Đại Mạc Thương Lang

Chương 21: Đối tượng cứu viện thực sự




Những ngọn lửa bập bùng lay động trước mặt chúng tôi, làn khí nhè nhẹ thổi tới khiến những thanh củi đang cháy chốc chốc lại phát ra tiếng lách tách. Những gương mặt người sau ánh lửa ánh lên sự trầm ngâm, ưu tư, đặc biệt là anh Miêu, nhưng tôi chỉ nhìn thấy những đường nét của gương mặt anh, còn không thể thấy rõ tâm trạng trên gương mặt ấy ra sao.
Tại sao người được cứu lại không phải là chúng tôi?
Tôi cảm giác mình không thể hiểu được những lời nói của Vương Tứ Xuyên, nhưng nhớ lại câu chuyện của Viên Hỷ Lạc, tôi lập tức cảm thấy đã hiểu được đôi chút, nhưng bản thân cũng không thể khẳng định chắc chắn.
“Vậy người các anh muốn cứu thực sự là ai?”, tôi nhìn anh Miêu, hi vọng anh ấy sẽ có câu trả lời rõ rang.
Hai cậu lính khai thác không ngồi cùng chúng tôi nghe được câu nói, ngừng nói chuyện, ngoảnh lại nhìn tôi, nhưng nhóm Vương Tứ Xuyên chỉ chăm chú nhìn vào đống lửa trước mặt, không nói gì, cũng chẳng ai muốn đáp lời tôi, rõ ràng là họ đã từng nghe qua những câu hỏi kiểu này.
Từ phía sau ánh lửa bập bùng, anh Miêu nhìn tôi, anh ta vứt mẩu thuốc xuống mặt đất, chậm rãi nói: “Tôi không có quyền, cũng không có nghĩa vụ phải báo cáo các cậu. Cứ biết là đã tìm được các cậu là được rồi.”
Lại một bầu không khí im lặng bao trùm lên cả đội, không ai lên tiếng. Cuối cùng, Vương Tứ Xuyên nói từng tiếng nhát gừng: “Đã thế thì tôi sẽ báo cáo chuyện này lên cấp trên.”
Anh Miêu thở hắt ra một hơi, nói: “Nhiệm vụ hàng đầu của người lính là phải phục tùng mệnh lệnh, có ý kiến thì đợi lúc ra khỏi đây, đi tìm Vinh Ái Quốc mà nói.”
Chúng tôi thở dài, ai nấy đều hiểu rằng trong trường hợp này, không phải là anh Miêu không muốn nói, mà là anh ấy không thể tùy tiện đem những bí mật quan trọng ra chia sẻ với tất thảy mọi người được, vấn đề này phải đưa lên cấp tòa án quân sự. Hơn nữa, sự thật thì chúng tôi đều là quân nhân, tuy là một loại quân nhân đặc thù, nhưng hễ là quân nhân thì phải chấp hành mệnh lệnh. Đây là một nguyên tắc thiêng liêng của ngành, tất cả những người lính đều phải nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc này, lúc chúng tôi nhập ngũ, đều đã làm sẽ những công tác chuẩn bị tư tưởng như vậy rồi.
Bất ngờ, Vương Tứ Xuyên buột ra một câu chửi thề, rồi không thấy nói năng gì nữa, mấy cậu lính công binh đang nhìn tôi cũng ngoảnh đi, tiếp tục lầm rầm nói chuyện.
Tôi muốn bầu không khí dịu đi một chút nên quay sang hỏi họ: “Vậy các anh bàn đến chỗ nào rồi? Kể tôi nghe thử!”
Bùi Thanh đưa tờ giấy anh Miêu vẽ cho tôi xem, cũng có lẽ là cậu ta muốn mọi người bình tĩnh trở lại nên tiếp lời: “Chúng tôi đang nói đến đoạn cái cánh cửa sắt lúc nãy, đúng là ở vị trí này. Chúng tôi đang tính, nếu đã đi qua được đỉnh của cái động này rồi thì đằng sau cái cửa sắt sẽ là gì?”
Tôi nhớ lại cánh cửa sắt kì lạ đó, giờ này, có lẽ nó đã nằm sâu dưới nước rồi. Tôi nhìn những đường ngang dọc trên tấm bản đồ vẽ tay của anh Miêu, rất dễ để nhận ra những địa điểm chúng tôi đã đi qua. Tại nơi cánh cửa sắt, không hiểu vì sao anh Miêu lại đặt một dấu chấm hỏi bên nó.
Tôi hỏi mọi người đã thảo luận ra kết quả gì chưa, Bùi Thanh nói đã hỏi thêm ý kiến cảu các cậu lính, mấy cậu ấy nó có thể xảy ra hai khả năng, thứ nhất, chỗ đó căn bản không phải là cửa, mà là một tảng bê tông được lấp tạm thời, do kết cấu của vách đá nơi đây không ổn định, đường không dễ đi, nếu phải dùng xe móc để kéo các bộ phận lớn của chiếc máy bay, ví dụ như động cơ máy bay chẳng hạn, thì chắc phải cần tới cần cẩu, vậy thì cần phải đắp lên mặt đất một lượng lớn các thanh sắt và xi măng, vậy nên cánh cửa sắt đó khả năng chỉ là dấu vết còn lại của một lớp bê tông mà thôi.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc, bụng bảo dạ đúng là ý kiến nhảm nhí, chỗ đó chắc chắn là một cái cửa, nghĩ vậy nhưng tôi vẫn hỏi: “Vậy khả năng thứ hai là gì?”
Bùi Thanh đáp: “Nghe các anh này nói thì cũng có lý, nhưng nếu đó không phải là tảng bê tông mà là cửa thật thì dựa trên kinh nghiệm xây dựng boong ke của tôi cho thấy, loại cửa này chắc chắn có lắp ngòi nổ mìn, bên dưới của nó chắc toàn là thuốc nổ, phía dưới cánh cửa có khoan một đường đến tận lớp chống đỡ, thuốc nổ được để đầy tại một vị trí quan trọng dưới lớp phòng cháy nổ đó, chúng được dùng trong tình huống khẩn cấp, có thể đánh sập cả cái động này chỉ trong chốc lát.”
Tại nhiều công sự ngầm dưới đất của quân Nhật đều có những đường ngầm có kết cấu như thế này, thế nhưng loại cửa này phải cần có một số người biết mật mã để kích hoạt thuốc nổ, trong số lính Nhật chắc cũng có một số người đặc biệt làm nhiệm vụ kích nổ này.
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà lúc quân Nhật rời bỏ đi đã lấp kín cánh cửa sắt lại, rõ ràng là không muốn vùi lấp hết toàn bộ nơi này, hoặc là lúc đó người biết mật mã kích nổ đã chết.
Tôi nghe nói xong, mồ hôi toát ra đầy đầu, vội vàng hỏi: “Ý của cậu là lúc trước chúng ta đã đứng trên một đống thuốc nổ phải không?”
Một anh lính đứng ngay cãnh tôi trề môi trả lời: “Không phải một đống, mà là một đống to tướng mới đúng.”
Người vừa trả lời tôi là một người đã đứng tuổi, khuôn mặt có vẻ dữ tợn, so với đội phó của chúng tôi thậm chí còn già hơn, anh ta chen ra qua đám lính khai thác rồi bước ra, anh Miêu giới thiệu với chúng tôi: “Đây là anh Đường Trạch Đinh, liên đội trưởng của đội kĩ sư, là bộ đội kì cựu, vừa mới từ biên giới Trung Ấn trở về”. Rõ ràng là anh Miêu và anh ta đã biết nhau từ trước. Anh Đường đó và đội phó của chúng tôi đúng là hai tính cách khác hẳn nhau. Anh ta lại có cấp bậc cao nên ngồi xuống rồi mới dùng cái giọng khinh khỉnh nói với chúng tôi: “Nghe nói là trước đây người Nhật có dùng tới nó, thường là loại thuốc nổ 97, đó là loại TNT, nghe nói họ còn trộn thêm sáu loại chất nữa tạo thành (cụ thể là chất gì thì tôi không nhớ rõ), trong môi trường có nước thì sức nổ của nó càng lớn.” Nhưng anh ta cũng bảo mọi người an tâm, kĩ thuật đặt ngòi nổ của người Nhật rất giỏi, thường không để xảy ra nguy hiểm.
Sau đó anh ta lại tiếp tục nói vị trí đặt ngòi kích nổ của chỗ thuốc nổ này được cất giấu rất kĩ, chắc là nó phải nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, vì nếu chỗ này không cất giữ được thì sẽ phải chuyển đến nơi khác, cho nên mới sắp xếp thuốc nổ tại nơi này. Anh ta bảo cứ theo tình hình này mà đoán thì khúc sông sau chúng tôi đi qua sẽ tương đối an toàn.
Những lời đó đương nhiên Vương Tứ Xuyên không tin, nhưng cậu ta vẫn vỗ vỗ vào vai anh lính đứng tuổi rồi gật gù, như thể mình đã lĩnh hội những lời quý hóa của anh ta.
Ngược với Vương Tứ Xuyên, tôi lại thấy những lời của anh Đường có lý, thế nhưng sự tình đã thế này đành phải cứ đi tiếp rồi mới tính toán tiếp được.
Bùi Thanh nghe xong đáp: “Đây là một trong những vấn đề lúc nãy chúng tôi cũng có bàn qua, nhưng bây giờ có một vấn đề khó giải quyết mà chúng tôi cũng vướng phải, đó là Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ.”
Tôi giật mình, hỏi họ đã có chuyện gì xảy ra? Tại sao không thấy họ ở đây, phải chăng đang đợi chúng tôi ở trên thượng nguồn?
Bùi Thanh lắc đầu trả lời: “Anh Miêu bảo với tôi rằng lúc các anh ấy đến thì chỉ thấy đồ đạc và xác người lính đã hi sinh ở đó, nhưng không thấy ba người họ đâu.”
Tôi ngẩn người ra, tự hỏi sao lại như vậy? Bùi Thanh đặt ra giả thiết là có khi trước lúc nhóm Bùi Thanh tới tìm, chính Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ đã phát hiện ra nước lụt dâng nên đã tìm cách đến cứu chúng tôi, nhưng có lẽ họ đã gặp vấn đề gì đó, tóm lại lúc này chúng tôi cũng không có cách để quay trở về, chỉ biết cầu mong cho họ tai qua nạn khỏi.
Tôi nghĩ tới bộ dạng của Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ, trong lòng không khỏi lo lắng cho bọn họ, làm sao hai người đó có thể tự xoay sở được, còn cậu lính trẻ kia nữa, liệu cậu ấy có chăm sóc nổi cho họ không?
Tạm cất nỗi lo đó trong lòng, chúng tôi phải bàn sang vấn đề khác, hướng của dòng chảy rất khó đoán, hồi đó có một loại thiết bị có thể dự đoán được hướng chảy và quy mô của dòng sông ngầm, thế nhưng sai số lớn, không được chính xác, mà chúng tôi lúc này lại rất cần thông số chính xác. Bây giờ có lẽ chúng tôi chỉ còn cách dựa vào kinh nghiệm khảo sát ban đầu để đoán hướng chảy của dòng sông mà thôi.
Đang tranh luận thì bỗng nghe tiếng ầm ĩ vọng lại, chúng tôi ngoảnh đầu xem thì thấy hai cậu lính đã đi theo các bậc thang đá được một đoạn khá xa, ở đây, chúng tôi chỉ nhìn thấy được hai luồng sáng phát ra từ hai chiếc đèn của bọn họ.
Những bậc thang đá như vậy rất dài, có lúc kéo dài tới vài cây số, có lẽ do hai cậu này thấy phong cảnh ở đây đẹp quá nên đã men theo vách hang đi xem. Lúc này đội phó phát hiện ra nên vội vàng lệnh cho bọn họ quay trở lại.
Thế nhưng chúng tôi nhìn thấy hai cậu đó giơ tay ra hiệu, chỉ lên đỉnh động, hình như đã phát hiện được điều gì đó.
Vương Tứ Xuyên phấn chấn, tôi và cậu ta đứng bật dậy, cùng mấy người nữa chạy về hướng đó Đến được chỗ hai cậu lính, ngẩng đầu lên nhìn thì thấy phía trên những nhũ đá thả xuống có mắc một dây cáp điện vừa to vừa xù xì thành hình chữ U, nó được kéo từ phía trước của dòng sông tới, đến đây thì chui xuống dòng nước rồi kéo đi đâu không rõ.
Đến chỗ này, từ chỗ dây cáp, tôi lại nghe được âm thanh của tiếng gõ móng tay lách tách xuống mặt đá mà đã nghe lúc bên ngoài cánh cửa sắt, tôi cố nghe lại, âm thanh này xem ra không phải tiếng nước ma sát vào lớp đá khi dâng lên mà là tiếng dòng điện chạy trong dây cáp.
Phát hiện ra dây cáp điện không có gì là ghê gớm, vậy mà mấy cậu lính khảo sát lại cực kì phấn khích, bởi có dây cáp điện có nghĩa là gần đây có các dụng cụ chạy bằng điện, không biết người Nhật dùng loại máy phát điện kiểu gì nhỉ? Xuất hiện dây cáp điện có nghĩa là chúng tôi cách mục tiêu không xa nữa.
Chỉ có điều không biết dây cáp đã bỏ hoang mấy chục năm thì liệu còn điện không? Lẽ nào máy phát điện nơi đầu dây kia vẫn còn hoạt động?
Anh Đường bảo mấy người công kênh anh lên, đưa lên cao để gỡ sợi cáp, thế nhưng do hàng chục năm ngâm nước, không ai đụng tới, sợi dây bị lão hóa, lại bị các lớp bột vôi ở nhũ đá bao quanh nên đã gắn chặt vào nhũ đá, không gỡ ra được, sợi dây từ trên nhũ đá rơi xuống nước, rồi không biết dẫn đi đâu, vậy là anh Đường sai mấy cậu lính men theo sợi dây, xem nó có nối với cái máy nào không.
Đội phó cởi quần áo, theo những bậc đá trèo từng bước xuống dưới, sau đó túm lấy dây cáp rồi lội xuống nước, chúng tôi theo dõi thấy anh ấy ngụp lặn một lúc, rồi lại nổi lên một lúc, rất nhanh sau đó ánh đèn chìm sâu xuống, không còn thấy gì nữa.
Tôi sợ xảy ra chuyện gì, vội nói mấy người khác thả xuồng cao su xuống để bơi ra đó ứng cứu.
Mấy người chúng tôi đều rất hồi hộp, chiếc xuồng ra đến giữa dòng rất nhanh, từ chỗ này, ánh đèn của đội phó rọi lên rất rõ, chúng tôi nhìn thấy ánh sáng đó liên tục lắc lư lay động, cuối cùng thì nó cũng dừng lại, rồi từ từ nổi lên, tiếp sau đó là một cái xoáy nước, rồi đội phó nổi lên, liên tục thở ra phù phù và đu mình bám vào xuồng.
Chúng tôi vội vàng kéo anh ấy lên, đưa khăn cho anh lau đầu tóc, Vương Tứ Xuyên không chờ được, vội vàng hỏi dưới đó đã xảy ra chuyện gì?
Phải mất cả phút sau, đội phó mới bình tĩnh trở lại, miệng anh lắp bắp: “Máy bay! Dưới nước có một xác máy bay!”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.