Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 35:




Yeshe cung kính đáp:
- Thưa mẹ, sang năm cháu tròn năm tuổi. Cháu rất tinh nghịch, lanh lợi, thông minh, giờ cháu đã có thể đọc thuộc làu cuốn Cách ngôn Sakya của bác Ban Trí Đạt.
Dì năm thốt lên kinh ngạc:
- Giỏi vậy ư? Cháu trai ta sau này nhất định sẽ trở thành một nhân vật cự phách. Chỉ tiếc là đến nay nó vẫn chưa về Sakya, nơi đây mới là gia đình, là cội nguồn của nó.
Yeshe tươi cười ý nhị:
- Cháu còn nhỏ, lúc này mà về Sakya, chỉ e sức khỏe không đủ. Đợi cháu lớn hơn, con sẽ đưa cháu về quê hương nhận tổ nhận tông.
Hai người bọn họ, kẻ tung người hứng, tất cả những người có mặt ở đó đều có thể nhận ra giọng điệu đắc ý trong lời nói của họ. Kháp Na tức tối, Bát Tư Ba điềm tĩnh, trong tiếng pháo rộn ràng, ba anh em họ, mỗi người một tâm trạng, đón nhận những lời chúc mừng năm mới!
Ra Tết, cả hai phái Drikung và Phaktru đều tìm cách trì hoãn việc đưa người thừa kế của giáo phái mình đến Sakya. Bát Tư Ba tiếp tục gửi pháp chỉ thúc giục, cuối cùng thì bọn họ cũng đành cắn răng mà giao “con tin”. Mùa xuân năm đó, Sakya đón tiếp hai đoàn người. Một đoàn đưa rước người thừa kế của hai giáo phái Drikung và Phaktru, một đoàn thợ thủ công đến từ Nepol theo lời mời của Bát Tư Ba để kiến tạo thành trì mới của phái Sakya.
Đoàn thợ người ngoại quốc xa xôi gồm tám mươi người, trong đó người nhỏ tuổi nhất là Anigo mới mười bảy tuổi. Tuy còn trẻ nhưng Anigo là người có tài kẻ vẽ điêu luyện nhất trong đoàn thợ thủ công. Ngắm nhìn những bức bích họa của Anigo, Bát Tư Ba đã hết lời khen ngợi. Hỏi chuyện về kỹ thuật xây dựng, thấy cậu ấy trả lời vanh vách, Bát Tư Ba lại càng kinh ngạc. Thành trì mới còn chưa khởi công, Bát Tư Ba đã giao cho Anigo nhiệm vụ giám sát công trình tháp hoàng kim [2]. Tòa tháp này được xây dựng ven sông Trum-chu, dưới chân đền Sakya. Những người hành hương về Sakya lễ Phật có thể nhìn thấy tòa tháp này từ rất xa.
- Em đến đó mà xem, mọi người đều đang tập trung dưới chân núi để chiêm ngưỡng tháp hoàng kim đó. Tuy vẫn chưa hoàn thiện nhưng đó là tòa tháp đẹp nhất ở Sakya. Anigo thật tài giỏi, đại ca rất hài lòng về cậu ta.
Kháp Na vừa lay gọi vừa ngồi xuống mép giường, xoay gương mặt tôi về phía chàng. Trong khi đó tôi vẫn rất buồn ngủ.
Tôi uể oải gạt tay chàng sang bên, không sao nhấc mí mắt lên được, lẩm bẩm như người mơ ngủ:
- Em buồn ngủ lắm, chàng đi một mình đi, cho em ngủ thêm một lát.
Kháp Na đặt tay lên trán tôi, băn khoăn:
- Không sốt. Thế thì rốt cuộc là làm sao? Thời gian gần đây em thường hay buồn ngủ, ngày nào cũng dậy rất muộn.
Tôi ngáp ngắn ngáp dài:
- Em cũng không biết nữa, chỉ biết là rất thèm ngủ.
- Em có đói không? Có muốn ăn chút gì không?
Chàng rót cho tôi một bát sữa bò, kéo tôi dựa vào vai chàng, dỗ dành tôi uống sữa.
Vừa nhấp một ngụm, bụng dạ tôi bồng cồn cào, khó chịu, tôi không sao kìm nổi, nôn ra khổ sở. Sữa bò bắn vào áo Kháp Na, tôi vội vàng xin lỗi:
- Em không cố ý đâu. Không hiểu sao, uống sữa bò mà em cũng cảm thấy buồn nôn.
Chàng chẳng buồn để ý đến chiếc áo vấy bẩn, chăm chăm nhìn tôi như thể bị điểm huyệt vậy. Tôi ngạc nhiên kéo vạt áo chàng:
- Chàng sao vậy?
- Buồn nôn, thèm ngủ... - Chàng đột nhiên ôm chặt hai vai tôi, giọng chàng run lên. – Tiểu Lam, có phải em có mang rồi không?
Tôi sững sờ, khẽ chạm tay vào bụng:
- Em... em không biết.
Tôi không có bất cứ kinh nghiệm nào về chuyện này, người duy nhất tôi có thể hỏi lại đang ở Trung Đô.
Kháp Na lập tức bật dậy, lao ra ngoài:
- Ta sẽ đi mời thầy thuốc đến khám cho em.
- Không được, Kháp Na! – Tôi vội vã ngăn chàng lại. – Cơ thể của em khác với loài người, em sợ thầy thuốc sẽ phát hiện ra.
Kháp Na sững lại, gãi đầu quay về bên tôi, chau mày hỏi:
- Vậy phải làm sao?
Tôi trầm ngâm:
- Hay để em về Trung Đô hỏi Khabi.
Tôi muốn ra khỏi giường nhưng đầu nặng trịch. Tôi định niệm thần chú nhưng chợt nhật thấy năng lượng không đủ để có thể về được Trung Đô. Tôi sợ hãi kêu lên:
- Kháp Na, vì sao... vì sao linh khí của em lại đột nhiên giảm sút thế này?
Vừa dứt lời, tôi bỗng sững sờ, ngẩng đầu nhìn Kháp Na đầy lo lắng:
- Em biết rồi!
Năm đầu tiên khi tôi vừa hóa thành người, tôi đã vui mừng khôn xiết, vì từ giờ tôi sẽ có thể đến gần Bát Tư Ba. Thế nhưng Khabi đã lập tức giội cho tôi một gáo nước lạnh. Cô ấy nghiêm nghị nói:
- Cô hãy suy nghĩ cho thật kĩ. Yêu loài người tức là sẽ phải chịu đựng mối nghi hoặc canh cánh trong lòng, vì cô không dám chắc anh ta có chung tình với mình hay không; sẽ phải chịu đựng những năm tháng cô đơn dằng dặc sau khi anh ta qua đời; và còn phải vượt qua một cửa ải quan trọng khác: sinh nở.
Tôi sợ hãi gạn hỏi:
- Chúng ta sẽ mang thai chín tháng mười ngày giống con người và cũng phải chịu nỗi khổ sở trong suốt thai kỳ, đúng không?
- Đúng vậy, thậm chí chúng ta còn vất vả, khổ sở và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Cô ấy nhếch môi cười, gương mặt kiều diễm bỗng lộ vẻ sợ hãi.
- Kể từ lúc có mang, linh khí trong cơ thể chúng ta sẽ giảm rất nhanh, mọi phản ứng của cơ thể đều trở nên chậm chạp. Tuần tuổi của thai nhi càng tăng, linh khí mất đi càng nhiều. Và thời khắc vượt cạn sẽ là lúc nguy hiểm nhất.
Vẻ mặt của cô ấy khiến tôi hoảng sợ, vội vã hỏi:
- Nguy hiểm thế nào?
- Vì thai nhi của loài người lớn hơn cơ thể của loài hồ ly chúng ta rất nhiều nên khi thai nhi được chừng bảy, tám tháng, chúng ta không thể trở lại nguyên hình, phải sinh đẻ trong hình hài của con người. Lúc vượt cạn, linh khí của chúng ta không còn nữa, cơ thể chúng ta sẽ yếu hơn rất nhiều so với những phụ nữ khác. Chỉ sau khi cai sữa, chúng ta mới có thể trở lại nguyên hình để khôi phục sức khỏe. Vì vậy, trong giai đoạn này, cô phải hết sức thận trọng bởi đây sẽ là thời cơ tốt nhất để kẻ thù tấn công, hãm hại cô.
Những lời nói của Khabi cứ vang vang trong đầu tôi, tôi đột nhiên nhớ lại sự việc hôm đó, tôi làm phép khiến Yeshe bị hôn mê nhưng hắn nhanh chóng tỉnh lại và chạy thoát. Thì ra, không phải do tôi kém cỏi mà vì tôi đã mang bầu. Những ngày vừa qua, ngoài việc đóng giả Kangtsoban, tôi không hề sử dụng linh khí để làm những việc khác nên tôi không phát hiện ra. Tôi cúi xuống nhìn phần bụng phẳng lì của mình, trộm nghĩ, bây giờ là giữa tháng Hai, vậy hẳn là tôi cũng mới có thai.
Tôi gọi khẽ:
- Kháp Na, chàng lại đây.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[2] Tên gọi “tháp hoàng kim” xuất hiện từ đầu thời Bắc Tống, vốn là công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ trong chùa Nam Thái thuộc huyện Vô Vi (nay là Tây Hà). Về sau, “tháp hoàng kim” được dùng để chỉ kiến trúc tháp cổ Phật giáo kiểu thành trì mang phong cách Ả Rập với bốn mặt tháp được quét một lớp bột bột vàng lấp lánh. (DG)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.