Hội Chợ Phù Hoa

Chương 64:




MỘT CHƯƠNG LÔNG BÔNG
Chúng ta bắt buộc phải bỏ qua một thời kỳ trong cuộc đời của Rebecca Crawley không nói đến, như vậy cốt thỏa mãn cái gọi là tính tế nhị của người đời... cái bọn người đời đứng đắn, tuy không đặc biệt phản đối những thói xấu xa, nhưng hình như lại cứ muốn có thái độ ghê tởm mỗi khi nghe ai gọi những thói xấu ấy bằng đúng tên tục. Trong Hội chợ phù hoa, có những việc xảy ra hàng ngày ai cũng thừa rõ, nhưng không ai chịu nói ra; chẳng khác gì bọn người theo tôn giáo Ahrimania thờ cúng quỷ sứ, nhưng không bao giờ dám hé miệng nhắc đến tên nó. Bởi vậy, công chúng lịch sự mới không thể chịu đựng nổi một cuốn tiểu thuyết miêu tả chân thực những thói ô uế của người đời, cũng như những phụ nữ chân chính lịch sự người Anh hoặc người Mỹ không bao giờ chịu để cho danh từ “cái quần” lọt vào đôi tai tinh khiết của họ. Vậy mà thưa quý bà, hàng ngày cái quần vẫn cứ nghiễm nhiên đi lại trước mặt chúng ta mà cũng chẳng thấy ai lấy làm khó chịu lắm. Ví thử mỗi lần nhìn thấy cái quần bà lại ngượng đến đỏ mặt lên, thì ôi thôi, sắc mặt bà không biết rồi sẽ ra sao. Song cũng may thay, chỉ khi nào nghe nhắc đến có tên thô bỉ ấy, thì sự e lệ của bà mới có dịp giật mình hoảng hốt và công phẫn. Kẻ viết truyện này, vì cũng muốn chiều theo thói tục của người đời, cho nên từ đầu đến cuối cuốn sách chỉ nhắc tới sự có mặt của tội lỗi trên trái đất bằng những lời lẽ nhẹ nhàng bóng bẩy, dễ ưa, cốt cho không một ai có tâm hồn tế nhị phải khó chịu. Tôi thách người nào dám nói rằng tôi đã không trình bày Becky trước công chúng với một dáng vẻ hoàn toàn nhã nhặn và vô hại đấy, mặc dầu không phải là cô ta không có một vài thói xấu.
Trong khi miêu tả con nữ thủy quái luôn luôn mỉm cười ca hát, mơn trớn nịnh nọt cực khéo, tác giả rất khiêm tốn xin hỏi khắp các vị độc giả xem có một lúc nào hắn đã quên không tôn trọng những quy tắc của sự lễ độ mà cho con thủy quái thò cái đuôi đáng ghê tởm của nó lên khỏi mặt nước chăng? Không! Tùy sở thích, ai muốn, xin cứ việc ghé mắt nhòm kỹ xuống mặt nước cũng khá trong; qua những đợt sóng, họ sẽ thấy cái đuôi uốn éo, dẫy dụa, nhầy nhụa bùn đất và xấu xí một cách đáng tởm của nó đang phe phẩy bên đám xương trắng, hoặc cuốn lấy thi thể của những kẻ nạn nhân. Nhưng thử hỏi rằng, trên mặt nước, có cái gì gọi là không đúng đắn lịch sự, nhã nhặn, khiến cho kẻ đạo đức giả soi mói nhất trong Hội chợ phù hoa có quyền lên tiếng phản đối? Tuy vậy, khi con thủy quái nhào xuống nước mà biến mất, dĩ nhiên mặt nước sẽ lầm lên, chúng ta có cố tò mò nhìn theo cũng chỉ mất công toi mà thôi. Khi những con quái vật ấy ngồi trên tảng đá nhấn những cung đàn, cầm lược chải mớ tóc mượt mà, và hát, và soi gương, và vẫy bạn đến gần, thì trông cũng xinh đẹp lắm lắm. Nhưng một khi chúng đã lặn sâu xuống cái môi trường thích hợp với bản chất của chúng thì chẳng còn gì đáng hấp dẫn nữa; tốt hơn là chúng ta không nên theo dõi những con quái vật ăn thịt người ấy làm gì, nhất là lúc chúng đang say sưa chè chén trên những thi thể bị ướp của nạn nhân. Cho nên xin các bạn hãy tin rằng, khi Becky thoát khỏi tầm mắt của chúng ta, hành động của cô ta chắc chắn không được tốt đẹp lắm, và càng ít nhắc đến những hành động của cô ta bao nhiêu càng tốt.
Nếu phải kể lại đầy đủ hành vi của Becky suốt hai năm trời sau khi xảy ra câu chuyện tai hại ở phố Curzon, e rằng có một số người sẽ vin vào đó mà nói rằng cuốn truyện này không đứng đắn. Xưa nay cách ăn ở của hạng người ưa thú phù hoa, vô tình và ham khoái lạc thường vẫn không được đứng đắn (cũng như khá nhiều hành vi của chính ngài, hỡi ông bạn mặt mũi nghiêm trang và đạo đức không ai chê vào đâu được kia... nhưng ấy là nói chơi thế thôi); trách chi một người đàn bà không có đức tin... không biết đến tình yêu, sống không có một nguyên tắc nào? Cho nên tôi muốn nghĩ rằng trong cuộc đời của Becky, có một thời gian cô ta bị một nỗi thất vọng nào đó - chứ không phải là sự hối hận - giày vò, do đó đã hoàn toàn chán chường đối với chính mình, và chẳng thiết gì đến chuyện gìn giữ danh giá làm chi cho mệt.
Không phải đột nhiên sự rã rời (), sự sa đọa ấy xảy ra ngay một lúc; sau cơn hoạn nạn của cô ta, nó đến từ từ bước một bước một, mặc dầu Becky cũng đã gắng gỏi vật lộn nhiều lần để ngóc đầu dậy; cũng như một người bị rơi khỏi mạn tàu xuống bể, cố sống cố chết bám lấy một mảnh ván trôi dạt chừng nào trong đầu còn le lót một tia hy vọng; nhưng tới lúc thấy rõ vật lộn mấy nữa cũng chỉ vô ích, người ấy sẽ quăng mảnh ván kia đi và cứ thế mà chìm sâu xuống nước.
Trong thời gian chồng đang lo sửa soạn lên đường nhận chức vụ của chính phủ giao cho, Becky còn nấn ná lang thang trong thành phố Luân-đôn ít lâu. Như ta có thể dự đoán, cô ta đã nhiều lần tìm cách gặp mặt ông anh chồng tức là tôn ông Pitt Crawley, hòng lợi dụng cảm tình của người đã hầu như được cô ta để lọt vào mắt xanh. Một hôm tin ông Pitt cùng đi bộ với Wenham đến Hạ nghị viện, Wenham nhác thấy Rebecca che chàng mạng đen kín mặt đang lượn đi lượn lại gần tòa quốc hội. Gặp tia mắt Wenham, cô ta vội lảng đi chỗ khác; về sau cũng không lần nào Becky thực hiện được ý định lợi dụng anh chàng nam tước.
Cũng rất có thể chính công nương Jane đã nhúng tay vào việc này. Có người bảo với tôi rằng ông chồng ngạc nhiên không thể tưởng tượng được khi thấy vợ tỏ ra quá hăng hái trong vụ xích mích vừa rồi, và cương quyết tuyệt giao hẳn với Becky. Công nương Jane tự ý mời Rawdon dọn đến ở với anh trai ở phố Gaunt trong thời gian chưa lên đường đi Coventry, vì cô hiểu rằng có Rawdon đóng vai trò hộ vệ cho chồng, chắc chắn không khi nào Becky dám liều lĩnh bén mảng tới. Công nương Jane còn cẩn thận xem xét từng phong thư gửi đến cho ông Pitt, sợ rằng chồng và cô em dâu thư từ đi lại với nhau chăng. Giả thử Becky muốn viết thư cho Pitt Crawley cũng không thể được, nhưng cô ta không viết thư cũng không tìm cách đến nhà riêng để gặp mặt; sau vài lần thất bại, Becky đồng ý nhận lời đề nghị của Pitt, nghĩa là tất cả những giấy tờ có liên quan đến vụ xích mích của vợ chồng cô ta sẽ do luật sư chuyển giao. Nói cho đúng thì cảm tình của Pitt Crawley đối với cô em dâu đã bị người khác cắt đứt rồi. Sau câu chuyện không may của hầu tước Steyne, Wenham có dịp ngồi chơi với Pitt. Hắn mới dụng ý trình bày một bản lý lịch của Becky, đủ để cho ông chủ trại Crawley Bà chúa phải tròn mắt vì ngạc nhiên. Hắn am hiểu chân tơ kẽ tóc về cuộc đời của cô ta; hắn cho biết bố đẻ ra Becky là ai; mẹ cô ta là vũ nữ nhảy múa ở rạp Opera vào những năm nào; trước khi lấy chồng, quá khứ của Becky ra sao, và suốt thời gian ăn ở với Rawdon tư cách của cô ta thế nào... Tôi không muốn nhắc lại những điều hắn kể ở đây, vì tôi tin rằng phần lớn là những chuyện bịa đặt do dụng ý xấu xa của hắn. Chỉ biết rằng Becky đã để lại một ấn tượng rất đáng buồn cho nhà quý tộc xứ quê và cũng là ông anh chồng, người đã một thời đặc biệt có cảm tình đối với cô em dâu.
Lương bổng của vị thống đốc đảo Coventry không được hậu hĩnh lắm. Ngài thống đốc dành riêng một phần lợi tức để thanh toán một số món nợ cấp bách nhất; vả chăng ở địa vị cao quý này, ngài cũng phải chi tiêu nhiều. Cuối cùng tính ra ngài chỉ có thể trợ cấp cho bà vợ cũ mỗi năm khoảng hơn ba trăm đồng. Rawdon đặt điều kiện là muốn lấy tiền, Rebecca không được tìm cách làm phiền đến mình nữa. Nếu không muốn thế thì...cho câu chuyện xấu xa vỡ lở ra, và ly dị, và đưa nhau ra tòa cũng không cần. Nhưng đã có Wenham, đã có hầu tước Steyne, đã có Rawdon, đã có tất cả mọi người lo việc tống khứ cô ta ra khỏi nước Anh, để bịt cái hũ mắm thối lại.
Có lẽ Becky quá bận bịu trong việc giao thiệp với luật sư của chồng, nên quên bẵng không nghĩ đến chuyện đòi giữ đứa con trai tức là thằng Rawdy, mà cũng không hề lần nào ngỏ ý muốn tìm gặp mặt nó. Thằng bé được đưa về cho hai bác nó trông nom. Xưa nay bác gái nó vẫn được nó quý hơn cả. Sau khi rời nước Anh ra đi, Rebecca từ Boulogne gửi cho con một lá thư lời lẽ thật ngọt ngào; trong thư, cô ta dặn con phải chăm chỉ học tập; còn mình thì sẽ đi du lịch một thời gian trên lục địa, và sẽ viết thư gởi về cho con nữa.
Nhưng một năm sau, cũng chẳng thấy thư từ gì của cô ta. Mãi tới khi thằng con một ốm o loẻo khoẻo của tôn ông Pitt bị chết vì bệnh ho gà và lên sởi thì Becky lại viết cho đứa con trai yêu quý một bức thư lời lẽ cực kỳ nồng nàn. Thằng bé anh họ chết đi, thế là Rawdy trở thành người thừa kế quyền sở hữu trại Crawley Bà chúa.
Đối với người bác gái tốt bụng, nó càng quý mến hơn trước, vì công nương Jane đã coi nó như con đẻ. Bây giờ Rawdy Crawley đã là một thiếu niên vạm vỡ, xinh trai; nhận được thư mẹ, nó đỏ mặt nói:
- Ồ, bác Jane ơi, bác mới chính là mẹ của cháu chứ không phải... không phải người kia đâu.
Tuy vậy nó cũng viết một lá thư lời lẽ ngọt ngào lễ độ gửi cho Rebecca; hồi này cô ta đang ở trọ trong một gia đình tại Florence.
Nhưng đó là chuyện sẽ nói đến ở dưới.
Chuyến bay nhảy đầu tiên của Becky cũng không xa lắm. Cô ta đỗ lại ở Boulogne, bên bờ biển nước Pháp; đó là chỗ trú ẩn của khá nhiều người Anh trong trắng vô tội. Ở đó, cô ta thuê hai gian phòng khách sạn; một chị hầu phòng giúp việc, sống như một người đàn bà góa hiền lành. Cô ta dùng bữa tại phòng ăn công cộng của khách sạn; ai cũng cho Becky là người vui tính, vì cô ta hay kể chuyện với những người bên cạnh về anh chồng mình là tôn ông Pitt và về những bạn bè toàn những bậc tai mặt ở Luân-đôn. Đối với một số người tầm thường, những câu chuyện vẩn vơ ấy và khoa ăn nói giảo hoạt của cô ta rất được tán thưởng. Nhiều người cứ yên trí rằng cô ta là một nhân vật quan trọng. Becky tổ chức những buổi tiệc trà thân mật nho nhỏ, thết khách tại phòng riêng, và cũng tham dự những thú giải trí thông thường khác trong thành phố đại khái như đi tắm bể, ngồi xe ngựa bỏ mui đi chơi mát, đi bách bộ hứng gió bể trên bãi cát, đi xem hát v.v... Bà Burjoice, vợ một ông chủ nhà in, cùng con cái đến thuê phòng tại khách sạn suốt mùa hạ; hàng tuần cứ thứ bảy và chủ nhật, ông Burjoice lại đến thăm vợ con. Bà này thấy Becky đáng yêu lắm, cho tới khi ông chồng bắt đầu tỏ ra săn sóc hơi quá đáng đến cô bạn. Nhưng chuyện ấy không có liên quan gì đến chúng ta; chỉ biết rằng Becky bao giờ cũng hòa nhã, duyên dáng và vui vẻ... đặc biệt là với đàn ông.
Hàng năm vào hồi này, người Anh có thói quen ra nước ngoài du lịch rất đông. Becky có nhiều dịp để biết giới thượng lưu thành Luân-đôn nghĩ thế nào về cách ăn ở của mình. Một bữa Becky đang bình thản dạo chơi trên bến tàu Boulogne vừa hướng tầm mắt ra ngoài bể ngắm những vách đá của xứ sở Albion lóng lánh dưới ánh mặt trời trên làn sóng xanh biếc thì trạm trán với Partlet phu nhân đi cùng mấy cô con gái. Partlet phu nhân lập tức nghiêng chiếc ô che kín mặt và ra hiệu cho mấy cô con gái đứng quây quần lại quanh mình. Đoạn bà ta vừa đi khỏi bến tàu vừa liếc cặp mắt giận dữ nhìn lại Becky đứng trơ trọi một mình. Một bữa khác, Becky đứng xem tàu từ Anh sang cập bến. Vừa qua, trời nổi lại gió; Becky có cái thú đặc biệt là ngắm những bộ mặt phờ phạc của hành khách dưới tàu bước lên. Hôm ấy Slingstone phu nhân cũng đi tàu. Cuộc hành trình vất vả vừa qua làm cho phu nhân mệt nhoài, hầu như không còn đủ sức để bước qua mảnh gỗ bắc từ mạn tàu lên bờ. Nhưng chợt thấy Becky đội chiếc mũ hồng đứng mỉm cười diễu cợt nhìn mình, bà này bỗng thấy khỏe mạnh hẳn lên. Bà liếc nhìn Becky với cặp mắt khinh miệt đủ khiến cho mọi người đàn bà khác phải chui xuống đất vì hổ thẹn, rồi rảo bước tiến về phía phòng quan thuế không cần ai nâng đỡ. Becky chỉ cười nhưng chắc trong thâm tâm cô ta cũng không vui vẻ gì. Bây giờ cô ta cảm thấy mình trơ trọi, hoàn toàn trơ trọi. Không còn hy vọng gì qua được cái vách đá sáng lóng lánh của nước Anh, xa tít tắp kia mà về nước nữa rồi.
Thái độ đàn ông đối với cô ta bây giờ cũng đổi khác thế nào ấy. Gặp Becky, Grinstone nhe bộ răng trắng nhởn ra cười, và ăn nói suồng sã một cách khó chịu. Mới ba tháng trước đây cái anh chàng bé nhỏ Bob Suckling hễ thấy cô ta là vội ngả mũ cầm tay chào thật lễ phép; khi ấy anh ta sẵn sàng đi bộ một dặm đường dưới trời mưa tầm tã cốt đến phố Gaunt nhìn mặt Becky ngồi trong xe ngựa một tý.
Một hôm Becky đi chơi trên kè đá gặp anh ta đứng nói chuyện với Fitzoof, sĩ quan ngự lâm quân (con trai bá tước Heehaw); anh chàng Bobby ngoái cổ lại khẽ gật đầu chào cô ta một cái chiếc mũ vẫn úp lù lù trên đầu, cũng không thèm tạm ngừng câu chuyện đang nói dở với bạn. Tom Raikes thì có lần định mò vào tận phòng khách của Becky, mà trên mồm vẫn phì phèo điếu xì gà. Cô ta đóng sập cửa lại, chỉ hận một điều là không kịp làm cho anh chàng bị kẹp nát ngón tay. Becky bắt đầu cảm thấy từ nay mình hoàn toàn trơ trọi.
Cô ta tự nhủ: “Ôi chao, nếu anh ấy có mặt ở đây, cho ăn kẹo mấy thằng hèn nhát này cũng không dám lếu láo với mình”. Becky nghĩ đến “anh ấy” trong lòng buồn bã quá thể, và có lẽ lúc này cô ta đang nhớ tiếc con người hiền lành, đần độn, nhưng rất mực ngoan ngoãn và chung tình, nhớ tiếc con người luôn luôn vâng lời vợ, luôn luôn vui tính, và can đảm. Không biết chừng Becky đã khóc, vì lúc xuống nhà dùng bữa tối, thấy cô ta vui vẻ hẳn lên một cách khác thường, đánh phấn hồng bôi môi thật lộng lẫy.
Hồi này ngày nào Becky cũng đánh phấn bôi môi cẩn thận, và và ngoài số rượu cô-nhắc có tính trong hóa đơn của khách sạn, cô ta còn bảo chị hầu gái mua ngoài để dùng thêm.
Đối với Becky, có lẽ sự bỉ báng của bọn đàn ông không đáng giận bằng thái độ thương hại của nhiều người đàn bà khác. Bà Crackenbury và bà Washington White nhân sang Thụy Sĩ có đi qua Boulogne (cuộc du lịch này do đại tá Horner và anh chàng Beaumoris tổ chức, dĩ nhiên có cả ông già Crackenbury và cô con gái nhỏ của bà White cùng đi). Họ lại không tránh mặt Becky mới lạ chứ. Họ chỉ tíu tít cười nói, rồi thăm nom, rồi an ủi với thái độ hết sức kẻ cả, kỳ cho cô ta uất đến điên người lên được. Sau khi hôn Becky để từ biệt, họ vừa đi vừa cười với nhau, Becky nhìn theo nghĩ thầm: “Cái bọn chúng nó mà lại dám lên mặt ta đây với mình”. Từ cầu thang gác còn vẳng lên tiếng cười của anh chàng Beaumoris, Becky hiểu rõ ý nghĩa cái cười ấy lắm. Becky vẫn thanh toán tiền phòng đều đặn hàng tuần, vẫn tỏ ra khả ái đối với tất cả mọi người ở đây; gặp bà chủ khách sạn bao giờ cô ta cũng mỉm cười chào; nói với bọn hầu phòng và hầu ăn thì một điều thưa hai điều gửi tử tế, thái độ này bù đắp lại rất nhiều thói keo kiệt của cô ta (xưa nay Becky vẫn keo kiệt), thế mà sau cuộc viếng thăm nói trên, đột nhiên Becky nhận giấy báo của ông chủ khách sạn yêu cầu cô ta dọn đi chỗ khác, vì có người cho biết là không nên để cho hạng người như Becky ngụ tại khách sạn này và vì các bà thượng lưu người Anh không chịu cùng ngồi ăn với cô ta.
Thành thử Becky bắt buộc phải đi trọ nơi khác; không gì khiến cô ta chán nản bằng phải sống ở nơi tiêu điều vắng vẻ. Mặc dầu bị vấp váp như vậy, Becky vẫn còn chống trọi, vẫn tìm cách gây dựng lại tín nhiệm cho bản thân, cố xóa bỏ lời miệng thế gièm pha. Cô ta chịu khó đi lễ nhà thờ rất chăm chỉ, lại hát to hơn mọi người. Becky còn bỏ tiền ra làm việc thiện, giúp đỡ vợ con những người dân chài bị đắm thuyền chết đuối, lại cùng vào Hội truyền giáo Quashyboo nhiều bức vẽ và đồ thêu. Cô ta ghi tên hưởng ứng rất nhiều việc từ thiện, và không bao giờ chịu khiêu vũ theo điệu van-xơ. Tóm lại, Becky chịu làm tất cả những việc gì gọi là đáng kính; chính vì thế chúng tôi thích đặc biệt nhấn mạnh đến đoạn đời này của cô ta hơn là thời kỳ trước, vì hồi ấy, cuộc sống của Becky không được đẹp đẽ bằng. Bị thiên hạ tránh mặt nhưng cô ta vẫn kiên nhẫn mỉm cười tươi tỉnh với mọi người. Nhìn vẻ mặt bề ngoài, đố bạn có thể lường được trong thân tâm Becky đau đớn tủi nhục đến thế nào.
Nói cho cùng, cuộc đời của Becky thật là một điều bí mật; đối với hành vi của cô ta, người đời chia làm hai phe, khen có, chê có.
Một số người đa sự nhất định lên án Becky là hư hỏng, trong khi lại có một số người khác cả quyết rằng cô ta ngây thơ trong trắng như một con cừu non, và bao nhiêu tội lỗi là ở anh chồng gây ra hết. Thấy Becky khóc nức nở mỗi lần nghe ai nhắc đến tên con trai, hoặc tỏ vẻ rầu rĩ âu sầu khi nhìn thấy đứa trẻ nào giống con mình, nhiều người đâm ra thông cảm. Bằng thủ đoạn này, Becky đã chinh phục được cảm tình của bà Alderney; bà này hầu như được coi là nữ hoàng của những người Anh sống ở Boulogne; ở đây bà là người mở tiệc và tổ chức dạ hội thết đãi khách khứa nhiều nhất.
Lần cậu bé Alderney trọ học tại trường của Swishtail tiên sinh nghỉ hè về thăm nhà, Becky nghẹn ngào khóc bảo với Alderney thế này:
“Chú bé nhà ta cùng tuổi với cháu Rawdy, mà nom giống nhau quá cơ,” Thật ra hai đứa chênh lệch nhau đến năm tuổi, còn chuyện diện mạo thì chúng giống nhau cũng như kẻ hèn mọn viết truyện này giống bạn độc giả đáng kính mà thôi. Nhân ra nước ngoài để đến Kissingen tìm hầu tước Steyne, Wenham đã cho bà Alderney biết sự thực về chuyện này. Hắn nói với bà ta rằng hắn có thể tả lại hình dáng thằng Rawdy đúng hơn chính mẹ nó, vì thiên hạ ai cũng thừa biết Becky ghét con trai như đào đất đổ đi, có nhìn mặt nó bao giờ đâu. Hắn kể thêm rằng thằng Rawdy lên mười ba, mà Alderney thì mới lên chín, thằng Rawdy khá xinh xắn, còn thằng bé kia thì tóc đen. Tóm lại Wenham làm cho người đàn bà tiếc mãi vì nỗi mình cả tin.
Cứ mỗi lần Becky vất vả xây dựng được cảm tình của một vài người đối với mình, thì lại có một kẻ ở đâu đến tàn nhẫn đạp đổ đi; thế là cô ta phải làm lại từ đầu. Công việc thật là vất vả, vô cùng vất vả; đáng buồn hơn nữa là không được một ai giúp đỡ.
Đã có một hồi bà Newbright đi lại thân mật với Becky, vì bị hấp dẫn bởi giọng hát ngọt ngào của cô ta ở nhà thờ; hơn nữa bà này lại thấy Becky có nhiều ý kiến xác đáng đối với những vấn đề tôn giáo; những ngày sống ở trại Crawley Bà chúa, Becky đã có dịp học hỏi nhiều về những vấn đề này. Cô ta bằng lòng nhận những cuốn sách tôn giáo bà này đưa cho, lại đọc cẩn thận. Becky còn may những tấm váy bằng len để tặng phái đoàn truyền giáo Quashyboo, may những chiếc mũ vải bông gửi cho thổ dân da đỏ ở Cocoanut, vẽ những cái quạt giấy gửi chúng vào công cuộc cải đạo cho người Do- thái của đức Giáo hoàng. Hàng tuần, cứ ngày thứ tư, Becky đi nghe ông Rowls giảng đạo, thứ năm đi nghe ông Huggleton, chủ nhật đi lễ nhà thờ hai bận, không kể buổi tối lại nghe ông Bawler thuyết giáo.
Nhưng tất cả đều vô ích. Bà Newbright có dịp trao đổi thư từ với bá tước Southdown phu nhân về công cuộc từ thiện của quỹ cứu trợ “Cái lồng ấm” nhằm giúp đỡ những người thổ dân đảo Fiji (đối với công cuộc từ thiện này, giới phụ nữ rất sốt sắng); trong một bức thư, bà này đã không tiếc lời ca tụng người bạn yêu dấu của mình là bà Rawdon Crawley. Bà bá tước bèn gửi một lá thư phúc đáp nói về Becky với đủ mọi chi tiết đặc biệt kèm theo những lời bóng gió, những bằng chứng và những lời vu cáo, tóm lại khiến cho mối giao tình thân mật giữa bà Newbright và bà Crawley đình chỉ ngay lập tức.
Và từ đó mọi người Anh đứng đắn ở thành Tours, nơi xảy ra sự việc tai hại này, cũng thôi hẳn không đi lại với con người bị ruồng bỏ ấy nữa. Ai đã từng am hiểu sinh hoạt của người dân Anh ở nước ngoài đều biết rằng đi đâu chúng ta cũng mang theo cả tính kiêu ngạo, những thành kiến, món nước sốt, món ớt cay cùng đủ mọi thứ thói quen khác, tóm lại để dựng thành một nước Anh-cát-lợi nho nhỏ ngay nơi chúng ta trú ngụ.
Rebecca bay chuyền từ nơi này đến nơi khác một cách khá vất vả, từ Boulogne cô ta đi Dieppe, từ Dieppe đi Caen, rồi từ Caen lại bỏ đi Tours... đến đâu cũng gắng hết sức sống một cuộc đời đáng kính; nhưng than ôi! vẫn không sao tránh khỏi một ngày nào đó lại bị lũ quạ phát hiện và đuổi ra khỏi tổ.
Trên con đường phiêu bạt, đã một lần Becky được bà Hook Eagles đón về cho ẩn náu; bà này là một người đứng đắn, cả đời không hề có tai tiếng gì, lại có một ngôi nhà riêng ở công viên Portman. Becky đến Dieppe thì gặp bà ta cũng đang sống tại khách sạn ở đây. Lần đầu tiên hai bên làm quen với nhau ngoài bờ biển, lúc cùng bơi trên mặt nước, sau đó lại gặp nhau nhiều lần trong phòng ăn công cộng của khách sạn. Bà Eagles có nghe phong thanh về câu chuyện giữa Becky và hầu tước Steyne (còn ai mà không biết đến chuyện này nữa?) nhưng sau một buổi trò chuyện với cô ta, bà tuyên bố rằng Becky là một vị thiên thần, còn anh chồng là một tên thô bỉ, hầu tước Steyne là một thằng khốn nạn như tất cả mọi người đều đã rõ; tóm lại tất cả những âm mưu bỉ ổi làm cho bà Crawley mất danh dự đều do bàn tay tên mặt hạng Wenham gây ra.
Bà Hook Eagles bảo chồng:
Này, ông Eagles, nếu ông quả thực là người có lương tâm, thì lần sau gặp tên khốn nạn ấy ở câu lạc bộ, ông phải bạt tai nó một cái hộ tôi.
Nhưng ông Eagles là một ông lão hiền lành, trời sinh ra để làm chồng bà Eagles, chỉ thích nghiên cứu khoa địa chất học, và cũng chẳng đủ cao lớn để với đến tai người khác mà bạt.
Thế là Becky được bà Hook Eagles che chở, đưa về sống chung tại nhà riêng ở Paris! Bà Eagles còn cãi nhau cả với vợ viên đại sứ Anh, vì bà này không chịu tiếp người được mình nâng đỡ; bà còn làm mọi việc một người đàn bà có thể làm để giữ gìn tiếng tăm cho cô ta nữa.
Thoạt tiên Becky cũng chịu sống một cuộc đời nền nếp, đứng đắn; nhưng rồi chẳng được bao lâu cô ta đã chán ngấy đến tận mang tai cuộc sống “nhà lành” tẻ ngắt ấy. Ngày nào cũng như ngày nào, vẫn chỉ ngần ấy chuyện lắp đi lắp lại, vẫn những tiện nghi nhạt nhẽo ấy, vẫn những cuộc giong xe đi chơi trong cái khu vườn Boulogne chán chết, vẫn ngần ấy khách khứa tiếp đãi buổi tối, vẫn những bài thuyết giáo trong cuốn Blair đọc tối chủ nhật, và vẫn vở kịch Opera diễn đi diễn lại mãi không chán. Becky đang sắp chết vì buồn nản thì may mắn làm sao cậu thanh niên Eagles từ trường đại học Cambridge về thăm gia đình. Bà mẹ thấy cô bạn gái bé nhỏ của mình làm cho con trai xúc động mạnh quá, bèn thẳng tay cảnh cáo Becky.
Sau đó, cô ta sống chung với một người bạn gái; được ít lâu cặp này bắt đầu cãi lộn nhau, và mắc nợ. Becky bèn quyết định sống cuộc đời ở trọ; cô ta đã sống ít lâu tại tòa nhà nổi danh của bà de Saint Amour, ở phố hoàng gia thành Paris. Becky bắt đầu đem cái duyên dáng hấp dẫn của mình ra thử với các cậu công tử quá thì và những đóa hoa khôi “nhuộm lại” vẫn ra vào phòng khách của bà chủ trọ. Tính Becky ưa giao thiệp; thiếu khách khứa cô ta không chịu nổi, chẳng khác gì anh nghiện thuốc phiện thiếu thuốc thì ngáp dài ngáp ngắn, cho nên thời kỳ ở trọ tại đấy, cô ta cho là có hạnh phúc nhất. Becky bảo với một người bạn cũ ở -Luân-đôn gặp lại đây thế này:
- Bọn đàn bà ở đây thú vị lắm, chẳng khác gì ở May Fair; có điều áo họ mặc không đẹp bằng. Đàn ông đi găng tay trắng muốt, nhưng cũng chỉ là một bọn thô tục chán mớ đời. Tuy thế họ cũng chẳng tồi tệ gì hơn mấy đứa bên kia. Bà chủ nhà hơi thô bỉ thật, nhưng xét ra cũng chưa thô bỉ bằng công nương...Cô ta nêu ra tên một bậc mệnh phụ đứng đầu giới phụ nữ thượng lưu lịch sự; thà chết chứ tôi chả dám nhắc lại đây. Phòng khách của bà de Saint Amour ban đêm thắp đèn sáng trưng. Đàn ông đeo toàn huy chương () ngồi đánh bài, đàn bà ngồi riêng với nhau cách xa một chút, trước cảnh tượng ấy ai chẳng bảo đây là nơi giải trí của xã hội thượng lưu, và bà chủ đích thị là một bá tước phu nhân chính hiệu. Nhiều người cũng tin tưởng như vậy và một thời, Becky đã là một trong số những bậc mệnh phụ lộng lẫy nhất ra vào phòng khách của bà bá tước.
Nhưng có lẽ đám chủ nợ của Becky
Cô ta đến thăm Waterloo, và nghĩa địa Laeken. Trông thấy nấm mộ của George, Becky xúc động mạnh. Cô ta lấy giấy bút ra ghi lại hình ảnh nấm mộ, vừa nghĩ thầm: “Cái anh chàng si tình đáng thương làm sao! Anh ta say mê mình ghê quá, mà anh ta cũng ngu ngốc không ai bằng. Không biết Emmy có còn sống không nhỉ? Con bé cũng tốt bụng đấy, cả cái lão anh trai béo ị của nó nữa. Mình vẫn còn giữ được cái tranh vẽ anh chàng béo, trông đến buồn cười. Kể ra họ cũng là những người tốt”.
Becky đến Brussels được bà de Saint Amour giới thiệu với một người bạn là bà bá tước de Borodino; bà này là vợ góa của bá tước de Borodino, một viên tướng nổi danh của Napoléon. Người anh hùng này chết đi chẳng để lại cho vợ được cái gì, ngoài cái nghề chứa trọ và gá bạc. Khách khứa đến ăn và bỏ tiền ra chơi trò may rủi tại nhà bà bá tước de Borodino là những cậu công tử bột và những tay trác táng () loại nhì. Những tay nổi tiếng trác táng, những bà vợ góa thường thường là đang có việc kiện cáo, và đám người Anh ngây thơ cứ tưởng tìm thấy ở đây một xã hội thượng lưu của lục địa. Mấy cậu trai trẻ hào hoa này quăng tiền ra thết rượu sâm-banh tất cả mọi người có mặt trong phòng ăn, giong xe ngựa đi chơi với phụ nữ, hoặc thuê ngựa cho họ đi du ngoạn ở vùng quê, thuê hàng lô ghế tại rạp Opera, và xúm xít xung quanh những đôi vai đẹp để trần của các bà các cô mà đánh cuộc với nhau trên chiếu bạc; thế rồi họ viết thư về kể lại cho gia đình ở Devonshire rằng họ đang gặp nhiều may mắn trong sự giao du với giới thượng lưu nước ngoài.
Cũng như tại Paris, ở đây Rebecca vẫn là một nữ hoàng của các nhà trọ. Hễ ai mời cô ta uống rượu sâm-banh, tặng hoa cô ta, mời cùng đi xe ngựa về vùng quê chơi hoặc ngồi ghế “lô” dành riêng trong rạp hát, không bao giờ cô ta từ chối; nhưng Becky mê nhất cái thú đánh bài xì ban đêm... mà cô ta chơi rất bạo. Mới đầu Becky chỉ đặt ít nhiều gọi là, dần dần đặt cửa từng đồng năm trong một, rồi đến từng cọc đồng Napoléon, cuối cùng thì đến từng sắp giấy bạc. Do đó, nhiều khi cô ta thua cháy túi không còn đủ trả tiền trọ phải vay tiền của những chàng trẻ tuổi. Khi trong túi lại rủng rỉnh tiền, Becky nói bà bá tước de Borodino không ra gì, nhưng lúc thiếu tiền chưa trả được thì cô ta mơn trớn nịnh nọt nói ngọt cứ như mía lùi. Dần dần có lần Becky phải chơi cò con, đặt cửa từng hào một, ấy là lúc đang cạn túi. Lại có những lần vừa nhận được tiền trợ cấp xong, cô ta sẵn sàng thanh toán sòng phẳng đủ mọi khoản với bà de Borodino, và hôm ấy cũng sẵn sàng, lại ăn thua với ông de Rossignol và ông de Raff trên ghế bạc.
Một sự thực đáng buồn khi Becky rời khỏi Brussels là cô ta còn thiếu lại bà de Borodino ba tháng tiền trọ () chưa trả. Nhân thế bà bá tước de Borodino mới đem đủ các thứ chuyện về Becky ra kể lại với bất cứ người Anh nào đặt chân đến cửa nhà bà: Nào là cô ta quỵt tiền trọ, cô ta đánh bạc, cô ta uống rượu, cô ta quỳ xuống mà van lạy ông mục sư Muff, tu sĩ Anh quốc giáo, để vay tiền, cô ta ve vãn tán tỉnh công tử Noodle, con trai bá tước Noodle và là học trò của mục sư Muff, cô ta hay mời cậu này vào chơi trong phòng riêng, và đánh bài với cậu này vớ được vô khối tiền... cùng hàng trăm thủ đoạn đê tiện khác nữa; để kết luận, bà bá tước tuyên bố rằng bà Rawdon quả thật là một con rắn độc()không hơn không kém.
Cứ như thế, người đàn bà này phiêu lưu nay đây mai đó, đi cắm lều tại khắp các thành phố ở Âu châu, sống cuộc đời vô định y như Ulysses hoặc tên Do thái lang thang ngày xưa. Càng ngày Becky càng đi sâu vào con đường trụy lạc. Cô ta trở thành một người đàn bà “Bôhêm” thực thụ, chung đụng cả với những hạng người mới gặp mặt cũng đủ khiến chúng ta dựng cả tóc gáy.
Không có thành phố nào gọi là đông đúc một tý mà thiếu mặt một bày lưu manh người Anh tụ tập để sinh nhai, tức là những người vẫn được ông Hemp, lục sự, đọc tên trước tòa án của vị Bảo an đại quan. Nhiều khi họ cũng là con cái các gia đình thượng lưu nhưng đã bị cha mẹ từ bỏ rồi. Hạng người này chuyên ra vào các phòng chơi bi-a, các quán rượu, chuyên tổ chức những cuộc đua ngựa và cầm đầu các sòng bạc. Họ là khách trọ của các nhà tù giam, những người quỵt nợ... họ uống rượu rồi đi nghênh ngang ngoài đường... họ gây sự đánh nhau, chửi nhau ầm ĩ... họ chuồn khỏi nhà trọ không thèm trả tiền... họ đấu súng với các sĩ quan người Pháp, và người Đức...họ chơi bạc bịp với ông Spooney, họ đi xe ngựa thật lịch sự đến sòng... họ thuộc lòng đủ mọi mánh lới bịp bợm, túi rỗng không những cứ lẩn quất quanh bàn bạc kỳ bao giờ vớ được một ông Spooney khác để lừa, hoặc đổi được một tờ ngân phiếu giả cho lão chủ nhà hoặc cho lão chủ nhà băng người Do- thái nào đó mới chịu. Cái cảnh lên voi xuống chó của đám người này trông thấy mà bật cười. Cuộc đời của họ hẳn cũng có nhiều cái kích thích, Becky - chúng ta phải thú nhận như vậy- đã lăn vào cuộc đời ấy mà không phải là với thái độ miễn cưỡng đâu. Cùng với đám người “Bôhêm” này, cô ta lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác. Kháp các sòng bạc nước Đức khét tiếng bà Rawdon vận đỏ. Cô ta và bà de Cruchecassee cùng trọ chung một nhà với nhau ở Florence. Nghe đồn rằng chính quyền thành phố Munich đã ra lệnh bắt cô ta phải đi khỏi nơi này. Một người bạn tôi là ông Frederick Pigeon xác nhận rằng chính tại nhà Becky ở Lausanne, ông ta đã bi chuốc rượu cho say bí tỷ, rồi đánh bài mất toi với thiếu tá Loder và ngài Deuceace tám trăm đồng. Xin các bạn biết cho rằng chúng tôi bắt buộc phải kể lại đoạn đời này của Becky, nhưng có lẽ về chuyện này, càng nhắc đến ít bao nhiêu càng tốt thì phải.
Có người kể lại rằng khi nào Rebecca gặp vận bĩ thì cô ta lại mở lớp âm nhạc, hoặc mở những cuộc hòa nhạc để kiếm kế sinh nhai. Một lần thấy quảng cáo có bà de Raudon tổ chức biểu diễn âm nhạc () ở Wildbad, với sự cộng tác của Herr Spoff, đệ nhất tài tử dương cầm trong đội nhạc công của phó vương Wallachia. Anh bạn Eaves của tôi, con người biết khắp mặt thiên hạ trên đời này, và cũng đã từng đi chu du khắp đó đây, thường nói chuyện rằng vào năm 1830 anh ta đến Strasburg chơi, có thấy một bà Rebecque nào đó xuất hiện trên sân khấu rạp ca vũ. Bà Blanche, lần ấy bà này bị khán giả la ó cực kỳ dữ dội. Họ hò reo huýt sáo làm cho người đàn bà này phải chuồn ngay khỏi sân khấu, một phần vì nhà nghệ sĩ quá vụng về, nhưng chủ yếu là vì một số khán giả ngồi ở khu vực ghế hạng nhất () đã biểu lộ cảm tình một cách quá lộ liễu (chỗ này đặc biệt dành riêng cho các sỹ quan trong doanh trại). Eaves chắc chắn rằng nhà nghệ sĩ mới vào nghề () không may ấy, đích thị là bà Rawdon Crawley chứ không còn ai nữa.
Sự thực là bây giờ Rebecca đã trở thành một con người giang hồ phiêu bạt thực thụ; kiếm được đồng nào, cô ta mang đánh bạc hết, mà hễ thua cháy túi, là cô ta dùng mọi thủ đoạn để xoay bằng ra tiền để lại đem đánh bạc; đố ai biết cô ta còn từ thủ đoạn gì không dùng để làm tiền? Cũng có người đồn rằng một lần gặp Becky ở St. Petersburg, nhưng ngồi chưa nóng chỗ, cô ta đã bị sở cảnh sát trục xuất thẳng cánh; vì thế có lẽ tin đồn Becky sau này là một nữ điệp viên của Nga ở Toplitz và Vienna cũng không có căn cứ gì. Chính tôi cũng được có người cho biết rằng ở Paris, Becky có gặp người nhà; chẳng phải ai khác, chính là bà ngoại của cô ta. Bà lão không hề là con cháu dòng họ Montmorenci bao giờ, chỉ là một bà già xấu xí nom đến tởm làm nghề đưa chỗ ngồi trong một rạp hát tại “Phố lớn”. Cuộc gặp gỡ giữa hai bà cháu nhất định phải cảm động như một số người hình như được chứng kiến đã kể lại. Kẻ chép truyện vì thiếu tài liệu đích xác nên không dám tả lại ở đây.
Một lần ở La Mã, Rebecca vừa lĩnh món tiền trợ cấp sáu tháng của mình tại một nhà ngân hàng lớn trong thành phố, nhà tài phiệt này có lệ hàng năm, vào mùa đông đều có tổ chức dạ hội để mời các khách hàng có tài khoản tại nhà ngân hàng từ năm trăm đồng ê-quy trở lên. Nhân thế, Becky có hân hạnh vớ được một tấm thiếp mời đến dự một buổi chiêu đãi rất sang trọng của thân vương Polonia và quận chúa. Bà quận chúa thuộc dòng dõi gia đình Pompili tức là ăn về ngành trưởng chi họ đệ nhị hoàng đế La Mã và công chúa Egeria thuộc hoàng gia Olympus. Còn ông nội thân vương là Alessandro Polonia thì làm nghề bán xà phòng, dầu thơm, thuốc lá và khăn tay lại kiêm thêm nghề đưa thư cho các ông sang trọng để kiếm tiền và cho vay lãi vặt. Giới tai mặt khắp thành phố La Mã chen chúc nhau xô đến phòng khách của thân vương Polonia...Đủ mặt các bậc vương công, các vị đại sứ, các nhà nghệ sĩ tài danh, các tay nhạc công và cả những cậu trai trẻ có người đỡ đầu giới thiệu...nghĩa là khách khứa thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Phòng khách của thân vương bài trí cực kỳ rực rỡ huy hoàng, chỗ nào cũng thấy lóng lánh toàn những bức tranh lồng trong khung mạ vàng và những thứ đồ cổ khả nghi. Trên tất cả các mái nhà, cánh cửa cũng như mặt tường, la liệt những huy hiệu đồ sộ mạ vàng của ông hoàng chủ nhân; một cái nấm bằng vàng trên nền đỏ thẫm (tức là nhãn hiệu loại khăn tay do ông ta sản xuất) và một cái vòi nước bằng bạc (tức là huy hiệu riêng của gia đình Pompili). Trên chiếc riềm màn đồ sộ bằng nhung đỏ, dành riêng để tiếp đón đức Giáo hoàng và Hoàng đế, cũng có đính một tấm huy hiệu sáng quắc.
Thế là Becky vừa từ Florence đi xe ngựa thuê đến trọ tại một quán trọ tầm thường cũng nhận được một tấm thiếp mời dự đại hội. Hôm ấy chị hầu gái của cô ta ra sức mà trang điểm cho chủ thật cầu kỳ. Đoạn Becky khoác tay thiếu tá Loder đến dự buổi đại hội long trọng. Hồi này thiếu tá với Becky tình cờ thành đôi bạn đồng hành trên bước đường phiêu lưu (hắn cũng chính là người năm sau đã bắn chết hoàng tử Ravoli ở Naples trong một cuộc đọ súng tay đôi, và cũng đã bị bá tước John Buckskin đánh cho mấy gậy vì tội giấu mấy con “xì” trong mũ định giở trò gian lận trong lúc đánh bài). Cặp trai gái này cùng tiến vào phòng hội; Becky gặp lại vô số bộ mặt quen thuộc cũ hồi cô ta đang còn được hưởng những ngày hạnh phúc, tức là thời kỳ cô ta không phải là vô tội, nhưng chưa bị ai khám phá ra là có tội.
Thiếu tá Loder cũng gặp lại một số bạn cũ người ngoại quốc, bọn này để bộ râu dài nhọn hoắt, có đôi mắt sáng quắc, bận quần áo tầm thường, trên ve áo có đính những chiếc cuống huy chương đã bạc màu. Ta để ý thấy người Anh nào có mặt trong phòng hội cũng tìm cách tránh mặt anh chàng thiếu tá. Lác đác Becky cũng gặp lại vài bà sang trọng quen biết, tức là mấy bà góa người Pháp, mấy bà bá tước người Ý bị chồng đối xử không ra gì... (không biết có thật không; ôi chao... chúng ta đã từng được tiếp xúc với những con người thượng lưu cao quý trong Hội chợ phù hoa, vậy nói đến cái bọn lưu manh mạt hạng này làm quái gì. Nếu chúng ta đánh bài, nhớ dùng cỗ bài mới nguyên, thật sạch, chớ có đụng đến những cỗ bài cáu bẩn. Ai đã từng có dịp du lịch đây đó, thế nào cũng có ngày gặp những tên thổ phỉ không chính quy này, chúng cứ bám nhằng nhằng lấy đội quân du lịch chủ lực; chúng ăn mặc sang trọng như ông hoàng, huênh hoang toàn những chuyện công to việc lớn, nhưng trong bụng chỉ lăm le cướp bóc người khác để mưu lợi cho mình và đôi khi ta thấy chúng bị treo cổ bên lề đường.)
Becky ung dung khoác tay thiếu tá Loder đi thăm các phòng hội, họ ra quầy rượu nốc sâm banh thỏa thích. Đây là chỗ khách khứa chen lấn xô đẩy nhau dữ dội nhất, đặc biệt là mấy đám bè bạn của thiếu tá. Cặp trai gái này giải khát đủ dùng rồi, bèn dắt nhau mò tới tận gian phòng khách của bà quận chúa ở mãi tận cuối dãy phòng; gian phòng này căng toàn nhung màu hồng quanh tường, có bày một bức tượng thần Vệ nữ soi bóng vào một tấm gương cực lớn lồng trong khung bằng bạc. Đây là chỗ vị quý tộc chủ nhân dành riêng để tiếp toàn những vị khách quý nhất. Họ ngồi dùng tiệc quanh một chiếc bàn tròn. Becky nhớ lại rằng trước kia cô ta đã dự một bữa tiệc gồm toàn những khách chọn lọc tương tự tại nhà hầu tước Steyne... bây giờ chính lão đang ngồi kia, ngay cùng bàn với ngài Polonia, Becky nhìn thấy rõ ràng.
Vết sẹo do viên kim cương gây nên còn để lại trên cái trán hói trắng bóng của lão một vạch đỏ. Lão đã nhuộm lại bộ râu đỏ quạch của mình thành màu sẫm hơn, khiến cho sắc mặt lão vốn tai tái trông lại càng thêm nhợt nhạt. Lão đeo đủ các thứ huy chương và bội tinh trên ngực. Giữa đám thực khách, lão có vẻ là người quan trọng nhất, mặc dầu hôm ấy có mặt một vị quận công, một bà quận chúa và các tiểu thư. Ngồi kề bên lão hầu tước là bà bá tước Belladonna kiều diễm tục danh () là Glandier; chồng bà là bá tước Paolo della Belladonna, rất nổi danh về một công trình sưu tầm các loại sâu bọ; ông ta vắng nhà đã lâu, vì bận đảm nhiệm một sứ mệnh bên cạnh quốc vương Maroc. Gặp lại bộ mặt quý phái quen thuộc kia, Becky đột nhiên cảm thấy thiếu tá Loder trở thành thô tục quá sức, mà cái anh chàng đại úy Rook mới khiếp chứ, mồm sặc sụa toàn mùi thuốc lá! Phút chốc Becky sống lại cuộc đời mệnh phụ trong quá khứ; cô ta cố gắng lấy lại điệu bộ và sống lại tâm trạng như hồi còn ở khu May Fair. Becky nghĩ thầm: “Cái con mụ kia mạt mũi đến ngờ nghệch, nom buồn buồn thế nào ấy; mẽ người như thế, nhất định không sao làm cho hầu tước vừa ý được. Chắc ngài đến phải phát ngấy... trước kia mình chưa bao giờ làm ngài chán”. Bao nhiêu ý nghĩ đáng cảm động như vậy dồn dập kéo đến, những niềm hy vọng, những nỗi e dè, những kỷ niệm đã qua, làm cho trái tim bé nhỏ của Becky rộn ràng đập mạnh, trong lúc cô ta hướng đôi mắt sáng long lanh nhìn về phía nhà quý tộc (cô đánh phấn hồng lên tận mí mắt, làm cho đôi mắt chiếu ra những tia sáng lấp lánh).
Khi nào đeo đủ các thứ huy chương trên người, hầu tước Steyne vẫn ưa những điệu bộ thật đường bệ, cách cử chỉ ăn nói đúng như một ông hoàng. Nom cái cười nở nang của lão, cái dáng điệu thoải mái, sang trọng, đường hoàng của lão, sao mà Becky cảm phục thế. Trời ạ! Ngài thật là một người bạn tâm tình thú vị; con người mới thông minh tinh tế làm sao, nói chuyện thật khéo, mà phong nhã không ai bằng. Thế mà bây giờ cô ta lại đi vớ lấy một anh thiếu tá Loder sặc sụa mùi thuốc lá và rượu mạnh, cùng một anh chàng đại úy Rook ăn nói bừa bãi, thô tục như một thằng bồi ngựa. Becky băn khoăn: “Không biết hầu tước có còn nhận ra mình nữa không?!.
Vừa lúc ấy, hầu tước Steyne đang nói cười vui vẻ với một người mệnh phụ ngồi cạnh, chợt ngẩng lên nhìn thấy Becky.
Bốn mắt gặp nhau. Becky run cả người vì hồi hộp... Cô ta vội mỉm một nụ cười duyên dáng nhất và khẽ nghiêng đầu chào vừa có vẻ nhút nhát, lại vừa có ý van lơn. Trong có đến một phút đồng hồ, lão đờ người ra há hốc mồm nhìn trân trân vào mặt Becky, y như Macbeth khi thấy Banquo đột nhiên hiện hồn về giữa lúc đang dự tiệc trong buổi dạ hội (). Lão cứ há mồm ra mà nhìn mãi, thì vừa lúc cái anh chàng thiếu tá Loder gớm ghiếc kia đến nắm tay Becky kéo đi.
Loder nói:
- Này Rebecca, ta sang bên phòng ăn đi; nhìn bọn quý tộc họ chè chén với nhau, mình thấy nước bọt ứa ra đầy mồm. Ta sang bên kia nếm mùi sâm-banh của lão già một tý cái đã.
Becky thầm nghĩ anh chàng thiếu tá đã nếm quá đủ rượu sâm-banh của vị chủ nhà rồi.
Hôm sau, cô ta lại thẩn thơ dạo chơi trên đồi Pincian; đây tức là công viên Hyde của những người dân La Mã nhàn hạ. Có lẽ cô ta muốn nhìn lại mặt hầu tước Steyne một tý thì phải. Nhưng Becky chỉ gặp một người quen khác là Fiche, tay chân thân tín của nhà đại quý tộc. Fiche gật đầu chào cô ta có vẻ hơi suồng sã; hắn giơ một ngón tay lên vành mũ, tiến lại gần nói: “Tôi biết thế nào cũng gặp bà ở đây. Tôi đã đi theo bà ngay từ lúc bà bước ra khỏi khách sạn. Có một điều này muốn khuyên bà.”
Becky hỏi lại:
- Ông thay mặt hầu tước Steyne chăng?
Cô ta hết sức lấy dáng điệu thật kiêu hãnh, trong lòng khấp khởi chờ đợi và hy vọng. Tên tay sai đáp:
- Không, lời khuyên của chính tôi. Thành phố La Mã thời tiết độc lắm.
- Mùa này thì trời vẫn đẹp ông Fiche.
- Thưa với bà rằng ngay bây giờ cũng rất đáng ngại. Đã nhiều người mắc bệnh sốt rét rồi. Ở đây mùa nào cũng có nhiều người chết vì cái gió quỷ quái thổi từ vùng đồng lầy về. Này, bà Crawley, xưa nay bà vẫn là người biết điều (), tôi rất quan tâm đến bà, xin lấy danh dự mà thề () như vậy. Bà nên cẩn thận. Hãy đi khỏi La Mã đi, tôi nói thật đấy... nếu bà không muốn mắc bệnh mà chết.
Becky gượng cười, nhưng tưởng như muốn điên lên vì tức giận.
- Thế nào, lại muốn ám sát một con người yếu ớt đáng thương như tôi à? Chuyện lãng mạn đấy nhỉ! Có thật hầu tước thuê cả những tên sát nhân làm tay chân và mang theo dao găm đầy hành lý không? Úi chào! Tôi cứ ở lại đây, dẫu có vì thế mà ngài bực mình cũng chẳng sao. Trong thời gian tôi ở đây, sẽ không thiếu người bênh vực cho tôi.
Lần này đến lượt Fiche tiên sinh phá ra cười:
- Bênh vực cho bà! Ai đấy nhỉ? Ông thiếu tá chăng? Ông đại úy chăng? Bất cứ tên cờ bạc bê tha nào trong số bè bạn bà vẫn đi lại đều sẵn sàng đánh đổi tính mệnh của bà lấy một trăm đồng đấy. Chúng tôi biết nhiều chuyện hay lắm về thiếu tá Loder (hắn đâu còn là thiếu tá cũng như tôi đâu còn là hầu tước nữa, thưa bà), nghĩa là những chuyện đủ đưa hắn vào xà-lim hoặc nặng hơn thế nữa. Chuyện gì trên đời này chúng tôi cũng biết. Chỗ nào chúng tôi cũng có bè bạn. Chúng tôi biết rõ cả hồi ở Paris, bà đi lại với những ai, bà gặp lại những người nào trong gia đình. Được lắm, mời bà cứ việc tròn mắt lên mà ngạc nhiên; đúng thế đấy, xin hỏi bà tại sao không một viên lãnh sự Anh nào trên lục địa chịu cho bà gặp mặt? Ấy là vì bà đã trót làm mếch lòng một người... Người đó không bao giờ tha thứ cho bà đâu... Nay gặp lại mặt bà, cơn giận dữ của người ấy còn ghê gớm hơn trước nữa. Đêm qua về nhà, ngài như người phát điên. De Belladonna phu nhân gây sự với ngài về chuyện bà, rồi mới nổi cơn tam bành lên, khiếp quá.
- Ồ, thì ra bà de Belladonna sai ông đến đây phải không?
Becky cảm thấy nỗi lo sợ do lời đe dọa vừa rồi dịu đi đôi chút.
- Không phải đâu...bà ấy không dính dáng gì đến việc này...bao giờ bà ấy chả hay ghen lồng ghen lộn lên như thế. Xin thưa bà rõ, chính hầu tước phái tôi lại đây. Bà đã để cho ngài nhìn thấy mặt, thực là vô cùng dại dột. Nếu bà nhất định ở lại đây, rồi bà sẽ phải hối hận. Nhớ kỹ lời tôi nói đấy. Thôi đi đi. Kìa, xe của hầu tước sắp đến.
Fiche nắm cánh tay Becky kéo vội vào một con đường nhỏ trong công viên; vừa lúc ấy, chiếc xe ngựa đồ sộ có treo huy hiệu hầu tước Steyne ầm ầm dọc theo đại lộ chạy đến. Xe kéo bởi một cặp ngựa quý vô giá. De Belladonna phu nhân ngồi trên đệm xe, đẹp lộng lẫy, nhưng vẻ mặt rầu rầu như đang có chuyện bực mình, một cái ô trắng lắc lư xoay trên đầu, bà ta ôm trong lòng một con chó non “Hoàng đế Charles”. Lão hầu tước Steyne nằm dài ra bên cạnh, mặt mũi bơ phờ, mắt lờ đờ. Thỉnh thoảng, đôi mắt lão cũng sáng lên đôi chút vì căm thù, vì giận dữ hoặc vì thèm muốn, nhưng bình thường thì đôi mắt ấy không có chút ánh sáng nào, như đã quá chán ngán vì phải nhìn mãi cuộc sống mà hương nhụy là bao nhiêu lạc thú và vẻ đẹp mỹ miều nhất đã bị lão già mệt mỏi và bỉ ổi này hút hết cả rồi.
Chiếc xe lao vút qua trước mặt hai người. Rebecca đứng núp sau một lùm cây còn ghé mắt nhòm theo. Fiche tiên sinh thì thầm với cô ta:
- Hầu tước sẽ không bao giờ quên được câu chuyện đêm qua, không bao giờ đâu. Becky nghĩ thầm:
- Âu cũng là một điều đáng an ủi.
Không biết lão hầu tước có ý định giết Rebecca như lời Fiche tiên sinh nói không? Nhưng tên tay sai không muốn phải dùng đến thủ đoạn giết người, hay là hắn chỉ có nhiệm vụ đe dọa Rebecca, cất buộc cô ta phải rời bỏ thành phố La Mã, vì lão chủ có ý định lưu lại đây qua mùa đông, và vì nhìn thấy mặt cô ta, lão càng đâm bực mình. Điều này không ai có thể nói chắc được. Chỉ biết rằng lời đe dọa ấy có hiệu lực; người đàn bà xảo quyệt ấy không còn dám tìm cách mon men đến ra mắt ông chủ cũ nữa. Còn Fiche thì sau khi hầu tước Steyne chết, hắn quay về sống tại quê nhà, rất được mọi người kính trọng, vì hắn đã mua được cái danh vị nam tước Ficci.
Mọi người hẳn còn nhớ cái chết đáng tiếc của nhà đại quý tộc.
Ngài tạ thế tại Naples hai tháng sau khi cuộc đại cách mạng Pháp năm 1880 nổ ra. Tin cáo phó đăng trên báo như sau: “Ngài George Gustavus tôn kính, hầu tước Steyne, bá tước Gaunt, chúa lâu đài Gaunt, tước đại quan Ai len, tử tước Hellborough, nam tước Pitchley và Grillsby, tước tùy giá hiệp sĩ, bội tinh “Lông cừu vàng” Tây-ban-nha, đệ nhất đẳng bội tinh Saint Nicholas Nga, bội tinh “Mặt trăng khuyết” Thổ Nhĩ Kỳ, tước Thị vệ đại thần, Đại tá chỉ huy trung đoàn dân vệ trực thuộc Hoàng tử nhiếp chính, ủy viên quản trị Hàn lâm viện Hoàng gia, ủy viên quản trị trường đại học “Tam vị nhất thể” và học viện “Dòng tu sĩ áo trắng”... đã tạ thế vì bị xúc động quá mạnh trước sự sụp đổ của Hoàng gia nước Pháp”.
Một tờ tuần báo dành riêng một mục kể lại bằng những lời xưng tụng hùng hồn đức tính, tài năng, sinh hoạt huy hoàng và những việc làm cao quý của hầu tước. Sinh thời hầu tước vẫn nhận có họ hàng với dòng họ Bourbon nước Pháp; vốn tính đa cảm, ngài không thể sống nổi trước cái tai họa ghê gớm gieo xuống đầu những người thân thích tôn quý của mình. Thi hài ngài hầu tước được mai táng tại Naples, còn trái tim ngài - trái tim đã từng rung động vì những tình cảm vô cùng cao đẹp - được bỏ vào trong một chiếc bình bằng bạc đưa về lâu đài Gaunt.
Wagg tiên sinh viết trên báo: “Ngài chết đi, quần chúng nghèo khổ và nền mỹ thuật mất một người che chở rộng lượng, xã hội thượng lưu mất một thành viên tiêu biểu nhất, nước Anh mất một chính khách đại tài, một nhà ái quốc cao quý nhất, v.v... v.v...”.
Người ta tranh cãi nhau kịch liệt về tờ di chúc ngài hầu tước để lại. Một vụ kiện nổ ra nhằm buộc bà de Belladonna hoàn lại một viên kim cương quý giá đặt tên là “Mắt thằng Do-thái”, mà lúc còn sống hầu tước vẫn hay đeo ở ngón tay trỏ; người ta đồn rằng sau khi ngài từ trần, bà de Belladonna đã tự ý rút ra đút túi.
Nhưng người bạn thân tín đồng thời là người giúp việc của ngài là ông Fiche đã đứng ra làm chứng rằng hai ngày trước khi từ trần, chính hầu tước đã tặng bà de Belladonna chiếc nhẫn kim cương này của ngài, cùng những ngân phiếu quốc gia của thành Naples và nước Pháp, v.v.. Những thứ này người ta tìm thấy trong ngăn kéo bàn giấy của hầu tước. Những người thừa kế của ngài cho rằng người đàn bà vô tội kia đã tước đoạt, cứ nhất định đòi hoàn lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.