Đại Mạc Thương Lang

Chương 1: Không ảnh




Khoảnh khắc giao thời giữa năm 1962 và năm 1963, vào mùa đông lạnh giá khác thường ấy, tôi nghĩ hẳn nhiều người hãy còn nhớ, đó là giai đoạn cuối của ba năm liên miên xảy ra thiên tai, công cuộc đại nhảy vọt lặng lẽ kết thúc, cục diện chiến tranh biên giới Trung - Ấn cũng đã phân định rõ ràng, nhiều người cho rằng tình thế hỗn loạn đã qua đi, cả nước chuẩn bị chào đón một kỉ nguyên mới ổn định hơn.
Khi ánh mắt của tất cả mọi người đều tập trung ở những sự kiện lớn này, thì chẳng ai ngờ dưới lòng đất sâu giữa lằn ranh giới Trung Quốc, chúng tôi lại đang phải đối mặt với một lựa chọn mang tính quyết định.
Mấy chục năm trước, quân Nhật đã xây dựng một công trình vĩ đại ngoài sức tưởng tượng trong dòng sông ngầm bị vùi sâu 1200 mét dưới lòng đất chỉ để cho một chiếc máy bay có thể cất cánh từ lòng sông ngầm chật hẹp và bay vào vùng hư không dường như vô cùng vô tận. Toàn bộ ghi chép về bí mật của chuyến bay ấy đều được lưu lại trong cuốn băng này. Nếu nộp cuốn băng cho cấp trên, thì với cấp bậc hiện tại của chúng tôi, e là cả đời này chúng tôi sẽ chẳng thể biết được nội dung bên trong nó như thế nào, rốt cuộc người Nhật đã nhìn thấy gì ở vực sâu khổng lồ ấy?
Nếu mà lập tức rời khỏi đây, thì chí ít phải mất mười mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có thể về đến cửa động. Trong khi đó, nếu bật máy chiếu phim đặt ở trong con đập ngay phía sau lưng, thì chúng tôi cũng chỉ tốn một vài giờ là cùng, chỉ cần từng ấy thời gian là chúng tôi có thể biết mục đích mọi hoạt động của quân Nhật ở đây, thậm chí còn biết được bí mật chôn giấu dưới vực sâu.
Thế là, sau khi trải nghiệm chừng ấy mạo hiểm, đối với những thanh niên xuất thân từ nông thôn như chúng tôi thì chuyện đi hay ở thực ra cũng không có gì khó lựa chọn.
Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy quyết định ấy cũng hơi nguy hiểm, bởi gã đặc vụ nhảy xuống sông hẳn vẫn còn ẩn nấp quanh quẩn đâu đây, nếu tiếp tục nấn ná ở lại, chắc chắn gã đó sẽ là một mối họa tiềm tàng đối với chúng tôi, nhưng lúc đó chúng tôi cũng chẳng suy nghĩ nhiều như thế.
Có điều, ai ngờ chính suy nghĩ bồng bột ngày ấy lại tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cả quãng đời sau này của chúng tôi.
Quyết định xong, chúng tôi vừa cảnh giác xem có ai theo dõi mình không, vừa men theo đường cũ trở về.
Cứ lần theo tuyến đường lúc đến, chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã trở lại con đập. Suốt quãng đường đi, lúc nào chúng tôi cũng vô cùng cẩn trọng, có lẽ bởi quãng đường đã trở nên khá quen thuộc, nên cũng chẳng xuất hiện điều gì bất thường, chúng tôi cứ đi một mạch đến phòng chiếu phim.
Quay lại phòng chiếu phim, chúng tôi quan sát thật kĩ chứ không cưỡi ngựa xem hoa như lần trước, tôi phát hiện căn phòng này không nhỏ như mình từng nghĩ. Có lẽ những băng ghế gỗ dài xếp chật kín căn phòng khiến chúng tôi nảy sinh cảm giác sai lầm, mọi thứ ở đây đều phủ một lớp bụi khá dày. Điều đó khiến tôi lo chẳng rõ máy chiếu phim còn có thể sử dụng được nữa hay không.
Máy chiếu nằm đằng sau phòng chiếu phim, đó là cỗ máy có vỏ bằng sắt, to cỡ thùng chứa đạn, với hai bánh quay nối liền với đầu cuộn phim, bề mặt bám toàn bụi. Vương Tứ Xuyên lăm lăm cây gậy sắt đứng gác cửa, đề phòng có kẻ tấn công bất ngờ.
Tôi chưa có kinh nghiệm lắp phim vào máy chiếu, thế là cứ toát hết mồ hôi loay hoay nghiên cứu cỗ máy, chỉ sợ mình vụng tay vụng chân lại làm hỏng mất nó.
Thực ra, kết cấu máy chiếu phim không hề phức tạp, phần lớn máy móc thời đó đều có kết cấu tổ hợp bánh xe khá đơn giản, nhưng không rõ do căng thẳng hay sao mà tôi chẳng thể nào lắp được cuốn phim vào máy. Hì hục suốt hồi lâu, lòng bàn tay đã ướt đẫm mồ hôi mà chẳng có kết quả gì. Cuối cùng Mã Tại Hải phải lên lắp giúp tôi, có lẽ vì cậu ta là lính công binh nên quen thuộc các nguyên lý máy móc. Mã Tại Hải chỉ cần liếc mắt một cái là biết ngay quy trình, rồi tìm thấy nút tắt mở, cậu ta liền khởi động máy chiếu.
Màn hình bằng tấm vải trắng lem lớp bụi phía trước mặt đột nhiên hiện lên hình ảnh đen trắng. Kĩ thuật không ảnh - hay còn gọi là kĩ thuật quay phim trên không - vào thập niên sáu mươi của thế kỉ trước còn rất non nớt, hình ảnh đen trắng lờ mờ và còn hơi rung, chẳng nhìn rõ đó là thứ gì.
Sau đó, Mã Tại Hải chuyển động trục quay của cuốn phim, trên tấm vải trắng bắt đầu xuất hiện hình ảnh động, tôi đột nhiên thấy hưng phấn kì lạ. Chỉ một lát nữa thôi, tôi sẽ biết rõ đáp án của câu hỏi vì sao năm đó quân Nhật lại phải xây dựng đập nước này và họ đã mang thứ gì từ vực sâu trở về.
Hình ảnh đầu tiên là màu trắng điểm xuyết những chấm đen, có lẽ là vết ố trên cuốn phim, dẫu sao thế vẫn tốt hơn cuốn phim của máy quay thời kì đầu toàn là màu đen. Mã Tại Hải lại chầm chậm chuyển động trục quay, chấm đen trên màn hình liền chuyển động, chúng tôi biết tấm phim đang quay dần về phía trước.
Chẳng biết do Mã Tại Hải không dám quay cho phim chạy nhanh hay do máy chiếu có vấn đề mà máy đã chạy chừng một phút nhưng màn hình vẫn chẳng có gì thay đổi. Tôi bắt đầu sốt ruột. Đúng lúc lòng nóng như kiến bò chảo lửa thì một hàng chữ bất chợt chạy lướt qua màn hình.
Mã Tại Hải ngẩn người trong giây lát, cậu ta dừng tay, rồi chầm chậm quay ngược lại, hàng chữ ấy cũng bị tua lại, nó dừng lại trên màn hình.
Đó là hàng chữ Nhật viết láu, đan xen một vài chữ Hán. Tuy tôi không hiểu nội dung nó viết gì, nhưng vẫn có thể đoán được đó là một dòng cảnh báo đặc biệt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.