Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 261: Mã số 055 - Câu chuyện tiếp nối (10)




Đoạn clip đến đây cuối cùng cũng tua nhanh. Ánh lửa nhảy nhót càng ngày càng mạnh, tốc độ thiêu rụi của vũng chất lỏng cũng nhanh hơn, diện tích và độ dày cũng thu nhỏ lại. Ánh lửa màu đỏ vàng dần dần tàn lụi, màu sắc cũng biến thành gam lạnh, không phải màu xanh đen, mà là màu sắc giao hòa giữa xanh lục và xanh lam. Cái vũng chất lỏng đó cũng biến thành một màu kì dị. Đến khi lửa tắt hẳn, trong phòng bỗng xuất hiện một luồng gió kì lạ, thổi một vòng, rồi giống như lúc xuất hiện cũng đột nhiên biến mất. Xác chết trong phòng đã không thấy đâu, nhưng vết tích thì vẫn còn, vật dụng trong nhà đa số bị hư hỏng và phủ một lớp tro dày. Đám cháy trước đó cùng với cơn gió xuất hiện cứ như một giấc mơ.
Ngô Linh bước vào trong căn phòng, màn ảnh tìm kiếm khắp căn phòng rộng lớn.
Căn phòng này không giống với phòng bên, mặc dù có giường và bàn ghế giống nhau, nhưng trong đám bàn ghế ấy lại có thêm bàn thờ, ghế bành và một cái tủ dựa vào tường. Những vật dụng bằng gỗ và đống sách đóng bằng chỉ trong tủ lại không bị thiêu hủy trong ngọn lửa vừa nãy.
Ngô Linh đến kiểm tra những vật dụng trong nhà và đống sách đó, nhưng vẫn không phát hiện có gì bất thường.
Màn ảnh lại chuyển lên người ông lão.
Trên mặt ông lão là dáng vẻ suy nghĩ khổ sở, mồ hôi chảy ròng ròng trên cái trán đầy nếp nhăn, máu đen cũng chảy ra ngoài ở vết thương nơi cổ.
“Hai căn phòng này đều không phát hiện cái xác, vậy thì chỉ còn lại cái phòng ở sân sau thôi. Cánh cửa đầu dãy hành lang này nối với sân sau của căn nhà đúng không?” Vừa hỏi xong, Ngô Linh liền nhấc chân định đi.
Bỗng nhiên ánh mắt ông lão sáng bừng, vỗ tay một cái: “À đúng rồi! Khi bà ta chữa bệnh ở đây, còn đi nhà xí nữa!”
“Những nơi bẩn thỉu như thế lại là nơi thích hợp nhất để bày ra những loại pháp thuật tà ác.” Ngô Linh nhận xét một câu.
Ông lão nhanh chóng chạy ra ngoài. Dáng vẻ của ông ấy như là trẻ ra hai mươi tuổi vậy, linh hoạt lại nhanh nhẹn. Nhưng ông ta đã chết ở trong hiện thực rồi, với lại thời gian cũng trôi qua hơn trăm năm, nếu như ông ta có thể ra khỏi đây thì có tác dụng gì?
Ngô Linh cũng chạy theo ông ấy.
Màn ảnh quay đến khung cảnh ở cánh cửa phía sau.
Phía sau hành lang nhỏ hẹp là một cái sân lớn, sau nó là một dãy phòng ở. Toàn bộ cái sân là hình vuông, góc trái còn bị thiếu mất một miếng, đã dựng lên tường rào, có lẽ là vị trí của hai căn phòng kia.
Phía trên cái sân rộng mở không có mái nhưng nó lại là một mảnh đen thẫm, giống như là có người dùng mực tô lên khoảng không vậy. Cho dù là bầu trời đêm không trăng không sao, cũng không đen được như thế. Màu đen này giống như cảnh tượng quay được ở ngoài Thần Nông Đường.
Ông lão chạy về phía cái nhà xí ở góc bên phải, đưa tay đẩy cửa ra.
Màn ảnh di chuyển một vòng quanh sân, quay toàn cảnh cái sân sau, rồi sau đó lại chuyển động về cái nhà xí kia.
Nhà xí ở thời cổ đại trông khá đơn sơ, bên trong nhà xí chỉ đặt một cái bô làm bằng gỗ. Tuy cái bô được rửa sạch, cũng bám bụi như những vật dụng khác nhưng không hiểu sao vẫn làm cho người khác cảm thấy khó chịu. Ông lão không cảm thấy ghê tởm, mà lại vô cùng hăng hái, dùng tay sờ bốn bức tường trong nhà xí, sau đó lại cầm cái bô đó lên, lật qua lật lại xem.
Ngô Linh lên tiếng nhắc nhở: “Trên mặt đất còn có dấu vết này.”
Ông lão lúc này mới đặt cái bô xuống một bên.
Màn ảnh được đưa lại gần vị trí đặt cái bô lúc nãy. Bởi vì khắp nơi đều phủ đầy bụi nên trên mặt đất chỗ này liền xuất hiện một dấu vết rất rõ.
“Đây chắc chỉ là do đóng bụi thôi mà.” Ông lão ngồi xổm xuống đất, dùng tay phủi lớp bụi trên sàn, sau đó ông ấy bỗng kêu lên: “Ủa?”
Ông lấy tay lau qua chỗ đó, tuy lớp bụi biến mất nhưng dấu vết hình tròn vẫn còn đó.
“Chẳng lẽ là do cái bô này được đặt ở đây quá lâu sao...” Ông lão vẫn không ngừng sờ soạng mặt đất. Tinh thần nghiên cứu của ông lão được phát huy triệt để.
Ngô Linh cũng không thúc giục, chỉ đứng quay chụp ở một bên.
Sàn nhà xí không lát gạch xanh mà là nền đất cũ kĩ. Ông lão cứ như thần kinh mà ngồi đấy sờ, nhưng dần dần, ông ấy bắt đầu dùng tay cố sức đào bới nền đất cứng cáp. Đào đến nỗi móng tay cũng sắp bị bật ra khỏi ngón luôn. Máu tươi tuôn ra liên tục nhưng dường như ông ấy không cảm thấy đau đớn chút nào cả, vẫn đào bới không ngừng như bị ma nhập.
Đất cát đào ra thì bị ông lão tiện tay ném sang một bên, đào cũng không quá lâu thì ông lão bỗng khựng lại, cả người bắt đầu run lẩy bẩy. Một lúc lâu sau, ông ấy mới từ từ quay đầu lại.
Trong màn ảnh, biểu cảm trên gương mặt ông lão rất kỳ quái, như đang cười nhưng lại như đang khóc, ngoài ra còn có thêm chút ngạc nhiên và có cả oán hận nữa.
Ngô Linh vẫn không nói gì cả, cô ấy chỉ đứng đó, trên tay cầm máy quay. Cô cũng không đi quay xem ông lão đào được gì, cũng không quay cận cảnh ông lão.
Ông lão thở dài một hơi, quay đầu lại tiếp tục đào, động tác đã trở nên ổn định hơn nhưng thân thể vẫn còn run nhè nhẹ. Ông lão cẩn thận từng tý một, phủi qua thứ gì đó bên trong hố, rồi dùng hai tay đem thứ đó nhấc ra ngoài.
Thứ đó được bọc một tấm chiếu cỏ bên ngoài, không to lắm. Ông lão đặt xuống đất một cách cẩn thận. Trước đó tinh thần ông dường như trẻ ra hai chục tuổi nhưng giờ đây bỗng chốc lại trở nên già đi. Sức lực cả người như bị rút sạch, lộ ra dáng vẻ như bị thứ gì đó đáng sợ dọa cho vỡ mật vậy.
Lúc này Ngô Linh bước lên phía trước, lật tấm chiếu cỏ ra.
Bàn tay của ông lão xuất hiện trong màn ảnh, hình như ông ấy muốn ngăn động tác của Ngô Linh nhưng mà lại muộn một bước.
Bên trong màn ảnh, cái chiếu cỏ bị lật ra, bỗng chốc xuất hiện một cái xác của trẻ con. Cái xác đã bị thối rữa hơn một nửa rồi, trên đó vẫn còn những còn dòi lúc nhúc, bò qua bò lại giữa những khe hở quần áo.
“Là con của Dương thị sao?” Ngô Linh bình tĩnh hỏi.
Ông lão đưa tay sờ tấm chiếu cỏ, rồi lại đưa tay sờ bộ quần áo đã bị phai màu trên người đứa trẻ đó, “Tôi không biết... Đứa trẻ đó... Dương thị bồng cái xác...” Ông ta nói lắp ba lắp bắp, không dám thở mạnh, mỗi câu cũng không dừng quá lâu, dường như đang cảm thấy thống khổ đau đớn không thể chịu được.
“Xảy ra chuyện gì?” Giọng nói của Ngô Linh trở nên nghiêm túc hơn.
Màn ảnh chuyển động đối diện với ông lão.
Ông lão ngồi dưới đất, ánh mắt nhìn chằm chằm về phía cái xác trẻ sơ sinh kia, trong hốc mắt chảy ra vài giọt nước mắt.
Mãi một lúc lâu sau, ông lão mới nói: “Tôi còn nhớ hôm đó, Dương thị bế đứa bé bước vào. Mặt đứa trẻ lúc ấy đã bắt đầu tái xanh rồi. Thầy thuốc Từ vừa nhìn thấy liền hoảng hốt gọi tôi. Lúc đấy tôi đang châm cứu cho người khác ở trong phòng, nghe thấy tiếng liền nhanh chóng đi ra. Vừa nhìn thấy dáng vẻ đứa trẻ tôi liền nhanh chóng cướp nó trên tay Dương thị mang vào phòng, châm cứu, xoa bóp, cũng gọi thầy thuốc Từ đi sắc thuốc. Trẻ sơ sinh thì làm sao có thể nuốt được viên thuốc to như vậy chứ? Thầy thuốc Từ đem những viên thuốc dùng để cấp cứu hòa thành nước... Chúng tôi đang bận rộn, còn Dương thị ở một bên khóc kêu cứu con bà ấy… Hình như là đứa con trưởng của tôi thì phải, nó đang ngồi trong y quán liền giúp chúng tôi an ủi Dương thị, để cho bà ta không quấy rối chúng tôi nữa. Khi thầy thuốc Từ mang thuốc vào, Dương thị đụng phải ông ta khiến bát thuốc rơi đổ mất… Thực ra, dù thuốc không bị đổ thì đứa trẻ ấy uống vào, có hiệu quả hay không chúng tôi cũng không biết. Thời đại lúc đó của chúng tôi làm sao so được với thời đại của mấy cô...”
Ông lão cười khổ: “Đứa bé đó chết rồi, Dương thị không làm loạn nữa mà chỉ ôm đứa bé khóc không ngừng, cả người như mất đi hồn vía vậy. Người nhà chồng cô ta sau đó mới chạy tới, vừa nghe thấy đứa trẻ chết rồi liền nói là chúng tôi hại chết nó. Sau đó tôi nghe ngóng mới biết được, những tháng ngày Dương thị ở nhà chồng sống không được tốt lắm, cha mẹ chồng cùng chồng đều không thích bà ta. Bà ta khó khăn lắm mới sinh được một đứa con, thế mà nó lại chết… Nhà chồng của Dương thị muốn bồi thường tiền, tôi đứng ra đưa cho họ một ít tiền làm đám tang. Tôi đã nói rõ ràng là tiền lo đám tang cho đứa bé, chứ không phải là tiền bồi thường do chúng tôi hại chết người. Thế nhưng bọn họ vẫn không chịu buông tha cho chúng tôi. Cháu nội lớn của tôi lúc đó mới mười mấy tuổi, đang theo học cứu chữa bệnh ở y quán. Nó còn nhỏ, tính tình nóng nảy liền cãi nhau với người ta. Nó nói đều rất có lý, rõ ràng rành mạch. Nó nói bệnh của đứa bé không dễ chữa, khi đưa đến thì đã muộn rồi, Dương thị còn đánh đổ bát thuốc, còn tra ra được nhiều người trong nhà họ trước đây cũng chết do bệnh tim. Nhưng nó nói có lý thì sao chứ? Mấy người kia căn bản là không chịu nói lý lẽ...”
Vừa nói ông lão vừa rơi nước mắt: “Sau đó con trai cả của tôi bị họ đánh cho một trận, xém tí nữa tay bị phế luôn rồi, sau này cũng không thể hành nghề y được nữa. Cháu nội lớn của tôi sau đó liền ít nói đi. Tôi thấy chuyện này không ổn liền chạy đến nhờ một vị quan giúp đỡ. Tôi thường đến bắt mạch cho mẹ của vị quan đó, ông ấy rất quan tâm, giúp đỡ y quán của chúng tôi. Ông ấy đã ra mặt mời quân lính tới mới coi như giải quyết chuyện này. Nhưng mà, bọn người kia không làm loạn nữa thì Dương thị lại bị điên, không chịu bỏ qua.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.