Đại Mạc Dao

Chương 7: Thân thế




Tôi cầm bút lông, vừa nghịch bút vừa suy nghĩ một hồi mà vẫn không nghĩ được điều gì. Tiều Đào đột nhiên từ ngoài cửa sổ đột nhiên bay vù vào, nhằm thẳng hướng tay tôi, tôi vội vàng ném bút rụt tay lại, nhưng vẫn bị mực vẩy vào tay áo. Tiểu Khiêm nhẹ nhàng thu cánh đậu xuống khung cửa sổ, nhìn Tiều Đào bằng ánh mắt bất lực và nhìn tôi bằng vẻ thương hại.
Tôi tức giận túm lấy cổ Tiều Đào: “Đây là bộ thứ mấy rồi hả? Thứ mấy rồi? Hôm nay ta phải biến ngươi từ “bạch Lý tiểu[1]” thành ‘quạ đen’ mới được”. Nói rồi tôi tiện tay vớ lấy một chiếc khăn tay nhúng vào nghiên mực, thấm cho thật đẫm rồi bôi lên mình Tiều Đào.
[1] Hàm ý trắng đẹp lại thông minh, lanh lợi
Tiều Đào liên tục vỗ cánh, ra sức rít lên. Tiểu Khiêm ở cạnh đó dường như tiến thoái lưỡng nan, không biết nên làm thế nào, chỉ “gù gụ” mấy tiếng rồi dứt khoát nằm xuống khung cửa vùi đầu vào cánh ngủ, coi như khuất mắt trông coi.
Có vẻ Tiểu Đào đã hiểu hôm nay tôi thực sự rất tức giận, càng phản kháng chỉ tổ càng thêm đau, nên dần dần trở nên thuần tính, ngoan ngoãn để tôi bôi mực lên khắp mình. Tôi phết mực đến gần nửa thân nó rồi mới hậm hực thả ra, để lại một mặt bàn nhoe nhoét mực.
Ngoài cửa tự nhiên nghe thấy tiếng vỗ tay: “Thật là hay ho, bắt nạt cả một con bồ câu.” Hoắc Khứ Bệnh đứng tựa người vào khung cửa, đang cười hết sức vui vẻ.
Tôi bực mình nói: “Ta bắt nạt nó? Người sao không hỏi nó xem thường ngày bắt ta như thế nào? Đồ ăn, đồ mặc, đồ dùng, có cái gì mà chưa bị nó làm hỏng? Tôi còn đang mải kể khổ thì Tiều Đào đột nhiên dang rộng hai cánh, giũ mạnh thân một cái, rồi vẫy cánh bay ra ngoài. Đến khi tôi kịp phản ứng, cố gắng ngửa người ra sau, thì đã cảm thấy có cái gì mát mát trên mặt, tựa như nghìn vạn giọt mực vừa mới bắn tung lên đó.
“Tiểu Đào, ta phải hầm người lên ăn mới được!” Tôi giận dữ gào lên thảm thiết tức trong khi Hoắc Khứ Bệnh cười ha hả, còn con ‘quạ đen” kia đã bay ra khỏi cửa sổ, rồi biến thành một chấm đen bé tí trên bầu trời xanh thẳm trong tích tắc.
Tôi quay đi dùng khăn tay lau mặt, Hoắc Khứ Bệnh đứng sau lưng cười nói: “Đằng nào cũng bị nhìn thấy hết rồi, bây giờ mới tránh thì quá muộn.”
Tôi hét ầm lên: “Ngươi biến đi! Ai cho ngươi vào đây?”
Hắn vừa cười vừa đi ra khỏi phòng, tôi cứ tưởng hắn bỏ về, nhưng lại nghe thấy tiếng múc nước ở cái vại trong vườn, không lâu sau, hắn quay lại, từ sau lưng đưa cho tôi một chiếc khăn đã được vò sạch, tôi im lặng nhận lấy khăn rồi vội vã lau mặt.
Cảm thấy khá sạch sẽ rồi, tôi mới quay người lại nói: “Cảm ơn”. Hắn nhìn tôi, chỉ tay vào phía dưới tai mình, tôi liền lấy lại khăn lau lau, hắn lại chỉ vào trán tôi, tôi lại lau trán, hắn chỉ vào mũi, tôi đang định lau thì đột ngột dừng tay, trừng mắt nhìn hắn. Hắn bò ra bàn, vai rung rung, không nói gì chỉ phá lên cười. Tôi ném khăn tay vào người hắn, đứng dậy, tức giận quát: “Ngươi chơi với Tiều Đào có khi hợp hơn đấy.”
Hắn cười hỏi: “Nàng đi đâu đấy? Ta vẫn chưa nói hết chuyện với nàng.”
Tôi vừa ra khỏi cửa vừa nói: “Đi thay áo.”
Lúc tôi quay lại thư phòng, hắn đang ngồi đọc mấy cuốn sách thẻ tre trên giá, nghe thấy tiếng tôi bước vào liền ngẩng đầu lên nhìn tôi hỏi: “ Kim cô nương, nàng định làm nữ tướng quân sao?”
Tôi giật lấy bản ghi chép Tôn Tử binh pháp khỏi tay hắn, đặt lại lên giá: “Chưa được chủ nhà cho phép mà dám tự tiện lục lọi xem xét lung tung, đúng là hành vi của tiểu nhân.”
Hắn cười nói: “Ta chẳng phải quân tử, nàng cũng chẳng phải thục nữ, vừa khéo hợp nhau.”
Tôi định đáp lại thì thoáng thấy Lý Nghiên đi vào tiểu viện. Thấy trong phòng có người ngoài, nàng quay người định đi luôn. Tôi kéo kéo tay áo của Hoắc Khứ Bệnh, rồi lên tiếng gọi Lý Nghiên vào.
Lý Nghiên tiến vào phòng, Hoắc Khứ Bệnh liền nhìn nàng chằm chằm, không nói một lời, tôi liếc nhìn hắn nói: “Có muốn ta tìm khăn tay cho ngươi lau nước dãi không?”
Ánh mắt của hắn vẫn không di chuyển, chỉ chăm chú dán vào Lý Nghiên, khóe miệng nhếch lên một nụ cười xấu xa: “Vẫn chịu đựng được, không phải lo.”
Lý Nghiên im lặng hành lễ với tôi, nhưng ánh mắt đầy vẻ ngờ vực, tôi còn chưa nói gì thì Hoắc Khứ Bệnh đã lạnh lùng ra lệnh: “Kéo khăn che mặt xuống”.
Lý Nghiên hờ hững nhìn Hoắc Khứ Bệnh, tôi vội giới thiệu kẻ phóng túng khoa trương háo sắc này là ai. Ba chữ “Hoắc Khứ Bệnh” vừa ra khỏi miệng, Lý Nghiên đã kinh ngạc nhìn tôi, rồi lại nhìn sang Hoắc Khứ Bệnh, trong mắt ẩn giấu vẻ trầm ngâm suy xét.
Tôi vốn định giải vây giúp Lý Nghiên, nhưng nghĩ lại không muốn lãng phí tâm tư lần này của Hoắc Khứ Bệnh, nên cuối cùng chỉ im lặng đứng sang một bên.
Lý Nghiên cúi đầu hành lễ với Hoắc Khứ Bệnh, đoạn đưa mắt nhìn tôi, thấy tôi không động tĩnh gì, bèn chậm rãi kéo khăn che mặt xuống.
Hoắc Khứ Bệnh sỗ sàng nhìn chằm chằm vào nàng ta một hồi, rồi nói: “Ngươi đi được rồi.”
Lý Nghiên kéo khăn che mặt, cúi người hành lễ với Hoắc Khứ Bệnh rồi xoay người lui ra.
Tôi hỏi: “ Có xinh đẹp mĩ miều như hoàng hậu hồi gặp bệ hạ lần đầu không?”
Hoắc Khứ Bệnh khẽ gật đầu: “Ta không nhớ rõ dung mạo thời trẻ của di mẫu, nhưng chắc là có. Xinh đẹp chỉ là thứ yếu, điều hiếm thấy là cô gái này biết tiến biết lui rất có chừng mực, bị đặt vào tình thế bất lợi như vừa rồi mà cử chỉ phong thái vẫn hết sức ung dung tao nhã, thấy ta sỗ sàng như vậy mà không hề kinh ngạc hay tức giận, trong nét mềm mại lại ẩn vẻ cương nghị cứng rắn, còn cứng rắn hơn cả nàng!”
Tôi lạnh nhạt hừ một tiếng không đáp.
Hắn hỏi: “Nàng định bao giờ đưa cô ta tiến cung?”
Tôi lắc đầu: “ Không biết, trong lòng ta vẫn còn một chút nghi vấn chưa giải thích được. Nếu cô ta không đưa ra một lời giải thích thỏa đáng hợp lòng, thì ta không muốn dính dáng gì đến cô ta cả.”
Hoắc Khứ Bệnh bật cười: “Nàng cứ từ từ mà suy xét, cẩn thận đừng để bọn họ giật mất giải đầu. Dung mạo của cô ta thật phi phàm, nhưng thiên hạ rộng lớn, ngày xưa sau Trần A Kiều có Vệ hoàng hậu bây giờ lại có cô ta, nàng không thể bảo đảm trong thành Trường An lúc này không có ai xinh đẹp ngang ngửa cô ta.
Tôi nhún nhún vai cười: “Ngươi nói tìm ta có việc, là việc gì?”
Hắn nói: “Nàng và Thạch phảng có chuyện gì thế?”
Tôi nói: “Đường ai nấy đi rồi.”
Hắn nói: “Thạch phảng tuy không còn bề thế như hồi trước, nhưng trong thành Trường An dẫu sao vẫn có tiếng nói, bây giờ nàng độc lập ra làm ăn, phải cẩn thận kẻo lại thành cây to hút gió.”
Tôi cười nói: “Thế nên ta mới vội lôi kéo công chúa!”
Hắn hỏi: “Nàng định làm lớn đến đâu? Giống như Thạch phảng thời hưng vượng à?”
Tôi im lặng một lúc rồi lắc đầu: “Không biết nữa. Đi bước nào tính bước đấy thôi.”
Hắn đột nhiên bật cười: “Mạnh Cưu của Thạch phảng cũng là một người khá thú vị, nghe công chúa nói, mẫu thân của hắn và bệ hạ hồi nhỏ rất thân nhau, lúc còn bé từng được bệ hạ bế ẵm, vậy mà bây giờ bảo thế nào cũng không chịu vào cung, bệ hạ truyền vào lần nào là từ chối lần đấy. Thành Trường An chưa thấy có ai như vậy cả, có cơ hội ta phải gặp hắn mới được.”
Tôi thầm ngạc nhiên, máy miệng định nói, song nghĩ lại lập tức nuốt lời vào, ngước mắt nhìn ra cửa sổ, không trả lời hắn.
Tiễn Hoắc Khứ Bệnh về rồi, tôi đi tìm Lý Nghiên luôn, cảm thấy dù mình có suy tính thế nào cũng khó mà rút ra được kết luận, chi bằng cứ dứt khoát thành thật giãi bày lòng dạ với Lý Nghiên xem sao.
Khi đi ngang qua chỗ ở của Phương Như và Thu Hương, chợt nghe thấy trong nhà vang lên tiếng sáo thổi, tôi dừng bước lắng nghe, hóa ra Thu Hương đang học gảy đàn Không[2]. Cô ta, Phương Như và tôi học thổi sáo cùng nhau, vậy mà tôi bây giờ vẫn thổi khúc không thành khúc, điệu không đúng điệu, còn cô ta đã bỏ xa. Vừa nghe được một đoạn thì tiếng sáo của cô ta đột nhiên dừng lại, tôi lắc đầu khó hiểu tiếp tục đi đến chỗ của huynh muội Lý Nghiên.
[2] Loại đàn thời xưa, ít nhất có năm dây, nhiều nhất có hai mươi lăm dây.
Vừa đi được mấy bước chợt nghe thấy tiếng đàn cầm vọng ra từ trong vườn nhà Lý Diên Niên, róc rách như hoa trôi giữa dòng nước, mềm mại, thong dong. Tôi nghiêng đầu ngây ra nghe một lúc rồi lại đi tiếp. Tiếng đàn cầm ngừng, tiếng sáo lại vang lên. Tôi quay đầu nhìn về phía vườn nhà Phương Như rồi lại nhìn về phía vườn nhà Lý Diên Niên, nhìn trước nhìn sau mãi, chợt cảm thấy trong lòng rất vui vẻ, vừa cười vừa nhẹ nhàng bước vào nhà.
Thấy cửa phòng khép hờ, tôi khẽ gõ cửa bước vào. Lý Nghiên định đứng dậy, thấy tôi liền ngồi xuống, chẳng nói năng gì, chỉ im lặng nhìn tôi chằm chằm.
Tôi ngồi xuống đối diện cô ta: “Sao lại nhìn ta? Cứ làm như mới lần đầu gặp ấy.”
“Đợi cô giải thích.”
“Để hắn nhìn cô xem so với Trần A Kiều trong Trường Môn cung ra sao, so với Vệ hoàng hậu thì thế nào.”
Bàn tay đặt trên gối của Lý Nghiên khẽ run, nàng lập tức giấy tay vào ống áo, đôi mắt đen láy lấp đầy vẻ phức tạp.
“Ta giải thích rồi, bây giờ đến lượt cô, nếu thật sự muốn ta giúp tiến cung, phải nói cho ta biết rốt cuộc cô là ai. Ta không thích bị người khác lừa.”
Lý Nghiên nói: “Ta không biết cô đang nói gì.”
Tôi cười nói: “Ta cũng biết sơ sơ về xem tướng tay, muốn ta thử xem cho cô không?”
Lý Nghiên trầm lặng đưa tay cho tôi, tôi nắm lấy tay phải của nàng ta: “Lòng bàn tay nhiều đường nhánh, tâm tư phức tạp mẫn tiệp, các đường kẻ tay giao cắt nhau rất loạn, thâm tâm tràn đầy mâu thuẫn, ba đường chính vừa sâu vừa rõ, tuy đầy mâu thuẫn, nhưng cuối cùng vẫn cứng đầu cứng cổ kiên quyết làm việc đến cùng, đường sinh mệnh hơi mờ, hai đường giao hẳn nhau, hẳn phụ mẫu của ngươi chỉ có một người là người Hán…” Lý Nghiên giật mình toan giật tay lại nhưng bị tôi giữ chặt, tôi nói tiếp: “Một mình một đường, ắt hẳn thâm tâm có oán, đột ngột chuyển hướng, muốn bay cao hơn.” Lý Nghiên lại muốn rút tay lại, tôi đành buông tay.
Lý Nghiên: “Ta hành sự thế nào mà để lộ hình tích vậy?”
“Đôi mắt của cô rất đẹp, lông mi vừa dày vừa dài, uốn cong tự nhiên, da dẻ lại trắng mịn trong sáng, vũ đạo của cô cũng có nét khác thường.”
“Chuyện này chẳng có gì khác thường, trong thành Trường An không ít người học vũ đạo của người Hồ.”
Tôi cười nói: “Mấy chuyện này vốn dĩ không khác thường, dĩ nhiên có thể sơ suất mà không để ý tới. Dân Trung Nguyên ở giữa chốn đất đai phì nhiêu màu mỡ, căn bản không biết người sống ở sa mạc quý trọng màu xanh đến nhường nào, chỉ có người từng bôn ba phiêu bạt giữa sa mạc rồi mới hiểu được cảm giác kinh ngạc đến hạnh phúc khi bất ngờ bắt gặp sắc xanh giữa hoang mạc miên man cát vàng, một nhánh cây xanh ấy có thể cứu sống người lữ khách sắp chết. Gom cả mấy chuyện này lại, ta thực ra cũng không dám chắc, chỉ là trong lòng nghi hoặc thôi. Vì sa mạc cũng có người hủy cây lá, đất Trung Nguyên cũng không hiếm người yêu hoa. Trong lòng ta nghi vấn đầu tiên và lớn nhất chính từ chuyện cô ‘Một mình một đường, thâm tâm có oán, đột ngột chuyển hướng, muốn bay cao hơn’.”
Lý Nghiên hỏi: “Cô có ý gì?”
“Cô đoán được vài phần mục đích của vở Hoa nguyệt nùng, suy đoán được tâm ý muốn “bám rồng cưỡi gió” của ta liền bảo anh trai từ chối Thiên Hương phường đến Lạc Ngôn phường, tâm tư của cô là như thế nào? Nếu cô vừa chưa gặp ta mà hiểu lầm ý ta, thì ta gặp cô rồi liền nảy sinh nghi ngờ với cô. Cái chốn ba nghìn phòng ốc liên miên ấy có thể khiến nữ tử hạnh phúc không? Ta biết là không thể, cô cũng biết như thế, nhừng người thông minh không bao giờ chọn một nơi như thế, ta không chọn, tại sao cô lại chọn? Tiếng đàn của Lý sư phụ cũng là tiếng lòng, y không phải hạng người vì muốn bay cao mà đẩy em gái mình vào chốn đó, nhưng tại sao cô vẫn cứ kiên quyết làm theo ý mình? Ta quan sát cô từ cách ăn mặc đến hành vi cử chỉ, thấy không phải kẻ ham muốn quyền quý. Nếu không phải vì “ham muốn” vậy thì chỉ có thể vì “oán hận”, bằng không, ta thực sự không giải thích được tại sao một người có phong thái, khí chất cao quý thanh khiết như cô, rõ ràng có thể sống rất vui vẻ, cớ sao phải một mực tìm đường đào hố chôn mình trong nơi quái quỷ đó?”
Tôi đăm đăm nhìn nàng ta một hồi, chậm rãi nói tiếp: “Mười sáu tuổi, hoa niên rực rỡ, mà ánh mắt cô lại tràn đầy vẻ lạnh nhạt băng giá. Ta hỏi qua Quảng Lợi về cuộc sống trước đây của cô, theo lời hắn nói thì ‘Phụ thân thương tiểu muội nhất, không bao giờ để muội ấy phải chau mày. Đại ca việc gì cũng tuân theo ý muội ấy. Mẫu thân rất ít nói, thích ngao du bốn bể, thương ta nhất và nghiêm khắc với muội muội’. Dù cô không phải là con ruột của bà ta, nhưng chắc cô cũng hạnh phúc chứ. Nỗi oán hận của cô từ đâu mà ra? Những nghi vấn này cứ quanh quẩn trong đầu ta, nhưng mãi vẫn không biết kết luận thế nào cho nên hôm nay ta đành hỏi thử xem sao, ta thì bắt nọn quá ghê, mà cô thì thừa nhận quá sớm.”
Lý Nghiên nghiêng đầu bật cười: “Bị cô bắt thóp, xem như là phục cô rồi. Cô đã bao giờ nghĩ về thân thế của bản thân mình chưa? Cô có phải người Hán không? Màu da của cô cũng trắng nõn không giống người Hán, tròng mắt cô nếu nhìn kỹ dưới nắng sẽ thấy lóe lên màu nâu, lại thêm lông mi của cô chẳng phải cũng dài mà cong đấy ư? Mấy đặc điểm này người Trung Nguyên cũng có thể có, nhưng cô lại cùng có một lúc cả ba đặc điểm, còn lớn lên ở Tây Vực.”
Tôi gật đầu: “Lúc quan sát cô, ta cũng nghĩ có khả năng cô là con gái lai Hán Hồ, đồng thời lại liên tưởng đến bản thân mình, phụ mẫu ta có khi cũng một Hán một Hồ. Nhưng mà ta vốn không quan tâm đến họ, ta chỉ biết người thân của ta là cha và Lang huynh, cố hương của ta ở bầy sói, cha của ta là người Hán, cha nói ta là người Hán thì ta chính là người Hán.”
Nụ cười của Lý Nghiên đông cứng lại trên mặt: “Tuy ta nhìn có vẻ giống người Hán, lại lớn lên ở Trung Nguyên, nhưng ta không phải là người Hán, vì mẫu thân không cho phép, người chưa bao giờ nhận mình là người Hán cả.”
Tôi kinh ngạc nói: “Mẫu thân của cô là người Hán? Vậy … vậy…” Lý Quảng Lợi kể với tôi rằng mẫu thân của họ rất nghiêm khắc với Lý Ngiên, khiến tôi lại tưởng là Lý Nghiên không phải con gái ruột bà.
Lý Nghiên chua xót cười: “Dòng họ thực sự của ta phải là “Thiện Thiện”[3].
[3] Tên một nước cõi Tây nhà Hán, vốn tên là Lâu Lan, nay thuộc tỉnh Cam Túc
Tôi hồi tưởng những gì Cửu gia từng giảng về phong thổ nhân tình Tây Vực: “Thân phụ của cô là người Lâu Lan?”
Lý Nghiên gật đầu cười, nhưng nụ cười ấy ẩn giấu vẻ cay đắng không thể nói thành lời, khiến lòng tôi cũng cảm thấy buồn theo: “Cô đừng cười nữa.”
Lý Nghiên vẫn cười nói: “ Cô có biết về các quốc gia Tây Vực không?”
Sao tôi có thể không biết chứ? Từ bé đã nghe biết bao chuyện về Tây Vực rồi. Tim tôi khẽ thắt lại, mỉm cười có chút khổ tâm rồi gật đầu.
Tây Vực có tổng cộng ba mươi sáu quốc gia: Lâu Lan, Ô Tôn, Quy Tư, Yên Kỳ, Vu Điền, Nhược Khương, Thư Mạt, Tiểu Uyển, Nhung Lô, Di, Cừ Lặc, Bì Sơn, Tây Dạ, Bồ Lê, Y Nại, Toa Xa, Sơ Lặc, Úy Đầu, Ôn Túc, Uất Lê, Cô Mặc, Ti Lục, Ô Tham Tí, Ti Lục Hậu Quốc, Đan Hoàn, Bồ Loại, Bồ Loại Hậu Quốc, Tây Thả Di, Đông Thả Di, Kiếp Quốc, Hồ Hồ, Sơn Quốc, Xa Sư Tiền Quốc, Xa Sư Hậu Quốc, Sư Xa Úy Đô Quốc, Xa Sư Hậu Thành Quốc.
Lâu Lan nằm phía ngoài Ngọc Môn Quan[4], vị trí địa lý vô cùng quan trọng, cho dù là Hung Nô tấn công Hán triều, hay là Hán triều tấn công Hung Nô, đều bắt buộc phải đi qua đất Lâu Lan.
[4] Tục gọi là Tiểu Phương Bàn, nằm khoảng 90km về phía Tây Bắc của thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc là một trong những cửa ải quan trọng nối liền con đường tơ lụa với địa phận Trung Quốc được thiết lập hai lần vào đời Hán và Đường.
Vì Lâu Lan là dân tộc du mục, phong tục khá gần với Hung Nô cho nên trước sau luôn bị coi là thuộc địa của Hung Nô, trở thành cứ điểm cho quân Hung Nô cản trở và tấn công thương khách người Hán. Năm đó sau khi Hoàng đế tiếp quản chuyện triều chính, không chịu được cảnh Hán triều luôn phải giữ thế phòng vệ đối với quân Hung Nô, không cam lòng đem hòa bình đổi lấy cuộc sống yên thân tạm bợ qua ngày, không muốn cho Hung Nô chặn đường thông vào Tây Vực của Hán triều, cho nên mới phái sứ thần đi liên minh với Lâu Lan, dùng cả ân lẫn uy, khiến nước này phải thần phục, biến Lâu Lan thành nước đứng mũi chịu sào.
Hồi xưa cha thích kể cho tôi nghe những công lao vĩ đại của thiên tử Hán triều năm đó, mà khiến cho cha say sưa kể nhất chính là chuyện thiên tử Đại Hán thu phục các nước Tây Vực. Mỗi lần kể đến mấy chuyện này, ánh mắt đượm lo buồn u uất của cha lập tức trở nên hết sức phấn khởi, tựa như việc Đại Hán khiến Hung Nô phải xưng thần chỉ là việc sớm muộn, nhưng cùng một câu chuyện như thế qua lời kể Cửu gia, ngoài sự uy phong của Hán triều như trong câu chuyện của cha, còn có thêm nhiều điểm khác nữa.
Sứ giả Hán đi đến các nước Tây Vực hoặc quân đội Hán muốn tấn công Hung Nô, đều phải qua sa mạc Bạch Long Đôi nổi tiếng trên đất Lâu Lan. Vùng đất này rất nhiều gió bão, gió cuốn cát cuồn cuộn bay lên không giống như rồng cuốn, vậy nên mới được gọi là Bạch Long Đôi, địa thế nơi này lại hay thay đổi, người đi qua rất dễ lạc đường. Hán triều không ngừng lệnh cho Lâu Lan quốc phải cung cấp người dẫn đường, đồ uống và thực phẩm, chẳng những vậy, sứ giả Hán còn nhiều lần ngược đãi hướng đạo, quốc vương Lâu Lan không thể chịu được tình cảnh áp bức này, đã từ chối phục tùng mệnh lệnh của Đại Hán, Lưu Triệt trong cơn giận liền phái thích khách đi ám sát quốc vương Lâu Lan năm đó.
Lâu Lan bị ép giữa Hung Nô và Hán triều, tiến thoái lưỡng nan. Lúc hoàng đế Hán triều tức giận thì người dân Lâu Lan chịu cảnh lầm than, lúc Thiền vương Hung Nô tức giận thì Lâu Lan cũng phải đứng mũi chịu sào, thậm chí vì muốn cầu cho quốc thái dân an mà phải cắn răng đưa hai hoàng tử, một người đến Đại Hán, một người đến Hung Nô để làm con tin.
Các quốc gia Tây Vực khác cũng không khá hơn là bao, phải cẩn thận lợi dụng những kẽ hở giữa Hán triều và Hung Nô để cầu tồn, chỉ cần sơ sểnh một bước bất cẩn là rước họa vong nước diệt quốc ngay.
Lúc Cửu gia kể chuyện này, tuy có vẻ bái phục sự hùng dũng và hành xử quyết đoán của đương kim hoàng đế, nhưng ánh mắt lại chan chứa nét thương xót đồng tình với các tiểu quốc Tây Vực.
Tôi chăm chú nhìn vào mắt Lý Nghiên hỏi: “Cô muốn làm gì? Đúng là cô có dung mạo của Bao Tự, nhưng đương kim hoàng đế không phải là Chu U Vương.”
Lý Nghiên nói: “Ta hiểu, nhưng ta từ lúc sinh ra đã mang trong mình nỗi thống hận Hán triều của mẫu thân. Vì chủ nhân của mẫu thân cự tuyệt yêu cầu vô lễ của sứ giả nhà Hán, hắn liền tra tấn ngược đãi chủ nhân của mẫu thân, cũng chính là người cha ruột mà ta chưa bao giờ gặp mặt đến chết. Mẫu thân khi ấy mới mang thai một tháng, bụng vẫn chưa lộ rõ, lại là người Hán cho nên thoát chết. Sau khi bỏ chạy thì gặp được phụ thân, lúc ấy đang ngao du ở Tây Vực để học vũ khúc Tây Vực, được phụ thân cứu về rồi lấy làm vợ kế. Lúc ta còn nhỏ, mẫu thân thường đưa ta về Tây Vực tế bái cha, mẫu thân ở giữa sa mạc Bạch Long Đôi chỉ vào đủ chỗ khác nhau, nói cho ta đó là chỗ cha ta bị quất đánh, kia là chỗ cha ta bị chôn sống, cha ta chết dần ra sao. Mẫu thân vĩnh viễn không thể quên được hình ảnh thân thể cha ta cháy nắng kho quắt lại vì bị người Hán chôn vùi ở giữa sa mạc, người vốn là công tử tuấn tú nhanh nhẹn mà cuối cùng cơ thể co rúm lại nhăn nheo như trẻ sơ sinh. Mẫu thân miêu tả tỉ mỉ khiến ta dường như đang thật sự chứng kiến cảnh đó, đêm nào ta cũng gặp ác mộng khóc ầm lên choàng tỉnh, mẫu thân cười nói đây chính là nỗi căm hận của cha ta. Hàng năm ta đều quay lại thăm Lâu Lan, mẫu thân không cho phép ta quên bất cứ điều gì.” Trong mắt Lý Nghiên đã rớm lệ nhưng miệng vẫn cố mỉm cười.
Tôi nói: “Đừng cười nữa, đừng cười nữa mà.”
“Mẫu thân không cho phép ta khóc, không được khóc, mẫu thân nói nước mắt không cứu giúp được ta, ta chỉ được cười, không được khóc.” Lý Nghiêng ngẩng đầu lên, mỉm cười nói.
Tôi hỏi: “Lý sư phụ biết thân phận của ngươi không?”
“Lúc mẫu thân về với phụ thân, nhị ca vẫn chưa nhớ được gì, chuyện gì cũng không biết, mẫu thân đem tất cả áy náy trong lòng bù đắp cho nhị ca, cho nên tuy nhị ca biết mình không phải con đẻ của mẫu thân nhưng vẫn coi mẫu thân là mẹ ruột của mình. Đại ca lúc đó đã hiểu chuyện, biết ta không phải con đẻ phụ thân nhưng không biết chuyện khác, đến phụ thân cũng không biết, người chưa bao giờ hỏi chuyện quá khứ.” Lúc Lý Nghiên cúi đầu xuống, ánh mắt đã bình tĩnh trong sáng trở lại.
Tôi đứng dậy chậm rãi đi đi lại lại trong phòng, tâm trạng phức tạp, tôi phải làm sao? Chúng tôi đều ôm mối hận, nhưng phụ thân của tôi thì muốn tôi phải sống thật vui vẻ, hạnh phúc, còn mẫu thân của Lý Nghiên lại chỉ muốn nàng phải báo thù.
Ngoài phòng tiếng đàn cầm và sáo trúc vẫn lúc hỏi lúc đáp, niềm hoan hỉ âm thầm lưu động trong khúc nhạc.
Mặt trời sắp lặn, đã đến lúc đàn chim yến bay về tổ, từng đôi từng đôi uyển chuyển nhẹ nhàng lướt qua bầu trời xanh lam thăm thẳm kia, lưu lại vài tiếng hót khoan khoái vui vẻ.
Tôi tựa vào khung cửa sổ, ngắm nhìn trời xanh, từ tốn nói: “Lý Nghiên, ta thấy cách thông minh nhất chính là quên hết thảy mọi chuyện đi. Mẫu thân là mẫu thân, bà ấy không thể báo thù được thì cũng không thể đem mối hận ấy giao lại cho cô, bà ấy không phải là bà mẹ tốt, bà ấy không thể vì vết thương trong lòng mà làm khổ cô, nếu cha ruột cô là người thực sự xứng đáng cho nữ tử gửi lòng, vậy thì ông ấy sẽ chỉ chúc phúc cho cô, chứ không phải khiến cô đau khổ giãy giụa trong thù hận. Nếu cô chọn phục thù thì cuộc đời này của cô chưa bắt đầu đã kết thúc rồi, vì người mà cô hận là thiên tử Hán triều, là toàn thiên hạ của nhà Hán, cô sẽ không thể nào có được hạnh phúc nữa”.
Lý Nghiên lẩm bẩm nói: “Chưa bắt đầu mà đã kết thúc rồi ư?” Trầm lặng một hồi lâu, nàng ta lại ôn nhu mà kiên định nói: “Đa tạ cô, Kim Ngọc, nhưng ta làm điều đó không chỉ vì thù hận, ta là con gái Lâu Lan, ta còn có tình yêu dành cho Lâu Lan nữa.” Cô đứng dậy đi tới bên cạnh tôi, nhìn ra ngoài cửa sổ, “Không giống cảnh sắc Tây Vực, nhưng vẫn rất đẹp.” Tôi gật đầu.
“Kim Ngọc, ta tự nhận mình là một người Lâu Lan kiêu ngạo. Chỗ chúng ta lúc hoàng hôn tuy không có chim yến kết đôi bay lượn, nhưng lại có đàn dê, cừu quay về nhà; mảnh đất của chúng ta không phồn hoa như Hán triều, nhưng chúng ta vẫn đốt lửa trại bên sông Khổng Tước quây quần ca hát; chúng ta không có lễ nghĩa của Hán triều, nhưng có tiếng cười nói cởi mở, trong sáng và vòng tay ấm áp…”
Tôi tiếp lời: “Chúng ta không có nhà cửa mái ngói triền miên, nhưng có thể ngắm nhìn trời đất giao nhau; chúng ta không có đường đi ngang dọc, thẳng tắp, nhưng khi chúng ta muốn thì có thể phóng ngựa chạy dài mãi mãi.”
“Trời đất rộng lớn, nhưng chúng ta chỉ muốn an cư lạc nghiệp nuôi cừu ca hát trên mảnh đất của chính mình, Hán triều tại sao lại không buông tha Lâu Lan, không buông tha chúng ta?”
“Lý Nghiên, cô đọc ‘Đạo Đức Kinh’ chưa? Vạn vật sinh ắt có diệt, thiên hạ không có gì là vĩnh hằng, từ ngày xửa ngày xưa chắc chắn chưa có Hán triều, cũng chưa có Lâu Lan, nhưng một khi đã xuất hiện rồi, trải qua rất nhiều năm, Lâu Lan và Hán triều đều sẽ lụi tàn, giống như Ân Thương Chu vậy.”
“Ta không nói chuyện đạo lý sách vở với cô, ta chỉ muốn hỏi, nếu một người trẻ tuổi bị người khác sát hại, liệu cô có nói với hắn là: ‘Ngươi bốn mươi tuổi không chết thì năm mươi tuổi sẽ chết, năm mươi tuổi không chết thì sáu mươi tuổi sẽ chết, dù gì thì ngươi cũng phải chết, kẻ sát hại ngươi sớm muộn gì cũng sẽ chết. Đằng nào cũng thế thì hiện tại hắn bị giết chết cũng có làm sao, việc gì phải phản kháng?’ không?”
“Trang Tử là một nhà hiền triết rất được người Hán chúng ta tôn kính, từng kể một chuyện thế này: “Người có biết con bọ ngựa không? Bọ ngựa tức giận giương càng ra chắn xe thì bị đè bẹp, không hiểu biết thì không thể làm được.’ Ý là khuyên răn người ta từ bỏ những hành động không thích hợp với bản thân, hành sự tùy theo tình thế.”
“Ta rất ngưỡng mộ con bọ ngựa ấy, đối mặt với xe lớn không chút mảy may sợ hãi. Lâu Lan nằm ở giữa đại mạc, là nơi chật hẹp nhỏ bé, không thể so bì với lãnh thổ rộng lớn và đất đai phì nhiêu của Hán triều, nhưng nếu có cỗ xe muốn lao tới đè bẹp bọn ta, bọn ta cũng chỉ có thể làm bọ ngựa kia thôi.”
Tôi xoay người sang nhìn Lý Nghiên, ánh mắt nàng ta không có chút ngập ngừng, kiên định nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi chậm rãi nói: “Ta rất ngưỡng mộ cô.”
“Ta cần sự giúp đỡ của cô hơn.”
“Thật ra dù ta có giúp hay không, cô cũng sẽ vào được cung thôi. Trước đây có lẽ chưa có cách, nhưng giờ cô đã mạo hiểm xuất hiện trước mặt công chúa, công chúa ắt sẽ không để phí hoài dung mạo xinh đẹp này.”
“Con đường dựa vào công chúa là do cô mạo hiểm tạo ra, ta đâu phải kẻ vong ơn bội nghĩa? Hơn nữa, cô có thể khiến ta tiến cung với tư thế hoàn mỹ nhất.”
Tôi trầm mặc một lúc, cuối cùng đưa ra quyết định: “Ta sẽ cố hết sức mình, nhưng những chuyện về sau này, tha thứ cho ta bất lực, thậm chí đầu óc ta hoàn toàn mờ mịt, cô có thể làm gì? Giả sử muốn ám sát hoàng đế, tạm không nói đến khả năng thành công, ám sát được thì đã làm sao? Vệ hoàng hậu làm chủ hậu cung, đã có một con, Vệ đại tướng quân nắm giữ trọng binh, Vệ tướng quân và ba người con, một nhà họ Vệ đã có bốn hầu tước, lại còn tỷ phu của Vệ hoàng hậu là Công Tôn Hạ, muội phu là Trần Chưởng, đều là trọng thần trong triều, một hoàng đế ra đi, lại có một hoàng đế khác đản sinh, cũng chẳng thể nào cản bước chân mở rộng về phía Tây của Hán triều. Thêm nữa, nếu có ám sát hoàng đế, không cần biết có thành công hay không, thì huynh đệ cô và cả ta, thậm chí hết thảy tỷ muội phường hát này cũng đều vì cô mà mất mạng.”
Lý Nghiên bật cười ngọt ngào: “Ta sẽ không làm thế đâu, ta không biết chút võ công nào, cách đó quá ngu ngốc, cũng không phải kế lâu dài. Vì sao cô chịu giúp ta tiến cung?”
Tôi nghĩ một lúc, nghĩ đến Cửu gia, trong đầu thoáng hiện lên những ý nghĩ mơ mơ hồ hồ, cuối cùng chỉ nhún vai: “Không biết nữa, đại khái là vì thương xót cô.”
Lời tôi nói còn có một hàm ý nữa, Lý Nghiên hiển nhiên đã lý giải thành tôi ủng hộ hành vi của nàng ta, ánh mắt rươm rướm lệ, nàng ta cầm tay tôi, im lặng một lúc lâu, cuối cùng mới lấy được giọng khẽ nói: “Tâm tư của ta từ trước đến giờ chưa bao giờ dám kể cho ai cả, đây là lần đầu tiên ta cảm thấy dễ chịu thế này.”
Tôi liếc về phía phòng của Lý Diên Niên rỗi bĩu môi cười hỏi: “Ca ca của cô và Phương Như đang chơi trò gì thế?’
Lý Nghiên hơi nghiêng đầu lắng nghe tiếng đàn của ca ca, dí dỏm mỉm cười, trông vô cùng xinh đẹp kiều diễm đến nỗi khiến tôi ngây người: “Đều là tai họa do cô tạo ra cả, giao cho ca ca biên soạn ca khúc mới, dạy cho Phương Như hát, đoán chừng bây giờ huynh ấy đang dạy cho Phương Như thâm ý của ca khúc kia rồi!”
Tôi đờ mặt ngơ ngác, không nói được gì, xoay người nói: “Ta về ăn cơm đây.” Lý Nghiên theo tôi ra khỏi cửa, rồi rón ra rón rén đi về phía phòng Lý Diên Niên lén nhìn ngó xung quanh, đoạn quay lại vẫy tay ý bảo tôi cũng qua xem. Tôi lắc lắc đầu, làm bộ như đang nhoẻn miệng cười đánh đàn, rồi lại lắc la lắc lư, nét mặt như thể đang đắm chìm trong tiếng sáo, vừa cười vừa bước ra ngoài.
Tôi bước vào phòng Hồng cô, thấy tỳ nữ đã dọn sẵn bát cơm và bát đũa ra. Hồng cô nhìn thấy tôi liền mắng: “Làm gì vậy? Muội mà còn không vác mặt đến đây ta sẽ tự mình ăn trước đấy, cho muội ăn cơm thừa.”
Tôi vừa rửa tay vừa nói: “Nói chuyện với Lý Nghiên nãy giờ, có hơi dây dưa.”
Hông cô hơi nghiêng đầu như vừa nhớ ra việc gì, lấy khăn tay đưa tôi: “Đúng lúc định nói chuyện với muội về cô ta.”
Tôi cầm chiếc khăn tay lên quan sát kỹ lưỡng, nguyên bản chắc là màu xanh lá tre, nhưng vì dùng lâu nên màu sắc đã bạc đi nhiều, lại thêm chút tình người lắng đọng dưới dòng chảy của tuế nguyệt. Khăn tay của nữ tử bình thường hay thêu thùa hoa cỏ, nhưng hình thêu trên chiếc khăn tay này lại độc đáo sắc sảo lạ thường, thoạt nhìn cứ tưởng chỉ là một nhánh dây leo bám bên vách núi cheo leo, nhưng thật ra đấy là một chữ “Lý” được thêu liền nét, hình như sợi dây leo, yêu mị phong lưu, song nếu nhìn kỹ từng nét mác nét móc, lại thấy sắc bén lạnh lẽo tựa băng sương.
Tôi ngước mặt nghi hoặc nhìn Hồng cô, bà liền giải thích: “Chiếc khăn này do Lý tam lang vô tình nhặt được trong nhà, hắn đưa cho ta, bảo ta hỏi chủ nhân là ai. Trong nhà tuy cũng có cô nương họ Lý khác nữa, nhưng chữ “Lý” đặc biệt thế này thì chỉ có Lý Nghiên thôi. Ta vì không biết muội định làm gì với Lý Nghiên nên không dám nói gì, chỉ nói với Lý tam lang là để ta cầm đi hỏi thăm.”
Tôi cầm chiếc khăn trong tay mân mê không nói gì, Hồng cô đợi một lúc rồi nói tiếp: “Phụ thân của Lý tam lang là Lý Quảng tướng quân, tước vị thuộc hàng Cửu khanh[5], chú là An Lạc hầu Lý Thái càng cao quý hơn, đứng trong hàng Tam Công[6]. Hắn tuy xuất thân hiển hách nhưng hoàn toàn không giống Hoắc đại thiếu gia, không kiêu quá đáng, văn tài võ công đều thuộc hạng xuất chúng. Hiện tại chiến sự Tây Vực thường xuyên xảy ra, tương lai hắn rất có khả năng sẽ được phong hầu bái tướng. Chỉ một chữ “Lý” khiến cho Lý tam lang thất thần rồi, nếu được tận mắt nhìn thấy dung nhan tuyệt sắc và lan tam huệ chất của Lý Nghiên, chỉ sợ cả hồn phách cũng bị cô ta hút đi mất. Đối với Lý Nghiên, chẳng còn con đường nào tốt hơn là gả vào Lý gia đâu.” Hồng cô lắc đầu cười, “Thật ra nữ tử như Lý Nghiên thế gian khó tìm, cô ta mà chịu bộc lộ nhan sắc với người đàn ông nào, thì thử hỏi ai mà kháng cự nổi chứ?”
[5] Chức quan to nhà Chu thời xưa: Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo, Trung tề, Tư Đồ Tông bá, Tư mã, Tư khấu, Tư không.
[6] Ba chức quan lớn nhất triều đình thời cổ Trung Hoa, gồm Thái sư, Thái phó, Thái bảo.
Tôi vốn định đem chiếc khăn tay cho Lý Nghiên, nghe đến đây liền đổi ý. Tôi cầm khăn tay lên: “Tỷ tìm đại một cô nương nào trong nhà họ Lý, dẫn Lý tam lang đi xem mặt, nói khăn tay của người đó.” Nói rồi tôi cúi xuống ăn cơm. Lý tam lang dám từ nét chữ liên tưởng đến phong thái nét người, khẳng định kỳ vọng rất cao, một khi nhìn thấy cô nương kia chắc chắn sẽ thất vọng mà từ bỏ, như vậy cũng là chuyện tốt với hắn.
Hồng cô ngây ra một lúc, nhìn tôi chăm chú ăn cơm, đoạn lắc lắc đầu thở dài: “Đoán không ra mấy người bọn muội định làm gì nữa, nhìn muội đối xử với Lý Nghiên rõ ràng là muốn nâng đỡ, nhưng tới giờ đến một chút động tĩnh cũng chưa có. Nếu Lý tam lang mà còn chưa được, trong thành Trường An này còn tìm đâu ra người tốt hơn.”
Hồng cô nói xong cầm đũa lên bắt đầu ăn, đột nhiên ngẩng đầu trừng mắt nhìn tôi đầy vẻ kinh hãi, tôi gật đầu, rồi cúi xuống tiếp tục ăn. Hồng cô ngậm cơm trong miệng, ngây người ra hồi lâu rồi mới lẩm bẩm cảm thán: “Hai người bọn muội, hai người bọn muội….”
Dùng cơm xong, tôi và Hồng cô thương lượng về việc kinh doanh của phường hát một lúc, sau đó tôi mới vội vã đi về phòng mình.
Trăng đã treo lơ lửng trên đỉnh cây liễu, Tiều Đào, Tiểu Khiêm vẫn chưa quay về, đang sốt ruột thì thấy Tiểu Khiêm đập cánh hạ xuống bậu cửa sổ. Tôi với tay ra, nó liền đậu vào tay tôi, tôi mỉm cười gỡ mảnh vải buộc ở chân nó, những con chữ li ti như con nhặng:
Tiều Đào lại gây ra họa gì rồi? Sao lại biến thành quạ đen? Bọn muội đánh nhau, ta vô tội lại phải hứng lấy tai ương, hôm nay mặc y phục màu trắng, bị Tiểu Đào đậu lên người, mực trên áo vẫn chưa gặt sạch, vẫn còn vết mờ, bộ này coi như phải bỏ đi rồi, đã thế còn phải giúp nó tắm rửa cho sạch. Hôm qua nói đau họng, đã nghe lời ta sắc thuốc uống chưa?
Tôi cầm lấy tấm vải đã được cắt cẩn thận, nhấc bút viết:
Huynh đừng chiều nó, bây giờ nó chẳng sợ muội gì cả, gây họa xong liền tháo chạy. Họng đã ổn hơn rồi, chỉ là hoàng liên hơi đắng. Lần thứ hai đun thuốc chỉ cho một ít vào thôi.
Viết xong liền cuộn lại buộc vào chân Tiểu Khiêm, giương tay thả nó bay đi.
Đưa mắt nhìn Tiểu Khiêm mất hút trong đêm tối, tôi mới cúi đầu nhìn chiếc bình gốm, hoa kim ngân xòe cánh nổi trên mặt nước, sắc trắng sắc vàng đan xen nhau, dưới ánh đèn đẹp lạ thường. Tôi rót cho mình một cốc, uống vài ngụm rồi lại lấy vải ra viết:
Đọc sách rồi mới biết hoa kim ngân còn có một tên gọi khác là “uyên ương đằng”, lúc hoa nở, đầu tiên chỉ là màu trắng, sau chuyển sang vàng, lúc trắng như ngân, lúc vàng như kim, sắc vàng sắc bạc ánh vào nhau, rực rỡ khôn cùng, cho nên mới được gọi là kim ngân hoa. Lại vì một đài hai hoa, hai nhụy vươn ra ngoài, thành cặp thành đôi, như hình với bóng, giống như nam nữ tương phùng, uyên ương đối vũ, nên được gọi là “uyên ương đằng”… Hôm nay tôi quyết định đưa Lý Nghiên vào cung, chẳng qua chỉ là việc thuận nước đẩy thuyền, tôi có làm hay không cũng chẳng thể cản bước chân nàng ta được, mà nàng ta tâm tư sâu dày như thế đã nói cho tôi biết thân thế, chỉ sợ cũng không để tôi tùy tiện từ chối, nếu kết quả không thể thay đổi chi bằng cứ gán cho nàng ta một chút nhân tình. Hôm nay tôi không hứa hẹn gì với nàng ta cả, nàng ta cũng không ép buộc, có thể thấy thứ nàng ta muốn ở tôi chỉ là một thái độ mà thôi, nhưng tôi đã nhận lời với nàng ấy, vậy thì tự nhiên phải làm đến nơi đến chốn. Kỳ thực, tôi cũng không rõ điều mình sắp làm rốt cuộc có đúng hay không, nhưng cảm tình của tôi với Lý Nghiên rất phức tạp, ngoài kính phục còn có thương hại, có lẽ còn cả cảm giác tự coi thường chính bản thân nữa, đúng như lời một người đã nói, nàng ta thực sự mạnh hơn tôi.
Nhớ lại cái chết của cha, trong lòng tôi chợt thấy chua xót, khó hạ bút viết tiếp, đành đặt bút xuống, lấy chiếc hộp tre dùng đựng những mảng lụa ra, ghi rõ ngày tháng rồi cất mảnh lụa vào trong. Từ lần đầu tiên quyết định ghi chép lại niềm vui nỗi buồn của mình, ngoảnh đi ngoảnh lại giờ đã nhiều đến chừng này rồi.
Thấy Tiểu Khiêm đậu xuống đầu bàn, tôi vội khóa hộp tre cất vào trong tủ, rồi quay lại gỡ mảnh vải lụa cuộn gọn dưới chân Tiểu Khiêm ra:
Hoàng liên hai đồng cân, lá dành dành hai đồng cân rưỡi, kim ngân hoa hai đồng cân rưỡi, sinh cam thảo nửa đồng cân, đun thuốc nhỏ lửa, đợi nước sôi thì dùng. Lượng hoàng liên cho vào đã thấp hết mức rồi, không thể bớt đi được, nếu vẫn thấy đắng thì cho thêm chút mật ong vào. Tiều Đào không muốn quay về, chỉ sợ Tiểu Khiêm cũng muốn sang đây, đi nghỉ sớm đi.
Tôi khẽ vỗ nhẹ đầu Tiểu Khiêm: “Đúng là đồ không có chí khí.” Tiểu Khiêm nghiêng đầu nhìn tôi, tôi vẫy vẫy tay: “Đi tìm con vợ nhỏ xinh đẹp của ngươi đi!” Tiểu Khiêm liền vỗ cánh bay đi luôn.
***
Tôi hướng về Bình Dương công chúa đang ngồi ngay ngắn trên sạp quỳ vái hành lễ, công chúa nhấc tay cho tôi đứng dậy: “Ngươi cố tình sang cầu kiến, có chuyện gì vậy?”
Tôi quỳ dưới đất thưa: “Dân nữ có chuyện muốn thỉnh công chúa chỉ giáo.” Nói xong chỉ im lặng cúi đầu, công chúa cụp mắt nhấp một ngụm trà, vẫy tay bảo bọn tỳ nữ trong phòng lui ra.
“Nói đi!”
“Có một nữ tử dung mạo xinh đẹp hơn dân nữ rất nhiều, vũ điệu rung động lòng người, tâm tư thông tuệ, sở trường âm luật.” Tôi cúi người hồi đáp.
Công chúa cười nói: “Ngươi bây giờ đang nắm trong tay bốn phường hát, trong nhà dĩ nhiên đông đảo mỹ nhân, cô gái nào được ngươi tán dương thế này ắt không phải tầm thường.”
Tôi đáp: “Đấy là em gái Lý Diên Niên, công chúa đã nghe qua tiếng đàn của Lý Diên Niên, tài nghệ chơi đàn của cô ấy tuy không được như anh trai, nhưng cũng không hề tầm thường.”
Công chúa nói: “Nàng ta chỉ cần có được sáu bảy phần của Lý Diên Niên thì cũng đủ sống ở thành Trường An rồi.”
Tôi hồi đáp: “Phải đến tám phần.”
Công chúa hơi gật đầu, im lặng một lúc rồi nói: “Ngươi dẫn nàng đến gặp bổn cung.”
Tôi áp hai tay xuống đất, ngẩng đầu nhìn công chúa nói: “Cầu công chúa cho dân nữ thêm chút thời gian; dân nữ muốn gọt dũa miếng ngọc này cho đến khi hoàn mỹ.”
Công chúa nói: “Ngươi đến bẩm báo bổn cung sớm thế này để làm gì?”
Tôi đáp: “Binh pháp viết: ‘Phù vị chiến nhi miếu toán thắng giả, đắc toán đa dã; vị chiến nhi miếu toán bất dụng giả, đắc toán thiểu đa. Đa toán thắng, thiếu toán bất thắng, nhi huổng ư vô toán hổ!’[7] Những gì dân nữ làm được chỉ là chuẩn bị vũ khí sắc bén, tính toán bố cục thế nào hoàn toàn do công chúa.”
[7] Ý đoạn này là phàm trước khi khai chiến, đoán được thắng là do tính toán đầy đủ. Trước khi khai chiến đoán không thắng là do tính toán không chu đáo. Tính nhiều hơn tính ít, huống hồ không tính gì. Quan sát đủ các mặt đó, ai thắng ai bại có thể đoán trước được.
“Ngươi nói chuyện thẳng thắn, có mấy phần giống với phong cách Hoắc Khứ Bệnh.”
“Công chúa thông minh, sắc sảo, dân nữ không phải nói xa nói gần, giấu giấu diếm diếm, ngược lại còn bị công chúa xem thường.”
Công chúa im lặng một hồi, đoạn nói: “Nghe nói một nửa số tiền mua phường hát của ngươi là đi vay từ các cô nương trong nhà, lập chứng từ có viết trong vòng một năm hoàn trả tiền thì trả lợi tức hai phần, trong vòng hai năm hoàn trả thì lợi tức năm phần.” 
“Dạ phải, dân nữ nhất thời không gom nổi chừng ấy tiền, nhưng cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh cực tốt này, bất đắc dĩ chỉ có thể làm thế.”
Công chúa nói: “Nước cờ bất đắc dĩ của ngươi rất diệu, việc kinh doanh của Lạc Ngọc Phường ngày một tốt đẹp, các cô nương của các phường hát còn lại nhìn thấy sẽ do dự muốn mang ít tiền dành dụm đến cho ngươi, một chữ ‘lợi’ nhanh chóng liên kết một nắm cát rời, quan hệ gắn bó phúc họa cùng chịu, từ nay trở đi họ chỉ có thể một lòng theo ngươi. Tụ được lòng người, thì chuyện gì cũng thành công một nửa rồi. Ngươi về đi! Thấy ngươi hành sự, tin rằng ngươi sẽ không khiến bổn cung thất vọng, bổn cung đợi xem viên mỹ ngọc của ngươi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.