Hội Hè Miên Man

Chương 5:




Hết một trò tiêu khiển
Trong năm ấy và suốt những năm sau đó, chúng tôi còn nhiều lần cùng nhau đến trường đua sau khi tôi làm xong việc vào buổi sáng, Hadley rất thích và đôi khi còn nghiện nữa. Nhưng đây không giống như những lần leo lên các đồng cỏ ở núi cao trên cả cánh rừng cao nhất, không giống những đêm tha nhau về ngôi nhà gỗ, cũng không như những cuộc đi với Chink, người bạn chí cốt, cùng băng qua ngọn đèo cao để vào một nước khác. Nó cũng không thực sự là những cuộc đua ngựa. Mà đây là đánh bạc trên ngựa đua. Nhưng chúng tôi vẫn gọi đấy là đua ngựa.
Đua ngựa không bao giờ can thiệp vào đời sống của chúng tôi, chỉ có con người mới làm được điều đó, nhưng trong suốt một thời gian dài, đua ngựa gần gũi với chúng tôi chẳng khác gì một cô bạn đầy yêu sách. Nghĩ thế hãy là tốt. Tôi vốn khắt khe với con người cũng như những tác hại của nó, đã quá chiều chuộng cô bạn này, kẻ hư hỏng nhất, đẹp đẽ nhất, kích động nhất, ác ôn và luôn đòi hỏi, chỉ vì cô nàng sinh lợi. Để kiếm chác được phải bỏ công còn hơn làm một công việc toàn thời gian mà tôi không thể thu xếp được. Nhưng tôi tự biện hộ với chính mình rằng nó làm tôi viết, dù cho sau cùng, khi tất cả những gì tôi viết đều bị mất hết, chỉ còn sót lại duy nhất một cái truyện viết về đua ngựa nhờ được gửi đi qua đường bưu điện.
Giờ thì tôi thường xuyên đến trường đua một mình, bị cuốn vào và dính líu vào đấy nhiều hơn. Có khi tôi chơi cả hai trường đua trong mùa nếu có thể, ở Auteuil và Enghien. Phải mất cả ngày theo dõi mới ra được những thông số so sánh sáng suốt, nhưng đó không phải là cách kiếm tiền. Đó chỉ là các tính toán trên giấy mà thôi. Chỉ cần mua một tờ báo là sẽ có ngay những thông tin ấy.
Ở Auteuil, ta phải xem cuộc đua từ trên đỉnh khán đài, phải chạy nhanh lên trên để xem tình hình từng con ngựa, xem liệu nó có thể thắng hay không, xem vì nguyên nhân nào hay thế nào mà nó không thắng khi lẽ ra có thể thắng. Phải xem những tỉ lệ cược và tất cả những thay đổi của bảng chấp mỗi khi con ngựa mình theo dõi bắt đầu đua, phải biết nó đua như thế nào và cuối cùng là phải biết cả đàn sẽ thi đấu với nó ra sao. Ngay cả khi chiến đấu hết mình con ngựa của bạn vẫn có thể bị đánh bại, nhưng vấn đề là bạn phải nhận ra được khả năng thắng cuộc của nó. Đó là một việc khó, nhưng ngày nào cũng được ngồi ở Auteuil theo dõi các cuộc đua thì thật hết ý, những cuộc đua chân thật và những con ngựa tuyệt hảo, rồi ta sẽ rành rẽ trường đua y như là những nơi khác ta từng biết. Rồi quen biết nhiều người, nài ngựa và huấn luyện viên và chủ ngựa và rất nhiều ngựa và rất rất nhiều những thứ khác nữa.
Về nguyên tắc tôi chỉ đặt cược chừng nào thấy đắc ý với một con ngựa nào đó, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng đặt niềm tin vào những con ngựa không được ai đoái hoài, ngoài người huấn luyện hay nài cưỡi chúng, và chúng thắng hết cuộc này đến cuộc khác với toàn những tiền của tôi đặt cược. Cuối cùng thì tôi bỏ nghề vì việc này chiếm quá nhiều thời gian, vì tôi quá sa đà và vì tôi đã biết đủ những gì diễn ra ở Enghien và cả ở những trường đua trên đất bằng nữa.
Tôi vui vẻ từ bỏ những cuộc đua nhưng trong lòng cũng xuất hiện cảm giác trống rỗng. Đó là lúc tôi nhận ra rằng bất cứ cái gì tốt hay xấu khi chấm dứt đều để lại trong ta một sự trống rỗng. Nếu đấy là sự chấm dứt của điều xấu thì sự trống rỗng cứ thế mà tự lấp đi. Nhưng nếu đấy là điều tốt, ta chỉ có thể lấp đầy sự trống rỗng ấy bằng một điều gì đó tốt hơn. Tôi cho số tiền cá cược còn lại vào trong quỹ chung và thấy nhẹ lòng.
Vào hôm từ bỏ trường đua, tôi sang bên kia sông gặp Mike Ward, anh bạn làm việc ở bộ phận bán hàng của ngân hàng Guaranty Trust khi ấy đặt trụ sở trên đại lộ Italiens chỗ giao với phố Italiens. Tôi đi gửi ngân hàng khoản tiền cá cược nhưng không nói cho ai biết. Tôi còn không ghi vào sổ séc mà chỉ nhớ trong đầu.
“Ông đi ăn trưa không?” tôi hỏi Mike.
“Được, nhóc. Ừ, tôi đi được. Có chuyện gì à? Cậu không đến trường đua nữa à?”
“Không.”
Chúng tôi dùng bữa trưa trong một tiệm ăn nhỏ giản dị mà rất được ở quảng trường Louvois với thứ rượu trắng cực ngon. Bên kia quảng trường là Bibliothèque Nationale (thư viện Quốc gia).
“Anh ít khi đến trường đua, Mike nhỉ?” tôi hỏi.
“Không, lâu rồi tôi không đến.”
“Sao lại bỏ bẵng luôn thế?”
“Tôi không biết,” Mike đáp. “Ừm. Thật ra là biết. Đặt cược chỉ để mua vui không thôi thì chẳng bõ.”
“Thế anh không bao giờ xem nữa à?”
“Thỉnh thoảng, những cuộc đua lớn thì đi. Cuộc đua nào có ngựa cực xịn ấy.”
Chúng tôi trét patê lên bánh mỳ rất ngon của quán và nhấp rượu trắng.
“Anh có chơi nhiều không hả Mike?”
“Hừm, có đấy.”
“Thế anh nghĩ cái gì hấp dẫn hơn?”
“Đua xe đạp.”
“Thật ư?”
“Cậu không phải cá cược xe đạp mà là xem.”
“Cái trò ấy mất nhiều thời gian lắm.”
“Quá mất thời gian ấy chứ. Chiếm hết thời gian của anh. Tôi không thích người.”
“Có vẻ hay đấy.”
“Hay chứ. Tình hình sao?”
“Tàm tạm.”
“Bỏ cái trò kia là đúng rồi,” Mike nói.
“Tôi bỏ rồi.”
“Khó bỏ lắm. Nghe này, nhóc, hôm nào đấy chúng ta đi xem đua xe đạp đi.”
Đó là một trò hay ho mới lạ mà tôi chưa biết mấy. Nhưng chúng tôi không đi xem ngay. Phải mãi đến sau này. Và nó sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống chúng tôi khi giai đoạn đầu ở Paris kết thúc.
Nhưng trong suốt thời gian dài, chúng tôi hài lòng quay về với chỗ chúng tôi ở Paris, xa lánh trường đua để đặt cược vào cuộc sống riêng và công việc, cũng như vào những họa sĩ mình biết và cố không đem cuộc sống của mình ra chơi bạc và ngụy trang dưới một cái tên khác. Tôi bắt đầu viết những truyện về đua xe đạp nhưng không bao giờ viết được cái nào hay như thực tế đang diễn ra trên những đường đua trong nhà cũng như ngoài trời hay trên đường trường. Nhưng dần dà, tôi cảm nhận được sân Vélodrome d’Hiver trong ánh sáng chiều mờ khói với đườn đua dát gỗ chắn gờ cao cùng tiếng gió cuốn khi lốp miết trên sàn gỗ lúc các tay đua băng qua, sẽ cảm nhận được nỗ lực và chiến thuật của các tay đua mỗi khi vút lên lao xuống, mỗi người là một phần của guồng máy; tôi sẽ nắm bắt được sự kì diệu của một cuộc đua với cự ly vừa, tiếng ầm ầm của xe mô tô đuôi gắn thanh con lăn do các huấn luyện viên đầu đội mũ bảo hiểm nặng trịch, người bó trong lớp áo da lùng phùng chán ngắt, ngồi dựa ngửa điều khiển để chắn gió cho các tay đua, và phía sau, những tay đua đội mũ bảo hiểm nhẹ cúi rạp người trên tay lái, chân đạp siết vòng líp sang số lớn, bánh xe trước nhỏ tì vào con lăn gắn sau chiếc mô tô chắn gió, và cuộc tranh chấp tay đôi hấp dẫn hơn bất cứ thứ gì hết, tiếng nổ bùm bụp của các mô tô và các tay đua, khuỷu tay khuỳnh ra cạ rát rạt vào nhau và bánh xe đan sát sàn sạt tăng tốc độ vượt lên tụt xuống lạng lách với tốc độ chết người cho đến khi một người không thể giữ được tốc độ, bung ra đập vào bức tường không khí dày đặc mà trước đấy anh ta được che chắn kỹ.
Có rất nhiều kiểu đua. Đua nước rút trên đường thẳng bấm giờ hay đua theo thể thức thi đấu với hai tay đua ghìm nhau nhiều giây ròng để tìm cách đẩy đối thủ lên trước, rồi từ trong những bước chạy chầm chậm chợt phóng lên sáng lòe với tốc độ kinh hoàng. Có những tiết mục đua đồng đội chạy trong hai giờ, cùng hàng loạt những cuộc đua tốc độ nóng bỏng đầy ắp buổi chiều, có những cuộc bắn phá tốc độ thuần túy mà mỗi tay đua chỉ có một giờ để chạy với đối thủ thời gian, có những cuộc đua một trăm cây số vừa đẹp vừa nguy hiểm trong năm trăm mét lòng chảo lát gỗ của Stade Buffalo, cái sân ngoài trời ở Montrouge, nơi các cua rơ chạy phía sau những chiếc mô tô to tướng, và Linart, nhà vô địch vĩ đại người Bỉ có biệt danh “tay da đỏ Sioux” nhờ những chiến công của anh, chúi đầu nốc rượu qua cái ống cao su nối vào cái bình nước nóng giấu dưới áo đua mỗi khi anh cần về đích với tốc độ hoang dại, và những giải vô địch Pháp có mô tô phân khối lớn dẫn đường diễn ra trong đường đua lát xi măng dài sáu trăm sáu mươi mét của sân Parc des Princes gần Auteuil, đường đua hiểm họa nhất trong tất cả các đường đua, nơi tay đua vĩ đại Ganay ngã, sọ bị nghiền nát trong chiếc mũ bảo hiểm với tiếng vỡ nghe như khi ta đập trứng luộc vào đá để bóc vỏ trong một kỳ cắm trại ngoài trời. Thế nào tôi cũng phải viết về cái thế giới kỳ lạ của những cuộc đua kéo dài sáu ngày và sự tuyệt diệu của những vòng đua đường dài qua núi. Chỉ có tiếng Pháp mới có thể diễn đạt được chính xác nên tất cả những thuật ngữ đều bằng tiếng Pháp, và đó là lý do vì sao viết về đề tài này thật khó. Mike nói đúng, không cần phải cá cược gì. Nhưng đó là chuyện của Paris, của một thời khác.
Đói là một phương cách tốt
Ở Paris nếu bạn ăn không đủ bạn sẽ cồn cào vì các cửa hàng bán bánh đều trưng bày những thứ hấp dẫn ra cửa sổ và người ngồi ăn bên những chiếc bàn đặt trên vỉa hè khiến ta phải nhìn, phải ngửi đủ mùi các món. Khi đã bỏ nghề báo và những gì bạn viết ra ở Mỹ không ai chịu đăng, phải bịa với gia đình có ai đó mời đi ăn trưa bên ngoài, thì không có nơi nào tốt hơn vườn hoa Luxembourg để tìm đến, vì ở đó không phải thấy không phải ngửi mùi thức ăn suốt trên con đường đi từ quảng trường Observatoire đến phố Vaugirard. Ở đó, lúc nào ta cũng có thể vào bảo tàng Luxembourg, và với một cái bụng rỗng không ruột trống huơ trống hoác, những bức tranh trông sẽ sắc nét hơn, rõ hơn và đẹp hơn. Tôi nghiệm thấy những khi đói, tôi cảm được tranh Cézanne rõ hơn và hiểu chính xác cách ông vẽ phong cảnh như thế nào. Tôi từng thắc mắc liệu ông ấy cũng từng đói khi vẽ hay không; nhưng tôi cho là có lẽ ông chỉ ham vẽ mà quên ăn thôi. Những ý nghĩ ấy kỳ quặc nhưng rõ ràng mỗi khi bạn thiếu ngủ hay đói mèm. Sau này tôi cho là Cézanne có lẽ đã đói theo một cách khác.
Ra khỏi vườn Luxembourg ta có thể theo con phố hẹp Férou xuôi xuống quảng trường St-Sulpice và suốt dọc đường vẫn không phải gặp một quán ăn nào, ngoài mỗi quảng trường im ắng với cây và những chiếc ghế dài. Có một đài phun nước trang trí tượng bằng những con sư tử, bồ câu tản bộ trên vỉa hè và đậu trên pho tượng các vị giám mục. Ngoài ra còn có nhà thờ, các cửa hàng bán lễ phục và những thứ có liên quan đến tôn giáo ở phía Bắc quảng trường.
Từ quảng trường, đi xa hơn về phía sông thế nào cũng phải đi qua những cửa hàng bán rau quả, rượu, những hiệu bánh mì bánh ngọt. Nhưng nếu để ý chọn lối đi thì có thể rẽ về phía bên phải vòng qua ngôi nhà thờ đá trắng và đá xám để đi đến phố Odéon rồi rẽ phải đi lên cửa hàng sách của Sylvia Beach, mà không phải đối mặt với quá nhiều tiệm bán đồ ăn thức uống. Không có hàng ăn nào ở trên phố Odéon cho đến tận quảng trường, nơi xuất hiện ba cái quán.
Khi đến 12 rue de I’Odéon cơn đói đã được ghìm xuống, nhưng các giác quan khác lại trào dâng. Những bức chân dung trông khác hẳn, và những quyển sách trông lạ hoắc như thể trước đó ta chưa từng thấy bao giờ.
“Cậu gầy quá đấy, Hemingway ạ,” Sylvia thế nào cũng nói thế. “Có ăn uống đủ không đấy?”
“Vâng, có.”
“Thế trưa ăn gì rồi?”
Ruột gan tôi cồn cào lên, và tôi đáp, “Tôi đang về nhà ăn đây.”
“Lúc ba giờ chiều ư?”
“Tôi không biết là đã muộn thế đâu.”
“Adrienne muốn mời cậu và Hadley sắp xếp hôm nào dùng cơm tối. Mời Fargue luôn nhé. Cậu thích Fargue đúng không? Hay là mời Larbaud. Cậu thích ông ấy, tôi biết cậu thích ông ấy. Hay là mời thêm bất kì ai mà cậu muốn. Cậu sẽ bàn với Hadley chứ?”
“Chắc chắn cô ấy sẽ rất vui.”
“Tôi sẽ gửi pneu (bức điện) cho cô ấy. Đừng tham việc đến nỗi không ăn uống tử tế đấy.”
“Vâng.”
“Giờ thì về ăn trưa đi kẻo muộn.”
“Mọi người có để phần rồi.”
“Đừng ăn nguội, bữa trưa phải ăn gì đấy thật nóng vào.”
“Tôi có thư từ gì không?”
“Chắc là không. Nhưng đợi tôi xem sao.”
Bà tìm rồi thấy một mẫu tin nhắn. Bà ngước nhìn vui vẻ rồi mở cánh cửa ở bàn.
“Có cái này đến khi tôi đi vắng,” bà nói. Đó là một lá thư và tôi cảm thấy có tiền trong đấy. “Đấy là thư của Wedderkop,” Sylvia nói.
“Thế là thư của tờ Der Querschnitt gửi rồi. Chị đã gặp Wedderkop chưa?”
“Chưa. Nhưng ông ấy đã từng đến đây với George. Ông ấy sẽ gặp cậu, đừng lo. Có lẽ ông ấy muốn trả tiền trước cho cậu.”
“Sáu trăm franc. Ông ấy bảo sẽ còn nữa.”
“Mừng quá, may mà cậu nhắc tôi chuyện thư từ ấy chứ. Ông-Tử-Tế yêu quý ạ.”
“Chết tiệt là giờ tôi chỉ đăng được trên báo Đức, thế mới nực cười chứ. Chỉ có mỗi ông ấy và tờ Frankfurter Zeitung là chịu đăng.”
“Thật sao? Nhưng cậu có gì phải lo? Cậu có thể đăng truyện trên tờ của ông Ford kia mà,” bà trêu tôi.
“Ba mươi franc một trang ấy à. Xem nào, ba tháng đăng một truyện trên The Transatlantic. Một truyện năm trang vị chi kiếm được một trăm năm mươi franc mỗi quý. Sáu trăm franc một năm.”
“Hemingway này, đừng nghĩ đến việc truyện phải đem lại tiền bạc. Quan trọng là viết ra chúng.”
“Tôi biết. Tôi có thể viết. Nhưng chẳng ai đăng. Từ ngày bỏ nghề báo, tôi chẳng kiếm ra tiền.”
“Rồi sẽ có. Kìa. Chẳng phải cậu đang cầm trong tay tiền của cái truyện đấy sao.”
“Sylvia, tôi xin lỗi. Bỏ qua những chuyện tôi vừa nói đi.”
“Cậu có lỗi gì kia chứ? Vì lúc nào cũng nói về chuyện này ư? Thế cậu không biết các nhà văn chỉ luôn nói về những rắc rối của họ sao. Nhưng hứa với tôi là cậu sẽ không lo lắng nữa và ăn uống tử tế vào.”
“Tôi hứa.”
“Thế thì bây giờ về nhà ăn trưa đi.”
Khi đã ra ngoài phố Odéon tôi thấy khinh bỉ mình vì đã than thở những chuyện vừa rồi. Tôi hoàn toàn được tự do để làm những gì mình muốn và tôi đã làm một cách xuẩn ngốc. Lẽ ra tôi nên mua một ổ bánh mì thật to mà ăn thay vì bỏ bữa. Tôi đã có thể nhấm nháp vị thơm tho của mẩu bánh mì nâu. Nhưng ăn bánh mì mà không có gì để uống thì khô rã họng. Mi đúng là cái thứ cà rà càm ràm chết tiệt. Bày đặt ra vẻ ái ố sang trọng mĩ miều một cách lố lăng. Tôi tự mắng mình. Mi tự bỏ nghề báo. Mi được Sylvia tin tưởng, muốn vay tiền là được. Bà ấy chẳng nề hà gì. Chắc chắn là thế. Vấn đề còn lại là phải biết thỏa hiệp với những điều khác. Đói thì tốt cho sức khỏe và nhờ thế mà những bức tranh trông cũng đẹp hơn. Nhưng được ăn thì cũng tuyệt và bây giờ phải biết tìm chỗ nào để ngồi ăn.
Lipp là nơi ta có thể ăn uống gì đó.
Quán Lipp cách đấy không xa và bụng tôi nhanh nhạy thâu nhận ngay những gì tôi nhìn thấy hoặc ngửi thấy mỗi khi đi qua một nơi, điều đó càng làm tăng thêm khoái cảm trên chặng đường ngắn. Không có mấy khách ăn trong brasserie (quán phục vụ cả đồ ăn và đồ uống) và khi tôi ngồi ở chiếc ghế dài trước bàn, trên tường phía sau có gắn tấm gương, người phục vụ hỏi xem tôi có uống bia không và tôi gọi một distingue, li thủy tinh to loại một lít, cùng sa lát khoai tây.
Bia rất lạnh và thật đê mê. Món pommes à l’huile (khoai tây trộn dầu ăn) được ướp chắc thịt và dầu ô liu cực ngon. Tôi xay tiêu đen lên khoai tây và nhúng bánh mì vào dầu ô liu. Làm một ngụm bia lớn rồi ăn và uống thật chậm rãi. Xong món pommes à l’huile tôi gọi thêm lượt nữa cùng một cervelas. Đó là một loại xúc xích to nặng như xúc xích Đức được chẻ đôi và rưới một lớp xốt mù tạc đặc biệt.
Tôi vét sạch dầu cùng tất cả nước xốt ăn cùng bánh mì và chậm rãi uống, và khi bia không còn lạnh nữa, tôi uống cạn rồi gọi thêm một demi và ngắm bia rót ra cốc. Có vẻ như bia lần này còn lạnh hơn cả distingue và tôi uống hết ngay một nửa.
Mình có gì phải lo lắng chứ, tôi nghĩ. Mình thừa biết những cái truyện ấy là hay và ở quê nhà thế nào có ngày dùng đến chúng. Khi bỏ công việc làm báo, tôi tin rằng truyện của mình sẽ được in. Nhưng những gì tôi gửi đi đều quay ngược trở lại. Điều khiến tôi rất tự tin là việc Edward O’Brien đã chọn truyện “My Old Man” của tôi vào tuyền tập Những truyện ngắn hay nhất và đề tặng tôi quyển sách năm ấy. Nghĩ đến đấy tôi cười thành tiếng và làm một ngụm bia nữa. Cái truyện ấy chưa từng đăng trên báo nào và ông phá lệ để tuyển nó vào sách. Tôi lại bật cười và người phục vụ liếc nhìn. Buồn cười bởi vì, sau bao chuyện như thế, ông viết cái tên còn sai. Đó là một trong hai cái truyện còn sót lại của tôi sau khi chiếc va li của Hadley chứa tất cả những gì tôi viết đã bị mất cắp tại Gare de Lyon, khi nàng muốn gây bất ngờ bằng cách âm thầm bê tất cả bản thảo đến Lausanne cho tôi chữa trong những ngày nghỉ trên núi. Nàng cho vào va li những bản gốc, những bản đánh máy, những bản than, tất cả những bản nằm trong bìa giấy. Lí do duy nhất cái truyện này còn sót lại là vì Lincoln Steffens đã gửi nó cho một biên tập viên nào đó nhưng bị gửi trả lại. Nó được bưu điện chuyển đi chuyển lại trong khi những truyện khác bị mất cắp. Cái truyện còn lại có tên “Up in Michigan” tôi đã viết trước khi Miss Stein đến thăm nhà. Tôi không làm thêm bản sao nào khác vì bà bảo nó inaccrochable. Nó nằm lại trong một ngăn kéo nào đó.
Sau khi chúng tôi rời Lausanne sang Ý, tôi đã đưa cái truyện viết về đua ngựa cho O’Brien, một quý ông lịch lãm xanh xao hay bẽn lẽn, mắt xanh nhạt và mái tóc suôn thẳng tự cắt, từng sống trong một tu viện trong mạn Rapallo. Đó là khoảng thời gian tệ hại và tôi nghĩ mình sẽ không viết thêm được gì nữa, nên tôi đưa cái truyện ấy cho ông với cảm giác tò mò ngớ ngẩn của một kẻ muốn đưa người khác vào tham quan khoang lái con tàu bị lạc trên biển theo một cách thức hết sức phi lí, hay kiểu như một người gặp tai nạn, cầm cái chân bị cưa còn dính cả giày mà đùa. Ông đọc cái truyện và tôi nhận ra ông còn đau đớn hơn tôi gấp bội. Tôi chưa từng thấy ai bị tổn thương bởi một điều gì đấy chẳng phải là cái chết, hay là nỗi đau thể xác quá sức chịu đựng như thế, ngoài Hadley, khi nàng bảo với tôi mọi thứ đã mất. Lúc ấy nàng đã khóc và khóc như mưa đến nỗi không nói nên lời. Tôi bảo với nàng rằng dù cho có chuyện gì hết sức ghê gớm xảy ra thì cũng không tệ đến thế và hãy bình tĩnh. Chúng ta sẽ xem xét giải quyết. Đến khi ấy nàng mới có thể kể. Tôi vẫn nghĩ là nàng sẽ không mang theo trong chiếc va li ấy cả những bản than nên đã tìm người làm thay việc ở tòa báo, lúc ấy tôi kiếm được khá tiền nhờ làm báo, rồi đáp xe lửa quay về Paris. Nhưng mọi chuyện đúng như thế, và tôi vẫn còn nhớ tôi đã như thế nào trong cái đêm ấy, khi bước vào nhà và nhận ra sự thật. Giờ đây mọi thứ đã qua đi, và Chink khuyên tôi không bao giờ nói về tai họa đó nữa; nên tôi cũng bảo O’Brien đừng có thấy đau xót đến vậy. Việc những tác phẩm đầu đời mất đi có khi lại tốt và tôi nói với ông rằng tình cảm ấy nên dành cho những người lính. Rằng tôi sẽ bắt đầu viết lại, và khi nói thế, tôi đang cố giấu cảm xúc trong lòng mình để xoa dịu sự đau xót của ông mà tôi biết là rất thật.
Khi ngồi ở quán Lipp, tôi bắt đầu nhớ đến thời điểm viết lại cái truyện đầu tiên sau khi mất tất cả. Vì được phân nhiệm vụ tại Rhineland và Ruhr nên tôi đã bỏ dở đợt trượt tuyết mùa xuân ở Cortina d’Ampezzo để quay về với Hadley. Đấy là một cái truyện ngắn đơn giản có tên “Out of Season” trong đó tôi cắt bỏ đoạn kết kể chuyện người đàn ông treo cổ tự sát. Tôi làm thế là dựa trên một lí thuyết mới của tôi, theo đó ta có thể cắt bỏ bất cứ phần nào nếu điều ấy khiến truyện trở nên chắc chắn hơn và giúp người đọc cảm được tốt hơn thay vì hiểu hơn.
Hừm, giờ thì những đoạn cần cắt bỏ tôi đã giữ trong tay, họ sẽ không có để hiểu nữa. Không nghi ngờ gì về điều ấy. Chắc chắn họ không cần những thứ ấy. Chắc chắn họ sẽ hiểu cái truyện theo cách thưởng thức một bức tranh. Chỉ cần thời gian và những cảm nhận bằng những gì có trong bản thân họ.
Ta phải kiểm soát được mình khi nhịn ăn đề khả năng tư duy không bị cái đói điều khiển. Đói là một phương cách tốt và nó có thể dạy ta nhiều điều. Chừng nào những người khác không hiểu được điều đó thì ta vẫn còn nắm giữ được ưu thế trước họ. Chắc chắn như thế, tôi nghĩ. Giờ thì tôi đi trước bọn họ rất xa vì tôi thường xuyên thiếu ăn. Thế nên giờ cũng không tệ lắm nếu buông một lúc để họ theo kịp mình chút đỉnh.
Tôi biết mình cần phải viết một quyển tiểu thuyết. Nhưng điều đó dường như là không thể khi tôi vẫn còn đang chật vật viết những đoạn văn đáng ra phải là chất cốt cho một quyển tiểu thuyết. Giờ đây tôi cần phải viết những cái truyện dài hơn để chuẩn bị thể lực cho chặng đua đường trường. Khi viết cuốn tiểu thuyết trước, chính cuốn sách đã thất lạc cùng chiếc va li ở Gare de Lyon, tôi vẫn chuộng lối du dương dễ dãi non tơ, thứ dễ dàng chết yểu và giả tạo như chính bản thân tuổi trẻ.
Tôi nghĩ thật may là cái tiểu thuyết ấy bị thất lạc, nhưng cũng biết rằng mình sẽ phải viết một quyển tiểu thuyết. Dầu vậy, tôi sẽ gác nó sang một bên cho đến khi nào thấy rõ nhu cầu không viết không được. Bằng không sẽ rất tệ nếu chỉ chăm chăm viết lấy được như thế phải ăn mỗi ngày. Tôi chỉ viết khi đấy thật sự là việc duy nhất phải làm và ngoài việc ấy ra thì không còn lựa chọn nào khác. Cứ để áp lực tăng dần lên. Trong thời gian ấy, tôi sẽ viết một cái truyện dài về những gì tôi am hiểu nhất.
Giờ thì tôi trả tiền và đi ra ngoài, rẽ phải qua phố Rennes để tránh sự cám dỗ của tách café ở Deux-Margots rồi đi lên Bonaparte, con đường ngắn nhất dẫn về nhà.
Thứ gì mình am hiểu nhất còn chưa viết và chưa bị thất lạc? Thứ gì ta biết sâu sắc nhất và ta quan tâm nhất? Không có sự lựa chọn nào cả. Chỉ có mỗi lựa chọn duy nhất là tìm ra con đường ngắn nhất để đi về nhà và ngồi vào bàn. Tôi đi lên Bonaparte đến Guynemer, qua phố Assas, lên Notre-Dame-des-Champs rồi về Closerie des Lilas.
Ở trong góc, ánh nắng chiếu rọi qua vai, tôi ngồi viết vào sổ ghi chép. Người phục vụ đem ra một tách café crème và trong khi nó còn lạnh tôi uống hết ngay một nửa rồi tiếp tục viết, để trên bàn nửa tách còn lại. Khi ngừng viết tôi vẫn còn muốn ngồi lại với dòng sông nơi tôi có thể thấy cá hồi bơi trong hố nước, mặt nước dập dềnh cuộn lên vỗ nhịp nhàng vào những súc gỗ bọc quanh chân cầu. Cái truyện lấy cảm hứng từ chiến tranh nhưng không hề kể chuyện chiến tranh trong đó.
Nhưng sáng nào dòng sông cũng vẫn ở đây và việc của tôi là phải viết để làm sống dậy những nơi chốn và bao chuyện khác. Trước mắt tôi vẫn còn thời gian, năm tháng, để làm việc đó mỗi ngày. Những điều khác đều không quan trọng. Giờ đây trong túi tôi là nhuận bút của tờ báo Đức gửi, thế nên không có gì phải lo lắng. Khi tiền này hết sẽ có tiền khác đến.
Giờ đây tất cả những gì tôi phải làm là giữ đầu mình cho thật yên tịnh và thanh thản cho đến sáng hôm sau, khi bắt đầu làm việc trở lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.