Hồng Ngọc

Chương 11:




"Áo choàng: nhung Venice, đệm lụa bóng; váy: vải lanh in hoa Đức, đính đăng ten kiểu Devonshire cùng áo chẽn thêu hoa lụa." Madame Rossini thận trọng trải từng món đồ lên bàn. Sau bữa ăn, bà Jenkins dẫn tôi trở lại phòng may. Tôi thích căn phòng nhỏ này hơn phòng ăn nghiêm cẩn. Ở đây, vải vóc tuyệt đẹp nằm la liệt khắp mọi nới và Madame Rossini với cái cổ rùa có lẽ là người duy nhất mà ngay đến mẹ cũng sẽ không thấy nghi ngờ gì. "Tất cả đều xanh dương rất nhã với hoa văn màu kem, bộ trang phục lịch thiệp này dành cho buổi chiều," bà nói tiếp. "Giầy gấm in hoa đồng bộ. Trông thế nhưng đi rất dễ chịu. Thật may là cháu và con bé gầy giơ xương kia cùng cỡ giày." Bà ấy nhón đầu ngón tay khẩy bộ đồng phục học sinh của tôi sang bên. "Kinh, kinh, kinh, hoa hậu mà khoác thứ này lên người thì cũng hóa bù nhìn xua chim mất. Giá mà được phép cắt váy theo đúng đội dài đang mốt! À, lại còn cái màu vàng như nước tiểu! Ai nghĩ ra bộ này có lẽ phải căm thù đám học sinh lắm!"
"Cháu giữ đồ lót của cháu được không?"
"Chỉ quần lót thôi," Madame Rossini bảo. (Cách bà ấy phát âm quầng lót nghe rất dễ thương). "Tuy không đúng mốt lắm nhưng có lẽ sẽ chẳng ma nào nhòm xuống dưới váy của cháu đâu. Và nếu điều đó xảy ra thì cháu cứ đạp cho hắn một phát chí tử. Tuy không nhìn thấy, nhưng gót chân bằng sắt đấy. Cháu đi vệ sinh chưa? Điều này rất quan trọng, vì nếu mặc váy vào rồi thì khó mà…"
"Vâng, bà đã nhắc ba lần rồi, Madame Rossini."
"Ta chỉ muốn chắc chắn thôi."
Tôi liên tục sửng sốt bởi cách người ta đối xử với mình ở đây, bởi những chi tiết nhỏ nhặt luôn được chú ý từng li từng tí. Thậm chí lúc ăn xong, bà Jenkins còn đưa cho tôi một cái túi mới toanh đựng đồ vệ sinh để tôi đánh răng rửa mặt.
Tôi cứ nghĩ cái áo chẽn có lẽ sẽ khiến mình tức thở và ép món bê rán trào ngược khỏi dạ dày, nhưng thực tế thì nó lại dễ chịu đến kinh ngạc. "Cháu cứ nghĩ, phụ nữ khi mặc đồ này thường ngất xỉu hàng loạt."
"Ừ, cũng có chuyện thế thật. Thứ nhất vì họ buộc dây chặt quá. Thứ hai là bởi không khí đặc cứng tới mức chặt được ra thành khúc, vì không ai tắm rửa mà chỉ xức đẫm nước hoa," Madame Rosisni rùng mình trước hình ảnh ấy. "Tóc giả thì đầy chấy rận, ta còn đọc được ở đâu đó rằng thỉnh thoảng còn có chuột làm ổ trong đó. Hừm, thời trang thì tuyệt hảo, nhưng không hay ho lắm về mặt vệ sinh. Cháu sẽ không phải mặc áo chẽn như đám đàn bà đáng thương kia đâu, đây là thiết kế đặc biệt theo kiểu Madame Rossini, thoải mái như làn da thứ hai."
"À, ra thế." Tôi cực kỳ hồi hộp khi chui vào cái váy độn khung. "Cảm giác như cháu đang mang theo một cái lồng chim khổng lồ."
"Thế này đã ăn thua gì," Madame Rossini trấn an, cẩn thận lồng váy qua đầu tôi. "Chiếc váy phồng này nếu so với những chiếc được mặc cùng thời ở Versailles thì bé tí. Chu vi bốn mét rưỡi, ta không bịa đâu. Chiếc váy này cũng không phải làm từ xương cá mà từ sợi cacbon kỹ thuật cao, nhẹ như lồng hồng. Không ai phát hiện ra đâu."
Xung quanh tôi giờ bồng bềnh thứ vải xanh phấn có hoa văn màu kem, nếu đem bọc sofa hẳn sẽ rất đẹp. Nhưng tôi phải công nhận rằng bất chấp độ dài và kích thước khổng lồ, chiếc váy vẫn dễ chịu, ôm khít lấy người.
"Tuyệt mỹ," Madame Rossini đẩy tôi ra trước gương.
"Ồ!" tôi thốt lên kinh ngạc. Ai mà nghĩ vải bọc sofa lại có thể trông tuyệt vời đến thế? Và cả tôi nữa. Eo tôi trông nhỏ biết bao, còn mắt thì xanh ơi là xanh. Hà! Chỉ mỗi ngực là trông cứ như sắp nổ đến nơi, hệt mấy nữ ca sĩ opera.
"Chỗ đó còn có một ít đăng ten," Madame Rossini dõi mắt theo cái nhìn của tôi. "Nó thực ra là váy mặc buổi chiều. Nhưng đến tối thì có gì phải trưng ra chứ. Ta hy vọng còn được may váy dạ hội cho cháu! Giờ thì phải làm tóc đã."
"Cháu có đội tóc giả không?"
"Không," Madame Rossini bảo. "Cháu là một cô gái trẻ và đây là một buổi chiều sáng trưng. Chỉ cần làm tóc và đội mũ là được. Da cháu thì không cần phải làm gì cả, vì nó mịn như nhung. Còn cái vết bà mẹ đánh dấu hình nửa vầng trăng xinh xinh bên thái dương có thể giữ nguyên làm nốt ruồi trang sức. Quá xinh."
Madame Rossini dùng ống nóng cuốn tóc, rồi khéo léo kẹp phần mái của tôi lên đỉnh đầu và để phần tóc khác phủ xuống vai thành những lọn mềm mại. Tôi nhìn vào gương, tự thấy mình đẹp long lanh.
Tôi buộc phải nhớ tới buổi tiệc hóa trang năm ngoái do Cynthia tổ chức. Hồi đó, do không nghĩ ra được thứ gì hay ho nên tôi đã tới dự với bộ trang phục bến xe buýt. Tới cuối buổi hôm đó, tôi chỉ muốn dùng tấm biển nện cho tất cả khách khứa một trận, vì ai cũng hỏi tôi giờ xe chạy.
Hừm, nếu hồi đó tôi quen Madame Rossini! Có lẽ tôi đã là ngôi sao của bữa tiệc!
Tôi sung sướng xoay một vòng nữa trước gương, nhưng chỉ kịp có thế vì Madame Rossini đã tới sau lưng và đặt chiếc mũ lên đầu tôi. Đó là một khối khổng lồ lộn tùng phèo những rơm, lông chim và ruy băng xanh, phá đi mọi nét duyên dáng. Tôi cố thuyết phục Madame Rossini bỏ nó đi nhưng bà ấy cương quyết giữ ý kiến.
"Không đội mũ? Không được, như thế thì không ra thể thống gì hết! Đây không phải một cuộc thi hoa hậu, cưng à! Đây là vấn đề nguyên bản."
Tôi lục chiếc điện thoại di động trong túi áo khoác đồng phục. "Ít ra thì bà có thể giúp cháu chụp lại vài kiểu ảnh được không – khi không đội mũ?"
Madame Rossini bật cười. "Được chứ, cưng!"
Tôi đứng tạo dáng và Madame Rossini chụp ít nhất là ba mươi kiểu, từ mọi phía, cả vào kiểu có mũ. Leslies cũng không có gì để cười chứ.
"Rồi, bây giờ ta sẽ báo với mọi người ở trên là cháu đã sẵn sàng khởi hành. Ngồi đợi ở đây và đừng có động vào cái mũ! Nó ngự chuẩn rồi!"
"Vâng, Madame Rossini," tôi đáp ngay, bà ấy vừa ra khỏi phòng là tôi liền bấm vào số máy của Leslie, gửi cho nó một tấm ảnh có mũ qua SMS. Mười bốn giây sau, Leslie gọi lại. Tạ ơn Chúa, trong phòng may của Madame Rossini sóng rất mạnh.
"Giờ tớ đang ngồi trên xe buýt," Leslie hét tướng vào tai tôi. "Nhưng tớ đã lấy sẵn số ghi và bút. Cậu chỉ cần nói thật to, vì bên cạnh tớ có hai người Ấn Độ nghễnh ngãng đang trò chuyện, tiếc là không bằng ngôn ngữ cơ thể!"
Tôi liến thoáng kể những gì vừa mới diễn ra, cố giải thích thật nhanh cho Leslie biết mình đang ở đâu và mẹ đã nói những gì. Mặc dù tôi kể khá lộn xộn nhưng có vẻ Leslie vẫn nắm được. Nó luôn miệng thốt lên: "Quá siêu!" hay "Nhớ cẩn thận nhé!" Lúc tôi tả Gideon (Leslie muốn biết từng chi tiết), thì nó bảo: "Tớ cũng không ghét tóc dài đến thế đâu, người ta vẫn hoàn toàn có thể sexy chứ. Cậu có nhớ phim Câu chuyện về một hiệp sĩ không? Nhưng hãy chú ý tai hắn."
"Dù sao thì cũng chẳng quan trọng. Hắn vừa tinh tướng lại vừa ngạo mạn. Ngoài ra thì hắn phải lòng Charlotte. Cậu đã ghi lại viên ngọc của các nhà thông thái chưa?"
"Rồi, tớ đã ghi lại hết. Khi nào về đến nhà tớ sẽ tra mạng ngay. Bá tước Saint Germain – sao cái tên này nghe quên thế? Hay là tớ đã nghe nó trong phim nào rồi nhỉ? Không phải, đó là bá tước Monte Cristo."
"Nếu ông ta đọc được ý nghĩ thật thì sao?"
"Thì cậu cứ nghĩ tới chuyện gì vô hại. Hoặc cứ đếm ngược từ 1000. Nhưng đếm bằng nhịp một tám ấy. Ở tốc độ đó, người ta không thể nghĩ gì khác."
"Họ có thể tới bất cứ lúc nào. Lúc đó tớ sẽ dập máy ngay. À, cậu thử xem có thể tìm được gì về một thằng cu tên Robert White không, mười tám năm trước nó đã bị chết đuối trong một bể bơi."
"Tớ ghi lại rồi," Leslie bảo. "Trời ạ, thật không thể tưởng tượng nổi. Lẽ ra cần phải kiếm sẵn cho cậu một con dao bấm hay thuốc xịt cay… À, ít nhất là cậu nên cầm theo di động."
Tôi nhún nhảy trong chiếc váy phồng đi ra cửa, cẩn thận ló đầu ra ngoài hành lang. "Đem về quá khứ? Cậu nghĩ là tớ có thể gọi được cho cậu từ đó?"
"Vớ vẩn! nhưng cậu có thể chụp vài tấm ảnh có ích. Ô, mà tớ rất muốn có một tấm của gã Gideon kia. Nếu được thì chụp cả tai luôn. Đôi tai tiết lộ cực nhiều về một người. Đặc biệt là vành tai."
Có tiếng bước chân. Tôi khẽ khép chân lại. "Đến lúc rồi. Hẹn gặp sau nhé, Leslie."
"Cận thận nhé," Leslie nói với theo, nhưng tôi đã gập điện thoại bỏ tọt vào ngực áo. Phần trống dưới khe ngực vừa đủ chỗ cho chiếc điện thoại. Không rõ ngày xưa các bà các cô giấu gì trong đó? Lọ thuộc độc, súng lục (loại mini), thư tình?
Khi Gideon bước vào, ý nghĩ đầu tiên vụt qua đầu tôi: Vì sao hắn không đội mũ? Ý nghĩ thứ hai: vì sao trong áo vest kiểu Moire đỏ chóe, quần lửng ngang gối xanh đậm và quần tất kẻ sọc người ta lại có thể trông bảnh đến thế? Nếu còn kịp nghĩ tới điều gì khác thì cùng lắm là: Hy vọng không ai đoán được tôi đang nghĩ gì.
Đôi mắt xanh chỉ khẽ lướt qua tôi: "Mũ đẹp đấy."
Đồ mắc dịch.
"Tuyệt đẹp," ông George vừa bước vào sau hắn thốt lên. "Madame Rossini, bà quả là có bàn tay vàng."
"Vâng, tôi biết," Madame Rossini vẫn đứng ngoài hành lang. Phòng may không đủ chỗ cho tất cả, chỉ riêng cái váy phồng của tôi đã chiếm hết nửa diện tích.
Tóc Gideon được buộc túm lại sau gáy, tôi thừa cơ trả đũa. "Dải nhung đẹp đấy," tôi mỉa mai hết cỡ. "Cô giáo dạy Địa của tôi cũng thường buộc một cái y hệt!"
Thay vì nhìn tôi cay cú, Gideon nhếch mép cười. "Chuyện nhỏ, dải nơ này chưa là gì, em phải nhìn tôi đội tóc giả cơ."
Đúng ra thì tôi đã có lần thấy rồi.
"Gideon, tôi đã để sẵn cái quầng lửng vàng chanh ra, khôông phải chiếc xanh đậm này." Mỗi khi tức giận, giọng Pháp lơ lớ của Madame Rossini càng rõ hơn.
Gideon quay lại phía Madame Rossini. "Quần vàng đi với áo đỏ, cộng với quần Pipi- Tất- Dài và áo choàng nâu có khuy vàng chóe? Cháu thấy như thế thì sặc sỡ quá."
"Đàn ông thời Rôcco ăn bận sặc sỡ!" Madame Rossini nghiêm khắc nhìn Gideon. "Ở đây, ta mới là chuyên gia, không phải cậu."
"Vâng, thưa Madame Rossini," Gideon lịch sự đáp. "Lần sau cháu sẽ nghe lời bà."
Tôi nhìn tai hắn. Chúng không vểnh và xét về mọi phương diện đều không có gì bất thường. Tôi gần như nhẹ cả người. Mặc dù điều này đương nhiên chẳng liên quan gì đến tôi.
"Thế còn đôi găng da lộn màu vàng?"
"Ô, cháu tưởng nếu không mặc quần kia thì tốt hơn hết là cháu cũng bỏ đôi găng ấy đi."
"Đương nhiên!" Madame Rossini tặc lưỡi. "Thưa quý anh đầy ý thức thời trang, đây không phải vấn đề thẩm mỹ, mà là vấn đề nguyên bản! Ngoài ra thì ta đã rất để ý chọn các màu cho thật hợp với cậu, thật là một anh chàng vô ơn."
Bà hằm hè tránh cho tôi và hắn đi ra.
"Rất cảm ơn bà, Madame Rossini," tôi nói.
"À, thiên nga cao cổ! Ta rất mừng! Ít ra thì cháu còn biết quý trọng công sức của ta." Tôi buộc phải mỉm cười. Tôi rất thích làm thiên nga cao cổ.
Ông George nháy mắt. "Quý cô Gwendolyn, cô làm ơn đi theo ta."
"Trước tiên chúng ta phải bịt mắt cô ấy lại đã," Gideon giơ tay gỡ cái mũ trên đầu tôi xuống.
"Bác sĩ White cứ nằng nặc đòi vậy," ông George mỉm cười ái ngại.
"Nhưng nếu thế thì hỏng tóc của con bé mất!" Madame Rossini nện vào tay Gideon và gạt sang bên. "Nào! Cậu đinh giật phăng tóc ra khỏi đầu hay sao? Chưa nghe thấy từ ghim cài mũ bao giờ à? Phải làm thế này này!" bà ấy đưa mũ và ghim cài cho ông George. "Ông làm ơn cầm cận thận cho tôi!"
/
Gideon dùng khăn đen bịt mắt tôi lại. Tôi bất giác nín thở khi hắn chạm khẽ lên má, và tiếc là không tránh khỏi đỏ mặt. May mà hắn đứng sau lưng tôi nên không thấy gì.
"Ối!" tôi kêu lên vì bị hắn thắt luôn vài sợi tóc vào nút buộc.
"Xin lỗi. Em còn nhìn thấy gì không?"
"Không." Trước mắt tôi tối mò. "Vì sao tôi lại không được phép nhìn chúng ta đi đâu?"
"Em không được phép biết chính xác nơi đặt máy đồng hồ," Gideon bảo. Hắn đặt tay lên lưng tôi rồi đẩy về phía trước. Cảm giác nhắm mắt bước vào khoảng chơ vơ thật lạ lung, tay Gideon trên lưng lại càng làm tôi loạn hơn.
"Tôi cũng cho là một cách đề phòng vô ích. Ngôi nhà này không khác một mê cung, em có muốn cũng không tài nào tìm lại được căn phòng đó. Vả lại ông George cũng bảo, em tuyệt đối không thuộc diện bị nghi ngờ."
Ông George thật đáng mến khi nói như vậy, dù tôi không rõ ông ấy định làm gì. Ai muốn biết chỗ đặt máy đồng hồ, và vì sao?
Vai tôi vập phải thứ gì đó cứng cứng. "Ối!"
"Cậu phải nắm lấy tay con bé chứ, Gideon, đúng là hậu đậu!" Giọng ông George bực bội. "Con bé có phải xe chở hàng đâu!"
Tôi cảm thấy có một bàn tay khô ấm nắm lấy tay và giật bắn mình.
"Không có gì," Gideon nói. "Tôi đây mà. Bây giờ ta đi xuống vài bậc thang. Cẩn thận nhé."
Cả ba im lặng đi cạnh nhau hồi lâu, lúc thì đi thẳng, khi lại xuống cầu thang hoặc rẽ sang lối khác. Tôi chủ yếu tập trung không để ý tay run hoặc toát mồ hôi. Gideon không được nghĩ rằng tôi lúng túng khi bên cạnh hắn. Liệu hắn có nhận thấy mạch tôi đập nhanh ra sao không?
Đột ngột chân phải tôi bước vào khoảng không khiến tôi loạng choạng. Chắc hẳn tôi đã ngã lăn quay nếu Gideon không đưa cả hai tay giữ và kéo tôi lại. Hai tay hắn bám lấy eo tôi.
"Cẩn thận, bậc thang," hắn bảo.
"À, cảm ơn, tự tôi cũng nhận ra được khi bước hụt," tôi bực bội nói.
"Trời đất, Gideon. Cậu chú ý vào chứ," ông George mắng. "Đây! Cậu cầm lấy cái mũ. Để ta giúp Gwendolyn."
Được ông George dẫn đi dễ hơn nhiều. Có lẽ bởi tôi có thể tập trung vào bước chân hơn là giữ cho tay khỏi run. Cuộc dạo chơi kéo dài vô tận. Tôi lại có cảm giác đi sâu xuống lòng đất. Cuối cùng, khi cả ba dừng chân thì tôi ngờ rằng họ đã dẫn tôi đi lòng vòng thật lâu để làm tôi rối trí.
10.1
Tiếng một cánh cửa mở ra và khép lại. Rốt cuộc ông George cũng tháo khăn bịt mắt cho tôi.
"Chúng ta tới nơi rồi."
"Đẹp như một buổi sáng tháng Năm tinh khôi," bác sĩ White nói. Nhưng là nói với Gideon.
"Xin cảm ơn!" Gideon làm động tác cúi chào. "Đây là mốt mới nhất từ Paris. Lẽ ra cháu còn phải mặc quần vàng và đi găng vàng, nhưng cháu chịu, không thể làm nổi."
"Madame Rossini đang giận điên lên," ông George bảo.
"Gideon!" ông Villiers bước ra từ sau bác sĩ White, giọng trách móc.
"Bác Falk, quần vàng!"
"Có phải cháu đi gặp bạn học cũ đâu mà sợ bọn nó cười nhạo?" ông Villiers nói.
"Đương nhiên là không," Gideon quẳng cái mũ của tôi lên bàn. "Đúng hơn là gặp những người mặc áo đuôi tôm hồng thêu hoa và lại còn coi là cực đỉnh." Hắn rùng mình.
Trước tiên tôi phải làm quen với ánh sáng chói mắt, rồi tôi tò mò nhìn xung quanh. Như tôi đoán trước, căn phòng không có bất kỳ cửa sổ hay lò sưởi nào. Tôi không thấy máy đồng hồ nào cả, chỉ có một cái bàn, vài chiếc ghế, một cái rương, tủ và một câu châm ngôn tiếng Latin được khắc lên miếng đá trên tường.
Ông Villiers mỉm cười thân thiện. "Màu xanh thật hợp với cháu, Gwendolyn. Madame Rossini làm cho cháu mái tóc rất duyên dáng."
"À, vâng… cảm ơn ông."
"Chúng ta phải nhanh chân, không thì cháu chết nóng trong mớ quần áo này mất." Gideon lật áo choàng để lộ thanh kiếm giắt bên lưng.
"Cậu đứng ra đây." Bác sĩ White tới gần bàn, giở tấm khăn nhung đỏ bọc một vật gì đó ra. Thoáng nhìn, trông nó như một chiếc đồng hồ lò sưởi lớn. "Ta đã đặt chương trình trước. Hai đứa có một hạn thời gian khoảng ba tiếng."
Tôi nhìn kỹ và nhận ra đó không phải đồng hồ mà là một cỗ máy kỳ dị bằng gỗ sơn bóng và kim loại với vô số nút, nắp và bánh răng cưa. Trên mặt ngoài là những tiểu họa mặt trời, mặt trăng, sao và cả những ký hiệu, họa tiết đầy bí hiểm. Cỗ máy có hình uốn lượn như hộp đựng vĩ cầm, trám đầy đá quý lấp lanh, to tới mức không thể nào là thật.
"Đây là cỗ máy đồng hồ ạ? Bé thế này thôi?"
"Nó nặng gần 4,5 cân," giọng bác sĩ White kiêu hãnh như người cha nói về cân nặng của đứa con mới chào đời. "Và - trước cô định hỏi – đúng thế, tất cả những viên đá này đều là thật. Chỉ riêng viên hồng ngọc đã nặng tới sáu carat."
"Gideon sẽ đi trước," ông Villiers nói. "Khẩu lệnh?"
"Qua redit nescitis," Gideon bảo.
"Gwendolyn?"
"Dạ?"
"Khẩu lệnh!"
"Khẩu lệnh gì ạ?"
"Qua redit nescitis," ông Villiers nói. "Đây là khẩu lệnh của Đội cận vệ vào ngày 24 tháng Chín."
"Nhưng hôm nay là ngày 6 tháng Tư cơ mà."
Gideon lắc đầu ngán ngẩm. "Chúng ta sẽ trở về ngày 24 tháng Chín, ở ngay trong bốn bức tường này. Và để không bị Đội cận vệ chặt đầu thì phải biết khẩu lệnh. Qua redit nescitis. Nói đi!"
"Qua redit nescitis," tôi nói. Làm sao ghi nhớ câu này quá một giây cơ chứ. Đấy, giờ tôi lại quên béng rồi. Có lẽ tôi phải ghi nó ra giấy? "Nghĩa là gì?"
"Đừng có bảo em không học tiếng Latin ở trường?"
"Không, tôi nói. Chỉ riêng tiếng Pháp và tiếng Đức đã đủ chết dở rồi.
"Các người không biết thời điểm người ấy quay lại," bác sĩ White nói.
"Dịch thế thì văn hoa quá," ông George sửa. "Cũng có thể dịch là 'Các người không biết khi nào…'"
"Các quý ông!" Ông Villiers gõ lên chiếc đồng hồ đeo tay đầy ẩn ý. "Chúng ta không có nhiều thời gian. Cháu sẵn sàng chưa. Gideon?"
Gideon chìa tay cho bác sĩ White. Ông ta mở một nắp trên cỗ máy thời gian và đặt ngón tay Gideon vào. Tiếng rì rì vang lên khi những bánh răng cưa bên trong chuyển động, nghe tựa một giai điệu khi ta quay hộp nhạc. Một trong các viên đá qúy – một viên kim cương khổng lồ - đột nhiên tỏa sáng rừng rực từ bên trong khiến gương mặt Gideon bừng lên trong luồng sáng trắng. Cùng lúc đó, hắn biến mất.
"Quá siêu," tôi thì thầm đầy ấn tượng.
"Thì đúng thế mà," ông George nói. "Giờ tới lượt cháu. Cháu đứng ra đây."
Bác sĩ White nói tiếp. "Và nhớ kỹ những gì chúng tôi đã dặn: Nghe lời Gideon. Lúc nào cũng phải ở cạnh cậu ấy dù bất cứ chuyện gì xảy ra." Ông ta cầm lấy tay tôi và đặt ngón trỏ vào một cái nắp mở. Có thừ gì đó nhọn hoắt đâm vào đầu ngón tay khiến tôi giật bắn người. "Ối!"
Bác sĩ White giữ chặt lấy tay tôi, ấn vào nắp. "Không được động đậy!"
Lần này, một viên đá đỏ to tướng tỏa sáng trên cỗ máy thời gian. Luồng sáng đỏ rực lan ra khiến tôi chói mắt. Đồ vật cuối cùng tôi còn nhìn thấy chính là cái mũ khổng lồ bị bỏ quên trên bàn. Sau đó xung quanh tối om.
Một bàn tay bám lên vai tôi.
Chết tiệt, khẩu lệnh là gì nhỉ? Qua- re- chết- tiệt- gì- đó, "Gideon, anh đấy à?" tôi thì thào.
"Còn ai vào đây nữa," hắn thì thào đáp và thả vai tôi ra, "Giỏi đấy, may mà em không bị ngã!" Một que diêm bùng lên, một tích tắc sau, căn phòng bừng sáng trong ánh đuốc.
"Hay thế! Anh cầm đuốc theo hả?"
"Không, nó sẵn ở đây. Cầm lấy."
Lúc cầm đuốc, tôi thấy thật may là đã không mang theo cãi mũ ngu ngốc. Búi lông chim khổng lồ xòe xòe ấy hẳn sẽ bắt lửa ngay lập tức và chính tôi đã thành ngọn đuốc sống cháy phần phật rồi cũng nên.
"Khẽ thôi," Gideon nói, mặc dù tôi im thin thít từ nãy giờ. Hắn mở cửa (không rõ hắn đem theo chìa khóa hay nó đã cắm sẵn ở đấy – tôi không để ý) và cẩn thận quan sát hành lang bên ngoài. Tất cả đều tối om.
"Ở đây có mùi gì như mùi xác chết," tôi nói.
"Vớ vẩn. Đi thôi!" Gideon khóa cửa, lấy lại cây đuốc rồi bước ra hành lang tối. Tôi theo sau.
"Anh không muốn bịt mắt tôi?" tôi nửa đùa nửa thật.
"Tối mù thế này thì em cũng không nhớ nổi đường đâu," Gideon đáp. "Thêm một lý do để theo sát tôi hơn vì chậm nhất là ba tiếng nữa, chúng ta phải quay trở xuống dưới này."
Thêm một lý do để tôi cần biết đường hơn thì có. Biết làm thế nào lỡ có chuyện gì xảy ra với Gideon hoặc tôi và hắn lạc nhau? Người ta đã vạch ra một kế hoạch không hay lắm, khi không để tôi biết tí gì. Nhưng tôi nín thinh. Hiện tôi không có hứng thú cãi nhau với thằng cha tinh tướng kia.
Không khí ẩm mốc, ẩm mốc hơn nhiều so với thời hiện tại. Không biết bọn tôi quay trở về năm nào?
Mùi ở dưới này cũng thật đặc biệt, cứ như có thứ gì thối rữa. Không hiểu sao tôi nghĩ đến chuột cống. Trong phim, ở những đoạn đường tối tăm dài ngoằng và đốt đuốc thế này luôn có cả đống chuột! Lũ chuột xấu xí đen thui với những đôi mắt sáng rực. Hoặc chuột chết. À, lại còn cả nhện nữa. Nhện thì thực ra lúc nào cũng có. Tôi cố để không chạm vào tường thôi không tưởng tượng ra cảnh những con nhện béo ý đang bám chặt vào gấu váy, từ từ chui vào trong rồi trèo lên đôi chân trần của mình…
Thay vào đó, tôi đếm số bước chân giữa hai góc rẽ. Sau bốn mươi bước, rẽ phải, sau năm lăm bước, rẽ trái, rồi lại rẽ trái lần nữa và tới một cầu thang uốn dẫn lên trên. Tôi vén váy cao hết mức để theo kịp Gideon. Đâu đó bên trên le lói vài tia sáng, càng lên cao càng sáng hơn, rồi tôi và hắn đứng trên một hành lang rộng được chiếu sáng bởi rất nhiều đèn đuốc gắn trên tường.
Cuối hành lang có một cánh cửa lớn, hai bên hai bộ áo giáp hiệp sĩ, hoen gỉ hệt như ở thời của tôi.
May là không có con chuột nào, dù vậy, tôi vẫn có cảm giác đang bị theo dõi, càng tới gần cửa, cảm giác ấy lại càng rõ rệt. Tôi nhìn quanh, nhưng hành lang không một bóng người.
Đột ngột một bộ áo giáp hiệp sĩ chĩa mũi giáo (hay cái gì đó) trông rất nguy hiểm vào chúng tôi, thì tôi khựng lại chết cứng, cố hớp không khí như con cá mắc cạn. Giờ thì tôi biết đang bị ai theo dõi.
Hoàn toàn thừa, bộ áo giáp hiệp sĩ còn cất giọng kim loại loảng xoảng: "Đứng lại!"
Tôi muốn rú lên vì sợ, nhưng một lần nữa, tôi không phát ra nối âm thanh nào. Ít ra thì tôi cũng không phải bộ giáp cử động và lên tiếng, mà là người ẩn trong nó vừa lên tiếng. Có vẻ như cả trong bộ giáp kia cũng có người.
"Chúng tôi cần nói chuyện với trưởng hội," Gideon nói. "Có chuyện gấp."
"Khẩu lệnh?" bộ áo giáp hiệp sĩ thứ hai hỏi.
"Qua redit nescitis," Gideon đáp.
À, Qua redit nescitis. Trong giây lát tôi thực sự ấn tượng. Hắn đã nhớ được thật.
"Vào đi." Bộ áo giáp thứ nhất thậm chí còn mở cửa cho bọn tôi.
Sau cửa lại là một lối đi khác, cũng sáng rực ánh đuốc. Gideon cài cây đuốc lên đài đuốc bên tường rồi vội vã đi về phía trước, tôi cố chạy theo nhanh hết cỡ trong chiếc váy phồng, muốn hụt hơi.
"Thật hệt như trong phim kinh dị. Tôi suýt đứng tim. Tôi cứ tưởng mớ đồ kia chỉ để trang trí! Ý tôi là áo giáp hiệp sĩ đâu phải mốt ở thế kỷ 18? Và tôi thấy chúng cũng không mấy hữu dụng."
"Lính canh mặc áo giáp theo truyền thống," Gideon bảo. "Ở thời chúng ta cũng thế."
"Ở thời hiện đại tôi đâu thấy hiệp sĩ mặc áo giáp?" Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra hình như đã từng trông thấy. Lúc ấy tôi chỉ cho đó là bộ giáp rỗng.
"Nhanh chân lên chút nào," Gideon bảo.
Nói thì dễ lắm, hẳn có phải khuân theo chiếc váy to gấp bốn cái lồng bàn như thế đâu.
"Trưởng hội là ai?"
"Trưởng hội đứng đầu hội kín. Ở thời này, người đó đương nhiên là bá tước. Hội kín này còn rất mới, do bá tước sáng lập ra ba mươi bảy năm trước. Sau này các thành viên nhà Villiers thường đảm nhận chức vụ trưởng hội."
Vậy nghĩa là bá tước Saint Germain là một thành viên nhà Villiers? Thế vì sao tên ông ta lại là Saint Germain?
"Còn hôm nay? À, ý tôi trong thời của chúng ta? Ai là trưởng hội?"
"Hiện tại thì đó là bác Falk," Gideon nói. "Bác ấy kế vị ông ngoại em, huân tước Montrose."
"Ồ" Thì ra người ông vui tính và đáng yêu của tôi lại là trưởng hội kín của bá tước Saint Germain. Thế mà tôi cứ nghĩ, ông là người sợ vợ một phép.
"Quý bà Arista đảm nhận chức vụ gì trong hội kín?"
"Chẳng chức vụ gì cả. Phụ nữ không thể trở thành hội viên. Tuy người thân của các thành viên quý tộc nghiễm nhien được tính vào cơ hữu mở rộng được dự thính, nhưng họ không có quyền gì."
Rõ rồi.
Có lẽ cách hắn đối xử với tôi mang tính bẩm sinh của dòng họ Villiers? Tựa như một lỗi di truyền, khiến hắn chỉ chuyên nhếch mép khinh khỉnh với phái nữ? Nhưng mặt khác hắn lại rất vồn vã với Charlotte. Và tôi đã phải công nhận, trong lúc này cách hành xử của hắn là chấp nhận được.
"Sao các em lại gọi bà ngoại là quý bà Arista?" hắn hỏi. "Sao không gọi là bà ngoại hay bà như những người khác?"
"Đơn giản là xưa nay vẫn vậy," tôi nói. "Vì sao phụ nữ không được trở thành hội viên?"
Gideon tóm lấy tôi rồi kéo tuột ra sau lưng hắn. "Em ngậm miệng lại một chút."
"Cái gì?"
Cuối hành lang có một cầu thang. Ánh sáng ban ngày hắt từ trên xuống, nhưng trước khi chúng tôi kịp bước chân lên, hai người đàn ông lăm lăm tay kiếm bước ra khỏi bóng tối, như thể đã chờ sẵn chúng tôi ở đó.
"Xin chào," Gideon lên tiếng. Khác hẳn tôi, hắn không hề giật mình. Nhưng tay hắn cũng đã đặt lên đốc kiếm.
"Khẩu lệnh!" người thứ nhất quát.
"Không phải hôm qua ngươi cũng đã ở đây sao?" người còn lại tiến lại một bước để quan sát Gideon kỹ hơn. "Hay là em trai ngươi. Thật giống đến kinh ngạc!"
"Đây là cái gã có thể từ trên trời rơi xuống ư?" người kia lại hỏi. Cả hai há hốc mồm nhìn Gideon. Họ đều mặc trang phục giống Gideon. Madame Rossini nói đúng: đàn ông Rococo quả thực thích đồ sặc sỡ. Cả hai đều mặc trang phục màu ngọc lam thêu kết hợp với đỏ và nâu, điểm xuyết những bông hoa cà li ti, một người thực sự còn mặc áo đuôi tôm màu vàng chanh. Cảnh tượng này lẽ ra nực cười, dường như cũng có nét gì đó hay hay. Chỉ tội là khá sặc sỡ.
Họ đội tóc giả, những lọn tóc xếp nếp như những hàng xúc xích trùm tai, sau gáy tết thêm một đuôi sam nữa và thắt nơ nhung.
"Cứ coi như tưởng tận một số lối đi trong nhà này mà các anh không biết," Gideon nở nụ cười khinh miệt. "Tôi và người đồng hành cần nói chuyện với trưởng hội. Có chuyện gấp."
"Con lừa luôn xưng danh trước," tôi lẩm bẩm.
"Khẩu lệnh?"
Quà rổ rá nem chua. Hay đại loại thế.
"Qua redit nescitis," Gideon nói.
Tôi suýt đúng.
GIA PHẢ DÒNG NỮ GIỚI
Alaine Burghley
Ngọc mắt mèo
(1562 – 1580)
Cecilia Woodville
Lục ngọc
(1628 – 1684)
Jeanne de Pontcarré, (Madame d’Urfé)
Ngọc hoàng yến
(1705 – 1775)
Margaret Tilney
Ngọc thạch
(1877 – 1944)
Lucy Montrose
Lam ngọc
(sinh 1976)
Gwengolyn Shepherd
Hồng ngọc
(sinh 1994)
Trích Biên niên sử Đội cận vệ
Tập IV: Hội Thập Nhị

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.