Đằng Nào Cũng Dính Sao Quả Tạ

Chương 10:




Vu Kính vẫn không ngừng lải nhải, mà tôi thì chả có hứng nghe tiếp, mới vụng trộm liếc nhìn ra ngoài kia một chút, trời vẫn sáng trưng, giờ này hãy còn sớm chán, nếu hôm nay thu thập nhanh một chút nói không chừng tới cuối ngày còn có thể kịp đi ngâm mình lát. Cứ thử tưởng tượng mà xem, được nằm ngủ giữa dòng nước ấm áp hơn cả thân nhiệt, bao phủ chung quanh cơ thể, tứ chi được thả lỏng, cảm giác thư thái lan đến từng bộ phận khiến cho ta sởn da gà khắp người, toàn thân lấm tấm mồ hôi, là một việc sung sướng không gì bằng! Hễ nghĩ đến điều này là tôi lại nhấp nhổm ngồi không yên rồi. Thế mà tên Vu Kính chết toi này lại vẫn hăng say thao thao bất tuyệt y như một cái máy nói.
Tôi thầm than thở trong lòng, Vu Kính của ngày xưa nào có cái bệnh lắm lời như thế này đâu, tới chừng lên làm chưởng môn rồi thì tác phong lại sặc mùi quan liêu thế này đây, nhiêu đó thôi cũng đủ để thấy cái chức chưởng môn này hại nước hại dân tới cỡ nào.
Thôi bỏ đi, cứ việc chợp mắt một lát đi, dù sao thì cái ghế dưới mông mình cũng là hàng cao cấp mà, ngồi lên đã biết chừng nào. Thế nhưng cố gắng cách mấy vẫn không thể ngủ được. Nếu so với ông cụ chưởng môn tiền nhiệm mà hễ có hứng ‘giảng đạo’ là lại bắn một tràng liên tu bất tận không ngừng nghỉ kia, thì Vu Kính còn thâm độc hơn nhiều. Hắn nói thì cứ nói, nhưng hễ mà thấy hai mắt tôi bắt đầu lơ đễnh, lờ đờ là hắn liền mỉm cười hỏi này hỏi nọ mấy câu như: cậu thấy thế nào, như vậy có được không vân vân. Buộc tôi phải tập trung tinh thần trả lời, còn không thì sẽ bày ra những trò như là rót cho một tách trà nóng đến phỏng tay làm tôi phải giật mình tỉnh giấc các thứ, tất cả chỉ để hòng quấy rầy giấc mộng đẹp của tôi, xong lại lấy đó làm vui. Tôi bắt đầu hoài nghi kì thực hắn cũng không phải cái hạng thích tốn hơi thừa lời thế này đâu, chẳng qua tại hắn thấy cảnh tôi buồn ngủ ríu mắt trông thật thú vị mà thôi. Có điều cũng phải khâm phục hắn thật đấy, từ nãy đến giờ hai đứa tán không ít chuyện tầm xàm bá láp chả đâu ra đâu thế mà vẫn chưa bị trùng ý nào cả, cừ thật.
Nghĩ đến đây, lại kìm lòng không đậu mà nhớ tới những đức tính tốt đẹp của ông lão chưởng môn kia. Ông cụ ấy cứ thích phải có càng đông đệ tử đến nghe ổng răn dạy càng tốt, khi đó tôi chỉ việc rúc vào một góc giữa những mái đầu đen thùi nhung nhúc ấy đánh một giấc thoả thuê, đố đứa nào phát hiện ra. Thế nhưng Vu Kính thì lại không như vậy, lúc nào cũng chăm chăm kiếm chuyện với tôi, thiệt mất nhân tính quá trời hà! Muốn tìm cơ hội để trà trộn vào đám đông cũng còn khó nữa là.
.
Huống hồ chi, suối nước nóng thân yêu còn đang vẫy gọi tôi kia kìa!
Tôi mà nghe nữa chắc nổi điên lên mất, đành phải đứng dậy chắp tay vái chào: “Chưởng môn sư huynh, nếu như không còn gì căn dặn, đệ tử xin phép cáo từ.”
Vu Kính vẫn tỏ thái độ hiền hoà, chả biết hắn có giận hay không, cũng chả thấy hắn ý kiến ý cò gì với cái hành động đột ngột đứng lên cắt ngang lời mình của tôi, hắn chỉ nói: “Sư đệ, thế thì cậu cứ đi trước đi, tôi vẫn còn vài lời muốn căn dặn Điển Mặc, tôi sẽ nói nó đuổi theo sau.”
Ôi chao, đến phiên Điển Mặc bị lên dĩa rồi đây! Tôi hoan hỉ trong lòng, lại cúi người thật thấp vái chào lần nữa: “Vậy đệ tử cáo lui.” Đi ngang qua chỗ Điển Mặc, tôi khẽ siết lấy bàn tay cậu nhỏ, thì thầm: “Con nên tự cầu phúc cho mình đi thôi.”
Hàm răng trắng hếu của nó lại được nhe ra, là đang cười với tôi ấy mà… Ý là đừng có lo ư?
Rồi vươn tay kéo áo tôi lại… Ý là đợi cậu ta một tí ư?
Lại dùng tay kia giữ chặt lấy vai tôi… Ý là hãy ngồi xuống đây ư?
Kế đó cả người nó áp sát qua chỗ tôi… Ý là??????
Cái trò gì đây hả! Có miệng sao hổng biết nói mà cứ phải bắt sư phụ mi chơi đuổi hình bắt chữ vậy hả!
Lẽ nào mi không biết rằng ta dở nhất là giải đố hay sao!
Tôi hậm hực hất tay cậu ta ra, không ngừng ngoái đầu lại lưu luyến nhìn chiếc ghế nọ, sau cùng mới nghênh ngang cất bước quay đi.
Sau lưng vẫn còn nghe thấy tiếng Vu Kính từ đằng xa vọng lại: “Sư đệ à, câu nói tự cầu phúc cho bản thân đó, cậu nên giữ lại dùng cho chính mình thì hay hơn đó.”
Ý gì nữa đây?
Chả hiểu gì sất.
Cơ mà theo như thói quen của tôi ấy à, chuyện gì mà không hiểu thì cứ dẹp nó qua một bên cho nhẹ gánh.
.
.
Đầu không ngừng mơ tưởng về khung cảnh ngâm mình trong suối nước nóng, tôi phấn khích tột đỉnh vọt ngay vào phòng, phải mà sớm biết có nguyên một cái suối nước nóng ngay cạnh nhà như vầy, khà khà, tôi đã mò ra đó từ lâu rồi! Có điều bây giờ cũng chưa có muộn, tôi hào hứng đến nỗi nhịn không được khẽ ngâm nga một khúc ca, người xưa chẳng phải rất khoái cái trò hát ngêu ngao cả ngày đó sao, tôi bắt chước học theo họ, thích chí quá chừng luôn!
Đột nhiên từ sau lưng vang lên giọng nói: “Sư phụ, thầy rất ghét khi có một đứa đệ tử như con đúng không?”
Giọng ca oanh vàng của tôi bất chợt nín bặt.
Tiếng nói kia vừa phát ra từ một tảng đá đang mặc quần áo, không phải Điển Mặc thì còn ai trồng khoai đất này.
Tôi cuống quýt cất ngay cái vẻ toe toét hớn hở qua một bên, rồi thay vào đó bằng điệu bộ đạo mạo của một ông thầy.
Thằng nhóc ngước mặt lên nhìn tôi, không chắc là tôi có bị ảo giác hay chăng, nhưng hình như những hoa văn vàng kim trên gương mặt đen thăm thẳm của nó đang chuyển động thì phải, tôi chớp chớp mắt nhìn kĩ lại, thì nó lại đứng yên rồi, cậu nhỏ hỏi tôi: “Sư phụ, thầy ghét việc phải nhận đệ tử hay chỉ là ghét phải nhận con làm đệ tử?”
Tôi rất muốn trả lời rằng thầy đây cái nào cũng ghét hết, thế nhưng khi lời vừa ra tới miệng đã biến thành: “Thầy không thích việc nhận đệ tử, nhưng lại chẳng ghét việc có một đệ tử như con.” Vì rằng nhờ có con ta mới biết tới suối nước nóng mà, nhưng mà câu này vẫn là khỏi nói thì hơn. Tôi ráng nặn ra một nụ cười trước mặt nó, có điều muốn cười để nhìn đừng có giống mấy đứa thiểu năng sao mà khó ghê, không tin mấy người cứ ra chỗ nào có tảng đá rồi cười với nó đi là biết liền à.
Cậu nhóc không nói gì, nhưng tôi biết là nó rất hài lòng với câu trả lời này, bởi vì tôi lại vừa được dịp diện kiến cái hàm răng trắng nhách kia.
“Nếu không phải vậy, thế sao mới nãy thầy lại không ngừng gào rú như điên thế kia, khiến cả đoạn đường đều lâm vào cảnh gà bay chó nhảy, người chạy mất dạng vậy.” Cậu ta chỉ chỉ xung quanh, lúc này tôi mới nhận ra rất nhiều loài động vật như cáo nè, tê tê nè, rắn rít nè, chim chóc nè thường ngày vẫn qua lại tấp nập trên con lộ nhỏ này thế quái nào hôm nay bỗng dưng không thấy mặt đâu hết vậy ta. Ủa mà, thằng oắt này nói vậy ý là chê bai giọng hát tôi đấy à?
Điển Mặc liếc nhìn con lạch nhỏ ven đường, nói: “Đáng nể thật, ngay đến lũ cá dưới kia nghe tiếng vang thôi mà cũng rối rít trốn đi luôn kìa! Sư phụ này, như thầy mà lỡ sống trong thành thị thì có bị khép vào tội gây ô nhiễm tiếng ồn quấy rầy cuộc sống người dân không nhỉ?”
Sắc mặt của tôi bắt đầu khó coi rồi nha, sao lại để cho một đứa đệ tử, một đứa tiểu bối như nó nói cho cứng họng luôn vầy nè, nói thế nào thì tôi cũng có thâm niên sinh sống trên núi Bình Tâm một khoảng thời gian dài cơ mà: “Con, làm sao con biết rằng đó không phải do vẻ ngoài của con trông gớm guốc quá nên mới doạ cho tụi thú vật sợ mà bỏ chạy tán loạn cơ chứ? Nếu sống trong nội thành, nói không chừng con cũng bị khép vào tội gây ô nhiễm thị giác ấy chứ đừng có mà tưởng.”
Điển Mặc vẫn tỉnh bơ như không, hơn nữa còn lấy tay kéo vạt áo ra, từ trong đó một chú sóc đuôi xù nhú cái đầu be bé ra: “Thưa sư phụ, chứng cớ ở ngay đây nè, mới rồi có một con sóc chạy không kịp nên đã chui vội vào lòng con lánh nạn đỡ đây này.”
.
Tôi tiu nghỉu như mèo cụp đuôi rề rà lết xác trở về phòng, khó khăn lắm mới được một bữa tâm trạng hứng khởi như vầy lại bị thằng nhãi này phá cho hư hết, rõ là cái đồ sao quả tạ ăn hại gây rối mà!
“Sư phụ ơi, bộ thầy giận con thiệt hả?” Điển Mặc đi theo tò tò sau lưng tôi, khều khều tay áo tôi: “Sư phụ à?”
Tôi hất tay nó ra, hứ, làm thầy phải cho ra dáng thầy chứ, được lắm, ta ngó lơ mi luôn, không bắt mi năn nỉ ỉ ôi thêm tí nữa thì còn gì là uy nghiêm của sư phụ đây chứ.
Trong lúc tôi còn đang miên man nghĩ ngợi, sau lưng bất chợt im lìm, rồi lại có tiếng bước chân bỏ đi nhanh như bị ma đuổi.
Chuồn rồi sao?!
Thứ đệ tử gì thế này không biết!
Khi vi sư phớt lờ nhà mi, một đệ tử ngoan chẳng phải là nên xun xoe nịnh nọt, cười cợt lấy lòng, khóc rống khẩn cầu cúi đầu xin tha hay sao?
Tôi nổi giận đùng đùng đứng lại, thằng nhóc Điển Mặc này, muốn xin lỗi thì cũng phải có tí thành ý chứ, chưa chi đã vội bỏ cuộc rồi là sao.
Thôi bỏ đi! Vốn chẳng thể trông cậy gì được vào đám đệ tử mà, nhất là cái đứa như nó nữa.
Bỗng dưng tôi nhận ra nguyện vọng của mình gửi gắm sai đối tượng rồi, thứ đệ tử như vầy, có bao lớn cũng thế thôi, sao mà trông cậy nó sẽ làm việc nhà cho mình được chứ?
Tôi mang theo tâm trạng phiền muộn bước tiếp con đường phía trước, haiz, may là mới là ngày đầu tiên thôi đó. Lúc nhận đồ đệ cũng quên hỏi một chuyện, không biết là cái chức trách sư phụ này sẽ còn phải gánh vác đến bao giờ nữa đây?
Bất chợt tôi lại nghĩ đến câu “Một ngày làm thầy, suốt đời làm cha”.
Làm ơn đừng nha, cái chế độ chung thân kiểu này hết sức là phản khoa học đó có biết không vậy!
Tôi đồ rằng câu này chính là do gã nào đó phịa ra để phủi bỏ trách nhiệm làm cha thôi.
Tôi cứ thế vừa đi vừa nghĩ lan man được một đoạn thì bỗng nghe thấy tiếng bước chân gấp gáp vang lên từ sau lưng.
Điển Mặc hả? Tôi dừng lại, nhìn ra sau.
Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi chính là, thằng nhãi Điển Mặc này không chọc cho tôi tức điên lên thì không chịu được hay sao á!
Bởi vì đập vào mắt tôi ngay lúc đó là cảnh tượng một cái ghế gỗ được chạm trổ tinh vi đang bay khí thế qua đây.
Hơn nữa cái ghế đó trông rất giống với cái mà ban nãy tôi vừa ngồi.
Rồi thứ kế tiếp mà tôi nhìn thấy là hình ảnh Điển Mặc chạy theo đằng sau chiếc ghế, khi cậu ta nhìn thấy tôi, cũng là lúc cái ghế nọ phi thẳng sang đây, “Sư phụ, thầy đang đợi con đấy à?”
Tôi trỏ vào chiếc ghế bị nó liệng một cái bốn chân liền lún sâu vào trong đất luôn kia, dường như vừa rồi nhóc ta đâu có vẻ gì là đã vung tay để ném nó đi đâu nhỉ, mà thôi, cái vấn đề kĩ thuật này tạm thời cho qua vậy, “Đây hình như là cái ghế hồi nãy thầy ngồi lên thì phải, chính là cái vừa êm ái vừa thoải mái ấy.”
Điển Mặc gật đầu: “Tại con thấy khi thầy ra về, cứ đi được một bước lại ngoảnh đầu nhìn lại hết mấy lần, làm con cứ tưởng là thầy đang nhìn con, sau mới nhận ra là thầy đang nhìn nó.”
Tôi nhịn không được mà đảo tròng mắt: “Nói thừa, chú mày thì có gì đẹp đẽ để mà ta phải ngắm chớ, cho dù trông có giống cái ghế đá đến đâu thì chung quy vẫn chẳng phải là ghế thiệt.” Tôi đắn đo suy ngẫm một hồi, lại nói: “Có điều, đây chẳng phải là một trong mười hai cái ghế được chưởng môn sư huynh bày trí trong phòng khách đó hay sao?”
“Thế thì đã sao nào, cũng chỉ có mình chưởng môn, làm sao ngồi hết những mười hai cái được chứ?”
“Những lúc mở cuộc họp thì sẽ có rất nhiều người đến đó.”
“Những lúc như thế ấy à, mười hai hay mười ba cái ghế thì cũng có khác gì nhau đâu, trước sau gì cũng thiếu hà.”
“Vậy khi chưởng môn cho gọi riêng một tốp người nào đó, số lượng hẳn là không quá đông mà cũng chẳng quá ít mà.”
“Khi chưởng môn triệu kiến riêng một tốp người nào đó, thông thường toàn là để mắng nhiếc người ta cả thôi, đến lúc đó thì quỳ trên sàn nhà là thích hợp nhất rồi, căn bản là chẳng có cơ hội được ngồi ghế đâu.qw”
“Thế nhưng…” Đã làm người thì ít nhiều gì cũng phải có chút lương tâm chứ, nên tôi vẫn cứ lần lữa mãi, “Cái loại hành vi chưa được phép đã tự tiện lấy đồ của người khác, lại chẳng thèm nhắn với người ta một tiếng, hơn nữa cũng không hề có ý định trả lại như thế này…”
Điển Mặc mất kiên nhẫn nháy mắt với tôi: “Trộm thì cứ nói thẳng ra là trộm đi, lại còn bày đặt cái gì mà loại hành vi chưa được phép đã tự tiện lấy đồ của người khác, lại chẳng thèm nhắn với người ta một tiếng, hơn nữa cũng không hề có ý định trả lại như thế này…” Thấy sắc mặt tôi bắt đầu khó coi, cậu ta liền cuống quýt xoa dịu: “Có điều sư phụ quả không hổ là sư phụ nha, sự việc vốn chỉ được miêu tả bằng một chữ ngắn gọn mà thầy cũng có thể diễn giải ra một cách cụ thể tỉ mỉ như vậy!”
Vừa thấy tôi có vẻ phật ý, cậu nhóc liền đổi giọng: “Nhưng cũng phải nói sư phụ quả không hổ là sư phụ, chỉ từ một chữ mà sư phụ đã có thể hình dung ra tường tận tỉ mỉ đến thế!
Tôi vừa hơi nguôi giận, Điển Mặc liền xun xoe tới gần, từng bước giải thích: “Ghế này để ở chỗ Vu Kính, về cơ bản là chẳng ai có cơ hội được ngồi lên cả. Song thầy cứ nghĩ xem, ghế làm ra mà chẳng được ai ngồi, thì có khác chi cái sàn nhà chứ? Thế thì giá trị của nó nằm ở đâu nào? Trong khi nếu sư phụ mang ghế mang về nhà, ngày ngày ngồi lên, đó còn chẳng phải là mỗi ngày làm một việc thiện, à không, là ngày nào cũng làm việc thiện hay sao? Khiêm tốn một chút mà nói thì đây chính là sư phụ đang hành thiện tích đức đó, còn muốn công bằng mà nói thì chính xác là thầy đang ‘kiến nghĩa dũng vi’ đó!
Tôi có cảm tưởng như giá trị quan cùng đạo đức quan của mình đang bị phá hoại trầm trọng.
Thấy tôi không tiếp lời, thằng nhóc cũng chỉ cười cầu tài: “Sư phụ, con đem nó về nhà mình nghen, từ nay về sau nó chính là tài sản của chúng ta. Vừa tốt cho nó mà cũng tốt cho chúng ta nữa, thầy nói có đúng hay không?”
“Mang nó về nhà ta, nó liền thuộc về ta?”
Tôi tự động lược bỏ cái chữ ‘chúng’ dư thừa kia đi, Điển Mặc cũng không nề hà gì, liền gật đầu lia lịa.
Tôi ngắm cậu nhỏ hết một lượt từ trên xuống dưới, mới ngoác mồm cười thoả mãn: “Giỏi lắm, đồ đệ của ta!”
|Hết chương 9|


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.