Xuất Viện của tôi mà bà luôn mang theo sẵn. Một y tá bước vào và rút ống truyền tĩnh mạch cho tôi. Tôi cảm thấy như vừa được tháo xiềng xích, mặc dù đi đâu vẫn phải mang bình ô-xy trợ thở kè kè theo. Tôi vào phòng tắm, dội sơ người sau một tuần dài không tắm táp rồi thay bộ quần áo Mẹ đưa. Khi bước trở lại, tôi thấy mệt đứ đừ nên lại leo lên giường năm thở dốc. Mẹ âu yếm hỏi, “Con có muốn gặp Augustus không?”
“Cũng được ạ,” tôi đáp sau một phút lưỡng lự. Tôi đứng dậy và lê bước qua một chiếc ghế nhựa tựa sát tường, giấu bình ô-xy dưới gầm ghế. Có vậy mà cũng làm tôi mệt bở hơi tai.
Mấy phút sau Ba quay trở vào với Augustus. Tóc anh rối nùi, rũ xuống cả trán. Khi nhìn thấy tôi, khuôn mặt anh bừng sáng với một nụ cười rộng đến mang tai đúng kiểu Goofy đóng mác Augustus Waters, và tôi không thể không mỉm cười đáp lại. Anh ngồi xuống chiếc ghế tựa giả da màu xanh bên cạnh tôi. Anh nghiêng người về phía tôi, dường như không thể ngăn được nụ cười trên môi.
Ba Mẹ ra khỏi phòng cho chúng tôi không gian riêng tư, lại càng khiến tôi lúng túng. Tôi cố ngước nhìn mắt anh, một đôi mắt thật hút hồn đến nỗi khó lòng nhìn thẳng vào đấy. “Anh nhớ em,” Augustus nói.
Giọng tôi nhỏ hơn mức tôi muốn. “Cảm ơn vì đã không cố tình gặp tôi khi tôi trông bệ rạc, thảm thương.”
“Công bằng mà nói em trông vẫn còn thê thảm lắm.”
Tôi bật cười. “Tôi cũng nhớ anh. Chỉ là tôi không muốn anh nhìn thấy bộ dạng này. Tôi chỉ muốn, những lúc như là... Mà thôi, cũng chẳng quan trọng nữa, không phải ai cũng luôn có cái mình muốn.”
“Vậy sao?” Anh hỏi. “Anh thì luôn nghĩ thế giới này là một công xưởng sản xuất điều ước.”
“Nhưng hóa ra không phải vậy,” tôi đáp. Anh thật điển trai. Anh đưa tay định nắm tay tôi nhưng tôi lặng lẽ lắc đầu. “Đừng anh,” tôi nói khẽ. “Dù chúng ta có hẹn nhau đi chơi thì cũng không phải theo kiểu nắm tay nắm chân như vậy.”
“Đồng ý,” anh nói. “Giờ thì anh có tin tốt và tin xấu về hiệp hội chuyên ban tặng điều ước đây.”
”Dạ, sao ạ?” Tôi tò mò.
“Tin xấu là rõ ràng chúng ta không thể đi Amsterdam cho đến khi em khỏe hơn. Tuy nhiên, các vị thần Genie sẽ gõ cây đũa thần trứ danh của họ ngay khi em bình phục.”
“Đó là tin tốt ư?”
“Không, tin tốt là trong khi em say sưa ngủ thì Peter Van Houten đã chia sẽ thêm một chút suy nghĩ vĩ đại của ông với chúng ta.”
Anh lại với tay đến tay tôi lần nữa, nhưng lần này để dúi một tờ giấy gấp làm ba làm tư, trên góc tiêu đề có ghi Peter Van Houten, Tiểu Thuyết Gia Danh Dự.
Để đảm bảo sẽ không bị gián đoạn bởi bất kì trị liệu y tế bào, tôi đợi cho đến khi về đến nhà, yên bị trên chiếc giường khổng lồ và trống trải của mình rồi mới mở thư ra đọc. Những nét chữ viết tay nguệch ngoạc, xiêu vẹo của Van Houten khiến tôi loay hoay mãi một lúc lâu mới đọc ra.
Anh Waters thân mến,
Tôi nhận được email của anh vào ngày mười bốn tháng Tư và từ hôm đó đã bị câu chuyện buồn như một vở kịch Shakespeare của anh gây ấn tượng mạnh mẽ. Tất cả mọi người trong câu chuyện này đều mang một bi kịch trớ trêu: nàng ư, cô nàng thì đau bệnh liên miên; còn anh ư, anh thì khỏe mạnh cường tráng. Dù đổi ngược lại tình trạng sức khỏe cô ấy tốt hơn và anh có tồi tệ hơn, thì những vì sao sẽ không gặp nhau một cách bi thương như vậy. Nhưng bản chất của những vì sao là luôn gặp nhau, nên Shakespeare đã cực kỳ sai khi để cho nhân vật Casius phát biểu rằng, “Lỗi lầm, Brutus thân mến, không thuộc về những vì sao chiếu mệnh của chúng ta / Mà là do chính chúng ta”. Nếu anh là một nhà quý tộc La Mã (hoặc là chính Shakespeare!) thì nói sao cũng được, nhưng thiếu gì lỗi được tìm thấy là do chính những vì sao của chúng ta.
Trong khi chúng ra đang bàn về những khiếm khuyết chưa hoàn thiện của đại thi hào Shakespeare, những lời anh mô tả nàng Hazel trẻ trung của anh nhắc tôi nhớ đến bài xonê thứ năm mươi lăm của ông, mở đầu như sau, “Lăng tẩm đế vương dù cẩn đá dát vàng/ Chẳng thể như thơ anh sống mãi;/ Trong vần thơ mạnh mẽ tỏa sáng hình bóng nàng, rạng ngời theo tháng năm/ Không như đá kia nhơ nhớp phủ lớp bụi thời gian.” (Ngoài lề một chút: nhưng thời gian nào nhơ nhớp đâu, cô nàng ‘lừa tình’ tất cả mọi người đấy!) Đó là một bài thơ hay nhưng đầy dối gian: Chúng ta thực sự khắc ghi vần điệu mạnh mẽ của thơ Shakespeare, nhưng liệu chúng ta có nhớ gì về người được thốt ra lời ca tụng trong đó? Hoàn toàn không. Chỉ biết khá chắc chắn là một người đàn ông đang yêu; mọi chi tiết khác chỉ là phỏng đoán. Shakespeare đã nói với chúng ra rất ít về người đàn ông bị đại thi hào chôn vùi trong quan tài ngôn ngữ của ông. (Xin lưu ý rằng khi chúng ta nói về văn học, chúng ta dùng thì hiện tại. Nhưng khi chúng ta nói về người đã khuất, chúng ra không viết kiểu như vậy được.) Ta không bất tử hóa sự mất mát bằng cách viết về chúng. Ngôn ngữ sẽ chôn vùi chứ không thể làm cho sự mất mát hồi sinh. (Nói toạc móng heo: Tôi không phải là người đầu tiên đưa ra lời bình phẩm này, trước tôi còn có bài thơ “Không phải lăng tẩm dát vàng hay nạm ngọc” của MacLeish với một câu thơ rất khảng khái, “Ta tuyên bố nàng rồi cũng chết và chẳng ai còn nhớ đến nàng.”)
Tôi hơi xa vấn đề, nhưng đây là trọng điểm: Người chết được nhìn qua cặp mắt không ngươi kinh khiếp của ký ức. Người đang sống, cảm ơn trời, vẫn duy trì được khả năng khiến người khác bất ngờ và thất vọng. Nàng Hazel của anh còn sống, anh Waters ạ. Cho nên anh không cần áp đặt nguyện vọng cảu anh lên quyết định của người khác, đặc biệt đối với một quyết định đã được suy nghĩ thấu đáo. Cô ấy không muốn đẩy anh đến bờ vực đau đớn và anh nên tôn trọng ý nguyện đó. Có thể anh không thấy thuyết phục mấy với lập luận của nàng Hazel trẻ người non dạ, nhưng tôi đã lê bước qua thung lũng nước mắt này lâu hơn cả anh, và đứng từ vị thế của tôi ngày nay và nhìn nhận thì cô nàng không phải kẻ mất trí đâu.
Trân trọng,
Peter Van Houten
Thư này thực sự do ông ấy viết. Tôi liếm ngón tay và chấm nhẹ lên tờ giấy, vết mực hơi dây ra, cho nên tôi biết thư này không phải là giả.
“Mẹ ơi,” tôi gọi. Tôi đã không kêu lớn tiếng. Nhưng cũng chẳng cần thiết, bà lúc nào không quanh quẩn đâu đây. Y như rằng, Mẹ ló đầu ở phía sau cánh cửa.
“Con không sao chứ, con yêu?”
“Chúng ta có thể gọi cho Bác sĩ Maria để hỏi xem liệu một chuyến du lịch nước ngoài có đe dọa tính mạng của con không?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.