Đại Mạc Thương Lang

Chương 66: Hậu kí




Độc giả thân mến! Tôi là Nam Phái Tam Thúc.
Thành thật xin lỗi vì đã kéo dài thời gian mãi mới hoàn thành được bộ tiểu thuyết này.
Cuốn tiểu thuyết này vốn chỉ định viết thành cuốn truyện vừa nhưng càng viết bản thân lại càng có hứng thú, cuối cùng vô tình viết thành truyện dài tập. Tính ra, đây chính là tác phẩm đầu tiên mà cá nhân tôi đã tự hoàn thành.
Bởi trước đây, tôi chưa bao giờ viết hết một cuốn tiểu thuyết, nên cũng chẳng bao giờ có cơ hội ngồi viết hậu kí. Lần này cuối cùng cũng hoàn thành, nên tôi muốn có đôi lời sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết.
“Đại mạc thương lang” là một cuốn tiểu thuyết rất đặc biệt. Lúc mới sáng tác, trong lúc sáng tác và đến khi hoàn thành, suy nghĩ của tôi về nó hoàn toàn khác nhau. Những gì tôi muốn biểu đạt cũng dần dần thay đổi theo sự dịch chuyển của thời gian. Ban đầu, tôi chỉ định viết nó thành cuốn tiểu thuyết thám hiểm li kì thông thường, nhưng sau đó tôi phát hiện mình có thể biến nó thành một kiểu trạng thái mà ngay cả bản thân mình cũng không thể ngờ đến.
Sau khi viết xong tập 1 - Thám hiểm cực địa, tôi cũng từng nghĩ ra một vài phương hướng: nên viết theo lối kì bí hay làm theo kết cấu đóng? Cuối cùng, tôi chọn cách kết thứ hai, bởi tôi muốn thử nghiệm cảm giác mọi tiểu tiết đan cài vào nhau - Kiểu kết cấu này thường chỉ những tiểu thuyết sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba mới dùng được, trong khi đó tôi lại dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất để viết, đúng là tự làm khổ mình, có điều tôi vẫn muốn khổ. Tôi không biết mình có làm tốt không? Hy vọng độc giả yêu thích.
Ngoài ra, tôi luôn cho rằng rất nhiều hiện tượng chỉ cần điểm qua là đủ, tôi không thích liệt kê ra mọi giải thích bởi tiểu thuyết đâu phải sách khoa học, nhưng một số bạn đọc lại quen nhất định phải nghe đích thân tác giả nói ra đáp án mới coi đó là đáp án thực sự.
Vậy thì tôi nghĩ mình cũng có thể viết một vài khả năng cho các manh mối như sau:
Đặc vụ chính là đặc phái viên Tô Chấn Hoa và Viên Hỷ Lạc, mục đích họ xuống hang động là để phát một bức điện báo xuống vực sâu. Đặc phái viên trốn trong căn cứ địa hòng ám toán hai tốp thăm dò địa chất, cuối cùng, hắn tự mình chui vào tháp tín hiệu ở tầng thứ nhất dưới vực sâu và định phát điện báo ở đó. Vì biết rõ tình hình dưới vực nên đặc phái viên đã chuẩn bị trước các trang phục bảo vệ an toàn, nhưng lúc hắn xuống đến nơi thì xảy ra một loạt biến cố. Khi hắn ăn trộm trang thiết bị bổ sung và giấy tờ của cậu lính công binh đang thở thoi thóp trong tháp bê tông, thì làm kinh động đến những người khác và bị họ phát hiện, họ đã đuổi theo hắn đến dây cáp thép. Một cuộc xung đột xảy ra trên cáp thép, trang phục bảo vệ của gã đặc phái viên bị lính công binh xé rách nên hắn bị bỏng nghiêm trọng, còn cậu lính công binh vốn đã bị thương sẵn, nên chết luôn trên dây cáp, trước khi chết, cậu ta định cho nổ đứt cáp nhưng không thành công.
Vì đương sự đều đã chết hoặc chết não nên nhân vật “tôi” không thể biết được phần nội dung này, mà cũng không thể suy đoán nổi. Nếu độc giả thấy phần nội dung đó khó hiểu thì cũng có thể coi những gì tôi viết trên đây là lời giải thích.
Còn bức tượng khổng lồ là sản phẩm của thời văn minh viễn cổ, đúng như Bùi Thanh suy đoán, nó bị sụt lún từ trên mặt đất xuống.
Vậy trong không gian khổng lồ dưới vực thẳm ẩn chứa bí mật gì? Bắt đầu từ chỗ bức tượng thì không gian dưới vực hình thành một loại không gian bất đối xứng, nơi đó thời gian trôi ngược lại quá khứ, bởi vậy máy bay Shinzan mới đưa mọi người trở về thời điểm mấy tháng trước. Bí mật ẩn chứa trong vực sâu chính là một hốc xoáy thời gian.
Còn mục đích của quân Nhật là gì? Ban đầu, họ chỉ định khai thác mỏ thủy ngân trong hang động, sau đó họ nảy sinh hứng thú với vực thẳm khổng lồ nên muốn thử dùng máy bay bay xuống thăm dò bí mật. Nhưng khi chiếc máy bay chiến đấu ấy quay trở về thì có vẻ như đó lại là thời điểm đường bay chưa được xây dựng - chính là thời điểm mọi người trên đập đang vận chuyển linh kiện máy bay xuống thì đột nhiên thấy một chiếc máy bay chiến đấu bay từ vực sâu trở về, họ liên hệ hai sự kiện này với nhau và đã hiểu ra nguyên nhân sự việc. Chính vì vậy, họ đã thả nhiều bao cát giảm xóc xuống dòng sông vì không biết lúc nào máy bay sẽ lại từ vực sâu bay ra. Thậm chí rất có thể khi cuộc họp thảo luận về việc cho máy bay cất cánh của các tướng lĩnh cấp cao quân đội Nhật mới tiến hành được nửa chừng thì không chừng chiếc máy bay họ đang chuẩn bị cho cất cánh lại từ vực sâu trở về.
Mục đích họ bay xuống vực sâu là gì? Chúng ta có thể đại khái suy đoán rằng họ muốn trở về quá khứ để ngăn chặn những lỗi lầm mà họ mắc phải trong chiến tranh, nhưng rõ ràng trước khi kế hoạch này được thực hiện thì quân Nhật đã thua trận. Nhưng kế hoạch này và kế hoạch trước đây hoàn toàn không giống nhau, dẫu họ chiến bại nhưng kế hoạch này vẫn được tiếp tục thực hiện cho nên lúc quân Nhật chưa bị phát hiện đang trú ẩn trong yếu trại dưới lòng đất, họ chuẩn bị di chuyển nhân lực xuống vực sâu. Quân Nhật chuẩn bị xây dựng sân bay ở tầng thứ hai của vực sâu. Nhưng sân bay chưa kịp hoàn thành thì căn cứ địa đột nhiên xảy ra sự cố bất ngờ, nhất định có chiếc máy bay ném bom bay xuống vực sâu, đến giữa đường các thành viên trong đoàn liền nhảy dù và đem theo mọi tài liệu mà quân Nhật đã nghiên cứu, rồi thâm nhập đáy vực. Trong tình hình lúc bấy giờ, căn cứ địa chưa bị phát hiện nhưng quân Nhật không thể lên mặt đất được nữa, nguyên nhân khiến quân Nhật từ bỏ căn cứ địa chỉ có thể là trong nội bộ căn cứ địa đã xảy ra những sự cố không thể nghịch chuyển - Tôi đã đưa ra đầy đủ gợi ý trong câu chuyện (đó đơn thuần chỉ là những gợi ý chứ không nói thẳng ra, vì nhân vật chính trong chuyện không thể biết rõ những điều ấy), mà hơn nữa nói ra thì chẳng còn gì thú vị nữa.
Còn về ánh đèn phát ra từ không gian dưới đáy động và chuyện quân Nhật liệu có sống sót dưới vực thẳm hay không thì chúng ta không nên truy cứu nữa. Cái hay của thế giới dưới lòng đất chính là nó tồn tại vô cùng vô tận các khả năng không thể ngờ đến. Nhưng nếu bạn cảm thấy khó chịu thì tôi có thể nói, theo suy đoán, trong vực sâu có rất nhiều loại đá. Đúng vậy! Dưới vực sâu chỉ có đá. Không còn đáp án nào có thể hợp lý hơn đáp án này.
Vậy để cứu Viên Hỷ Lạc, nhân vật “tôi” phải tuần hoàn lại bao nhiêu lần? Nhóm công trình 723 đã xảy ra chuyện gì? Những vấn đề phức tạp nằm sau câu chuyện tưởng như đơn giản này còn bao nhiêu khả năng nữa? Vết tích dòng chữ bị cạo xóa trong trạm lánh nạn thể hiện điều gì?
Chỉ cần mọi người đọc kĩ các chi tiết trong câu chuyện là có thể suy đoán đại khái được đáp án, tôi không nói ba năm rõ mười ra nữa. Đương nhiên, bạn cũng có thể phát hiện, tôi có thể gạt hết những vướng mắc này để chỉnh thể câu chuyện được khép kín hoàn toàn, nhưng như vậy thì câu chuyện sẽ mất đi phần khiến độc giả suy ngẫm nhất, giống như những bộ phim gần đây, con quay luân hồi cuối cùng có ngừng quay hay không còn phải xem cái tâm và cái tài của các nhân vật. Đây chỉ là suy nghĩ của riêng tôi chứ không phải lời giải đáp cho mọi thắc mắc của bạn đọc.
Còn về tình yêu trong câu chuyện này, có lẽ nhiều người cho rằng tình yêu ấy không giống tình yêu. Điều duy nhất tôi có thể nói là phần lớn nam giới đều ôm tâm trạng như vậy đối với mối tình đầu, xem nhiều tiểu thuyết ngôn tình đẫm lệ, đôi khi quay sang thưởng thức thứ tình yêu thoang thoảng như có như không này biết đâu lại khiến bạn thấy hay?!
Cảm ơn các bạn! Hy vọng lời giải thích của tôi không quá phức tạp cũng không quá đơn giản!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.