Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1174: Cảm tình (2)




Tôi nghe thấy tiếng tim đập, không phải của tôi, mà của Nguyễn Ngọc Hà.
Tim cô ta đang đập rất nhanh, có chút thấp thỏm và mong ngóng.
Tôi nghe thấy giọng nói loáng thoáng của ai đó từ xa xa, hình như là bạn học của Nguyễn Ngọc Hà.
“… Đến lúc nhập học học kỳ sau, chắc cậu ấy sẽ đến báo mất đồ nhỉ…”
Giọng nói này hình như vang ra từ trong kí ức của Nguyễn Ngọc Hà. Tiếng tim đập không hề lấn át âm thanh này. Trong tầm mắt của cô ta, là sân trường, là cuốn sổ tay đó.
Còn tôi thì lại nhìn thấy lửa.
Và đây cũng không phải là ảo giác.
Lửa bừng cháy, khói đen bủa vây tầm nhìn của tôi.
Tôi ho sặc sụa mấy tiếng trong vô thức, định quơ tay quạt đám khói nồng đặc trước mặt.
Nguyễn Ngọc Hà đang nằm sấp trên sàn nhà, khuôn mặt đầy nước mắt, thân thể đang run bần bật, đôi mắt đang từ từ trở nên mất tiêu cự.
Tôi không kịp nghĩ ngợi gì, theo bản năng đưa tay về phía cô ta.
Nhưng tôi chỉ chụp được không khí.
Khói đen đã biến mất.
Tôi nhìn thấy nền nhà phủ đầy tro tàn, và cảm nhận được một luồng âm khí.
Tôi quay phắt đầu lại, nhìn thấy Nguyễn Ngọc Hà đang đứng sau lưng mình, rũ mắt nhìn nền nhà.
Cửa bị ai đó mở ra.
Đi vào là một đôi nam nữ trung niên. Vẻ mặt họ tiều tụy hốc hác. Người đàn ông ngồi phịch lên ghế, mặc kệ lớp bụi đang bám bên trên. Người phụ nữ thì quay người đi vào trong phòng. Trong phòng sau đó vang lên một vài tiếng động.
Lát sau, người phụ nữ đi ra, khe khẽ nói: “Thu dọn đồ đạc trước đi, cái nào còn dùng được thì xử lý trước.”
Người đàn ông đứng dậy, giúp một tay dọn dẹp ngôi nhà hoang tàn.
Nguyễn Ngọc Hà chùi mặt, quay qua nhìn đôi vợ chồng.
Khung cảnh xung quanh lại thay đổi.
Tôi theo Nguyễn Ngọc Hà, bay trên một vỉa hè, còn cô ta thì bám theo hai vợ chồng kia.
Họ đi vào một tòa lầu lớn treo bảng đề “Cục Dân Chính”.
Thủ tục ly hôn được làm rất nhanh. Khuôn mặt hoàn toàn không có biểu cảm của hai vợ chồng họ đã khiến các nhân viên công tác không thể nói được gì thêm, mà chỉ dựa theo trình tự, nhanh chóng hoàn thành các thủ tục ngay.
Vẻ mặt của Nguyễn Ngọc Hà rất đờ đẫn, không phải đau lòng, cũng chẳng phải tức giận, mà là trạng thái buông xuôi.
Cô ta chứng kiến cha mẹ vì cái chết của mình mà đau thương quá mức, không thể nào đối diện nổi. Và cũng ngay sau đó, chứng kiện họ đường ai nấy đi, tự kiếm hạnh phúc mới cho mình.
Tất cả những nội dung này hệt như một vệt ánh sáng lướt ngang qua, chớp mắt đã tan biến.
Tôi định thần lại, nhận ra mình đang ở trong một khoảnh sân trường quen thuộc.
Trước mặt là tấm bảng “Hội Sinh Viên”.
Mấy năm trôi qua, ngôi trường không thay đổi gì nhiều.
Nguyễn Ngọc Hà xuyên qua cửa đi vào văn phòng của hội sinh viên, tìm kiếm sổ đăng thông tin vật đánh rơi.
Hiện tại trong văn phòng hội sinh viên không có ai, cô ta có thể lật xem những thứ đó ngay tại chỗ. Sổ thông tin đã rất cũ, một quyển dùng đã nhiều năm mà vẫn chưa hết.
Nguyễn Ngọc Hà lật được mấy trang, đã tìm ra nội dung mà ngày xưa mình viết.
“Sổ tay Toán Cao Cấp ×1”, “Nhặt được ở giảng đường tổng hợp lầu 204”, đằng sau là thời gian và kí tên. Cột cuối cùng, vẫn chưa có chữ kí của người mất đồ đến nhận.
Một lần nữa, Nguyễn Ngọc Hà trở nên thất thần, quay qua tìm chiếc hòm chứa vật bị đánh rơi. Chiếc hòm này đã lâu rồi không ai động đến, dưới đáy đầy bụi.
Nguyễn Ngọc Hà thì không lo ngại về mấy chuyện này.
Tôi theo dõi cô ta lục lọi trong chiếc hòm, cuối cùng cũng đã tìm ra một cuốn sổ bìa cứng cũ kĩ dưới đáy rương. Tấm giấy niêm phong trên mặt đã ố vàng, vết chữ cũng mờ nhạt. Trên mặt niêm phong bằng bìa cứng, vùng mép đều đã sùi lông, bên trên còn có vết trầy xước. Sau khi mở ra, thì chữ viết bên trong vẫn còn nguyên vẹn, chỉ là lúc nhìn thấy chúng, trong lòng Nguyễn Ngọc Hà trào ra một cảm giác thời gian đã trôi qua rất lâu.
Tôi bị cảm xúc của cô ta lây nhiễm, nên cũng bần thần hồi lâu.
Hệt như mọi thứ chỉ mới xảy ra tối hôm qua.
Tối qua, Nguyễn Ngọc Hà còn ôm trong lòng nỗi chờ mong thấp thỏm, chờ đợi để được biết chủ nhân của cuốn sổ này là ai. Thế nhưng chỉ một cái chớp mắt, tất cả đã thay đổi. Chủ nhân cuốn sổ chưa bao giờ xuất hiện lại.
Tôi cảm thấy buồn cho Nguyễn Ngọc Hà, mà chính mình cũng đang khá bối rối.
Nếu Nguyễn Ngọc Hà mãi mãi không biết được chủ nhân của cuốn sổ là ai, thì cảnh mộng này dù có tiếp diễn, thì tôi cũng không thể nào có được câu trả lời.
Và cũng không có ai biết được hết.
Như vậy, chẳng phải tâm nguyện của Nguyễn Ngọc Hà sẽ vĩnh viễn không thể hoàn thành ư?
Dù cô ta đã thuận lợi đi đầu thai, nhưng là một kẻ biết hết mọi chuyện, một kẻ đang theo dõi thì trong lòng rốt cuộc vẫn không yên.
Tôi nhìn Nguyễn Ngọc Hà. Cô ta đang cúi đầu, một nửa khuôn mặt lộ ra không một chút cảm xúc.
Một lát sau, bên ngoài vang lên tiếng bước chân.
Nguyễn Ngọc Hà vội vã cất lại cuốn sổ thông tin vật bị đánh rơi, còn cuốn sổ tay thì ôm trong ngực.
Cửa văn phòng hội sinh viên được người ta mở ra, có mấy sinh viên đang cười nói vui vẻ đi vào. Đương nhiên họ không hề nhìn thấy Nguyễn Ngọc Hà.
Nguyễn Ngọc Hà chạy ra khỏi cánh cửa đang mở rộng. Cô ta chạy đến một tòa lầu nhỏ có cây cối che phủ.
Trên cổng không hề có treo bảng, mà tôi thì chẳng biết gì về khuôn viên của trường đại học Giao thông Dân Khánh này cả.
Nhưng sau khi đi vào, tôi liền nhìn thấy bảng hướng dẫn được treo trong đại sảnh.
Nguyễn Ngọc Hà là sinh viên của trường này, nhưng cũng phải đứng nhìn tấm bảng thật lâu. Trên bảng là sơ đồ bố trí của các văn phòng trong tòa lầu này. Đây chắc là văn phòng giáo vụ và cũng là văn phòng làm việc của các giáo viên.
Tôi quét mắt qua một lượt, tìm được phòng làm việc của nhân viên quản lý.
Nguyễn Ngọc Hà cũng tìm thấy.
Cô ta chậm chạp bước chân trên cầu thang, đi đến mấy gian văn phòng của giáo viên quản lý, thì lại trở nên hoang mang.
Trong lòng cô ta chắc cũng rất rõ, rằng chủ nhân của cuốn sổ đã tốt nghiệp rồi, không thể nào xuất hiện ở đây được.
Nguyễn Ngọc Hà cúi mặt, chậm rì rời khỏi lầu giáo vụ, đến thư viện của trường.
Trong thư viện của trường đại học Giao thông Dân Khánh có một tường đề tên những cựu sinh viên nổi tiếng toàn quốc. Có lẽ, những ngôi trường danh tiếng trong cả nước đều có bức tường kiểu này. Nhưng một bức tường như vậy hiển nhiên sẽ không có danh sách các sinh viên chỉ mới tốt nghiệp.
Nguyễn Ngọc Hà chẳng biết làm sao, tay vẫn ôm khư khư cuốn sổ trước ngực.
Tôi nhớ ra, danh sách sinh viên thì trong phòng dữ liệu của trường chắc là có, nhưng cũng không biết làm sao tìm được.
Hình như Nam Cung Diệu rất giỏi trong những chuyện này, nhưng tôi thì không. Mà cho dù tôi biết đi nữa, thì tôi cũng chẳng có cách nào giúp được Nguyễn Ngọc Hà.
Nguyễn Ngọc Hà cứ thế loanh quanh trong trường, phần lớn thời gian là ngồi trong giảng đường số 204 để lật xem quyển sổ.
Tôi cảm thấy, hiện tại cô ta đã không còn mang trong lòng chút tâm sự của những cảm xúc tương tư nữa. Mà cô ta chỉ đang cảm thấy cô đơn thôi. Tôi ngồi cùng cô ta, nên nỗi cô quạnh kia cũng nhanh chóng lây sang tôi.
Tôi thấy thật bất lực.
Nếu cứ tiếp tục như thế này, thì tôi cũng không biết phải làm gì.
Bấy giờ, khung cảnh trong giảng đường đã phát sinh biến đổi.
Đây là lớp giáo dục tư tưởng chính trị, có rất nhiều người đang làm chuyện riêng.
Tôi nhìn thấy những chiếc điện thoại vừa lạ mà cũng vừa quen. Không phải điện thoại thông minh, mà là điện thoại cục gạch, điện thoại nắp trượt, điện thoại bật nắp… Cảnh tượng này, đối với tôi nó khá là hoang đường.
Nhưng Nguyễn Ngọc Hà thì tỏ ra rất bình thường. Những tháng ngày quanh quẩn trong trường, chắc cô ta đã tận mắt chứng kiến sự đổi thay này rồi.
Tinh thần đang thư thả của tôi đột nhiên căng lên như dây đàn, quay đầu nhìn về phía một chỗ ngồi ngay sát vách.
Cảm giác đau nhói và hơi thở chẳng lành quen thuộc kia…
Nguyễn Ngọc Hà cũng quay qua, ngồi thẳng người lên.
Trong góc đó, có một nam sinh viên đang cúi mắt nhìn điện thoại, cánh tay đang đặt trên bàn thì đang loay hoay vẽ gì đó. Cậu ta không hề vẽ ra ông giáo sư đầu hói, hay mảnh vườn thơ mộng, mà là một tấm bản đồ kì quái.
Khoảng cách khá xa, tôi thực sự thấy không rõ, nhưng vẫn cảm thấy toàn thân rất khó chịu. Cái cảm giác lạnh buốt ấy khiến người ta không khỏi nổi da gà.
Lúc này, tiếng chuông tan học đã vang lên. Thầy giáo đã thôi giảng bài, các sinh viên thì bắt đầu rục rịch, thu dọn đồ đạc. Hơn nữa, trước đó cũng có người đã thu dọn xong xuôi hết rồi.
“Vậy nhé, hôm nay đến đây thôi.” Thầy giáo nói xong, ôm hai quyển sách của mình rời đi.
“Đồng Soái, đi thôi.” Ở góc đó, có một cậu nam sinh kêu.
Tôi trợn mắt, trong lòng có cảm giác: “Thì ra là vậy”.
Cậu nam sinh mà tôi nhìn chăm chú từ nãy giờ ngẩng đàu lên: “Mày về trước đi, tao đi thư viện.”
Trong giảng đường, phần lớn sinh viên đã ra về. Đồng Soái bấy giờ mới thu dọn đồ đạc, bước vội ra khỏi phòng.
Tôi nhìn qua Nguyễn Ngọc Hà.
Nguyễn Ngọc Hà vẻ mặt đầy do dự, ôm chặt quyển sổ trước ngực. Ngón tay cô ta đang khẽ gồng lên, siết chặt cuốn sổ. Thình lình, cô ta đứng phắt dậy, thân thể xuyên qua hàng loạt bàn ghế, bay ra ngoài giảng đường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.