Hội Hè Miên Man

Chương 3:




“Une génération perdue”
Rất dễ hình thành cái thói quen chiều muộn nào cũng ghé qua 27 rue de Fleurus để nhấm nháp sự ấm áp, ngắm các kiệt tác hội họa và trò chuyện. Miss Stein thường không có khách, bà lúc nào cũng thân mật và trong suốt một thời gian dài, là người rất tình cảm. Mỗi khi tôi đi về từ các hội nghị chính trị, từ vùng Cận Đông hay từ Đức nơi hãng thông tấn Canada của tôi đặt văn phòng, bà đều yêu cầu tôi kể lại tất cả những tình tiết thú vị. Có những chuyện buồn cười mà bà rất thích và có cả những chuyện mà người Đức gọi là đùa gở. Bà muốn biết thế giới đang diễn ra vui vẻ như thế nào; không chuyện thực, không chuyện sầu bi.
Tôi còn trẻ và cũng không rầu rĩ nên luôn có khối chuyện vừa khôi hài vừa lạ lùng thu thập được trong thời kỳ khốn nạn ấy để làm quà, mà Miss Stein bao giờ cũng thích. Những chuyện khác tôi không kể ra mà để dành cho riêng mình viết.
Những lúc không đi xa, tôi ghé qua phố Fleurus mỗi khi làm việc xong, và thỉnh thoảng tìm cách kéo Miss Stein bàn luận chuyện sách. Trong quá trình viết, mỗi khi xong việc, tôi cần đọc. Nếu cứ nghĩ mãi về những gì đang viết, ta sẽ làm tan biến hết những gì định viết ngày hôm sau. Cần phải tập thể dục, cần phải làm cho cơ thể nhừ tử, và sẽ rất tuyệt nếu được ngủ với người ta yêu. Được thế thì còn gì bằng. Nhưng sau đó, khi cả người trở nên trống rỗng, ta cần đọc để không phải nghĩ hay bận tâm về điều mình đang viết cho đến khi ngồi viết trở lại. Tôi học được một điều rằng chớ vét sạch cái giếng nguồn của sự viết mà phải biết chừa lại một ít ở đáy khi dừng lại, để mạch nguồn làm đầy giếng lại qua đêm.
Để đầu óc rũ sạch khỏi chuyện viết lách sau khi làm việc, tôi thường đọc các tác giả thời ấy như Aldous Huxley, D. H. Lawrence hoặc bất cứ cuốn sách nào tôi kiếm được từ thư viện của Sylvia Beach hay dọc kè sông.
“Huxley là một thây ma,” Miss Stein nói. “Sao lại đọc một thây ma như thế? Cậu không thấy gã thực sự chết rồi sao?”
Hồi đó tôi không thấy ông ấy là một thây ma. Tôi bảo tôi rất thích các tác phẩm của ông ấy và chúng giúp tôi không phải nghĩ gì khác.
“Cậu nên đọc những thứ hay thực sự, hoặc dở một cách chân thành.”
“Cả mùa đông này lẫn mùa đông trước, tôi toàn đọc sách hay, mùa đông tới cũng thế. Nhưng tôi không thích những cuốn sách dở một cách chân thành.”
“Thế sao cậu lại đọc thứ ẩm ương đó? Hemingway ạ, đấy là thứ văn chương rác rưởi khoa trương, thứ văn chương của một thây ma.”
“Tôi thích kiểu văn ấy,” Tôi đáp. “Nó giúp tôi không phải nghĩ đến những gì mình đang viết.”
“Thế, cậu còn đọc ai khác nữa?”
“D. H. Lawrence,” Tôi nói. “Ông ấy có mấy truyện ngắn cực hay, như cái truyện The Prussian Officer” (Viên sĩ quan Phổ) chẳng hạn.”
“Tôi đã thử đọc tiểu thuyết của ông ấy. Không chấp nhận được. Quá sướt mướt, quá ngớ ngẩn. Viết cứ như bệnh ấy.”
“Tôi thích Son and Lovers và The White Peacock,” tôi đáp. “Dù có thể không hay lắm. Nhưng tôi chịu, không thể nào đọc nổi Women in love.”
“Nếu cậu không muốn đọc những gì dở mà chỉ đọc những gì thích và được thể hiện một cách kỳ khu, cậu nên đọc Marie Belloc Lowndes.”
Tôi chưa bao giờ nghe đến tên bà và Miss Stein cho tôi mượn quyển The Lodger, câu chuyện tuyệt vời về Jack Kẻ Mổ Bụng và một quyển khác nói về vụ án mạng bên ngoài Paris, hẳn là vùng Enghien les Bains. Cả hai quyển ấy để đọc sau một ngày làm việc thì quả là tuyệt, nhân vật rất thuyết phục, với hành động và nỗi khiếp sợ rất thật. Khi xong việc, đọc những quyển như thế thì nhất và tôi đọc tất cả những sách của Marie Belloc Lowndes mà tôi tìm thấy. Có rất nhiều nhưng không có quyển nào sánh được với hai quyển đầu tiên và tôi không tìm thấy quyển nào khác đáng giá đọc để tiêu cho hết thời gian thừa thãi của ngày hoặc đêm, cho đến khi những tác phẩm tinh tế đầu tiên của Simenon xuất hiện.
Tôi nghĩ có lẽ Miss Stein cũng thích những cuốn xuất sắc của Simenon - cuốn đầu tiên tôi đọc là L’Ecluse Numéro I hay La Maison du Canal (“Đập chắn số 1” và “Ngôi nhà bên bờ kênh”) gì đấy - nhưng tôi cũng không chắc vì tôi biết Miss Stein không thích đọc tiếng Pháp mặc dù bà thích nói ngôn ngữ ấy. Hai quyển Simenon đầu tiên tôi đọc là nhờ Janet Flanner đưa cho. Cô thích đọc tiếng Pháp và đã đọc Simenon từ khi ông còn là phóng viên chuyên viết về tội phạm.
Trong ba bốn năm làm bạn tốt của nhau, tôi không nhớ có khi nào Gertrude Stein nói tốt về một nhà văn nào nếu người ấy chưa viết khen tác phẩm của bà, hoặc chưa làm gì đấy để thúc đẩy sự nghiệp của bà, ngoại trừ Ronald Firbank, và sau này là Scott Fitzgerald. Khi tôi gặp bà lần đầu tiên, bà không nói về Sherwood Anderson như một nhà văn, mà ca ngợi tư cách đàn ông, đôi mắt to đẹp, ấm áp kiểu Ý, và sự tốt bụng lịch lãm của ông. Tôi thì không quan tâm đến những thứ như mắt to đẹp ấm áp kiểu Ý mà rất thích một vài truyện ngắn của ông. Chúng có văn phong giản dị, đôi khi có nghệ thuật rất cao và ông hiểu các nhân vật mình đang viết và chăm chút chúng một cách cẩn thận. Nhưng Miss Stein không muốn nói về truyện của ông mà chỉ thích nói về ông ở góc độ con người.
“Thế tiểu thuyết của ông ấy thì sao?” Tôi hỏi. Bà không muốn nói nhiều về tác phẩm của Anderson cũng như truyện của Joyce. Nếu bạn đề cập đến truyện của Joyce đến lần thứ hai thì không bao giờ bà mời bạn quay lại lần nữa. Vì như thế chẳng khác nào đi ca ngợi vị tướng này trước mặt một vị tướng khác. Bạn phải biết rút kinh nghiệm khi phạm phải sai lầm như thế. Dẫu vậy, ta vẫn có thể nói chuyện tướng tá nếu vị tướng đang ngồi nghe là kẻ chiến thắng. Và vị tướng đang ngồi nghe bạn kể chuyện ấy thể nào cũng hết lời ca ngợi ông thua trận, rồi kể thêm chi tiết mình đã đánh bại vị tướng kia thế nào.
Truyện của Anderson quá hay nên không đem ra làm vui cuộc trò chuyện được. Tôi đã định nói với Miss Stein rằng tiểu thuyết của ông ấy kém một cách lạ kỳ, nhưng nếu thế cũng là một sai lầm, vì đã dám chê một trong những người hâm mộ trung thành nhất của bà. Khi ông viết cuốn tiểu thuyết sau cùng có cái tên Dark Laughter, một cuốn dở tệ hại, dở tầm thường, dở khó chịu đến nỗi tôi không thể không nhận xét nó trong một cuốn sách giễu nhại (Tức là quyển The Torrents of Spring), Miss Stein rất giận. Tôi đã tấn công người của bà. Nhưng nhìn chung, trong cả thời gian dài trước đó, bà chẳng bao giờ nổi giận. Chính bà bắt đầu tung hô Sherwood hết sức hào phóng sau khi ông không viết được nữa.
Miss Stein từng nổi điên với Ezra Pound vì ông đã hấp tấp ngồi lên cái ghế vừa nhỏ vừa yếu và rõ là bất tiện mà có thể ai đó đã đưa cho ông do có ý đồ, và ông lại còn làm nứt hoặc gãy nó. Còn dẫu ông có là một nhà thơ vì đại, một quý ông lịch lãm tốt bụng và đáng lẽ chỉ ngồi được ghế cỡ bình thường thì cũng mặc. Các lí do khiến bà rất ghét Ezra, một cách tinh vi và hiểm độc, nhiều năm sau này bà mới bịa ra.
Khi từ Canada quay trở lại, chúng tôi dọn về sống ở phố Notre -Dame-les-Champs, đó là quãng thời gian mà Miss Stein và tôi hẵng còn là bạn tốt của nhau, và đó chính là thời điểm Miss Stein đưa ra nhận xét về thế hệ bỏ đi. Chiếc xe Ford Model T cũ kỹ của bà có trục trặc ở hệ thống đánh lửa và bà lái đến gửi ở garage để người ta sửa, thợ làm ở đấy là một thanh niên từng phục vụ trong quân đội vào năm cuối của cuộc chiến tranh, và anh này hoặc do tay nghề kém, hoặc không muốn phá luật ưu tiên, đã không chữa chiếc Ford của Miss Stein trước. Tóm lại là anh đã không sérieux (nghiêm túc) và đã bị patron (ông chủ) của garage mắng cho một trận tơi bời khi ông chủ bị Miss Stein phản ánh. Patron nói với anh ta: “Cả bọn chúng mày là một génération perdue.”
“Anh cũng thế, cả bọn các anh đều thế,” Miss Stein nói: “Tất cả bọn trẻ. Những kẻ tham gia chiến tranh. Tất cả đều là một thế hệ bỏ đi.”
“Thật sao?” Tôi nói.
“Các anh là như vậy đấy,” bà nhắc lại. “Các anh không tôn trọng cái gì hết. Các anh chỉ biết uống đến chết...”
“Anh chàng thợ máy cũng say sao?” Tôi hỏi.
“Dĩ nhiên là không.”
“Bà có thấy tôi say bao giờ chưa?”
“Chưa. Nhưng bọn bạn bè của cậu thì có.”
“Tôi đã từng say đấy,” tôi nói. “Chỉ không say khi đến đây thôi.”
“Dĩ nhiên là không. Tôi không nói thế.”
“Patron của anh chàng kia chắc đã say mèm từ mười một giờ trưa,” tôi đáp. “Thế nên lão mới nói được những câu hay ho như thế.”
“Đừng cãi tôi, Hemingway,” Miss Stein nói. “Chẳng ích gì đâu, tất cả các cậu đều là thế hệ bỏ đi, lão chủ garage nhận xét chính xác đấy.”
Sau này, khi viết quyển tiểu thuyết đầu tiên, tôi đã cố gắng cân đối câu Miss Stein dẫn lời từ lão chủ kia với câu của sách Giảng viên. Nhưng đêm ấy khi đi bộ về, tôi nghĩ đến người thanh niên làm trong garage, không biết liệu anh ta có từng bị nhồi nhét trong một chiếc xe cải tiến thành xe cứu thương không. Tôi vẫn nhớ những xe nặng trĩu thương binh cháy phanh khi lao xuống đường núi, phải dùng đến hộp số và cuối cùng chuyển sang số lùi, tôi nhớ cảnh những chiếc xe không cuối cùng bị hất xuống sườn núi, để thay bằng những chiếc Fiat loại lớn với hệ thống sang số khỏe hơn cùng loại má phanh cặp kim loại. Tôi nghĩ về Miss Stein và Sherwood Anderson cùng sự ích kỉ, về trạng thái trì trệ trong đầu óc đối lại với tính kỷ luật, và tôi nghĩ ở đây ai mới nên gọi là thế hệ bỏ đi? Rồi tôi đi đến chỗ Closerie des Lilas ngắm ánh sáng soi trên ông bạn cũ của tôi, bức tượng thống chế Ney tay rút kiếm, tán cây phủ bóng lên lớp da đồng, ông đứng đó đơn độc không ai phía sau, ông đã từng có một thất bại lố bịch kinh khủng ở trận Waterloo, và tôi nghĩ mọi thế hệ đều mất mát theo một cách nào đấy, luôn luôn đã và luôn luôn sẽ mất, rồi tôi dừng ở Lilas, bên bạn tượng đồng và uống một ly bia lạnh trước khi về căn phòng nhỏ nằm trên xưởng cưa. Khi ngồi đó với bia trong tay ngắm nhìn tượng và nhớ lại bao nhiêu ngày Ney, với tư cách cá nhân, đã cùng quân hậu tập của Napoléon chiến đấu khi Napoléon tháo chạy khỏi Matxcơva trên xe ngựa cùng Caulaincourt, tôi nghĩ đến một Miss Stein thuở nào đầy cảm xúc và ấm áp, nhớ những lời tuyệt vời bà dành cho Apollinaire và cái chết của ông trong ngày Đình chiến 1918 giữa đám đông gào “à bas Guillaume” (Đả đảo Guillaume) và trong cơn mê sảng Apollinaire nghĩ bọn họ đang chửi bới mình, và tôi nghĩ, mình sẽ làm mọi cách để giúp bà sao cho bà được đền đáp xứng đáng với những gì bà bỏ công viết, và Chúa cùng Mike Ney sẽ giúp tôi. Ngoại trừ cuộc nói chuyện khốn nạn với bà về thế hệ bỏ đi cùng các gán ghép dễ dãi bẩn thỉu khác. Khi về đến nhà, bước vào sân và lên phòng, tôi gặp lại vợ cùng con trai và con mèo F. Puss của nó, tất cả đều hạnh phúc và trong lò sưởi lửa đang thắp. Tôi nói với nàng, “Em biết không, Gertrude dù gì thì cũng dễ thương.”
“Tất nhiên rồi, Tatie.”
“Nhưng có lúc bà ấy nhả ra toàn thứ rác rưởi.”
“Em chưa bao giờ nghe bà ấy nói,” nàng đáp. “Em là vợ. Nên chỉ bạn của bà nói chuyện với em thôi.”
Shakespeare and Company
Những ngày ấy muốn mua sách cũng không có tiền. Tôi mượn sách từ một thư viện có tên Shakespeare and Company, vốn vừa là thư viện, vừa là hiệu sách của Sylvia Beach ở 12 rue de I’Odéon. Giữa con phố đầy gió lạnh buốt, đây quả là nơi ấm áp, vui vẻ nhờ cái lò sưởi lớn trong mùa đông, với bàn và kệ, những quyển sách mới nằm bên cửa sổ, và trên tường là ảnh các nhà văn nổi tiếng, còn sống hay đã qua đời. Những bức ảnh như những cú bấm máy bất chợt khiến nhà văn đã chết trông như đang còn sống. Sylvia có khuôn mặt rõ nét như tượng, sống động, đôi mắt nâu sinh động như mắt của loài thú nhỏ và gợi tình như mắt một cô gái trẻ, tóc bà nâu nâu gợn sóng chải ngược cái trán xinh xắn, cắt ngang dày phía dưới tai, mép chạm bờ cổ áo khoác nhung màu nâu. Bà có đôi chân đẹp và bà tốt bụng, vui vẻ, nhiệt tình, thích nói đùa và tán gẫu. Tôi chưa thấy ai tốt với mình như thế.
Tôi rất ngượng khi lần đầu tiên đến hiệu sách và không mang đủ tiền để để đăng ký vào thư viện. Bà bảo tôi khi nào có tiền đặt cọc cũng được và bà làm cho một thẻ đọc sách rồi bảo có thể lấy bao nhiêu sách tùy ý.
Chẳng có lý do gì khiến bà phải tin tôi cả. Bà không biết tôi, còn cái địa chỉ 74 rue Cardinal Lemoine tôi đưa cho bà thì chắc không còn chỗ ở nào tồi hơn thế. Nhưng bà vẫn vui vẻ duyên dáng đón chào và phía sau bà, cao đến tận trần nhà kéo dài đến tận phòng sau thông với lối vào sân trong tòa nhà, là những kệ và kệ đầy sách của một thư viện phì nhiêu.
Tôi bắt đầu với Turgenev và mượn hai tập A Sportsman’s Sketches cùng một quyển thuộc thời kỳ đầu của D. H. Lawrence, hình như là Sons and Lovers, và Sylvia bảo tôi cứ lấy thêm sách nếu muốn, thế là tôi chọn Chiến tranh và hòa bình, bản dịch của Constance Garnett, và quyển Con bạc và những truyện khác của Dostoyevsky.
“Chờ đọc cho hết đống sách ấy thì còn lâu cậu mới quay lại,” Sylvia nói.
“Tôi sẽ quay lại để trả tiền,” tôi nói, “Tôi còn một ít ở nhà.”
“Ý tôi không phải thế,” bà nói. “Cậu có thể thanh toán bất cứ khi nào thấy tiện thôi.”
“Khi nào Joyce đến?” tôi hỏi.
“Ông ấy nếu có đến thì cũng thường vào chiều muộn,” bà nói. “Cậu chưa bao giờ gặp ông ấy à?”
“Chúng tôi có thấy ông ấy đi ăn cùng gia đình ở nhà hàng Michaud,” tôi đáp. “Nhưng nhìn người khác đang ăn thật bất lịch sự, vả lại, Michaud đắt lắm.”
“Cậu ăn ở nhà sao?”
“Hầu như thế,” tôi đáp. “Chúng tôi có thuê một người làm bếp giỏi.”
“Khu cậu ở không có quán ăn phải không?”
“Vâng. Sao bà biết?”
“Larbaud sống ở đó,” bà đáp. “Ông ấy thích khu đó lắm trừ mỗi việc ấy.”
“Muốn tìm quán ăn gần nhất giá cả phải chăng mà ăn được thì phải đi qua bên kia Panthéon.”
“Tôi không rành khu ấy lắm. Chúng tôi ăn ở nhà. Hai vợ chồng cậu hôm nào đến chơi.”
“Bà phải chờ xem tôi có trả tiền sách không đã chứ,” tôi nói. “Nhưng cũng cảm ơn bà rất nhiều.”
“Đừng đọc vội quá,” bà nói.
Căn hộ ở phố Cardinal Lemoine có hai phòng không nước nóng, bên trong không có đồ vệ sinh nào khác ngoài một cái bô khử trùng, nhưng không đến nỗi tệ với những ai đã quen kiểu ngồi xí ngoài đồng ở Michigan. Căn phòng vui tươi đầy sinh khí nhìn ra một không gian đẹp, trên sàn là đệm lò xo êm ái làm giường, và trên tường treo những bức tranh chúng tôi yêu thích. Tôi tha đống sách về nhà và kể cho vợ nghe mình vừa tìm được một chốn tuyệt vời như thế nào.
“Nhưng Tatie, chiều nay anh phải quay lại trả tiền cho người ta,” nàng nói.
“Chắc chắn rồi,” tôi đáp. “Cả anh và em cùng đi. Rồi chúng mình đi bộ xuống dọc kè bờ sông.”
“Xuống bên phố Seine nữa, xem hết mấy phòng tranh ở đấy và ngắm cửa hàng.”
“Tất nhiên rồi. Chúng ta sẽ đi khắp nơi rồi ghé vào một quán mới nào đó mà ta không biết ai, không ai quen biết ta và uống gì đó.”
“Có thể uống hai ly.”
“Rồi ăn gì đó.”
“Không được. Đừng quên phải để dành tiền trả cho thư viện.”
“Chúng ta sẽ về ăn ở nhà và sẽ có một bữa ấm áp với rượu Beaune mua từ cửa hàng ở bên kia, mà đứng chỗ cửa sổ nhà mình nhìn sang em có thể thấy cả bảng giá của Beaune dán ngay trên cửa ấy. Sau đó, chúng ta đọc sách rồi lên giường và làm chuyện đó.”
“Chúng ta sẽ không bao giờ yêu ai khác mà chỉ yêu nhau thôi.”
“Phải. Không bao giờ.”
“Ôi, một chiều tuyệt vời, một tối tuyệt vời. Bây giờ ta nên đi ăn trưa.”
“Anh đói lắm rồi,” tôi nói. “Anh ngồi làm việc ở quán café với mỗi một cốc café crème.”
“Sao lại thế, Tatie?”
“Anh thấy không sao cả. Hy vọng thế. Trưa nay mình ăn gì đây?”
“Một ít củ cải, gan bò loại ngon cùng khoai tây bằm và xà lach rau diếp. Có bánh táo nữa.”
“Và có tất cả sách trên đời này để đọc, và chúng ta có thể đem theo khi đi đây đó.”
“Thật sao?”
“Chắc chắn.”
“Bà ấy cũng có sách của Henry James à?”
“Đương nhiên.”
“Ôi trời,” nàng kêu lên. “Thật may khi tìm ra một nơi như thế.”
“Chúng mình luôn gặp may,” tôi nói, và thật khờ khạo khi không gõ vào gỗ để phỉ thui. Trong khi khắp nhà đâu đâu cũng là gỗ để muốn thì cứ việc gõ vào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.