Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Chương 4:




Chúng tôi đang đi ngang một tòa biệt thự ít nhất lần thứ ba rồi, và giờ tôi mới hiểu tại sao Vittorio cho thuyền đi vòng vòng liên tục. Ông Gardner vẫn để mắt chờ ánh đèn ở một cửa sổ duy nhất, và mỗi lần thấy vẫn tối, chúng tôi lại đi thêm vòng nữa. Nhưng lần này cửa sổ tầng ba đã bật sáng, cửa chớp hé mở, từ dưới này chúng tôi có thể nhìn thấy một khoảnh trần nhà với những rầm gỗ tối màu. Ông Gardner ra hiệu cho Vittorio, nhưng anh ta đã dừng chèo và chúng tôi trôi chầm chậm đến khi con thuyền ở ngay dưới cửa sổ.
Ông Gardner đứng dậy, khiến con thuyền lại tròng trành rất đáng sợ, và Vittorio phải nhanh chóng dịch chuyển để giữ thuyền vững. Rồi ông Gardner cất tiếng gọi, hơi khẽ khàng quá: “Lindy! Lindy!” Cuối cùng ông cũng gọi to hơn: “Lindy!”
Có bàn tay đẩy cánh cửa chớp cho mở tung, rồi một dáng người đi ra bao lơn hẹp. Cách đầu chúng tôi một quãng trên tường tòa biệt thự có gắn đèn lồng, nhưng ánh sáng rất yếu, bà Gardner trông chẳng hơn gì một cái bóng. Nhưng tôi cũng thấy bà đã vấn tóc khác với lúc tôi gặp ở quảng trường, có lẽ từ lúc họ dùng bữa tối ngay trước đó.
“Anh đấy à cưng?” bà tì vào thành bao lơn nhìn xuống. “Em tưởng anh đã bị bắt cóc đi đâu rồi. Anh làm em sợ phát khiếp.”
“Đừng ngớ ngẩn, em yêu. Làm sao có chuyện gì được ở một thành phố thế này? Mà đằng nào anh cũng đã để giấy lại cho em.”
“Em không thấy giấy nào cả, cưng à.”
“Anh có để giấy lại. Để em không lo lắng.”
“Nó để đâu, tờ giấy ấy? Nó viết gì?”
“Anh không nhớ nữa, em yêu.” Bây giờ giọng ông có vẻ bực mình. “Chỉ là giấy nhắn bình thường thôi. Em hiểu mà, như kiểu bảo anh đi mua thuốc là hay gì đó.”
“Anh đang ở dưới đó là vì thế à? Đi mua thuốc lá à?”
“Không, em yêu. Đây là chuyện khác. Anh sẽ hát cho em nghe.”
“Có phải đây là chuyện đùa không?”
“Không, em yêu, đây không phải chuyện đùa. Đây là Venice. Ở đây ai cũng làm thế.” Ông khoát tay chỉ tôi và Vittorio, làm như sự có mặt của chúng tôi là đủ chứng tỏ.
“Đứng ngoài này em lạnh lắm, cưng à.”
Ông Gardner thở dài đánh thượt. “Thế thì em ngồi trong phòng nghe cũng được. Đi vào phòng đi, em yêu, thế nào cho thoải mái là được. Chỉ cần cứ để cửa mở là em sẽ nghe được thôi.”
Bà cứ thế nhìn xuống ông một hồi lâu, và ông cứ thế nhìn lên bà, cả hai không ai nói gì. Rồi bà quay vào trong, và ông Gardner trông có vẻ thất vọng, mặc dù chính ông đã khuyên bà như thế. Ông cúi gục đầu và buông tiếng thở dài lần nữa, và tôi có thể đoán ông đang do dự có nên tiếp tục hay không. Thế nên tôi nói:
“Nào, ông Gardner, chúng ta bắt đầu thôi. Hãy bắt đầu ‘By the time I get to Phoenix’.”
Và tôi dạo khe khẽ một đoạn ngắn mở đầu, chưa vào phách, theo kiểu có thể bắt vào bài hát mà cũng có thể dễ dàng tan đi. Tôi cố làm cho tiếng đàn gợi lên nước Mỹ, quán bên đường buồn bã, đường cao tốc rộng dài, và tôi nghĩ lúc ấy tôi cũng nhớ cả về mẹ, về những lần tôi vào phòng thấy mẹ ngồi trên xô pha nhìn chăm chăm bìa đĩa hát có hình một con đường Mỹ, hoặc có khi hình ca sĩ ngồi trên chiếc xe hơi Mỹ. Ý tôi là, tôi cố gắng chơi sao cho nếu mẹ tôi nghe được, bà cũng sẽ nhận ra bài hát đến từ thế giới ấy, thế giới vẽ trên bìa đĩa.
Rồi trước khi tôi nhận ra, trước khi tôi kịp vào một phách đều đặn nào, ông Gardner bắt đầu hát. Tư thế ông đứng, trên chiếc thuyền gondola, khá chênh vênh, khiến tôi chỉ sợ ông có thể mất thăng bằng bất kỳ lúc nào. Nhưng giọng ông vẫn hệt như tôi còn nhớ - dịu dàng, gần như khàn khàn, nhưng với một âm lượng mãnh liệt, như phát ra qua một chiếc micro vô hình. Và cũng như mọi ca sĩ Mỹ tài danh, giọng hát ông có vẻ mệt mỏi, thậm chí có nét lưỡng lự, như thể người đàn ông ấy không quen phơi trần trái tim như thế này. Mọi nghệ sĩ lớn đều như thế.
Chúng tôi đi trọn bài hát ấy, bài hát chỉ gồm lên đường và tiễn biệt. Người đàn ông Mỹ rời bỏ người tình. Anh ta nghĩ đền cô trong lúc đi qua hết thị trấn này đến thị trấn khác, hết lời này sang lời khác, Phoenix, Albuquerque, Oklahoma, cho xe chạy trên con đường dài mẹ tôi sẽ không bao giờ được thấy. Giá mà chúng ta có thể bỏ lại mọi thứ sau lưng như này – tôi đoán chừng mẹ tôi đã nghĩ vậy. Giá mà nỗi buồn cũng được thế này.
Chúng tôi kết thúc bài hát và ông Gardner nói: “Được rồi, giờ chúng ta sang thẳng bài sau. ‘I fall in love too easily’.”
Đây là lần đầu đệm cho ông Gardner, tôi phải mày mò khá nhiều cho khớp, nhưng chúng tôi cũng chơi khá được. Sau câu chuyện ông kể về bài hát này, tôi liên tục nhìn lên khung cửa, nhưng không có dấu hiệu gì của bà Gardner, không bóng người, không tiếng động, không gì cả. Rồi chúng tôi cũng chơi xong, và yên tĩnh cùng bóng tối trùm lên bốn bề. Đâu đó gần đây, tôi nghe có người hàng xóm nào đẩy tung cửa sổ, có lẽ để nghe rõ hơn. Nhưng không có gì từ cửa sổ bà Gardner.
Chúng tôi chơi “One for my baby” thật chậm, gần như không ra phách, rồi tất cả lại trở về yên lặng. Chúng tôi vẫn nhìn lên cửa sổ, rồi cuối cùng, có lẽ phải sau một phút, chúng tôi đã nghe. Tiếng động chỉ vừa đủ nghe, nhưng không thể nhầm được. Bà Gardner trên đó đang khóc.
“Thành công rồi, ông Gardner!” tôi thì thầm. “Thành công rồi. Chúng ta đã chạm tới trái tim bà ấy.”
Nhưng ông Gardner không có vẻ hài lòng. Ông lắc đầu mệt mỏi, ngồi xuống và ra hiệu cho Vittorio. “Đưa chúng tôi qua bên kia. Đã đến lúc tôi vào.”
Khi chiếc thuyền lại bắt đầu đi, tôi nghĩ ông tránh nhìn sang tôi, gần như thể ông xấu hổ vì những gì chúng tôi vừa làm, và tôi bắt đầu nghĩ có thể toàn bộ chuyện này là một trò đùa ác. Cứ như tôi thấy, ba bài hát này đều ám chỉ những điều khủng khiếp đối với bà Gardner. Thế nên tôi cất cây ghi ta đi và ngồi đó, có lẽ hơi ủ rũ, và chúng tôi đi trong tình trạng đó hồi lâu.
Rồi chúng tôi ra đến một đoạn kênh rộng hơn nhiều, và lập tức đã có một chiếc thuyền khách từ phía đối diện vụt qua chúng tôi, tạt sóng dưới con thuyền. Nhưng chúng tôi đã gần tới thềm tòa biệt thự của ông Gardner, và trong khi Vittorio cho thuyền trôi về bến, tôi nói:
“Ông Gardner, ông đã đóng vai trò quan trọng trong tuổi trưởng thành của tôi. Và đêm nay đối với tôi là một đêm đặc biệt. Nếu chúng ra cứ thế chia tay và tôi không bao giờ gặp lại ông, tôi biết từ giờ đến cuối đời tôi sẽ băn khoăn mãi. Thế nên ông Gardner, xin ông nói cho tôi. Vừa rồi bà Gardner khóc là vì bà vui hay vì bà buồn bực?”
Tôi không nghĩ ông sẽ trả lời. Trong ánh sáng mờ mờ, ông chỉ là một bóng dáng gù gù ở mũi thuyền. Nhưng trong lúc Vittorio buộc thuyền lại, ông trả lời lặng lẽ:
“Tôi nghĩ bà ấy vui lòng được nghe tôi hát như vậy. Nhưng bà ấy buồn bực, tất nhiên. Cả hai chúng tôi đều buồn bực. Hai mươi bảy năm là một quãng đường dài và sau chuyến đi này chúng tôi sẽ chia tay. Đây là lần cuối cùng chúng tôi đi cùng nhau.”
“Thật đáng tiếc phải nghe điều này, ông Gardner ạ,” tôi nhẹ nhàng nói. “Tôi nghĩ rất nhiều cuộc hôn nhân cuối cùng sẽ kết thúc, kể cả là sau hai mươi bảy năm. Nhưng ít nhất hai người cũng có thể chia tay như thế này. Trong kỳ nghỉ ở Venice. Sau bài hát từ chiếc gondola. Không có nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau mà vẫn giữ được lịch sự như thế.”
“Nhưng có gì đâu mà không lịch sự? Chúng tôi vẫn còn yêu nhau. Vì thế bà ấy mới khóc trong phòng. Bởi bà ấy vẫn còn yêu tôi nhiều như tôi vẫn yêu bà ấy.”
Vittorio đã bước lên bến tàu, nhưng ông Gardner và tôi vẫn ngồi trong bóng tối. Tôi chờ ông nói gì thêm, và tất nhiên, chỉ sau một lúc, ông nói tiếp:
“Tôi đã nói với anh, lần đầu nhìn thấy Lindy tôi đã yêu bà ấy. Nhưng hồi ấy bà ấy có yêu tôi không? Tôi rất ngờ có bao giờ bà ấy tự hỏi mình điều đó. Tôi là một ngôi sao, thế là đủ với bà ấy. Tôi là đối tượng bà ấy đã mơ, đã đặt quyết tâm giành được từ quán ăn ngày nào. Yêu hay không yêu tôi không phải là câu hỏi. Nhưng hai mươi bảy năm hôn nhân có những tác động lạ lùng. Có rất nhiều đôi, bắt đầu thì yêu nhau, rồi dần dần chán nhau, cuối cùng xoay ra ghét nhau. Nhưng cũng có lúc ngược lại. Phải mất vài năm, nhưng từng chút một Lindy bắt đầu yêu tôi. Ban đầu tôi không dám tin điều đó, nhưng đến một lúc không thể không tin được nữa. Bàn tay chạm khẽ vào vai tôi khi đứng dậy từ bàn ăn. Nụ cười ngồ ngộ từ đầu kia phòng khi không có chuyện gì đáng cười, chỉ là bà ấy quản quanh. Tôi nghĩ bà ấy cũng ngạc nhiên chẳng kém, nhưng sự tình là thế. Sau năm hay sáu năm, chúng tôi thấy mình đã hoàn toàn thoải mái với nhau. Thấy mình lo lắng cho nhau, quan tâm đến nhau. Tôi đã nói, chúng tôi đã yêu nhau. Và chúng tôi vẫn còn yêu nhau đến bây giờ.”
“Tôi không hiểu, thưa ông Gardner. Vậy tại sao ông và bà Gardner lại chia tay?”
Ông lại thêm một tiếng thở dài. “Làm thế nào anh hiểu, anh bạn trẻ, với những kinh nghiệm của anh? Nhưng đêm nay anh đã rất tốt với tôi, nên tôi sẽ thử giải thích cho anh. Sự tình là, tôi không còn là tên tuổi lừng lẫy ngày xưa nữa. Anh cứ việc phản đối, nhưng ở cái nơi của tôi, không cách nào tránh được chuyện đó. Tôi không còn là người tên tuổi. Giờ một là tôi có thể chỉ việc chấp nhận và cứ thế mờ đi. Sống bằng hào quang quá khứ. Hoặc tôi có thể nói, không, tôi chưa phải đã bỏ đi. Nói cách khác, anh bạn ạ, tôi có thể làm một cú quay lại. Hàng chục người đã làm thế từ vị trí tôi hiện giờ hoặc thậm chí thấp hơn. Nhưng quay lại không phải chuyện dễ dàng. Anh phải sẵn sàng thực hiện rất nhiều thay đổi, kể cả những thay đổi khó khăn. Anh thay đổi con người anh. Anh thay đổi cả một vài thứ anh yêu.”
“Ông Gardner, ý ông là hai người phải chia tay để ông làm cái việc quay lại này?”
“Anh cứ nhìn những người kia, những người quay lại thành công. Nhìn những người từ thế hệ tôi vẫn còn trụ lại. Tất cả không trừ một ai, họ đều cưới vợ mới. Hai lần, có người ba lần. Không trừ một ai, ôm vợ trẻ trong tay. Tôi với Lindy sẽ chỉ thành trò cười. Thêm nữa, có một cô gái tôi đã để ý từ lâu, và cô ấy cũng để ý tôi. Lindy hiểu rõ luật chơi. Bà ấy biết điều ấy trước tôi từ lâu, có thể thậm chí từ những ngày ở quán ăn nghe Meg nói chuyện. Chúng tôi đã bàn bạc xong. Bà ấy hiểu bây giờ là lúc ai đi đường nấy.”
“Tôi vẫn không hiểu, ông Gardner. Cái nơi của ông và bà Gardner không thể khác biệt đến thế với mọi nơi khác được. Đấy là vì sao, thưa ông, đấy là vì sao những bài hát của ông từ bao nhiêu năm nay, chúng làm rung động lòng người khắp mọi nơi. Kể cả nơi tôi từng sống. Mà những bài hát ấy nói gì? Rằng nếu hai con người không yêu nhau nữa và họ phải chia tay, như thế thật buồn. Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục yêu nhau, họ cần phải ở với nhau trọn đời. Mọi bài hát của ông đều nói như thế.”
“Tôi hiểu anh nói gì, anh bạn. Và chuyện này có vẻ tàn nhẫn với anh, tôi hiểu. Nhưng đời là như thế. Và nghe tôi, đây cũng là vì Lindy nữa. Bà ấy sẽ được lợi nhất nếu chúng tôi làm thế lúc này. Bà ấy còn lâu mới đến lúc già. Anh nhìn thấy rồi đấy, bà ấy vẫn còn rất đẹp. Bà ấy cần thoát ra bây giờ, trong khi còn đủ thời gian. Đủ để lại có tình yêu, có một cuộc hôn nhân mới. Bà ấy cần thoát ra trước khi quá muộn.”
Tôi không biết mình phải trả lời thế nào, nhưng rồi ông khiến tôi bất ngờ khi nói: “Mẹ của anh. Tôi nghĩ bà ấy không bao giờ thoát ra được.”
Tôi ngẫm nghĩ, rồi lặng lẽ đáp: “Không, thưa ông Gardner. Mẹ tôi không bao giờ thoát ra được. Mẹ không sống được đến lúc chứng kiến những thay đổi trên đất nước tôi.”
“Thật đáng buồn. Tôi nghĩ bà ấy hẳn là một người rất tốt. Nếu anh đã kể sự thực, và những bài hát của tôi giúp bà vui, điều ấy với tôi có ý nghĩa rất nhiều. Thật đáng buồn là bà không thoát ra được. Tôi không muốn điều đó xảy ra với Lindy của tôi. Không đời nào. Không phải với Lindy của tôi. Tôi muốn Lindy của tôi thoát ra được.”
Chiếc gondola dập dềnh va nhẹ vào cầu tàu. Vittorio khẽ lên tiếng gọi, chìa tay, và sau vài giây ông Gardner đã đứng được dậy và trèo ra. Đến lúc tôi cùng cây đàn cũng trèo ra được – tôi sẽ không đời nào xin xỏ Vittorio chở đi miễn phí – thì ông Gardner đã rút ví ra.
Vittorio có vẻ hài lòng với khoản tiền nhận được, và sau những cử chỉ và lời nói văn hoa thường lệ, anh ta trở lại thuyền và dong đi dọc kênh.
Chúng tôi nhìn anh ta biến vào bóng tối, rồi trong chớp mắt, ông Gardner đã dúi một xấp tiền vào tay tôi. Tôi bảo ông từng này là quá nhiều, và đằng nào được làm việc này cũng đã là một ân huệ lớn đối với tôi, nhưng ông nhất định không chịu rút lại.
“Không được, không được,” ông nói, khua khua tay trước mặt, như thể ông muốn cắt đứt, không phải chỉ chuyện tiền bạc, mà cả tôi, buổi tối nay, có thể cả phần đời ấy. Ông bắt đầu bước đi về phía tòa biệt thự, nhưng mới vài bước ông đã dừng mà quay lại nhìn tôi. Con phố nhỏ xung quanh, dòng kênh, tất cả giờ đây yên lặng, chỉ có tiếng ti vi đâu đó xa xa.
“Tối nay anh chơi hay lắm, anh bạn,” ông nói. “Anh có một nét riêng.”
“Cám ơn ông Gardner. Ông hát rất tuyệt vời. Luôn luôn tuyệt vời.”
“Có thể tôi sẽ quay lại quảng trường trước khi chúng tôi đi. Nghe anh chơi cùng ban nhạc lần nữa.”
“Tôi mong được thế, thưa ông Gardner.”
Nhưng tôi không bao giờ gặp lại ông. Tôi nghe tin vài tháng sau, khi thu tới, rằng ông bà Gardner đã ly dị - một hầu bàn quán Florian đọc được đâu đó nói với tôi. Buổi tối hôm ấy lại quay về trong tôi, khiến tôi hơi buồn khi nghĩ lại mọi chuyện. Bởi ông Gardner có vẻ là một người đứng đắn ra trò, và cho dù anh nghĩ về chuyện đó ra sao, có quay lại hay chẳng, ông vẫn là một trong các thiên tài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.