Hạt Giống Tiến Hóa

Chương 160: Ban độc




Giữa phòng khách, ánh đèn dầu leo lét ánh sáng chiếu lên những khuôn mặt đang quây quần quanh chiếc bàn. Có tất cả năm người cả thảy, ngoài người đại tá tóc hoa râm, Linh, Chương thì còn có hai người thanh niên lạ mặt.
“Lương thực của chúng ta còn có thể cầm cự được bao lâu nữa?” Người đại tá lên tiếng hỏi
“Nếu tiết kiệm, có thể sử dụng được tầm hai tuần lễ nữa” Người thanh niên ngồi góc phải kế cửa ra vào lên tiếng trả lời
“Trong hai tuần tới, chúng ta nhất định phải tìm ra được nguồn lương thực mới, về việc gieo hạt thì sao rồi hả Chính?” Linh trầm giọng lên tiếng
“Đợt mưa tuyết này đã làm hỏng hầu như toàn bộ hạt mầm gieo từ trước, có một vài cây biến dị còn sống sót, nhưng còn lâu mới đủ cung cấp cho từng này con người” Người thanh niên tên Chính ngồi ở góc phòng lên tiếng trả lời
Mọi người cùng thở dài, vẻ lo âu hiện ra trên nét mặt. Trại tị nạn có khá nhiều người sống sót từ khắp các khu vực lân cận tìm về, hiện tại đã lên tới hơn bốn trăm người, trong đó có nhiều người là phụ nữ và trẻ em. Lương thực của trại hiện tại cũng đã gần đến lúc cạn kiệt, số người chết vì đói và lạnh đã bắt đầu xuất hiện.
Linh thở dài một hơi, nhìn vào một điểm đánh dấu X đỏ trên tấm bản đồ treo trước mặt, ánh mắt lóe lên vẻ quyết liệt:
“Không còn cách nào khác, chúng ta cần phải đến đó”
“Không được, đội trưởng” Chương và hai người thanh niên cạnh đó vội vàng đứng phắt dậy.
“Nơi đó hiện giờ rất nguy hiểm” Người đại tá trầm mặc một lúc, nhìn qua Linh lên tiếng
Linh đảo mắt nhìn qua mọi người rồi đưa tay vào túi áo khoác trên ngực lấy ra một mảnh địa đồ vẽ bằng bút bi khá là thô sơ nhưng nét vẽ rất đẹp và tinh xảo đặt lên bàn.
“Đây là bản đồ phía bên ngoài và một phần bên trong khu vực đó, phía cổng số 3 có vẻ là nơi bọn chúng ít tụ tập nhất, lẻn vào từ phía đó, với khả năng của tôi, tôi có thể mang về rất nhiều lương thực đủ để chúng ta sử dụng một thời gian”
Cô nhìn qua mọi người lên tiếng nói.
“Cái bản đồ này được vẽ từ khi nào?” Người đại tá nhìn cô trầm giọng hỏi
“Mới gần đây” Linh chậm rãi trả lời
“Ta đã nói, cô không được đến đó” Người đại tá hít sâu một hơi nhìn cô, giọng nói đã có phần hơi tức giận.
“Xin lỗi vì đã kháng lệnh thưa đại tá, nhưng tôi không thể nghĩ ra cách nào khác” Linh nhìn thẳng vào ông ta, trầm giọng trả lời. Những người xung quanh cũng một mảnh trầm mặc.
“Nếu chúng ta thỏa hiệp với đội của Dương …” Người thanh niên phía bên trái ngập ngừng lên tiếng.
“Tuyệt đối không được” Linh lập tức ngắt lời, giọng nói đầy tức giận khiến chàng trai thức thời im lặng.
“Việc này cần phải bàn bạc lại” Người đại tá đặt tay lên thái dương, nhìn qua Linh lên tiếng
Linh trầm mặc một lát rồi gật đầu, thở dài một hơi đứng dậy.
Đúng lúc này, tiếng bước chân dồn dập ở phía ngoài bỗng vang lên, một bóng người phụ nữ đứng tuổi hốt hoảng chạy vào đập cửa liên hồi.
Linh bước ra mở cửa, lên tiếng hỏi: “Dì Năm có việc gì vậy?”
“Bé Nga, nó …” Người phụ nữ hai tay run rẩy, giọng nói đã gần như nức nở nhìn Linh ngắt quãng nói
Linh biến sắc lập tức chạy về phía cuối trại, người phụ nữ cũng hớt hải chạy theo.
Tại chỗ ăn tập thể vừa rồi, ngay cạnh bếp lửa vẫn còn đang bốc khói, cô bé Nga hồi chiều đang nằm trên một chiếc chiếu ở đó, hai mắt nhắm nghiền, người không ngừng run rẩy, làn da sớm xuất hiện những vết ban màu xanh đậm.
Những người xung quanh có vẻ không đành lòng, nhưng không ai dám tới gần, một số thậm chí lùi hẳn ra phía xa, hai tay bịt lại mũi như sợ ôn dịch.
Linh lúc này đã tới nơi, nhìn thấy tình trạng của bé Nga gương mặt hơi xám lại, cô vội vàng bước tới bên cạnh, nhấc đầu cô bé lên, vỗ nhẹ vào gương mặt lúc này đã đầy các đốm màu xanh của Nga.
“Chị Linh, ư hư, Nga lạnh lắm” Cô bé hơi run rẩy, mở mắt, nhìn thấy Linh, thì líu ríu lên tiếng, hai hàm răng va đập vào nhau.
Linh đau lòng xiết chặt chiếc áo ấm quanh người cô bé, hai ngón tay đặt lên cổ đếm nhịp mạch của cô bé, mạch đập rất hỗn loạn, vết ban đã lan ra khắp cả thân người, cô nhìn về phía người phụ nữ tên Dì Năm lắc đầu khiến người phụ nữ hoàn toàn tuyệt vọng, đặt tay lên miệng cố kìm nén tiếng khóc nức nở.
“Mẹ à, Nga đau quá, hu hu” Cô bé hướng về phía người phụ nữ rên khe khẽ. Dì Năm nghe tiếng hết sức đau lòng tiến lại gần, nhưng Linh vội vàng giơ tay ra hiệu cho cô lùi lại, những người ở bên cạnh cũng lập tức kéo cô qua một bên.
Triệu chứng trên người cô bé là một loại bệnh đã từng phát sinh ở trong trại tị nạn và hậu quả gây ra của nó rất lớn, người trong trại vẫn gọi nó là “Ban độc”.
Thời kỳ ủ bệnh và phát bệnh đối với từng người có sự khác biệt rất lớn, nhưng triệu chứng chung khi phát bệnh là cơ thể xuất hiện đầy những vết ban màu xanh, nếu ban đã lan tới cổ và mặt là đã không còn có thể cứu được nữa. Hơn nữa, đây còn là một loại bệnh truyền nhiễm rất mạnh, đợt phát bệnh gần đây nhất đã khiến hơn hai trăm người mất mạng, phải tiến hành hỏa táng quy mô lớn.
Chỉ là loại bệnh này hầu như chỉ phát đối với người chưa thức tỉnh hoặc thức tỉnh cấp độ thấp, còn với những người thức tỉnh cấp cao thì hầu như không có tác dụng gì.
Nhóm của Đức lúc này cũng đã đứng ở một bên, yên lặng quan sát tất cả mọi chuyện, Lan nhìn tình trạng cô bé có vẻ không đành lòng, liếc nhìn về phía Đức, hắn nhẹ nhàng gật đầu.
Lan bước về phía trước, nhìn Linh nhẹ giọng lên tiếng: “Tôi đã thức tỉnh khả năng chữa thương, hay là để tôi thử xem sao”
Như người chết đuối vớ được cọc, người phụ nữ vội vàng lên tiếng: “Xin cô, xin cô hãy cứu nó”, Linh cũng nhìn qua Lan gật đầu.
Lan ngồi xuống, hai tay chạm nhẹ vào người bé Nga, “thánh quang thuật” được phát động. Từ bàn tay, một luồng sáng trắng chiếu vào người cô bé, thân thể như được tắm trong một làn nước nóng, làn da trở nên hồng hào hơn, bé Nga rên một tiếng, cơn lạnh thấu xương bất chợt như ngừng lại, hai mắt mở to, khiến cả Linh và Dì năm rất đỗi vui mừng.
Đúng lúc này, cô bé đột ngột phun ra một ngụm máu lớn pha lẫn những lợn cợn màu xanh, vết ban trên người cấp tốc lan ra với tốc độ rất nhanh. Những người xung quanh hốt hoảng lùi lại phía sau.
Đức lập tức hét lớn: “Lan dừng lại”, cô bé hốt hoảng thu hồi “thánh quang thuật”, vết ban mới ngừng lan rộng, nhưng lúc này người bé Nga như đã trùm trong những miếng bọt biển màu xanh chen lấn khắp nơi trên cơ thể, hơi thở yếu ớt như có thể mất mạng bất cứ lúc nào.
Đức tiến về phía trước một bước, cầm lấy cánh tay của bé Nga, chạm nhẹ vào vết ban lúc này đã nổi cộm trên người của cô bé.
“Để tôi thử” Đảo mắt suy nghĩ một lúc, Hắn nhìn qua Dì Năm lên tiếng, cô đưa ánh mắt nhìn về phía Linh. Linh gật đầu, đưa bé Nga cho Đức.
Hắn ôm cô bé tiến vào ngôi nhà bỏ hoang lúc nãy Linh đã phân cho hắn, mở cửa bước vào bên trong, ngăn Linh đang định tiến vào theo.
“Tôi cần sự yên tĩnh, đừng cho bất kỳ ai vào trong”
Linh đưa ánh mắt ngờ vực nhìn hắn, nhưng cũng gật đầu, khép cửa lại đứng ở phía bên ngoài. Tình trạng của cô bé lúc này đã hết sức tuyệt vọng, đằng nào cũng không có cách gì khác, đành phải tin vào hắn một lần vậy. Không hiểu tại sao, nhìn vào ánh mắt lạnh nhạt của Đức, trong lòng Linh bỗng dấy lên một niềm hy vọng mỏng manh.
Đặt bé Nga lúc này đã rơi vào trạng thái hôn mê ở trên bàn, Đức chĩa chiếc vòng tay giao dịch về phía cô bé, lên tiếng:
“Quét hình, chẩn đoán”
“Dịch vụ này tốn 55 điểm giao dịch, thưa quý khách” Giọng nói máy móc vang lên
“Chấp thuận” Đức lên tiếng xác nhận
Từ chiếc vòng trên tay, một luồng ánh sáng nhẹ quét qua người cô bé từ trên xuống dưới, ngừng lại một lúc, những tín hiệu không ngừng chớp nháy trên màn hình hiển thị, giây lát sau, giọng nói máy móc đã vang lên:
“Phát hiện ký sinh trùng biến thể xâm chiếm cơ thể vật chủ, ký sinh trùng biến thể cấp độ F, trị giá 15 điểm giao dịch, thu thập không tổn hại đến cơ thể vật chủ tốn 50 điểm giao dịch”
“Thảo nào” Đức nhẹ giọng nói thầm, điều này khá giống với hắn dự đoán.
Kỹ năng “thánh quang thuật” của Lan là một kỹ năng chữa ngoại thương rất tốt nhờ kích thích khả năng phục hồi tế bào cơ thể, kỹ năng “Thánh quang thuật” nâng cao còn có thể chữa trị được cả độc, nhưng đối với dạng ký sinh trùng biến thể này sự kích thích hồi phục tế bào vô tình khiến nó phát triển lớn mạnh hơn xâm chiếm cơ thể vật chủ nhanh hơn khiến cho bệnh trạng của Nga trong chớp mắt càng trở nên nghiêm trọng.
Loại ký sinh trùng này dù chỉ là cấp F, nhưng có thể thấy được sự đáng sợ của nó, nếu nó tiến hóa tới cấp độ cao hơn, có thể sẽ là một mối uy hiếp, có thể sẽ còn cần phải lưu tâm đến những thứ tương tự như thế này trong tương lai.
“Chấp thuận thu thập không tổn hại đến cơ thể vật chủ” Đức lên tiếng. Dù là đối với cô bé này không thân cũng chẳng quen, nhưng chỉ là vì tiếc một chút điểm số mà thấy chết không cứu, hắn cũng không đành lòng, hơn nữa, đây cũng coi như là cơ hội tạo thiện cảm đối với những người trong trại, đặc biệt là Linh để hoạt động lấy dữ liệu dễ dàng hơn.
Ánh sáng màu trắng bao trùm cơ thể cô bé, rồi nhanh chóng rút đi, vết ban trên người Nga cũng theo đó biến mất lành lại như chưa từng xuất hiện, cô bé hắt xì một cái rõ to, giật mình tỉnh lại, hai mắt mơ màng nhìn Đức.
…………………………………………………………….
Lâu quá không viết credit về lịch sử, nhân dịp mấy chương này cũng chưa tới hồi gay cấn và cũng coi như lời xin lỗi của mình về những ngày vừa rồi một phần vì công việc, một phần vì việc gia đình mình không thể đăng chương đều được thì lần này mình sẽ bonus vào một phần phụ chương lịch sử mình đã viết từ trước vậy.
Credit lịch sử hôm nay là nói về chiến tích hết sức nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông.
Nhắc lại lần nữa, những ai không muốn đọc, thì có thể dừng lại tại đây cho thoải mái cả hai bên, mình đã phân giới hạn chương truyện và credit hậu truyện rất rõ rồi và cũng không có cắt xén nội dung truyện gì cả.
Ba lần đại thắng quân Nguyên Mông có lẽ là chiến tích đã quá nổi tiếng với đại đa số mọi người dù là rành sử hay không, hầu như chẳng ai không biết, nên mình sẽ không nói nhiều vào những tình tiết nhàm chán mà chủ yếu sẽ nói về những cảm nhận chủ quan của mình về trận chiến này dựa trên những thông tin đã được đưa ra trong chính sử và sẽ cố gắng khách quan hết sức có thể, có thể sẽ hơi khác so với hình dung của một số bạn (Nếu bạn nào phát hiện sai cái gì thì có thể chỉnh lại cho mình nhé, cảm ơn)
Đầu tiên, để hiểu được tình thế mà nước ta phải đối mặt ở thời điểm đó, mình sẽ phân tích một chút về sức mạnh của quân Mông Cổ.
Mông Cổ ban đầu chỉ là những bộ lạc du mục rải rác ở vùng thảo nguyên biên miền Bắc nước Kim, dù rằng dân tộc này rất dũng mãnh thiện chiến nhưng thời điểm đó ít có ai coi trọng họ, bởi vì họ chỉ là một nắm cát rời, nội chiến và thôn tính giữa các bộ lạc kéo dài dai dẳng khiến họ tự suy yếu bản thân, những lần nội chiến này khiến thù hận tồn tại rất lâu và phức tạp giữa các bộ lạc nên cực kỳ khó thống nhất (Một phần cũng là nhờ chính sách chia để trị khôn khéo của nước Kim)
Thành Cát Tư Hãn là người đã nhận ra được tiềm năng to lớn của dân tộc mình, ông ta từng nói rằng: “Nếu chúng ta không tự đánh lẫn nhau thì cần gì phải sợ người Kim” bắt nguồn từ tư tưởng đó, bằng cả sách lược quân sự và ngoại giao, ông ta đã làm được điều tưởng chừng như không thể, chấm dứt nội chiến, thống nhất toàn bộ các bộ lạc du mục trên thảo nguyên lại thành một.
Và kể từ đó, một con quái vật thực sự đã ra đời. Đế Quốc Mông Cổ tại chính khoảnh khắc ấy đã thành hình và là cơn ác mộng khủng khiếp đối với không chỉ các nước lân bang Châu Á, mà còn lan đến tận Châu Âu và Nga, vó ngựa quân Mông Cổ quét qua gần như không có ai cản nổi kể cả là những đế quốc được coi là hùng mạnh bậc nhất đương thời.
Nói một chút về sức mạnh của Mông Cổ: Sức mạnh của dân tộc này đến từ tập quán sinh sống của bọn họ, lối sống du mục đói khổ, khắc nghiệt, liên tục di chuyển, không ngừng chiến đấu, cướp bóc, thôn tính, không chỉ là với nước khác mà với cả chính những bộ lạc của họ với nhau, cách sống không ngừng chinh chiến khiến cho mỗi một người Mông Cổ đều là một chiến binh toàn diện. Cưỡi ngựa, bắn cung, chiến đấu là những kỹ năng sống còn bắt buộc chứ không phải là đi lính huấn luyện như dân tộc canh nông, và họ được rèn luyện tất cả những thứ đó từ khi còn rất nhỏ.
Điều đó khiến cho cả dân tộc Mông Cổ hầu như ai cũng là binh sĩ tinh nhuệ, khi cần thiết kể cả phụ nữ, trẻ em cũng có thể cầm kiếm vác cung ra trận như thường, lấy bất kỳ một binh sĩ Mông Cổ bình thường nào nhét vào một đội quân ở các nước khác, họ tự nhiên cũng có thể trở nên nổi bật.
Sở hữu một đội quân mạnh mẽ toàn diện như vậy luôn là ước mơ của những tướng lĩnh cầm quân. Chính vì sự xuất sắc trong tố chất binh sĩ khiến cho Mông Cổ có thể triển khai những lối đánh nói ra rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả mà chẳng ai có thể bắt chước được.
Chiến thuật thường dùng của quân Mông Cổ là thả diều, dây dưa, kéo dãn, phá đội hình, hoặc giả thua bỏ chạy rồi đánh ngược lại. Binh chủng của Mông Cổ hầu như đều là khinh kỵ binh, mỗi người khi ra trận đều sẽ mang theo hai con ngựa, luân phiên dưỡng sức, chở vật phẩm và rất nhiều mũi tên.
Đối diện với những đám quân lớn mạnh, cách đánh của đội quân du mục này là sử dụng sự linh hoạt của khinh kỵ binh tiến tới khoảng cách phù hợp, tản đội hình ra hai bên rồi bắn tên phá vỡ trận hình đối thủ, nếu kẻ địch thúc quân lao lên, họ sẽ lùi lại, nếu kẻ địch lùi lại thì họ lại tiến lên, sử dụng chiến thuật thả diều mài đến khi đối thủ vỡ trận mất hết nhuệ khí, mới xung phong tiêu diệt.
Với khả năng cơ động của khinh kỵ binh Mông Cổ hầu như chẳng có đội quân nào có thể đuổi kịp, nếu có thể đuổi cũng chỉ là khinh kỵ mà nếu đuổi quá xa tách rời khỏi trung quân và hậu quân thì hoàn toàn có thể bị Mông Cổ quay lưng giết ngược, và kể cả là lúc bỏ chạy đội quân du mục này vẫn có thể vừa chạy vừa bắn tên ngược lại phía sau cực kỳ khó chịu. Khả năng tác chiến độc lập và sự toàn diện xuất sắc của binh sĩ từ cưỡi ngựa, bắn cung đến giáp đấu chính diện, chính là thứ đã làm nên danh tiếng của đội quân lừng lẫy này.
Quân Mông Cổ nổi tiếng với những chiến tích hết sức khó tin, chiến thắng những cánh quân đông đảo hơn mình gấp nhiều lần với tổn thất rất hạn chế.
Cung tên Mông Cổ sử dụng là cung phức hợp với tầm bắn được ghi nhận lên tới 185-275 mét (Cao Ly (Hàn Quốc-Triều Tiên) là một trong những nước rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á về cung thủ thời bấy giờ, được cho là mạnh hơn Trung Quốc và Nhật Bản chỉ có tầm bắn hiệu quả trung bình 145-159 mét, nhân tiện nói thì cung tên nước ta thời nhà Trần cũng chỉ có tầm bắn trên dưới 100 mét) khi bắn cung thủ Mông Cổ thường kẹp nhiều mũi tên vào tay cầm cung một lúc để tăng tốc độ bắn, đây là một kỹ năng khá khó, tốc độ phát tên và khả năng chuẩn xác của những kỵ binh Mông Cổ cũng được xem là độc nhất đương thời nên nếu muốn dùng cung khắc cung đối với họ, thường là sẽ kết thúc trong bi kịch.
Thời gian sau này, họ hấp thu thêm khá nhiều binh chủng xen lẫn trong những đơn vị chủ chốt là khinh kỵ Mông Cổ lấy từ hàng binh của những nước chiến bại để hoàn thiện đội hình chinh phạt của mình như thủy quân hạng nhẹ, thủy quân hạng nặng, bộ binh, trọng trang bộ binh, quân chủng cơ giới công thành …
Hợp lực với Tống, Mông Cổ trước diệt nước Kim rồi lại bắt đầu quay sang phạt Tống, tiêu diệt Đại Lý, xâm chiếm Đông Á, Tây Tạng, khu vực Tây Á, rồi gần như chiếm lấy toàn bộ đại lục Châu Á, Mông Cổ tiếp tục mở rộng vó ngựa chinh phạt của mình sang tới tận Châu Âu và Nga, thế thắng như chẻ tre gần như không ai có thể cản nổi.
Quá sợ hãi trước sức mạnh của đội quân du mục này, một khối liên minh Châu Âu bao gồm: người Ba Lan, người Moravia, các thành viên quân sự Công giáo như các Hiệp sĩ Cứu tế, các Hiệp sĩ Teuton, và các Hiệp sĩ dòng Đền đã tập trung với nhau tiến hành chống trả.
Liên quân này có thể nói đã là đội binh hùng hậu nhất Châu Âu cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng vẫn bị đánh cho tan tác tại Legnica. Những đội trọng trang kỵ binh, thiết kỵ lừng lẫy từng hùng bá một thời đứng trước khinh kỵ binh Mông Cổ đều trở nên vô dụng, dễ dàng bị xé nát.
Mông Cổ đã gây dựng nên một đế chế hết sức rộng lớn và mạnh mẽ, thậm chí có phần được đánh giá cao hơn cả hành trình chinh phạt của Alexander Đại đế.
Nhà Nguyên mà chúng ta đang nói đến cũng chỉ là một trong bốn phần của đế quốc Mông Cổ bị tách rời từ sau thời kỳ của Thành Cát Tư Hãn mà thôi, thất bại của đế quốc này nói cho cùng chủ yếu là đến từ nội chiến và sự thiếu kinh nghiệm trong quản lý của họ chứ nói riêng về sức mạnh quân sự thì họ không hề sợ hãi bất kỳ ai, nếu giả sử dân tộc này không bị chia rẽ và sa đà vào nội chiến, họ đã có thể thống nhất cả thế giới cũng không chừng.
Đấy là nói đại khái cho mọi người cùng hình dung về sự hùng mạnh của Mông Cổ. Còn bây giờ mình sẽ nói một chút về hoàn cảnh dẫn đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất.
Vào khoảng cuối năm 1257 đầu năm 1258 (Hay còn gọi là năm Nguyên Phong thứ 7 chiếu theo lịch của nhà Trần), Mông Cổ sai sứ giả qua nước ta trên danh nghĩa là mượn đường để đánh Nam Tống, hoàn thành thế gọng kìm với bốn cánh quân chủ lực kết hợp cùng với Mông Kha, Hốt Tất Liệt và Tháp Sát Nhi tiêu diệt Nam Tống hoàn thành tham vọng chiếm cứ Trung Nguyên.
Đương nhiên danh nghĩa là mượn đường, nhưng thực tế Mông Cổ cũng đã dòm ngó mảnh đất nước Nam này từ lâu, đơn giản là vì, vị trí của nước ta thực sự quá nhạy cảm, là một đầu mối quân sự hết sức quan trọng để có thể làm bàn đạp tiến công Nam Tống cũng như các nước khu vực Đông Nam Á, Chiêm Thành, cũng là một vị trí lý tưởng để xây dựng hải cảng quân sự tiến công các nước khác từ nhiều phương hướng. (Chính sử nhà Nguyên đã ghi: Ngột Lương Hợp Thai – tướng của quân Mông đánh nước ta lần thứ nhất – vào Giao Chỉ để định kế lâu dài).
Vốn mang trong mình sự cao ngạo của một đế quốc chưa từng nếm mùi thất bại, sứ giả Mông Cổ rất ngạo mạn áp đặt nước ta phải mở đường cho đại quân vào nước. Hiểu rõ cho mượn đường lúc này đồng nghĩa với vô cùng tủi nhục và họa mất nước, vua nhà Trần lúc ấy là Trần Thái Tông không nhẫn nhịn mà cho tống giam sứ giả Mông Cổ vào ngục, gấp rút chuẩn bị chiến tranh.
Với sự phản kháng của nước ta, Mông Cổ cảm thấy bị bẽ mặt, cho Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) dẫn theo khoảng năm vạn binh mã xuống với mục đích tiêu diệt Đại Việt, mở đường cho cánh quân Nguyên Mông đánh vào phía sau Nam Tống. (Số liệu không thống nhất từ nhiều nguồn: nhưng số binh sĩ mà quân Nguyên đem vào nước ta trong lần đánh đầu tiên này vào khoảng 4 đến 6 vạn, mình lấy 5 vạn là số được nhiều người công nhận nhất).
Nói thêm một chút về Ngột Lương Hợp Thai: Người này là một danh tướng kiệt xuất của Mông Cổ, công thần xếp hàng thứ 3 của nhà Nguyên, trước khi đánh Đại Việt hắn đã có nhiều chiến công vang dội, tấn công nước Kim, tấn công Đức và Ba Lan, tiến chiếm thành công Đại Lý, bắt sống vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí cũng là kẻ đã đầu hàng Mông Cổ và dẫn quân đi tiên phong trong trận đánh với nước ta.
Phải nói đây là một quyết định hết sức kiêu ngạo của Mông Cổ, dùng năm vạn quân trong đó có hai vạn hàng binh để tấn công một đất nước với hơn nửa triệu dân. Sự kiêu ngạo này bắt nguồn từ rất nhiều chiến tích lẫy lừng của họ trong lịch sử như là chỉ từng dùng 12 vạn quân tiêu diệt gần một triệu quân Kim, và vô số các chiến công khó tin trên khắp các mặt trận từ Á đến Âu. Có lẽ trong mắt của Nguyên Mông thời đó, năm vạn quân đã là coi trọng Đại Việt lắm rồi.
Nói thêm một chút về lực lượng quân nước ta chuẩn bị được bao gồm cả cấm vệ quân và các lộ binh mã thì có khoảng mười vạn đủ các loại binh chủng là bộ binh, kỵ binh, tượng binh và thủy binh, đều đã được thao luyện kỹ lưỡng. Và phải nói, sức mạnh quân đội nhà Trần trong khu vực lúc đó cũng là thuộc dạng có số có má chứ không phải dân tay mơ đâu. Lần đụng độ này là một trong số ít những lần hiếm hoi nước ta có binh lực nhiều hơn quân xâm lược phương Bắc.
Trận chiến đầu tiên của binh sĩ hai nước là ở Bình Lệ Nguyên, đích thân vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) chỉ huy, chúng ta dàn trận tại bờ sông Hồng để nhân lúc kẻ địch vượt sông tiến hành giao chiến, có chuẩn bị cả tượng binh để áp chế kỵ binh Mông Cổ.
Nhưng Ngột Lương Hợp Thai đã chứng minh được tài năng và kinh nghiệm lão luyện của mình ở trận chiến này, cũng như sự hung hãn của kỵ binh Mông Cổ, hành quân vượt sông tiến hành giao chiến mà không hề nao núng, kể cả khi bị tượng binh tấn công, với khả năng xạ kích quá xuất sắc của các cung thủ Mông Cổ, bọn chúng bắn thẳng vào mắt voi và quản tượng khiến tượng binh quay đầu chà đạp đội hình của quân ta, từ đó một đường đánh thẳng tới.
Quân ta buộc phải rút lui tới Cụ Bản, tướng Phạm Cự Chích đem quân yểm hộ, hy sinh chặn hậu, vua Trần Thái Tông dẫn quân rút về Phù Lỗ bày trận phòng thủ trên sông nhưng vẫn tiếp tục bại lần thứ hai, vẫn với thế chủ động vượt sông tấn công của quân Mông Cổ. Quân ta phải tiếp tục rút về sông Thiên Mạc. Quân Mông Cổ chiếm được kinh thành Thăng Long.
Nói về ý kiến cá nhân của mình trong trận chiến Bình Lệ Nguyên: Đầu tiên phải nói đến là nước ta đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, phải biết hành quân qua sông vốn là tối kỵ trong binh pháp, vì quân mã rất khó chỉnh đốn đội hình khi vượt sông, dễ bị kẻ địch đánh úp mà thất bại, bày phòng tuyến ở ngay sông vốn đã là khó phá, lại còn chuẩn bị cả tượng binh để áp chế sức tiến công của kỵ binh. Có thể nói là dàn trận rất đúng sách vở và không có gì để chê trách, thường thì kẻ địch đứng trước tình thế này sẽ chỉ có thể lùi bước, tìm cách công kích khác. Hơn nữa phải nhớ là, quân lực của nước ta đông hơn.
Nhưng, phải nói rằng cả về sức chiến đấu lẫn kinh nghiệm và khả năng ứng biến của quân Mông Cổ, cùng sự dũng mãnh lão luyện của Ngột Lương Hợp Thai đã vượt quá dự tính của chúng ta, vượt sông giao chiến mà đội hình quân không hề rối loạn, và sau một chút bất ngờ về tượng binh đã nhanh chóng tìm được đối sách chuyển bại thành thắng. Dù có nói thế nào đi nữa thì quân ta thực sự đã thua trong trận chiến này.
Nói thêm một tích lưu truyền về cách vượt sông thần tốc của kỵ binh Mông Cổ: Chúng sẽ cho kỵ binh lao tới trước bắn tên xuống nước, tên chìm chứng tỏ nước cạn, cho ngựa phóng tiếp, tên nổi, tức nước sâu sẽ dừng lại chuyển hướng. Vả lại, ngựa chiến Mông Cổ là ngựa thảo nguyên phương Bắc, không chỉ thể hình to lớn, tốc độ nhanh mà khả năng chịu đựng thời tiết cũng rất tốt, băng núi vượt sông không quá khó khăn. Ngựa phương Nam nước ta chắc chỉ đứng tới nách tụi nó, đây là tiên thiên khác biệt, nên kỵ binh đã là lép hơn một bậc.
Một điểm sáng của trận chiến này là sự gan dạ và anh dũng của vua Trần Thái Tông, theo sử sách, ông đã đích thân đánh trống đốc chiến vực dậy sĩ khí. Quân Mông Cổ đã nhắm thẳng vào ông cho kỵ binh tinh nhuệ phá trận vượt lên đồi bắt vua. Lúc đó, Trần Thái Tông không hề sợ hãi bỏ chạy mà lên ngựa tuốt gươm cùng cận vệ quân của mình mở đường máu giữa trùng vây, tiến về trung quân chỉ huy tướng sĩ rút lui mới có thể giữ lại phần lớn lực lượng cho cuộc phản công sau này.
Phải nói là, điều này không dễ dàng, những lần vua vì sợ mà bỏ chạy dẫn đến thua trận trong lịch sử không hiếm, như trận chiến Lũy Ninh của Bùi Thị Xuân, vua Cảnh Thịnh bỏ quân tháo chạy khiến nỗ lực cuối cùng của bà thất bại, đánh dấu cho sự kết thúc của nhà Tây Sơn.
Ở trường hợp này cũng vậy, chỉ cần vua Trần Thái Tông sợ hãi bỏ quân rút lui, lòng quân sẽ vỡ, thế sẽ mất, quân sĩ có thể sẽ bị tiêu diệt toàn quân và có thể là nước ta đã chẳng bao giờ có thể gượng dậy nổi nữa.
Sau hai trận thất bại liên tiếp trong vòng chưa tới ba ngày, sĩ khí quân ta xuống rất thấp, thậm chí nhiều nhược quan đã nghĩ đến chuyện nương nhờ Nam Tống, Trần Thái Tông cho mời Trần Thủ Độ để hỏi ý kiến của ông, vị thái sư này đã khẳng khái trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”
Những gì bàn bạc kế tiếp chính sử không có ghi nhận, quân ta tiếp tục ẩn náu, né tránh mũi nhọn giữ lại lực lượng.
Lúc này, sách lược đưa ra từ trước của vua quan nhà Trần bắt đầu phát huy hiệu quả. Dù chiếm được kinh thành Thăng Long rất nhanh, nhưng toàn bộ kho tàng, quân lương đều đã bị chuyển đi, quân địch rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực.
Ở đây phải nói một điều về đội quân Mông Cổ, cách đánh yêu thích của chúng là đánh nhanh thắng nhanh, dùng chiến nuôi chiến, ưu tiên cho khả năng cơ động của kỵ binh chúng thậm chí không chuẩn bị cả đội vận lương, mà sẽ cho cướp bóc của kẻ địch tại chỗ để bổ sung lương thực.
Lần xâm lược này, cũng như vậy, không hề có đội tiếp tế ở phía sau, nhắm được điểm này, chúng ta đã chuẩn bị di tản trên các tuyến đường quân địch tràn qua và không để lại dù chỉ là một hạt thóc, triệt để thực hiện chính sách vườn không nhà trống.
Thời gian sau này, chính là cuộc chiến đấu thầm lặng của quân thám báo Mông Cổ phái ra dò xét nơi ẩn náu của quân chủ lực nước ta cũng như các làng mạc lân cận để cướp bóc, và những đội quân nhỏ thực hiện phản trinh sát, phục kích tiêu diệt thám báo kẻ địch của nước ta. Kẻ địch hùng mạnh thiện chiến, còn chúng ta có ưu thế về mặt địa lợi thông thạo thủy thổ. Và hầu như các mũi thám báo của kẻ địch đều bị đánh tan.
Không tìm được nơi ẩn náu của vua quan nhà Trần, lương thực thiếu thốn khiến quân địch rơi vào suy kiệt, khoảng mười ngày sau đó, vua Trần Thái Tông chớp thời cơ từ Hoàng Giang ngự lâu thuyền ngược sông đánh vào Đông Độ Đầu (Cửa ngõ Thăng Long). Bị suy kiệt vì thiếu lương cũng như chủ quan cho rằng lực lượng quân nhà Trần còn rất yếu, quân Mông bị đánh tan buộc phải rút khỏi Thăng Long chạy về Vân Nam, bị Hà Bổng (một thổ quan người Tày) chặn đánh tại Quy Hóa.
Tổn thất của quân Mông Cổ lần này có rất nhiều tài liệu nói khác nhau: Có người nói hơn một nửa, có người nói 4/5, có tài liệu lại cho rằng đến khi Mông Cổ rút về được Vân Nam chỉ còn khoảng 5000 người.
Thực ra thắng bại trong lần kháng chiến này, nhiều sách sử còn không đồng nhất, nước ta tuyên cáo chiến thắng đánh đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, những cũng có kẻ viết quân Nguyên chiến thắng, chiếm Thăng Long, sau đó chủ động rút lui.
Thậm chí sách sử nhà Nguyên còn nói rằng: Trận đánh Giao Châu, quân chiếm Thăng Long dễ dàng, Chúa An Nam là Trần Nhật Cảnh trốn vào hải đảo, quân ở lại chín ngày trời nóng quá, nên rút về.
Thực tế là: quân Nguyên đánh vào nước ta vào tháng 1 năm 1258, đang là giữa mùa đông nên không thể có chuyện nóng quá rút về như bọn chúng tự biên tự diễn được.
Những thông tin trong chính sử đã được nêu ra, và như đã nói trước, mình sẽ nêu một số cảm nhận chủ quan của mình về trận chiến này:
Đầu tiên là, khi mình trình bày tới đây có thể đã có nhiều người cảm thấy thất vọng vì cho rằng nước ta chiến thắng không được vẻ vang như đã nghĩ, nhưng dù muốn dù không, đó cũng là sự thật.
Cũng có thể nhiều người sẽ bảo rằng mình bợ đít quân Mông Cổ, nhưng mình thì cho rằng tôn trọng kẻ địch mới chính là tôn trọng chính mình, đánh bại một kẻ thù yếu kém có thể nói lên được điều gì? Nói giảm nói tránh về thất bại, khuếch đại chiến thắng sẽ chỉ làm chúng ta trở nên hèn nhát yếu ớt hơn trước sự thật.
Thậm chí, theo suy đoán của bản thân mình, thì mình cho rằng số lượng quân tổn thất của Mông Cổ lần này có thể chỉ là khoảng hơn một nửa đến bảy phần mười và đa số là hàng binh Đại Lý, còn quân khinh kỵ Mông Cổ vẫn bảo toàn được khoảng sáu đến tám phần.
Mình suy đoán như vậy chính là vì tốc độ rút quân của Mông Cổ sau trận bại ở Đông Độ Đầu diễn ra quá nhanh, các chốt chặn của nước ta đều không đón đánh kịp thời (Điều này trong chính sử cũng có ghi chép) chỉ có thổ quan Hà Bổng ở miền núi phía Bắc là đánh kịp, nhưng quân số họ không quá đông, nên tổn thất gây nên cho quân địch cũng chỉ là có hạn. Tổn thất chính của quân Mông Cổ vẫn là ở đợt phản công tại Đông Độ Đầu, và các đội thám báo tinh nhuệ bị quân ta phục kích tiêu diệt.
Nhưng có một nhận định mình dám nói chắc, đó chính là trận chiến này, nước ta đã thắng. Lần đầu tiên một đất nước bị cho là nhược tiểu phía Nam dám cứng rắn đối chọi với một đế quốc được cho là bất bại đương thời, thành công đánh đuổi bọn chúng ra khỏi bờ cõi.
Với Nguyên Mông lần chinh Nam này đã thất bại, mục đích của chúng trong việc mở đường đánh vòng sang Nam Tống không thể thực hiện, mục đích khuất phục Đại Việt để làm bàn đạp Nam tiến cũng không thành, đây là một bước lùi nhỏ, một cái tát vào mặt của đế quốc binh hùng tướng mạnh lẫy danh đại lục Á Âu này, tổn thất binh mã có thể không nhiều, nhưng tổn thất về mặt mũi với cái đế quốc cao ngạo này là rất lớn.
Đương nhiên là chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, thất bại lần này của Mông Cổ một phần lớn chính là do sự chủ quan ngạo mạn của bọn chúng, chỉ dẫn năm vạn quân với hai vạn là hàng binh, thậm chí còn không chuẩn bị hậu cần tiếp viện tuyên chiến với một đất nước hơn nửa triệu dân.
Trận chống quân Nguyên Mông đầu tiên chỉ diễn ra trong tầm nửa tháng, sau thất bại lần này, với cái nỗi nhục bị một dân tộc bé nhỏ đánh bại, Mông Cổ chuẩn bị cho hai lần xâm lược tiếp theo, quân lực đông hơn, mạnh hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Còn về phần nước ta, sau lần đụng độ đó, chúng ta cũng đã có cái nhìn trực quan hơn về sự hung hãn của đội quân du mục này.
Hai lần đại chiến kế tiếp cả về quy mô, thời gian lẫn sự khốc liệt, hy sinh và gian khổ đều được nâng lên rất nhiều lần, không đơn giản chỉ là một câu nói nhẹ nhàng vườn không nhà trống rồi tự nhiên chiến thắng, đó là một trường đại chiến đẫm máu với những lần đấu trí đấu dũng dai dẳng của cả hai bên. Và từ trong máu lửa, hai trận đại chiến ấy đã cho thấy được bản lĩnh, sự kiên cường của dân tộc Việt Nam đối với một cường địch có thể nói là hùng mạnh nhất trên thế giới lúc bấy giờ.
Mình sẽ viết đến hai trận đại chiến đó trong credit phụ chương kế tiếp, còn chương này thì đã quá dài rồi. Hy vọng mọi người sẽ thích.
Và hãy cùng hy vọng Việt Nam sẽ lập nên kỳ tích trong mùa giải U23 Châu Á lần này, chiến thắng Uzbekistan trong trận bóng cuối tuần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.